Song Chi: Chị Tuyết Nga–Trên đời này có sự khổ nhục, bất hạnh nào mà người phụ nữ ấy chưa từng trải qua?

Mỗi lần buồn rầu, tuyệt vọng, chị Tuyết Nga cứ tự hỏi, tại sao cuộc đời mình lại quá nhiều bất hạnh? Tại sao ông Trời bất công, có bao nhiêu kẻ ác thì lại sướng cả đời, còn chị có làm gì hại ai đâu mà phải chịu số phận bi đát này? Nghĩ tới nghĩ lui chị cũng ngẫm ra, nếu như không có biến cố ngày 30/4/1975 thì gia đình chị đâu phải bỏ thành phố đi về vùng kinh tế mới xa xôi, rồi mẹ chị, anh chị vì vậy mà chết bỏ chị lại một mình bơ vơ, từ đó cuộc đời chị mới đầy tai ương, bất hạnh như vậy.

Nhưng có những lúc chị lại nghĩ tới lời một nhà sư người Thái gốc Việt từng khuyên nhủ mình ráng bình tâm sống và tự an ủi:- Nếu kiếp này phải sống để trả cho hết nợ thì buồn nhiều, nghĩ nhiều cũng chẳng để làm gì, phải, cứ cố gắng bình tâm mà sống….

*******

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga sinh ngày 30/4/1970 tại Sài Gòn. Cha chị là lính nhảy dù của quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), đã tử trận trong những chiến dịch dữ dội mùa hè đỏ lửa 1972. Mẹ chị có nghề làm bánh mứt, đủ các loại bánh in, mứt thèo lèo, bánh Trung Thu… rồi bỏ mối cho khách.  Tuyết Nga có một người anh lớn hơn 5 tuổi, tên là Ngọc Vinh.

Sau khi chồng tử trận, mẹ chị ở vậy, tiếp tục cái nghề làm bánh nuôi con. 

Rồi biến cố lịch sử 30/4/1975 xảy ra. Khi đó Tuyết Nga mới đến tuổi đi học mẫu giáo. 

Chỉ một thời gian ngắn sau nhà chị có những người khách là bộ đội vô xin ở tạm mấy tháng. Vì nhà chị hồi đó khá rộng rãi, có mấy phòng cho những người thợ làm bánh khác ở. Rồi sau đó một ngày vào cuối năm 1975 mẹ Tuyết Nga đưa hai con đi kinh tế mới. Tuyết Nga còn nhớ khi đó chị hỏi mẹ: – Sao cả nhà phải đi, sao mình không ở nhà cũ của mình? 

Mẹ chị trả lời: – Nhà mình bị người ta chiếm, người ta cướp rồi, nên bây giờ mình phải đi kinh tế mới.

Ai ở miền Nam những năm sau 30/4/1975 chắc cũng còn nhớ chính sách lùa dân miền Nam đi “kinh tế mới” của nhà nước cộng sản để chiếm nhà của dân ra sao. Có nghĩa là nhà nước cộng sản tìm cách vận động, thuyết phục, kể cả cưỡng bức người dân miền Nam, nhất là những thành phần bị coi là con em gia đình “Mỹ ngụy”, trí thức tiểu tư sản, tư sản… rời bỏ Sài Gòn và những thành phố lớn để đi tới những vùng sâu vùng xa, khai hoang, làm ruộng làm vườn. Để dụ dỗ người dân, nhà nước hứa hẹn cấp đất, miễn thuế, cấp phát gạo trong mấy năm đầu, đủ thứ. Không hiếm người nghe theo bỏ nhà bỏ cửa, kéo cả gia đình đi lên những vùng đất mới, nhưng chỉ sau một thời gian hầu hết chịu không nổi vì cơ sở hạ tầng vật chất ở những nơi này chưa có gì cả, sinh hoạt thiếu thốn khổ sở, lao động vất vả nặng nhọc…Nhưng khi họ bỏ về thành phố trở lại thì nhà cửa đã bị nhà nước chiếm dụng, làm cơ sở nọ kia hoặc phân phối cho các cán bộ, “gia đình cách mạng” từ ngoài Trung, ngoài Bắc vào, có nộp đơn xin lấy lại nhà thì cũng lằng nhằng nhiều năm chưa chắc đã lấy lại được. Có nhiều gia đình trở thành vô gia cư, vô nhà cửa, phải ra lề đường, sống vất vưởng. 

Mẹ Tuyết Nga đưa hai con xuống vùng kinh tế mới ở Mộc Hóa-Long An. Đang từ nhà xây ở thành phố, có điện nước tiện nghi đầy đủ, bây giờ về vùng sâu vùng xa, ở nhà lá, điện nước, mọi thứ không có. Chưa được bao lâu một hôm mẹ Tuyết Nga vô rừng tràm đốn củi bị ngã xuống sông chết đuối. Một thời gian ngắn sau anh trai của Tuyết Nga cũng bị sốt xuất huyết chết. Cả hai đều chết trong năm 1976.

Như vậy là cô bé Tuyết Nga còn lại một mình trên đời, khi mới 6 tuổi. Cả hai lần đều nhờ có những người hàng xóm chung quanh xúm vào phụ giúp chôn cất. Chưa đủ lớn khôn để hiểu biết, cô bé Tuyết Nga không khóc khi mẹ mất rồi anh mất. Có ai hỏi sao mẹ mày mất, anh mày mất mà mày không khóc? Cô bé Tuyết Nga lại ngây ngô trả lời: – Có ai đánh tui đau đâu mà tui khóc.

Còn lại một mình, cô bé Tuyết Nga sợ không dám ở một mình trong nhà, mỗi nhà lại cách nhau cả quãng, mấy ngày sau cô bé lội qua con sông gần nhà lên bờ bên kia đi bộ lúc thúc lên tỉnh Mộc Hóa tìm mấy chỗ người ta cúng Tam Tai để thức ăn trước cửa nhà, lấy ăn, rồi vô trong chợ thấy cái gì người ta vứt đi mà còn ăn được thì lượm ăn. Tối về lại ngủ ngay tại mấy cái sạp ngoài chợ. 

Cô bé Tuyết Nga sống như vậy được mấy tháng trời thì gặp vợ của một người bạn của cha mình đi chợ nhìn thấy, hỏi han rồi dắt về nhà. Người bạn đó là chú Năm Lành, cũng là lính VNCH, nhưng trốn không đi “học tập cải tạo” nên đưa gia đình về vùng “kinh tế mới” sinh sống. Hai vợ chồng có 3 đứa con. Thấy hoàn cảnh của cô bé Tuyết Nga, hai vợ chồng liền nhận nuôi dưỡng cô bé. Tuyết Nga ở với gia đình chú Năm Lành cho đến năm 10 tuổi. Nhưng cuộc sống của gia đình chú Năm Lành cũng không được yên ổn, chính quyền địa phương thường xuyên “mời” lên xã “làm việc”, truy vấn lý lịch đủ thứ. Tuyết Nga nhớ có lần chú Năm Lành đi lên xã “làm việc” về, mặt mũi  bị đánh tím bầm. Đêm đó hai vợ chồng nằm nói chuyện bàn bạc rì rầm cả đêm. Hôm sau chú Năm Lành kêu Tuyết Nga tới nói:

  • Nhắm chừng sống ở đây không yên, chú thiếm tính đi qua Miên (tức Campuchia). Con có muốn đi theo không?

Tuyết Nga trả lời: 

  • Con muốn.

Vậy là vợ chồng chú Năm Lành, 3 đứa con cộng thêm cô bé Tuyết Nga dắt díu nhau tìm đường vượt biên sang Campuchia. Đó là năm 1980.

Khi đến được Campuchia, cả nhà nay ở chỗ này mai ở chỗ khác, mỗi nơi chừng 7, 8 tháng lại dọn đi vì sợ bị lộ tung tích. Đến năm 1985 cả nhà dọn lên Kompongsom mua căn nhà lá chỉ có 5 phân vàng, mở quán cơm, cà phê. 

Năm 1987. Thời gian này vẫn còn nhiều người Việt tìm cách vượt biên, tuần nào cũng có người chờ ghe tàu đi. Tuyết Nga thường lãnh phần mang cơm quán ra cho những người đang chờ đi vượt biên. Lần đầu tiên Tuyết Nga gặp chị Thu Hương – người sẽ sống cùng Tuyết Nga sau này, là khi Tuyết Nga mang cơm cho mọi người, trong đó có chị Thu Hương. Tuyết Nga nói mọi người ghi tên vào sổ để đem về nhà đưa cho chú Năm Lành biết ai mua gì. Có mấy người trong đó có chị Thu Hương nổi giận hỏi người ta đang trốn đi vượt biên mà biểu ghi tên, sao phải ghi tên, sao mày không ghi đi. Chị Thu Hương còn đòi đánh Tuyết Nga. Tuyết Nga nói tại vì mình không biết chữ. Kỷ niệm lần đầu hai chị em gặp nhau là như vậy.

Rồi chị Thu Hương cũng đi thoát. 

Một hôm hai vợ chồng chú Năm Lành nói với Tuyết Nga là cả nhà đi có việc vài bữa về và dặn Tuyết Nga ở nhà trông coi quán ăn cho đàng hoàng. Mấy ngày qua đi cũng không thấy chú thiếm Năm Lành và mấy đứa trở về, Tuyết Nga bắt đầu lo lắng. Tuyết Nga đi tìm một người đàn ông người Thái vẫn thường hay nói chuyện với chú Năm Lành để hỏi tin tức. Thấy Tuyết Nga, người đàn ông này hỏi: 

  • Sao gia đình mày vượt biên hết mà mày không đi?

Tuyết Nga ngơ ngác vặn hỏi thì ông ta nói cả nhà chú Năm Lành đã vượt biên hết rồi và lại căn vặn sao gia đình đi mà Tuyết Nga không đi. Tuyết Nga nói thật mình không phải là con ruột, chỉ là con của một người bạn đã mất của chú Năm Lành.

Biết cả nhà chú Năm Lành đã đi, Tuyết Nga buồn nhưng nghĩ chắc vì không có đủ tiền nên chú thiếm mới bỏ mình ở lại. Người đàn ông thấy tội nghiệp bảo: – Thôi mày ở lại chỗ tao rồi tao kiếm đường cho mày vượt biên luôn, chứ mày con gái một thân một mình nếu gặp tụi lính Campuchia là nó hãm hiếp à. Tuyết Nga nói mình không có tiền, người đàn ông nói nếu mày đi được thì để cái nhà lại cho tao.

Về sau này Tuyết Nga cũng nhiều lần lên mạng cố gắng tìm kiếm tụng tích gia đình chú thiếm Năm Lành và ba người con là Tí, Bé Tì, bé Hồng nhưng không thấy. Không biết gia đình chú có đi thoát hay đã bỏ xác ngoài khơi.

Người đàn ông giữ lời, sắp xếp được một chuyến đi vượt biển cho Tuyết Nga. Mọi người xuống ghe, không đủ chỗ để nằm mà chỉ ngồi. Từ ghe chuyển qua tàu lớn. Trên tàu đàn ông có khoảng mười mấy người, đàn bà con gái kể cả Tuyết Nga là 8 người-trong đó người lớn tuổi nhất là 30 tuổi, còn lại sàn sàn nhau từ 17-20 tuổi. Xui rủi làm sao tàu đi tới một cái đảo, cặp vào đó thì chỉ toàn bọn lính, khoảng ba mươi mấy tên, chị cũng không rõ đó là lính Khơ Me Đỏ hay lính Thái. Chúng giết sạch đàn ông, chừa lại đàn bà con gái để làm “nô lệ tình dục” cho chúng.

Khoảng một năm mấy sau thì Tuyết Nga có thai, nhưng chị không biết. Đúng lúc đó bọn lính đưa Tuyết Nga và những phụ nữ khác xuống tàu chở qua đảo Kok Kong bán vô “nhà chứa”. Hai vợ chồng chủ nhà chứa là người Việt nhưng biết tiếng Miên, tiếng Thái. Phải đến 40 cô gái trong nhà chứa, có người Việt, người Miên, người Thái đủ cả. 

Được mấy ngày thì ông bà chủ phát hiện ra Tuyết Nga có thai, vặn hỏi thì Tuyết Nga không biết, bà chủ mời y sĩ tới khám thì Tuyết Nga đã có thai mấy tháng. Bà chủ bảo phá thai nhưng Tuyết Nga không chịu, cuối cùng bà chủ đành không để cho Tuyết Nga tiếp khách mà cho phụ giặt đồ, rửa chén cho tới ngày sanh. Tới ngày, Tuyết Nga sanh được một đứa con gái, đặt tên Nguyễn Thị Bé Thảo. Đó là năm 1989.

Khi sanh con được mấy ngày bà chủ định mang đứa bé đi. Tuyết Nga khóc lóc, cuối cùng bà chủ đành phải đồng ý để đứa bé lại nhưng Tuyết Nga phải “đi làm” để trả nợ. Từ đó Tuyết Nga phải làm gái để có tiền sống và để được phép giữ con, nuôi con.

Năm 1992. Buồn vì vợ chồng ông bà chủ cứ đòi bắt con, Tuyết Nga thường hay tâm sự với một cặp vợ chồng người Tàu biết tiếng Việt, nhà ở phía đối diện. Hôm đó Tuyết Nga khóc với hai vợ chồng cũng vì chuyện người ta đòi bắt con. Nghĩ tội nghiệp tình cảnh của Tuyết Nga, hai vợ chồng giúp cho 2 chỉ vàng để đi vượt biên sang Thái.

Đến bây giờ Tuyết Nga vẫn nghĩ hai vợ chồng tử tế, có lòng muốn giúp mình nhưng lại nhờ trúng người xấu nên họ gạt Tuyết Nga.

Đến ngày đến giờ, ban đêm Tuyết Nga ẵm con cùng với một người con gái, một người đàn ông đứng tuổi cùng đi trên chiếc bo-bo vào sâu bên trong sát biên giới, có cái chòi bằng lá. Người dẫn đường bảo họ vô cái chòi nằm chờ. Người đàn ông với bé Thảo–con Tuyết Nga nằm trong chòi, còn Tuyết Nga và cô gái kia ngồi ngoài chờ. Đến hừng sáng nhìn thấy một người đàn ông mặc quần sọc, áo sơ-mi, đội nón lá, tay cầm một cái xô đi tới. Cả hai mừng quá tưởng là người tới đưa đi nên đứng cả dậy đón, không ngờ ông ta tạt cả xô acid vào mặt, vào người hai người phụ nữ. Đau quá, xót quá cả hai hét lên. Từ trong nhà người đàn ông đi cùng nghe la chạy ra thấy vậy cũng hét lên. Còn kẻ tạt acid thì đã bỏ chạy.

Hai vợ chồng người Thái đi chợ ngang nghe tiếng la thét liển gọi điện cho cảnh sát, cảnh sát gọi xe cứu thương chở cả hai vào bệnh viện. Cô gái kia bị nặng hơn, vào bệnh viện hôm trước thì hôm sau qua đời. 

Ngày hôm sau khi Tuyết Nga tỉnh dậy, có một cặp vợ chồng người Việt vô thăm. Họ nói họ đi vượt biên qua Thái Lan rồi ở lại đây nhiều năm nay, biết được câu chuyện của Tuyết Nga (có lẽ nghe qua lời bàn tán, truyền miệng của mọi người trong vùng) nên tới thăm. Chính họ cho Tuyết Nga hay chị bị tạt acid vì chị không biết, cứ nghĩ mình bị tạt nước sôi sao đau quá, sao mắt bị băng kín, cũng chính họ cho hay cô gái cùng bị tạt acid kia đã chết. 

Rồi ngày nào hai vợ chồng cũng tới, họ nói với Tuyết Nga để họ nhận lãnh chăm sóc con gái Tuyết Nga cho tới khi chị khỏe sẽ trả lại. Tuyết Nga cũng đảnh đồng ý vì hoàn cảnh mình như vậy. Tuyết Nga chỉ biết người chồng tên là Vũ. Cả hai nói chuyện với Tuyết Nga rất nhiều, họ dụ: Bây giờ mày không còn ai thân thích, mày nằm trong bệnh viện không giấy tờ là dân nhập cư bất hợp pháp, tới ngày xuất viện người ta sẽ trả mày về xứ Miên rồi mày làm gì để nuôi con. Mày nghe lời tụi tao để giúp đỡ cuộc đời con mày. Họ cũng nói năm nay là năm 92 rồi, các trại tỵ nạn ở Thái đóng cửa rồi, giờ chỉ còn bên Mã Lai. Trường hợp mày như vậy Cao Ủy (ý nói Cao Ủy Liên Hiệp Quốc-tác giả) chắc chắn sẽ xét cho đi nước thứ ba. 

Nghĩ đi nghĩ lại Tuyết Nga đồng ý đi Mã Lai. Đến giờ đã hẹn vào buổi tối Tuyết Nga thay quần áo, trùm khăn (do hai vợ chồng đưa trước đó) che kín mặt, lúc đó một bên mắt Tuyết Nga vẫn còn nhìn thấy lờ mờ, chị lén đi ra cửa sau đã thấy có người lái xe ôm đợi sẵn chở về nhà hai vợ chồng ông Vũ. Tuyết Nga được gặp lại con ở đó. Được hai mươi mấy ngày, Tuyết Nga nhớ lúc đó là bước qua năm 1993 hai vợ chồng nói đưa Tuyết Nga và con đi qua Mã Lai. Đi đường rừng, lội suối một hồi đến một nơi cả hai bảo Tuyết Nga ngồi đó chờ. Một lúc thì có người tới chở đi. Tuyết Nga tưởng sẽ được đưa tới trại tỵ nạn. Không ngờ họ đưa vô rừng ở tạm trong một căn nhà gỗ, chính xác là nhà sàn. Ở đó cũng có mấy người đàn ông, đàn bà nhưng Tuyết Nga không nói chuyện với ai. Nửa tháng sau có một người đàn ông còn trẻ, hình như là người Tàu nhưng nói được tiếng Việt, tới thảy ra bộ đồ rách nát, kêu Tuyết Nga thay đồ đi kiếm tiền. Đến lúc đó Tuyết Nga mới biết là không phải được đưa vô trại tỵ nạn mà đi ăn xin. Chị không chịu đi, khóc lóc. 

Anh ta bỏ đi mấy ngày sau lại quay lại, Tuyết Nga vẫn không chịu, anh ta nổi giận đá vô mặt Tuyết Nga khiến đầu chị đập vào tường, máu ra lênh láng. Tuyết Nga ngất đi. Một tuần sau khi chị đã hơi lại sức, anh ta và mấy người nữa lại tới, hết dụ dỗ lại dọa nạt, khiêng chị bỏ vô rừng trói lai hăm sẽ để cho chị chết đói chết khát trong rừng, khiến chị hết sức sợ hãi. Rồi họ tới bắt con Tuyết Nga đi và bắt Tuyết Nga phải đi ăn xin. Khi Tuyết Nga khóc lóc thì họ nói hai vợ chồng ông Vũ đã bán hai mẹ con cho họ, vì Tuyết Nga nợ tiền ông Vũ mà không trả. Tuyết Nga đành phải đi ăn xin. 

Mấy tháng trời như vậy họ chỉ cho bé Thảo tới gặp Tuyết Nga được hai lần. Sau đó cũng người đàn ông này nói ông chủ bà chủ người Tàu–ông chồng nghe người ta gọi là ông Tỷ–giữ nuôi luôn rồi. Tuyết Nga lại vật vã khóc. Họ bảo cứ đi xin tiền chừng nào trả hết nợ thì họ trả con lại. Tuyết Nga nói cho tôi biết số nợ là bao nhiêu. Họ chỉ nói cứ đi xin đi, chừng nào đủ là trả con lại. Tuyết Nga khóc nghĩ vậy là mình mất con rồi. Khi còn nằm trong bệnh viện bác sĩ từng nói với Tuyết Nga con mắt chị giờ yếu lắm, khóc nhiều là mù. Những ngày này vì khóc nhiều quá Tuyết Nga bị mù luôn con mắt còn lại. Buồn quá Tuyết Nga nghĩ đến chuyện tự tử. Chị nói với họ tôi bị mất ngủ, cho tôi thuốc uống để dễ ngủ. Khi họ đưa thuốc ngủ, Tuyết Nga để dành tới khi được một mớ chị uống hết để tự tử. Họ phát hiện ra đưa Tuyết Nga vào bệnh viện xúc ruột. Kể từ đó trở đi dù Tuyết Nga xin thuốc gì, đau ốm ra sao họ cũng không cho chị viên thuốc nào nữa. Tuyết Nga lại nghĩ đến chuyện nhảy xe hơi để tự tử. Khi taxi chở chị ra phố để đi xin ăn, chị lần mở cửa xe nhảy đại xuống đường, đập đầu xuống đất ngất đi nhưng vẫn không chết. Tuyết Nga từ bỏ luôn ý định tự tử.

Cứ ngày ngày xe chở chị ra những khu đông người, ngồi xin tiền người qua lại, còn những kẻ chăn dắt ngồi xa cách một quãng, khi nào chị muốn đi vệ sinh hay cần gì thì cứ giơ tay làm những ám hiệu chúng dặn sẵn, chúng đến dẫn chị đi. Có mấy lần chị bị cảnh sát bắt rồi thả, bắt riết cảnh sát cũng quen mặt chị luôn.

4 năm trời ròng rã nhục nhằn trôi qua. Họ dời qua chỗ khác. Lần này ở trong một chung cư, phải đi thang máy lên tầng thứ 20. Ở thành phố tên gì chị cũng không rõ. Hàng ngày Tuyết Nga lại tiếp tục đi xin ăn. Hai vợ chồng ông Tỷ “chăn” nhiều người đi ăn xin như vậy-có người già, người tàn tật, nhưng mỗi người ở riêng phòng hẹp có ngăn vách, không ai nói chuyện với ai. Thật ra thì họ không cho chị nói chuyện với những người khác, nhưng chị cũng chẳng muốn chuyện trò với ai, ngoại trừ hai chị nấu bếp người Việt tên Hồng và Vân. Cả hai cũng đi vượt biên không lọt, bị bán cho ông Tỷ nhưng vì đứng tuổi và không có tật gì nên không bị bắt đi ăn xin, chỉ làm việc nhà. Sáng, chiều hai người thay nhau đưa cơm cho Tuyết Nga ăn trước khi “đi làm” và sau khi về. 

Một buổi tối năm 2002 khi Tuyết Nga đi xin về, thì có chuyện xảy ra. Ông Tỷ bị “xã hội đen” đâm chết, bà vợ cũng bị chém không biết sống chết ra sao, hai chị đầu bếp rủ Tuyết Nga bỏ trốn qua Thái Lan. Lúc đầu Tuyết Nga không chịu, chị muốn ở lại để tìm con. Nhưng hai người thuyết phục nói nên trốn đi, rồi sau sang đó tìm con sau. Tuyết Nga xuôi lòng. 

Qua Thái Lan, ở một tỉnh sát biên giới Thái Lan-Mã Lai. Ba người thuê chỗ trọ ở chung với nhau. Lúc này Thúy Nga lại tình nguyện đi ăn xin để kiếm tiền, còn hai người kia lớn tuổi ở nhà. Sau đó một thời gian chị Vân quay trở về Việt Nam, chỉ còn chị Hồng ở lại. Thời gian này làm có tiền Tuyết Nga dành dụm đưa cho một người phụ nữ tên là Muội, thường xuyên qua lại biên giới hai nước Mã Lai-Thái Lan làm ăn buôn bán, nhờ bà ta tìm giùm con mình. Lần thứ nhất bà ta đi rồi quay lại nói tìm không được. Lần thứ hai không biết sao bà ta đi luôn không trở lại, mang luôn cái ảnh duy nhất chụp lúc Bé Thảo mới 3 tuổi của chị. Vậy là chị không còn hình ảnh, thông tin gì của con gái nữa.

Được mấy năm chị Hồng bị tiểu đường, máu nhồi cơ tim chết. Tuyết Nga lọt vào tay “bọn xấu”, bị bán qua bán lại hết người này đến người kia, bị bóc lột sức lao động. Có những ngày chị bị bệnh xin nghỉ cũng bị chủ kêu đệ tử lôi vô buồng tắm đánh. Một năm mấy lượt chị bị bán đi bán lại như trái banh bị đá từ chân người này sang chân người khác. Buồn cho số phận, tối nào Tuyết Nga cũng mua thuốc ngủ uống để khỏi suy nghĩ.

Cứ mỗi lần ra chợ xin tiền, ai cho tiền là nước mắt Tuyết Nga lại chảy ròng ròng vì tủi thân, muốn chết cũng không được mà sống thì quá khổ.

Có lần đi xin ở gần chùa, Tuyết Nga lần mò vào chùa. Một ông sư, có lẽ là người Thái gốc Việt, thấy Tuyêt Nga khóc ông an ủi: – Con đừng khóc. Con còn sống là tốt rồi. Bao nhiêu người muốn sống mà không được. Cái nghiệp của con, con phải trả, Con tự vận nếu chết mà nghiệp chưa trả xong thì kiếp sau lại phải trả nữa.

Kể từ đó Tuyết Nga không còn nghĩ tới chuyện tự tử cũng không than khóc nữa. 

Năm 2014 Tuyết Nga gặp lại chị Thu Hương. Lúc đó là gần Tết, chị Thu Hương đi ngang qua thấy Tuyết Nga ngồi ăn xin, liền bỏ vào tay 100 baht và nói: – Tôi cho bà 100 baht, chúc bà khỏe mạnh nha. Nghe tiếng Việt, Tuyết Nga chụp tay hỏi: – Chị là người Việt hả? Chị Thu Hương trả lời: – Tôi là người Việt. Tuyết Nga: – Tui cũng người Việt. 

Mấy ngày sau khi Tuyết Nga đang ở nhà, ngồi lọ mọ ăn cơm một mình thì chị Thu Hương đi nhà thờ ngang qua nhà Tuyết Nga. Nhìn thấy Tuyết Nga, nhận ra đây là người phụ nữ với gương mặt bị tạt acid hôm qua, chị Thu Hương bước vào hỏi chuyện. Tình bạn giữa hai người bắt đầu từ đó. Cho tới một ngày Tuyết Nga nói với chị Thu Hương chị ở một mình, tôi cũng ở một mình, chị trả nhà tới ở chung với tôi đi.

Lúc đầu chị Thu Hương ngần ngại vì sợ những kẻ “chăn dắt” Tuyết Nga sẽ làm ầm lên. Nhưng Tuyết Nga cương quyết:

  • Ăn thua tôi, nhà này tôi bỏ tiền ra mướn mà.

Mấy ngày sau chị Thu Hương dọn tới ở chung. Nhưng để tránh phản ứng của những kẻ “chăn dắt” Tuyết Nga, chị chỉ nói tới ở chơi một thời gian. Có chị Thu Hương, cuộc sống của Tuyết Nga cũng đỡ buồn hơn, đỡ vất vả khi không phải tự ăn uống một mình. Thời gian đó chị Thu Hương đang làm công việc rửa chén tại một nhà hàng.

Năm 2015. Chị Thu Hương nhận được giấy đậu thẩm vấn đợt 1. Đó là những ngày cuối năm. Trong khi đó, Tuyết Nga đang ngồi ngoài đường ăn xin lại bị một kẻ xấu nào đó chơi ác, chọt cho con ngươi thứ hai đã bị mù của Tuyết Nga rớt luôn.

Thấy tội nghiệp bạn quá, chị Thu Hương khóc và nói thôi chị đừng đi ăn xin nữa. Những kẻ chăn dắt ở ngay bên cạnh nhà, nghe được, chửi đòi đánh chị Thu Hương. 

Một thời gian sau chị Thu Hương lên thẩm vấn lần 2 và được xét cho đi Mỹ. Khi trở về chị Thu Hương nói với Tuyết Nga mình sắp được đi Mỹ và sẽ kiếm 1 người tốt chăm sóc cho Tuyết Nga. Tuyết Nga hỏi tại sao chị được đi vậy. Chị Thu Hương trả lời: – Tui được đi tỵ nạn. Tui là thuyền nhân.

Tuyết Nga: 

  • Tui cũng là tỵ nạn, tui cũng là thuyền nhân.

Thu Hương:

  • Chị là thuyền nhân? Chị vượt biên khi nào, ở đâu?

Tuyết Nga kể lại hết mọi chuyện. Lúc đó hai người mới biết họ đã từng gặp nhau, và Tuyết Nga chính là “con nhỏ” năm xưa cầm cuốn sổ đi đưa cơm cho mọi người, trong đó có chị Thu Hương. 

Ngày chị Thu Hương đi lên Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, Tuyết Nga năn nỉ chị dẫn mình đi theo, vì hôm nay Tuyết Nga không phải đi làm nên không muốn ở nhà một mình. 

Chị Thu Hương dắt theo Tuyết Nga tới văn phòng Liên Hiệp Quốc và để Tuyết Nga ngồi ở ngoài. Một nhân viên bước ra hỏi chuyện, khi biết Tuyết Nga cũng là thuyền nhân vượt biên từ năm 1987 và nhìn thấy hoàn cảnh của chị, họ kiểm tra lại thông tin với chị Thu Hương rồi đưa tờ giấy cho chị Thu Hương viết tên, số điện thoại của Tuyết Nga. Cả hai cũng không hy vọng gì nhiều. Ngay lúc đó văn phòng BPSOS (Boat People SOS) ở Thái Lan gọi điện thoại tới chúc mừng chị Thu Hương đã đậu đi Mỹ và hỏi chuyện Tuyết Nga, rồi văn phòng BPSOS mở hồ sơ của Tuyết Nga xin Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp.

Hồ sơ của Tuyết Nga được giải quyết nhanh tốc hành, sau khi văn phỏng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc phỏng vấn Tuyết Nga, biết được nguyện vọng của chị xin được đi Mỹ chung với chị Hương vì chỉ có một thân một mình, và chị Thu Hương cũng đồng ý cho Tuyết Nga đi cùng, đồng ý giúp đỡ, hỗ trợ Tuyết Nga về mặt tinh thần.

Thông tin Tuyết Nga sẽ được đi Mỹ cùng với chị Thu Hương tới tai những kẻ “chăn dắt” Tuyết Nga, bọn họ “quậy” nên cả hai phải trốn sang chỗ khác, nhưng cũng không yên, họ tìm đến nơi chửi mắng, làm dữ, cho là chị Thu Hương đã hất đổ nồi cơm của họ (tức là Tuyết Nga) và hăm dọa nếu bắt được cả hai sẽ bẻ tay bẻ chân Tuyết Nga, và chém Thu Hương bắt đi ăn xin luôn.

Cả hai lại phải trốn, không dám ở thành phố. Những kẻ “chăn dắt” không chịu thua, làm đơn tố cáo, quậy đủ thứ. Để tránh những kẻ xấu làm hại, cả hai xin vô trại (dành cho những người sắp đi sang nước thứ ba, thường chỉ ở ba, bốn ngày) ở luôn nửa tháng.

Từ ngày mở hồ sơ đến ngày hai chị Thu Hương và Tuyết Nga bước lên máy bay đi Mỹ chỉ khoảng 5 tháng. 

Chị Thu Hương và Tuyết Nga đến thành phố Houston, tiểu bang Texas ngày 30.11.2017. Đối với cả hai người và nhất là đối với chị Tuyết Nga, kể từ đây đã chấm dứt quãng đời đầy tai ương và đày đọa suốt 37 năm từ Việt Nam qua Campuchia, Malaysia, Thái Lan.

Ở Houston được 2 năm, ngày 30.11.2019 cả hai người dọn qua Philadelphia. Và đến tháng 2. 2024 vừa rồi thì chị Tuyết Nga đã có quốc tịch Mỹ.

Cuộc sống tạm ổn nhưng nghĩ lại cuộc đời mình, chị Tuyết Nga vẫn tự hỏi, tại sao đời mình lại quá nhiều bất hạnh? Tại sao ông Trời bất công, có bao nhiêu kẻ ác thì lại sướng cả đời, còn chị có làm gì hại ai đâu mà phải chịu số phận bi đát này? Nghĩ tới nghĩ lui chị cũng ngẫm ra, nếu như không có biến cố ngày 30/4/1975 thì gia đình chị đâu phải bỏ thành phố đi về vùng kinh tế mới xa xôi, rồi mẹ chị, anh chị vì vậy mà chết bỏ chị lại một mình bơ vơ từ đó cuộc đời chị mới đầy tai ương, bất hạnh như vậy.

Nhưng có những lúc chị lại nghĩ tới lời nhà sư người Thái gốc Việt nói và tự an ủi:- Nếu kiếp này phải sống để trả cho hết nợ thì buồn nhiều, nghĩ nhiều cũng chẳng để làm gì, cứ bình tâm mà sống. 

Điều duy nhất làm Tuyết Nga day dứt, khổ tâm đó là không biết bé Thảo bây giờ ở đâu, cuộc sống ra sao. Chị không dám nghĩ đến chuyện bé Thảo có thể vẫn đang ở trong những động chứa ở Mã Lai, Thái Lan, trong tay những kẻ buôn người hoặc vô số hoàn cảnh tệ hại khác. Chị chỉ biết cầu nguyện cho cuộc đời của con được may mắn, bao nhiêu tủi nhục chị đã gánh, mong sao con không phải trải qua những đau khổ như đời chị…

Song Chi