Tạ Duy Anh: Trí thức là kẻ thù lớn nhất (Trích tiểu thuyết ĐẤT MỒ CÔI)
Xin có vài lời ngoài nội dung:
Câu chuyện Huy Đức Trương Huy San mất tích, chắc chắn sẽ còn thu hút mối quan tâm của xã hội. Mọi người đều muốn biết: Nếu Huy Đức bị bắt, như tin đồn, thì ông bị bắt vì tội gì?
Huy Đức và tôi luôn giữ một khoảng cách đủ để kính trọng nhau, nhưng không đủ để thành tâm giao. Chưa kể tôi còn có “mối hận” riêng với ông! Mỗi năm chúng tôi gặp nhau đôi ba lần và lần nào cũng chỉ tìm cách chọc tức, khích bác nhau về nhiều quan điểm không thể chia sẻ nhưng không muốn tranh cãi. Ngoài có chút bí ẩn (trái với vẻ toang hoác của tôi), Huy Đức là người lịch lãm.
Khi nghe tin ông gặp chuyện gì đó, sức khỏe của tôi đang ở mức tệ hại. Tôi nghe theo lời khuyên của nhiều người bạn khác, bình tĩnh chờ đợi thêm thông tin.
Nhưng tôi biết trước rằng, dù bị buộc tội bởi lý do gì, thì với “Bên thắng cuộc”, cuốn sách chính luận “hay nhất mọi thời đại” như lời cố thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo khi ông giới thiệu với tôi, thì rất khó để ai đó có thể đẩy Huy Đức ra khỏi lịch sử.
Mong ông bình anh. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng, một dân tộc thiếu vắng những nhà phản biện lớn, là một dân tộc vô phúc và không có tương lai.
***
“Sau mấy ngày làm kiểm điểm, bị đưa ra để các bộ phận thay nhau truy bức, ông nội bị kết tội bỏ nhiệm vụ theo gái. Tức là hủ hóa. Để cho hồ sơ án tử của ông thật đẹp, thật hoàn hảo trong cái nhìn của cấp trên, chỉ việc quy cho ông thêm tội ăn cắp quân lương. Muốn có tiền cho gái trong điều kiện của ông, thì nhất định phải ăn cắp. Mà ăn cắp quân lương là hút máu hút mủ của đồng đội. Với tội trạng ấy, với lập luận chặt chẽ về mối nguy hại làm suy giảm nhuệ khí chiến đấu của chiến sỹ nếu để ông tôi sống, do viên chỉ huy trực tiếp viết trong báo cáo, ông nội chỉ còn mỗi nhiệm vụ cuối cùng là đi thẳng ra pháp trường.
Cuối cùng thì nguyên nhân chính khiến người ta quyết thịt ông đã lộ ra, qua câu nói đầy căm thù của viên chỉ huy vang lên trong đêm tối, giữa căn hầm nửa nổi nửa chìm.
Sau màn tra hỏi lịch sự, ông ta không còn phải ý tứ nữa:
-Tao nói cho mày biết, từ lâu rồi chúng tao vẫn bảo nhau là không thể tin được những thằng có xuất thân hữu sản lại học qua trường Tây như mày!
Ông nội im lặng nghe ông ta nói tiếp:
-Vì sao mày là con một địa chủ, theo học trường Pháp, lại được cách mạng trọng dụng, cho hưởng cấp hàm sỹ quan? Tao rất tò mò muốn biết mày đã có công trạng gì?
Không một lời đáp lại, nhưng có vẻ ông chỉ huy hỏi không phải để nghe trả lời.
-Mày có công trạng gì, so với chúng tao để được tin tưởng, cất nhắc nhanh như vậy? Mày nghe nhé, từ bé tao đã phải đi rửa đít cho con cái của những tên trùm gian ác như bố mày. Rửa không sạch, chúng nó bắt dùng áo để lau. Cả đời tao chỉ có một cái áo, nên áo tao không đủ sạch để chùi đít cho những thằng như mày. Khi lớn lên, tao thầm yêu một con bé nhà giầu, nhưng chỉ vì nghèo mà đành chấp nhận nhìn cô ấy về làm dâu nhà khác. Tao căm ghét những kẻ như bố mày. Vì thế, khi biết hồ sơ lý lịch của mày, tao chỉ muốn tìm mọi cách để mày chết không có chỗ chôn. Mày xứng đáng chết thay bố mày, dù tao biết bố mày đã phải đền tội thê thảm bởi một nhóm thanh niên hoạt động bí mật. Nhưng tao chưa tìm được cơ hội làm điều đó với mày. Giờ chính là lúc ước muốn của tao phải được thực hiện. Mối thù trong lồng xương ống máu của tao đã được trả. Cách mạng đã giúp tao làm điều đó. Thực ra, nếu được, tao muốn cắn cổ uống máu lũ chúng mày mới hả. Muốn đập đầu từng đứa, cho phòi óc ra, dùng cọc xiên ngược từ hậu môn lên, để thấy chúng mày đau đớn thế nào mới hả. Muốn cầm chân con em chúng mày, bất kể lớn bé, xé đôi ra hoặc đập thẳng vào cây cho vỡ nát thân thể. Muốn chôn sống tất cả bọn mày, rồi cho trâu kéo bừa phía trên để nghe tiếng con ngươi nổ bôm bốp. Tao muốn nhiều lắm, kể cả cắt tiết từng đứa để lấy máu tắm lên người cho mát. Nhưng thôi, thế này cũng là được rồi. Tao nói cho mày biết, tội chết của mày là do tao bịa ra. Mày sẽ rất uất hận mang theo sự thật ấy xuống Âm phủ, mà không thể nói với ai được, không ai cứu được. Kể cả mày cứ gào to lên, cũng không ai buồn nghe. Chẳng ai còn tin mày nữa.
Viên chỉ huy nói đến đây thì ngửa cổ cười ha ha. Trong khi đó ông nội tôi vẫn một mực im lặng.
-Mày không nói gì à, thằng nhiễm mùi tư sản thối nát? Ít nhất mày cũng nguyền rủa tao một câu, hoặc hỏi xem con bé sơn nữ xinh đẹp mày đem về sẽ vào tay ai sau khi mày làm ma. Cả một đêm giữa rừng, đàn ông xa vợ lâu ngày, đàn bà thì trẻ đẹp như tiên giáng trần, lại xung quanh chỉ có rừng và núi, thế mà chúng mày bảo chúng mày không làm gì, có họa là mày bị thiến à? Nhưng tao sẽ kiểm tra sau khi mày về với bố mày. Đồ ngu, chả lẽ mỡ đến miệng mà mèo quay đi. Nếu mày địt cô ta cả đêm, chưa chắc mày đã chết nhục nhã. Đời nó chó thế đấy. Mày ngạc nhiên à? Vì khi đó mày sẽ tiện thể bỏ trốn, đến một nơi khỉ ho cò gáy nào đó, không quay về để bị trói nằm như con chó ốm thế kia.
Viên chỉ huy lại cười ha ha.
-Nhưng đời mày thế cũng hơn tao nhiều rồi. Mày có hai con vợ xinh đẹp, còn tao thì ngay cả thèm một con chó cái cũng không dám.
Ông nội tôi vẫn im lặng.
-Nói thật nhé, tao căm ghét những thằng như mày đến xương tủy không chỉ do mày là con nhà giầu, mà còn do mày là trí thức. Kẻ thù chính của chúng tao là bọn trí thức như mày. Tao biết rõ rằng, cậy có học, thể nào mày cũng khinh ngầm những thằng nông dân như tao. Trước sau mày cũng ngáng đường tao. Có thằng trí thức nào mà không kiêu ngạo! Nhưng cuối cùng, những thằng như mày đều do những thằng như tao nắm mạng sống trong tay. Chả có tòa án nào cả, mà chỉ mình tao tuyên án xử tử mày.
Đến đây thì ông nội lên tiếng:
-Tôi xin ông, hãy cho tôi một ân huệ là thả cô gái Mường ấy ra, cô ấy hoàn toàn vô tội. Ông tin hay không, với tôi không còn quan trọng nữa.
Ông nội dừng lại nuốt khan:
-Nếu có thể được, ông hãy gia ân cho cô ấy vào làm một công việc gì đó trong quân đội. Cô ấy sẽ làm rất tốt. Phải trở về quê, cô ấy khó mà thoát bị bọn lang sói nó ăn thịt.
-Việc đó thì mày cứ yên tâm mà đi gặp thằng bố mày, tao thừa sức lo cho cô ấy một chỗ tốt. Tao còn muốn cô ấy làm vợ tao nữa cơ… Vì thế, tao mới tra vấn mày kỹ thế. Nếu mày chưa làm gì cô ấy như mày nói, mày càng phải sớm khuất khỏi mắt tao.
Viên chỉ huy lại cười ha ha rồi bỏ đi, nhập vào với màn đêm đen kịt. Nhưng tiếng cười của ông ta thì cứ còn vang vào rừng sâu, vọng mãi từ dãy núi này sang dãy núi khác.
Và có thể chính ông nội tôi cũng như viên chỉ huy đều không biết rằng, rốt cuộc thì những âm thanh ấy đã xuyên qua cuộc đời của chúng tôi sau này và ở đâu đó vẫn đang tiếp tục vang lên”.
Tạ Duy Anh