Trần Doãn Nho: Ngôn ngữ Xuân: từ thơ đến lời ca

Tranh Đinh Trường Chinh

“Xuân” là sản phẩm của đất trời, là chuyện của thiên nhiên. Đó là mùa đầu tiên trong một vòng xoay  của trái đất chung quanh mặt trời, thời điểm của hoa nở, lá xanh, nắng ấm, chim hót, trời trong, ngày tươi, đêm dịu. Theo tự điển Hán-Nôm (Thiều Chửu, Trần Văn Chánh…) [1] thì xuân là đầu bốn mùa, muôn vật đều có cái cảnh tượng hớn hở tốt tươi, cho nên người ta mới ví tuổi trẻ như mùa xuân, “thanh xuân” (), ý thú hoạt bát gọi là “xuân khí” (), làm cho tươi trẻ lại là “hồi xuân” () nên khi thầy thuốc chữa khỏi bệnh thì gọi là “diệu thủ hồi xuân” (). Xuân dính dáng đến tình trai gái. Thời nhà Chu, cứ đến tháng “trọng xuân” (  = tháng giữa mùa xuân = tháng hai) thì cho cưới xin, vì thế mới gọi các cô gái nghĩ đến chuyện lấy chồng là “hữu nữ hoài xuân”( ) hay “xuân tâm” () tức là lòng xuân. Thời nhà Đường, người ta cũng gọi rượu là xuân, vì uống vào là nồng ấm cơ thể, tăng cường sinh lực: cốc rượu đầu xuân.

Chả thế mà, có lẽ không có hình ảnh nào gợi nên những điều tốt đẹp bằng hình ảnh mùa xuân. Chỉ cần mang nó ra “ví von” với một cái gì, thì cái đó lập tức trở tươi vui, sáng sủa. Trong ngôn ngữ, ghép chữ “xuân” vào một chữ nào khác là lập tức chữ đó đẹp lên: nắng (xuân), mưa (xuân), chiều (xuân), đêm (xuân), ngày (xuân), hoa (xuân), vườn (xuân), sắc (xuân). Đi xa hơn  thì là tuổi xuân, nghênh xuân, du xuân, tình xuân, đón xuân, rồi  bến xuân, phiên gác đêm xuân, nhớ một chiều xuân, ly rượu mừng xuân, vân vân và vân vân. Từ đó mà có “thơ xuân” và  “nhạc xuân” (hay đúng hơn là “lời” nhạc xuân), sử dụng ngôn ngữ và âm thanh để giành giựt cho mình cái sáng sủa, tươi vui, nồng ấm và sức sống của đất trời. Xuân, do đó, bao giờ cũng hàm nghĩa tích cực và lạc quan. 

  • Thơ xuân

Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. 

Mấy nét phác họa của Nguyễn Du phản ảnh đúng chất xuân bên ngoài: én bay, nắng rực rỡ, cỏ non xanh, cành hoa trắng… hình ảnh nào cũng tươi, đẹp, sáng sủa. Xuân rõ ràng mang hơi hướm đất trời. 

Với Hồ Xuân Hương, “xuân” gắn liền với “xanh”. Xanh là màu lá thời kỳ phát triển. Bà gắn “cái xuân xanh” với sự trinh nguyên của người thiếu nữ mới lớn: màu giấy trắng, nghĩa là trinh bạch: 

Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Ðôi lứa như in tờ giấy trắng
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh.
(Tranh Tố Nữ)

Có điều, bà cắc cớ hỏi: cứ mang mãi cái “xuân xanh” ngàn năm như thế thì chẳng có gì mặn mòi hấp dẫn.

Còn thú vui kia sao chẳng thấy,
Trách ông thợ vẽ khéo vô tình!

Thú vui kia là thú vui gì? Thiệt là một câu hỏi ranh mãnh. Ranh mãnh Hồ Xuân Hương!

Nguyễn Bính về sau này cũng cho là “xuân” thì đi với “xanh”, nhưng thiệt lòng hơn:

Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành

Đơn giản nhất là mô tả mùa xuân bằng các hình ảnh của Tết kiểu Đoàn Văn Cừ và Anh Thơ. 

Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ
(Đoàn Văn Cừ)

Ngoài đường ngõ bùn lầy theo nước chảy
Thằng cu con quần đỏ cưỡi lưng bà 
Các cô gái đội vàng hương ôm váy
Miệng tươi cười mừng tuổi những người qua
(Anh Thơ).

Đúng ra thì, Tết chẳng tạo nên xuân. Nó chỉ là cách con người “chế tạo”, “trang điểm”, hay “thêm vào” mùa xuân của đất trời. Một hình thức tự biên tự diễn, selfies.  Nhưng mà thiếu nó thì lại thiếu tất cả. Tết là xuân; xuân là Tết. Một cách “nhân sinh hóa” thời tiết. Theo thời gian, những hình ảnh “truyền thống” trên mất dần;  đúng hơn, chúng chuyển hóa qua những hoạt động khác, màu mè và sôi động hơn. Chẳng hạn như kiểu ăn Tết của người Việt xa xứ. Cắt đứt khỏi cội nguồn, các cộng đồng người Việt ở xứ người bày ra cuộc Tết còn rộn ràng và tưng bừng không thua, hay có khi hơn cả, trong nước nữa. Nhất là được thưởng thức một thứ mà trong nước bây giờ không làm gì có: pháo nổ đi đùng và, đặc biệt ở phố Bolsa – được mệnh danh là “thủ đô của người Việt tỵ nạn” -, diễn hành Tết:

Vui xuân về trong tiếng pháo/Phố tưng bừng vang trống lân
(…) Chân vui bên nhau trong nắng xuân đi diễn hành
Bao em sinh viên chung sức xây Hội Chợ Xuân
(Vui xuân trên phố Bolsa/lời nhạc Cao Minh Hưng)

Một bài thơ xuân khác thời tiền chiến mà không một học sinh trung học nào ở miền Nam không biết đến là “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử. Nhà thơ này ví von thời điểm đẹp nhất của mùa xuân với trái cây chín tới.  “Chín” ở đây là viên mãn, toàn vẹn. Như Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử nói về cảnh sắc mùa xuân của thiên nhiên: 

Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi

Tuyệt đẹp! Tuy nhiên, tác giả tìm thấy trong cái phơi phới của cô thôn nữ trên đồi có cái gì mong manh, phấp phỏng, để lại chút dư vị ngậm ngùi. Khác với Hồ Xuân Hương, Hàn Mặc Tử dự cảm cái mất nằm ngay trong cái được: đi lấy chồng (do đó, mới thưởng thức được “cái thú vui kia”) là “bỏ cuộc chơi”, tức là bỏ mùa xuân. 

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

Nói “bỏ”, nghe tội. Mà thiệt là thế: dù có thú bao nhiêu nhưng cảnh làm dâu, làm vợ, làm mẹ chẳng có gì là xuân! 

Có lẽ vì thế mà thế hệ làm thơ về sau có một cách nhìn khác về xuân: tình yêu. Mấy cô cậu ngày xưa chỉ lấy nhau do cha mẹ áp đặt, chứ chẳng hề biết đến mùi vị của thứ tình cảm thuần túy trai gái. Tình yêu, đi trước và khác với, tình vợ chồng. Tình yêu, xem ra, mới có vẻ xuân. Nói “người yêu tôi” hay “người tôi yêu” nghe ngọt, bùi tai, thú vị và “xuân” hơn “vợ tôi’ hay “chồng tôi”. “Người yêu” là cái gì “đang”, “sẽ”, “chưa”, “mở”, nhiều mộng mơ; còn chồng hay vợ nghe như “sự đã rồi”. Vì thế mà xuất hiện vô số “thơ tình” của những “nhà thơ tình yêu”. 

Chẳng hạn, Nguyên Sa.

Nguyên Sa thu gọn mùa xuân vào một chỗ, đó là hình ảnh của “em”, người yêu. 

Mùa xuân em mặc áo vàng,
Ở trong thơ cổ chim hoàng hạc bay.
Em vừa xoay nhẹ vai gầy,
Nhìn coi vũ điệu vào đầy giấc mơ.
Nhìn coi chỗ cuối bài thơ,
Nụ hôn màu đỏ trời cho rượu đào.
Anh nhìn em mới bước vào,
Nhìn xuân, xuân cát tiếng chào đầu năm
.
(Thơ xuân áo vàng/Nguyên Sa)

Xuân là “em”. “Em” là xuân. Nói cách khác, chính tình yêu là mùa xuân.  

Chẳng hạn, Trần Mộng Tú. 

So với Nguyên Sa, một mặt, thơ tình Trần Mộng Tú bền bỉ, kéo dài hơn, và mặt khác, xem ra nồng nàn hơn, lại có phần “erotic”. Tình xuân trong thơ chị không có tuổi (ageless). Qua hàng chục năm làm thơ, chất “xuân tâm” (lòng xuân) của Trần Mộng Tú lúc nào cũng đậm đà, da diết. Hai hình ảnh “anh” và “em” trong thơ chị lúc nào cũng y như ở tuổi đôi mươi: 

Cuối năm rồi
Anh ở đâu
Câu Thơ dán trên cửa
Đợi anh sắp phai màu
Đốm nhang đỏ
Má em hồng
Cành mai bung một đóa
Câu Thơ nào rưng rưng
(Thơ)

Trích đoạn trên là từ một bài thơ mới nhất của Trần Mộng Tú, đầu năm 2024. Phương chi là những bài thơ làm ở nhiều thập niên trước, lúc còn ở lứa tuổi còn nồng cháy yêu đương: 

Đã lâu quá anh không về gõ cửa
lồng ngực em. Trái đỏ vẫn còn nguyên

(…)

Em mở áo cho xuân coi lồng ngực
trái tim em mảnh vườn cũ quê nhà
cành mai chiết tay ai còn in dấu
thiều quang ơi! Hoa nhớ đến xót xa

Em mở áo cho xuân coi lồng ngực
trái tim em như một ngọn hải đăng
lửa sinh diệt thắp hoài không dám tắt
bờ bến nào mà cá vẫn bặt tăm

Đã lâu quá anh không về gõ cửa
lồng ngực em. Trái đỏ vẫn còn nguyên

“Trái đỏ vẫn còn nguyên” trong “lồng ngực em” đã là một hình ảnh vô giá rồi; mà còn sẵn sàng mở áo ra để cho chàng “xuân” xem, thì vô giá biết chừng nào. Không erotic sao được! Cho nên cũng đừng ngạc nhiên khi nhà thơ mời “mùa xuân” vào “ở hẳn với em”:

Khi em nói cho anh nghe về con dốc cạnh nhà
con dốc nhìn xuống hồ Sammamish với dòng nước trong veo
những chiếc thuyền nhỏ đang căng lên những chiếc buồm
                                                                        vải trắng

giải núi xanh như một nét mày thiếu nữ
vẽ một đường dài đến tận chân mây
làm cho trái tim em đập sai một nhịp
(…)
Em biết là mùa xuân đã dọn vào
ở hẳn với em
(Mùa Xuân và thơ Thanh Tâm Tuyền) 

Nhẹ nhàng nhưng vô cùng quyến rũ! Tôi tự hỏi: ai có được diễm phúc đó? Trong thơ ca xưa nay, ít khi có nhà thơ nào trải lòng mình với “xuân” đến như thế. Đọc thơ Trần Mộng Tú, ai cũng có cảm giác “anh” chính là “mình”. Không thích sao được! Vừa đọc vừa mơ.

Nhân tựa đề bài thơ có tên Thanh Tâm Tuyền, tôi đi tìm xem thử, nhà thơ thuộc loại cứng cỏi và đầy những suy tư khúc mắc này, có làm thơ xuân không. Có! Nhưng cũng như hầu hết thơ của ông, ngôn ngữ thơ  vẫn mang nét riêng, khác thiên hạ:

Người ta bảo đêm tháng giêng cỏ cây hiện thành người
Anh bảo em chúng ta hãy là
Những cây leo yếu đuối
Những cỏ non dại dột
Mùa xuân đòi em trong quấn quít chờ đợi (Đêm/TTT)

Xuân biến tóc thành miệng: chuỗi cười, biến đôi môi thành lá: chúm môi lá biếc và biến nụ hôn thành từng chòm (chòm lá, chòm sao): chòm hôn.

Những bước chân thỏ rừng
Chạy trên cỏ sắc
Sợi tóc đen như một chuỗi cười
Trên chúm môi lá biếc
Những chòm hôn vội vàng
Làm những vì sao đổi ngôi
Anh muốn làm mới tình yêu (Bài thơ của tháng giêng)

Thì ra thế: làm mới tình yêu!

*

Nhưng đừng tưởng mùa xuân bao giờ cũng vui, cũng tươi sáng, cũng đầy hy vọng. Trong nhiều trường hợp, xuân chẳng phải là xuân: xuân sầu. Chế Lan Viên, khi vẫn còn là nhà thơ tự do thời tiền chiến, đã từng nhìn mùa xuân qua những hình ảnh vô cùng tiêu cực trong bài “Xuân”:

Tôi có chờ đâu có đợi đâu 
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu 
Với tôi tất cả đều vô nghĩa 
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau

Buồn, bi quan, tuyệt vọng! Cả hơi thơ lẫn ý thơ như một phủ nhận, đúng hơn, một nghịch lý toàn diện với hai chữ “mùa xuân”! Vì sao? Nghèo. 

Có một người nghèo không biết tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!

Nó khiến ta nhớ đến những bài thơ Tết độc đáo của Trần Tú Xương:

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu

Một cách trào lộng chua chát về cái nghèo và mùa xuân!

Nếu cái nghèo đã đập nát đi hình ảnh mùa xuân thì chiến tranh lại càng biến mùa xuân thành bi kịch.  Trịnh Công Sơn mô tả một buổi sáng mùa xuân thời còn chiến tranh:

Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé ra đồng
Đạp trái mìn nổ chậm
Xác không còn đôi chân
Một buổi sáng mùa xuân
Ngực đứa bé tan tành
Ngàn hoa đồng cỏ nội
Cúi xuống nhìn con tim

Thật thảm thiết! Nhưng thảm thiết hơn nữa là cảnh xuân Mậu Thân ở Huế khi bộ đội Cộng sản tiến vào đánh phá. Xuân Mậu Thân trở thành một mùa xuân chết, qua lời ca cũng của Trịnh Công Sơn:

Xác người nằm trôi sông
Phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
Trên những đường quanh co

Chiến tranh chấm dứt, trong lúc những kẻ chiến thắng ồn ào ca ngợi mùa xuân “đại thắng” thì hàng triệu người lại khăn gói vào tù. Xuân bây giờ là xuân tù. Xin đọc vài đoạn trong bài thơ “Tháng chạp buồn”, một bài thơ tù của Tô Thùy Yên, được tác giả tìm thấy thời gian sau này và đưa vào tuyển tập thơ của ông, xuất bản chỉ một thời gian ngắn trước khi ông ra đi (5/2019):

Tết này con vẫn chưa về được
Chân mỏi còn lê nặng kiếp tù
Con nghĩ mà đau muôn nỗi nhớ
Chín năm lòng bạc những thiên thu

(…)

Trong ấy mùa xuân có đến không?
Mùa xuân hoa nở má em hồng
Mùa xuân áo mới như hy vọng
Nắng mật ngời lên ánh mắt trong

Ở đây có lẽ xuân không đến
Rừng núi chưa tan giấc não nề
Thương nhớ tràn như con lũ máu
Lòng anh đã vỡ những con đê.

(…)

Ôi cánh diều băng mùa hạ cũ
Xương tàn còn đọng ngọn tre cao
Ðến nay trời nổi bao lần gió
Con tưởng oan hồn vật vã đau

Tết này cha vẫn chưa về được
Ðành hẹn cùng con tết khác thôi
Con nhớ để dành cây pháo cũ
Ðể dành một chút tuổi thơ vui.

  • Nhạc xuân

Thơ xuân có mặt lâu lắm, từ ngàn xưa. Nhưng nhạc xuân thì hoàn toàn mới, chỉ có mặt lai rai ở Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ 20, bắt đầu phát triển ở miền Nam từ thập niên 60, nở rộ ở hải ngoại những thập niên 1980, 1990, và lan vào trong nước từ thập niên 2000 cho đến nay. Nhạc xuân, nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật số, mỗi ngày mỗi phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Nếu thơ xuân chỉ là ngôn ngữ và vần điệu, thì nhạc xuân có cả ngôn ngữ lẫn vần điệu và đặc biệt, âm thanh. Sự phát minh ra máy ghi âm, và từ đó, máy nghe nhạc rồi đĩa nhạc, băng nhạc, vidéo nhạc cùng với sự phát triển và bành trướng của hệ thống truyền thanh và truyền hình, sự ra đời của Youtube, Facebook, Iphone khiến cho thế giới âm thanh lấn lướt hẳn, nếu không muốn nói là chiếm lĩnh, lãnh vực nghệ thuật chỉ dựa vào chữ. Cái thú đọc nhường chỗ cho cái thú nghe và nhìn.   

Trước đây, một trong những hình ảnh góp phần làm cho mùa xuân thêm “xuân” nằm trong các tờ báo xuân – mà “thủy tổ” là tờ Nam Phong Tạp Chí, số báo Tết năm 1918 -, [2] nơi mà thơ và văn đóng vai trò chính.  Bây giờ các băng nhạc xuân đủ loại, đủ kiểu có thể nghe và nhìn (cũng như đọc) ở bất cứ đâu và vào bất cứ lúc nào, gần như chiếm hẳn vai trò vốn có của báo xuân. Thay thế cho những bài thơ xuân là những ca khúc đã được hát đi hát lại không biết bao nhiêu lần, mà cái lạ là, nghe vẫn không nhàm chán mỗi lần xuân về Tết đến: Ly rượu mừng, Câu chuyện đầu năm, Đón xuân, Đồn vắng chiều xuân, Xuân và tuổi trẻ, Phiên gác đêm xuân, Cánh thiệp đầu xuân, Nhớ một chiều xuân, Xuân này con không về, Khúc xuân, … Xét về mặt nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, thì lời ca nói chung không thể nào so sánh với lời thơ, nhưng nhờ sự hỗ trợ của các giai điệu, lời ca  –  kể cả những lời đôi khi khá ngây ngô – dường như được nâng lên cao hơn nội dung của chính chúng. Nhờ được lặp đi lặp lại vô số lần, nhiều nhóm chữ trong các ca khúc trở thành các đặc ngữ (expression) được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Chẳng lạ gì, về lãnh vực giải trí, các nhạc sĩ và ca sĩ có ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều tầng lớp quần chúng (nhất là khi xuân về) hơn nhà thơ hay nhà văn. Có dịp, tôi sẽ trở lại đề tài khá thú vị này trong một bài khác. 

Về nội dung, mùa xuân được diễn tả trong một số ca khúc thường là xuân hiện tại, chẳng hạn như “Ly rượu mừng” hay là “Xuân và tuổi trẻ”. Tuy vậy, xuân hiện tại, trong cái không khí rộn ràng của nó, bao giờ cũng bị một níu kéo khó cưỡng của – hay đôi khi bị chiếm lĩnh bởi – cái rộn ràng của mùa xuân cũ. Chính vì thế mà một bản nhạc khác, tuy không đặc sắc (cả lời lẫn nhạc) bằng, nhưng cũng tạo nên một hiệu ứng xuân, dù có hơi khác: “Đón xuân này nhớ xuân xưa” của Châu Kỳ. Ngoài giai điệu nhẹ nhàng, lời của bài ca này chứa đựng một ý niệm đơn giản, quen thuộc nhưng lại vô cùng chính xác ngay ở câu mở đầu: Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa. Tuy toàn lời ca ám chỉ một trường hợp cá biệt, nhưng nó là một “nỗi niềm xuân” rất chung: xuân này bao giờ cũng dính dáng với xuân xưa, mùa xuân của kỷ niệm. Chỉ vì một lý do cũng khá đơn giản: xuân xưa bao giờ cũng đẹp, đẹp không thua, hay có lẽ đẹp hơn cả xuân nay. Thực ra thì chẳng cần phải xuân, những gì đã qua đi bao giờ cũng đẹp. Vui, đẹp đã rồi; buồn, cũng đẹp, càng buồn càng đẹp, càng xưa càng đẹp.

Chả thế mà, “nỗi niềm xuân” này xuất hiện ở nhiều bản nhạc. 

Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
Đợi mùa Xuân sang tô màu nhớ
Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
Buồn tìm về tình ai đằm thắm
Giờ vun vút trời mây

(Nhớ một chiều xuân/Nguyễn Văn Đông)

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân
(…)
Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu.
(Bến xuân/Phạm Duy – Văn Cao)

Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
Trông bánh chưng chờ trời sáng
Đỏ hây hây những đôi má đào

(Xuân này con không về/Trịnh Lâm Ngân)

Cả ba trích đoạn trên, dù khác nhau về khung cảnh và tình huống, nhưng đều giống nhau ở một điểm: sống lại quá khứ. “Nhớ một chiều xuân” hồi tưởng về một mối tình không thành; “Bến xuân”, cũng vậy, nhắc nhở kỷ niệm tình yêu xưa nơi bến cũ; “Xuân này con không về”, cụ thể hơn, dựng lại những hình ảnh Tết gia đình thuở chưa có chiến tranh. Tóm lại, xuân này níu kéo xuân xưa. Đúng hơn, có lẽ là: xuân xưa níu kéo xuân này, xuân xưa cũng là xuân này. Không có xuân xưa thì chẳng có xuân này. 

Tôi cùng gia đình sang Mỹ định cư ở một tiểu bang miền Bắc, nơi mùa đông cũng là mùa tuyết. Tết Âm lịch rơi vào giữa khoảng thời gian 21/1 và 19/2 Dương lịch, là lúc cao điểm của mùa tuyết. TẾT hòa trong, và đồng nghĩa với T(UY)ẾT! Hầu như trong hai mươi lăm năm ở xứ tuyết, hiếm khi tôi được sống qua một đêm giao thừa khô ráo. Người Tây phương thích “White Christmas”, Giáng Sinh Trắng, tuyết rơi vào đêm Giáng Sinh, nhưng hiếm khi họ có được. Riêng tôi, tôi thích Giao Thừa Đen, ấy thế mà tiếc thay, nhiều lần, tuyết phủ trắng xóa ngay giữa đêm giao thừa, có khi lên đến 7, 8 inches. Là Giao Thừa Trắng! Đành vậy. Ngồi trong nhà nhìn tuyết rơi, mở băng nhạc xuân và hồi tưởng những ngày Tết cũ. Thiệt là nhức nhối: đón xuân này tôi nhớ xuân xưa. Chỉ biết NHỚ!

NHỚ những ngày Tết ở Việt Nam sau 1975: có cha mẹ anh chị em, có láng giềng, có cây mai, có những đêm thức canh nồi bánh chưng ngoài trời, có chào hỏi, thăm viếng, dù lúc đó, gia đình tôi thuộc loại công dân hạng bét, hạng thứ …14 vì đi ở tù về!

NHỚ những ngày Tết trước 1975, dù đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh, nhưng Tết vẫn rộn ràng, vẫn bánh, mứt, hoa, rượu, vẫn gia đình đoàn tụ, vẫn bạn bè nâng chén rượu xuân. 

NHỚ những ngày Tết trước 1968 (Mậu Thân), ngoài trà, rượu, bánh, mứt, còn có tiếng pháo nổ vang lừng lúc trừ tịch. [3]

NHỚ những ngày Tết thời sinh viên học sinh với nhiều sinh hoạt đón xuân và những đêm không ngủ hát ca vang trời.

NHỚ những ngày tuổi thơ đợi Tết để được đốt pháo, để được đánh bài, để được nhận tiền lì xì…

Càng đẩy ký ức về những ngày xưa cũ thì Tết càng rộn ràng, càng…Tết, hơi xuân càng thơm và  càng đậm đà. Nói chung là nhớ “mùi” Tết, thứ mùi riêng biệt mà dù có sắm sửa đầy đủ đến đâu, những người xa quê hương như tôi không thể nào tìm thấy.

Mùi Tết hay “Mùi của Tết”, theo cách nói của Đỗ Duy Ngọc,[4] là: mùi hoa, mùi nhang, trầm, mùi mứt mạ làm, mùi bánh in, mùi thịt heo luộc, mùi củ kiệu, mùi bếp than hồng, mùi rau, mùi pháo, mùi giấy tiền vàng mã, mùi trái cây. “Mùi của Tết là sự tổng hoà của nhiều mùi mà chỉ có ngày Tết mới có. Nó không chỉ là mùi của những vật phẩm. Nó còn là mùi thiêng liêng đi theo suốt quãng đời của mỗi người. Có thể mỗi gia đình, mỗi dòng tộc có mùi Tết riêng nhưng tựu trung mùi của Tết là mùi khó quên nhưng giờ khó tìm cho đầy đủ cái mùi ấy như những ngày xưa cũ.

Nói tắt lại, mùi Tết là mùi quá khứ. Hay đúng hơn, theo tôi, là mùi tuổi thơ. Cái Tết thực sự là Tết tuổi thơ. Chỉ có tuổi thơ mới có mùa xuân. Nói cách khác, tuổi thơ là tuổi khởi đầu, là mùa xuân mới chớm, là cảm giác viên mãn, tròn đầy, không bị “nhiễm độc” bởi những toan tính, lợi dụng, những lo lắng đời thường. Trẻ con thưởng thức mùa xuân trước mặt; người lớn thưởng thức mùa xuân sau lưng. Tết của trẻ con là Tết thật. Tết người lớn là Tết…giả, vừa “ăn” Tết vừa lo âu và lo lắng chuyện “ăn”, nhất là những nhà nghèo. Sắm sửa, chuẩn bị một cái Tết, đối với nhiều gia đình là một gánh nặng lo toan. 

Tết nhất làm chi? 
Ai bày tết nhất làm chi? 
Lo quần lo áo lo đi chạy tiền.
(Du Xuân/Lữ Liên)

Cái nhớ của người xa quê hương đôi khi đi xa hơn cả thời tuổi thơ, trở về thời xa xưa, lúc mà tất cả chúng ta hiện nay chưa sinh ra đời. Người xưa, như chúng ta, họ cũng bị nỗi nhớ “hành hạ” lúc xuân về.

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
(Vũ Đình Liên)

Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong.
 
(Thôi Hộ)

(Năm trước ngày này ngay cửa này,
Mặt người, hoa đào ánh hồng lẫn nhau.
Mặt người chẳng biết đã đi đâu,
Vẫn hoa đào năm ngoái đang cười giỡn với gió xuân.)

Bây giờ – cho dù là bạn đang ở Việt Nam – bạn đi chùa, đi nhà thờ, đi chợ hoa, đi thăm bồ thăm bạn, cụng ly, đánh bài, vân vân và vân vân. Bạn tưởng bạn đang đón xuân này. Theo tôi, bạn lầm. Hãy gẫm lại lòng mình đi. Bạn đang đi tìm xuân xưa đấy! Bạn đang NHỚ, đang lập lại, đang đi tìm những hình ảnh của những mùa xuân cũ. Bạn đang nghe tiếng pháo, bạn đang nhìn cây nêu, bạn đang đánh bài, bạn đang cụng ly, thực ra là bạn đang sống lại tất cả những nỗi niềm quá khứ. Bạn đang sống lại cái hồn nhiên, rạng rỡ của một đứa bé, xúng xính trong bộ đồ mẹ mới may, chạy ra đường, đợi nhà ai đốt pháo, sẽ cùng với lũ bạn trong xóm chạy ùa tới để nhặt những viên pháo lép. Chiến tranh ư? Kệ nó. Tiền bạc ư? Không cần biết. Danh vọng ư? Vô nghĩa. Người yêu ư? Vô niệm. Tết đã chan hòa trong đứa bé. Tết hóa thân thành đứa bé. 

Vả lại, cái mà ta tưởng không có gì bây giờ, chẳng hạn ngắt một bông hoa, cầm tay một ai, nói điều gì với một người, tất cả những cử chỉ trông rất vô nghĩa đó, không chừng sang năm, hay mười, hai chục năm sau, sẽ trở thành quý giá và vô giá. Vì sao? Bởi vì ta không thể nào tìm lại được nó! Nó đi, là đi mất. Nó trở thành xưa ngay lập tức. 

Xuân này, trong phút chốc, cũng thành xuân xưa mất rồi!

Và xuân xưa, trong thoáng chốc, chợt trở thành xuân này!

*

Việt Nam ta thì có nhạc xuân, vậy thì người Tây phương có nhạc xuân hay không nhỉ? 

            Có, tất nhiên!

Cũng như Việt Nam, nhạc xuân Tây cũng rộn ràng, phấn khởi, tiết tấu trong sáng, gọn, nhanh, phơi phới, vui tươi, tràn trề hy vọng. Lời ca cũng thế, toàn là cảnh chim hót, hoa cười, nắng mới, cây cỏ xinh tươi. Nghe hát lên, bao ưu tư phiền muộn dường như tiêu tán và cảm thấy mình bỗng trở lại tuổi thanh xuân.

Ban nhạc “Noah and the Whale” (Anh) mô tả mùa xuân qua bài “The First Day of Spring”:

It’s the first day of spring
And my life is starting over again
The trees grow, the river flows
And its water will wash away my sins

(Ðó là ngày đầu xuân/Và đời tôi lại bắt đầu/
Cây mọc, sông trôi/Và nước sông rửa sạch tội lỗi tôi)

Trong một bản nhạc xuân khác, Kathryn Dawn Lang (Canada) xem mùa Xuân là mùa của mơ ước:

In cold dark places/ I dream of spring” (I Dream Of Spring)
(Ở nơi lạnh lẽo tối tăm, tôi mơ xuân đến)

Với Biz Markie (Mỹ), mùa xuân cũng là mùa tình, mùa của những kẻ yêu nhau:

It’s spring again
Everybody know it’s spring again
To the girls and boys and people above
This is the time to fall in love (Biz Markie/Spring again)
(Xuân lại về/Ai ai cũng biết xuân lại về/
Với gái, với trai và với mọi người/ Ðây là lúc để yêu nhau)

Cũng thế, với Fats Waller (Mỹ), mùa xuân là mùa của tình yêu:

Spring cleaning/ gettin’ ready for love
(Mùa xuân quang đãng, sẵn sàng đón đợi tình yêu)

Hay với cặp song tấu “Air Supply” (Úc):

You, you brought back my love
you brought back my life (Tell me of spring/Air Supply)
(Em, em mang lại tình yêu tôi/ em mang lại đời tôi)

Elvis Presley, anh chàng nhạc sĩ và ca sĩ hàng đầu Hoa Kỳ thập niên 1960-1970, gây nhiều ấn tượng hơn khi gọi mùa xuân là một cơn sốt: 

Spring fever comes to everyone
Spring fever, it’s time for fun
Get up, get out spring is everywhere (Spring Fever/Elvis Presley)
(Cơn sốt mùa Xuân đến với mọi người/ Cơn sốt mùa Xuân, đó là lúc để vui đùa/
Hãy thức giấc, hãy ra ngoài vì xuân về khắp nơi)

Qua bản “Can’t Stop The Spring,” ban nhạc The Flaming Lips dứt khoát hơn và quả quyết hơn:

You can crush the flowers
But you can’t stop the spring
No matter what you say
(Ta có thể giẫm nát hoa/ Nhưng không thể chận mùa xuân đến/ Bất kể có nói gì chăng nữa)

Ðoạn ca này khiến tôi nhớ đến mấy câu thơ của Pablo Neruda khi nhà thơ so sánh mùa Xuân và tình yêu:

You can cut all the flowers but you cannot keep spring from coming.
I want to do to you what spring does with the cherry trees.
Love is so short, forgetting is so long.
(Em có thể cắt hết tất cả hoa nhưng không thể ngăn mùa xuân đến
Anh muốn mang cho em những gì mà mùa xuân mang cho những cây anh đào
Tình yêu thì quá ngắn, mà lãng quên lại quá dài)

Nhưng có lẽ không có lời ca nào say mê đắm đuối và erotic như trong bài “You make love like Springtime” của Teena Marie (Mỹ) sau đây:

You say you love me with your eyes
My heart soars up to the skies
And it’s all so crazy (…)
You make love like Springtime
And I can’t control my passion
(Anh nói anh yêu em bằng đôi mắt anh
Tim em bay vút lên tận trời cao
Và tất cả trở nên điên dại (…)
Anh làm tình như lúc Xuân Thì
Và em đắm đuối trong anh)

Tiếc thay, cô ca nhạc sĩ này chết khá sớm, lúc mới 54 tuổi!

Trong số nhạc xuân Tây phương, tôi thích nhất là bài “Happy New Year”, do ban nhạc ABBA (Thụy Ðiển) biên soạn và trình diễn (đơn ca với sự phụ họa của toàn ban) rất tuyệt vời. Tiết tấu lạ, chậm, đều, dễ nghe và gây cảm xúc. Tựa đề rõ là nhạc xuân, nhưng ngôn ngữ và ý nghĩa lại hoàn toàn không mang tính cách tích cực như những ca khúc xuân bình thường khác. Lời ca trau chuốt, nặng về ý nghĩa như thơ. Đúng hơn, đó là một bài thơ hay, đượm mùi triết lý, đan xen giữa tuyệt vọng và hy vọng. Nhạc xuân hoà lẫn trong thơ xuân.

Bài ca bắt đầu bằng một khung cảnh buồn, tàn tạ:

No more champagne
And the fireworks are through
Here we are, me and you
Feeling lost and feeling blue
(Không còn rượu mừng/ Và pháo hoa đã hết
Chỉ còn em và anh đây/lạc lõng và buồn bã)

Tại sao? Tại vì bao nhiêu ước mơ năm mới chúng ta từng có, đều đã lần lượt tan thành mây khói. Mọi người đã từng mong có một thế giới mới ra đời, trong đó mọi người đều là bằng hữu. Nhưng rồi con người điên cuồng, cứ lặn sâu vào lỗi lầm và vẫn tiếp tục gây ra lỗi lầm.

Oh yes, man is a fool
And he thinks he’ll be okay
Dragging on, feet of clay
Never knowing he’s astray
Keeps on going anyway…

Bài hát kết thúc bằng điệp khúc:

Happy new year
Happy new year
May we all have our hopes, our will to try
If we don’t we might as well lay down and die
You and I
(Nhưng dù sao, ta cũng cứ hy vọng. Bởi vì “nếu chúng ta không còn hy vọng thì chúng ta chỉ còn nằm xuống và chết mà thôi. Cả Em và Anh)

Xuân, rốt cuộc, chỉ là niềm hy vọng không hơn klhông kém. 

Dựa theo lời ca, mấy chữ Happy New Year lặp đi lặp lại trong bài hát này có tính đa nghĩa: Vừa chúc tụng vừa mỉa mai vừa than thở mà cũng là lời nhắn gửi. Tiếc thay, lúc phóng tác sang tiếng Việt, tác giả nào đó đã không chuyển ý nghĩa chính của lời ca, mà viết một lời ca khác, không những thế, đi ngược hẳn lại với nguyên tác. Cách trình diễn cũng thế. Ðây không hẳn là ly rượu mừng xuân kiểu Phạm Đình Chương mà là một ly rượu…đắng. Thưởng thức một bài hát như thế này là uống một cốc rượu ngậm ngùi và suy gẫm. Ðể mà nuôi lớn hy vọng cho những ngày tháng tới. 

Ấy thế mà, vào dịp Tết năm 2019,  theo Uyên Đỗ, trong bài “How an ABBA Classic Becomes the Anthem of Vietnam’s New Year Celebration”[5], đại sứ Thụy Điển tại Hà Nội đã hát phiên bản lời Việt của ‘Happy New Year’ nói trên:

Xin chúc cho mọi nhà cùng người thân hân hoan đón xuân
Năm cũ đi, năm mới sang, đón thêm bao tin vui nơi nơi
Chào năm mới trong gió xuân an lành, rộn ràng bao câu ca thắm tươi
Ai cũng vui bên gia đình, chúc năm nay an khang mọi nhà

Một cung cách ngoại giao nằm ngoài …sách vở. 

Thực ra, theo giải thích của tác giả bài viết, chuyện ông đại sứ hát bài hát Thụy Điển lời Việt dính dáng đến một sự kiện lịch sử, hơn bốn thập niên trước. Hồi đó, sau 1975, dù là phe chiến thắng, nhưng chế độ cộng sản Việt Nam bị hầu hết các nước trong thế giới phương Tây cô lập, chỉ trừ Thụy Điển. Chính phủ Thụy Điển giúp Việt Nam xây dựng nhà máy giấy Bãi Bằng, đi vào hoạt động năm 1982. Các chuyên gia Thụy Điển lui tới Hà Nội vào những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, kéo theo một hiện tượng âm nhạc đang ở vào đỉnh cao ở các nước Âu châu và trên toàn thế giới hồi đó: ban ABBA. Các bản nhạc của ABBA là sản phẩm nghệ thuật Tây phương duy nhất được phép lưu hành ở Việt Nam, trong đó, nổi bật nhất là “Happy New Year”.

Thiệt tình…không biết phải nói sao!

Nghĩ cho cùng, phải chăng đó  cũng chỉ là chuyện “đón xuân này tôi nhớ xuân xưa” mà thôi.

Trần Doãn Nho

(1/2024 :tổng hợp và nhuận sắc ba bài viết về thơ xuân và nhạc xuân)

[1] Tra từ: 春 – Từ điển Hán Nôm (thivien.net)

[2] Số Tết này nằm giữa số 8 (tháng 2/1918) và số 9 (tháng 3-1918). Theo Vương Hồng Sển, trong “Thú chơi sách”, Nam Phong “có cả thảy hai trăm mười một cuốn vì tết 1918 có cho ra một tập riêng, toàn thơ văn có giá trị và nếu không lầm, tập ấy là thủy tổ các số báo xuân, báo tân niên, báo đặc biệt vậy“.

[3] Thời Việt Nam Cộng Hòa, vì cộng sản lợi dụng chuyện đốt pháo mừng xuân để đưa quân vào đánh phá các thành phố miền Nam, nên sau năm 1968, chính phủ VNCH ra lệnh cấm đốt pháo. Sau 1975, chính quyền cộng sản cho đốt pháo lại, nhưng đến năm 1994 thì cấm hẳn cho đến nay. 

[4] Đỗ Duy Ngọc, Mùi của Tết. Xem:

https://vietbao.com/a314711/mui-cua-tet
[5] Uyên Đỗ, How an ABBA Classic Becomes the Anthem of Vietnam’s New Year Celebration