Tô Lệ-Hằng: Nho giáo, một triết lý chính trị
Phỏng theo sách của Nguyễn Hiến Lê, xuất bản năm 1958
Nhân ngày giỗ thứ 40 cuả Học giả (8/1/1912 – 22/12/1984)
Tư tưởng của Khổng giáo và Phật giáo có ảnh hướng lớn nhất trong văn hóa Việt Nam. Khổng giáo bắt nguồn từ Nho Giáo; nhờ Khổng Tử đã có công thu góp ý kiến của các Nho gia sinh trước để lại, sắp đặt, hợp lý hóa rồi làm thành một triết lý chính trị và phát huy trong giáo huấn của ông, thành ra về sau Nho giáo còn được gọi là Khổng giáo tuy không phải do Khổng Tử sáng lập ra (lời Khổng Tử trong Luận ngữ : “Ta thuật đạo cổ nhân mà không sáng tác gì mới”).
Trên phương diện lịch sử, Khổng Tử đã hệ thống hóa triết lý của Nho giáo thành một triết lý chính trị để dẹp loạn thời Đông Chu, hoài bão của các triết gia thời đó.
Nếu hiểu Nho giáo như một “truyền thống tin tưởng và triết lý” của đế quốc Trung Hoa thì có thể giải thích tại sao không có tính cách tôn giáo (như Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo), nhưng Nho giáo đã được theo ở các nước Đông Nam Á trong mấy ngàn năm nay.
Học thuyết Khổng giáo gồm trong Ngũ kinh : Dịch (do Văn Vương diễn ra, sau Chu Công cắt nghĩa vắn tắt, rồi Khổng Tử lấy những sự thiết thực mà giải thích thêm cho rõ ràng) + Thư (chỉ chép các tài liệu chính trị và sử từ đời Nghiêu Thuấn đến Đông Chu) + Thi (sưu tầm các bài ca, bài dao từ thời thựợng cổ đến thời vua Bình Chương nhà Chu) + Lễ gồm với Nhạc (chép lễ nghi và nhạc của các thời trước) + Xuân Thu (bộ sử biên niên với giá trị tư tưởng là ngầm chứa một chủ chương về chính trị), đây là công trình biên soạn chính của Khổng Tử.
Khổng Tử được coi là Nhà Nho cuối cùng và tài giỏi nhất của thời Chu, trước khi Trung Quốc biến chuyển từ chế độ phong kiến qua quân chủ (với việc thống nhất lãnh thổ của Tần Thủy Hoàng).
Các điểm chính của Nho giáo nguyên thủy có thể tóm tắt như sau :
– Vũ trụ mới đầu là một cuộc mờ mịt chứa một cái “lý” linh diệu gọi là Thái cực, Thái cực biến hóa ra thành âm và dương, rồi âm dương biến hóa mãi ra thành vạn vật.
– Ở trên hết có Trời và quỷ thần, dưới quỷ thần là người. Trời như một ông vua, coi mọi việc ở trần gian cho nên gọi Trời là Thượng đế.
– Người là dân của Trời. Xã hội có chế độ phong kiến rất trật tự : ở trên có Thiên tử thay Trời “trị” (có nghĩa là “giữ trật tự”) dân ; rồi tiếp tục đến các vua chư hầu, đại phu, kẻ sĩ và thường dân. Nho gia ở trong hai giai cấp đại phu và sĩ, họ giỏi văn chương và lục nghệ (là : lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số), họ làm cố vấn cho hai giai cấp trên và cũng là giới cai trị dân trực tiếp cho nên có tư tưởng rất thực tế.
– Người phải thờ phụng Trời và cúng quỷ thần, nhưng qua trung gian : chỉ có Thiên tử mới được tế Trời, chư hầu thì tế Thần bốn phương và thường dân thì tế Tổ tiên trong nhà.
– Người được dành cho tính Trời, cho nên thiên đạo và nhân sự quan hệ mật thiết với nhau : việc gì hợp với thiên lý là phải, trái với thiên lý là sái, từ đó ý của dân là ý của Trời và hợp với lẽ phải.
Một điều cần chú ý là : ý của “dân” ở đây chỉ loại nhân dân sáng suốt có tài đức chứ không phải là tất cả quần chúng.
Tính cách chính trị cuả Nho giáo
Các học giả như Trần Trọng Kim (xem cuốn “Nho Giáo”), coi những tư tưởng chính trị trong Nho giáolà kết quả của những tư tưởng triết lý và đạo đức thì Nguyễn Hiến Lê nhận định : “đạo đức của Nho giáo có mục đích chính trị cho nên phải đặt chính trị là phần quan trọng nhất trong Nho giáo thì mới thấy được chân tướng của Nho giáo mà thấu thâm ý của Nho giáo”, và dẫn chứng :
– Những Nho gia đầu tiên xuất hiện trong giai cấp quan lại (nhất là giới sử quan) nên họ nhắm mục đích an dân giúp đời, tức là mục đích chính trị.
– Trong Ngũ kinh của Khổng Tử, thì kinh nào cũng có mục đích chính là dạy về chính trị ; ngay cả trong kinh Thi thì ý tưởng chính trị cũng rất rõ. Trong Tứ thư thì : Đại học là sách dạy sửa mình để bình thiên hạ”, còn 3 cuốn Luận ngữ, Trung dung và Mạnh Tử bàn đến chính trị rất nhiều.
– Các ông “Thánh” của Nho giáo không phải là những nhân vật lý tưởng (có khi thần bí) xuất thế hoặc nhẫn nhục hy sinh cho nhân loại, mà là những vị xử thế và làm chính trị như các vua Nghiêu, Thuấn, Văn, Vũ, Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử.
– Quan niệm đặc biệt của Trung Hoa : Trời là vua của vũ trụ và loài người là dân của Trời nên trong Ngũ kinh thường dùng chữ “dân” (ít chữ “nhân”) để chỉ Người.
– Đạo đức theo Nho giáo có mục đích chính trị : “tu thân để tề gia, rồi trị quốc, rồi bình thiên hạ”. Với quan niệm này nên các Nho gia đều cầu được làm chính trị, điển hình là hai ngôi sao sáng nhất : Khổng, Mạnh đều đã bôn ba chu du các chư hầu, tìm một vua biết tài mình để hành đạo, và đến khi thất vọng mới về cùng với môn đệ trước tác.
Chính sách của Nho Giáo:
Theo Nho giáo, trị nước là giữ trật tự trong xã hội, một trật tự được coi là tự nhiên và công bằng.
Có 2 cách để giữ trật tự :
– Lễ nghĩa : dạy người ta nên hay không làm điều gì, như vậy là có ý nghĩa giáo dục đề phòng, để cấm trước cái sắp có, dứt cái ác từ lúc chưa nẩy mầm ; làm cho dân xa tội lỗi mà tự mình không biết (Đại đới Lễ ký). Do đó lễ có tính cách khoan nhân đáng quý.
– Pháp luật cấm người ta làm điều gì, nếu không tuân thì phải tội ; vậy nên pháp luật có ý nghĩa trừng trị và tính cách bạo tàn.
Nho giáo vốn trọng đạo đức, cho sự tu thân là gốc của trị quốc cho nên trọng lễ nghĩa hơn pháp luật.
Để giữ trật tự, mỗi người phải giữ điạ vị và bổn phận của mình, điạ vị càng cao thì tài đức phải càng lớn ; đó là thuyết “chính danh“
Nhà cầm quyền phải tôn trọng ý chí của dân như ý chí của Trời, và có thể bị lật đổ nếu không làm tròn nhiệm vụ và đây là một điều khác biệt với chính thể quân chủ chuyên chế ngày xưa của Tây phương. Theo nguyên tắc không có vấn đề thiểu số phục tùng đa số vì ý chí của dân là hạng nhân dân sáng suốt có tài đức chứ không nhất định là đại đa số quần chúng.
Trọng đạo đức nên Nho giáo xét nghĩa vụ hơn xét quyền lợi vì tin là bỏ lợi dùng nghĩa thì thiên hạ bình. Xét ra các cuộc cánh mạng bùng nổ vì các giai cấp trên không chịu nhường bớt quyền lợi cho giai cấp dưới.
Lấy đạo đức làm phương tiện và lấy giáo hóa thế giới làm mục đích. Vì vậy khi thấy đạo mình không thi hành được trong nước, Khổng Tử định đem truyền bá nó ở các xứ “rợ”. Nhờ tinh thần này mà dân Hán đã đồng hóa đươc các dân chung quanh (Kim, Nguyên, Thanh…) để mở rộng được biên giới từ đời Nghiêu Thuấn đến Mãn Thanh.
Trọng người hơn chế độ : Chính nghĩa thực hiện được hay không là do người chứ không do chế độ chính sách. Chế độ có hoàn thiện đến đâu mà người hành chánh thiếu tài đức thì sẽ không theo đúng chế độ và đưa đến kết quả tai hại. Đây cũng là một điểm khác với chế độ dân chủ Tây phương trong cách chọn người cầm quyền theo chủ trương của họ. Do đó mà trong lịch sử Trung Quốc nhiều hôn quân bị lật đổ vì bạo ngược, nhưng một người khác lại được đưa lên và chế độ quân chủ vẫn tái diễn tồn tại trong hơn 2000 năm.
Ghét chiến tranh, khinh vũ lực (trọng văn hơn võ) : “Vì tranh đất đai mà gây chiến, làm dân chết thì không khác gì cho đất đai ăn thịt dân, tội đó không tha chết được” (lời Mạnh Tử)
Quyền lực của vua do dân mà có : chỉ khi nào vua làm trọn nghĩa vụ với dân thì dân mới mang ơn và tôn sùng. Chủ quyền thuộc về hạng nhân dân sáng suốt (chứ không phải là tất cả quần chúng cần được dắt dẫn) để giám sát vua, bắt vua theo lẽ phải.
Một cách tóm tắt có thể nói : Nho giáo đã nêu ra một chính thể chuyên chế của nhân và trí.
Tuân Tử đã ghi lại (trong chương Vương bá) chủ trương chung của các Nhà Nho về 3 lối chính trị:
– Vương đạo : dùng nhân nghĩa để trị dân.
– Bá đạo : dùng sự thưởng phạt cho công bằng.
– Chỉ nghĩ đến mình là đường mất nước.
Để kết luận:
Nho giáo đã giúp cho chế độ quân chủ của Trung Quốc tồn tại trên 20 thế kỷ trong một xã hội nông nghiệp và đến nay văn hóa cùng lãnh thổ của họ vẫn còn tồn tại, chứ không bị diệt vong như các nền văn minh khác. Vậy chúng ta thử so sánh với tình hình thế giới hiện nay :
Lý thuyết của Nho giáo dựa trên xã hội nông nghiệp, 25 thế kỉ sau chúng ta ở xã hội kỹ nghệ. Do đó những quan niệm cuả Nho giáo về quyền điều khiển xã hội tập trung vào tay nam giớỉ, hay liên hệ giưã Trời và người bây giờ lỗi thời. Tuy nhiên : chủ chương “thiên đạo và nhân sự quan hệ mật thiết với nhau” có một thể hiện khoa học là chủ chương hài hoà với thiên nhiên cuả nhóm “sinh thái” hiện đại. Quan niệm “ý dân là ý Trời” không khác gì chủ trương dân chủ ngày nay. Và may mắn thay chúng ta vẫn còn biết kết án các chiến tranh vì đất đai như Mạnh Tử đã kết tội những kẻ “cho đất ăn thịt dân” !
Ngoài ra mục đích cuả Khổng Tử là mang lại đời sống no đủ, thanh bình cho dân bằng cách tổ chức một trật tự công bằng và tự nhiên trong xã hội. Vậy cùng một mục đích đó, những chủ trương nào cuả Khổng Tử còn có ích cho ta hôm nay? Nền tảng cuả Khổng giáo là giữ đạo đức : dạy dân trọng lễ nghiã để tránh ngưà trước làm bậy, thay vì chỉ dùng hình phạt tù tội. Thí dụ nhỏ : chúng ta có thể đặt lại các bài học đạo đức cho học sinh cấp Phổ thông? Hoặc là thay vì bỏ tù những người lái xe ẩu tả gây chết người, thì bắt họ làm dịch vụ trong Sở cấp cứu các tai nạn giao thông?
Để thực hiện trật tự, Nho giáo dưạ trên căn bản :
– Mỗi người phải giữ điạ vị và bổn phận cuả mình. Được như vậy thì phải chia công việc một cách công bằng có lý theo thuyết “chính danh” : điạ vị càng cao thì tài đức phải càng lớn ” và phải “tu thân, tề gia trị quốc, bình thiên hạ”.
– Người đạo đức thì phải xét nghiã vụ hơn xét quyền lợi cá nhân, bao nhiêu chính khách thời nay theo được điều này? Hay phần đông chỉ mị dân hưá hão để đắc cử, khi nắm được quyền thì tìm đủ cách để giữ chức được lâu!
– Trọng người hơn chế độ : chế độ có hoàn thiện đến đâu mà người hành chánh thiếu tài đức thì sẽ không theo đúng chế độ và đưa đến kết quả tai hại. Trong tiểu luận “Con đường hoà bình” (Lá Bối xuất bản năm 1971), Nguyễn Hiến Lê cũng đã chứng minh biết bao người mượn danh tôn giáo hay lý thuyết chính trị để gây chiến tranh tàn khốc.
Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn phải công nhận quyết định tối hậu là ở con người. Vậy mà trong những nước mang danh “dân chủ” hiện nay, dân vẫn bầu cho các ứng cử viên (ngay cả vào chức vị lớn nhất như tổng thống) đã bị các toà án (quốc gia hay quốc tế) truy tội hay truy nã. Như thế quan niệm “dạy dân” hay nói cho đúng ra là nâng cao trình độ hiểu biết cũng như thông báo tin tức trung thực cho dân, là bổn phận hàng đầu cuả một chế độ dân chủ chân chính!
Tô Lệ-Hằng
*Chú thích : Vì khuôn khổ giới hạn của bài đăng, nên lời Cổ nhân trong Kinh sách không được dẫn chứng hết trong bài giới thiệu một “cách nhìn” đặc biệt này.