Thơ Đặng Tiến (Thái Nguyên): Vô Đề
VÔ ĐỀ
1.
Tôi nhớ day dứt bài ca dao không rõ có từ hồi nảo hồi nào
“Ông nỉnh ông ninh
Ông ra đầu đình ông gặp ông nảng ông nang
Ông nảng ông nang
Ông ra đầu làng ông gặp ông nỉnh ông ninh”
Trời ơi!
Buồn nhức nhối
Buồn nhức xương
Quẩn quanh u tối
Làng
Xã
Thôn
Ông nỉnh ông ninh ông nính ông nịnh ông nình
Cả một đời trăm năm trăm tuổi bách niên đại thọ
Quẩn quanh quanh quẩn nơi đầu đình
Có cây gạo cổ thụ gỗ chỉ dùng đóng quan tài
Cứ tháng ba thì hoa nở và khi hoa nở tức là tháng ba và có đàn đom đóm bay ra xanh lét lập lòe như ma
Trời ơi!
Bế tắc
Tận cùng
Làng ta
Ông nảng ông nang ông nãng ông nạng ông nàng
Từ độ cởi truồng đến khi đầu bạc trắng nơi đi xa nhất là chỗ đầu làng có lũy tre già cóc
Ôi làng quê muôn đời khó nhọc
Bật khóc
Bật máu
Ông ninh ông nang ông nỉnh ông nàng
Dưới xóm trên làng trong thôn ngoài xã
Cũ kĩ bẽ bàng lối cũ đa mang
Nhặt lá đa rơi chơi đồ hàng
Bắt con kiến càng làm trâu cày ruộng
Hái mớ rau muống
Luộc rồi chấm tương
Trăm năm không đổi
Con nhện tơ vương
Buồn nẫu như bờ ao thân cò lặn lội
Buồn thiu trong tiếng ru hời
Tuổi ấu thơ ướp trong nỗi buồn rười rượi
Cơn mưa bong bóng phập phồng
Mẹ dứt áo bỏ ra đi
Ông nỉnh ông ninh ông nảng ông nang
Chí Phèo chí pheo Thị nơ thị Nở
Tiếng mèo kêu đêm chẫu chuộc nhát gừng
Thêm một ngày có cũng bằng không.
2.
Kỉ niệm về những ngày bao cấp
Đói nghèo triền miên
Xét cho cùng là do xuẩn ngốc
Nhẽ ra phải tự cười
Cười thật to mà giã từ
Thì lại thấy xưng tụng ngợi ca
Rưng rưng
Nước mắt
Mũi dãi sụt sùi
Thật quái dị một thời đã qua
Càng quái dị những gì đang diễn
Trời đất!
Khùng triền miên không chịu dứt
Khùng triền miên
Đúng
Hậu duệ Hung King!
***
VÔ ĐỀ
[Nhân xem lại một tác phẩm hội họa…Và tặng ông bạn Nguyễn Phượng]
Cuối cùng ông cũng trở về già
Tất nhiên cuối cùng của cuối cùng là cái chết
Trời công bằng Cho
Trời cũng công bằng Đòi…
Những người chết trẻ thì mãi mãi tuổi đôi mươi
[Cổ nhân bảo chết trẻ khỏe ma! Nghe sờ sợ và cũng buồn cười! Đã cười là vui…]
Còn ông đi trọn vẹn Sinh Lão Bệnh Tử, kiếp người
Hai chặng cuối dài. Dài miên man
Dài như một đọa đày
Dài như một trả đũa
Dài như một trớ trêu
Dài như một trừng phạt
Chết vì già nua tuổi tác ông mãi mãi già
Mãi mãi yếu đuối
Mãi mãi hom hem
Mãi mãi bàn tay run
Mãi mãi cặp mắt vô hồn
Mãi mãi nụ cười héo
Mãi mãi phờ phạc tóc
Mãi mãi dáng hình khó nhọc
Mãi mãi phòng bệnh lạnh lẽo chắc chắn trước ông đã có không ít người từng ở, từng nằm, từng ngồi, từng đứng và từng trút hơi thở cuối cùng
Căn phòng âm âm tiếng rên tiếng khóc
Căn phòng ánh sáng nhàn nhạt buồn
Căn phòng lạnh vì nước mắt tử biệt bao lần không ai nhớ nhưng có những bức tường làm chứng…
Cái dáng ông ngồi
Gương mặt buồn ảo não
Chiếc áo khoác hờ
Đôi bàn tay có phần lóng ngóng vụng về
Chân dung một người già?
Già nua tuổi tác
Chập chờn trong quên nhớ u minh?
Hình như lúc ấy hoàng hôn
Trong ánh tà dương ảm đạm
Những người lính của ông hiện về từ thẳm sâu kí ức
Họ đã trở thành hư vô cát bụi
Những người thân gần từng một thời như ông khoác trên mình bộ quân phục lấp lánh hào quang vạn vạn ánh nhìn ngưỡng mộ
Họ đang ở đâu?
Bia mộ đá hoa cương?
Biến mất lặng thầm như chưa từng trên đời có mặt
Hay cũng như ông
Chiều nay
Trí nhớ dày vò?
Khi tên tuổi ông đã trở thành huyền thoại
Người vẽ tranh người xem tranh còn là cát bụi hư vô
Huyền thoại ảo diệu
Huyền thoại mây ngũ sắc cầu vồng bảy sắc
Huyền thoại giấc mơ
Huyền thoại cũng là một thứ gông xiềng ngục thất
Huyền thoại cũng nhiều khi là giấc mơ đen một cơn ác mộng
Người vẽ tranh và người xem tranh vẫy vùng vượt thoát
Vượt thoát và trả giá
Cơn cuồng nộ đám đông
Những u mê chăn dắt
Những tù nhân vĩnh viễn của bóng rớt hào quang…
3.
Những người muôn năm cũ
Hồn trong lòng chúng dân
Những thây ma đang sống
Mà đã chết ngàn lần.
Ồ! Muôn năm người cũ
Vẫn vẹn nguyên. Vẹn nguyên
Lòng người là trú xứ
Lòng người là quê hương.
Kìa những linh hồn chết!
Kìa những quỷ những ma
Ăn uống siêu dục lạc
Nhầy nhụa đến bao giờ?
Một đời sợ ánh sáng
Ngậm miệng kiếp nô tài
Lòng dạ đầy sân hận
Óc não toàn chông gai.
Muôn năm trong lòng người
Mài cũng không thể khuyết
Bùn vấy cũng không nhơ
Sáng trong cùng nhật nguyệt.
Thói mọi rợ di truyền
Vừa Ngu lại vừa Ác
Xứ ma ở lẫn người
Tù mù cùng bạc nhạc.
Một đời ta đọc văn
Sách cũng nát. Ngàn quyển
“HAI ĐỨA TRẺ”(*) rùng mình
Giấc miên trường. Xao xuyến…
Xứ sở bị lãng quên
Xứ sở không ánh sáng
Giã từ! Thôi, giã từ
Ngày mỗi ngày vô vọng!
(*) Truyện của Thạch Lam.
4.
Làm sao để mỗi khi cầm bút
Ta được là ta? Ôi! Vạn nan
Đường lên trời! Thánh thần trợ giúp
Bàn phím ảo…Muôn nẻo. Khôn lường.
Ai sẽ giúp ta? Không ai hết
Ta là ta? Vượt thoát! Dám không?
Ngàn nỗi sợ! Và ta toan tính
Mặt nạ đeo. Uốn lượn mỗi dòng?
Đăng ở đâu? Tiếng tăm nào đợi?
Làm sao in? Sánh với bạn bè?
Hiểm họa nào? Tránh xa. Phải tránh
Hết là ta…Cầm bút mỗi khi!
Chấp nhận cuộc chơi. Đành chấp nhận…
Sự hèn nhát. Ngôn từ che đậy
Ta đầu hàng. Và ta thỏa hiệp
Những trang văn lóp lép gió bay.
Bài đăng báo. Rồi gom thành sách
Bài đăng phây ríu rít tiếng khen
Những sáo ngôn khiến ta lóa mắt
Thẳm thẳm lòng! Ta – một – kẻ – hèn!
Bán linh hồn! Nhục và đê tiện
Ta thở dài. Chấp nhận một lần
Thêm lần nữa…Rồi thêm lần nữa
Thôi cũng đành…lỡ bước sa chân!
Ngẩn ngơ về già. Ngoái đầu lại
Vời xa bờ! Tít tắp. Vời xa
Ta hình nhân. Và ta loài vẹt
Thê lương thay! Nghĩa địa ngôn từ!
Giật mình! Ta thấy ta đã chết
Chết ngay từ lựa chọn đầu tiên.
5.
Nhiều bạn của tôi thật và ảo
Lo lắng và u buồn
Liệu sau này, sau này
Có ai còn nhớ
Ngày 17 tháng Hai năm 1979
Giặc tràn vào
Như thác lũ
Đốt sạch, phá sạch, giết sạch
Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai
Bốn thị xã không còn một viên ngói lành
42 năm đã qua
42 năm sắp tới
Ai còn nhớ?
Bạn hỏi, tôi hỏi, chúng ta cùng hỏi
Hỏi nghĩa là đã trả lời
Không có gì phải lo
Còn người Việt thì còn tất cả
Chúng ta hôm nay không quên
Tôi tin
Con cháu chúng ta sẽ nhớ
Còn người Việt thì còn tất cả
Chẳng ai quên tiếng mẹ đẻ
Gọi kẻ thù là bọn bành trướng Bắc Kinh, đích danh
Gọi Đặng Tiểu Bình là tên đồ tể
Gọi Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí là những kẻ cướp ngày
Gọi chúng là những tên xâm lược
Chắc chắn sẽ là như thế
Vì đã là như thế
Vì đang là như thế.
Bạn ơi!
Đừng lo
Có lịch sử trong tay nhà viết sử
Có thể bị làm giả
Có lịch sử trong tay lũ tôi đòi
Có thể bị đổi trắng thay đen
Nhưng có lịch sử trong trái tim những lương dân
Như tôi, như bạn, như chúng ta
Lịch sử truyền qua tiếng mẹ đẻ
Bên bếp lửa mỗi nhà
Trên mạng xã hội
Trên từng từ ta dùng mỗi ngày khi trò chuyện
Chẳng ai quên Pò Hèn, Khau Chỉa, Bản Sẩy, Pha Long, Bản Phiệt
Chẳng ai quên.
Lòng dân không bao giờ đứt đoạn.
6.
Vĩ đại thật vĩ đại
Kì công thật kì công
Tinh xảo quá tinh xảo
Nay cũng chỉ là phế tích
Bao nhiêu vạn người đầu trần chân đất
Dưới nắng như đổ lửa
Dưới mưa tuôn xối xả
Dưới lằn roi bỏng rát…
Sức cùng lực kiệt
Tan nát suy vong
Nhìn Angco phế tích, dửng dưng
Nỗi niềm phế tích…
Đến đây, mặc ai trầm trồ
Mặc ai xuýt xoa
Mặc ai nuối tiếc
Tôi thấy dửng dưng.
Bạn tôi rủ về Phnom Pênh
Thăm Cánh đồng chết
Thăm nhà tù Tung Steng…
Tôi không dám đi vì sợ.
Giữa Angco Vat và những địa danh kia
Có sợi dây nối nào không?
Mênh mông rừng
Mênh mông hồ
Mênh mông sông
Mênh mông tội ác
Mênh mông đói nghèo
Mênh mông phế tích
7.
Cứ tưởng còn F để đỡ chán đỡ buồn
Kết cục hắn cũng thành tẻ ngắt
Facebook hay là tê lê bốc
Hoặc là ngu và ngốc
Hoặc là đầu bị chốc
Hoặc tam chúc tứ chúc ngũ chúc lục chúc
Hoặc đồ sơn trâu húc người xem
Tất thảy đều nhàm đều nhảm
Dù đôi lúc lam nham…
Tin bóng đá WC chung kết
Cũng thoảng qua giây lát
Tin Tuyển Việt thắng Tuyển Laos
6-0
Cũng nhạt như nước ốc
Trời đất hỡi hôm nay tôi chán hết!
Vô nghĩa câu thơ vì trời tẻ ngắt ngoại hạng
Kêu làm gì
Than vãn cũng nhàm…
Con ông lớn vắt mũi chưa sạch ghế trên ngồi tót
Sỗ sàng
Cũng nhạt toẹt có gì mà phải xoắn
Chuẩn bị hết năm
Chờ mưa đá giội
Mưa đá ơi trùm khắp cõi này
Mưa đá ơi
Hủy diệt đi tất cả
Trong một ngày
Trong một giờ
Trong một phút
Tốt nhất
Một giây…
8.
Ngồi trước tôi là một người đàn bà
Nét kiêu sa một thời vàng son còn lưu trên gương mặt, dáng hình, trang phục
Người đàn bà từng là niềm ước mơ thầm kín của không ít những người cùng trang lứa
Chúng tôi từng âm thầm hoặc công khai ngưỡng mộ
Tình yêu của anh ấy giành cho cô
Mái ấm gia đình của họ từng được xem là điển mẫu
Vấp đời phàm tục chiếc thuyền tình của họ phiêu du cánh buồm thần tiên mơ mộng
Người đàn bà từng được gọi âu yếm là Giuyliet, là Natasa, là Natalya, là Coset là bông hồng nhỏ bé
Tất nhiên chồng của cô từng là hoàng tử với cây đũa thần huyền thoại từng là một kị sĩ phiêu bồng, từng là một đấng nam nhi tài hoa như Kim Trọng
Người đàn bà đã từng kiêu hãnh về tình yêu đẹp như cổ tích về mái ấm gia đình giữa bao nhiêu phàm tục đời thường quấn quéo
Người đàn bà cứ như sinh ra để làm đóa hoa được say đắm được tôn thờ…
Tôi từng cầu mong cuộc đời của họ sẽ thong dong dịu êm mãi mãi….
Nhưng rồi
Có vô vàn lí do hữu hình và vô hình nào đó
Chiếc thuyền tình không tan vỡ nhưng ngôi nhà hạnh phúc đã không còn
Có ai ngờ
Những gì tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết lại trở thành sự thật
Những “Giông tố”, những “Bà Bovary”, những “Ngôi nhà búp bê”, những “Anna Karerina” (*) lại hiển hiện giữa cuộc đời này
Tôi không dám hỏi thăm vì không thể
Chồng nàng là một gã Sở Khanh, một tay Thúc Sinh, một Oblonsky, một Charles …tôi không dám phẩm bình
Cũng không dám nghe miệng lưỡi thế gian đồn thổi
Nhưng luôn gợn trong tôi một nỗi sầu thương có phần ai oán
Con người sinh ra là để bất hạnh hay hạnh phúc?
Niềm hạnh phúc bao giờ cũng như ánh chớp lóe sáng rất nhanh
Nỗi bất hạnh như cuốn lịch bóc mãi không hết, khi nào mới là tờ lịch cuối cùng không ai biết trước
Ngồi trước tôi
Người đàn bà như cố thản nhiên
Trong ánh mắt không thể dấu được những nỗi niềm vỡ nát…
—–
(*) Tên những tác phẩm văn học nổi tiếng về hôn nhân và gia đình đổ vỡ, bất hạnh!
Đặng Tiến (Thái Nguyên)