Tiểu Lục Thần Phong: Dư âm đồng vọng
Cuộc vui nào rồi cũng tan, buổi sum họp nào rồi cũng phải chia lìa, cho dù cuộc vui, cuộc họp mặt ấy hoan hỷ, thanh tịnh và tràn đầy ý nghĩa. Lễ Phật đản chung ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã khép lại, quý thầy đã quay về bổn tự, quý đồng hương Phật tử về lại nhà và tiếp tục công việc mưu sinh.
Đất trời Hoa Thịnh Đốn vẫn trong xanh và cao rộng như tư thuở tạo thiên lập địa. Ấy vậy mà dường như có điiều chi khác lạ? Phải chăng là đồng vọng âm thanh và hình ảnh của những ngày lễ Phật đản sinh?
Rõ ràng trong lòng tứ chúng niềm hoan hỷ vẫn còn tràn đầy. Trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh và những clip về lễ Phật đản 2569. Quả thật đây là một sự kiện chưa từng có ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, tưởng niệm ngày đức Phật thị hiện, kỷ niệm 50 năm Phật giáo Việt Nam hải ngoại. Phật giáo đến xứ này kể cũng không ngoài nhân duyên. Vì miền Nam sụp đổ, vì người Việt di tản, vượt biên, vượt biển, đi HO, đi ODP… mà hình thành cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Người ra đi mang theo niềm tin tam bảo, bảo bọc trong tâm giáo lý Phật đà…

Phật giáo và dân tộc hay nói cách khác đạo pháp và dân tộc là một khái niệm lịch sử. Đạo Phật đã đồng hành với dân tộc cũng đã 2000 năm nay. Giáo lý Phật đà và văn hóa Việt, triết lý dân gian giao thoa, tác động qua lại lẫn nhau, nương nhau cùng tồn tại. Phật giáo kết hợp với văn hóa, tập quán, căn tánh của người Việt mà hình thành nền Phật giáo Việt, dòng Phật giáo mang bản săc văn hóa Việt. Chính vì thế mà đạo pháp và dân tộc là một sự thật. Người con Phật dù xuất gia hay tại gia, nếu có lòng tôn kính Phật đà, thực hành và giữ gìn giáo pháp của Phật đà thì không thể nào nói khác, không thể nào thay đổi hay bóp méo cái sự thật hiển nhiên này! Đạo pháp và dân tộc là dung thông đạo và đời, đạo độ đời, đời nương đạo, đời và đạo không thể tách rời nhau. Nói đạo pháp và dân tộc là đúng chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ…
Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, đồng hành cùng những con người lưu vong ly hương mà hình thành nên một dòng chảy mới bên ngoài quốc gia. Phật giáo Việt Nam đã hình thành và phát triển trên khắp các châu lục: Á, Âu, Úc, Mỹ, Phi. Nơi nào có người Việt thì nơi đó có dòng Phật Việt. Lịch sử 50 năm Phật giáo Việt Nam hải ngoại so với 2000 năm quốc sử hay 26 thế kỷ Phật sử thì chẳng có là bao, tuy nhiên đây là một thành tựu lớn của cộng đồng tu sỹ và Phật tử Việt ở hải ngoại. Có biết bao nhiêu công sức, tâm lực, tài lực, trí lực của quý hòa thượng, thượng tọa đại đức tăng ni và đồng bào Phật tử đã đổ ra từ những ngày đầu, từ những bước sơ khai. Có thể kể như: Thầy Thích Thiên Ân, Thích Trí Chơn… Kế đến là lớp tăng sỹ Thích Đức Thắng,Thích Thắng Hoan, Thích Mãn Giác, Thích Như Điển, Thích Bảo Lạc, Thích Nguyên Tạng, Thích Hạnh Tấn…Những cư sỹ nhiệt tâm và có năng lực cũng hết lòng vì đạo pháp như: Tâm Quang Vĩnh Hảo, Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, Quảng Pháp Trần Triết, Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ, Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến, Văn Công Đạo, Văn Công Tuấn…


Năm mươi năm Phật giáo Việt Nam hải ngoại cũng là 50 năm sử của người Việt hải ngoại. Lễ Phật đản chung năm nay tổ chức tại công viên JFK Hockey Filed, một công viên rộng lớn ở giữa một quần thể dày đặc các đài tưởng niệm các tổng thống: Washington, Jefferson, Abraham Lincoln, đài tưởng niệm đệ nhị thế chiến, đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Triều tiên…và phía trước là Bạch Cung. Phải nói đây là một địa điểm trọng yếu của thủ đô Hoa Thịnh Đốn, là đất “long mạch”, đất “thần kinh” của quốc gia. Để xin được giấy phép để tổ chức lễ Phật đản ở đây là một điều rất khó khăn. Quý thầy, quý Phật tử chùa Giác Sơn (Maryland) đã đem hết khả năng xuất sắc của mình ra để thuyết phục chính quyền sở tại và họ đã thành công. Lễ Phật đản giữa lòng Hoa Thịnh Đốn thành công một cách mỹ mãn với sự tham dự của hàng ngàn tăng, ni và đồng bào Phật tử tư khắp các tiểu bang kéo về, từ Úc châu đến, từ Âu châu đến, từ Việt Nam qua. Chưa bao giờ mà Phật giáo Việt Nam hải ngoại tưng bừng hoan hỷ như thế này! Lòng tứ chúng mừng vui rộn ràng, vui vì ngày Phật thị hiện ra đời, mừng vì Phật giáo Việt Nam hải ngoại lớn mạnh, vững chãi, được tự do truyền đạo, hành đạo. Lòng tứ chúng hân hoan, tươi sáng, rạng rỡ như hoa. Điều ấy thể hiện trên gương mặt của mọi người. Ngay cả anh chị em thiện nguyện viên dù vô cùng bận rộn với trách nhiệm nặng nề nhưng ai ai cũng đều vui vẻ hoan hỷ. Cà sa quý tăng ni vàng rực trong công viên xanh mướt, lẫn trong sắc vàng cà sa có những bộ cà sa màu đỏ thẫm của quý sư thuộc dòng truyền thừa Myanmar, Sri Lanka. Hàng Phật tử thì không cần nói nữa, ai cũng chưng diện thật đẹp. Nam cư sỹ với những tà áo dài lam, nữ Phật tử tung tăng với những tà áo dài đủ màu sắc và kiểu cách khiến cho công viên như muôn sắc gấm hoa. Một rừng cờ năm màu của Phật giáo tung bay trong gió. Ngũ sắc ấy chính là biểu trưng của tín – tấn – niệm – định – huệ; đó là tượng trưng cho ngũ trí Như Lai; là ánh sáng từ hào quang của Như Lai.
Đành rằng kinh Kim Cang có câu: “Dĩ sắc tướng cầu ngã/ dĩ âm thanh cầu ngã…” tuy nhiên ở thế giới tục đế, thế giới đối đãi này, con người phần nhiều phước mỏng nghiệp dày, mê sâu huệ cạn, tình chấp sâu nặng…Nếu không lấy sắc tướng và âm thanh để độ thì độ bằng gì? Trình độ và căn cơ của đại chúng không thể nói chuyện tánh không – bát nhã. Phàm con cháu nói kính yêu cha mẹ thì phải biểu hiện bằng hành động cụ thể chứ không thể nói suông hay chỉ là giữ trong tâm ý. Việc tôn kính Phật, thờ Phật, lễ Phật…cũng thế! Khi chưa đủ năng lực, trí huệ, căn cơ mà vội chấp lý bỏ sự thì hỏng, thà rằng chấp sự bỏ lý vẫn còn có lợi ích nhất định.
Tưởng niệm ngày Phật đản sanh, kỷ niệm 50 năm Phật giáo Việt Nam hải ngoại là sự thể hiện cụ thể lòng tôn kính Phật, thực hành giáo lý Phật đà, nhớ ơn thầy tổ, quan hoài đến đất nước và dân tộc.
Kỷ niệm ngày Phật đản sanh, tưởng niệm 50 năm Phật giáo Việt Nam hải ngoại cũng là cái lẽ tự nhiên. Chẳng ai cầu hay mong muốn làm như thế! Đó là hoàn cảnh tự nhiên nó thế, tất cả diễn ra như thế. Nhân như thế, duyên như thế nên sự việc như thế!
Phật giáo Việt nam hải ngoại 50 năm hình thành và phát triển chẳng phải do mong cầu mà ra, chẳng có ai định đoạt mà thành, muốn không được mà không muốn cũng không xong, tất cả tự nhiên như thế!
Đức Phật thị hiện ra đời cũng vì một đại sự nhân duyên khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Đức Phật nhập niết bàn cũng vì nhân duyên đã viên mãn. Lễ Phật đản 2569 và lễ kỷ niệm 50 năm Phật giáo Việt Nam hải ngoại cũng không ngoài nhân duyên. Tất cả mọi sự vật, sự việc ở thế gian này cũng đều vì nhân duyên mà thành và cũng vì nhân duyên mà diệt. Tất cả vì nhân duyên là hợp rồi cũng vì nhân duyên mà tan. Đại lễ Phật đản 2569 và kỷ niệm 50 năm Phật giáo Việt nam hải ngoại dù có trang nghiêm, thanh tịnh, hân hoan và tràn đầy ý nghĩa rồi cũng khép lại. Duy cái dư âm còn đồng vọng trong lòng người, dư ảnh còn lung linh trong tâm tưởng của những người con Phật.
Tiểu Lục Thần Phong
Washington DC. 0425