Tô Lệ-Hằng : Vị anh hùng Việt Nam đến Hoa Kỳ năm 1849 (trước sứ giả Bùi Viện)

Giới thiệu cuốn « Con đường thiên lý » của Nguyễn Hiến Lê (xuất bản năm 1990), trong buổi giao lưu với học sinh trường THPT Võ Thành Trinh tại Long Xuyên, vào dịp giỗ thứ 40 cuả Tác giả

Nhân vật chính cuả truyện là cụ Lê Kim (quê ở Phú Thọ), người Việt đặt chân lên Hoa Kỳ khoảng 24 năm trước sứ giả Bùi Viện thời Tự Đức (1873), theo một đoàn đi tìm vàng, trải nhiều gian nan, khi tìm được rồi thì chán trở về Định Tường khai hoang, sau giúp Thiên Hộ Dương “Bình Tây sát tả” trong Đồng Tháp Mười.

Để dựng nhân vật lịch sử Lê Kim, tác giả đã dựa trên các gia phả hai chi : họ Trần (ngoài Bắc) và họ Lê (trong Nam) với cuốn “La ruée vers l’or” (LRVO = « Đổ xô đi tìm vàng » cuả René Lefèvre, xuất bản năm 1937 ở Lyon) cùng những tài liệu về cuộc tìm vàng ở miền Tây nước Mỹ giữa thế kỉ 19, đặc biệt các bài báo Daily Evening (ở San Francisco) trong 3 năm (từ 1850 đến 53). Vì thời cuôc xáo đông ở Việt Nam, tác giả đã phải mất hơn 40 năm mới hoàn thành được việc này. 

Đặt tên truyện là “Con đường thiên lý” vì hồi trẻ tác giả muốn viết một tập Du kí từ Nam ra Bắc mang nhan đề đó, mà không có cơ hội thực hiện được.

1. Cuộc đời cụ Lê Kim (1821-1866)

a) Xuất xứ ở miền Bắc :  

Cụ tên thật là Trần Trọng Khiêm sinh năm 1821 tại làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi (nay là huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Thuở nhỏ, nổi tiếng hay chữ, nhưng không đi thi vì tính tình cương cường, hào hiệp, không thích công danh, Cụ điều khiển việc phá rừng bán gỗ tới miền xuôi. Mau phát nên Cụ có điều kiện giao thiệp với các thương gia Hoa kiều ở Bạch Hạc (Việt Trì) và Phố Hiến (Hưng Yên). 

Năm 20 tuổi, Cụ lập gia đình với một người cùng làng họ Lê, có nhan sắc, tình tình nhu mì, trước đã từ chối làm vợ lẽ tên chánh tổng. Căm giận, hắn lợi dụng lúc Cụ đi bán gỗ vắng nhà, đến sát hại Cụ bà. Cụ giết hắn để trả thù cho vợ, rồi trốn đến Hưng Yên cải tên là Lê Kim, năm 1844. 

b) Trên đường thiên lí :

Buồn về việc riêng và muốn mạo hiểm đi cho biết khắp thế giới, Cụ theo tầu buôn nước ngoài, qua Hương Cảng, Anh, Hòa Lan, Pháp và đến thành phố St Louis (tiểu bang Missouri, Hoa Kỳ) năm 1849. Trong thời gian làm việc này, Cụ học được thêm 4 tiếng : Tầu, Anh, Hoà Lan và Pháp. Tại St Louis, Cu gia nhập đoàn do Max (người Canada) lập nên, để đi tìm vàng ở miền Viễn Tây Hoa Kỳ.

Đoàn gồm khoảng 60 người nhiều chủng tộc, biết 5 thứ tiếng nên Cụ được cử làm thông ngôn trong đoàn. 

Đoàn được tổ chức có kỉ luật rất nghiêm chỉnh, đủ người cần thiết : dẫn lộ, lo về y tế, lương thực.., mỗi người đều có súng và ngựa. Họ tuyên thệ đoàn kết, đồng cam cộng khổ giúp đỡ lẫn nhau cho tới khi đến miền đất mỏ mới chia tay ; rồi chuẩn bị đầy đủ lương thực để lên đường.

Đường đi (xem bản đồ minh họa) đầy nguy hiểm : đụng đầu các bộ lạc da đỏ, lạc trong “sa mạc phèn”. Họ gặp đủ gian nan :  một số người chết vì dịch tả, người dẫn đường chết vì bệnh, có lúc đói họ phải bắn chết ngưạ hấp hối để ăn thịt. Tới nưả đường lại còn bị tên bất lương « Jack 3 ngón tay » mưu mô chia rẽ đoàn thành hai, để ăn cắp lương thực 

Trong suốt cuộc hành trình, Cụ nhiều dịp trổ tài « bách phát bách trúng » và tuy không phải là trưởng đoàn nhưng luôn luôn được bạn đồng hành nể phục nghe lời vì tư cách : can đảm, nhân hậu, sáng suốt, và nhất là xử lí giỏi trong các tình huống phức tạp. Ngay chính Max cũng phải công nhận « dân tôc anh (Lê Kim) có một văn hoá cao » và đoán ngay từ đầu mục đích cuả Cụ không phải là đi tìm vàng.

Nhờ sự điều khiển cương quyết, bản lãnh, biết hi sinh cuả Max mà sau hơn nưả năm, đoàn còn lại 9 người, tới đồn điền Nouvelle Helvétie cuả Johann Sutter ở Sacramento. Họ được chủ đồn hậu đãi, rồi bắt đầu đào vàng.

Sau vì chán cảnh hỗn độn, truỵ lạc và cướp bóc ở nơi tìm vàng, cụ đến Francisco, làm việc cho nhật báo Daily Evening. Ba năm sau nhớ quê hương, Cụ theo một chuyến tàu sang Hương Cảng, rồi nhập tịch Trung Quốc và cùng với vài người bạn Trung Hoa về Nam Việt. 

c) Trở về miền Nam, tham gia chống Pháp

Khoảng năm 1854-55 (năm Giáp Dần), vì sợ bị bắt nên Cụ không về quê, mà vào Định Tường (Nam Kỳ) lập nghiệp ở làng Hoà An phủ Tân Thành, như một người Minh Hương. Với công khai phá, Cụ được coi như bậc tiên hiền trong miền. Tại đây, Cụ tục huyền với một người họ Phan hiền hậu khảng khái và sinh được hai người con trai, đặt tên là Lê Xuân Lãm và Lê Xuân Lương (lấy tên đệm là Xuân và chữ cái đầu tên là L để tưởng nhớ quê cũ là làng Xuân Lũng).

Năm 1864, quân Pháp đã đánh chiếm xong ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, và lần lượt mở các cuộc tấn công ba tỉnh miền Tây còn lại. Để cản ngăn quân xâm lược, Cụ tình nguyện theo thủ lĩnh Võ Duy Dương (18271866) mộ quân chống lại. Cụ được giao chỉ huy một đội quân và đã xây cất đồn lũy (theo kiến trúc đồn cuả Sutter ở Sacramento). Nói được tiếng Pháp, Cụ đã cầm đầu một nhóm lính đào ngũ Pháp. Cụ tấn công khiến Pháp phải điêu linh ở CÁi Bè, Mĩ Quới. Cụ bà cũng dắt con đi theo chồng.

Năm 1866, trong một đợt truy quét của quân Pháp do tướng De Lagrandière chỉ huy, đồn quân do Cụ cai quản bị thất thủ. Không chịu bị bắt, Cụ căn dặn cụ bà lánh qua Rạch Giá gắng sức nuôi dạy con ; đồng thời căn dặn các con sau này luôn giữ gìn đạo trung hiếu, đừng trục lợi cầu vinh, đừng tham vàng bỏ ngãi (nghĩa)…, rồi tuẫn tiết, lúc đó Cụ 45 tuổi. Sau đó, thi hài Cụ được nghĩa quân chôn cất tại Gò Tháp (nay thuộc huyện Tháp Mười), tỉnh Đồng Tháp).

2.  Công việc dựng nhân vật Lê Kim cuả tác giả :

Hè 1930, ở Phú Thọ (nơi mấy năm trước hai vị anh hùng Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang đã chung thề “đồng sinh đồng tử ”) tác giả  được Trần Văn Bảng (người bạn thân, giỏi sử nhất lớp) thổ lộ cho biết ông đang tìm dấu vết cụ Trần Trọng Khiêm , mà theo ông là người Việt đầu tiên tới Mỹ năm 1849 (trước sứ giả Bùi Viện khoảng 20 năm). Ông Bảng cũng cho xem bức thư chữ Nôm cuả cụ Trần Trọng Khiêm  gửi cho anh ruột là cụ Trần Mạnh Trí (tổ 6 đời cuả ô. Bảng). Thư nhờ thương nhân Tàu (ở Bạch Hạc) chuyển tay, kí tên Lê Kim, viết năm 1860 ở làng Hoà An, trong đó thăm đại gia đình ở Bắc và kể tiếp sự qua đời cuả Cụ từ khi « bỏ nhà đi, oán trả rồi… » 

1936, ở Nam làm việc thì tác giả  được ông Bảng nhờ kiếm hậu duệ cụ Lê Kim. tác giả nhờ bạn tìm ra một Lê Kim người Minh Hương lập nghiệp ở làng Hoà An khoảng từ 1856 đến 1866. Sau đó con cháu qua Rạch Giá mất tin luôn.

1946 ngẫu nhiên lúc chạy loạn ở Cần Thơ, tác giả  được một cán bộ cho cuốn sách « La ruée vers l’or » đã tịch thu (vì là truyện tiếng Pháp) cuả ông Lê Xuân Liêm. Sách đã bị xé bỏ mấy chương đầu, không còn tên tác giả mà chỉ còn tên nhà xuất bản Dumas ở Lyon (Pháp). Bên trong có mấy hàng đóng dấu đỏ “Biblothèque familiale (=Tủ sách gia đình) – Lê Xuân Liêm – Village de (=Làng) Mĩ Quới – Rạch Giá”.

Đây là kí sự nhóm tìm vàng cuả nhân vật chính : Max (một nhà cách mạng thất thế ở Canada) đi từ St Louis đến San Francisco và kết thúc ở California, nơi mất tung tích cuả Max sau khi thất bại trong việc đề nghị hợp tác giúp tướng Sutter chinh phục lại đồn điền Nouvelle Hevétie và lập lại trật tự ở miền bắc California.

Trong nhóm có một người Tầu tên Lee Kim ; đặc biệt mỗi khi truyện nhắc đến tên này thì có người đã sưả thành Kim. Việc này cùng với tên chủ sách và thành phố San Francisco gợi tác giả nhớ lại câu chuyện về Cụ Lê Kim mà ông Bảng đã kể 16 năm trước ở Phú Thọ. Nhận thấy sự trùng hợp giữa nhân vật Lee Kim trong truyện và cụ Trần Trọng Khiêm (Lê Kim), và e cũng không giữ được cuốn sách trên đường trở về Sài Gòn, nên tác giả  đã ghi lại và dấu kỹ bản tóm tắt các đoạn nói đến Lee Kim trong truyện, tên nhà xuất bản cùng điạ chỉ ông Lê Xuân Liêm.

1954, khi về SG tác giả (đã chép lại xong quãng đời đi tìm vàng ở Tây Mỹ cuả Lee Kim) tìm mua cuốn La ruée vers l’or nhưng đã tuyệt bản và liên lạc lại với ông Bảng để kể chuyện này nhưng cũng không kết quả.

1957 tác giả gửi thư từ Saigon cho ông Lê Xuân Liêm ở Làng Mĩ Quới – Rạch Giá nhưng không được trả lời.

1962, tác giả  được hai tin chính xác cho phép kết luận là 2 nhân vật Max và Lee Kim trong cuốn La ruée vers l’or có thật  : thứ nhất một bạn trẻ du học ở San Francisco chép lại cho 3 bài báo trên Daily Evening (tìm được trong thư viện Berkeley) : ngày 19/2 và ngày 13/6/1850 kể lại hai chuyện hảo hán Mac ( là Max, đoàn trưởng nhóm đi tìm vàng cuả Lee Kim trong La ruée vers l’or ) dẹp loạn và giết tên tướng cướp “Jack 3 ngón tay”  ở San Francisco, mà ở cuối cuốn La ruée vers l’or  Lee Kim đã kể lại cho bạn trong lúc làm phóng viên ở Daily Evening. Bài thứ ba ngày 8/11/53 ca tụng cử chỉ hào hiệp cuả một người Tàu tên là Lee Kim đối với tướng Sutter.

Tin thứ hai : một bạn ở Pháp tóm tắt lại cho tác giả  đoạn đầu cuốn La ruée vers l’or  (đã tìm thấy trong thư viện ở Lyon) mà tác giả  chưa được đọc. Trong bài tưạ tác giả René Lefèvre nói rõ là chép lại chuyện do một ông chú hay bác, có hồi ở Canada, và đã chơi thân với một người trong đoàn cuả Max.

Ngoài ra tác giả đọc được cuốn « L’or » (=Vàng) cuả nhà văn Thụy sĩ Blaise Cendrars chép tiểu sử tướng Sutter, thấy cuộc đời cuả ông này trùng hợp hoàn toàn với các điều kể trong cuốn La ruée vers l’or

Năm1964, thu thập được các bằng chứng này rồi, tác giả  nhờ một nhật báo và hai bán nguyệt san đăng tin tìm ông Lê Xuân Liêm.

Phải chờ đến đầu năm 1972, Lê Xuân Lưu (con trai ông Lê Xuân Liêm) ngưỡng mộ tác giả, tìm đọc lại các bài trên báo cũ, thấy tin nhắn từ 8 năm trước, đến thăm tác giả và đưa về thăm Mẹ cùng em gái ở Gia Định. Bà Lê Xuân Liêm còn nhớ rõ việc ông Liêm tiếc một cuốn sách tiếng Pháp “không làm sao kiếm ra được nữa” đã bị tịch thu khi chở sách về gửi ở quê mẹ cho yên. Nhờ đó, tác giả biết ông Lê Xuân Liêm đã mất bên kinh Phong Mĩ ở Sa Đéc năm trước “trong bưng” (vì hồi trước ông theo cánh mạng) và được đọc gia phả do ông Lê Xuân Lãng (cháu họ 5 đời cuả cụ Lê Kim và là cha cuả ông Lê Xuân Liêm) viết năm 1928, ghi lại tên làng quê ở ngoài Bắc và đời Cụ từ khi trở về nước năm 1854.

Nhờ đã có lần nghiên cứu về cuộc khởi nghiã “Bình Tây sát tả” cuả Thiên hộ Dương, nên tác giả nhận được rằng những tên đồn, tên trận trong đoạn gia phả họ Lê đều đúng. 

Từ đó, tuy còn thiếu hai đoạn đời cuả Cụ : chu du Âu châu (khoảng 1844-48) và hành trình khi trở về miền Nam (khoảng 1854-55) mà không gia phả nào ghi lại, tác giả  hoàn tất bản thảo cuốn Con Đường Thiên Lý, nhưng phải chờ đến 1990 mới có nhà xuất bản Long An (đáng tiếc có nhiều lỗi ấn loát) phát hành.

3. Kết luận

Khi cho tác giả xem thư cụ Lê Kim, ông Bảng có mục đích tìm «người Việt đầu tiên đến Hoa Kỳ » (hơn 20 năm trước sứ giả Bùi Viện dưới triều Tự Đức). Trong phần kết luận sách, tác giả  đã thận trọng viết : « cụ Lê Kim có phải là người Việt đầu tiên qua Mĩ không, điểm đó không quan trọng gì đối với chính sử ». Thật ra với kinh nghiệm khám phá này, chúng ta chỉ có thể gọi Cụ một cách chính xác là «vị anh hùng trí thức yêu nước, người Việt Nam đến Hoa Kì khoảng hai chục năm trước nhà ngoại giao Bùi Viện » 

Từ một may mắn ngẫu nhiên, tác giả cũng đã phải bỏ ra hơn bốn chục năm để tìm ra được đủ chứng cứ cùng ít nhiều chi tiết về vị anh hùng Lê Kim. Trong công việc này tác giả đã cho chúng ta gương kiên nhẫn, tinh thần chính xác và công tâm cuả sử gia.

Phải chờ cuốn sách lịch sử « Con Đường Thiên Lý » xuất bản năm 1990, Cụ Lê Kim mới chính thức được công nhận là một anh hùng lịch sử với các tên đường ở Đồng Tháp và TP. HCM. Vì vậy không thể xếp cuốn Con Đường Thiên Lý vào loại “tiểu thuyết” (có tính chất hư cấu) mà phảỉ xếp vào loại sách “lịch sử” mới chính xác.

Ngoài tư chất kiểu mẫu “văn võ toàn tài”, nhờ tư cách cao Cụ đã được các bạn đồng hành nể phục nghe lời và dạy con cháu đời sau : « đừng trục lợi cầu vinh, đừng ham vàng bỏ nghĩa ». Cả đời Cụ đã coi thường vàng bạc danh vọng : tới miền có mỏ vàng thì chán nản, trở về nước khai hoang rồi kháng chiến. 

Khi kết luận sách với nhận xét đặc biệt : “…Cụ chỉ muốn : tìm ý nghĩa cho cuộc sống “và sự say mê trong hành động…” phải chăng trong tiềm thức tác giả  đã  “suy bụng ta ra bụng người” một cách hữu lí ? 

Tuy việc kháng chiến của Cụ đã không mang đến kết quả quan trọng, vì hoàn cảnh quân lực « trứng chọi đá » (so với khí giới quân Pháp), nhưng cả đời Cụ đã không hề làm việc gì để phải hối hận hay có thể bị chê trách về sau ; đây là một điều rất hiếm có trong giới « anh hùng » cổ kim Đông và Tây. Thiển nghĩ con cháu Đồng Tháp (quê hương thứ hai cuả Cụ, cũng như học giả Nguyễn Hiến Lê) chắc sẽ hãnh diện có một Trường mang tên Lê Kim – Trần Trọng Khiêm, như các trường THPT Nguyễn Thái Học hay Nguyễn Thị Giang (ở Tỉnh Vĩnh Phúc) ? 

Tác giả  đã không có phương tiện “nối cầu” Bắc-Nam cho hậu duệ hai chi Trần – Nguyễn. Nay với các mạng xã hội, mong rằng một bạn trẻ yêu sử sẽ tiếp tục việc này để cuốn Con Đường Thiên Lý được một kết “có hậu” cho mục đích cuả hai ông bạn thân Trần Văn Bảng và Nguyễn Hiến Lê. 

Tô Lệ-Hằng