Thảm trạng giáo dục

Báo chí trong nước đưa tin một cô giáo bị một nhóm học sinh tại trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) dồn vào góc lớp, chửi bới, ném dép đến ngất xỉu, quay video và đăng lên mạng xã hội. Dư luận rất sốc và rất nhiều người đã bày tỏ quan điểm, ý kiến về vụ việc. 

Hình ảnh cô giáo ngất xỉu khi bị nhóm học sinh bạo hành (Ảnh cắt từ clip). Báo Dân Trí

Khuất Thu Hồng: Trẻ em ác độc là do đâu?

Trong mấy năm gần đây tình trạng học sinh đánh nhau và quay clip tung lên mạng xã hội không còn là hiện tượng hiếm gặp ở Việt Nam. Mọi người bức xúc, giận dữ, phê phán … các cơ quan chức năng vào cuộc, nhà trường phê bình, kỷ luật … Riết rồi nhiều người cũng đành tặc lưỡi kêu khổ nhưng dường như cũng đã có người bắt đầu chịu được cảm giác bất lực của mình… 

Nhưng từ hôm qua đến nay cả nước rúng động về vụ một cô giáo ở trường nọ bị chính học sinh của mình nhốt trong lớp và bị chúng thi nhau hành hung, xúc phạm. Đó là chỉ dấu của một thực tế rằng bạo lực học đường đã không còn giới hạn. Vị thế người thầy, vốn được đề cao như hoặc thậm chí còn hơn cả cha mẹ trong xã hội Việt Nam, đã không cứu được cô giáo khỏi bạo lực từ những đứa trẻ mà chính cô dạy dỗ.

Đọc các bình luận về vụ việc tôi thấy nhiều người đặt câu hỏi: “vì sao nên nỗi?” Tôi nghĩ câu hỏi đó chỉ là một cách cảm thán và thể hiện sự bất lực của mọi người trước sự việc khủng khiếp này nhưng ai cũng biết câu trả lời. 

Tôi thường xuyên theo dõi vấn đề bạo lực học đường nhưng lần nào xem các clip đó tôi cũng thấy kinh sợ. Tôi kinh sợ vì thấy mức độ bạo lực trong trẻ em ngày càng gia tăng. Tôi khiếp hãi vì thấy một số đứa trẻ hả hê khi tung ra những đòn đánh cực kỳ hiểm ác vào thân thể non nớt của đứa trẻ nạn nhân và trút lên đầu nó những lời chửi rủa mạt sát khủng khiếp. Tôi hiểu vì sao những đứa trẻ nạn nhân có thể tìm đến cái chết, vì sao có đứa bị rối loạn tâm trí không thể phục hồi … Vì thế từ sáng đến giờ tôi không ngừng nghĩ đến hình ảnh cô giáo bị lũ trẻ vây hãm và hành hung, mạt sát với một nỗi lo lắng tột độ.

Cách đây không lâu, nhân TV đưa tin về một vụ bạo lực học đường, tôi hỏi cháu ngoại tôi 9 tuổi rằng ở lớp con các bạn có đánh nhau không. Cháu trả lời là các bạn không đánh nhau nhưng có bạo lực tinh thần. Tôi hỏi cháu “bạo lực tinh thần như thế nào?” Cháu kể là có một bạn lấy đồ của chính mình nhét vào ba lô của một bạn khác rồi tố cáo bạn đó ăn cắp đồ của mình. Tôi lặng người, kinh hoàng về chiêu trò hiểm độc của đứa trẻ kia.

Nhưng tôi không đặt câu hỏi vì sao trẻ con bạo hành. 

Vì tôi biết trẻ con không sinh ra với bạo lực. Một số đứa trẻ bạo hành người khác vì học hỏi điều đó từ người lớn. Chúng chứng kiến cha mẹ hoặc hàng xóm của chúng bạo hành lẫn nhau hoặc chúng bị chính cha mẹ hoặc người lớn khác bạo hành. Tôi đã từng chứng kiến những ông chồng đánh vợ với những đòn tàn độc như đánh kẻ thù. Tôi cũng đã từng chứng kiến có ông bố đánh con như đánh rắn, ném con xuống giếng, tra tấn con bằng cách gí đầu thuốc lá đang cháy vào người nó. Tôi đã nghe có bà mẹ chửi con gái là “đồ đĩ”, “sau này lớn lên chỉ có nằm ngửa ăn sẵn” … chỉ vì đứa bé mải chơi không làm việc nhà… 

Câu chuyện của đứa bạn trong lớp cháu ngoại làm tôi kinh hoàng nhưng tôi hiểu một đứa trẻ 9 tuổi khó mà nghĩ ra chiêu trò hiểm độc đó nếu nó không học thủ đoạn ngậm máu phun người từ cha mẹ hoặc từ những người lớn khác. Mới đây, tôi biết chuyện một người đàn bà sau mấy năm tán tỉnh, quyến rũ ông sếp của mình không được liền quay ra tố cáo ông này quấy rối mình. Trong mấy năm liền cô ta gửi những tin nhắn ve vãn kiểu như anh là một người sếp tốt nhất trên đời, anh là người đàn ông tuyệt vời… Khi cô ta đi biển cô ta gửi tin nhắn cho sếp là muốn gửi nắng và gió biển cho anh. Khi cả cơ quan đi nghỉ thì cô ta liên tục nhắn tin rủ rê anh sếp đi tắm bể nước nóng kiểu Nhật (onsen) và đi chạy bộ buổi sáng cùng cô ta … Anh sếp hiền lành không muốn làm cô ta bẽ mặt nên bỏ qua những lời ve vãn và cố gắng giữ quan hệ bình thường để cơ quan không gặp rắc rối. Cho đến một ngày anh sếp không chịu được nữa đã viết cho cô ta là nên chấm dứt gửi những lời như thế thì cô ta tức tối đi tố cáo anh này quấy rối. Không chỉ muốn huỷ hoại người đàn ông đó, thâm độc hơn, cô ta còn tấn công vợ anh này trên FB với mong muốn phá nát hôn nhân của họ. Cô ta hậm hực khi thấy vợ chồng họ vẫn có vẻ hạnh phúc bên nhau và không bị chiêu trò của cô ta làm ảnh hưởng… 

Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế hay bạo lực tình dục giữa người lớn chính là nguồn cơn dẫn đến bạo lực của trẻ con đối với trẻ con và trẻ con đối với người lớn như những câu chuyện ở trên.

Mức độ bạo lực giữa trẻ con phản ánh mức độ bạo lực giữa người lớn. Mức độ bạo lực của cả người lớn và trẻ con phản ánh mức độ suy đồi của đạo đức xã hội.

Khuất Thu Hồng 

***

Lâm Bình Duy Nhiên: Thảm trạng giáo dục

Học sinh xúm lại đánh cô giáo. Cô giáo cũng dùng giày dép rượt đuổi và đánh học trò…

Dường như học trò tiểu học hay trung học cơ sở thôi!

Thật ngao ngán và xấu hổ! Liệu đó có phải là một trường hợp lẻ loi hay chỉ là bề nổi của tảng băng ngầm cho cái gọi là nền giáo dục Việt Nam ngày nay?

Giáo dục là nền tảng của một xã hội nhân bản và tiến bộ. Phát triển một nền giáo dục khoa học dựa trên tinh thần tôn sư trọng đạo là điều cần thiết và cấp bách để đào tạo những công dân có đạo đức và trách nhiệm với cộng đồng. Tiếc thay, Việt Nam chỉ biết chạy đua theo thành tích, giải thưởng Olympic này nọ, học sinh chuyên cấp quận, cấp thành, cấp quốc gia như những cỗ máy, con vẹt nhưng lại quên đi cái nền móng của nền giáo dục!

Học sinh thì bị ép học, học nữa, học mãi theo gương của lãnh tụ mà suy cho cùng cũng chẳng hấp thụ được bao nhiêu kiến thức quan trọng.

Thành tích bắt buộc nên học trò lại cứ phải học thêm. Sáng đi học, chiều tối lại cặm cụi đi học thêm, học luyện thi, để có điểm tốt, để trúng tủ đề thi, để được thầy cô giáo nâng đỡ…

Thầy cô thì quên đi trọng trách cao cả của nghề dạy học. Cũng phải bươn chải kiếm sống bằng cách dạy thêm. Suy cho cùng đồng tiền đã chi phối toàn xã hội. Ai cũng nghĩ đến tiền. Học trò, phụ huynh, thầy cô giáo và cả hệ thống giáo dục: phải có tiền để vào trường tốt. Phải có tiền để con học thêm. Phải có tiền từ dạy thêm để nuôi sống gia đình!

Bất chợt người viết nhớ lại cái thời học trò trong nước. Cũng chỉ vì muốn trở thành bác sĩ (mẹ kiếp cũng phải là bác sĩ), mà cha mẹ chạy đôn, chạy đáo kiếm tiền cho con đi học luyện thi! 

Mà phải học từ lớp 10 lận! Sáng đi học ở trường. Trưa đạp xe về nhà ăn cơm, xong lại đạp xe, “chạy xô” đi học luyện thi, hết Toán, Hoá rồi Sinh, đến gần 21 giờ mới về nhà.

Ngày nào cũng thế. Trong suốt 2 năm…

Cha mẹ đóng tiền học luyện thi. Nhớ học môn Sinh vật. Cô giáo là giảng viên đại học Y. Cha đưa một chiếc nhẫn, cả chỉ vàng (?) cho cô giáo, vì không có tiền mặt. Hình ảnh ấy là một cơn ác mộng đeo đuổi người viết đến tận bây giờ!

Nhiều ông thầy, bà cô coi như làm giàu nhờ dạy luyện thi. Thậm chí in tờ rơi quảng cáo có học sinh đậu thủ khoa trường A hay B. Mà họ giàu thật. Cứ mùa luyện thi là hốt bạc…

Tất cả những kỷ niệm ấy tưởng chừng chỉ tồn tại trong thời bao cấp, đói khổ hay mới mở cửa. Ai ngờ đã vào thế kỷ 21 rồi nhưng nền giáo dục tại quê nhà vẫn không đổi thay.

Thậm chí đạo đức bị suy đồi trầm trọng. Từ trò đến thầy cô, không còn sự tôn trọng lẫn nhau. Cái gì cũng phải hơn thua nhau và bạo lực là giải pháp duy nhất để giải quyết mọi mâu thuẫn: giữa học trò, giữa thầy trò, giữa ban giám hiệu với thầy cô giáo…

Bạo lực xuất hiện khắp nơi, kể cả trong sách giáo khoa, để gieo rắc sự hận thù trong tâm trí của học sinh các cấp.

Bạo lực chính là giải pháp tối ưu trong toàn xã hội!

Biết bao giờ người cộng sản mới thức tỉnh để hiểu rằng phải có một nền giáo dục nhân bản và khoa học thì đất nước mới phát triển.

Có giáo dục vững mạnh thì kinh tế, khoa học kỹ thuật cũng phát triển vì có nhân tố con người tiến bộ để tác động vào guồng máy xã hội.

Dường như người cộng sản chỉ tập trung vào sự cai trị chính trị. Họ vứt bỏ giáo dục vì họ ngại yếu tố con người tiến bộ, có trách nhiệm và được đào tạo bài bản. Những nhân tố ấy là mối đe doạ cho sự tồn tại của chế độ. Chẳng thà đào tạo một tầng lớp chỉ biết đua đòi, tham lam, vô trách nhiệm trong một nền giáo dục lạc hậu và bạo lực còn hơn những tiếng nói phản biện và can đảm.

Thầy trò đánh nhau. Công dân vác dao, mã tấu đâm nhau vì những bất đồng trong xã hội. Cứ mâu thuẫn là lấy bạo lực để giải quyết. Đó là thảm trạng của một nền giáo dục độc tài, lấy bạo quyền và đồng tiền làm kim chỉ nam.

Một sự tụt hậu được báo trước từ gần nửa thế kỷ qua nhưng không hề được quan tâm bởi bộ máy cầm quyền!

Chẳng phải Nelson Mandela đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta có thể thay đổi thế giới”.

Chính cái vũ khí ấy khiến mọi chế độ độc tài phải sợ hãi và không muốn phát triển nền giáo dục.

Đáng buồn, Việt Nam cũng không là một ngoại lệ!

Lâm Bình Duy Nhiên

***

Dương Quốc Chính: Đạo đức xã hội xuống cấp do đâu?

Việc học sinh mất dạy không phải chỉ lỗi của nền giáo dục đâu mà bọn trẻ con cấp 1-2 thì gia đình dạy là chính. Nhà trường vẫn là thứ yếu về giáo dục đạo đức. Càng lớp nhỏ thì cô giáo còn có chút vai trò dạy đạo đức chứ càng lên cao thì càng ít và ở cấp Đại học và sau Đại học thì hầu như vai trò giáo dục đạo đức là bằng không thậm chí còn âm. Vì nhiều khi giáo viên dạy sinh viên đút lót, đổi tình lấy điểm…

Mấy vụ học sinh đánh nhau, bắt nạt học đường. Giờ là bắt nạt cả cô giáo, nó thuộc phạm trù đạo đức. Bây giờ vùng quê hay vùng ven, hay các khu vực dân lao động ở nhiều thì càng nát. Vì bố mẹ vất vả, ít học, chẳng có thời gian dạy con hoặc dạy con mất dạy thêm thông qua sự mất dạy của chính bố mẹ (do nghề nghiệp tạo ra).

Xã hội Việt Nam và Trung Quốc dễ giống nhau ở chỗ vô đạo (không có tôn giáo) và nền tảng đạo đức xuống cấp. Chính ra thời phong kiến, người ta còn nhiều rào cản đạo đức hơn bây giờ. Bây giờ rào cản răn đe hành vi con người chủ yếu chỉ còn là pháp luật mà thôi. Nhưng lẽ ra 1 xã hội văn minh cần có thêm rào cản đạo đức xã hội và tôn giáo nữa thì con người mới có thể giữ được lề thói.

Thời phong kiến người ta còn sự ràng buộc bởi đạo đức Nho giáo. Lưu ý là Nho giáo không chỉ về quy tắc chính trị mà cả đạo đức. Tất nhiên đến giờ nhiều cái hủ lậu nhưng vẫn còn nhiều giá trị đạo đức. Ví dụ như răn dạy về quân tử và tiểu nhân, đạo làm vợ, làm chồng, làm con, làm thày, trò.

Ngoài ra thì còn đạo Phật, Công giáo… cũng dạy đạo đức rất nhiều, cơ bản cũng hướng thiện. Nông thôn xưa còn có hương ước và lệ làng, cũng là thứ rào cản đạo đức theo chuẩn mực thôn quê, cũng dựa trên nền tảng Nho giáo. Dân người ta sợ lệ làng hơn cả luật vua. Sợ bị làng xóm chê cười, nên cũng không dám làm điều xấu, thất đức. Kiểu gọt đầu bôi vôi nghe nó hủ lậu thật nhưng cũng đỡ khoản lăng nhăng này kia. 

Nhưng từ ngày cách mạng thành công, lật đổ hết cả các nền tảng nói trên, thì xã hội chỉ còn rào cản bằng điều lệ đảng (hồi đầu còn có rất ít luật, nghị quyết dùng thay luật) và rơi rớt lại chút ít nề nếp gia phong của 1 số dòng họ lớn. Nên tạm gọi hồi đó theo cái gọi là nền đạo đức xã hội chủ nghĩa (đạo đức cách mạng), kiểu mỗi người làm việc bằng 2, thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ… Giáo dân lúc nguy cấp thì lạy Chúa, Phật tử thì mô Phật, còn con người xã hội chủ nghĩa sẽ hô khẩu hiệu, gọi tên Bác 3 lần! 

Nhưng cái làm đảo lộn giá trị xã hội lớn nhất là tư duy cào bằng, cào bằng không chỉ về kinh tế mà cào bằng cả về đạo đức và sự tôn trọng lẫn nhau. Mọi người đều bình đẳng, không có tôn ti trật tự thời phong kiến nữa. Bần nông có thể chỉ mặt chửi địa chủ. Công nhân, thợ thuyền, buôn bán nhỏ có thể chỉ mặt chửi tư sản, giáo sư, nhân danh sự bình đẳng. Dưới chế độ ta, trí thức còn không bằng cục phân (lời Lenin và Mao). 

Rồi chuyện đấu tố thời Cải Cách Ruộng Đất mới thực sự đào tận gốc trốc tận rễ nền tảng tôn ti cũ. Con cái đấu tố bố mẹ, người làm đấu tố chủ, ân nhân cũ…Giá trị đạo đức cũ bị triệt hạ tận gốc rễ. Bây giờ anh em chém giết nhau để tranh giành đất đai không còn là hiếm. Con đốt cả mẹ nữa…

Rồi đến khi đổi mới, xã hội trở nên xôi thịt hơn, thì đồng tiền nó bẻ lái hết cả giá trị xã hội. Mới sinh ra sự mục nát như giờ. Tiền bạc, lợi ích nó là động lực phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nhưng chủ nghĩa tư bản nó không bị mục ruỗng nền tảng đạo đức vì nó còn duy trì tôn giáo và tôn ti trên dưới của xã hội và quan trọng nhất là pháp luật nó nghiêm minh và độc lập. Còn Việt Nam và Trung Quốc hiện nay thì đang có đủ tật xấu của cộng sản và tư bản. Nhưng luật lại không thể nghiêm vì có nhiều kẻ được ngồi trên luật.

Tổng quan về đạo đức xã hội nó đang là như vậy. Nên đừng vội chỉ trách thày cô giáo. Họ cũng chỉ là những tế bào của xã hội mà thôi. Tổng thể xuống cấp thì các tế bào cũng sinh bệnh cả.

Trong 1 tổng thể như vậy, điểm yếu nhất về nền tảng đạo đức là giai cấp cần lao. Nên mấy trường lớp kể trên mới lắm học sinh mất dạy thế. Như bạn của con mình, có đứa hay chửi bậy, là mình hỏi con ngay bố mẹ bạn làm nghề gì? Y như rằng, là buôn bán vặt, chắc chửi bậy hàng ngày. Nói thế không phải là phân biệt giai cấp. Cũng có người này người kia, nhưng đa số sẽ là vậy. Mình phải đe con là đề phòng bạn rủ rê chơi bời, chứ không cấm nó chơi chung.

P/S:

Nhiều người hỏi cách chấn hưng văn hóa, đạo đức, theo mình thì mất cái gì thì bù lại cái đó, tất nhiên cũng phải hợp thời. Đầu tiên là pháp luật phải nghiêm minh, đừng có ông nào ngồi xổm lên trên nó. Bởi pháp luật là rào cản tối thiểu của đạo đức, cái tối thiểu còn không được tôn trọng thì đương nhiên là nát. Bây giờ anh em phạm pháp thì chỉ việc kiếm quan hệ chạy án đầu tiên, nhìn vụ chuyến bay giải cứu đó. À, mà làm thế nào để kiếm được nhiều tiền mà không phạm pháp?! Khó phết. 

Thứ 2 là khôi phục lại các giá trị của tôn giáo, đầu tiên là đảng đừng có quản lý tôn giáo nữa. Các chức sắc tôn giáo cũng phải tự xử nhau theo giáo luật, đừng có để bọn tín đồ đút lót kiểu phạm pháp thì cúng dường chạy tội. Anh em sư sãi không tự cứu mình thì xây chùa to cỡ nào cũng chỉ là cái showroom tượng Phật để cày tiền mà thôi.

Thứ 3 mới tới cải cách giáo dục. Vì phạm vi của giáo dục không thể bao quát được ra ngoài 2 cái bên trên. 

Từ 3 cái đó mới dần dần khôi phục được giá trị đạo đức xã hội. Cũng phải mất vài thế hệ. Con người sống được theo khuôn phép, chuẩn mực đạo đức vì mấy lý do, 1 là do sợ bị trừng phạt bởi pháp luật và giáo luật, 2 là vì được giáo dục, dạy dỗ từ bé. Bây giờ thiếu cả thì sao chả nát.

3 thứ trên đều phụ thuộc vào thể chế cả đó. Vì đảng kiểm soát tất. Đã kiểm soát tất thì vinh quang đã nhận cả thì tội lỗi cũng phải chịu cả mới công bằng.

Dương Quốc Chính