Song Chi: Người Đàn Bà Trôi Trong Sương Mù

Cứ mỗi lần đi qua con đường chính của khu trung tâm thành phố K., đứng chờ xe bus hoặc ngồi trên xe bus từ phố về nhà, tôi lại gặp người đàn bà đồng hương ấy.

Lúc đầu tôi không biết chị bị bệnh tâm thần. Về sau tôi được nghe kể về cuộc đời của chị từ một người phụ nữ Việt Nam khác, tên Loan, đã sống ở đây nhiều năm. Nhưng những chi tiết về cuộc đời ấy hầu như ngay tức khắc trượt ra khỏi trí nhớ của tôi, tôi chỉ còn nhớ người phụ nữ mắc bệnh ấy sống ở thành phố này có lẽ ít nhất cũng hai mươi năm, nhiều người bảo chị khá đẹp khi còn trẻ-bây giờ nhìn cũng vẫn hình dung được điều đó. So với nhiều phụ nữ Việt, nét đẹp của chị hơi lạ với làn da nâu, gương mặt góc cạnh, đôi mắt to và sâu, lông mày lông mi không cần tô vẽ vẫn rậm đen, hai hàng lông mày gần như giao nhau nên trông hơi dữ, mũi cao, gò má cao lấm tấm tàn nhang. Tôi thầm nghĩ khuôn mặt này người ta gọi là photogenic face, cinematic face đây. Tóc chị cũng dày, đen, hơi khô và rối. Khi tôi nói với người phụ nữ tên Loan rằng nét đẹp của người phụ nữ ấy trông khác lạ, Loan bảo cổ là người Việt gốc Ấn mà, nghe đâu ông nội cổ là người Ấn trôi dạt sang Việt Nam sống. À thì ra vậy. Loan đúng là kiểu người-chuyện gì cũng biết. 

Một phần vì chuyện tình cảm, một phần vì chuyện làm ăn thua lỗ sao đó nên người phụ nữ ấy đâm quẫn mà phát bệnh. Có giai đoạn dài phải sống trong bệnh viện tâm thần, bây giờ thì chỉ khi nào bệnh trở nặng mới phải vào viện. Chị sống một mình, người chồng và cậu con trai cũng ở thành phố này nhưng sống riêng. Tôi chưa bao giờ thấy người thân của chị. Lúc nào người đàn bà ấy cũng một mình.

Hàng ngày, mùa hè cũng như mùa đông, chị đều đặn đi bộ từ nhà ra phố, ngồi chơi ngoài phố rồi lại đi bộ từ phố về nhà. Một ngày cũng vài ba lần như vậy. Áo quần hơi cũ và luộm thuộm, mái tóc xõa ngang vai, bước đi thong thả, chả nhìn ai, cũng chả chú mục nhìn vào cái gì. Có khi ngồi trên những băng ghế kê dọc theo con đường chính của khu trung tâm hoặc chỗ đợi xe bus. Không nói chuyện với ai. Và lúc nào cũng thấy điếu thuốc trên tay – không phải loại thuốc lá điếu mua sẵn, mà là thuốc vấn, thỉnh thoảng chị lại lôi hộp thuốc sợi và giấy ra, vấn một điếu. Cái cách người đàn bà ấy hút thuốc cũng hơi lạ. Cứ bập, rít và nhả khói liên tục, cảm giác như chả có hơi thuốc nào kịp giữ lại trên môi và càng không vào được bên trong cổ họng. Được quá nửa điếu, đã lại thấy vứt đi, cặm cụi vấn điếu khác. Như thể hút thuốc vì một thói quen hơn là tận hưởng mùi vị, hương khói thuốc lá. Một thói quen khác của người đàn bà ấy là uống Coca. Chai Coca một bên, cứ vài hơi thuốc, lại ngửa cổ nốc một ngụm. Chẳng nhìn ngó ai, cho dù có ai đang quan sát mình cũng mặc. Thỉnh thoảng lại thấy chị đi chợ, tay xách túi, thong thả đi bộ về nhà. Nhìn bên ngoài, trông chị hầu như bình thường.

Người ta kể, chị sống trong một căn hộ thuê của nhà nước, tự đi khám bệnh đều đặn theo định kỳ hoặc có khi, y tá đến tận nhà thăm khám. Trong bệnh viện tâm thần, chị cũng có sẵn một chỗ của mình. Khi nào bệnh trở nặng thì bác sĩ cho xe đến chở chị vào bệnh viện.


Ở xứ Na Uy này, những người bệnh, bất cứ bệnh gì nhưng nếu thuộc loại không thể làm việc như người bình thường thì được chính phủ nuôi, lo từ A đến Z. Mỗi tháng chính phủ cấp tiền cho họ đủ sống, họ được thăm khám bệnh, thuốc men hoàn toàn miễn phí. Thậm chí, nếu người bệnh nào có những nhu cầu riêng, như người phụ nữ có thói quen hút thuốc không bỏ được, thì còn được cấp thêm một số tiền để mua thuốc lá hàng tháng. Bởi vì chính phủ cho rằng họ là những người bệnh, nếu họ có những nhu cầu gì đó, thì nên đáp ứng cho họ.Để họ có thể sống mà ít nhất, không cảm thấy quá cay đắng về số phận không may của mình.

xxxx

– Bà điên ở dưới phố là mẹ của mày đó hả?

– Không phải.

– Vậy sao má tao nói bả là mẹ của mày? 

– Tao nói không phải là không phải.

– Mày nói dối. 

– Sao mày biết tao nói dối? Bộ mày là Chúa, là Thượng đế sao mày biết tao nói dối hay không?

– Là vì má tao nói bả là mẹ mày. Và tất nhiên là tao tin má tao hơn mày. 

– Lỡ má mày nói không đúng thì sao?

– Mày dám nói má tao nói láo hả?

– Tao không nói má mày nói láo. Mà là lỡ má mày nhầm thì sao?

– Có, mày có nói. Rõ ràng là mày có ý nói má tao nói láo.

– Tao không có nói như vậy.

– Ừa thì má tao nói láo còn mẹ mày là bà điên. Bà điên đó là là mẹ mày, mẹ mày là bà điên…Ê ê ê, mày đánh tao hả, mày tưởng tao sợ mày hả. Dừng lại, đồ điên, mày có máu điên giống mẹ mày. 

– Này hai cháu, tại sao lại đánh nhau vậy? 

– Nó đánh cháu trước. Nó đánh cháu.

– Tại sao cháu lại đánh nó, Yên, tên cháu là Yên đúng không?

Yên không nói gì, quay lưng bỏ đi. Phía sau giọng thằng Nam thật to đuổi theo:

– Nó đánh cháu là vì nó có máu điên. Nó có máu điên giống mẹ nó. Mẹ nó là bà điên.

Người đàn ông là chú Phúc, chủ tiệm Bánh Mì Sài Gòn, Yên biết chú ấy, nghiêm khắc mắng thằng Nam: 

– Không được nói về người khác như vậy nghe không? Ở trường thầy cô có dạy cháu là không được xúc phạm người khác không?

Thằng Nam gân cổ cãi:

– Cháu không xúc phạm ai hết. Đó là sự thật. Ở thành phố K. này ai không biết bà ấy bị điên.

– Điên hay không là chuyện riêng của người ta, không việc gì đến cháu. Có thôi đi không hả.

Yên đi thật nhanh để không còn nghe thấy gì nữa. Đến ngã tư thay vì quẹo phải về nhà, Yên quẹo trái, đến công viên. Tìm một băng ghế khuất sau một lùm cây, Yên ngồi phịch xuống và bật khóc. Yên cứ ngồi như thế, khóc mãi khóc mãi, không sao kìm được.

xxxx

– Dì Châu, dì nói thật con nghe đi, tại sao mẹ con bị điên?

– Dì nói rồi, mẹ con làm ăn thua lỗ, mất hết tiền nên…

– Không đúng.

– Sao con biết là không đúng?

– Con nghe người ta nói tại ba phản bội mẹ, ba ưng người khác nên mẹ thất tình, mẹ bị điên.

– Đừng nói nhảm nữa. Con học ở đâu ra chữ “thất tình” vậy? Mà người ta là người ta nào?

– Bà Loan má thằng Nam đó.

– Người gì nhiều chuyện vậy, suốt ngày hóng hớt, ngồi lê đôi mách chuyện nhà người ta.

– Nhưng bà Loan nói đúng phải không Dì?

– Không. Chỉ là mẹ con bị làm ăn thua lỗ, với lại bác sĩ nói mẹ con bị gì đó Dì quên rồi, thiếu gì người tự nhiên điên mà có lý do gì đâu.

– Vậy tại sao Dì giận ba con? Tại sao Dì không bao giờ nói chuyện với ba con?

– Tánh nết ba con không hạp với Dì, chỉ có vậy thôi, cũng giống như con không hạp với ai đó thì con không muốn nói chuyện nữa, bộ hồi nào tới giờ con không gặp chuyện như vậy hay sao? 

– …

– Thấy chưa, thôi đừng hỏi nữa. 

– Dì. Tại sao ba con không đưa mẹ về nhà, tại sao ba con để mẹ sống một mình hoặc phải vô bệnh viện vậy?

– Không phải ở xứ Na Uy đó có bệnh là người ta đưa vào bệnh viện chớ đâu cho phép để ở nhà sao? Con hỏi ba con thì biết. Mà thôi mệt quá, đừng hỏi nữa. Chừng nào con về VN chơi với Dì? Con xin ba cho con về vào dịp Tết đi, Dì và mấy cậu mợ sẽ nấu bánh tét, mứt, làm đủ thứ món ăn cho con, rồi con tha hồ đi chơi nhà người này người kia. Con chưa bao giờ biết Tết VN mà. Ba con có bao giờ chịu cho con về đâu.

– Con sẽ xin ba cho con về vào dịp Tết năm nay.

– Nhớ nghe con. Cả nhà mong con về lắm đó.

xxxx

Tôi muốn hút thuốc hết thuốc rồi À không thuốc đây rồi Mình phải hút một điếu thuốc nhạt quá mình muốn uống Coca. 

– Cô khỏe không? Hôm nay cô muốn mua gì?

– Bán cho tôi một chai Coca. 

– Mấy chai? 

– Tôi nói một chai. Mộộộttt chaaai.

– OK, được rồi. Một chai của cô đây. 

– Bao bao nhiêu?

– 12 krone. Đưa mớ tiền lẻ đó tôi đếm cho. 

– Khôông.

– OK, OK, fine. 10, 12, đủ rồi đó. 

– Cảm ơn.

Tôi không thích điếu thuốc này nữa Tôi muốn một điếu thuốc mới thuốc nhạt quá Ai vậy tại sao đứng nhìn tôi vậy Tôi không thích ai nhìn tôi đi đi đi chỗ khác đi Nếu không đi thì tôi đi Tại sao đi theo tôi vậy Ai vậy Người này sẽ giết tôi mất Không không đừng giết tôi đừng bỏ thuốc độc tôi đừng bóp cổ tôi đừng trấn nước tôi Tôi biết tôi sai rồi đừng à nó đứng lại rồi nhưng nó còn nhìn theo tôi Ai vậy Tôi sẽ không đi về nhà đâu đi về nhà nó sẽ biết nhà mỉnh đêm nó sẽ chui vào nhà nó giết mình Tôi sẽ không về nhà tôi sẽ quẹo sang đường khác tôi sẽ đi xuống phố Không tôi sẽ không xuống phố nó đang ở đó chờ tôi quay lại nó sẽ giết tôi vậy thì tôi sẽ đi đường khác Đường này đi tới đâu đường nào là đường ra biển quay lại nhìn đi nó đi rồi nhưng có thật là nó đi rồi không nó đi rồi Vậy thì tôi sẽ đi về nhà mà không tôi sẽ đi ra biển Phải tôi muốn đi ra biển tôi sẽ ngồi bên bờ hút thuốc và uống Coca Phải nó đi rồi và tôi sẽ đi ra biển

xxxx

Nếu có việc phải lái xe đi vào khu trung tâm thành phố K. tôi luôn luôn chọn những giờ buổi trưa nắng hoặc buổi tối và tránh đi những con đường chính. Tôi không muốn tình cờ nhìn thấy cô ấy trên đường. Nhưng cũng có lúc tôi không tránh được và những lúc như vậy tôi nhìn thẳng, phóng xe thật nhanh. Hy vọng là cô ấy không thấy. Mà ngay cả có thấy, đã chắc gì cô ấy nhớ ra tôi là ai? Nhưng tôi vẫn cảm thấy nhột nhạt sau gáy như thể cô ấy đang nhìn tôi từ phía sau. Bằng cặp mắt căm hờn, hay đau đớn? Hay tức giận? Hay khinh bỉ? Tôi không biết. Chuyện đã cũ mười mấy năm nay rồi. Cô ấy điên và không nhớ ai, không nhớ gì nữa hết. May cho cô ấy và may cho tôi, cho chúng tôi. Song tôi vẫn cảm thấy khó chịu, bứt rứt. Không phải lỗi của chúng tôi. Nhưng có thật là không phải lỗi của chúng tôi? Tôi lắc mạnh đầu như để xua đi những ý nghĩ u ám. Đừng nghĩ nữa, đừng nghĩ nữa. Cô ấy đã bị trầm cảm suốt một thời gian dài, đã cư xử bất thường suốt một thời gian dài. Không phải lỗi của tôi. Không phải lỗi của chúng tôi.

xxxx

– Tại sao mình không dọn đi khỏi đây? 

– Đã nói là anh đang có công việc rất tốt ở đây. Ở tuổi anh không phải dễ mà tìm được việc như vậy ở nơi khác. 

– Nếu không tìm được việc thì anh nghỉ, phụ em chuyện kinh doanh thay vì em phải thuê người khác như từ hồi nào tới giờ.

– Không được.

– Tại sao không được? Người ta làm ăn có vợ có chồng, hoặc có gia đình phụ một tay, còn em toàn làm một mình, mệt mỏi lắm. 

– Có hai nguồn thu nhập vẫn tốt hơn, vả lại cái nhà đẹp như thế này bán đi rất uổng.

– Nhưng em không thích, nó là cái nhà của bà ấy.

– Còn cái tiệm sushi của em ở đây thì sao?

– Em sang lại cho người khác, thiếu gì người muốn sang một chỗ đang ăn nên làm ra như vậy.

– Mấy đứa nhỏ đang đi học có bạn bè quen ở đây.

– Thì tới chỗ khác, học trường khác, lại có bạn mới, có khó gì đâu.

– Cả ba đứa không đứa nào chịu đâu, em đã nhiều lần hỏi tụi nó rồi kia mà.

– Có những chuyện người lớn phải quyết định, cha mẹ quyết định, chứ không phải trẻ con. Em không thích khu này, em càng không thích thành phố K, K.nhỏ xíu chỉ có tám, chín chục ngàn người, em muốn dọn lên Oslo.

– Đợi khi thằng Yên xong trung học mình sẽ dọn.

– Tại sao phải đợi thằng Yên học xong trung học? Em biết, anh còn vấn vương bà ấy chứ gì, anh nói đi, đúng không?

– Tào lao. 

– Vậy tại sao chúng ta không dọn đi? 

– Anh đã nói…

– Tôi nghe rổi, tôi nghe một ngàn một vạn một triệu lần rồi, công việc tốt, cái nhà to, con cái đang có bạn bè, tôi nghe cái điệp khúc đó nhiều lắm rồi. Tôi chán ngấy rồi.

– ….

– Mười năm, anh biết chưa, mười năm nay rồi tôi cứ phải ở cái khu chết tiệt này, gần cái thành phố chết tiệt có bà ấy. Hồi trước bà ấy ở trong bệnh viện còn khuất mắt, còn bây giờ ngày nào bà ấy cũng lang thang ngoài đường, rồi người ta lại nhắc tới chuyện này chuyện kia, tôi không thích, anh hiểu không.

– Đừng nói to mấy đứa nhỏ nghe.

– Thì sao? 

– ….

– Tôi nói cho anh biết, nếu anh không dọn thì mấy mẹ con tôi dọn đi Oslo, gia đình anh chị tôi cũng vừa từ thành phố B. dọn tới Oslo, mở tiệm bán sushi ở trên đó. Tôi sẽ sang cái nhà hàng sushi ở đây, bước đầu làm chung với chị tôi, sau đó dần dà rành rẽ Oslo tôi lại mở tiệm khác.

– Đợi vài năm nữa…

– Tôi không đợi gì hết. Tôi chán cái thành phố này. Nếu anh và thằng con anh muốn ở lại thì cứ ở lại, ba mẹ con tôi đi. 

– Phượng à, anh xin em.

Cánh cửa đóng sầm lại sau lưng Phượng. Cô đã bỏ ra ngoài phòng khách. Vũ mở cửa và giật mình khi nhìn thấy Yên, thằng con trai 14 tuổi của anh, đang đứng trước cửa phòng nó nhìn về phía phòng của hai vợ chồng anh. Chắc chắn là nó đã nghe thấy cuộc cãi lộn của hai người. Vũ chưa kịp nói gì thì thằng Yên chui tọt vào trong phòng nó, đóng cửa lại.

Vũ cũng lùi vào phòng, khép cửa lại, nằm vật xuống giường. Và thở dài.

xxxx

Họ lại cãi nhau. Ba tôi và dì Phượng . Lúc nào cũng vẫn là chuyện đó. Dì Phượng muốn dọn khỏi đây, đi Oslo. Ba thì luôn luôn có hàng tá lý do cho việc tại sao chưa thể dọn đi. Nhưng nếu hai người quyết định đi, tôi sẽ đi hay ở lại? Tôi không muốn tiếp tục sống cùng một nhà với ba và dì Phượng nữa, dù hai đứa nhỏ sinh đôi, bé An và bé Nhiên rất quyến luyến tôi và tôi cũng rất thương yêu hai đứa, dù gì tôi cũng ẵm bồng tụi nó từ khi tụi nó sinh ra, chơi với tụi nó, dạy tụi nó học…Nhưng tôi không muốn sống với ba tôi và dì Phượng nữa. 

Từ khi bắt đầu hiểu biết, tôi nhận ra ba tôi đối xử với tôi rất khác so với hai đứa em cùng cha khác mẹ của tôi. Ánh mắt ba tôi khi nhìn thấy hai đứa nhỏ lúc nào cũng sáng lên, cả khuôn mặt ba cũng sáng lên, miệng nở nụ cười ấm áp. Ba sẵn sàng bỏ ra hàng giờ đọc truyện, kể chuyện cho hai đứa nghe. Còn với tôi? Tôi không nhớ lần cuối ba nhìn vào mắt tôi, cười với tôi là bao giờ. Mỗi lần nhìn tôi, ánh mắt ba luôn luôn nhìn vào một khoảng nào đó phía trên đầu tôi. Ba cũng rất ít khi nói chuyện với tôi, nếu phải nói thì thường là những câu ngắn, không có chữ ba cũng không có chữ con trong đó. Ba xử sự như thể tôi không tồn tại, dù hai đứa nhỏ ăn gì thì tôi cũng ăn thứ đó, mặc quần áo mua ở đâu thì tôi cũng mặc quần áo mua ở những chỗ đó, tôi cần mua gì hỏi một tiếng là ba đưa tiền cho mua, không bao giờ quát mắng hay căn vặn, nhưng thà ba quát, ba hỏi vặn tôi còn có cảm giác là ba có biết đến sự tồn tại của tôi. Ba không yêu tôi, có lẽ vì tôi là con của mẹ tôi, một người điên.

Còn dì Phượng thì rõ ràng là không thương yêu gì tôi, nhưng dì cố gắng để không đụng chạm tới tôi, dì sợ mang tiếng dì ghẻ ác độc, vả lại ở Na Uy này mà đối xử tệ bạc với trẻ con là rắc rối to. Cũng như ba tôi, dì làm như tôi không tồn tại. 

Không, tôi sẽ không dọn đi với họ đâu, tôi đã quyết định rồi. Nhưng làm sao tôi sống một mình ở đây được, tôi cũng chưa đủ tuổi để đi làm, làm sao tôi sống được?

Tôi muốn nói chuyện với mẹ, nhưng mẹ đâu còn nhớ ra tôi là ai. Từ khi biết mẹ mình là người mà ai cũng gọi là “bà điên ở dưới phố”, lúc đầu giống như ba, tôi tránh hết sức để không đi qua khu vực trung tâm nhưng rồi dần dần tôi đứng từ xa quan sát “người đã sinh ra tôi”, cố hết sức để không ai nhận ra sự liên hệ giữa tôi và bà. Nhưng hôm qua lần đầu tiên nhìn thấy chung quanh vắng vẻ không có ai, chỉ có mình bà ngồi trên băng ghế quen thuộc, lúc nào cũng là cái ghế đó, đúng chỗ đó, tôi bạo dạn tới gần hơn. Bà nhìn thấy tôi. Và hoảng sợ bỏ đi. Đi một lúc ngoái lại nhìn thấy tôi vẫn đứng đó, bà lại vội vàng quay lưng đi như chạy. 

Tôi bỏ đi. Lòng nặng trĩu. Bà không biết tôi là ai. Tại sao ai cũng có một người mẹ bình thường để yêu thương và được thương yêu, còn tôi thì không? 

xxxx

Không ngủ được nóng quá trời sáng quá Là đêm hay là ngày mà sáng vậy Phải kéo màn lại nhưng ánh sáng vẫn chui tọt vào phải lấy thêm giấy che lại bây giờ thì tối rồi Có tiếng con gì kêu vậy Ở làng của bà cứ mỗi lần con chim lợn hay con cú kêu là có người chết Khi ông ngoại chết cú cũng kêu Bác sĩ à đêm qua tôi nghe thấy chim lợn hay cú gì đó kêu Ở xứ này không có chim lợn không có cú chắc là cô nghe con mèo hay con chó nhà ai đi lạc kêu thôi Không rõ ràng tiếng cú mà bác sĩ nghĩ tôi điên tôi không phân biệt được tiếng cú với tiếng mèo hay sao bác sĩ nghĩ tôi điên và ngu ngốc đúng không Không cô không ngu ngốc chút nào và cô xinh đẹp nữa cô chỉ không khỏe thôi Tôi xinh đẹp sao Phải không ai nói với cô là cô xinh đẹp hay sao Có ai nói không tôi không nhớ tôi không đẹp tôi điên tôi ngu dại và tôi thất bại bác sĩ đừng an ủi tôi nữa tôi không tin bác sĩ đâu Nhưng mà đêm qua rõ ràng là có tiếng cú kêu mà Được rồi được rồi hôm qua cô không ngủ được đúng không Uống thêm cái này nó sẽ làm dịu những cơn bồn chồn rồi cô sẽ ngủ được

Thuốc của ông chả có tác dụng gì tôi vẫn không ngủ được trời vẫn sáng như ban ngày và tiếng cú kêu Kìa bác sĩ cũng có một con búp bê sao Không tôi mua cho con gái tôi đó hôm nay sinh nhật 5 tuổi của con gái tôi xong giờ làm tôi sẽ mang về cho con gái Khi còn nhỏ cô có chơi búp bê không Búp bê à Nhìn này con búp bê vải này là của em đó sinh nhật em mẹ và chị làm cho em con búp bê đó thích không Của em sao Ừ của em của con đó Của tôi Tôi có một thứ của riêng tôi Nó cướp mất của tôi Trả lại tao con búp bê của tao trả lại tao Thằng khốn này tại sao mày lấy búp bê của em tao Mày có trả lại không tao xách tai mày bây giờ Tôi không có lấy tôi thèm vào ai thèm chơi búp bê Tôi chỉ định mượn xem thôi làm gì mà nó la lên dữ vậy Trả lại đây thằng khốn tao sẽ mách ba mẹ mày mày giựt búp bê của em tao mày làm nó khóc Đây rồi búp bê của em đây rồi Không không nó bẩn thỉu hết rồi em không muốn em không muốn Được rồi chị sẽ tắm cho nó chị sẽ may lại cho nó cái áo khác được chưa… Tôi thấy nó từ xa làm như tao không biết là mày đang quan sát tao mày đang chờ lúc thuận tiện để giết tao mày tưởng tao không biết Phải cầm cái chai Coca này lên nó có thể bỏ thuốc độc vào cái chai của mình Còn điếu thuốc này nữa phải vứt đi nó có thể tẩm thuốc độc vào điếu thuốc Phải dùng điếu khác nhưng nếu nó đã tẩm thuốc độc vào cả hộp thuốc rồi thì sao không nó không làm được đâu mình sẽ giấu cái hộp thuốc ở một nơi không ai biết mình sẽ… Mày muốn gì tại sao mày đứng ngay trước mặt tao mày muốn gì không phải mày đã cướp hết của tao rồi sao Mày cướp hết mọi thứ của tao mày còn muốn gì mày muốn giết tao hay sao mày nói gì Chị không còn có thể là người vợ bình thường như người ta chị hãy buông tha ảnh ra để ảnh làm lại cuộc đời Ai nói vậy Em à em không khỏe em nên vào bệnh viện Không không tôi không muốn vào bệnh viện tôi không muốn tôi không bị làm sao hết anh muốn tống khứ tôi mọi người muốn vứt bỏ tôi muốn lấy hết mọi thứ của tôi Tôi đang có mang con của chồng chị Ai có mang vậy ai là chồng chị vậy Còn con tôi con búp bê của tôi Trả lại tao con búp bê Nó lấy hết của tôi nó muốn giết tôi nữa hay sao…

Người đàn bà điên hét lên Những tiếng nói khác nhau cứ vang lên trong đầu. Cơn hoảng loạn lại kéo đến. Người đàn bà đập hai tay thình thình vào đầu, vào tường, la chói lói. 

Có tiếng gõ cửa, rồi một giọng đàn ông đứng tuổi lo ngại hỏi bằng tiếng Na Uy:

– Bà có sao không? Tôi đây, hàng xóm của bà đây. Bà có sao không?

– Đi đi đi đi

Người điên hét lạc cả giọng. 

– Hello. 

– Hello. Cảnh sát đây. Chúng tôi có thể giúp gì ông?

– Người sống ở căn hộ bên cạnh chúng tôi, bà ấy bị bệnh tâm thần lâu nay, hình như bà ấy lại đang lên cơn…

– Tại sao ông nghĩ là bà ấy lại đang lên cơn? Bà ấy làm gì? Bà ấy tự làm đau mình hay đe dọa ai đó?

– Tôi nghe tiếng bà ấy la hét, khi tôi gõ cửa thì bà ấy không trả lời mà cứ hét lên…Đó, bà ấy lại đang la hét, tôi ở đây lâu tôi biết bệnh tình bà ấy, xin ông…

– Địa chỉ, thưa ông…

– Số…đường…thành phố K.

– Cảm ơn ông. Chúng tôi đến ngay.

xxxx

– Má tao nói bà điên lại vào bệnh viện rồi đó. Tại sao mày không đi thăm bả?

– Tránh xa tao ra, để tao yên, nếu không tao đánh mày đó. Mày nghe không, tao sẽ đánh mày đó.

– OK, OK, thằng điên. 

Tôi sẽ không đi thăm bà ấy. Tất nhiên là như vậy. Một câu hỏi nhức nhối cứ đay đi đay lại trong đầu tôi, có phải tại vì tôi mà bà nổi cơn điên trở lại không? Bà đã hoảng sợ, bà đã bỏ chạy khi nhìn thấy tôi.

xxxx

– Dì Châu à, người ta lại đưa mẹ vào bệnh viện rồi. 

Một sự im lặng nặng nề, ngột ngạt. Tôi gọi: 

– Dì Châu à.

Một tiếng thở dài. Rồi dì nói:

– Dù sao thì bệnh viện bên đó cũng tốt hơn ở VN nhiều, con à. 

– ….

– Tết này chắc chắn là con về VN chớ?

– Con về, nếu Dì hứa kể thiệt với con tại sao mẹ con bị điên. 

– Lại nữa…

– Dì, con 14, gần 15 tuổi rồi. Con có quyền được biết. Mà con không muốn hỏi ba. Hồi đó chính Dì đã sang chăm sóc mẹ con một thời gian rồi mới quay về VN lại, đúng không?

– …

– Dì. Có phải tại ba con và dì Phượng không?

– ….

– Nếu dì không kể con sẽ tới hỏi bà Loan má thằng Nam. Bà Loan sống ở đây lâu, người ta nói chuyện gì bả cũng biết.

– Thôi được rồi để dì kể. Thật ra thì cũng hổng phải lỗi tại ai hết. Mẹ con đã bị trầm cảm lâu rồi, trước khi mất bà ngoại cứ luôn luôn ân hận là giá mà ngoại đừng để mẹ con đi sang Na Uy một mình khi mới 15 tuổi, cùng với vợ chồng ông Công là ông chú của mẹ con, là em của ông ngoại đó. Hai người muốn xin mẹ con làm con nuôi. Hồi đó nhà mình nghèo quá, ông ngoại vừa mất, một mình bà ngoại phải bươn chải nuôi 5 người con, nên cứ nghĩ cho mẹ con đi sang Na Uy thì sung sướng hơn là ở nhà. Nói nào ngay trong mấy chị em, mẹ con là đẹp nhất. Mẹ con sang đó đâu chưa tới 4 năm thì cả hai vợ chồng ông Công mất đột ngột trong một tai nạn xe hơi, vậy là mẹ con chỉ có một mình. Dì nghĩ mẹ con bắt đầu bị trầm cảm là trong giai đoạn đó. Nhưng mẹ con giỏi lắm, học xong trung học là ra làm ăn chứ không học lên nữa, có số tiền vợ chồng chú Công để lại mẹ con mở cái siêu thị VN đầu tiên ở thành phố K, rồi còn xây nhà cho thuê, làm ăn có tiền lắm. Mẹ con còn gửi tiền về giúp các cậu các dì, sửa nhà cho ngoại, mẹ con muốn bảo lãnh bà ngoại sang, nhưng bà ngoại thấy cả nhà sang sẽ thành gánh nặng cho mẹ con nên không chịu. Rồi trong một lần về VN thăm nhà, mẹ con gặp ba con. Thư qua từ lại một thời gian sao đó rồi mẹ con bảo lãnh ba con sang. Rồi sanh con. Đến khi…

– Đến khi sao Dì?

– Đến khi có mang đứa thứ hai, em con bị chết trước khi sinh là mẹ con bắt đầu trầm cảm trở lại, không làm việc được, phải sang lại cái siêu thị, người sang lại cái siêu thị là gia đình dì ghẻ con…à dì Phượng. Rồi ba con gặp dì Phượng đứng bán ở đó…Và bệnh mẹ nặng lên, không bao giờ trở lại bình thường được nữa. Bác sĩ nói mẹ bị thêm bệnh hoang tưởng liệt liệt gì đó. Khi Dì sang một thời gian sau là mẹ con đã không nhớ ra ai là ai rồi. Chỉ có vậy thôi.

– Như vậy cũng có phần lỗi của ba và dì Phượng.

– Cũng không hẳn. Coi như cái số phận mẹ con vậy. Bây giờ hổng nhớ gì nhiều khi lại hay.

Im lặng một lúc lâu.

– Yên à. Có một điều con cần phải biết là mẹ con rất thương con, khi chưa bị bệnh mẹ con suốt ngày quẩn quanh bên con, hết bồng bế lại hát ru ngủ, đọc truyện, đưa con đi chơi… Con không nhớ gì hết sao?

– ….

– À phải hồi đó con còn nhỏ quá. 

Lại một tiếng thở dài. Nặng trĩu. Buồn hơn cả tiếng khóc. 

xxxx

Dì Châu gửi cho tôi mấy tấm ảnh cũ, không biết dì lục ở đâu ra. Trong mấy bức ảnh có hình mẹ bồng tôi khi còn nhỏ. Đúng là khi trẻ mẹ đẹp, một vẻ đẹp khác với nhiều người. Tóc mẹ dài và dày, phủ quanh vai, nụ cười tươi làm cả khuôn mặt bừng sáng. Còn tôi thì đầu lơ thơ vài sợi, nét mặt ngây ngô, ngơ ngác trên tay mẹ.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một bức ảnh nào của mẹ, hay của mẹ và tôi. Trong ngôi nhà này làm như cả ba, cả dì Phương đều tìm mọi cách xóa hết mọi dấu vết của mẹ. 

Dì Châu còn gửi kèm một bức thư ngắn: 

Yên à, trong mấy đứa em dì thương mẹ con nhất. Số phận mẹ con không may mắn, con cũng đừng để bụng oán trách ai hết, và cũng đừng khinh khi mẹ con vì mẹ con bị điên. Không ai chọn được cha mẹ con à. Con hãy ráng học thật giỏi, sống thật tốt, thật hạnh phúc, coi như con sống thay cho mẹ, nghe con. 

Và con nhớ là ngoài Na Uy, con vẫn còn có một nơi nữa đề về là Việt Nam, có dì, có các cậu, các anh chị em họ của con. 

Dì Châu của con. 

Ngày nào tôi cũng đi qua những con đường chính của K, xem mẹ tôi đã ra khỏi bệnh viện chưa. Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân, cứ thế nối tiếp nhau trôi qua, không biết bao nhiêu lâu cho tới một ngày tôi mừng muốn khóc khi lại nhìn thấy bà lững thững đi trên đường. Tôi lẳng lặng đi sau bà một quãng. Bà đi ra biển. Ngồi trên băng ghế nhìn ra biển. Trông bà thật bình yên. Tôi không dám xuất hiện sợ bà lại bỏ chạy, lại lên cơn.

Mấy ngày liền bà đi ra biển. Tôi cũng lẳng lặng đi theo, cố làm sao để bà không nhìn thấy tôi. 

Trằn trọc nghĩ tới nghĩ lui cuối cùng tôi gọi điện thoại đến bệnh viện tâm thần nơi bà hay vào, tôi hỏi họ làm thế nào để tiếp cận bà mà không làm cho bà hoảng sợ. Một cô y tá Na Uy gốc Việt, tự xưng là người chăm sóc cho trường hợp của mẹ tôi nhiều năm nay, tỏ vẻ ngạc nhiên vì bao nhiêu năm nay không thấy “bệnh nhân” có người thân nào quan tâm, nhưng sau khi nghe tôi trình bày, đã mủi lòng và đồng ý giúp tôi.

xxxx

Nhiều năm sau tôi mới trở lại thăm thành phố K. Khi đi ngang qua công viên nằm bên bờ biển, tôi nhìn thấy họ-người phụ nữ điên và một người thanh niên khoảng trên dưới 25 tuổi đang ngồi trên một băng ghế nhìn ra biển. Người thanh niên đang đọc truyện, một cuốn truyện cổ tích cho người phụ nữ nghe, thỉnh thoảng lại dừng lại, bóc từng múi quít, từng trái dâu đút cho người phụ nữ điên và bà ngoan ngoãn há miệng ra, ăn như một đứa trẻ. Tôi cứ đứng nhìn mãi nhìn mãi cái cảnh ấy, nhưng cả hai người chẳng ai để ý đến tôi.

Cũng chính người phụ nữ-chuyện gì cũng biết là Loan, mau mắn kể cho tôi nghe. Gia đình người chồng cũ của người phụ nữ điên đã dọn lên Oslo chẳng bao lâu sau khi tôi rời thành phố này, nhưng thằng nhỏ thì cương quyết ở lại, không biết bằng cách nào thằng nhỏ đã khiến cho người mẹ điên khùng không biết nhớ của nó chấp nhận sự có mặt của nó bên cạnh mình. Bây giờ thằng nhỏ đã học xong đại học, có công ăn việc làm, cứ lúc nào rảnh là nó lại dành thì giờ ở bên mẹ. Bệnh tình cô ấy hình như cũng giảm bớt, mấy năm nay không thấy phải vào bệnh viện nữa…

Kể xong, Loan buột miệng. Người đàn bà điên đó vậy mà có phước. Sao có phước? -Tôi hỏi. Như hai đứa con mình, một đứa lên Oslo, một đứa sang Mỹ sống, có đứa nào chịu ở lại cái thành phố nhỏ bé, buồn hiu này đâu. Tụi nó bây giờ bận bịu với cuộc sống riêng, mình mà có bệnh cũng chắc gì có đứa nào chịu về thăm, chăm sóc… 

Song Chi

Tháng 7.2022.