Thơ Inrasara

Nhà thơ, tác giả, học giả độc lập người Chăm Inrasara.

TAM TẤU ORCHID ISLAND TAIWAN

Chuyển ngữ sang tiếng Anh: Nguyễn Thị Phương Trâm

[1] 
DUY RÁC HẠT NHÂN LÀ MUÔN NĂM

Sông núi biến đổi

Triều đại chuyển đổi

Quốc gia dời đổi

Lòng người bấp bênh thay đổi không lường

Duy rác hạt nhân là vĩnh cửu.

Terrains changing

Rise and falls of empires

a changing nation

a constant changeable human heart

except forever is nuclear waste.

[2] 
MODERNIZATION

Và họ hiện đại hóa đời sống chúng tôi 

Và họ tạo thêm nhiều, nhiều hơn nữa

Nhu cầu mới lạ cho ngày thường của chúng tôi

[Nhu cầu chúng tôi chưa bao giờ cần]

Và họ mang cô gái đẹp nhất của chúng tôi đi mất

Và họ chở thứ rác lạ về

Cùng với rác lạ

Bệnh lạ về

Nỗi lo lắng lạ về

Và ở lại…

They modernizing our life

making more, adding more

day to day newer wants

[Wants we do not need]

They steal our beautiful women

in return give us alien rubbish

With the rubbish

the alien diseases

the alien worries

Stayed… 

[3] 
Ở NƠI ẤY, EM ĐÃ KHÓC

Và chúng tôi trôi giạt về hoang đảo xa hơn

Và chúng tôi chạy lên dốc núi cao, cao hơn nữa

Và tôi thấy tôi một mình giữa phố đường xa lạ

Và tôi thấy đời tổ tiên tôi đang góc bảo tàng

Và tôi thấy 

đời tôi 

sắp bảo tàng.

Us drifting deeper into the wilderness

Us running up the mountain, ascending higher 

I saw myself amidst an alien city

I saw the lives of my ancestors cornered in a museum

I saw 

My life

In a museum inducted.

***

CẢM TÁC MYANMAR

[1]
Ở NƠI ẤY, TỰ DO 

những sinh phận không tự do

thiếu tự do

mất tự do những sinh phận

bị cầm tù trong thế giới thung lũng nên không nên

mò mẫm giữa vòng vây của cho phép

của nghe nói của được nhìn

những sinh phận không biết đến tự do

chưa hề nếm, ngửi, sờ mó tự do 

lầm lũi, câm lặng, đi lại, thở trong lồng như thể

đang sống

những sinh phận loãng ý thức về tự do

chối từ, chạy trốn, đào ngũ, hết thèm khát 

tự do 

tự lường gạt đã có khi chưa bao giờ có

tự do

lang thang đầm lầy ân sủng

những kẻ đánh tráo khái niệm tự do, phản bội tự do

sợ tự do

sợ cái đạp vào bức tường sợ

tiếng cánh cửa mở 

sợ

đi một mình

suy nghĩ cho mình

những kẻ sợ chữ tự do như thể sợ 

ma sợ

nhắc tiếng tự do sợ

người khác nói đến tự do

viết về tự do

sợ

tự do được rỉ tai dù bằng 

tiếng Anh hay tiếng Phá

liberty hay liberté 

danh từ, tính từ hoặc động từ

được chia dẫu ở thì tương lai mơ hồ

hay thì xa xôi quá khứ thậm chí

bằng thứ ngôn ngữ một thổ dân

xa lạ

khi tôi lỡ bật ra tiếng tự do

tôi phải xúc miệng cả khi

tôi nói mớ

LIBERTY LIBERTÉ

TỰ DO

[2]
Ở NƠI ẤY, CUỘC SỐNG THEO ĐUÔI  

Kẻ nào muốn

Kẻ nào muốn tôi

Kẻ nào muốn tôi, anh, chị 

Kẻ nào muốn nông dân, thợ thuyền thầy tu hay nhà văn 

Giáo sư với sinh viên hết thẩy 

Nói, nghĩ, viết, làm

Theo chúng muốn

Theo 

Kẻ nào muốn cắt điện thoại di động, dựng tường lửa internet

Kẻ nào muốn aids, lao, sốt rét

Kẻ nào không muốn cuộc sống riêng tư

Kẻ nào muốn nghèo đói, thất học, ngu muội

Kẻ nào nói: các người chưa đủ trình độ dân chủ

Kẻ nào muốn nhà văn bôi nhọ tự do

nhà báo câm họng tự do

triết gia bế tắc tự do

Kẻ đó muốn tôi, anh, chị, tất tật

Không suy nghĩ

làm

nói

viết 

khác chúng muốn

Kẻ nào muốn quay ngược kim đồng hồ lịch sử

Các người chưa đủ trình độ tự do, chúng nói

Chúng tao đang lên đề án nghiên cứu tự do

sắp mở các cuộc hội thảo về tự do

Chúng tao sẽ viết chữ TỰ DO thật to thật đậm

Sẽ treo TỰ DO đầy đường sá thành phố thôn quê

Sẽ hô rất to khẩu hiệu tự do

Và nhân dân chúng tao sẽ hô khẩu hiệu tự do 

Rất to

Cho chúng bây biết mặt.

[3]
TỰ DO TƯƠI RÓI

Những dòng máu tươi rói đổ ra 

từ những thân xác tươi rói chảy 

tràn lên mặt đường phố nơi đất 

nước vừa hạ sinh niềm tự do 

trẻ trung tươi rói nguy cơ bị 

đánh mất những câu thơ tươi rói

chưa kịp viết ra mặt giấy từ 

những tâm hồn tươi rói ươm mầm 

một giấc mơ tự do rơi mất

như vụ cày hứa hẹn mùa vàng 

cánh đồng khô hạn tự do tươi 

rói vừa ra đời chợt vụt tắt

trên đường phố tôi thấy những dòng

máu tươi rói đổ ra làm sứ 

mệnh thay cho tiếng thơ chưa kịp 

viết vào vô hạn những chân trời 

tươi rói. 

***    

TỨ TẤU KHÚC THÁNG TƯ

Chuyển ngữ sang tiếng Anh: Nguyễn Thị Phương Trâm

[1] 
TCHERNOBYL

Ngôi nhà trống trong thành phố trống

thành phố vừa bị bỏ lại

cái bàn trống trong ngôi nhà trống

tờ giấy và cây bút bỏ quên trước chiếc ghế trống

kí ức một gia đình bị đánh mất, chắc thế

cũng có thể là những câu thơ

bỏ quên 

khi thành phố bị bỏ lại

đang trống hoang

ở một góc trái đất đã rất già.

A vacant home in a vacant town

an abandoned town

a vacated table in a vacated home

pen and paper forgotten before a vacant chair  

the recall of a family lost, possibly

or perhaps                          the verses

forgotten

when a town is abandoned

vacant

in an ancient corner of the world

[2] 
FUKUSHIMA

Những chiếc ô tô

những ngôi nhà và những biệt thự 

một khu cư xá đầy nhóc người và rồi

một thị trấn

trôi

như đồ chơi của bọn trẻ con

giữa bàn tay bà mẹ thiên nhiên giận dữ.

The cars

the homes and mansions

a residential area full of people to

a town

floating

like a child’s toy

in mother earth’s angry hands.

[3] 
NINH THUẬN-1

Số phận một dân tộc

số phận một nền văn minh

số phận một vùng đất

sắp bị lôi vào cuộc chơi

ngu ngốc.

Fate of a nation

fate of progress

fate of the land

about to be dragged into a stupid

game.

[4]
LỜI RU BUỒN CHO ĐIỆN HỘT NHƠN

Người dưng không vẫy mà về

Chưa trông đã nức, mới nghe đã tình

Ừ, thì như thể tiền duyên

Bà Trời đã định thì mình ru nhau

Ngủ đi em giấc mộng đầu

Dăm dòng lục bát làm câu đãi đằng

Cho qua cái phận con tằm

Ngủ trăm năm ngủ ngàn năm, miệt mài

Ngủ đi em giấc mộng dài

Ngủ cho hết kiếp con người mới thôi

Ru nhau ta quyết ngủ vùi

Quàng tay nhau ngủ cho bùi cõi mơ

Ngủ đi em giấc mộng hờ

Rô-xa-tôm với Tép-cô tan hàng

Ru em sẵn tiếng thùy dương 

Đôi bờ cát bãi Vĩnh Trường vi vu

Tình ta chưa thắm đã… dù

Thôi thì mượn mấy vần thơ bye bye*. 

______

+ Thơ viết nhân nghe tin một Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Rosatom bị tạm giam vì tham nhũng, đăng Inrasara.com, 24-11-2012.

* Đọc theo lối truyền thống là: “bái bài”, còn theo kiểu hậu hiện đại thì cứ y nguyên văn mà đọc.

Inrasara