Song Chi: Gần nửa thế kỷ, vẫn ám ảnh màu cờ.
Đua nhau xin lỗi vì bị “đấu tố” liên quan đến cờ Vàng.
Gần đây có một số ca sĩ, nghệ sĩ lần lượt đăng bài trên Facebook thống thiết xin lỗi khán giả, mong được khán giả tha thứ vì đã từng lỡ hát hay trình diễn trên những sân khấu, những địa điểm “không phù hợp”– tức là những sân khấu của cộng đồng người Việt ở nước ngoài có hình cờ vàng ba sọc đỏ; mà sở dĩ các ca sĩ, nghệ sĩ này phải vội vã làm như vậy là vì bị “một số cư dân mạng” “đấu tố”, “phong sát”!
Câu chuyện này thoạt tiên khiến bất cứ ai có đầu óc suy nghĩ bình thường cũng thấy vừa kinh ngạc vừa ngán ngẩm. Kinh ngạc vì sự vớ vẩn, lố bịch của nó và ngán ngẩm cho cả những kẻ nhân danh lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc hăm hở đi truy lùng “đấu tố” người khác và cho cả “nạn nhân”. Bởi vì trong số các ca sĩ, nghệ sĩ đó có những người đã từng học hành bên Mỹ, có quốc tịch Mỹ, hoặc từng kiếm sống, kiếm danh từ những sân khấu “không phù hợp” đó nhưng bây giờ lại quay sang chối bỏ, và phân bua là không để ý, không biết …
Cứ tưởng những câu chuyện vớ vẩn, lố bịch này lẽ ra không bao giờ còn nên xảy ra nữa, khi mà cuộc chiến đã kết thúc gần nửa thế kỷ, chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã không còn tồn tại gần nửa thế kỷ, và lá cờ vàng bây giờ chỉ còn được treo trong những cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản bên ngoài Việt Nam. Trong khi đó đảng và nhà nước cộng sản kiểm soát cả đất nước từ Bắc tới Nam, với gần trăm triệu dân, hơn 5.300.000 đảng viên, với bộ máy chính quyền, an ninh, quân đội, công an dày đặc, hơn 800 tờ báo, tạp chí, đài phát thanh-truyền hình, chưa kể đội ngũ dư luận viên “đông như quân Nguyên” v.v…thế thì họ sợ cái gì mà phải hành xử như vậy?
Thế nhưng suy nghĩ lại thì cái chuyện này không phải vớ vẩn, tào lao như chúng ta nghĩ một cách hời hợt. Không có chuyện chỉ một nhóm nào đó gọi là “cư dân mạng” tự nhiên, tự giác đi lùng sục, truy sát những người nổi tiếng trong giới biểu diễn, nếu không có một sự chỉ đạo, bật đèn xanh từ cấp cao hơn. Bởi vì ở một quốc gia độc tài toàn trị như Việt Nam, không có cái gì gọi là tự nhiên, tư phát được phép diễn ra và cũng đừng quên, ném đá giấu tay là nghề rất giỏi của mấy ông Cộng sản. Chẳng hạn, đối với những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động tôn giáo, mục sư, linh mục…trong rất nhiều trường hợp họ không để công an, cảnh sát ra mặt hành hung nhưng sử dụng chiêu bài côn đồ, “quần chúng tự phát” – mà theo sự giải thích của nhà cầm quyền, đó chỉ là nhân dân do bức xúc, phẫn nộ với những kẻ “phản động” nên tự phát ra tay. Ví dụ như hội Cờ Đỏ ở Nghệ An gọi là “tổ chức tự phát”, nhưng các linh mục, giáo dân đều cho rằng Hội Cờ Đỏ là một tổ chức do chính quyền địa phương lập ra và hậu thuẫn, để trấn áp các giáo dân biểu tình khiếu kiện Formosa và tiêu diệt ảnh hưởng của công giáo tại Nghệ An, Nhưng sau đó do bị các tổ chức xã hội dân sự ở bên ngoài vạch mặt, tố cáo với quốc tế rồi Việt Nam bị Liên Hiệp quốc chất vấn nên nhà cầm quyền đã âm thầm để cho tổ chức này tan rã.
Trở lại câu chuyện một số ca sĩ, nghệ sĩ bị “cư dân mạng”, hoặc một vài hội nào đó trên mạng ví dụ như “Hội phong sát Việt Nam” phản đối nhân danh lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội gì đó có lẽ nhiều phần cũng giống như cái Hội Cờ Đỏ Nghệ An, tức phải có sự chỉ thị hoặc ít nhất là bật đèn xanh của nhà cầm quyền. Bởi vì nó là một chính sách xuyên suốt bao nhiêu năm nay đối với cờ vàng, hay tất cả những gì liên quan đến chế độ VNCH.
Mới năm ngoái đây thôi, năm 2023, Bưu chính Úc phát hành hai đồng tiền có mệnh giá 2 đô la Úc có màu bạc và vàng để kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Úc rút khỏi chiến tranh Việt Nam, trên cả hai đồng tiền này đều có in biểu tượng lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa, là vì hồi đó Úc là đồng minh của Mỹ và nhiều người lính Úc đã từng chiến đấu bên cạnh người Mỹ, bên cạnh lính VNCH, cho nên họ kỷ niệm. Vậy nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu phía Úc dừng lưu hành đồng tiền lưu niệm này, một cách hành xử rất là không văn minh trong quan hệ ngoại giao. Hay tình trạng báo, đài chính thống trong nước luôn luôn phải kiểm soát chặt để không lọt các hình ảnh có cờ vàng ba sọc đỏ, cho dù đó là trong bản tin về một trận bóng đá quốc tế, chẳng hạn.
Đó chỉ là một hai ví dụ để cho thấy chính nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục có thái độ thù địch và có chính sách cấm kỵ, loại trừ đối với lá cờ vàng, đối với chế dộ VNCH chứ không phải chỉ là một vài nhóm nào đó, hay “cộng đồng mạng” chung chung.
Phía sau chuyện “đấu tố”, “phong sát”
Đọc thêm mấy bài báo xung quanh chuyện này mới càng thấy hãi. Nào là “Loạt nghệ sĩ Việt biểu diễn dưới lá cờ ba sọc: Lòng yêu nước và trách nhiệm xã hội ở đâu?”, “Loạt nghệ sĩ biểu diễn trước cờ ba sọc: Đừng tùy tiện xin lỗi là xong” v.v… Sặc mùi “đấu tố “chẳng khác nào thời Nhân văn-Giai phẩm, Cải cách Ruộng đất…
Từ câu chuyện “đấu tố” này mỗi người có cách suy đoán, lý giải khác nhau.
Có người thì bảo rằng những chuyện này và trước đó nữa, chuyện một cặp vợ chồng nghệ sĩ trong thời gian đi sang Mỹ bị “đấu tố” vì quay video clip có hình cờ vàng trong phòng ngủ, ca sĩ khác bị cấm biểu diễn 9 tháng vì mặc áo có những cái huy chương bị cho là giống huy chương thời VNCH, ca sĩ khác nữa thì bị cắt sóng trên chương trình “Anh trai say hi” –một chương trình đang phổ biến với khán giả Việt Nam, cũng vì chuyện cờ vàng v.v…điều này báo hiệu thời kỳ do ông Tô Lâm làm Tổng Bí thư sẽ càng khắc nghiệt.
Có người thì bảo chẳng ai đi phong sát những người không có tóc. Giới biểu diễn, ca sĩ là giới có tiền. Đấu tố cho họ sợ, rồi tìm lý do phạt tiền. Như vụ một cô người mẫu bị giam mấy tháng rồi được ra chắc chắn cũng phải mất bao nhiêu tiền. Việc cô này lái xe tạo dáng gây nguy hiểm hay không có bằng lái loại xe đó thì cũng chẳng có lý do gì đến mức phải xét nhà, bắt giam rồi còn dọa là có thể bị tới 2 năm tù? Nhưng có như vậy thì cô người mẫu mới sợ mà “nhả” tiền ra để được về nhà.
Có người thì bảo cũng giống như phong trào phong sát bên Trung Quốc (cứ Trung Quốc làm cái gì thì Việt Nam làm theo đó), phong sát để nhắc nhở các anh chị giới nghệ sĩ dù có nổi tiếng tới đâu, có tiền, có ảnh hưởng tới công chúng tới đâu thì trên đầu vẫn có đảng, đảng cho phép các anh chị giàu, cho phép các anh chị được ca hát, biểu diễn, sáng tác…thì các anh chị mới được.
Gần nửa thế kỷ, vì sao chế độ vẫn có thái độ thù địch với cờ Vàng như vậy?
Đảng Cộng sản Việt Nam bình thường hóa quan hệ với đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1991. Chúng ta biết cuộc chiến biên giới Việt-Trung xảy ra vào năm 1979, nhưng trên thực tế, xung đột giữa hai bên vẫn tiếp diễn cho tới năm 1988, cũng trong năm 1988 Việt Nam còn bị Trung Quốc tấn công ở Trường Sa, đánh chiếm đảo Gạc Ma, vậy mà năm 1991 đã bình thường hóa quan hệ.
Đảng Cộng sản Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995, tức là 20 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, chính xác hơn, 22 năm sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris 1973.
Nhưng đối với chính thể VNCH thì cho tới bây giờ gần nửa thế kỷ sau, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn không có thái độ bình thường được. Tất cả những gì liên quan đến VNCH, đến cờ vàng vẫn là cấm kỵ. Sách sử, sách giáo khoa, phim ảnh mọi thứ vẫn tiếp tục quan điểm một chiều, bóp méo lịch sử, bưng bít sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ngay cả đối với những người thương phế binh VNCH, bao nhiêu năm nhà cầm quyền không hề đếm xỉa đến họ đã đành nhưng khi những tổ chức từ thiện, hay các linh mục, giáo dân tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đứng ra tổ chức khám bệnh, phát quà cho họ thì nhà cầm quyền cũng tìm mọi cách xách nhiễu, ngăn cấm. Cuối cùng chương trình Tri ân thương phế binh VNCH đã buộc phải chấm dứt từ tháng 4.2024 sau 12 năm hoạt động. Khi trả lời 1 tờ báo ở hài ngoại, “một linh mục giấu tên cho hay, chương trình TPB ngừng hoạt động do khó khăn ngân sách là có, nhưng “chuyện đó không khó bằng mọi hoạt động cho chương trình này bị ngăn chận, gây khó từ nhà cầm quyền.”
Các thiện nguyện viên tham gia chương trình cũng cho biết hoạt động của họ luôn bị theo dõi, đe dọa từ những chỗ phát quà, cho đến về nhà cũng bị công an địa phương gọi xét hỏi… Những linh mục tận lực tham gia chương trình đã bị phân đi làm việc ở nhiều nơi, bị cắt đứt liên lạc với nhau …” (hết trích)
Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cái cách cư xử thù địch, hẹp hòi này.
1. Mặc cảm của bên thắng cuộc: Vì không có tính chính danh do đảng cộng sản chưa bao giờ được người dân bầu lên trong một cuộc bầu cử công khai, minh bạch, có sự cạnh tranh giữa các đảng phái khác nhau, cũng chưa bao giờ có một cuộc trưng cầu dân ý công khai để xem đại đa số người dân có muốn đảng cộng sản tiếp tục là đảng cầm quyền duy nhất hay không.
Thứ hai mặc cảm vì trong cuộc chiến Việt Nam, đảng cộng sản biết rõ rằng họ không phải đã giải phóng miền Nam khỏi đế quốc Mỹ xâm lược và cuộc sống nghèo khổ, bị áp bức dưới chế độ “ngụy quyền” VNCH như họ đã rêu rao, mà trên thực tế là họ đã vi phạm Hiệp định Paris (trong đó có điều khoản Các bên để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do) và cưỡng chiếm miền Nam ngược lại nguyện vọng của đại đa số người dân miền Nam.
Nhưng ngay cả nếu như họ cưỡng chiếm miền Nam nhưng sau đó họ cư xử văn minh, tử tế, công bằng với bên thua cuộc, cùng nhau gác bỏ quá khứ hướng tới tương lai và nếu họ xây dựng được Việt Nam thành một quốc gia tự do, dân chủ, giàu mạnh, thành một nơi đáng sống cho cả trăm triệu dân thì có lẽ mọi người dù là bên thua cuộc, dù trong hay ngoài nước cũng đều tâm phục khẩu phục, hết lòng vì tương lai chung của đất nước, dân tộc. Nhưng họ đã không làm được như vậy và họ biết là đa số người dân cũng biết điều đó.
Thứ ba là mặc cảm vì cho đến tận bây giờ, sau gần nửa thế kỷ chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo vẫn có những cái không bằng chế độ cũ, mà quan trọng nhất là tự do dân chủ cho người dân.
2. Thù địch vì lịch sử của lá cờ vàng 3 sọc đỏ: Từng là quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam từ 1949-1955 và của VNCH từ 1955-1975.
Năm 1975, sau khi chế độ VNCH sụp đổ, nhiều người bỏ nước ra đi, mang theo hình ảnh tượng trưng cho một chế độ dân chủ tự do, dù chế độ đó chưa được hoàn thiện, đó là lá cờ vàng ba sọc đỏ. Lá cờ này từ đó trở thành biểu tượng của người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại. Đối với người Việt tỵ nạn khi họ treo lá cờ vàng ba sọc đỏ có nghĩa là họ không chấp nhận chế độ độc tài toàn trị do đảng Cộng sản cầm quyền, không chấp nhận lá cờ đỏ sao vàng, chính vì vậy mà đảng Cộng sản mới có thái độ thù nghịch với lá cờ này như vậy.
Nhà cầm quyền luôn kêu gọi “hòa giải, hòa hợp” nhưng…
Một mặt, nhiều năm nay đảng Cộng sản vẫn luôn kêu gọi cộng đồng người Việt ở hải ngoại ‘xoá bỏ hận thù’ và ‘hoà hợp-hoà giải’, nhưng trong những việc làm, chính sách của họ thì khác hẳn.
Điều này thêm một lần nữa chứng tỏ họ nói một đằng làm một nẻo, họ không thực lòng. Mà không thực lòng là vì có quá nhiều điều trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XX cho đến nay nói riêng, đảng Cộng sản đã lừa dối người dân, đã bóp méo lịch sử, đổi trắng thay đen; có quá nhiều chính sách sai lầm, thậm chí tội ác, họ đã và vẫn đang làm đối với đất nước, dân tộc, nếu bây giờ mà thừa nhận tất cả những điều sai lầm, những tội ác đó cũng có nghĩa là dấu chấm hết cho sự tồn tại của đảng Cộng sản. Thì làm sao mà họ có thể làm được.
“Hòa giải hòa hợp” ở đây đối với đảng và nhà nước Cộng sản, chỉ có một nghĩa duy nhất là cộng đồng người Việt ở hải ngoại hãy xóa bỏ quá khứ, từ bỏ căn cước tỵ nạn cộng sản của mình, từ bỏ mọi sự khác biệt để chấp nhận 100% vai trò lãnh đạo Việt Nam của đảng Cộng sản. Nghĩa là có quyền gửi tiền về nước đóng góp vào lượng kiều hối hàng năm, có quyền về nước du lịch, vui chơi, cũng có thể kinh doanh kiếm tiền, nhưng tuyệt đối không lên tiếng chỉ trích phản biện chế độ, càng không có quyền can dự gì vào chuyện chính trị hay tương lai vận mệnh đất nước. Chỉ có một nghĩa như thế, hoàn toàn không có cái ý nghĩa hai chiều là chính nhà nước này phải thành tâm thừa nhận những sai lầm, những tội ác họ đã làm đối với bên thua cuộc, và có những chính sách hòa giải hòa hợp thực sự, cũng như tiến tới lộ trình dân chủ hóa đất nước.
Nhưng thật ra vấn đề nằm ở cái mô hình thể chế sai lầm mà đảng Cộng sản cương quyết giữ lấy và buộc 100 triệu người dân phải đi theo. Những người Việt yêu tự do, dân chủ và mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước, dân tộc Việt Nam không thể nào chấp nhận cái mô hình thể chế độc tài đảng trị và bây giờ còn biến thành độc tài đảng trị và công an trị này; còn nếu Việt Nam chuyển đổi thành mô hình tự do dân chủ đa nguyên đa đảng, thì tức khắc cái vấn đề hòa giải hòa hợp đâu có cần phải đặt ra nữa?
Hệ lụy của chính sách tuyên truyền thù hận mà đảng Cộng sản vẫn tiếp tục duy trì bao nhiêu lâu nay
Đứng ở góc độ người dân, góc độ dân tộc, chính sách thù địch, thù hận này gây ra hệ lụy rất lớn. Nó tiếp tục gây chia rẽ giữa người Việt trong ngoài nước, giữa người Việt cờ vàng và cờ đỏ. Vết thương chiến tranh sau gần nửa thế kỷ vẫn không thể lành. Dân có đoàn kết một lòng thì nước mới mạnh, ngược lại, một dân tộc chia rẽ, không chấp nhận sự khác biệt, không bao dung là một dân tộc chưa trưởng thành và không bao giờ có thể cùng nhau xây dựng một quốc gia hùng cường.
Nhưng đối với nhà nước Cộng sản thì khác. Họ muốn tạo ra sự chia rẽ đó. Chia để trị là nguyên tắc của mọi chế độ độc tài nói chung, chế độ độc tài ở Việt Nam cũng vậy. Chia rẽ, gây thù hận về quá khứ, về màu cờ là một chính sách rất thâm sâu của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam, được thực hiện xuyên suốt bao lâu nay. Kết quả là đối với thế hệ trẻ trong nước, sinh ra và lớn lên khi cuộc chiến đã kết thúc, bị tuyên truyền nhồi sọ một chiều bao nhiêu năm, nó tạo nên một tâm lý từ e ngại, dị ứng cho tới thù ghét lá cờ vàng. Đối với người Việt ở hải ngoại, ai muốn về nước làm ăn kinh doanh hoặc sáng tác, biểu diễn thì hoàn toàn không được dính dáng gì tới lá cờ vàng hay chế độ VNCH. Đối với các doanh nghiệp quốc tế cũng vậy.
Như vậy đứng ở góc độ dân tộc sự chia rẽ, không thể hòa giải hòa hợp với nhau là một thất bại nhưng đứng dưới góc độ của nhà cầm quyền thì họ đã thành công. Bởi vì bên cạnh đám hồng vệ binh, dư luận viên, ăn lương của nhà cầm quyền đi lùng sục tìm mọi cơ hội để “đấu tố” tất cả những ai có dính dáng tới cờ vàng, tới VNCH, có cả một số người không phải dư luận viên, nghệ sĩ cũng có, nhất là giới trẻ, cũng hăng hái không kém trong những trò “đấu tố” này. Nhà cầm quyền đã thành công trong việc tạo ra một lớp người mù quáng, thiếu bao dung như vậy.
Họ cũng làm cho một số ca sĩ, nghệ sĩ trở nên hèn đi. Sự thật là không phải ai cũng có lòng tự trọng, nếu vừa muốn có quốc tịch Mỹ, quốc tịch nước khác, hoặc muốn biểu diễn ở bên ngoài, nhưng lại vừa muốn kiếm tiền, kiếm danh ở Việt Nam thì phải chịu sống hèn thôi.
Hệ lụy nữa là nó sẽ khiến lớp trẻ hèn theo. Đi nghe những ca sĩ, nghệ sĩ này phần đông là người trẻ. Nhìn thấy ca sĩ, người nổi tiếng, trong đó có “thần tượng” của mình mà còn rối rít xin lỗi, ăn năn thì người thường, giới trẻ càng tự kiểm duyệt, càng ngoan hèn hơn.
Nhìn sâu hơn, đối với tâm lý, đầu óc con người, việc cứ phải nghe lập đi lập lại những lời lẽ, lập luận tuyên truyền một chiều, sai lệch bao nhiêu năm, tạo thành một sự ám thị, sẽ ảnh hưởng rất lâu: ví dụ như cờ vàng là xấu, chế độ VNCH là tham nhũng thối nát, chế độ của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm là độc tài lê máy chém khắp miền Nam, triều đình nhà Nguyễn là bạc nhược, công rắn cắn gà nhà v.v…Muốn thoát khỏi tất cả những cái ám thị đó phải mất rất nhiều thời gian.
Loại trừ, hạ thấp cờ vàng song song với giương cao cờ đỏ.
Một mặt, cờ vàng bị “đấu tố”, mặt khác lại có hiện tượng một số bạn trẻ sơn cờ đỏ lên mái nhà rồi lảm photoshop cả làng cả tỉnh đều có mái nhà đỏ chói như vậy. Rồi coi đó là tinh thần yêu nước. Khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao bây giờ lại có chuyện phải xốc lại tinh thần cờ đỏ, kêu gọi yêu nước theo cái kiểu như vậy.
Nó cũng phản ánh một tâm lý tự ti khi thấy nước mình cái gì cũng thua nước người ta, về kinh tế thì không có một tập đoàn kinh tế nào vươn tầm quốc tế, một thương hiệu quốc gia nào được biết đến trên toàn cầu, về văn học nghệ thuật phim ảnh thể thao đều chưa có chỗ đứng trên thế giới (Olympic Paris 2024 mới đây Việt Nam –một quốc gia có 100 triệu dân mà không có nổi 1 cái huy chương, thua cả những nước nhỏ như Bắc Âu hay một quốc gia đang có chiến tranh khốc liệt như Ukraine).
Nếu các bạn trẻ ấy hiểu rằng yêu nước không phải chỉ là phất cờ, sơn cờ, yêu nước thực sự là phải thấy nhục khi thấy nước mình sau hàng thập niên thống nhất, hòa bình vẫn lẹt đẹt thua sau bao nhiêu nước kể cả trong khu vực, vẫn phải vác mặt đi vay đi xin các nước khác, người dân vẫn phải bỏ nước ra đi bằng mọi cách, bằng mọi giá…Yêu nước là đóng góp vào quá trình dân chủ hóa để Việt Nam có thể chuyển đổi sang một mô hình thể chế chính trị tốt đẹp hơn, từ đó Việt Nam mới có thể phát triển hùng mạnh, người dân mới được sống trong tự do, dân chủ, bình an, hạnh phúc.
Cũng cần phải nhắc lại, các nước Cộng sản ở Liên Xô hay Đông Âu cũ sau khi sụp đổ thì hầu như chẳng nước nào sử dụng lại lá cờ dưới chế độ Cộng sản nữa. Chủ nghĩa Phát xít và Chủ nghĩa Cộng sản là 2 cái thảm họa lớn nhất trong lịch sử loài người, đã gây ra vô số tang thương, phá hoại cho nhân loại mà sự tang thương, phá hoại, di hại của Chủ nghĩa Cộng sản còn nặng nề hơn Chủ nghĩa Phát xít bởi vỉ thời gian cầm quyền của một số đảng Cộng sản lâu hơn. Người ta đã thống kê con số người bị giết chết bởi các chế độ Cộng sản là trên cả trăm triệu người. Cho nên những cái biểu tượng dính tới phát xít như chữ thập ngoặc, dính tới Cộng sản như màu đỏ, sao vàng, búa liềm…đều khiến người ta kinh hãi.
Sau này, nếu Việt Nam chuyển đổi sang chế độ dân chủ, lá cờ đỏ của đảng Cộng sản phải bị loại bỏ còn màu cờ gì, ra sao thì nên có một cuộc trưng cầu dân ý để có sự đồng thuận rộng rãi.
Song Chi