Tiểu thuyết “Ván cờ ba họ” của Phạm Lưu Vũ

Lời giới thiệu: “Ván cờ ba họ” là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Phạm Lưu Vũ, sau một số tập truyện ngắn, tản văn đã xuất bản. “Ván cờ ba họ” nói về thời kỳ tranh đấu giữa ba họ vương quyền ở Đại Việt: Mạc, Trịnh và Nguyễn, kết hợp giữa hiện thực lịch sử và tưởng tượng, hư cấu, do NXB Hội Nhà Văn phát hành tháng 1/2024. 

Nhà văn Phạm Lưu Vũ hiện sống và sáng tác tại Hà Nội.

Diễn Đàn Thế Kỷ xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc 4 chương đầu tiên của tiểu thuyết, đăng làm hai kỳ, với lời tựa của nhà văn Kim Chinh.

 ***

LỜI TỰA VÁN CỜ BA HỌ

Trộm nghe, phàm những việc dẫu chỉ có trời biết, đất biết thì rồi sớm muộn người người đều biết. Ví như chuyện hơn 200 năm thời Lê Trung hưng [các thế kỷ XVI, XVII và XVIII] sử ghi về Trạng Trình có mấy dòng, đều mờ tỏ bí ẩn như các sấm ký tương truyền là của cụ. Vậy mà rồi trong “Ván cờ ba họ” này, Trạng Trình thành người chơi cờ, thành nhân vật chính, sống động như một sư biểu tri kỷ tri âm của ta.

Tại sao như thế?

Vì tam tài [thiên địa nhân] đều từ Một mà ra, tay trái làm ác, chả ai nói mà tay phải biết ngay lập tức; cũng vậy, khi lòng người gặp biến, oán thán hoan hỷ đều kết tụ dần mà kinh động giời đất. Trong các sách xưa, khi nói về một triều đại hết phúc, làm nhiều việc nực cười như chuyện viên tướng 58 tuổi An Lộc Sơn gọi người đẹp đôi mươi Dương Quý Phi là mẹ nuôi, lòng dân khinh thị thì dân gian chuyên kháo chuyện mệnh trời, điềm giời hiện ra… 

Nhưng nhận ra điềm triệu, “nghe” được tiếng của giời đất thì lại do sở năng, không chia đều cho mọi người. Thầy bói, phù thủy, nhà sư, nhà sử học, nhà văn, nhà thiên văn địa lý sinh ra từ những mâu thuẫn sở năng bất quân vậy. Như việc sử ghi về Trạng Trình có mấy dòng mà Phạm Lưu Vũ “đọc” ra cả một thế giới quần tiên kỳ thú, nơi thân phụ thân mẫu cụ sống từ những kiếp trước; đến lượt mình, cụ công thành danh toại ở Mạc Bắc triều nhưng di đức của cụ lại đứng trên chính sự một thời, để bày kế trung hưng hằng tồn cho Lê Nam triều. Cụ là thầy của sĩ phu Bắc triều, trực tiếp góp vào việc kinh bang tế thế khiến cho bắc phần của nước phát triển thần kỳ vào thế kỷ XVI [1527 – 1592]. Nhưng cũng chính cụ khuyên thầy trò Trịnh Kiểm chỉ nên “quét chùa [thì được] ăn oản” và “tìm giống cũ mà gieo” cho nên từ Lê Anh tông về sau mới là hậu duệ của Lê Trừ – anh ruột vua Lê Thái tổ. Tại sao phải thế? Vì cụ Trạng “nghe” được tiếng [ngôn ngữ] của giời đất. Ấy là tâm thế còn hướng về nhà Lê của người Việt. Rồi cụ “nhắn” qua học trò đến tai Nguyễn Hoàng một lời khuyên qua câu sấm: “Phụng đàm an khảm trấn / Tích Thủy quảng ly hương”. Và giảng: Tích Thủy, cái hồ ở Gia Miêu, là khởi nguồn long mạch gọi là “Điểu đạo huyền lộ.” Như thế, cụ đã gieo vào lòng Nguyễn Hoàng đức tu kiên nhẫn xa quê để mở rộng quê. Rồi cụ còn lập kế để đứa trò yêu Mạc Cảnh Huống, em út vua nhà Mạc cho Nguyễn Hoàng dùng làm quân sư lập nhiều kỳ công. Về sau, cụ lại nhắn “Hoành Sơn nhất đái/Vạn đại dung thân”; cho đến khi chính Nguyễn Hoàng nhận ra long mạch điểu đạo huyền lộ dài từ Gia Miêu kéo mãi vào Thuận Hóa thì càng bền tâm tráng chí mà thành tôn chỉ mục đích cho cả một dòng họ lớn để công đức hiển lộ vào năm 1802 – tên nước Việt Nam ra đời bền vững rộng dài cho mãi đến mai sau. 

Như thế, có thể nói, Trình Tuyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm đã “quy hoạch” cho muôn đời vận nước. Cụ Trạng sinh năm 1491, nhân vật Trạng Trình ở đây “bắt đầu” mấy trăm năm trước đó và còn sống đến tận hôm nay vì cứ mỗi thời vận, khi ứng vào câu sấm – của cụ hoặc chẳng phải của cụ, thì Trạng Trình lại sống dậy. Vì cụ sống/tư duy bằng quy luật cho nên có thể nói, khi nào quy luật khách quan về tam tài còn, thì Trạng Trình còn. Ít nhất thì đây cũng là cảm nhận của hậu sinh, khi đọc sách này.

Sử sách viết về Nguyễn Hoàng nhiều hơn, nhưng cũng còn vắn tắt lắm. Người đồng thời của Nguyễn là cụ Lê Quý Đôn nói kỹ hơn trong các khảo cứu về địa dư, phong tục, sản vật có thể xem như là bản công trạng của sự nghiệp khai hóa phương Nam sau 1558. Chỉ đến Ván cờ ba họ, Nguyễn Hoàng mới hiển lộ hết chiều kích, tầm vóc sừng sững, vô cùng sống động của một nhân vật lịch sử. Tiểu thuyết cũng“cãi” lại các sử gia xưa nay vẫn đinh ninh Nguyễn Hoàng vào Thuận Quảng chỉ là để ẩn thân, tránh họa đố kỵ của ông anh rể Trịnh Kiểm. Cũng cãi lại một đinh ninh khác của lịch sử, do tâm thế nhớ ơn nhà Lê, sinh lòng ghét chúa Trịnh bất chấp quy luật tha hóa của quyền lực nên coi việc Trịnh Kiểm chém Nguyễn Uông vì tội lạm sát trả thù bọn quan quân nhà Mạc về hàng là nhằm đoạt quyền chứ không chịu công bằng để nhận ra: Giết bọn quy hàng là chặn lối tìm đến của hiền tài danh tướng bên phía đối địch đến với ta. Trong oan sự này, chính Nguyễn Uông không phân biệt kẻ trá hàng Dương Chấp Nhất sát hại cha An Thành hầu Nguyễn Kim với những người thực tâm về với nhà Lê mới là tội đồ của đại cục.

Ván cờ ba họ là những họ nào?

Tại thời gian nghệ thuật của tiểu thuyết, Đại Việt có hai họ vua là Lê, Mạc và hai họ chúa là Trịnh, Nguyễn. Trong thời gian lịch sử, đôi khi còn gọi đây là thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Như thế là bốn chứ sao lại ba? Là bốn nhưng thực chất chỉ là ba, họ Trịnh làm mọi việc đều nhân danh họ Lê, nên nói Lê Bắc triều giao tranh với Mạc Bắc triều thì trên thực tế là họ Trịnh đánh nhau với họ Mạc, còn họ Nguyễn thì chỉ làm việc tiến vào phương Nam là chủ yếu; vậy nên từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII chỉ có ba họ Mạc, Trịnh và Nguyễn chơi ván cờ thế đại cục. Họ đóng đô tại Hải Dương, Biện Thượng [Thanh Hóa] Ái Tử – cái tam giác quyền lực hay còn có thể ví với cái chân kiềng cho thế nước. Ngự trên chân kiềng nên nước động mà yên: Đó là Hải Dương luôn luôn làm lá chắn đối với phương Bắc dù có lúc họ phải chịu nhẫn nhục, bị hậu thế chê cười; đó là Biện Thượng luôn lấy danh nghĩa dẹp ngụy mà đánh chiếm để thu Bắc triều về lại với chính thống và do đó mà giúp cho Ái Tử rảnh tay theo đuổi chiến lược quảng ly hương với điểu đạo huyền lộ, mới đủ thời gian phong hóa vùng đất mới hoang sơ khác hẳn phong tục tập quán hòa nhuyễn thành một miền Trung vừa tài khéo vừa mạnh mẽ biểu hiện thật rõ nhưng chỉ khác tông chứ không khác màu trong bản đồ văn hóa Đại Việt. Lâu nay, người ta hay nói đến công lao mở cõi của họ Nguyễn. Đó là điều cần thiết. Nhưng cần kíp và quan trọng hơn là nhận ra vai trò của Mạc Đăng Dung và Trịnh Kiểm trong sự nghiệp vĩ đại ấy.

Mạc Đăng Dung, Nguyễn Hoàng, Trịnh Kiểm hiển lộ dần trong quá trình phong hóa Trung phần nhập tịch. Khi hiển lộ xong, họ vừa giống vừa rất khác trong những trang sử đã viết về họ.

Trình Tuyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng vậy, hiển lộ xong, cụ vụt trở nên khổng lồ, vừa là người bày ván cờ trăm năm lại vừa là thánh nhân của ngàn năm vận nước!

Nhưng suy đến tận cùng, nói ba họ [Mạc, Trịnh, Nguyễn] là nói trăm họ đấy.

Trong Mạc có Nguyễn [Bỉnh Khiêm] nhận lương Mạc nhưng làm việc cho cả nước; trong Trịnh có Nguyễn [Hưng Long] mang sách “Bách luân Kim cương” [đào được từ dưới đất, bàn việc địa nhân] chỉ dùng có vài trang sách đó mà lui giặc Minh chuẩn bị đánh nước Việt, lại chỉ một kế mà án binh bất động cả ba Quận công tránh đường cho Nguyễn Hoàng thong dong trở về Ái Tử; trong Nguyễn có Trịnh [Xuân Ba] quân sư học sĩ, có Mạc [Cảnh Huống] mang sách “Thái Ất thần kinh”[là sách thiên văn, bàn về quan hệ giữa trời với đất của thầy mình là con Trời] vào dâng cho minh công. Khi xứ Quảng có loạn bốn nhà, bộ tướng của Nguyễn Hoàng hăng hái bàn chuyện đánh dẹp, thì Mạc Cảnh Huống lại chỉ nghĩ tới chuyện thu phục lòng người. Thế rồi mang một nhúm quân đi, dẹp loạn bằng cách… bỏ trại. Ba lần bỏ trại mà cõi được yên, không bắn một mũi tên, không giết một tên giặc nào…

Khi Nguyễn Hoàng thấy thế lực Trịnh sa sút, Trịnh Kiểm mất, anh em Trịnh Cối Trịnh Tùng tranh đoạt, bộ hạ muốn nhân cớ ấy mà thôn tính họ Trịnh, Nguyễn Hoàng lại nhận được lời khuyên của bậc “nhất thiết trí”, rằng: “Cờ hay đi một nước này/Xóa đi cả ván đã bày trăm năm”. Nhưng câu trước nằm sấp mà nói, câu sau lại nằm ngửa, chỉ trong phút chốc. Đây là chỗ sinh động mà kì tuyệt. Nằm sấp nói ý Ma, nằm ngửa nói ý Trời. Mới hay cái việc gieo đồng tiền, Âm Dương sấp ngửa xưa nay là có ẩn ý huyền cơ cả đấy.

Có thể nói, xung quanh ba họ là hàng chùm các nhân vật, họ là những tùy viên, học trò, học sĩ, quân sư, danh tướng, nhà sư, thầy pháp, mỹ nhân, phú hào… làm nên tư tưởng nghệ thuật của Ván cờ ba họ, một tư tưởng lớn. Nó khởi đi từ mấy dòng về cụ Trạng trong Toàn thư như những hạt giống tốt, gặp được mảnh đất màu mỡ tơi xốp là độc giác tri Phạm Lưu Vũ – kẻ có sở năng nghe được ngôn ngữ giời đất mà lắng lọc tiếng khóc cười tiếng oán thán tiếng thở dài như hơi nước bốc lên trời, tích lại làm mây vẩn vơ bay của lịch sử rồi làm mưa gió tưới tắm, vậy chăng mà các hạt nhân ở đây đều thành các nhân vật mẫm mạp?

Nhưng, mẫm mạp đến mấy thì đó mới là tượng của quẻ, phần dễ nhất của kẻ muốn hiểu thấu thế sự qua lẽ biến dịch. Phần chí lý hấp dẫn của nó lại nằm ở nội/ngoại quái, đại/tiểu truyện rồi vận dụng thuyết giảng… mới khó, mới đáng ví là máu thịt của nhân sự và là việc của văn chương. Văn Phạm Lưu Vũ xưng xưng như thanh đồng, như nước sa, như gió cuốn, huyền hoặc như chuyện quỷ dị dưới âm ty địa phủ lại kỳ quặc bí ẩn như chuyện trên ba mươi ba tầng giời. Ấy là văn cách của dã sử, ngoại kỷ sử, thần thoại; nói như bây giờ, phép bút tiểu thuyết của Phạm Lưu Vũ là coi ma quỷ rắn hổ thần tiên thánh nhân bình đẳng với người trong tổ hợp văn bản. Có nhân vật Trịnh Công Năng được Quan Sư phu tử dạy cho phép giãn nước, rút đất. Do tu vi chưa đạt cảnh giới, phải dùng cây ngọc bích trợ lực thần chú; gậy trỏ hướng Tây nhưng trong người y giắt cái răng nanh lợn rừng, vật linh nọ cản hướng vật linh kia, khiến chệch hướng sang Tây Nam. Văn Phạm tiên sinh cũng thế, kể gì thì kể rồi cũng đến chỗ huyền kỳ, ma quỷ, điềm triệu hiện ra.

Như cái chỗ cụ Trạng Trình dặn học trò, dán bốn chữ “Tiệt sinh tử lưu” [dứt luân hồi sinh tử] đè lên bốn chữ “Tiệt minh đức lưu” [dứt dòng đức sáng truyền lưu] mà thầy phong thủy họ Thích từ bên Tàu đã trấn yểm; đọc xong, trầm trồ thán phục xong mà gai cả người. Văn hay ở đấy. Hấp dẫn ở đấy. Mà dở cũng từ đấy.

Nhân đây viết được mươi dòng, trộm gọi là tựa, kính đề.

Văn Chinh 

***

TIỂU THUYẾT VÁN CỜ BA HỌ

CHƯƠNG 1

Căn cứ của An Thanh hầu Nguyễn Kim ở Sầm Châu thuộc đất Ai Lao. Bấy giờ Nguyễn Kim đã lập vua Trang tông, liền dâng tờ biểu ghi tên các tướng lên để Trang tông phong tước. Trang tông xem biểu xong, mắt nhìn Nguyễn Kim, tay đặt lên đặt xuống tờ biểu mấy lần, có điều do dự khó nói. Nguyễn Kim tâu:

– Có điều gì chưa phải, xin thế chủ cứ nói.

Thế chủ là cách các bề tôi tòng vong gọi vua Trang tông mà không gọi “bệ hạ”, ngay từ đầu trong quân đã quy ước như thế, hẹn khi nào về Kinh thành gọi “bệ hạ” cũng chưa muộn. Nguyên danh sách có Trịnh Kiểm được đề nghị phong tước Dự quận công. Trước đó, trong bọn tòng vong có người họ Trịnh tên Công Năng, cũng nằm trong danh sách được phong từng mật báo với Trang tông rằng Trịnh Kiểm có tướng hiếu sát… Nhưng bấy giờ Trịnh Kiểm đã được Nguyễn Kim gả con gái là Ngọc Bảo, nghĩa là con rể của Nguyễn Kim nên Trang tông mới có ý ngần ngại. Nay Nguyễn Kim đã nói như thế, thì Trang tông cũng thành thực mà nói ra:

– Tôi nghe nói Trịnh Kiểm có tướng hiếu sát, ông xem lại xem, liệu có nên phong quận công cho y chăng? Sợ đến lúc khó kiềm chế?

Nguyễn Kim biết tâm sự của Trang tông, bèn cười mà bảo:

– Trai thời loạn thì phải cương dũng chứ. Cương dũng với hiếu sát thì cũng là một. Người như y tất lập được công trạng, cho nên tôi mới gả con gái cho y. Xin thế chủ chớ lo ngại.

Vua Trang tông còn không biết rằng chính Nguyễn Kim cũng đã biết điều đó, ngay từ lần đầu tiên Trịnh Kiểm tìm đến ra mắt. Nguyễn Kim đã biết y là người vừa có tài vừa nguy hiểm, nhưng không dùng thì uổng phí, nhất là trong lúc phải đương đầu với họ Mạc để khôi phục họ Lê. Nguyễn Kim liền nghĩ ra mẹo gả con gái Ngọc Bảo cho y, để y cảm động mà ra sức khuyển mã, lại dặn riêng Ngọc Bảo phải khôn khéo, luôn để ý dò xét bụng dạ của y để phòng khi có sự chẳng lành.

Nhưng chính Nguyễn Kim cũng chưa biết, còn một chuyện nữa. Có người ở đất Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc – Thanh Hóa), quê của Trịnh Kiểm được Trịnh Công Năng dẫn đến, mật tâu với vua Trang tông, rằng Trịnh Kiểm hồi nhỏ chuyên bắt trộm gà về làm thịt cho mẹ ăn, khiến cả làng tức giận, nhân lúc Kiểm đi vắng, hàng xóm liền hè nhau bê bà mẹ quẳng xuống cái đầm ở trước cửa làng. Trịnh Kiểm trở về thấy mất mẹ, bèn bỏ đi biệt xứ, cuối cùng tìm sang Ai Lao theo hầu Nguyễn Kim…

Nay Trang tông nói đến đức hiếu sát của Trịnh Kiểm, thấy không thuyết phục được Nguyễn Kim, bèn đem cả cái xuất thân trộm cắp ấy ra, có ý phàn nàn về đạo đức của kẻ làm tướng. Không ngờ Nguyễn Kim nghe xong lại càng cười lớn, bảo với Trang tông:

– Bọn người ở chốn thôn dã lại man rợ và mất tính người đến thế kia ư? Mất trộm vài con gà, mà nỡ ném cả mẹ người ta xuống đầm hay sao? Đời sau mà thêu dệt như thế còn có kẻ tin, chứ đời này thì ai mà tin được? Đây chẳng qua chỉ là trò ác khẩu, của những hạng tiểu nhân, hạ tiện mà thôi, xin thế chủ chớ nghe. Mà dẫu hắn có bắt trộm gà về làm thịt cho mẹ ăn thật, thì cũng chứng tỏ hắn là đứa con hiếu đấy chứ? Tôi nghe nói muốn tìm tôi trung, thì phải tìm trong đám con hiếu. Vậy thì thế chủ còn phân vân gì nữa?

Đến đó thì vua Trang tông không còn nói vào đâu được, đành phải chuẩn tấu, hạ chỉ phong Trịnh Kiểm tước Dự quận công, cùng với Trịnh Công Năng là Tuyên Quận công, Lại Thế Vinh là Hòa Quận công… rồi những bọn Hiệp quận công, Tường quận công, Từ quận công, Trấn quận công, Tây quận công, Dương quận công, Thuỵ quận công, Nghi quận công… tổng cộng 18 quận công, đồng thời ban cho mỗi quận công một quả ấn và một thanh gươm để làm tướng lệnh, ấn đúc bằng đồng, gươm rèn từ dao rựa mua trong dân, do một thợ rèn giỏi người Ai Lao, được vua Ai Lao là Sạ Đẩu phái tới, mở lò rèn ngay trong trại để rèn binh khí.

Hôm ấy Nguyễn Kim vái tạ vua Trang tông rồi trở về trại của mình, trong lòng cũng không khỏi có chút phân vân về chuyện Trịnh Kiểm. Bụng nghĩ trong số bọn tòng vong đi theo Trang tông, thể nào cũng có kẻ ghen ghét với Trịnh Kiểm, nếu không liệu trước đi, sau này nhỡ trong quân xảy ra bất hòa, thì không có lợi cho công cuộc trung hưng nhà Lê. 

Bấy giờ có một sư gia cũng họ Trịnh, tên Xuân Ba, theo hầu Nguyễn Kim từ bé, được Nguyễn Kim cấp tiền nuôi ăn học, thiên hạ cứ có thầy nào giỏi là đem lễ vật đến bái làm sư phụ, học đến hết chữ trong thiên hạ, được Nguyễn Kim phong làm sư gia. Trịnh Xuân Ba thấy chủ tướng có vẻ tư lự, liền hỏi duyên cớ, Nguyễn Kim đem việc bắt trộm gà hồi nhỏ của Trịnh Kiểm ra kể lại, Xuân Ba nghe xong cũng cười mà bảo:

– Kẻ làm tướng, thì dẫu có xuất thân ăn cướp cũng còn được nữa, huống hồ chỉ ăn trộm vặt. Nếu y quả thực có tài, thì y sẽ cướp cả thành, cả đất về cho ta, chứ không chỉ con gà, con vịt mà thôi đâu. Chính thế chủ (trỏ Trang tông), cũng chả xuất thân từ một anh chuyên nghề ăn quỵt (dân gian gọi chúa Chổm) đấy là gì?

Nguyễn Kim cũng bật cười ha hả, liền vỗ vai Xuân Ba mà bảo:

– Vẫn biết rằng như thế. Song một con diều hâu, dù dũng mãnh đến mấy cũng không đáng lo, muốn bẫy lúc nào thì bẫy, vì mạng của diều hâu nằm trong tay phàm phu. Nhưng một con phượng hoàng thì phải coi chừng, không phải cái bẫy nào cũng bẫy được nó, vì mạng của phượng hoàng nằm trong tay bậc thánh đấy.

Trịnh Xuân Ba nghe chủ nói thì lắc đầu lè lưỡi, biết Nguyễn Kim xét người rất thận trọng, nay nói như thế là có ý ví Trịnh Kiểm với phượng hoàng chăng? Bèn nói:

– Vậy tôi xin vì chủ công về Vĩnh Phúc một phen, xem quả có bậc thánh nhân nào hộ trì chân mạng của con phượng hoàng ấy hay không?

Nguyễn Kim thấy vị sư gia nói trúng ý mình thì mừng lắm, liền sai chuẩn bị ngay một con ngựa, và xuất vài chục lạng bạc để Xuân Ba lập tức lên đường.

CHƯƠNG 2

Làng Biện Thượng, quê Trịnh Kiểm nằm gần núi Hý Mã, trên núi có động Hồ Công, tục gọi Hang Cóc, là đệ nhất danh thắng của cả vùng Hoan, Ái. Ngay trước làng có một cái đầm tròn, rộng vài mẫu, giữa đầm nổi lên một gò mối màu xám tro, chu vi vài trượng. Cái gò như mới đùn lên, không phải bằng đất của vùng này vì khác màu, và vẫn còn đùn lên nữa, vì cỏ còn chưa mọc kịp, đứng trên bờ vẫn nhìn thấy hàng đàn mối hoạt động tíu tít, khiến cả cái gò như cũng đang chuyển động. Xuân Ba ngồi trên mình ngựa ngắm nghía, trong bụng thán phục lắm. Bỗng có tiếng người nói phía sau đít con ngựa:

– Đầm này tên là đầm Bạch Phượng, là chiếc gương soi của làng Biện Thượng đấy.

Xuân Ba giật mình ngoảnh lại. Một lão nông dân răng vẩu, vai vác chiếc bừa vừa đi làm đồng về, không có con bò, chỉ có chiếc roi vẫn cầm trên tay. Xuân Ba vội vàng xuống ngựa, vòng tay vái chào rồi hỏi:

– Cụ người làng này? Xin cho biết quý danh?

Lão nông dân cười, nom như có hào quang phát ra từ hai chiếc răng cửa. Trả lời:

– Tôi người làng này, họ Trịnh tên Tưởng. Còn ông, chắc từ xa tới đây?

Xuân Ba cũng mỉm cười, vừa gật đầu đáp lễ, vừa từ tốn trả lời:

– Vâng thưa cụ. Tôi cũng họ Trịnh, tên Xuân Ba. Có chút việc đi qua đây, thấy cái đầm và gò mối lạ mắt quá nên dừng lại xem, không biết lai lịch của nó như thế nào?

Lão nông dân thấy người sang, chả cần phải bắt quàng thì cũng là người cùng họ nên vui lắm, liền nhanh nhảu trỏ tay xuống cái đầm trả lời:

– Tôi nghe các cụ kể lại, rằng ngày trước có một con phượng hoàng trắng, từ trên trời sa xuống đầm này mà chết chìm xuống đáy, nên từ đó gọi là đầm Bạch Phượng.

Xuân Ba nghe đến hai chữ “phượng hoàng” thì hơi giật mình. Liền trỏ tay hỏi tiếp:

– Thế còn cái gò mối kia?

Trịnh Tưởng có vẻ chần chừ, chưa muốn trả lời ngay, mà ngỏ ý mời Xuân Ba về nhà mình. Câu chuyện vừa mới bắt đầu thì lời mời buông ra thật đúng lúc. Xuân Ba vui vẻ nhận lời. 

Hai người họ Trịnh dẫn nhau về đến nhà, Trịnh Tưởng sai thằng con giai tên Trịnh Xuân Mạnh làm thịt con gà đãi khách quý. Còn Xuân Ba, việc đầu tiên là đến thắp hương, cúi đầu khấn mấy câu trước bàn thờ nhà Trịnh Tưởng, rồi mới quay ra bàn ngồi uống nước. Tiếp theo là chuyện đồng áng. Xuân Ba ân cần hỏi han:

– Mùa màng năm nay thế nào?

Trịnh Tưởng nhăn nhó:

– Vất vả lắm ông ạ. Nước có loạn, trai tráng đều đi cả, đứa bị sung quân, đứa phải đi trốn… thành ra làng cũng chia ra mấy phe, đứa theo bên này, đứa theo bên kia. Rồi cũng đến lúc chúng nó chém nhau ở ngoài đường mất thôi. Ở làng toàn đàn bà và một lũ già như chúng tôi…

Xuân Ba vừa uống nước, vừa nói mấy câu an ủi, rằng sinh phải cái thời không may nó thế… Rồi mâm rượu được thằng con trai Trịnh Xuân Mạnh bưng ra, hai họ Trịnh ngồi đối tửu. Xuân Ba muốn gợi chuyện về Trịnh Kiểm mà không muốn tiết lộ thân phận của mình, nhưng chưa biết phải bắt đầu như thế nào. Bỗng buột miệng hỏi một câu rất vớ vẩn:

– Con bò nhà cụ đâu? Lúc nãy, trên tay cụ vẫn cầm chiếc roi?

 Trịnh Tưởng cứ vô tư trả lời:

– Thả ở cánh bò điên, cho nó ăn cỏ ông ạ.

Cái tên ruộng nghe lạ quá, chắc phải có duyên cớ. Xuân Ba liền bám theo đấy để tiếp tục câu chuyện:

– Sao lại gọi là cánh bò điên?

Trịnh Tưởng thật thà kể:

– Cánh ruộng ấy vốn có tên chữ là “Quyến thổ”, nôm na gọi là cánh chó ỉa, chỉ để cỏ mọc, chả trồng cấy gì. Sau có con bò điên bị đánh chết, bộ xương chôn ở đấy, nên đổi tên thành cánh bò điên.

Nghe Trịnh Tưởng nói, Xuân Ba thầm thán phục. Vốn là người chứa một bụng chữ, liền nghĩ đến câu trong sách Luận ngữ: “Xứ tục lục tà quân, địa linh sinh nhân vật”, làng này đến một cánh ruộng cũng có đủ cả tên chữ, tên nôm thì không phải tầm thường. Nhưng không biết sẽ góp tà quân (vua ác) hay sinh nhân vật (?) cho thiên hạ đây? Bèn hỏi tiếp:

– Xin cụ cho nghe câu chuyện con bò điên bị đánh chết như thế nào?

Trịnh Tưởng nghĩ một lát rồi nói:

– Chuyện ấy thì phải kể cho có đầu có đuôi mới được.

Rồi Trịnh Tưởng thong thả:

– Ngày trước có một ông họ Thích từ phương Bắc tìm đến làng này. Không nói tên, chỉ xưng họ Thích, người Sơn Đông bên Tàu. Họ Thích lân la tới nhà ông Trịnh Lan, là ông nội của Trịnh Kiểm bây giờ, khoe có một môn công phu truyền thừa đã trăm đời, gọi là “thổ thành quyến chỉ”, chuyên tôn lập và tịnh dưỡng huyệt địa, hắn gạ ông Trịnh Lan chỉ chỗ mộ tổ, để hắn tôn tạo giúp, thì con cháu sau này sẽ làm nên công hầu, khanh tướng. Trịnh Lan là người có tâm cơ nên cảnh giác, biết mộ tổ nhà mình đã được một quý nhân chỉ cho chỗ ruộng Nanh Lợn, là nơi có huyệt quý, thì không thể khinh xuất mà tiết lộ cho kẻ lạ được, bèn từ chối rồi đuổi khéo họ Thích đi. Mấy hôm sau, họ Thích vẫn quanh quẩn ở cánh đồng làng, không ai biết hắn tìm kiếm cái gì. Sau khi hắn bỏ đi, trâu bò trong làng bỗng hay mắc chứng điên, hết con này lại đến con khác, bao giờ cũng có ít nhất một con bị điên…

Không ngờ câu chuyện con bò điên lại dẫn đến mộ tổ nhà họ Trịnh, thật là giời xui đất khiến. Xuân Ba mừng lắm, càng chăm chú lắng nghe, vừa nghe vừa xuýt xoa thán phục. Té ra cụ Trịnh Tưởng đây chính là anh em nội tông thân với nhà Trịnh Kiểm, cùng với Trịnh Lân, bố Trịnh Kiểm là con chú con bác. Và chuyện con bò điên lại liên quan đến quá khứ của Dực quận công Trịnh Kiểm ngày nay. Câu chuyện tiếp theo như sau:

– Mẹ Trịnh Kiểm người họ Hoàng, cũng ở xã Biện Thượng. Ngày trước nhà nghèo, bà thường hay lội xuống vớt súng ở đầm Bạch Phượng về nuôi lợn, một hôm lội đầm về, bà bỗng có chửa rồi đẻ ra Trịnh Kiểm. Kể đến đoạn này, Trịnh Tưởng cúi gập người xuống, vươn cổ ra nói nhỏ vào tai Xuân Ba: “Bỗng dưng mà chửa ông ạ, vì là anh em trong nội tộc nên tôi biết, thời điểm ấy chú em họ tôi là Trịnh Lân không có nhà”.

 Năm Trịnh Kiểm được sáu tuổi thì Trịnh Lân mất. Nhà nghèo, Kiểm phải đi chăn bò thuê cho nhà người ta. Được cái càng lớn càng khỏe, mười lăm tuổi đã trở thành một thiếu niên cường tráng, thân lam lũ mà nước da vẫn trắng như bột lọc. Một hôm Kiểm chăn con bò ở cánh đồng ấy. Bỗng dưng con bò phát điên, hai mắt đỏ ngầu, nó hếch mõm lên trời rống lên những tiếng rống ghê rợn, vang động cả cánh đồng. Vào người khác như thế thì bỏ chạy thục mạng để cứu lấy thân. Nhưng Trịnh Kiểm thì không thế. Hắn xông ngay vào, lừa túm được cặp sừng của con bò rồi ra sức ghì xuống. Người và vật cứ thế quần nhau, giày xéo nát cả đám ruộng. Dân làng nghe tiếng bò rống liền mang gậy gộc ra, nhưng cũng chỉ dám đứng từ xa hò hét, lo sợ cho tính mạng của Trịnh Kiểm, mà không anh nào có gan xông vào hỗ trợ. Cứ thế khoảng hơn một canh giờ thì Trịnh Kiểm dẫu khỏe mấy cũng chỉ là một cậu thiếu niên. Con bò càng lúc càng điên, càng điên càng khỏe tợn, hai mắt nó đỏ rực như hai hòn than. Đúng lúc Trịnh Kiểm bắt đầu kiệt sức, chân tay sắp sửa rã rời thì bỗng nghe trên không như có tiếng sấm, đồng thời đất dưới chân như vừa chuyển động. Trịnh Kiểm như được tiếp thêm sức mạnh, còn con bò thì hai tròng mắt đỏ rực của nó cũng dần dần tắt lịm, toàn thân như bị nhũn ra, từ từ khuỵu xuống rồi đổ vật sang một bên. Bấy giờ mọi người mới hò hét xông vào, nhanh chóng kết liễu tính mạng con bò. Cả làng vui sướng công kênh Trịnh Kiểm lên, coi hắn như anh hùng, liền xẻ thịt con bò để ăn mừng, còn bộ xương thì đào một cái hố để chôn đúng chỗ đó. Hố đào xuống chừng bốn thước, bỗng lộ ra một chiếc hộp gỗ sơn son, bên trong có lá bùa viết bằng chữ Nho, gồm tám chữ, chia làm hai cột. Trong làng có người biết chữ, liền đọc lên:

“Hoàng ngưu khuyển vương

Thổ hàm tận mạng”

Cả làng ai cũng kinh lạ, nhưng không hiểu tám chữ ấy ngụ ý tới điều gì. Bộ xương bò được chôn xuống, từ đấy chứng bò điên chấm dứt hẳn…

Vốn là người giỏi chữ Nho nên nghe đến đây, Trịnh Xuân Ba liền lấy giấy bút, ngoáy luôn tám chữ ấy ra, rồi đăm chiêu suy nghĩ, mồm lẩm bẩm:

– Câu trên thì có thể hiểu được, vì hoàng ngưu nghĩa là con bò, khuyển vương là vua chó, ý nói đến thời đại mạt sẽ xuất hiện cẩu vương, chính là thời này. Nhưng câu sau, chắc muốn nói chuyện số mệnh. Song không biết hai chữ “thổ hàm” là ám chỉ cái gì?

Trịnh Tưởng nghe Xuân Ba luận chỉ tủm tỉm cười. Ý chừng lão đã biết rồi, chỉ chưa đến lúc nói ra mà thôi. Lão vờ như không hiểu câu Xuân Ba vừa nói, cứ tiếp tục câu chuyện:

– Ngay sau sự kiện ấy, Trịnh Kiểm bỗng bỏ đi biệt tích. Cả làng không ai biết hắn đi đâu, nhưng tôi biết, vì sau đó hắn kể lại cho tôi nghe.

Phạm Lưu Vũ