Tiểu Lục Thần Phong: Năm mươi năm, một chặng đường
Phật giáo cũng như vận mệnh của người dân, luôn thăng trầm theo thời cuộc. Năm mươi năm trước quốc độ trải qua cuộc bể dâu tang thương, rồi kế tiếp là những ngày tháng khắc nghiệt điêu linh đã khiến hàng triệu người phải ly hương. Người ra đi có thể là di tản, vượt biên, vượt biển… Lao vào cõi chết để tìm đường sống. Người ra đi mang theo cái thân thể gầy gò ốm yếu, cái tâm hồn tan nát tả tơi. Người ra đi với hai bàn tay trắng, bỏ lại tất cả sau lưng. Sau khi đến được vùng đất mới, gầy dựng lại từ đầu. Một trong những việc ấy là xây dựng những ngôi chùa Việt trên đất mới, ngoài việc học hành mưu sinh, việc hoằng pháp, thực hành Phật pháp lại thiết tha. Việc xây chùa không phải là một chuyện dễ, nó không chỉ về kinh tế mà còn những vấn đề pháp lý, văn hóa và thái độ của cư dân bản xứ…Phải nói là trăm khó ngàn khăn, tuy nhiên với lòng mộ đạo cao, với tín tâm tam bảo sâu, với sự quyết tâm không ngại khó… Từ đó những ngôi chùa dần dần mọc lên trên khắp xứ sở Cờ Hoa nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Năm mươi năm đã trôi qua, giờ đây Phật giáo Việt đã có chỗ đứng vững vàng, có cơ sở khang trang, có tư cách pháp nhân… Có những đạo tràng độ được cả người bản xứ. Cụ thể như những đạo tràng thuộc Làng Mai, chùa Viêt Nam (Texas)…Phật giáo Việt Nam hải ngoại may mắn có được những bậc cao tăng thạc đức, tinh thông nội điển lẫn ngoại điển, có thể kể như: Ngài Thích Thiên Ân, Ngài Thích Trí Chơn, Ngài Thích Nhất Hạnh, ngài Thích Như Điển, ngài Thích Nguyên Tạng… Những lớp tu sỹ trẻ cũng đầy năng lực như sư cô Thích Nữ Hạnh Từ…
Năm nay Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) hải ngoại tổ chức lễ kỷ niệm ngày đức Phật đản sanh tại công viên JFK Hocky Fields, đây là một địa điểm tuyệt vời nằm bên bờ hồ Tidal Basin, chung quanh là cả một quần thể di tích lịch sử như: Đài tưởng niệm Washington (Washington Monument), đài tưởng niệm Abraham Lincoln (Abraham Lincoln Memorials), đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, đài tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên, đài tưởng niệm chiến tranh đệ nhị thế chiến…Để xin được giấy phép tổ chức lễ Phật đản chung của cộng đồng Việt Nam hải ngoại ở đây là cả một quá trình cam go. Ban tổ chức liên tục xin phép, giải trình với chính quyền sở tại để thuyết phục họ. Phải nói các sư và các thiện nguyện viên thật xuất sắc. Ngoài việc xin giấy phép ra, ban tổ chức phải chuẩn bị cả một núi công việc từ vận động tài chánh, tổ chức đưa đón, xe cộ, ăn ở cho cả ngàn con người, phải liên lạc thuê mướn cảnh sát giữ an ninh, nhân viên y tế…Ban tổ chức và toàn thể tình nguyện viên đã làm một cách năng nổ, nhiệt tình và chu đáo.
Lễ Phật đản năm nay là một sự kiện lớn của Phật giáo Việt Nam hải ngoại, đánh dấu một chặng đường năm mươi năm qua. Lễ Phật đản năm nay tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn của nước Mỹ là một cuộc “ra mắt” lớn với công chúng Mỹ. Rất nhiều người Mỹ và khách du lịch đã tò mò ghé lại xem buổi lễ. Lễ phật đản đánh dấu năm mươi năm có sự tham gia của quý hòa thượng khắp các châu lục. Hòa thượng Thích Như Điển và pháp lữ từ Đức quốc – châu Âu. Thượng tọa Thích Nguyên Tạng và pháp lữ từ Úc châu đến. Quý hòa thượng, đại đức tăng ni và đồng hương Phật tử từ khắp các tiểu bang tụ hội về. Có thể điểm sơ qua: California, Michigan, Nevada, Florida, Georgia, North Carolina, South Carolina, Tennessee, Pennsylvania… Có thể nói là buổi lễ Phật đản năm nay lớn nhất, đông đảo nhất từ trước tới nay. Quý thầy, quý sư cô, toàn thể đồng hương Phật tử thảy đều hoan hỷ vô cùng.
Ngoài những nghi lễ thường thấy, ở lễ Phật đản năm nay còn có chương trình cầu nguyện cho Việt Nam tại đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam. Chùa Giác Sơn và ban tổ chức đã tổ chức đoàn xe hoa rước Phật biểu diễn quanh khu vực trong yếu, khu vực quyền lực nhất nước Mỹ đó là khu vực quanh những con đường bọc lấy Bạch Cung, Đài tưởng niệm Washington (người Việt ta quen gọi là tháp bút chì), chạy quanh Nation Mall…Lời kinh tiếng kệ, chuông trống bát nhã vang lên giữa đất trời Hoa Thịnh Đốn. Giáo pháp của Thế Tôn được hoằng truyền ngay tại vùng đất thần kinh của Mỹ, trái tim của nước Mỹ. Những người con Phật không khỏi xúc động trong khoảnh khắc này và ngay tại đây. Những bộ cà sa sáng lên trong cảnh quan xanh tươi của công viên. Những tà áo dài tha thướt của hàng Phật tư Việt Nam làm ngỡ ngàng ánh mắt của cư dân địa phương và khách du lịch. Những lá cờ Phật giáo tung bay phần phật trong nắng gió thủ đô như hòa điệu với những lá cờ Hoa Kỳ vốn có khắp mọi nơi ở khu vực National Mall này.
Năm mươi năm, lần đầu tiên cả một rừng cờ năm màu của Phật giáo bay phất phới suốt mấy ngày qua ở Hoa Thịnh Đốn. Nếu sự kiện đức Phật đản sanh ở Lâm Tỳ Ni là một sự kiện vô tiền khoáng hậu ở thế gian, thì sự kiện lễ Phật đản ở Hoa Thịnh Đốn là một cột mốc, một nét son trên dòng Phật sử của người Việt hải ngoại. Đây cũng là một sự kiện mới lạ đối với cư dân địa phương. Buổi sáng Chủ Nhật, ngày rước Phật và đi nhiễu Phật quanh hồ trước đài tưởng niệm tổng thống Abraham Lincoln là một sự kiện nức lòng người. Hàng ngàn chư tôn đức, tăng ni và đồng bào, đồng hương Phật tử bước đi những bước chân an lạc. Tiếng rì rầm xưng niệm danh hiệu đức Thế Tôn lan tỏa vào không gian mênh mông bao la. Có lẽ từ ngày khánh thành tượng đài tưởng niệm cho đến hôm nay mới có một sự kiện đặc biệt này. Đạo Phật nói chung, Phật giáo nói riêng đã đem lại một không khí mới cho văn hóa của người bản địa.
Lễ Phật đản hay còn gọi là lễ tam hợp (Vesak) nhân năm mươi năm Phật giáo Việt Nam hình thành và phát triển ở hải ngoại, đã làm phong phú thêm vốn văn hóa của xứ sở Cờ Hoa. Người Mỹ biết đến Phật giáo như một tôn giáo hòa bình. Tất nhiên những yếu tố lễ nghi, phẩm phục, ngôn ngữ có lạ mắt với họ. Họ có thể xem đó như là một yếu tố văn hóa huyền bí của phương Đông. Nước Mỹ, cụ thể là thành phố Nữu Ước đã lấy tên thiền sư Thích Nhất Hạnh để đặt tên đường. Đây là một sự vinh danh và công nhận công lao cũng như sức ảnh hưởng của ngài. Nữu Ước có đường Thích Nhất Hạnh là một sự vinh dự to lớn của Phật giáo nói riêng, toàn thể người Việt Nam nói chung.
Năm mươi năm là một quãng đường dài, là thời gian đủ tròn hai thế hệ. Quý hòa thượng, tăng ni và quý đồng hương Phật tử đã bỏ ra biết bao công sức để có được ngày hôm nay. Năm mươi năm để có được một ngày long trọng và vinh dự như thế này. Không biết rồi năm mươi năm tới sẽ ra sao? Khi mà thời cuộc thay đổi một cách nhanh chóng và đầy bất ngờ, mặc khác khoa học công nghệ, kỹ thuật, điện toán, trí thông minh nhân tạo phát triển cao độ đã làm thay đổi sâu sắc thói quen, hành vi của con người. Đạo Phật và Phật tử cũng không thể nằm ngoài quy luật vô thường, ắt sẽ có nhiều chuyển biến khác trong tương lai. Cũng như thế, năm mươi năm trước chẳng có ai biết được Phật giáo Việt Nam có một luồng chảy mạnh mẽ bên ngoài quốc gia, Phật giáo Việt Nam có một cơ đồ sự nghiệp hết sức đáng tự hào như thế này. Phật giáo Việt Nam hải ngoại nhờ sự lèo lái kiên trì bất khuất của các vị long tượng sư vương của GHPGVNTN nên mới có được ngày hôm nay.
Suốt chiều dài lịch sử của tộc Việt, của quốc gia. Phật giáo cũng trải qua nhiều thăng trầm thử thách, ngay cả những lúc khốc liệt nhất cũng không thể chia cách dân tộc với đạo pháp được. Dân tộc và đạo pháp luôn song hành với nhau. GHPGVNTN giữ đúng tôn chỉ này, hành hoạt trong lòng dân tộc, hòa vào lòng dân tộc. Năm mươi năm của Phật giáo Việt Nam hải ngoại cũng chính là năm mươi năm bền bỉ đi cùng năm tháng của GHPGVNTN.
Tiểu Lục Thần Phong
Washington DC. 0425


