Trần Doãn Nho: Đọc tuyển tập “Seattle, xanh mãi ngàn năm”

“Seattle, xanh mãi ngàn năm”, một tuyển tập khá dày, trên 375 trang, gồm 36 tác phẩm viết về Seattle của Nguyễn Tường Thiểt, Lê Hữu, Trần Mộng Tú, Thu Hương, Quang Già Cơ, Nguyễn Công Khanh, Phạm Hảo, Cao Hoàng, Nguyễn Đặng Bắc-Ninh, chín tác giả hiện đang cư ngụ tại một tiểu bang nằm tuốt ở góc phía Bắc Hoa Kỳ, tiếp giáp với Canada và Thái Bình Dương.
Tuyển tập gồm thơ, truyện ngắn, biên khảo và đủ các thể loại văn xuôi khác: từ bút ký, du ký, tản văn đến hồi ký, đoản văn, tùy bút. Tuy chỉ nhắc đến Seattle, “Thành Phố Ngọc Bích” (Emerald City), thực ra trong tuyển tập – theo ức đoán của tôi – các tác giả viết về nhiều nơi chốn khác nhau của tiểu bang Washington vốn được mệnh danh là “Tiểu Bang Xanh Mãi Ngàn Năm” (Evergreen State), mà Seattle là thủ đô. Dưới ngòi bút sống động của những cây bút đã gắn bó cuộc đời lưu vong của mình vào vùng đất lạ, các tác phẩm lần lượt đưa độc giả đi qua, từ “trường” (University District), “công viên” (Green Lake Park, Spray Park), đến “chợ” (Pike Market), “trung tâm mua sắm” (Northgate Mall), “tiệm” (Original Starbucks), từ “hồ” (Blue Lake Creek, Lake Crescent, Lake Chelan, Lake Union), “làng” (Leavenworth village), “sông” (Sammamish River, Cowlitz River, Black River), đến “bãi biển” (Alki Beach), “vịnh” (Elliott Bay), rồi “đèo” (Park Creek Pass), rồi “đường mòn” (Renton Cedar River Trail), vân vân và vân vân. Xen giữa những tình cảm nồng nàn dành cho khung cảnh thiên nhiên lạ lùng, đẹp đẽ và hùng vĩ của vùng đất mới là hồi ức về những “ngày xưa” đầy kỷ niệm trên quê hương cũ. Trong hầu hết các bài viết, quê người và quê nhà chan hòa, trộn lẫn trong những mẩu chuyện cảm động của cuộc sống cá nhân và gia đình với bao nhiêu trắc trở và phấn đấu trong quá trình hội nhập.
Riêng với người viết, nhìn tuyển tập Seattle, tôi không khỏi buồn cười khi nhớ lại hai lầm lẫn của chính mình khi lần đầu tiên nghe nói đến địa danh này: một, phát âm sai chữ Seattle (là) “si-tồ” thay vì “si-e-tồ” (/siˈæt̬.əl/); và hai, tưởng Washington là “Washington D.C”, thủ đô Hoa Kỳ, hóa ra là “Washington State”. Về sau, không ngờ tôi lại có dịp được đặt chân đến nơi xa xôi này, qua một chuyến du lịch nhiều thành phố (multi-city trip) mà (phi trường) Seattle là chỗ tôi chọn dừng tạm, theo gợi ý của một người bạn cư ngụ ở đó. Dù được bạn nhiệt tình dẫn đi thăm thú một vài nơi, nhưng do bị hạn chế thời gian, nên chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, không ghi nhận được điều gì cụ thể. Thành ra, đọc tuyển tập này cũng là một cách đền bù (và lời cảm ơn chân tình gửi đến người bạn) cho lần ghé thăm không trọn vẹn ngày nào.
Mở tập sách ra, tôi không đọc từ đầu đến cuối, mà đọc theo kiểu tùy hứng, gặp đâu đọc đó. Hãy theo chân các tác giả thăm thú một số nơi, nghe kể một số chuyện, thưởng thức một số khung cảnh, qua những trích đoạn tiêu biểu dẫn ra từ “một” trong “bốn” bài viết của mỗi tác giả.
Nhà văn Thu Hương gới thiệu vùng Stehekin, nơi mà chị gọi là “Một chốn thời gian ngừng trôi”:
“Stehekin, tiếng người Da đỏ có nghĩa là Xuyên Sơn, một nơi chốn tuyệt vời cho người yêu thiên nhiên. Stehekin là phần rừng núi trên thượng nguồn hồ Chelan hay còn gọi hồ Bong Bóng. Hồ dài 55 dặm, sâu 1486 bộ. Chiều sâu của hồ đứng hàng thứ ba Mỹ quốc. Stehekin một nơi chốn xa thế giới loài người, có chừng 100 dân cư. Mùa hè con số nay nhiều hơn vì du khách viếng thăm và vì các người yêu thích núi rừng.” (…) “Hồ nằm giữa hai rặng núi cao, cho nên những ngày đẹp trời nắng ấm, khoảng Wapato và thị trấn nhỏ bé Manson với các đồi táo xanh tươi kế bờ nước, luôn có mây giăng. Mây lững lờ giữa hồ như tấm màn trắng đục khổng lồ là là trên mặt nước. Tôi thả hồn mông lung, một vài giờ cho riêng tôi và chỉ tôi thôi. Một tuyệt vời trong thân phận con người.” (…) “Còn về đêm, nằm ngủ trong các cái lều ni lông trên một triền núi, một tuyệt vời đó bạn. Bạn có cảm tưởng các vì sao nằm dưới chân, ngang đầu, bên phải bên trái, và vòm trời đêm sao mờ tỏ, cho bạn lạc vào mơ.”
Giữa cái đẹp, chị ngậm ngùi nhớ lại chuyện xưa:
“Làm sao nói lên tiếng lòng của người bỏ quê hương, người thân yêu, lao vào biển Đông tìm sự sống trong cái chết. Làm sao nói hết lòng cảm tạ Thượng Đế từ những kẻ thoát chết có đời sống yên bình như tôi, một người nữ tỵ nạn. Làm sao nói được nỗi lòng tôi khi nhìn cháu mình vừa chào đời 21 ngày đã bị cuốn chặt trong chiếc khăn lông trên boong tàu 502 lúc năm giờ sáng ngày 30 tháng tư 1975. Cả một tàu gần 3000 người ngơ ngơ ngẩn ngẩn như kẻ không hồn. Trời ơi! Làm sao nói được tiếng lòng của tôi 32 năm trước một ngày tháng tư 1975 trong cảnh hỗn loạn của Saigon ngày cuối cùng.” (Một chốn thời gian ngừng trôi)
Nhà văn Nguyễn Công Khanh, người chủ trương tuyển tập, viết về một khu chợ độc đáo, nơi xuất phát của một quán cà phê, bây giờ có mặt khắp nơi trên thế giới:
“Khi nào bạn có dịp đến Seattle, từ trung tâm thành phố bạn có thể đi bộ về phía biển đến Pike Market, một địa điểm du lịch của thành phố không thể thiếu (…) Pike Market có nhiều quán cà phê. Quán Starbucks ở đó hơi nhỏ nhưng nổi tiếng, thường được gọi là “Starbucks Chính Hiệu” (Original Starbucks), vì là tiệm Starbucks đầu tiên trên thế giới, mở cửa từ năm 1971. Khách rất đông, phải chen nhau đứng xếp hàng chờ đến lượt ngoài hè phố. Chúng tôi hay đến hai quán, quán thứ nhất là quán Lowell’s, bạn đi về phía tay phải, qua một tiệm bán cá khác, ở đó có một anh Mỹ cựu chiến binh Việt Nam chúng tôi quen từ khi chân ướt chân ráo mới đến Mỹ.” (Cà phê lãng du)
Nhà văn Phạm Hảo, cũng là một chuyên gia trồng lan, viết về một cái hồ, nơi chị tìm thấy nhiều loại lan quý:
“Năm nay mùa Hè gia đình tôi già trẻ lớn bé lại lục tục dắt nhau đi cắm trại và leo núi, lần này chúng tôi đến Bán Nguyệt Hồ (Lake Crescent) nằm trong Olympic National Park của tiểu bang Washington. Chuyến đi này tôi mong chờ lắm đã lâu lắm vì trong vùng núi rừng này là quê hương của những loài lan như: Corallorhiza maculata (Ozette Coralroot), Corallorhiza mertensiana (western coralroot), Piperia candida (slender white piperia), Piperia elegans, Piperia transvera, Piperia unalascensis. Corallorhiza là một loại lan đất không có lá, đến mùa hoa nở vào cuối tháng Bảy thì cành hoa từ dưới đất trồi lên từ hai tấc đến nửa thước mang những đóa hoa màu vàng có màu tím ở đầu (…) Chúng tôi cắm trại ngay cạnh Lake Crescent, từ trại ở trên cao nhìn xuống, xuyên qua những hàng thông thẳng đứng cao ngất trời, thấy được cảnh hồ thơ mộng. Hồ hẹp, đứng bên bờ hồ này có thể trông thấy bờ bên kia nhưng lại dài đến 22 kilômét làm thành hình lưỡi liềm nên mới được đặt tên là “Hồ Bán Nguyệt”. Chiều sâu trung bình là 150 mét nhưng chỗ sâu nhất là 300 mét. Hồ này là hồ sâu thứ nhì của nước Mỹ, vì vậy nước lạnh lắm, nhưng ngày nào chúng tôi cả gia đình cũng phải xuống hồ bơi cho mát người…” (Lake Crescent)
Nhà thơ Trần Mộng Tú, người có “thơ được khắc trên bảng đá, gắn ngay tại cửa vào nhà sách Uwajimaya, Chinatown, tiểu bang Washington” cũng viết về một cái hồ. Hồ này không có lan, mà lại là nguồn suối của những bài thơ tình da diết:
“Cái hồ nhỏ thôi, dài có mười một cây số và rộng hơn hai cây số, ở về phía đông của hồ Washington…(…) Nhà chúng tôi may mắn đuợc ở trước mặt một ngã rẽ của hồ, một khúc hồ rẽ làm ba nhánh, như một nhánh cây có hai chạc, ngã ba rẽ ngoặt quành sau hai vách núi nên trông giống một cửa sông nhỏ. Hai bên bờ nhà san sát chen nhau trong những khu rừng trồng thông, tùng, bách và phong. Về phía đông bắc của hồ có dẫy núi Cascade nằm uốn lượn song song với nước chạy suốt về phía tây nam, đứng trước cửa nhà trông được cả một vòng cung một trăm tám mươi độ theo thứ tự trên cao nhìn xuống: trời, núi, nhà cửa, cây và hồ. Vào những ngày trong trẻo, ít mây, chỏm núi Rainier hiện ra tình cờ cùng với cái vòng cung đó, đẹp như một nét cọ cuối của họa sĩ hạ xuống trong những bức tranh Tầu, mềm mại nhưng chứa đầy sức mạnh. Vào mùa Hạ thì những cánh buồm trắng nhỏ xuất hiện, không biết từ đâu tới, rẽ vào, trông xa xa như đàn Sếu trắng la đà trên mặt nước. Mùa thu thì bờ bên này trông sang bờ bên kia thấy được Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. (…) Tôi chỉ muốn nhắc độc giả là tất cả những bài viết, những bài thơ của tôi từ bao nhiêu năm nay đều được viết từ căn phòng sách nhỏ ở ngôi nhà đối diện với mặt hồ Sammamish nên nó có lơ mơ, lạ lẫm và “dấm dớ” (như lời một chị bạn thường nói) thì chính là lỗi tại thổ ngơi.” (Viết từ hồ Sammamish)
Họa sĩ Cao Hoàng, cũng là nhà văn, viết một truyện ngắn đượm mùi tùy bút, phảng phất chất “hiện thực huyền ảo” (magic reality), trong đó, hình bóng một cô gái hư hư thực thực đeo đuổi theo nhân vật từ thời còn thanh niên ở quê nhà:
“Khi anh bước chân về phía tiệm cà phê Starbucks ở ngoài một shopping mall, định bụng sẽ ngồi đó đọc nốt một quyển sách; nhưng kìa, anh vừa trông thấy một cái eo thon, một dáng người mềm mại quen quen, thế là anh đi theo ngay. Nàng trông khỏe mạnh, một vẻ đẹp thiết thực như nhà cửa, như bánh với bơ, đúng là thứ đàn bà thích khỏa thân trong nắng. Nhưng nàng bỗng quay phắt lại, lắc lắc mái tóc óng ả, hai con mắt đen huyền sắc sảo nhìn anh đăm đăm, rồi nàng biến vào trong cánh cửa lớn của khu thương mại. Thôi đúng rồi, tim anh thắt lại. Anh đã gặp nàng ở đâu nhỉ, khoảng đời nào, thành phố nào, hay chỉ là trong một giấc mơ. Ừ phải, anh thường mơ một giấc mơ lãng mạn, có người đàn bà rất đẹp trong căn nhà hoang liêu; hay là giấc mơ của anh đang thể hiện? Thế rồi anh cũng lướt qua cánh cửa lớn đó để đi theo. Người con gái ấy có cái thân thể thực tế gần gũi, nhưng cái nhìn được trên khuôn mặt nàng thì lại rất xa rời thực tại; một nét cổ sơ hoang đường dễ làm người ta bị cuốn vào mộng mị đến lạc cả lối về.”
Ai vậy?
“Giờ thì anh nhớ ra rồi. Ừ! cũng một buổi sáng dịu dàng như hôm nay nhưng ở Đà Lạt, anh đi xuống con đường dốc nhỏ ở gần nhà, ven đường toàn hoa cỏ dại. Ngay cái khoảng trống có nhiều Dã Quỳ vàng rực, không biết đã mọc từ đời kiếp nào, thì nàng ở dưới dốc đi lên. Nàng cúi nhìn bước chân mình chẳng hề ngó lên, làm anh tha hồ ngắm cái dung nhan thần thoại. (…) Mấy hôm sau đang đứng với cha anh ở ngay cổng nhà, cha anh định xây lại cái cổng đá cho con đường dẫn vào nhà thì nàng đi qua. Vẫn bộ đồ đậm màu giản dị, hai tay nàng ôm khư khư một con búp bê gái khá lớn. Khi đi ngang qua cổng, nàng quay nhìn anh rồi hôn ghì con búp bê ấy. Cũng như buổi sáng hôm nay, lúc ấy tim anh thắt lại. Ôi tuổi hai mươi bao nhiêu là lầm lỡ: cha anh đâu có nỡ cho anh một bạt tai đâu, sao không lẹ bước theo nàng. Đến khi cha đã vào nhà, anh mới bươn bả đi theo, thì chỉ còn là hình với bóng. Anh định bụng không để lỡ cơ hội lần thứ ba. Nhưng Kiều, tên cô gái ở gần nhà mà anh đã dò hỏi lũ nhỏ được, không bao giờ gặp lại. Ở trong một nước chiến tranh triền miên, một thời kỳ bạo loạn kinh hoàng, thì những lỡ làng như vậy cũng thường xảy ra, có gì lạ đâu!” (Kiều Miên)
Nhà văn Lê Hữu, lấy khung cảnh của công viên Green Lake Park, chuyển chuyện phim “The Bench” của đạo diễn Cameron Burnett, thành một truyện ngắn nhẹ nhàng và cảm động. Truyện có ba nhân vật: người đàn ông khiếm thị, chàng thanh niên và cô thiếu nữ.
“Dưới tàn cây thấp rộng trong công viên Green Lake Park, người đàn ông khiếm thị có bộ râu quai nón màu trắng bạc ngồi lặng lẽ trên băng ghế. Ông mặc chiếc áo overshirt dài tay kẻ sọc màu xanh đậm, cầm trên tay chiếc gậy dò đường màu trắng và đỏ. Tiết trời mát dịu, không còn se se lạnh như mấy hôm trước đây. Ông thấy dễ chịu, có cảm giác từng làn gió nhè nhẹ mơn trớn trên da thịt. (…) Tiếng động gần nhất ông nghe được là tiếng chân ai đó bước lần về phía mình. Im lặng. Ông nghe rõ những tiếng hít vào, thở ra đều đặn, chầm chậm, ở ngay bên cạnh mình. Người này chắc đang vận động tay chân cho bài tập thể dục dưỡng sinh nào. Tiếng thở ra một hơi dài sảng khoái, rồi tiếng băng ghế động đậy, tiếng áo quần sột soạt của ai đó vừa ngồi xuống chỗ trống bên cạnh ông. Một cánh tay hay bàn tay nào chạm nhẹ vào vai ông.”
Hai người vui vẻ trò chuyện. Biết là khung cảnh bên ngoài rất đẹp, nhưng vì không nhìn thấy, nên ông liên tục hỏi, nhờ chàng thanh niên diễn tả. Chàng thanh niên tốt bụng mô tả một cách rõ ràng và sống động khung cảnh chung quanh, từ bầu trời trong vắt, nắng đẹp, những con chim bồ câu lững thững đi dạo đến bầy chim sẻ chuyền cành, rượt đuổi nhau ríu ra ríu rít; từ những người đi dạo quanh bờ hồ, cô gái đẹp dắt theo chú chó nhỏ, cho đến một cậu bé trượt ván từ xa; từ đàn hải âu bay lượn trên mặt hồ đến bầy vịt lội lúp xúp, vân vân. Cuối cùng, khi nghe ông già bảo là ông rất yêu hoa anh đào thì chàng thanh niên bảo là “Ở đằng kia có cây hoa anh đào nở rộ (…) “Nhìn màu hoa là thấy ngay mùa xuân.”
Phát biểu này làm cho một cô gái, ngồi nghỉ tạm ở băng ghế đâu lưng, ngạc nhiên, vì “nhìn trước nhìn sau, nhìn xa nhìn gần, cô chẳng hề thấy hoa hòe nào cả.” Đúng là kẻ nói láo. Nhưng khi người thanh niên đứng lên chào từ giã, cô nhìn thấy anh ta kéo ra một chiếc gậy từ dưới ghế, khua nhẹ ra phía trước tìm đường, cô chợt hiểu anh ta cũng là người khiếm thị. Thế là, “Cô bước lại gần ông, ngồi vào chỗ chàng trai vừa mới rời đi và reo lớn tiếng, cố ý cho ông già nghe thấy, “Hoa anh đào nở rộ!” (Hoa anh đào nở rộ)
Nhà văn Nguyễn Đặng Bắc-Ninh kể lại ba cuộc hôn nhân của ba đứa con, mỗi cuộc là một tình huống khác nhau. Gia đình chị theo đạo Phật. Cuộc hôn nhan của cô con gái đầu diễn ra bình thường: cô làm dâu trong một gia đình Phật giáo. Cuộc hôn nhân của cậu con trai hoàn toàn khác: cậu yêu con gái của một gia đình Thiên Chúa Giáo nhiều đời. Tuy vậy, “Trước lễ cưới, gia đình nhà gái có nhã ý lên thăm chúng tôi, và cùng đồng ý làm Lễ Ra Mắt họ hàng và thân hữu chúng tôi ở Seattle, cho đôi trẻ trình diện tổ tiên và lên viếng chùa Việt Nam. Vị sư trụ trì đã tụng kinh xin Phật Tổ ban phước lành cho đôi trẻ.” Và rồi, “Lễ thành hôn sau đó được cử hành trọng thể tại một giáo đường ở California. Ông bà thông gia mới của chúng tôi là đạo gốc, rất thành thật và cởi mở. Cả hai gia đình đồng ý hạnh phúc của đôi trẻ mới là quan trọng.” Điều đặc biệt là, nhà gái không đòi hỏi cậu con trai phải rửa tội theo Thiên Chúa Giáo như thông lệ lâu đời. Cuộc hôn nhân của cô con gái út lại còn lạ hơn. Cô này lấy một anh chồng Hồi giáo xứ Kyrgyzstan, trước đây vốn là chư hầu của Liên Xô. Vì công việc của cặp vợ chồng trẻ này phải đi nhiều nước trên thế giới, cả hai chọn cử hành hôn lễ của họ ngay trên sông Saigon, “con sông đã đưa chúng tôi đến miền Đất Hứa vào tháng Tư năm 1975, ngay trước khi Saigon thất thủ.”
Chị gọi gia đình nhà chị, không phải “tam giáo đồng nguyên”, mà là “tam giáo đồng hành”.
“Chúng tôi may mắn có những thông gia khác tôn giáo nhưng lại rất ôn hoà cởi mở. Con dâu tôi thuộc gia đình Thiên Chúa Giáo, một con rể đạo Phật, một con rể đạo Muslim, nhưng tất cả đều mặc nhiên thỏa thuận là đạo ai nấy giữ và các gia đình liên hệ đều tôn trọng tín ngưỡng của nhau. Các con tôi cá tính mạnh mẽ, năng động, tự tin, nhưng lại rất hiểu biết, cởi mở và dễ hòa hợp. Gia đình chúng tôi là nơi ba tôn giáo lớn của thế giới gặp nhau, nhờ ở tình yêu, sự hiểu biết của những người trẻ và lòng cảm thông cởi mở của những bậc sinh thành. ” (Tam giáo đồng hành)
Thú vị hơn nữa là một bài viết khá đầy đủ của Quang Già Cơ về một con vật mà tôi rất thích, vừa thích ăn vì thịt rất ngon, lại vừa thích suy ngẫm về bản năng tìm về quê hương lạ lùng của nó: con cá Hồi. Qua bài viết này, tôi mới biết quê hương con cá Hồi nằm ở dòng sông “Renton Cedar River” của bang Washington.
“Đầu tháng mười những con cá Hồi từ biển Thái Bình Dương vào hồ Washington. Từ hồ Washington chúng vào sông Cedar, nơi chúng sinh thành. Những đàn cá thưa thớt đầu tiên bơi ngược dòng sông mở đầu cho mùa cá Hồi trên sông Cedar.” (…) Tháng mười một, giữa mùa thu, “Những cây Ginkgo lá đổi thành màu vàng rực làm sáng một khoảng không gian chung quanh. Dòng sông cũng đổi màu. Hàng đàn cá hồi bơi ngược dòng làm hồng cả một khúc sông. Cảnh tượng bi hùng của đàn cá hồi bơi ngược dòng nước chẩy xiết đã quyến rũ ông ngoại đến chiêm ngưỡng hàng năm.” (…) “Không phải hàng trăm con cá Hồi mà từng đợt hàng ngàn con cá Hồi nối tiếp, lũ lượt bơi ngược dòng sông. Cảnh Cá Hồi trở về sông Cedar mang ba hình ảnh: Trở về quê hương, chết trên quê hương và tái sinh một thế hệ mới để duy trì nòi giống cá Hồi. Tái sinh là mục đích chính của đàn cá Hồi. Tháng mười hai, chỉ còn ít ỏi cá Hồi cố gắng lội ngược dòng nước.”
Về đời sống và tập tính, tác giả cho biết có bốn loại cá Hồi trên sông Cedar: Sockeye, Chinook, Coho và Steelhead, trong đó, Sockeye chiếm đa số tuyệt đối. Chu kỳ đời sống của chúng gồm 6 giai đoạn.
- Mùa thu: từ vùng cực Bắc xa xôi, cá vượt hàng ngàn cây số quay trở về dòng sông Cedar để đẻ trứng.
- Cuối mùa đông hay đầu mùa xuân, trứng nở ra cá con “Avelin”.
- Sau ba tháng, khoảng 20% cá con “Avelin” sống sót, lớn lên thành cá con “Fry”.
- Cá con Fry theo dòng nước di chuyển vào hồ Washington, lúc này, chúng được gọi là “Molt”.
- Khoảng hai năm sau, vào mùa xuân, chúng chuyển ra sống ven bờ biển, rồi sau đó, dần dần di chuyển ra đại dương, bơi từng đoàn lên hướng Bắc tới Alaska, hoặc xa hơn, tới vùng North Pacific.
- Đến thời kỳ sinh nở, chúng quay về chỗ cũ, là dòng sông Cedar. Đây là giai đoạn đặc biệt nhất của giống cá này biểu hiện qua một cuộc hành trình tìm về quê hương gian khổ.
Thật cũng lắm đa đoan! Quang Già Cơ viết:
“Dời biển để vào vùng nước ngọt, cá Hồi cũng dừng lại ở vùng nước lợ một thời gian để điều chỉnh thân thể cho thích hợp với nước ngọt. Cá Hồi đổi từ màu xám bạc sang màu hồng. Cá Hồi quay về dòng sông Cedar nơi chúng sinh ra đời. Chúng dùng xúc giác để tìm về nơi chôn nhau cắt rốn. Chúng đánh hơi đất, cây cỏ và côn trùng trong dòng suối để lần mò về quê hương xứ sở. Cá Hồi bơi thành từng đoàn gồm mấy trăm con. Đoàn này tiếp nối đoàn khác làm hồng cả khúc sông. Cá Hồi bơi ngược dòng nước chẩy xiết. Đôi khi chúng phải vượt qua thác ghềnh. Hành trình dài có thể xa đến ba ngàn cây số, đầy gian nan nguy hiểm, nhưng chúng không bỏ cuộc. Cá Hồi đem hết sức lực lội ngược dòng nước chẩy xiết nên chúng không thể kiếm thức ăn. Chúng nhịn đói suốt thời gian này. Chúng sống nhờ lượng mỡ và protein dự trữ trong cơ thể.”
Đó cũng là cuộc hành trình bi tráng:
“Trong cuộc hành trình có sự tranh chấp nội bộ quyết liệt. Những con cá Hồi đực dùng những răng sắc nhọn đánh nhau với những cá Hồi đực khác để tranh giành cá Hồi cái làm bạn đường. Cá Hồi cái chiến đấu với cá Hồi cái khác để dành ổ đẻ trứng tốt cho mình. (…) Sau khi phủ tinh trùng, cá Hồi đực chết. Cá hồi cái trông nom trứng trong vài ngày rồi chúng chết. (…) “Dọc theo dòng sông Cedar, xác cá Hồi chết nằm rải rác giống như bãi chiến trường của những trận đánh lớn thời xa xưa trong phim ảnh. Có những xác màu hồng nằm lơ lửng trong dòng nước của những cá Hồi vừa mới chết. Có những xác trắng phếu nằm sát đáy sông của những cá Hồi chết đã lâu. Có những xác cá Hồi đực và cái nằm chết bên nhau cũng không ít. Những xác chết của cá Hồi bố và mẹ tan rã đã bồi đắp dinh dưỡng cho dòng sông, giúp cho những cây cỏ sinh sôi và lớn.” (Con cá hồi cụt đuôi)
Cá Hồi đẻ rồi chết, đẻ để chết. Đẻ trên quê hương và chết trên quê hương.
Nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai cả của nhà văn Nhất Linh, cũng viết về loài cá này, nhưng từ một nhãn quan khác: đi câu cá “Hồi đầu thép” (steelhead).
“Hàng triệu con cá từ ngàn dặm xa trở về tập trung ngoài cửa biển chờ hiệu lệnh của thiên nhiên nhất loạt tiến vào những con sông của tiểu bang để đẻ trứng. Hiệu lệnh là những trận mưa tầm tã. Mưa tiêu điều trời đất. Mưa ung thối cỏ cây. Mưa mênh mang mặt sông dâng cao. Mưa tuôn nước ngầu đục mang trôi cành khô lá mục. Như được khích động, những con cá ngoài cửa biển ồ ạt tiến vào sông. Nước càng xiết, sông càng dâng, chúng càng hồ hởi ngược dòng lội sâu về nguồn. Giới câu chờ đợi chờ đợi. Sau lễ Tạ Ơn qua mùa Giáng Sinh, mưa dứt, trời quang, mặt sông dịu xuống trả lại con sông màu xanh lục cố hữu, cá đã đầy sông. Hàng ngàn dân câu xếp hàng nghênh đón ở hai bên bờ.”
Đi câu “cá đầu thép” rất công phu và là một nghệ thuật. Anh kể:
“Suối Biếc Blue Creek là một cái lạch nhỏ, ngắn, chỉ dài khoảng vài trăm thước. Nó nổi tiếng trong giới câu vì nó là khúc nối giữa con sông lớn Cowlitz và xưởng ươm cá steelhead. Tại xưởng ươm cá này hàng năm hàng trăm ngàn con cá steelhead bé tí teo được ươm từ trứng, được đánh dấu (cắt vẩy lưng) rồi phóng thích. Những con cá ấy sống trong nước ngọt một thời gian rồi chu du ra ngoài biển khơi vượt qua hải phận Gia Nã Đại lên sống vùng cực lạnh Alaska. Hai ba năm sau trưởng thành ngoài biển chúng trở thành những con cá lớn, cân nặng từ 8 đến hơn 20 cân anh. Trước khi đẻ chúng tìm đường trở về nguồn cách xa hàng ngàn dặm. Theo một hướng dẫn nào mà khoa học chưa hiểu nổi, chúng tìm lại được đúng nơi chúng sinh ra, nghĩa là về lại đúng con sông Cowlitz nơi chúng ra đi, bơi vào Suối Biếc, luồn vào xưởng ươm cá, nhờ những bàn tay con người nặn ra những bọc trứng, nuôi hộ đám con, để rồi lại tiếp tục cuộc hành trình thứ hai, thứ ba ra ngoài biển khơi, nếu chúng may mắn thoát qua hai cửa ải tử thần là con lạch mang tên Suối Biếc và suốt cả chiều dài con sông Cowlitz trứ danh.”
(…)
“Trời còn tối. Tôi không nhìn được sức nước chảy của khúc sông trước mặt nhưng tôi bắt đầu thăm dò bằng hòn chì nặng 1 ounce. Tôi dí sát lưỡi câu vào ánh đèn pin trước khi ném hòn chì về phía trước. Lưỡi câu cột một hạt nổi có sơn chất lân tinh. Hạt nổi vạch trong đêm đen một vệt sáng hình vòng cung rồi chìm xuống ở lòng sông. Dưới đáy, dọc theo chiều dài của Suối Biếc, hàng trăm những hạt nổi như thế múa sáng như hàng trăm con đom đóm lập lòe, những đóm sáng chờn vờn trôi đi trước cửa miệng và khiêu khích những chú cá steelhead. Rồi chỉ một phút tức mình không chịu được, chú cá phóng mình đớp lấy hột sáng. Nhưng ngay khi chú nhận ra là hột sáng còn có dính lưỡi câu, con cá tinh khôn ấy cảm thấy ngay có cái gì không ổn và nó nhả mồi ra kịp thời; trừ khi nó gặp một tay câu cừ khôi, cũng cảm thấy ở đầu giây câu có cái gì không ổn, giật mạnh đúng lúc, móc lưỡi câu vào mép cá. Đó là tất cả bí quyết đã nâng cái thú câu cá steelhead lên hàng nghệ thuật. Tôi đã mất cả mười năm trời để chỉ có được một cảm giác mơ hồ khi nào cá steelhead cắn câu, một loài cá có lối chiến đấu dũng mãnh khi bị mắc lưỡi, không hổ danh là “cá đầu thép”, nhưng đồng thời cũng là một loại cá thận trọng và tinh khôn, có một lối đớp mồi rất dịu dàng.” (Đêm vang)
Thì thế! Mỗi góc độ cho ta hình ảnh một con cá hồi khác nhau.
*
Được biết, Seattle là thành phố, không những chỉ đón nhận chín tác giả trong tuyển tập này, mà đã từng đón nhận khá nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi khác nữa đến định cư trước đây như Vũ Đức Vinh, Nguyễn Văn Giang, Mai Thảo, Thanh Nam, Túy Hồng, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyên Phong, Trần Thị Lai Hồng, Thế Uyên, Nhất Tuấn, Hà Huyền Chi, Vũ Quang Hân, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An. Nhiều người trong số đó hiện không còn nữa hoặc đã chuyển đi cư ngụ nơi các tiểu bang khác, nhưng nhiều tác phẩm của họ, cả văn chương lẫn âm nhạc, được sáng tác hay phát hành tại nơi đây, đã góp phần làm phong phú thêm nền văn chương Việt Nam ở hải ngoại. Đây cũng là nơi ra đời của tạp chí “Đất Mới”, một trong những tờ báo Việt ngữ đầu tiên xuất bản tại Hoa Kỳ, kể từ tháng 7, 1975.
Trần Doãn Nho
(Viết: 1/1/25; nhuận sắc và bổ sung: 15/1/2025)
*****
– Trích “Lời nói đầu”, Tuyển tập Seattle, xanh mãi ngàn năm:
Tuyển tập này là món quà đặc biệt dành cho thành phố Seattle như một lời cám ơn nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày khởi đầu “Lịch Sử của Người Việt tại Mỹ”.
Tuyển tập cũng là món quà cho những ai đã và đang sống ở Seattle để yêu dấu Seattle hơn và những ai muốn biết thêm về thành phố êm đẹp của vùng Tây Bắc Hoa Kỳ này.
Bây giờ mời các bạn hãy giở những trang sách. Nếu nơi đó là một quán cà phê, trong một chiều mưa, bên một vũng biển, nhìn những chiếc phà mờ ảo trong sương và những cánh hải âu dập dờn trong gió thì chắc còn có biết bao nhiêu nỗi nhớ tràn về… (*)
(*) Seattle, xanh mãi ngàn năm, Tuyển tập nhiều tác giả, Nxb Ngàn Xanh, Seattle WA, 4/2025
(Sách ấn hành ghi dấu 50 năm người Việt định cư tại Hoa Kỳ, 1975-2025)
– Chủ biên: Nguyễn Công Khanh
Email: khanhcn@gmail.com
Phone: (206) 604-4679