Tiểu Vũ: Tiếng kêu từ tháp cổ Bằng An

Tháp cổ Bằng An.

Năm nào cũng vậy, về quê ăn tết là đến đây để ngắm ngọn tháp Chàm – công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hóa Chăm độc nhất vô nhị tại Quảng Nam, nhưng rồi cứ mỗi năm tháp lại mất đi một ít vì sự hờ hững của con người. 

Tháp Bằng An là một trong những tháp Chăm cổ còn sót lại ở tỉnh Quảng Nam. Tháp thuộc địa phận xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tháp cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km, cách phố cổ Hội An khoảng 14km và cách quốc lộ 1A khoảng 1,2km. Tháp Bằng An đã được nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 100-VH-QĐ ngày 21.1.1989.

Về nguồn gốc tháp Bằng An, có nhiều truyền thuyết, giai thoại đẹp được truyền miệng trong dân gian Quảng Nam. Chuyện kể rằng Quảng Nam ngày xưa là nơi chung sống của cộng đồng người Việt và người Chăm. Vào dịp lễ hội năm nọ hai bộ tộc này thách nhau ai dựng tháp cao hơn thì người thua phải nhường đất cho bên thắng. Người Chăm dựng tháp bằng gạch, còn người Việt dựng tháp bằng tre, kết quả tháp của người Việt cao hơn, nhưng không tồn tại được lâu thì bị đổ bởi gió bão, còn tháp gạch của người Chăm vẫn tồn tại cho đến bây giờ.

Còn về thực tế khoa học và lịch sử thì tháp Bằng An được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 9 đầu thế kỷ thứ 10 dưới triều đại của vua Chămpa Bhadravarman. Giải mã nội dung trên bi ký tại tháp Bằng An, các nhà khoa học xác định chính vua Chăm Bhadravarman II đã cho xây dựng một đền thờ là Linga Paramesvara để dâng lên Isanesvara. Tháp được dùng để làm nơi thờ cúng và tế lễ của người Chăm. Bên trong tháp thờ thần Shiva – vị thần bảo vệ người dân và vương quốc Chăm.

Bằng An cũng chính là ngôi tháp duy nhất có hình bát giác còn tồn tại đến nay. Về bố cục tháp có 2 phần tiền sảnh và điện thờ. Điện thờ trong tháp Bằng An có mặt bằng bát giác, cửa ra vào từ hướng Đông. Tỷ lệ và hình dáng của điện thờ như một khối Linga khổng lồ, mặt bằng của toàn bộ tháp lại gợi lên hình ảnh Yoni. Bên ngoài tháp hiện nay còn 2 pho tượng Gajasimha (tượng sư tử voi) bằng sa thạch.

Tồn tại nhiều thế kỷ, qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, chiến tranh loạn lạc thiên tai bão lũ ở vùng đất miền Trung đầy khắc nghiệt nhưng tháp Bằng An vẫn đứng sừng sững với thời gian, trong khi đó nhiều quần thể di tích kiến trúc cổ Chămpa như đền tháp, thành luỹ từ Quảng Nam đến Ninh Thuận đang dần biến mất.

Dù mang trên mình những giá trị về mặt lịch sử tôn giáo, tín ngưỡng dân tộc người Chăm, nhưng không có gì là bất biến theo quy luật của tự nhiên nên tháp dần dần xuống cấp và bị hư hỏng. Tuy nhiên về tổng thể, Tháp Bằng An vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn những giá trị về mặt lịch sử văn hóa tín ngưỡng điêu khắc, kiến trúc của nền văn minh Chămpa.

Tháp được trùng tu sửa chữa một lần vào năm 1940 do các kỹ sư người Pháp thực hiện nhưng từ đó đến nay do thiên tai bão lũ và chiến tranh ngọn tháp tiếp tục bị hư hỏng nhiều hơn… Nhưng sự tàn phá của tự nhiên vẫn không đáng sợ bằng sự hờ hững vô tâm của người đương thời. 

Đến tháp Bằng An, nhiều người không khỏi chạnh lòng khi thấy xung quanh tháp cây cối mọc um tùm, những ngọn cây không được đốn tỉa đã che khuất toàn bộ ngọn tháp. Thân tháp bị dây leo um tùm xâm thực che phủ từ chân đến đỉnh. Ngọn tháp chìm trong giữa một rừng cây không ai thấy. 

Bên ngoài khuôn viên tháp, cánh cổng tháp im lìm dây leo phong kín, không thấy nhân viên bảo vệ hay người quản lý di tích. Nghĩa là người dân ở đây muốn làm gì cũng được. Bên trong tháp cũng không có bất cứ tấm biển ghi cảnh báo, nội quy của cơ quan quản lý đối với một di tích cấp quốc gia. Tấm biển công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia nét chữ đã mờ theo thời gian…

Dù là tháp dùng để thờ thần Shiva – vị thần bảo vệ người dân và vương quốc Chăm (vật thờ được cách điệu bằng tượng Linga) nhưng người dân địa phương vẫn đến nhang khói theo tín ngưỡng của người Việt. Thậm chí ở đây còn xuất hiện một tượng Phật Quan Âm với nhang khói mù mịt. 

Được biết tháp Bằng An hiện nay được quản lý bởi Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan nên việc bảo vệ, bảo tồn, và phát huy những giá trị văn hóa của ngọn tháp cổ quý giá này dường như quá tầm đối với đơn vị này. 

Nếu tiếp tục để cho Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Điện Bàn quản lý ngọn tháp thì nguy cơ một ngày nào đó tháp chỉ còn là đống gạch vụn…Tiểu Vũ.