Thái Hạo: Thầy Tuệ Sỹ: Hình mẫu lý tưởng về người Trí thức Hiện đại

Tròn 1 năm bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam – thầy Tuệ Sỹ, rũ áo phong sương “về nơi vô trụ”, Nxb Đà Nẵng và thân hữu đã làm cuốn sách công phu “Bách dư niên hậu sử truyền đăng”, nhằm “khơi lại nguồn suối Từ mát trong, nghĩ nhiễm ô mà chưa hề nhiễm ô”.

Ngoài danh mục thơ, câu đối và thủ bút, sách là sự góp mặt các bài viết của 63 tác giả. Và tôi cũng may mắn được ở đây với một bài nhỏ vốn ra đời vào ngày thầy mất, nay được in lại vào trang cuối của một tập sách dày gần nửa nghìn trang. Sách in 500 cuốn và phi lợi nhuận. 

Nhận sách, vui và biết ơn, xin đăng lại đây để nhớ thầy và nhắc mình. Nếu được, tôi cũng muốn dùng câu cuối trong bài này để nói về “hiện tượng sư Minh Tuệ”, và chỉ thế thôi.

***

Với tôi, thầy Tuệ Sỹ trước hết và quan trọng nhất, là một hình mẫu lý tưởng về người trí thức hiện đại. Nếu chỉ biết đến Thầy như một nhà tu hành thì có lẽ sẽ là điều khiếm khuyết. Bằng tài năng, trí tuệ, nhân cách và thái độ dấn thân “ngã nguyện vô cùng”, thầy đã thị hiện một chân dung toàn vẹn của người tu sĩ Phật giáo chân chính bên cạnh hình ảnh trí thức và thái độ của một công dân nặng trĩu trách nhiệm với xã hội, đất nước và dân tộc. Hình ảnh của thầy trái ngược hẳn với những kẻ đang “ôm giữ chùa tháp”, liên minh và quỳ sụp dưới chân quyền lực thế tục để mưu lợi tầm thường và đáng hổ thẹn đang nhan nhản trong thời buổi này.

Thầy cũng là một tiếng nói xa lạ với những người luôn rao giảng về “buông bỏ”, về “tỉnh thức”, về “lánh đục”; xa lạ với những lời ngụy tín của “năng lượng tích cực”, của “việc của mình là xanh”, của “tròn ngay tự trong tâm”…, để đứng sừng sững như một ngọn núi lớn giữa bão táp mưa sa của quyền lực đen tối và những thế lực đang phá hoại chánh pháp, hủy hoại nền văn hóa dân tộc.

Sống chết là lẽ tự nhiên của đời người. Với một bậc chân tu như thầy Tuệ Sỹ, cái chết có lẽ chỉ như việc thả mình vào một giấc ngủ bình yên, đến đi như hơi thở. Tuy nhiên, có lẽ đối với Phật giáo và văn hóa, tinh thần Việt Nam, sự ra đi của Thầy là một mất mát sẽ để lại khoảng trống lớn không gì bù đắp được.

Điều khiến cá nhân tôi bất an nhất chính là một sự đứt gãy khó hàn gắn trong dòng chảy vốn đã mỏng manh và đầy bất trắc này. Nguyện cho điều lo lắng ấy sẽ chỉ là thừa thãi, bởi những thế hệ nối tiếp của Thầy đã được chuẩn bị đến nhuần thấm nhân cách và có đầy đủ trí tuệ như thầy mình…

Việc ngưỡng mộ Thầy có lẽ quan trọng và chỉ thực sự có ý nghĩa khi mỗi người gắng học và sống như công hạnh của Thầy, được chút nào hay chút ấy…

Thái Hạo