Thơ Đặng Tiến (Thái Nguyên) : Sau lũ

SAU LŨ

Những người đàn bà, sau cơn lũ

Cặm cụi nhặt nhạnh những gì còn tạm dùng

Lấm bùn thì rửa

Thì hong gió hong nắng

Thứ thì ủ làm phân

Thứ thì cho gà cho lợn

Bùn non thôi thì gom thành đống – lộc của trời giành để mùa sau…

Những người đàn ông xoay trần sửa nhà sửa cửa

Lối lại đường đi đổ thêm đất và kè thêm đá

Trồng lại cây

Thau lại giếng 

Đắm đò giặt mẹt cố sửa sang lại ngôi nhà…

Những ông lão

Những bà già

Trầm ngâm 

Nghĩ

Niệm Phật

Mấy chục năm một trận lũ lụt 

Trời thử thách con người

Người chết thì cũng chết rồi

Đớn đau than khóc cũng chẳng ai sống lại

Cơn lũ hung bạo tránh ta

Trận gió thảm sầu tránh ta…

Tạ ơn đất trời 

Xót thương đồng bào xấu số!

Lời khấn thầm 

Nước mắt lặn vào trong

Không muốn nghe không muốn nghe 

Không muốn nghe thêm 

Nỗi xót thương đâu cần rổn rảng tu từ

Đâu cần ồn ào loa kéo truyền thông

Đâu cần thơ ca phòng máy lạnh rưng rưng…

Sau ngày lũ

Những người già lặng lẽ, trầm ngâm.

***

THÁNG 9 NGÀY THỨ HAI MƯƠI BẢY

1.

Ông nhà văn NBP người quê tôi xứ Thái (nguyên) có một tập truyện mang tên NHỮNG ĐỨA TRẺ CHẾT GIÀ

Không mấy ai đọc, hình như

Không mấy ai đọc cho dù 99,99% biết chữ cùng rất nhiều danh xưng lẫy lừng sáng choang rực rỡ

NHỮNG ĐỨA TRẺ CHẾT GIÀ…

Trời ơi những đứa trẻ

Tất nhiên từ mặt đất này sinh ra…

Chúng chậm biết cười càng chậm biết nói

Khù khoằm 

Làng phù đổng mờ mịt xa

Lam sơn chướng khí u u âm âm

Có một sức mạnh cứ như từ âm ti địa ngục hun đúc

Chúng rất thích rất thích chơi trò cấu ngắt đầu!

Búp cây non, cấu ngắt

Cào cào châu chấu, cấu ngắt

Kiến kềnh, cấu ngắt

Ve sầu, cấu ngắt

Những con công cống ngu ngơ được bới lên từ đất, cấu ngắt

Những con chí chúng bắt cho nhau, cấu ngắt

Chơi trận giả, bọn bên thua phải chịu tội chém đầu

Chổng khu và kê đầu lên thân chuối

Lưỡi đao kiếm bằng mảnh nứa vung lên trong tiếng cười ngằn ngặt sung sướng tận cùng

Bọn bị chém đầu càng cười và mắt trợn trừng trắng dã

Quyết chí phục thù cho trận đánh sau.

Những đứa trẻ rất dai sống

Và mắn đẻ lũ lũ đàn đàn

Như trong truyền kì cổ tích

Làm nên truyền kì phố 

Cổ tích phố

Huyền thoại phố

Phản anh hùng

Không có hậu

Truyền kì rã nát

Những đứa trẻ chết rất già

Mê lú trọn đời

Mê lú di truyền trao chuyền 

Kì dị quái đản hóa thành thường nhật

Hóa thành thi hứng sum suê 

Hóa thành kì hoa dị thảo…

Bản trường ca cấu ngắt

Cấu 

Ngắt

Cụt đầu.

2.

Ông bạn tôi giọng lạnh như nước khe đá mùa đông

“Số đỏ” – siêu mẫu một thời lai ghép

Đủ vẻ đủ màu

Thâm sâu và quấy quá

Kì cục bất khả giải

Năng động biến ảo bất khả tư nghì(!)

Tân kì siêu tân kì

Man di siêu man di bầy hầy mọi rợ

Gần trăm năm kể từ ngày số đỏ

Ao tù liên thông đại dương mở cửa hội nhập toàn cầu hóa

Vẫn – vẹn – nguyên – cái – thời – số – đỏ!

Cái thủa ban đầu lai ghép ấy!

Trăm năm vầy vậy trăm năm

Lai ghép âm thầm lai ghép hung hăng

Một tí China sắc màu hủ lậu

Một tí Japan thần kì ngơ ngác

Một tí Hàn một tí Đài một tí Sing vảy rồng lông hổ 

Một tí French sang trọng cuối mùa

Một tí English mũ phớt trang nghiêm

Một tí America bụi bụi ngang tàng

Một tí khắc nghiệt buông thả Bắc Hàn

Một tí Kungfuzi một tí Kant một tí Jesu một tí Buda…

Lai ghép hiếu hỉ giỗ chạp lễ tết tang ma

Lai ghét phố phường lai ghép xó bếp lai ghép thi người đẹp lai ghép hảo tâm lai ghép từ thiện lai ghép bình dân học vụ lai ghép Hàn lâm…

Giảng đường đại học vui tươi như Ấu Trĩ Viên

Trường Tiểu học trang nghiêm thâm u như Hàn lâm viện

Hương khói trầm bi trộn tiếng loa thùng

Thiêng liêng trộn gỏi cùng xí xộ

Rờn rợn tiết canh chay núng nính tu hành 

Văn hóa viết cao giọng khinh khi văn hóa đọc

Thơ tình nước sốt Chinsu

Hôn lễ váy cô dâu Milano sân khấu hóa nhai trầu cắt bánh tình ca sến súa sông đa nuyp xanh và những bài ca đi cùng năm tháng nem bùi và sâm panh

Lá cải lá ngón lá chuối lá mặt lá trái lá bùa lá ngải lá bài thuần việt hán việt tây bồi mĩ bồi hàn bồi nhật bồi vua tiếng việt hầu bàn tiếng việt….

Lai ghép lai ghép 

Ô hình như có cả bò xanh!

“Cõi người”, tranh Lê Thánh Thư. Nguồn: Tiền Vệ.

***

THÁNG 9 NGÀY THỨ BA MƯƠI

1.

Giật mình 

Giật mình 

Thấy ta ngu dốt 

Ngu dốt đến thảm hại

Ngu dốt đến không thể hiểu nổi

Trời!

Từ bao giờ và vì đâu mà hóa thành kẻ – ăn – đậu – ở – nhờ trên chính quê hương xứ sở?

Đất dưới chân – đất sẽ nhận nhúm xương tàn

Ta biết gì?

Ngoài một cái tên thì hiện tại

Được số hóa

Được định danh bằng những cái tên mới toe trống rỗng vô hồn

Ta biết gì hơn một cái tên ghi vào những văn bản hành chính?

Ta biết gì hơn?

Không biết

Ít biết

Hời hợt

Quấy quá

Và lem lém nói những câu dễ dãi

Lem lẻm đọc những câu thơ bẻm mép

Liên liến hát điệu bô lê rô xanh vàng đỏ long tong ngôn từ như tôm như tép

Đúng chuẩn đám đông

Đúng thang đo phẩm cách ăn đậu ở nhờ…

Ta giật mình và ta ân hận?

Ta buông xuôi vì ta bất lực?

Ta khổ đau?

Viên sỏi nhỏ chìm trong váng nước ao tù

Rồi đất dưới chân sẽ đón ta về 

Dấu vết cuối cùng mưa xóa cỏ che.

2.

Chảy máu chất xám!

Di trú và di dân

Nước thì chảy chỗ trũng

Chim thì tìm đậu đất lành

Muôn đời nay vẫn thế

Cơ chi phải giật mình…

Bỏ thôn ổ mu mơ ra trung tâm xã

Bỏ xã u u ra huyện

Dời huyện quê quê ra tỉnh

Tìm tỉnh chẵn mà đi tỉnh lẻ bái bai

Vô nam vô nam nghe nói nhiều nơi đáng sống

Hộ chiếu hộ chiếu vi sa vi sa mới những chân trời…

Ai thao thức? 

Thao thức những ai?

Hỏi tức trả lời

Thiếu tiểu li gia lão bất hồi!

Hương âm…mù mịt mấn mao nhìn ảnh cũ

Tân cố hương át bóng cố hương

Bánh đa bánh đúc ta tìm trong siêu thị

Thời đám mây điện toán giỗ Tổ oăn lai cốt ở tấm lòng…

Trần ai ai cũng như ai!

Thời thế thế thời thì thế!

Những di dân những đàn chim di trú 

Vọng âm ngày mai ngày mai…

Đặng Tiến (Thái Nguyên)