Song Chi: Nhìn vào dàn lãnh đạo mới, tương lai Việt Nam vẫn chưa có gì sáng sủa
Nhân sự thay đổi, có gì mới?
Khi ông Nguyễn Phú Trọng nằm xuống, nhiều nhà phân tích, bình luận chính trị trong ngoài nước đều cho rằng ông Trọng có lẽ là người Cộng sản cuối cùng, hiểu theo cái nghĩa vẫn còn tin vào chủ nghĩa Mác Lênin, vào con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Kỷ nguyên của ông Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc, nhưng liệu cái mới, sự thay đổi có đến với đất nước, dân tộc Việt Nam?
Kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng là ông Tô Lâm, một con người với hồ sơ nhân quyền tệ hại, chuyên đàn áp dân oan, những người bất đồng chính kiến, mà một trong những tội ác lớn nhất là vụ án Đồng Tâm, và những vụ tai tiếng bắt cóc người ở nước khác (cả hai nhân vật này, quan chức tham nhũng Trịnh Xuân Thanh và YouTuber, nhà hoạt động Đường Văn Thái hiện đang ngồi tù ở Việt Nam), ăn thịt bò dát vàng v.v…Mặc dù vậy, trong tình cảnh tuyệt vọng, khát khao thay đổi và không biết bám vào đâu, khi ông Tô Lâm tạm thời cùng lúc giữ cả hai vị trí Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều người cũng đã hy vọng ông ta sẽ giữ được luôn cả hai ghế từ đó có thể tập trung quyền lực hơn và có thể tiến hành cải cách các thứ (?!) Nhưng rồi vào ngày 21/10 vừa qua, ông Lương Cường, đại tướng, thường trực Ban Bí thư, đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bầu làm chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Trước đó, vào buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm.
Như vậy, chỉ trong nhiệm kỳ 2021-2026 người dân Việt Nam đã chứng kiến bốn lần tuyên thệ chủ tịch nước của các ông: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Tô Lâm và Lương Cường. Trong đó, ông Tô Lâm chỉ giữ chức Chủ tịch nước vỏn vẹn 5 tháng, ngắn nhất trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam.
Về điều này, người viết đã dự đoán từ trước là ông Tô Lâm sẽ không giữ được ghế Chủ tịch nước, vì mấy lý do sau: Thứ nhất, con đường đi lên chức Tổng Bí thư của Tô Lâm không phải do cái gọi là “dân chủ trong đảng”, tức do sự đồng thuận (100%) của các đảng viên như thường lệ, mà do đấu đá, tiêu diệt mọi nhân vật có tiềm năng khác, từ đó gây ra nhiều oán thù. Cho nên trong đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ có những thành phần không muốn Tô Lâm giữ được cả hai chức sẽ có quá nhiều quyền lực. Thứ hai, Tô Lâm lại chưa có đủ uy tín để thuyết phục tất cả đi theo mô hình “nhất thể hóa” kiểu Trung Quốc. Và thứ ba, nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ có bề mặt là “ổn định” còn bên trong thì cực kỳ khủng hoảng, như chúng ta có thể thấy với bao nhiêu diễn biến long trời lở đất trong đội ngũ lãnh đạo đảng và nhà nước, người thì vào tù người thì về vườn “làm người tử tế”, người thoắt cái nhảy vào vị trí nọ vị trí kia dù lắm khi không đáp ứng đủ điều kiện, theo chính điều lệ của đảng.
Rốt cuộc sau những cuộc dàn xếp, đấu đá phía sau hậu trường, Tô Lâm đành phải nhường lại ghế Chủ tịch nước cho một nhân vật bên Quân đội, như vậy cả hai phe Công An, Quân đội (là hai thế lực mạnh nhất hiện nay) tạm cân bằng, tạm chung sống hòa bình.
Tô Lâm cần thời gian để thâu tóm quyền lực, và nếu muốn giành cả hai ghế thì phải là nhiệm kỳ sau. Cũng như Tổng Trọng hồi nhiệm kỳ đầu đâu có đánh gục được Nguyễn Tấn Dũng–tức đồng chí X, phải mất mấy năm sau.
Trong thời gian ngắn ngủi từ khi nhậm chức Chủ tịch nước rồi Tổng Bí thư, ông Tô Lâm cũng đã kịp đi công du nước này nước kia, và dù ở trong hay ngoài nước, ông ta đều có những lời tuyên bố có cánh kiểu như Việt Nam đã sẵn sàng cho một “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam”, rồi thì “đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của ĐCSVN’ là một ‘yêu cầu cấp thiết’ trong ‘giai đoạn cách mạng mới’…Khiến bao nhiêu người phải suy ngẫm ý ông Tô Lâm muốn nói gì, kỷ nguyên mới là kỷ nguyên gì. Về điều này TS Khoa học Nguyễn Quang A đã có câu trả lời ngắn gọn qua một số bài viết mới đây như bài “Kỷ nguyên mới phải là kỷ nguyên dân chủ cho Dân tộc Việt Nam vươn mình”, Ông khẳng định “Chúng tôi cho rằng nó phải là kỷ nguyên dân chủ cho Việt Nam, thì mới có ý nghĩa vì nếu không sẽ rất có khả năng chỉ là một mỹ từ, một sáo ngữ”. Khi nói chuyện tại đại học Columbia trong chuyến đi Mỹ tháng 9 vừa qua, Ông Tô Lâm cũng tuyên bố “con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại”. Nhưng không hiểu khi nói thế ông Tô Lâm có thật hiểu, xu thế chung của thế giới là gì? Đó là xu hướng dân chủ hóa. Và một nền văn minh nhân loại là phải tôn trọng tự do, nhân phẩm của con người.
Chưa hết, khi phát biểu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10 ông Tô Lâm lại nói “trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Nhiều người đã vội mừng tưởng như nói đến mô hình thể chế chính trị!
Nhưng nếu đọc kỹ bài nói chuyện của ông Tô Lâm trước Quốc hội thì rõ ràng Tô Lâm tất nhiên không nói đến mô hình thể chế chính trị, mà chỉ nói đến sửa đổi, cải cách về mặt lập pháp, hoàn thiện cung cách làm việc của Quốc hội vì “trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục”.
Với những ai hy vọng vào Tô Lâm sẽ có những cải cách, chuyển đổi theo hướng dân chủ hóa để đất nước, dân tộc Việt Nam có sự phát triển tốt đẹp hơn (như đã từng hy vọng vào Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng), thì phải thấy rằng ông Tô Lâm không có đủ tầm, tâm, trí, dũng để làm chuyện thay đổi đó. Tô Lâm không phải là một nhà tư tưởng, một nhà giáo dục, một nhà kỹ trị, Tô Lâm chỉ là một ông công an cả đời chuyên bắt bớ, đàn áp, thậm chí cũng chẳng có …lý tưởng dù là lý tưởng dở hơi tin vào CNXH, chủ nghĩa Mác Lê như ông Nguyễn Phú Trọng cả đời đắm đuối vào mớ lý luận, lý thuyết giáo điều đã bị thế giới vứt vào sọt rác. Tô Lâm thực tế, thực dụng theo đúng chủ nghĩa “hưởng thụ bò dát vàng”. Mà không chỉ một mình ông Tô Lâm, cả dàn “tứ trụ” hiện nay cũng vậy. Hãy thử nhìn qua lý lịch của họ:
Ông Tô Lâm, Tổng Bí thư, người miền Bắc (Hưng Yên), hàm Đại tướng, xuất thân từ bên Công an, từng là Bộ trưởng Bộ Công an, từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực an ninh, tình báo.
Ông Lương Cường, Tân Chủ tịch nước, người miền Bắc (Phú Thọ), hàm Đại tướng, xuất thân từ bên Quân đội. Ông từng làm Chính ủy Quân đoàn 2 và Chính ủy Quân khu 3, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Có nghĩa là cả đời binh nghiệp của ông chủ yếu tập trung vào công tác chính trị, công tác đảng trong quân đội.
Ông Phạm Minh Chính, người miền Trung (Thanh Hóa), hàm Trung tướng, xuất thân từ bên công an, từng làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam v.v…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, người miền Nam (Hậu Giang), từng là Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Bí thư thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước khi chuyển sang công tác tại Quốc hội.
Có nghĩa là trong 4 vị trí lãnh đạo cao nhất thì toàn là dân công an, quân đội, hoặc làm công tác đảng. Trừ Phạm Minh Chính từng là lưu học sinh tại Roumania, trong thời kỳ quốc gia này còn là nước Cộng hòa XHCN Roumania, 3 người còn lại chỉ học trong nước. Cả 4 đều làng nhàng, không có gì xuất sắc, nổi bật về tài năng. Và họ vẫn thuộc về lớp người cũ, không phải là những gương mặt lãnh đạo của thời đại mới, văn minh, hiện đại, am tường công nghệ cao, kỹ thuật số, thông thạo dăm ba ngoại ngữ.
Chưa hết, người vừa mới lên thay ông Lương Cường trong vị trí Thường trực Ban Bí thư, tức vị trí số 5 (cũng là người thứ tư giữ vị trí này trong nhiệm kỳ hỗn loạn 2021-2026), quê Hà Tĩnh, thì cũng là có quá trình chuyên về công tác đảng, Bí thư tỉnh ủy Thái Bình…, dù từng tốt nghiệp ngành Nông-Lâm Nghiệp.
Nhìn vào việc sắp xếp chọn lựa các vị trí, thì có thể thấy một sự chia ghế để tạo cân bằng giữa các phe quân đội, công an hoặc các nhóm theo vùng miền.
Không chỉ riêng Tô Lâm, mà cả dàn lãnh đạo này nếu có muốn thay đổi cũng chưa làm được, vì không có đủ tài, tầm, trí, dũng. Họ cũng không yêu nước đủ để khao khát muốn xây dựng Việt Nam trở thành một cường quốc trung bình trong khu vực và trên thế giới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã làm được, họ cũng không yêu dân, không yêu đảng, họ chỉ yêu tiền và quyền lực. Và khi có quyền lực thì họ chỉ chăm chăm bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, nhìn vào toàn bộ lý lịch, quá trình công tác của họ thì đủ hiểu. Mọi lời lẽ họ nói khi đi ra trước quốc tế, trước Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây, chỉ là để làm an lòng quốc tế, chỉ là uốn éo sáo ngữ, cũng như khi nói trước dân chúng thì mỵ dân, còn trong đường lối chính sách của họ thì đối nội, vẫn là độc đảng toàn trị, đối ngoại đung đưa giữa các nước nhưng cái rễ thì bám chặt lấy Trung Cộng (tất cả họ trước hoặc sau khi nhậm chức đều phải sang “chầu” Bắc Kinh, như Tô Lâm trước khi đi Mỹ thì phải đi Trung Quốc, hay Lương Cường lẳng lặng đi qua Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình 2 tuần trước khi được bầu làm Chủ tịch nước chẳng hạn)
Với thế hệ lãnh đạo hiện nay và ít nhất là 5, 7 năm nữa, càng tập trung quyền lực thì chỉ tạo ra một nhà độc tài hơn chứ không phải tạo nên một nhà cải cách.
Thật đáng tiếc khi nhìn thấy nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhưng các vị trí lãnh đạo cao nhất vẫn cứ chia nhau giữa tuyên giáo, công an và quân đội, và tất nhiên đều là đảng viên đảng Cộng sản, không có được những nhân vật tuy cũng trong đảng nhưng là những nhà kỹ trị giỏi về kinh tế, quản trị điều hành đất nước hoặc giỏi về ngoại giao, am hiểu thế giới, nói gì đến cơ hội cho những tài năng ngoài đảng, mặc dù Việt Nam là một quốc gia dân số xấp xỉ 100 triệu người!
Người Việt mơ giấc mơ được đi bầu cử tự do như ở Mỹ
Những ngày này không khí chính trị ở Mỹ đang “nóng” hừng hực vì đang bước vào những ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử nhiều vị trí, trong đó quan trọng nhất là bầu chọn Tổng thống thứ 47.
Bầu cử Tổng thống ở Mỹ bao giờ cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân tại nhiều quốc gia, vì Mỹ là cường quốc hàng đầu và chính sách của Mỹ, nhất là về ngoại giao, sẽ ảnh hưởng đến thế giới. Người Việt cũng không là ngoại lệ. Báo chí chính thống Việt Nam cũng đưa tin thường xuyên, liên tục cập nhật về bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, và bên dưới những bài viết như vậy bao giờ cũng có đông đảo người đọc vào bình luận, đánh giá 2 ứng cử viên.
Có thể thấy trong sự hào hứng của nhiều người Việt đối với bầu cử Mỹ, có cả nỗi khát khao được có môt nền bầu cử tự do, được hiểu rõ về từng ứng cử viên, được tự do chỉ trích ứng cử viên, kể cả Tổng thống đương nhiệm, mà không bị “trừng phạt”, nhất là cảm giác được cầm lá phiếu thực hành trách nhiệm công dân của mình. Trước đây, dưới chính thể VNCH, người Việt đã từng có được niềm vui đó, và tài liệu cho thấy cuộc bầu cử Tổng Thống và Thuợng Nghị Viện VNCH ngày 3-9-1967 “dưới sự giám sát của hàng trăm quan sát viên bao gồm các nhà báo và quan sát viên chính thức đến từ 24 quốc gia”, được đánh giá là tự do, dân chủ và khá công bằng ở Nam Việt Nam.
Còn hiện tại, trong lúc ở Mỹ người dân nô nức đi bầu, chọn người sẽ làm Tổng thống, thì ở Việt Nam người dân vẫn tiếp tục bị tước đi mọi quyền lợi tối thiểu, vẫn chỉ là những khán giả bất đắc dĩ đứng nhìn đảng Cộng sản đóng cửa bầu chọn nhau, rồi lại đóng cửa phế truất nhau. Không ngạc nhiên khi nhiều người Việt lại quan tâm bàn bạc tranh luận chuyện bầu cử ở tuốt bên Mỹ trong khi chuyện nước mình thì không quan tâm, bởi vì có quan tâm thì cũng làm được gì? Nhưng chính đó là điều mà đảng Cộng sản muốn, nghĩa là người dân đừng quan tâm gì đến chuyện quốc gia, vận mệnh đất nước chỉ do một nhúm người quyết định, như suốt tám thập kỷ qua ở miền Bắc và gần nửa thế kỷ nay trên toàn cõi Việt Nam.
Song Chi
——————-
- Nguyễn Quang A: Kỷ nguyên mới phải là kỷ nguyên dân chủ cho Dân tộc Việt Nam vươn mình, Diễn Đàn Thế Kỷ
- Toàn văn phát biểu chính sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Đại học Columbia: ‘Con đường của Việt Nam, quan hệ với Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới’, Tin Tức TTXVN
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, Báo SGGP
- Bùi Văn Phú: Bầu cử Mỹ: Cử tri và ứng viên gốc Việt ở California, DĐTK
5. Tư liệu: Cuộc bầu cử ngày 3 tháng 9, 1967 tại Miền Nam Việt Nam, Trùng Dương, US-Vietnam Research Center