Trần Doãn Nho: Hai mươi năm và năm mươi năm

Hai mươi năm ấy và năm mươi năm ấy, biết bao nước chảy qua ghềnh, 

qua thác, qua suối, qua cầu, qua sông, qua biển

Trong một lần gặp gỡ bà con, một người cháu, giáo viên về hưu, thuộc thế hệ của những người trưởng thành trong nước sau 1975, thành thật hỏi tôi: “Tại sao đã gần nửa thế kỷ trôi qua rồi mà các chú các bác ở ngoài đó [hải ngoại] vẫn còn giữ mãi thái độ thù nghịch với nhà nước [Việt Nam] vậy?” 

Tôi cười, trả lời, đâu chỉ ở hải ngoại, hiện nay ở trong nước cũng có nhiều người phê phán nhà nước kia mà. Dẫu biết hễ mở miệng là bị quy cho là thù nghịch và bị bắt vào tù ngay, nhưng vẫn có người không sợ, cứ lên tiếng. Điều này không bao giờ xảy ra trong các nước dân chủ, như ở Mỹ chẳng hạn. Phê phán các chính sách của nhà cầm quyền như thế là một sinh hoạt bình thường, không những thế, là cần thiết và không những thế, là dấu hiệu của một xã hội lành mạnh. Nhà cầm quyền xưa nay vốn là quyền lực, nhưng đồng thời cũng là bệnh nhân. Bên cạnh cái mạnh khỏe (biểu kiến), luôn luôn tiềm tàng những mầm bệnh. Chỉ trích và phê phán là toa thuốc. Không chịu uống, cũng phải ép uống. Thuốc đắng dã tật mà! Các ông tổng thống, thủ tướng hay các dân biểu nghị sĩ hay bất cứ quan chức nào đương nhiệm vẫn bị dư luận, báo chí và phe đối lập phê phán, chỉ trích, thậm chí rủa sả hàng ngày về đủ thứ chuyện (thực cũng như bịa), nhưng chẳng ai bị lên án là phản động, là bán nước hay phá hoại. Những “tội” tày đình như thế phải được quyết định bằng các phiên xử công minh của tòa án, chứ không phải bằng sự áp đặt của kẻ cầm quyền. Người bị chỉ trích chỉ có một quyền duy nhất: lắng nghe và sửa đổi hoặc phản bác lại, cũng qua báo chí, hay kiện ra tòa. Người cầm quyền không thể mà cũng chẳng có nhu cầu quy chụp hay quay quắt tìm cách bắt bớ để hư-vô-hóa đối thủ. Vì thế, cứ mãi tâng bốc, ca tụng nhà cầm quyền hay nhu mì chịu đựng trước những sai trái của họ như tình trạng ở trong nước hiện nay, không phải là dấu hiệu lạc quan trong một xã hội văn minh. Trong lúc người dân trong nước bị bịt miệng, thì tiếng nói phản biện của hải ngoại, đóng một vai trò rất tích cực trong việc thúc đẩy đất nước tiến bộ, điều ta có thể nhìn thấy ở nhiều mặt sinh hoạt hiện nay ở trong nước. 

Người cháu gật gù, tỏ ra hiểu. Tôi đoán: hiểu nhưng chắc khó thông. Người cháu sống thời của cháu 50 năm qua: chịu đựng và làm quen với chịu đựng trở thành một nếp sống, một quán tính sinh tồn. Đụng chạm đến nhà nước, ít hay nhiều, đối với những người sống trong nước – dù trước đây đã từng chịu ảnh hưởng của chế độ cũ trước 1975 – đều là “taboo”, là phạm húy. Nó tạo thành thứ văn hóa chịu đựng, yên thân và sợ hãi. Tôi (biết) sợ nên tôi hiện hữu. Còn tôi, tôi sống thời của tôi. Vâng, thời của tôi: hai mươi năm và năm mươi năm với những quãng đời gấp, gãy, đứt, vỡ, chập chờn nổi trôi giữa cuộc thăng trầm. Nhờ đó, tôi được nếm trải và thụ hưởng (dù không hoàn chỉnh) một thứ văn hóa khác hẳn: được nói. Tôi được nói nên tôi hiện hữu.

Nhìn trở lại lịch sử nước nhà, trong lúc các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, [1] hai chúa Trịnh, Nguyễn, nhà Nguyễn, và chế độ cộng sản hiện nay ở trong nước [2] là kéo dài khá lâu, thì một số triều đại khác chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi: nhà Ngô (939-965) 26 năm, nhà Tiền Lê (980-1010) 30 năm, nhà Tây Sơn (1778-1802) 24 năm [3]; hay quá ngắn ngủi: nhà Đinh (968-980) 12 năm và nhà Hồ (1400-1407) 7 năm. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tồn tại vỏn vẹn có 20 năm (1955-1975), [4] ngắn hơn nhà Ngô, nhà Tiền Lê và nhà Tây Sơn, nhưng dài hơn nhà Đinh, nhà Hồ. Dù được hình thành trong một hoàn cảnh lịch sử rối rắm, thực tế là lúc đó, VNCH là một quốc gia như mọi quốc gia khác: có cương thổ, có quân đội, có chủ quyền pháp lý, bang giao với trên 80 quốc gia trên thế giới và là thành viên của nhiều Ủy Ban Liên Hiệp Quốc. Tôi xin được nhắc lại cách nhìn của tôi về VNCH đã từng được trình bày trong một bài viết trước đây. [5]

Khi nói đến VNCH, thường thì người ta chỉ xét đến các chính quyền: chính quyền Ngô Đình Diệm, chính quyền Nguyễn Khánh, chính quyền Nguyễn Cao Kỳ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, vân vân. Khi nghĩ đến các chính quyền, người ta chỉ nhìn thấy một VNCH đầy những hình ảnh tiêu cực: tham nhũng thối nát, thay ngôi đổi chủ xoành xoạch, lệ thuộc ngoại bang và dựa vào đó, quy cho VNCH là phồn vinh giả tạo, là đầy rẫy các tệ nạn xã hội, là bất công, áp bức, vân vân và vân vân. Thực ra, cũng như những quốc gia non trẻ khác, trong quá trình tiến đến một xã hội văn minh, dân chủ, VNCH nhất đinh phải trải qua những khiếm khuyết và tiêu cực, nhất là trong khi, một mặt, bị đồng minh o ép và mặt khác, phải tận lực chống đỡ những phá hoại và lũng đoạn từ nhiều mặt được sự chỉ đạo của nhà nước miền Bắc. Tuy nhiên, xét về nhiều khía cạnh khác, VNCH có rất nhiều ưu điểm; những ưu điểm này thường bị che giấu bởi thiên kiến và bị (kẻ thù lẫn đồng minh) xuyên tạc một cách bất công. Trong tập hồi ký “Nhìn Lại Những Chặng Đường Đã Qua”, [6] giáo sư Nguyễn Văn Trung, một trong những khuôn mặt trí thức tả khuynh nổi tiếng hàng đầu ở miền Nam trước năm 1975, đã nêu lên một số ưu điểm đó, tóm tắt như sau: 

  • Cơ chế công chức: trong vòng 20 năm (1955-1975), dù có nhiều thay đổi trong chính phủ, cái hệ thống hành chánh, guồng máy đó vẫn như thế, vẫn chạy đều như không có gì xảy ra. Công chức cấp dưới có trình độ văn hóa tương đối, còn công chức cao cấp tối thiểu cũng có bằng tú tài hay tốt nghiệp đại học. Và dù ở cấp nào, giới công chức vẫn giữ phong cách của những người làm việc công: mực thước, tôn trọng của công, tôn trọng luật pháp và phục vụ công chúng. 
  • Xã hội dân sự: một xã hội đa dạng với vô số tổ chức, hội đoàn tư nhân lớn, nhỏ hoạt động độc lập và hợp pháp, được chính quyền tôn trọng và giúp đỡ từ tôn giáo, nghề nghiệp, cho đến kinh doanh, văn nghệ, vân vân. 
  • Pháp lý và đạo lý: Về mặt pháp lý, thì cộng sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Tuy nhiên, một người có người thân hay họ hàng đi theo cộng sản, con cái họ chẳng gặp khó khăn gì trong việc học hành, thi cử và những quyền lợi hợp pháp khác và khi lớn lên, nếu không trực tiếp tham gia hoạt động cho cộng sản thì vẫn được đi làm việc bình thường, không bị phân biệt đối xử. Có người còn được cấp học bổng đi du học nước ngoài, trong số đó, có người về sau lại hoạt động chống đối kịch liệt VNCH. 
  • Quân đội: các khóa học của trường Võ Bị Đà lạt, Nha Trang, Thủ Đức từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa đến sau này dần dà tạo được một giới sĩ quan có trình độ tú tài hay đại học không hề mặc cảm là lính đánh thuê của quân đội viễn chinh, trái lại họ có được một điều mà nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã tạo cho họ đó là một bản sắc, một căn cước quốc gia (identité nationale).”

Chính vì thế, “Dù người dân có khinh ghét chính quyền Sài Gòn thế nào đi nữa, có lẽ ít ai nghĩ rằng mình đang sống trong vùng Mỹ-Ngụy, vùng tạm chiếm mà chỉ nhìn nhận: Việt Nam là một dân tộc, nhưng hiện đang bị chia cắt, có hai thể chế chính trị: Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, và mong muốn một ngày nào đó có thống nhất trong hòa bình,” theo Nguyễn Văn Trung.

Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến này của Nguyễn Văn Trung. Như nhiều người cùng thế hệ, tôi đã sống trọn hai mươi năm trong lòng chế độ đó và lúc nào cũng cảm thấy tự hào mình là người Việt Nam. Nhìn trở lại, với tôi, đó là một quá khứ thân thuộc, êm đềm, sinh động. Tôi được học hành vui chơi, được mơ ước, được phục vụ, được hưởng thụ và không những thế, tham gia tranh đấu chống lệ thuộc ngoại bang, chống bất công, chống đàn áp, đòi hỏi bầu cử tự do, dân chủ. Và đã từng ăn cơm nhà tù vài lần. Với tôi, VNCH không hoàn hảo, nhưng rộng mở, đa dạng, có chỗ cho thế hệ chúng tôi mở mang kiến thức nhiều mặt, có chỗ cho những tư tưởng và chính kiến khác biệt – thậm chí đối chọi nhau – tồn tại, và có chỗ cho kẻ sĩ và người bình thường sống một cách lương thiện, không cần phải nhịn nhục, bợ đỡ và hô khẩu hiệu. 

Những ưu điểm đó làm nên cái mà tôi gọi là “giá trị VNCH”. Giá trị đó là một sản phẩm xã hội, chứ không phải là một lý thuyết chính trị hay lý thuyết đạo đức, cũng không thoát thai từ một nhà cầm quyền nào. Còn nhớ, sáng 30/4/1975, đứng trên đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn, nhìn những chiếc xe tăng bộ đội cộng sản chạy vào từ hướng phi trường Tân Sơn Nhất, tôi bàng hoàng nghe như cả bầu trời sụp xuống. Trời nắng mà tràn đầy bóng tối. Trong phút chốc, giá trị đó tưởng như đã vĩnh viễn đi vào hư vô. Không! Hóa ra, cũng như không khí, ta chỉ khám phá ra sự hiện hữu của nó khi không còn chỗ để thở. Không những chỉ với những ai phục vụ cho chế độ VNCH hay người dân bình thường, mà ngay với những thành phần nằm vùng trong hàng ngũ trí thức, sinh viên, học sinh…miền Nam. Sau 1975, chính họ cũng ngột thở. Tự bịt miệng và bị bịt miệng. Khác với các triều đại ngắn ngủi trước đây, tuy chế độ thì không còn nữa, nhưng “giá trị VNCH” dần dần sống lại. Nó “biến” nhưng không hề “mất”, vẫn tiếp tục tồn tại và kéo dài đến ngày nay, 50 năm sau. Ở hải ngoại, đã đành, mà còn lan tỏa vào trong nước dưới nhiều khía cạnh và hình thức khác nhau. Khởi đầu, do những đợt vượt biên, vượt biển liên tục làm chấn động lương tâm nhân loại sau năm 1975. Từ đó, dù vì chính trị hay kinh tế, dù định cư ở Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Anh hay các nước khác ở Âu Châu, Phi Châu, Á châu, những người rời bỏ đất nước mang theo tấm lòng của những người sống trong, sống với và yêu mến các giá trị đó. Nói như nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, đó là những “Sài Gòn hôm qua” và những “Sài Gòn mai sau” trong tâm thức “hồi hương” của họ:

Những thành phố em sẽ đi qua
Đây Ba-Lê, đây Luân Đôn, đây Vienne
Nhưng có đâu bằng Sàigòn hôm qua
Nhưng có đâu bằng Sàigòn mai sau
Em có mơ ngày hát câu hồi hương

(Em Còn Nhớ Mùa Xuân/Ngô Thụy Miên)

“Ra đi” này kéo theo “ra đi” kia. “Ra đi”, cuối cùng, không còn có nghĩa là “bỏ đi” mà là để trốn thoát, để gìn giữ và để nối dài. Tôi thích nhóm chữ “VNCH nối dài” của sử gia Tạ Chí Đại Trường. [7] Vâng, có một VNCH nối dài. Đó là sự “nối dài” đầy ý nghĩa của một mô thức xã hội, vừa có tính thừa kế những giá trị có sẵn, vừa được bổ sung thêm những giá trị mới từ văn minh phương Tây. Nó đánh dấu sự tồn tại những nét son của phe thua cuộc. Người miền Nam ra đi kéo theo người miền Bắc (cũng tìm cách) ra đi. Những đợt ra đi “không có phép” được nối tiếp với những cuộc ra đi “có phép”. Cho đến nay, người ta vẫn tiếp tục ra đi, dưới dạng này hay dạng khác (vượt biên, vượt biển, lao động, du học, bảo lãnh, hôn nhân, đầu tư…). Trong số đó, không thiếu những người đã từng hoạt động cho cộng sản và con cháu của họ, kể cả con cháu của nhân vật cao cấp trong chính quyền. Bây giờ, dù ở trong hay ngoài nước, hiếm khi nghe nói “giấc mơ hồi hương”. Mà chỉ nghe giấc mơ Mỹ, giấc mơ Nhật, giấc mơ Hàn, giấc mơ Đài hay bất cứ loại giấc mơ gì, miễn là ra khỏi nước. Quê hương, “chùm khế ngọt”, (buồn thay!) chỉ còn là cái “sân sau”. Hải ngoại trở thành “nhà mặt tiền” hấp dẫn, khiến nhiều người trong phe thắng cuộc cũng âm thầm tìm cách bước theo chân kẻ thua cuộc. Nghe nói nhiều cán bộ cao cấp cũng chạy vạy xin (hay mua) sẵn một cái hộ chiếu nước ngoài, dù của một nước Phi châu hay một đảo quốc nho nhỏ nào đó, “Cyprus” (the Republic of Cyprus) chẳng hạn, để …phòng thân. 

Nối dài và nối dài và nối dài…

Những “nối dài” đó khiến cho cộng đồng Việt Nam, trong 50 năm qua, từ những nhóm người tị nạn tả tơi, rách nát trong quá khứ cho đến hiện nay, bành trướng ra, lớn mạnh hơn, có mặt hầu như trên khắp thế giới, hình thành nên một hiện thực chưa hề có trong lịch sử nước nhà: Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại. Hai chữ “hải ngoại” vừa là một khái niệm địa lý lại vừa đồng nghĩa với một cái gì “khác hẳn” – và trong một số trường hợp, “đối lập” – với (nhà cầm quyền) trong nước. Hiểu cách nào thì hải ngoại cũng là một chỗ dựa, là chỗ bù đắp cho những gì thiếu vắng, thiếu thốn hay bị cấm đoán – cả tinh thần lẫn vật chất – ở trong nước. Hải ngoại động viên, dung chứa, lưu giữ và phổ biến, không những nền văn hóa dân tộc đa dạng, mà còn những tiếng nói phản biện mọi mặt từ trong nước ra toàn thế giới. Các cuộc phỏng vấn, các ca khúc, các tác phẩm văn chương, các sách biên khảo xã hội và chính trị của họ được hải ngoại tiếp nhận, xuất bản, phổ biến, phát hành. Hải ngoại trở thành một đối trọng (contre-poids) cần thiết, góp phần thúc đẩy tiến bộ và cải cách đất nước. Có lẽ chính vì điều này mà nhà cầm quyền (và một số cây bút) trong nước vẫn cảm thấy không mấy thoải mái khi sử dụng hai chữ “hải ngoại” chăng!

Ở một mặt nào đó, có thể nói “hải ngoại” là một thực thể Việt Nam khác, phong phú, cởi mở và tự do. Nhất là ở Hoa Kỳ. Với tổng dân số được ước tính hiện nay hơn 2,2 triệu người, cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ chiếm khoảng một nửa số người Việt trên toàn thế giới, với một cái tên mà cũng là một nơi chốn đã trở thành biểu tượng để hướng về: Little Saigon. Little Saigon – “thủ đô” của người Việt tị nạn – bây giờ là “ID” (căn cước) của một VNCH nối dài. Tuy không phải là một chính quyền, một tổ chức, một cơ cấu, nhưng Little Saigon hoàn toàn mang không khí và hơi thở của những tháng năm VNCH ngày cũ, từ chợ búa, truyền thanh, truyền hình, báo chí cho đến văn chương, âm nhạc và, tất nhiên, lá cờ vàng, bây giờ  được xem là “Lá Cờ Tự Do và Di Sản” (Vietnamese Freedom and Heritage Flag)[8] của người Mỹ gốc Việt [9]Little Saigon – Sài Gòn Nhỏ – tượng trưng cho sự tồn tại của một Sài Gòn Lớn, vốn là thủ đô của VNCH, đã bị đổi tên. Cứ nhìn những ứng cử viên người Việt ra ứng cử các chức vụ hành pháp và lập pháp (trung ương hay địa phương) trong các cuộc bầu cử tháng 11/2024 tại Little Saigon là thấy rõ sự kiện đó: ứng cử viên, dù thuộc đảng nào, đều nêu bật những “giá trị VNCH” để thu hút sự ủng hộ của cử tri. Ngay cả một ứng cử viên người Mỹ gốc Hàn, bà Michelle Steel, khi vận động tái tranh cử dân biểu liên bang, cũng đi theo phương thức đó; thậm chí, trước khi mãn nhiệm (do thua một ứng cử viên Việt Nam là Derek Trần trong cuộc bầu cử dân biểu ngày 5/11/2024), bà đã vận động quốc hội Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn thông qua Dự án Bảo vệ Quyền Tự do của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos vào giữa tháng 12/2024. [10]

Sự lớn mạnh và ảnh hưởng về nhiều mặt của Little Saigon khiến nó trở thành đề tài nghiên cứu cấp đại học. Chẳng hạn như tiểu luận “Creating a Sense of Place: The Vietnamese-Americans and Little Saigon” của Sanjoy Mazumdar, Shampa Mazumdar, Faye Docuyanan và Colette Marie McLaughlin. [11] Theo các tác giả, ở Hoa Kỳ, hầu hết những nhóm người mới đến định cư đều có nhu cầu phải diễn tả căn cước cộng đồng của họ bằng cách tạo ra một không gian và nơi chốn riêng của họ. Chẳng hạn “Chinatown” (Khu Phố Tàu), “Polish enclave” (Cộng Đồng Ba Lan), “Lebanese enclave” (Cộng Đồng Li-Băng/Lebanon), Germantown (Khu Phố Đức), “Little Havana” (Tiểu Havana/cho người Cuba). Tương tự, các tác giả cho biết, “Kinh nghiệm của người Việt Nam là câu chuyện về sự đau đớn và mất mát, mất nước, mất nhà, mất gia đình, mất văn hóa và căn cước.” [12] Cho nên, Little Saigon xuất hiện như là “trung tâm của căn cước và sự gắn bó của cộng đồng” [13] Nó đã trở nên, “không chỉ là trung tâm thương mãi mà còn là trọng điểm xúc động của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.” [14] Vì thế, những người Việt nào không cư trú ngay tại Little Saigon, thì đến “Little Saigon giống như thực hiện một cuộc hành hương. Đối với họ, đó là một ngôi nhà thay thế, một ngôi nhà cách xa nhà (a home away from home), một nơi chốn họ có thể dễ dàng đến để có được một chuyến về thăm nhà. (…) Đối với một cộng đồng người tị nạn đã mất quê hương, trong đó có thủ đô Sài Gòn, việc thành lập Little Saigon tượng trưng cho niềm hy vọng từ ‘không nhà’ (homeless) trở thành ‘có nhà’ trở lại (a ‘home’ again). Cuối cùng, chính sự hiện diện của Little Saigon đã truyền tải một cách đầy biểu tượng đến xã hội sở tại khao khát của cộng đồng di dân Việt Nam muốn bám rễ thường trực trên vùng đất tạm dung mới (trong đất Mỹ) trong lúc vẫn duy trì được bản sắc dân tộc riêng của họ thông qua sự chuyển dịch thành công tôn giáo, văn hóa và doanh nghiệp của họ.” [15] 

Nhân đây, để bổ sung với ý kiến trên của những người nước ngoài, tôi xin trích dẫn vài nhận xét của Đỗ Ngọc Dũng, một cán bộ cộng sản trong nước, khi, lần đầu tiên, ông đặt chân đến Little Saigon:

“Đặc biệt là quận Cam, cái tên đã trở nên quen thuộc không chỉ đối với người Việt ở sở tại, mà còn với cả người Việt ở trong nước. Những người Việt xa xứ ở đây đã xây dựng trung tâm sinh hoạt của mình “Sài Gòn Nhỏ”, hay còn gọi là Little Saigon (…) Tôi đặc biệt quan tâm đến đời sống văn học nghệ thuật của người Việt ở đây. Không khó để nhận ra Little Saigon có khá nhiều các quầy sách văn học. Ở đây có cả những bộ “Truyện Kiều” song ngữ Việt-Anh, hay sách của các nhà văn lớn như Tô Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Ngọc Tư… (…) Tất cả các chương trình hải ngoại đều được phát hành tại đây. Ở đây có hai đài phát thanh phát sóng tiếng Việt là Little Saigon Radio và Radio Bolsa; có bốn đài truyền hình phát sóng 24/24 giờ bằng Tiếng Việt và hai đài truyền hình vệ tinh Saigon Broadcasting Television Network (SBTN) và Hồn Việt TV xem được trên toàn nước Mỹ. Little Saigon – đặc biệt là Westminster – còn là trung tâm của ngành truyền thông giải trí của người Việt sở tại. Những chương trình đặc sắc được tổ chức tại các sân khấu nổi tiếng như Paris By Night, Vân Sơn… Có rất nhiều các ca sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ hải ngoại… ngụ cư và hành nghề tại đây. (…) Chúng tôi dành thời gian gần cả buổi sáng dạo quanh tuyến phố Little Saigon, gặp rất nhiều hình ảnh quen thuộc. Đó là những ngôi chùa Việt, mô hình chợ Bến Thành, hay những tiệm cơm, phở, phòng khám nha khoa, tiệm spa, nail, văn phòng trung tâm tài chính, văn phòng việc làm, ngân hàng… tất cả đều viết song ngữ Việt – Anh. (…) Người mua, kẻ bán đều niềm nở, thân thiện. Không khí ở đây luôn tấp nập, nhất là vào các dịp cuối tuần, khi diễn ra các phiên chợ đêm (thứ 6, thứ 7, Chủ nhật) (…) Mỗi sáng, người Việt thường qua khu Phước Lộc Thọ để ăn sáng, uống cà phê, đọc sách báo, nghe nhạc, hoặc tán gẫu, đánh cờ tướng… Phía trước khu Phước Lộc Thọ còn có hẳn một dãy bàn ghế dành cho những người cao tuổi, nhà văn, nghệ sĩ ngồi uống café thư giãn, đàm đạo văn chương, nghệ thuật, bàn bạc thế sự…(…) Chúng tôi đã tiếp xúc nhiều người Việt xa xứ có chính kiến khác nhau, nhưng họ chẳng thể phủ nhận, quê hương Việt Nam chỉ có một mà thôi. Và, Little Saigon có vai trò quan trọng duy trì bản sắc văn hóa Việt, giữ mối liên lạc tinh thần giữa cộng đồng người Việt hải ngoại với quê hương.” [16]

Điều thú vị là: Little Saigon này làm phát sinh ra những Little Saigon khác. 

Hiện nay, đã có khá nhiều Little Saigon hiện diện tại nhiều địa phương, ở Hoa Kỳ cũng như ở một vài nước khác. Cái tên dễ thương này đã trở thành – hoặc đang được vận động để trở thành – chính thức, như Little Saigon San Jose (California), Little Saigon San Francisco (California), Little Saigon Sacramento (California), Little Saigon Houston (Texas), Little Saigon Vancouver (Canada), Little Saigon in Sydney (Úc), Little Saigon Plaza Bankstown (Úc). Ở những nơi mà cộng đồng người Việt nhỏ bé hơn, lại sống tản mác, không có đại diện trong chính quyền địa phương để vận động đặt tên, cư dân Việt vẫn tự gọi khu sinh hoạt hay khu thương mại địa phương mình cư trú là Little Saigon. Dần dà, dưới mắt người Mỹ, Little Saigon đồng nghĩa với “Khu Phố Việt”. Tại các khu phố này, có nơi tuy chỉ thu gọn trong một vài cơ sở thương mại (đôi khi chỉ là một cái chợ nhỏ), mọi mặt sinh hoạt hàng ngày của chúng đều đậm nét quê hương, hình thành những thỏi nam châm thu hút và quy tụ đồng hương. 

Có thể nói, các “Khu Phố Việt” là những tổ ấm đồng hương. Chúng gắn liền với nỗ lực bảo vệ truyền thống của mọi người Việt Nam khi họ bị buộc phải xa rời cội nguồn, được biểu hiện một cách sống động qua hình thức ẩm thực và lễ hội. Trong suốt năm mươi năm ở xứ người, năm nào cũng như năm nào, ở đâu có người Việt cư ngụ là ở đó có hội Tết, dù nhỏ dù lớn. Tha hương thì buồn, thì nhớ, nhưng vẫn “Ăn” và “Mừng”. “Ăn” Tết, “Mừng” Xuân là mang quê hương đến với mình. Đồng thời, cột chặt mình với quê hương. Có Tết là có quê hương. Không kể Little Saigon, nơi mà không khí Tết rộn ràng và rực rỡ mà cao điểm là các cuộc Diễn Hành Tết và Hội Chợ Tết, ở các vùng khác, sinh hoạt Tết vẫn diễn ra hàng năm được gọi là “Tết Cộng Đồng”, cũng thấm đẫm màu sắc quê hương không kém. Khác với sinh hoạt Tết ở nước ngoài thường do các đại sứ của nhà nước cộng sản tổ chức tại sứ quán của họ, nhóm chữ “Tết Cộng Đồng” ở đây để chỉ lễ hội truyền thống (với đủ thứ sinh hoạt: hội chợ, đánh bài, thi áo dài, thi tiếng Việt, chợ hoa, xổ số, hái lộc, múa lân, đốt pháo…) do những di dân tị nạn tự thực hiện. Tết Cộng Đồng diễn ra ở nơi công cộng (thuê hội trường của một cơ quan hay tổ chức nào đó), dành cho, không những tất cả cư dân Việt trong vùng, mà còn mở rộng ra chào đón cư dân các sắc tộc khác, với sự tham dự của các viên chức hành pháp và lập pháp địa phương, như thị trưởng hay nghị viên hội đồng thành phố. Sinh hoạt này, một mặt, duy trì và chuyển tải truyền thống văn hóa cho các thế hệ sau; một mặt, giới thiệu và giao lưu văn hóa Việt Nam với các cộng đồng sắc tộc bạn. Đặc biệt lúc nào, ban tổ chức cũng mời cho kỳ được một hay nhiều “ca sĩ Cali” đến hát trong chương trình văn nghệ. Sự hiện diện của họ vừa để giúp vui, lại cũng vừa để các Little Saigon “địa phương” chia sẻ phần nào không khí rộn ràng của Little Saigon “thủ đô”. Thay vì về quê hương, người Việt xa xứ tạo quê hương ngay trên xứ người. 

Một điều lý thú khác cũng cần được ghi nhận, đó là ngôn ngữ. Qua một thời gian dài sống chung với nhiều nền văn hóa khác nhau, ngôn ngữ Việt Nam dần dà được phổ biến. Một số từ ngữ Việt Nam như “banh mi” (bánh mì), “pho” (phở), “ao dai” (áo dài), “nước mắm”, “tet” (Tết) trở thành những từ vựng có tính cách quốc tế, được đưa vào một số tự điển tiếng Anh, như Merriam-Webster, Cambridge Dictionary, Oxford English Dictionary, Collins Dictionary, Dictionary.com, vân vân. [17]

Dictionary.com định nghĩa “banh mi”: a Vietnamese sandwich on a crisp baguette spread with mayonnaise, typically containing pork or chicken and pâté, with pickled vegetables, cucumber, and cilantro (Một loại bánh mì kẹp giòn có phết sốt mayonnaise kẹp thịt heo hoặc thịt gà và pa-tê kèm thêm rau giầm, dưa leo và ngò).

William-Webster định nghĩa “ao dai”: the traditional dress of Vietnamese women that consists of a long tunic with slits on either side and wide trousers (Trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam gồm áo dài xẻ hai bên và quần ống rộng).

Cambridge Dictionary định nghĩa “nuoc mam”: a sauce made of fish (such as anchovies) fermented in brine. [18] (Nước sốt làm từ cá (chẳng hạn như cá cơm) lên men trong nước muối). Trong lúc đó, Merriam-Webster chi li hơn một chút: a type of sweet, salty, and spicy fish sauce, originally from Vietnam. [19] (Một loại nước sốt ngọt, mặn và cay làm bằng cá, có nguồn gốc ở Việt Nam)

Riêng chữ “Tet”, trước đây, nó đã được người nước ngoài sử dụng, nhưng chỉ giới hạn trong một nghĩa để chỉ biến cố Tết Mậu Thân 1968: “Tet Offensive”. Bây giờ, Tết với nghĩa phổ thông hơn, đã chính thức được ghi vào tự điển tiếng Anh. Xin ghi lại định nghĩa về chữ “Tet” trong hai tự điển tiếng Anh nổi tiếng:

  • Tự điển Merriam-Webster: Tet (noun): the Vietnamese New Year observed during the first several days of the lunar calendar beginning at the second new moon after the winter solstice. [20] (Tết là Lễ Mừng Năm Mới của người Việt được tổ chức vào những ngày đầu tiên của âm lịch bắt đầu từ ngày trăng non thứ hai sau ngày đông chí).
  • Tự điển Dictionary.com: Tet (noun): the Vietnamese New Year celebration, occurring during the first seven days of the first month of the lunar calendar. [21] (Tết là Lễ Mừng Năm Mới của người Việt, diễn ra vào bảy ngày đầu tiên của tháng Giêng âm lịch).

Ba chữ “banh mi”, “pho” và “Tet” cũng được tìm thấy trong tự điển “Larousse” của Pháp: [22] 

  • banh mi (nom masculin): Sandwich fait d’une demi-baguette garnie de viande marinée et cuite, accompagnée de légumes crus (carottes, notamment) et/ou de pickles et de coriandre fraîche. [23] (Loại bánh kẹp làm từ nửa chiếc bánh mì dài, kẹp thịt ướp gia vị và nướng chín, ăn kèm với rau sống (đặc biệt là cà rốt), và/hoặc dưa chua và rau mùi tươi).
  • pho (nom masculin): Bouillon de bœuf agrémenté de nouilles de riz, de fines tranches de viande et de diverses herbes aromatiques. [24] (Nước xúp bò kết hợp với bánh phở, những lát thịt bò mỏng và các loại rau thơm khác nhau).
  • Têt (nom masculin, abréviation du vietnamien Têt Nguyên Danfête [du premier de l’an]): Au Viêt Nam, célébration du premier jour de l’année du calendrier lunaire d’origine chinoise, qui débute entre le 20 janvier et le 19 février du calendrier grégorien. [25] (Ở Việt Nam, lễ hội mừng ngày đầu tiên của năm âm lịch có nguồn gốc từ Trung Quốc, bắt đầu trong khoảng thời gian từ 20 tháng 1 đến 19 tháng 2 dương lịch).

Tết Việt Nam, như thế, đã được “độc lập”, tách hẳn khỏi Tết Tàu, “Chinese New Year”. 

Xét cho cùng, đó cũng là một thành tựu. Thành tựu nho nhỏ này nằm trong những thành tựu lớn lao hơn, một vết son của năm mươi năm xa xứ: sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay, các nhóm chữ “âm nhạc hải ngoại”, “báo chí hải ngoại” hay “văn chương hải ngoại” để chỉ các hoạt động văn hóa của người Việt trên toàn thế giới (bên ngoài lãnh thổ Việt Nam) đã trở thành từ vựng chính thức trong ngôn ngữ Việt Nam. Hoạt động của các trung tâm hay cơ sở văn hóa quá đa dạng và quá phong phú đến nỗi, chưa có một ai có đủ điều kiện để tìm biết và liệt kê đầy đủ. Về mặt âm nhạc và báo chí, ngoài những cái tên vô cùng quen thuộc như Thúy Nga, Asia, Vân Sơn hay Người Việt, Việt Báo, Thời Luận, vân vân, nằm ngay trong Little Saigon “thủ đô”, còn có nhiều cơ sở âm nhạc và hàng trăm, hàng ngàn tạp chí hay tuần báo, nguyệt san khác (vừa giấy vừa mạng) nằm rải rác trong tất cả các Little Saigon “địa phương”, cung cấp món ăn tinh thần cho hàng triệu người Việt. 

Về mặt văn chương, tuy không sôi động và gây ảnh hưởng tức thời như hai lãnh vực trên, cộng đồng người Việt hải ngoại đã tạo nên được một “nền văn học” riêng (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh hay tiếng Pháp) vô cùng phong phú với một số lượng tác giả, tác phẩm và tạp chí văn chương dồi dào. 

Nền văn học đó bắt đầu từ lúc nào?

Theo nhà nghiên cứu Thụy Khuê, [26] những tờ báo có khuynh hướng văn học nghệ thuật xuất hiện sớm nhất ở hải ngoại có thể là:
– Nguyệt san Hồn Việt Nam của Minh Đức Hoài Trinh, số 1 ra ngày 15/10/1975 ở Paris, số chót Xuân Mậu Ngọ 1978.
– Báo Quê Mẹ của Võ Văn Ái ở Paris, số 1 đầu năm 76, chuyên về văn học nghệ thuật. Sau đó ngừng. Tiếp theo là tạp chí Quê Mẹ, chuyên về thời sự, chính trị, đấu tranh, có thêm trang văn học.
– Báo Quê Hương của Du Tử Lê, Đinh Thạch Bích, Võ Văn Hà, Phạm Cao Dương ở Costa Mesa, đầu năm 76, ra được ba số thì đình bản. Sau đó Du Tử Lê chủ thương tờ Nhân Chứng. Nhân Chứng tồn tại được hai năm, ra khoảng 20 số.
– Báo Đất Mới với Huy Quang Vũ Đức Vinh, Nguyễn Văn Giang là một trong những tờ báo đầu tiên xuất bản tại Hoa Kỳ từ tháng 7/75. Đến tháng 4/76, Thanh Nam được mời cộng tác. Rồi từ 79 đến 81 có thêm Mai Thảo.
  – Báo Hồn Việt của Nguyễn Hoàng Đoan ở San Diego, ra đời đầu năm 76 mà số Xuân Đinh Tỵ (1977) đã có đầy đủ tư thế của một tờ văn học nghệ thuật với sự đóng góp bài vở của Lê Tất Điều, Võ Phiến, Thanh Nam, Tạ Ký, Nhất Tuấn, Cung Tiến, Nguyên Sa, Túy Hồng…
– Võ Phiến ở Santa Monica và Lê Tất Điều ở San Diego cho xuất bản nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật từ tháng 4 năm 1978, ra được 13 số thì đóng cửa vào tháng 9/1979. Tái bản bộ mới số 1, tháng 5/85 đến tháng 2/86 đình bản, trao lại cho Nguyễn Mộng Giác đổi thành Văn Học.
– Tờ Việt Chiến do Giang Hữu Tuyên, Hoàng Xuân Sơn và Ngô Vương Toại chủ trương ở Hoa Thịnh Đốn.
– Cùng thời điểm này, Đỗ Ngọc Yến sáng lập tờ Người Việt, số báo đầu tiên phát hành tháng 12/78 ở quận Cam, California. Người Việt là tờ thông tin nghị luận, mới đầu là báo hàng tuần, sau trở thành báo hàng ngày, có nhiều độc giả nhất trong cộng đồng người Việt ở Mỹ và là cơ sở nuôi sống nhiều nhà văn, nhà báo.

Cùng đề cập đến giai đoạn khởi đầu của nền văn học mới mẻ này, nhà thơ Viên Linh thuật lại chuyện làm tờ báo đầu tiên của ông ở Hoa Kỳ như sau: [27] 

“Sau ba tiếng đồng hồ rời trại tạm cư Indiantown Gap ở Pennsylvania, lúc 5 giờ 15 chiều ngày 3 tháng 8, 1975 chiếc xe buýt Trailways đổ bến thủ đô Washington, D.C., nơi nhà thờ Mount Vernon ở đường số 9 East đã bảo trợ gia đình chúng tôi. Hôm ấy nhằm cuối tháng Sáu âm lịch, tôi không thể ngờ rằng chỉ vài tháng sau mình đã thư từ điện thoại với bằng hữu văn chương và thực hiện được Giai Phẩm Xuân Bính Thìn, phát hành trước Tết Nguyên Ðán, nhằm ngày 31 tháng 1, 1976. Ðó là báo Xuân của “Trung Tâm Phối Hợp Ðịnh Cư Việt Kiều”, tôi là người thực hiện tờ báo, từ việc liên lạc với các nhà văn nổi tiếng miền Nam, đặt ra những câu hỏi của bài phỏng vấn đầu tiên, xin bài vở, trình bày sắp xếp, từ việc dàn cột báo tới kẻ chữ các nhan đề bài, họa sĩ Ngọc Dũng vẽ tranh minh họa, phụ bản của Thái Bá, hí họa có Long Ân; anh Nguyễn Ngọc Bích người của trung tâm là chủ bút. Hẳn nhiên lúc ấy tại nhiều nơi trên thế giới người tị nạn Cộng Sản cũng đã có thể làm báo Xuân theo truyền thống báo chí miền Nam, riêng tại miền Ðông-Bắc Mỹ, theo sự hiểu biết của tôi, tờ “Lửa Việt Xuân Bính Thìn” (1976) là giai phẩm văn học đầu tiên của Văn Học Hải Ngoại.” 

Hình bìa một số những tờ tạp chí Việt ngữ xuất bản sớm nhất sau 1975 tại hải ngoại: Lửa Việt (Nguyễn Ngọc Bích-Viên Linh, 1975), Hồn Việt (Nguyễn Hoàng Ðoan-Ngọc Hoài Phương, 1975), Ðuốc Tuệ (Giác Ðức-Viên Linh,1976), Trắng Ðen (Việt Ðịnh Phương, 1976), Người Việt Tự Do ở Nhật (Ngô Chí Dũng, 197…), Việt Nam Hải Ngoại (Ðinh Thạch Bích, 1977), Thời Tập (Viên Linh-Nguyễn Hữu Hiệu, 1979). 

(Hình: Viên Linh)

Cộng tác với “Giai phẩm Xuân Bính Thìn” này, có các tác giả Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Ðỗ, Hùng Lân (nhạc sĩ), Võ Phiến, Viên Linh, Trần Phong Vũ, Nguyễn Đức Nam, Kim Y, Vi Khuê, Huyền Vũ (ký giả thể thao). Ngoài các sáng tác, còn có phần phỏng vấn do Viên Linh thực hiện. Được hỏi về sự “khác biệt đáng kể nhất giữa đời sống ở Việt Nam trước kia và đời sống ở Hoa Kỳ hiện nay”, một số các tác giả đã trả lời như sau:

Nhà văn Nghiêm Xuân Hồng: “Câu này có lẽ nhiều người di cư khác cũng trả lời như tôi. Tôi nghĩ điểm khác biệt nhất là ở đây đời sống tuy ít sợ đói kém chiến tranh, nhưng lại sợ nhất là buồn. Xã hội Mỹ này quá tổ chức, tổ chức đến độ không để lại một bất ngờ nào cho cuộc đời. Tôi thấy hình như Mỹ thiếu một cái gì. Thiếu một chút thơ mộng, một chút phi lý, một chút hỗn độn, một chút tình người, một chút nhân sinh quan tiêu dao. Trước kia sống ở Sài Gòn bấp bênh loạn lạc nhưng vui hơn. Nhưng bây giờ chắc Sài Gòn cũng chẳng vui gì.”

Nhà văn Mặc Ðỗ: “Tôi thấy đáng kể nhất là không gian, ở Sài Gòn kích thước thành phố nhỏ hơn, ở đây rộng lớn hơn nhiều quá. Ở Sài Gòn, Mai Thảo với tôi đi kiếm một người bạn từ trung tâm thành phố qua trường đua Phú Thọ đã thấy xa, ở đây hễ đi đâu cũng hàng nửa giờ chạy xe trên freeway. Kích thước rộng lớn nhưng cũng chẳng tạo ảnh hưởng mới tới tâm hồn. Ở miền Nam (Hoa Kỳ) này không có nhiều tuyết, nếu có thì cảnh đạp tuyết đi mua rượu về uống với bạn có lẽ khác với Sài Gòn ra tiệm cô bé Tầu đường Lê Lợi xách một chai whiskey về. Khác vì giống như cảnh trong truyện Tầu vừa đọc vừa mê hồi mới lớn.”

Nhà nhiếp ảnh Lê Văn Khoa: “Ở Việt Nam tôi làm việc như điên, cả ngày lẫn đêm. Mỗi ngày chỉ ngủ được 4 hoặc 5 giờ, tuy mệt nhưng thích thú vì làm được việc cho quê hương dân tộc và nhất là cho thế hệ trẻ đáng yêu của mình. Hiện tại ở đất Mỹ này tôi chưa có gì làm ở không buồn muốn điên. Tôi sẽ cố làm cho người Mỹ biết đến văn hóa và những khía cạnh đẹp của Việt Nam.”

Nhạc sĩ Phạm Duy: “Ðời sống của tôi ở đâu cũng chỉ có một mục đích: Ca hát! Khi hát bài buồn khi hát bài vui, tùy theo cảm xúc! Có khác biệt thì chỉ ở chỗ khi ở Việt Nam thì ít lo về đời sống, còn ở đây thì phải lo nhiều.”

Nhà văn Võ Phiến: “Ở Sài Gòn tôi là một người hữu ích; ở đây tôi là một cục nợ. Ở Sài Gòn tôi trưởng thành, tự do; ở đây phải có kẻ dìu dắt, đón dẫn, và đếm từng đồng ‘xen’ trong túi tôi. Ở đây người ta cố gắng tìm cho tôi một công việc là để cho tôi khỏi nằm vạ ăn báo [bám] xã hội, chứ không phải vì cần đến một khả năng nào đó của tôi. Mặt khác, ở Sài Gòn tôi sống; ở Minnesota tôi giương mắt xem người ta sống. Không bạn bè thân thuộc, không có một góc phố quen, không có một cái quán cũ kỹ mà quen thuộc, một công viên một dặng [rặng] cây, một khúc sông quen thuộc, không có những người láng giềng thân tình. Không có tất cả những cái ấy thì sống làm sao?”

Ký giả Trần Phong Vũ: “Câu hỏi của anh thật dễ mà cũng thật khó trả lời. Tôi không biết phải chọn cái khác biệt nào là ‘đáng kể nhất’ vì đối với tôi đời sống ở đây hoàn toàn khác biệt với những năm tháng cũ khi tôi còn sống ở Sài Gòn. Cho tới giờ phút này khi đã thực sự sống kiếp tha phương tôi mới chợt nhận ra một điều nghịch lý là giữa một quê hương súng đạn thường bị coi là chậm tiến và bị bắt buộc phải hạn chế nhiều quyền tự do thì tôi lại cảm nhận thấy đời sống của mình có phần phong phú, phóng túng hơn trong khi ở đây Kansas City, MO, tôi vẫn không giấu được nỗi ngậm ngùi vì đời sống bị vây hãm mất mát một cách đáng sợ… Ở Sài Gòn tụi mình hình như không có ngày cuối tuần… nhưng tôi vẫn thường có cái cảm giác nôn nóng náo nức khi nghĩ tới một buổi chiều Thứ Bảy, một buổi sáng Chủ Nhật được la cà trên hè phố, tán gẫu trong một quán cà phê hay cùng dăm ba người bạn cắm cúi nặn quân bài bên bàn xì phé… Ngày cuối tuần của tôi ở đây bây giờ chỉ còn mang ý nghĩa đơn thuần của một ngày nghỉ, không phải lao động. Ngày được ở nhà… để ngủ hay để nhìn lũ con cũng đang loay hoay tù túng như cha nó. […] Một người bạn đồng nghiệp cũ ở Sài Gòn hiện làm cu-li trong một nhà máy ở Ohio biên thư than thở đủ điều về những đảo lộn trong đời sống hiện tại của anh. Cuối thư anh viết; ‘Dù sao qua đây vì không có chỗ chạy rông nên mình có dịp gần gũi vợ con hơn hồi ở Sài Gòn. Âu cũng là một cái may, phải không anh?’”

Kịch sĩ Lê Tuấn: “Tôi có thể làm lại tất cả, có lại tất cả những gì tôi mất về mặt vật chất nhưng còn về tinh thần thì tôi bất lực. Ðó là nỗi đau đớn nhất của tôi trong cuộc đời này.”

Những khởi đầu riêng lẻ đó, tưởng là chỉ là những ngọn lửa nhỏ bé để sưởi ấm những tấm lòng xa xứ, không ngờ, càng ngày càng cháy bùng lên thành nên một dòng văn học nghệ thuật “tự phát” hiếm thấy trong lịch sử văn học Việt Nam. Đó là một tổng hợp của nhiều dòng văn chương khác nhau: Văn Chương Miền Nam 1954-1975, Văn Chương Miền Nam “nối dài”, văn chương của những cây bút mới xuất hiện ở hải ngoại, văn chương của những nhà văn phản kháng hay bất đồng chính kiến trong nước, vân vân và vân vân. 

  Nhiều tạp chí văn chương dần dà xuất hiện, giấy cũng như mạng: Làng Văn, Ngôn Ngữ, Da Màu, Thư Quán Bản Thảo, Diễn Đàn Thế Kỷ, Gió-O, Đàn Chim Việt, Diễn Đàn Forum, Thất Sơn Châu Đốc, Tân Hình Thức, Tiền Vệ, T. Vấn & Bạn Hữu, Phố Văn, Phạm Cao Hoàng, Trần Thị Nguyệt Mai… Cũng có khá nhiều nhà xuất bản: Tiếng Quê Hương, Văn Mới, Văn Nghệ, Nhân Ảnh, Văn Học Press, Thế Kỷ 21, Da Màu Press, Người Việt Books, Nhà Xuất Bản Trẻ, Anh Thư, Tân Thư, Thư Ấn Quán, Literary Hub…Đó là chưa kể đến vô số các tác giả tự xuất bản sách của mình. Các tạp chí và nhà xuất bản này, ngoài việc đăng tải hay tái bản các tác phẩm của Văn Học Miền Nam trước 1975 cũng như xuất bản các tác phẩm của những tác giả hải ngoại, còn xuất bản hàng trăm tác phẩm bị cấm của những cây bút – hoặc đã qua đời hoặc còn ở trong nước hay đã thoát ra ngoài – như Vũ Thư Hiên, Nguyễn Viện, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Bình Phương, Bùi Ngọc Tấn, Tô Hải, Tiêu Dao Bảo Cự, Hoàng Hưng, Trần Đĩnh, Huy Đức… Đặc biệt nhất, một số tác giả và tác phẩm văn chương của họ đã đi vào lãnh vực quốc tế (do được viết bằng ngoại ngữ hoặc được chuyển dịch từ tiếng Việt) như Nguyễn Thanh Việt, Ocean Vương (Mỹ), Kim Thúy (Canada), Dương Thu Hương, Trần Thị Hảo (Pháp)…Văn chương hải ngoại, với sức sống mạnh mẽ của nó, hiện đã trở thành một dòng văn học với sắc thái riêng biệt, nhất định sẽ chiếm một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học Việt Nam.

  Học giả Nguyễn Huệ Chi là người đầu tiên ở trong nước sử dụng nhóm chữ “văn học hải ngoại” để chỉ danh và bàn về văn học của cộng đồng người Việt tị nạn, qua một tiểu luận khá dài  “Vài cảm nhận Văn học Việt Nam hải ngoại” đi trên tạp chí Văn Học [Hà Nội] số 2 (1994). Mở đầu, ông tự hỏi “Có một dòng văn học Việt Nam hải ngoại hay không?” Và tự trả lời, “Câu hỏi đó đối với khá nhiều người cầm bút ở trong nước hôm nay chắc đã không thành một điều trăn trở nữa. Vì lẽ, dù sách báo của người xa xứ gửi về còn rất …thưa thớt, trong chúng ta, mấy ai lại không được một đôi lần ghé mắt vào một số báo Hợp Lưu, Trăm Con, Văn, Văn Học, Văn Uyển, Làng Văn, Đoàn Kết, Diễn Đàn, Thế Kỷ 21, …ở đâu đó, dù chỉ một đôi lần. Và có thể nào nhìn ghé mà lầm được: trước mắt ta hiện diện trở lại bao nhiêu tên tuổi quen thuộc từ cái thuở tấp nập báo chí Sài Gòn cách đây 18 năm (…) Bên cạnh đó là vô số tên tuổi mới mẻ ta chưa từng một lần hay nhiều lắm cũng chỉ mới hơn một lần quen biết…” Ở một đoạn khác, ông viết, “Quả tình, đối với dòng văn chương hải ngoại của người Việt, tuy chưa ai nhận dạng được đầy đủ, nhưng dần dà góp nhặt từng tí một, đã có cái gì đó hiện lên trong trí, và để lại một sức nặng trong cảm xúc, như cái hình bóng thấp thoáng của một người anh em không quá xa lạ với mình.” [28]

Qua bài viết, chúng ta nhận thấy Nguyễn Huệ Chi sử dụng danh xưng “văn học hải ngoại” một cách tự nhiên y như nó phải là như thế. Nhưng cũng có một vài tác giả trong nước trông không mấy mặn mà, thậm chí có vẻ “dị ứng”, với danh xưng này. Chẳng hạn như Vũ Thành Sơn. [29] “Tuy vậy, xem xét kỹ, danh xưng đó ngoài việc nói lên những người sáng tác hiện đang sinh sống ở hải ngoại ra, nó cũng còn quá mơ hồ. (..) Duy trì danh xưng văn học hải ngoại là một hành động có màu sắc chính trị…,” theo ông. Một tác giả khác, Tao Đàn, [30] cho rằng trong suốt hơn 40 năm qua, “văn học hải ngoại” là một thuật ngữ được sử dụng thận trọng trong đời sống văn nghệ trong nước. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân lịch sử, hơn là nảy sinh từ trong bản chất của đời sống văn học.” Thuật ngữ này, theo ông, không đủ sức bao gộp cả một cộng đồng văn học Việt Nam rộng lớn hiện nay, vì ngoài Mỹ và Tây Âu ra, người Việt còn sinh sống ở Trung Quốc, Đài Loan, Nam Hàn, Nga…Ông cho rằng thuật ngữ này “cần trở thành một phạm trù lịch sử”, và nên thay thế bằng “Văn học (VN) ở nước ngoài”. Chữ “hải ngoại (bên ngoài biển) mất đi cở sở thực tại của nó.” Vì bây giờ người Việt đương đại ở nước ngoài không còn là “những chấn thương, mặc cảm hậu chiến”, mà là mặc cảm mất gốc, lạc loài, cô đơn không quê hương.

Nói gì thì nói, theo tôi, văn học hải ngoại vẫn cứ là …Văn Học Hải Ngoại!

Khi tôi đặt bước chân đến định cư ở Hoa Kỳ, nền văn học ấy đã lên…18 tuổi. Ngoài việc làm đêm làm ngày để nuôi gia đình và hoà nhập vào cuộc sống mới, tôi hăm hở bắt tay ngay vào chuyện viết lách. Viết, viết, viết. Để ghi lại, để bày tỏ, để nói lên…

Để thấy mình còn hiện hữu!

  *

Hai mươi năm ấy và năm mươi năm ấy, biết bao nước chảy qua ghềnh, qua thác, qua suối, qua cầu, qua sông, qua biển…

Trong khoảng thời gian vừa ngắn lại vừa dài dằng dặc đó, tôi trải qua ít nhất là bốn cuộc đời:  một công dân Việt Nam Cộng Hòa, một tù nhân của cộng sản, một công dân Việt Nam hạng bét (hạng thứ 14 do nhà nước cộng sản quy cho những ai được thả ra từ trại “cải tạo”), và sau cùng, một người lưu vong. Hai mươi năm đầu: giữa chiến tranh và hòa bình, giữa hận thù và hòa giải, giữa nhiễu nhương và hoa mộng, giữa tuyệt vọng và hy vọng. Năm mươi năm sau: cuộc đời lộn ngược. Số phận từng người gãy lìa thành khúc, thành đoạn. Khúc gãy này là “tiền kiếp” của đoạn gãy kia. Cái gọi là “bản thân tôi” hiện nay tưởng chừng như đã trải qua nhiều tiền kiếp, mỗi tiền kiếp là một thân phận với những hệ lụy riêng, trông bộ chẳng hề dính dấp gì đến nhau.

Hồi tưởng lại, xiết bao ngậm ngùi…

Trần Doãn Nho

(11/2024; nhuận sắc và bổ sung: 20/4/2025)

———————

[1] Nhà Mạc: 1527-1593 (66 năm).

[2] Nếu tính từ năm 1945 cho đến 2025, thì là 80 năm.

[3] Tính từ lúc Nguyễn Nhạc lên ngôi (1788) đến lúc Nguyễn Quang Toản bị bắt (1802).

[4] Tính từ cuộc trưng cầu dân ý ngày 26/10/1955

[5] Về một đất nước mang tên Việt Nam Cộng Hòa, trong “Cõi Chữ Cõi Người”, tiểu luận tập II, nxb Nhân Ảnh (Cali), 2022.

[6] Nguyễn Văn Trung, Nhìn Lại Những Chặng Đường Đã Qua, Chương 8: “Tưởng niệm Việt Nam Cộng Hòa” (In memoriam Việt Nam Cộng Hòa), tạp chí Văn Học (California) số 174, 10/2000, từ trang 3 đến trang 32.  

[7] “Dòng chữ Một khoảnh VNCH nối dài có mặt bên trong bản thảo, không biết đã nghĩ ra để dùng làm tên sách từ lúc ấy không. Nhan đề có lẽ gợi từ tên lạ lùng của những con đường Sài Gòn lúc mới đến năm 1955 như: Rue Richau Prolongée (Phan Ðình Phùng / Nguyễn Ðình Chiểu). Ðùa bỡn cũng có cái hay là khiến người ta nhớ dai nên thấy trên một tờ báo ở Úc có một tên khác: “Một khoảnh Liên Xô nối dài”, hay “Một khoảnh VNCH nối dài” dùng cho loại văn nghệ hải ngoại, cả những thứ “nối dài” mơ hồ nào đó chắc có bà con thân thuộc…” (Trích Tạ Chí Đại Trường, “Một khoảnh VNCH nối dài”, tr. 3). Xem:

[8] Một cách gọi khác: Vietnamese-American Heritage Flag 

[9] Đây là một định nghĩa: “The flag of the former Republic of Vietnam, with three horizontal red stripes on a field of golden-yellow, which symbolizes freedom and democracy and represents the cultural heritage of Vietnamese-Americans, is recognized by the Commonwealth as the Vietnamese-American Heritage Flag.” (Virginia Law)

[10] VOA tiếng Việt. Xem:  Dân biểu Mỹ Steel nhận bảo trợ cho tù nhân lương tâm Lê Hữu Minh Tuấn 

[11] Journal of Environmental Psychology (2000). Xem

[12] The story of the Vietnamese experience is one of pain and loss, loss of nation, home, family, culture and identity.

[13] Little Saigon became the center of the community’s identity and attachment.

[14] Little Saigon has become not only the commercial hub but the emotional focal point of the Vietnamese community in America

[15] Going to Little Saigon is like making a pilgrimage. For them it is a substitute home, a home away from home, a place they can go to easily to get a shot of home. (…) For a refugee community that has lost its homeland including its capital, Saigon, the creation of Little Saigon represents hope from being `homeless’ to hav-ing a `home’ again. Finally, the very presence of Little Saigon symbo-lically communicates to the host society the desire of the Vietnamese immigrant community to strike permanent roots in the newly adopted land (in American soil) and at the same time maintain their own ethnic identity through the successful trans-plantation of their religion, culture, and business.

[16] Đỗ Ngọc Dũng (Giám Đốc Sở Ngoại Vụ Tỉnh), Một thoáng Little Saigon trong lòng nước Mỹ

[17] Theo ức đoán của người viết, các từ ngữ này được đưa vào trong tự điển tiếng Anh chỉ trong thời gian 50 năm qua, khi  người Việt đến định cư tại các nước nói tiếng Anh, sau năm 1975. 

[18] https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/nuoc-mam

[19] https://www.merriam-webster.com/dictionary/nuoc%20mam

[20] https://www.merriam-webster.com/dictionary/Tet

[21] https://www.dictionary.com/browse/tet

[22] Thú thật là người viết không biết các từ ngữ này được đưa vào tự điển Larousse khi nào. Có thể là từ trước năm 1975 chăng? Vì người Việt đã đến Pháp sinh sống từ rất lâu, lúc người Pháp còn cai trị Đông Dương. 

[23] https://www.larousse.fr/dictionnaires/francais/banh_mi/191101

[24] https://www.larousse.fr/dictionnaires/francais/ph%C3%B4/188168

[25] https://www.larousse.fr/dictionnaires/francais/tet/77518

[26] Thụy Khuê: Thử Tìm Một Lối Tiếp Cận Văn Sử Học Về Hai Mươi Nhăm Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-2000, Hợp Lưu

[27] 40 năm Văn Học Hải Ngoại, 1975-2015, Viên Linh 

[28] Tạp chí Văn Học (Cali) số 99 (7/1994), tr. 41 và 45

[29] Văn học VN hải ngoại – ‘văn học miền Nam nối dài’, VnExpress

[30] Tao Đàn, Văn học hải ngoại – một VN khác nhìn từ thế giới.

________________ 

Ghi chú: Bài viết này đã đăng tải trên tạp chí mạng “Da Màu” số Xuân Ất Tỵ, được tác giả nhuận sắc và bổ sung.