Thơ Khaly Chàm, Nguyễn Tấn Cứ, Trần Hoàng Phố

Hồi ức những ngày mùa dịch

giấy dán tường màu đất nung nham nhở

trong đốm rách dường như con chữ phúc âm ẩn náu

mắt ứa máu nhễu giọt âm sóng siêu tần

hoài nghi tín hiệu cuối cùng thản nhiên trong mạch máu não 

nhân danh cận tử cắt rời khúc ruột nối liền cuống rốn

chuyển động hay ngồi im vẫn thế

chiêm nghiệm tiếng chó sủa vang thông thốc vào hẻm phố

lần lượt những bóng ma xát muối vào những vết thương

người chổng mông lên cảm nhận gió từ tâm dịu mát

tôi tự choàng hào quang hỗn sắc vấn quanh đầu

vuốt ve tay nắm khóa cửa mùi tử khí bám chặt 

em dùng lửa tim tím đun chín trứng rụng

chờ nở ra những bàn tay biết dạo chơi tìm rễ bóng tối

phủ trùm những hình hài ngủ mơ trên chóp lửa

có thể họ nhìn thấy phật, chúa hiện

nhờn nhợt linh quang mùi tro bụi thơm lừng  

có phải chúng ta thích nhìn vào gương

nỗi khát sống từng thời khắc hồn nhiên chờ hóa đá

nhìn thị dân như một bầy cừu an phận chỉ biết cúi đầu gặm cỏ

hôm nay, vẫn đang là mùa hè đấy chứ

âm vực gió chuyển điệu ru những bóng ma ngủ vùi trong ánh chiều

ký ức hiện hình như một kẻ câm nhưng thân thiện với tôi

ngôn ngữ ấm ớ dường như muốn hỏi một điều gì đó

có thể, rất hạnh phúc và bình yên 

nhưng sao không nối vòng tay với những âm hồn cùng vui cười luân vũ

Khaly Chàm

tpsaigon 39 độ

***

Hai người đàn bà từ khi thiếu nữ  

Một người đã đi lâu rồi 

và một người vừa ra đi hôm trước

Một người để lại giấc mơ 

và một người để lại nỗi buồn

Một người đã lãng quên 

và một người chưa bao giờ quên lãng

Một người mới đến từ hôm qua và

một người chưa bao giờ rời khỏi

Trong thế giới nầy không bao giờ

có một ai chịu ngồi ở lại

Vì họ đã ra đi ngay từ lúc mới bắt đầu

Có một người bắt đầu bằng những lá thư

Có một người bắt đầu bằng tiếng hát

Có người ngồi ở bưu điện dán tem

Và về nhà chờ ông bưu tá

Có người nhảy lên e mail và gào lên hư ảo

Cũng chỉ là thư thôi sao quá đỗi dị thường

Chỉ là rất khác nhau khi đã có Email rồi

Anh vẫn thèm có một phong thư gởi

Thèm tiếng chuông leng keng

tiếng gọi khẽ giữa trưa hè

Nhà số 29 Đường số 1 có thư đây

và niềm vui run rẩy

Ở thế giới nầy đâu hồ dễ lãng quên

Và cũng rất khác biệt hơn

Khi đã có Yahoo rồi 

và kèm theo Facebook

Cái hiện đại thuộc người nầy

Và hoang vu phủ trùm lên người khác

Tình yêu đến rất nhanh 

Tan nhanh như bọt biển

Không cảm thấy vui 

không có gì và vô nghĩa

Chỉ thấy những

sóng 

mênh mang

trôi  

trong thế giới nhạt phèo

Có hai người đàn bà

Từ khi thiếu nữ

Từ những cơn mơ

Đã lâu rồi tàn lụi

Có hai người đàn bà

hai giấc mộng song song …


Nguyễn Tấn Cứ 

***

Tháng Tư cây ngô đồng nở tím biếc nụ cười dâu bể 

1-

Những bông hoa ngô đồng nở tím biếc 

trên mái hoàng cung

Rực rỡ những sắc màu lộng lẫy Điện Kiến Trung mới phục dựng

Tháng tư 

ngọn gió bể dâu thổi mãi trên lầu Ngũ Phụng 

Cửu đỉnh cười buồn với những chiếc lá vàng sầu tư

2-

Nơi bức thành của lỗ thủng lịch sử

Chiều vàng óng cỏ cây xanh màu liêu trai

Con nghê đá trầm ngâm chiêm nghiệm với bóng quá khứ

Nhũng con rồng chầu nhật nguyệt như muốn lượn bay trên mái thời gian tương lai 

Cây thông Thế Miếu hai trăm năm uốn lượn thì thầm trong vũ điệu của gió đổi thay

Và những nén hương tàn tỏa khói lặng yên

Nơi bóng hình của những vị Hoàng Đế u sầu xa xa trong những đám mây ký ức

3- 

Tháng tư 

hoa lá rực rỡ trong Hoàng Cung

Bóng của các thị nữ thướt tha trên những lối đi rợp bóng cây

Các vị thái giám già cười với bóng cá vàng trong hồ sen 

Nơi cung Diên Thọ 

các cung tần nhìn ngắm hoàng hôn xuống

Ngày tàn lạnh trong bóng mắt buồn Thái Hậu tuổi hạc xế chiều

4-

Tháng tư

Bóng các đội lính áo đỏ đi tuần

Tiếng chim thời gian hót mãi dưới mái Triệu Miếu

Trong linh đường khói hương nghi ngút

Bóng của Chín Chúa hiện về đêm đêm

Cùng tiếng chuông tiếng trống trận ngày nào mở cõi

Bóng các công thần vung gươm dẫn đầu đoàn ngựa chiến

Bóng cờ quạt lịch sử tung bay qua hơn bốn thế kỷ

4-

Tháng tư

Cây Ngô đồng nở tím một góc trời hoàng cung

Và ngọn gió thời gian thổi mãi qua các cổng thành dâu bể

Làm rơi một giọt lệ lá vàng

Trần Hoàng Phố 

Hoa ngô đồng tuyệt đẹp trên những mái ngói cổ ở Kinh thành Huế. Ảnh: Lê Đình Hoàng.