Trần Doãn Nho: Nỗi Huế (P.2)

Thành phố Huế nhìn từ trên không, hoang tàn sau trận tấn công của Việt Cộng Tết Mậu Thân 1968.

4. Tang thương

Mùa xuân 1968, Huế đã từ dương bản sang âm bản, từ “diễm xưa” đến “bài ca trên những xác người”: thảm sát Mậu Thân.

Sáng mồng 2 Tết [1], sau một đêm kinh hoàng vì nghe tiếng súng nổ vang rền khắp nơi và tiếng hô xung phong từ cửa thành (cửa Hữu), tôi thức dậy, vô cùng hoang mang. Mở cửa bước ra ngoài, đứng ở góc vườn trước nhà, nhìn về hướng đông, tôi thực sự hoảng hốt. Khuất sau mấy đọt tre, trên ngọn Kỳ Đài vươn cao trong bầu trời thấp xám, là lá cờ! Không phải là lá cờ thân quen vẫn nhìn thấy hàng ngày mà là một lá cờ lạ hoắc: cờ Mặt Trận Giải Phóng.

Thôi rồi, Việt Cộng đã chiếm Huế!

Lá cờ không tung bay theo gió mà vướng víu quanh cột cờ, rủ xuống, thảm hại. Như cờ tang. Vì trời không có gió? Vì vướng víu cái gì? Không rõ. Suốt hai mươi sáu ngày trên ngọn Kỳ Đài, lá cờ vẫn như thế, ủ rũ. Bầu trời mênh mông, nặng, tủi hờn. Mùa xuân thảng thốt, vỡ. Lá cờ làm cho cái không khí vốn đã ảm đạm, lại còn tan tác, ảm đạm thêm.

Huế không phố, không nhà. Không nắng, không trăng, không hoa, không mứt bánh, không hột dưa, không tổ tiên, ông bà, không truyền thống. Không gì cả. Không có tiếng cười, đã hẳn – mà tiếng khóc cũng không. Chỉ có tiếng súng nổ chốc chốc vang lên, phá tan đi cái lặng lẽ đến rợn người. Huế rơi vào trạng thái âm bản. Người người đi đi, đứng đứng như những bóng ma. Chợt gặp nhau, ai cũng tưởng ai đang từ cõi chết trở về. Mây, một khối màu chì đông cứng trên bầu trời xám đặc. Lạnh. Mưa, thỉnh thoảng, rơi từng giọt nhỏ hãi sợ. Cỏ cây rưng rưng. Uất, nghẹn. Ngoài tiếng súng, thành phố mất đi tiếng động cuộc đời. Mọi thứ thin thít im, tự thu mình vào bên trong, khe khẽ, rón rén, ngập ngừng. Không ai giúp gì được ai. Mình cũng chẳng giúp gì được chính mình. Sợ. Nỗi sợ còn ghê gớm hơn cả cái chết.

Một tuần sau, buổi sáng, bỗng nghe tiếng loa từ khu Quân Cụ, cách nhà chừng ba, bốn cây số, vang lên. Thì ra, quân đội VNCH còn giữ được đồn Mang Cá, khu Tịnh Tâm, phi trường Thành Nội, vùng Tây Linh, vùng chợ Cầu Kho, tất cả gồm khoảng một phần tư khu vực nội thành. Thế là, cả gia đình tôi vội vàng dắt díu nhau băng từ vườn nhà này qua vườn nhà khác. Đạn pháo, mặc, súng nổ, mặc. Nấp, chun, lủi, bước, chạy vội  về phía có tiếng loa. Vừa đến khu hồ Tịnh Tâm, thấy bóng những người lính VNCH canh gác chỗ này chỗ nọ, vẫy tay giục chúng tôi đi tiếp, mừng, biết đã đi đến chỗ an toàn. Gia đình tôi ở tạm trong nhà một người quen. Dân ở các vùng khác trong Thành Nội cũng tìm cách thoát về đây. Cư dân Cầu Kho, Mang Cá hào phóng tiếp nhận hết, lạ cũng như quen. Nhà nào cũng đầy người. Tất cả chia sẻ nhau cái ăn, cái mặc, không ai tiếc ai cái gì. Cả khu Mang Cá và chợ Cầu Kho bỗng nhiên hình thành một Huế khác, bấp bênh, căng thẳng, hy vọng và chờ đợi.

Cho đến cuối tháng Giêng.

Vừa mới nghe đài phát thanh loan tin Việt Cộng rút đi, trong lúc ai cũng đang chờ lệnh, tôi nóng ruột, vội vàng cùng bà chị trở về thăm nhà. Mọi con đường còn vắng tanh. Khi đến đường Lê Huân, cách nhà chừng hai cây số, thấy có xác bộ đội. Từ đó trở lên phía thành, nhất là trên các con đường quanh quanh phường Tri Vụ, Thuận Cát, khu Cầu Đất, khu cống Vĩnh Lợi, vùng Tây Lộc, khu phi trường, vân vân, nơi diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt, xác bộ đội năm rải rác khắp nơi, chỗ một, hai xác, chỗ thì mười, mười mấy xác nằm vắt lên nhau. Có đến hàng trăm. Nhiều xác đã trương phình, mùi hôi bốc lên nghẹt thở. Hai chị em nhắm mắt, bịt mũi mà đi. Ngay trước cửa ngõ nhà tôi, ba, bốn xác bộ đội nằm vắt vẻo bên hàng chìa tàu. May mà trong vườn cũng như trong nhà, không thấy có xác nào. Những đứa con miền Bắc nằm lại trên những con đường xa lạ xứ Huế, trông khuôn mặt ai cũng còn rất trẻ.

Tôi và đứa cháu ruột một tuổi trên nền nhà trần trụi sau cuộc chiến Mậu Thân (3/1968)

Hầu hết khu vực tôi ở, nhà cửa, vườn tược tan hoang. Căn nhà tôi bị phá hủy hoàn toàn, vết đạn lỗ chỗ khắp nơi. Cây cối trong vườn bị bom đạn cày xới tơi tả. Hai cây nhãn cổ thụ trái rất ngon vốn là một nguồn lợi mà mẹ tôi dùng để nuôi tôi đi học, trốc gốc, cành nhánh gãy đổ bịt hết lối đi. Hầm hố hiện diện khắp nơi trong vuờn, kể cả một cái hầm dài mà bộ đội đào chung quanh và xuyên dưới thềm nhà.

Vừa bước vào, đang ngậm ngùi nhìn đống gạch vụn, chợt một tiếng hô lớn vang lên,“Đứng lại, giơ tay lên!” Tôi rụng rời, đứng sững, run rẩy đưa hai tay lên trời. Từ sau bức tường nhà đổ nát, hai lính Thủy Quân Lục Chiến xuất hiện. Hoàn hồn, thế mà cứ tưởng là Việt Cộng! Họ chĩa súng vào hai chị em, mặt mày căng thẳng. Một người tiến lại, “Đứng yên, không được nhúc nhích.” Anh ta sờ nắn khắp người tôi, rồi bảo, “Xắn quần lên, cởi dép ra.” Tôi làm theo. Anh ta xem kỹ ống chân và bàn chân tôi. Sau đó, hỏi, giọng hơi có chút thân thiện:

– Ở đâu đến, vào đây làm gì?

– Dạ, đây là nhà tôi. Chúng tôi lánh nạn ở Mang Cá, nghe tin Việt Cộng rút đi, nên vội về xem nhà cửa ra sao.

– Chắc không?

– Dạ chắc.

– Trước làm gì?

– Sinh viên.

– Lại sinh viên, sinh viên! Còn đây là ai?

– Dạ, chị ruột.

– Giấy tờ đâu, đưa xem.

Chúng tôi đưa giấy căn cước. Xem xong, người lính bảo:

– Được, tôi tin cậu. Chân này không phải là chân đi dép râu. May cho cậu đấy, lớ xớ gặp người khác là đi đời. Đây vẫn còn là vùng chiến trường, chưa được phép vào, biết chưa? Bọn du kích và bọn sinh viên học sinh nằm vùng vẫn còn lẩn quất đâu đây, phải thanh toán trước khi cho đồng bào về nhà.

Hú hồn! Hai chị em chỉ biết lí nhí cám ơn rồi vội vàng rời nhà, lòng vẫn chưa nguôi kinh khiếp.

Các quan chức thành phố Huế phụ trách việc xác định danh tính các nạn nhân của cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968.

Quân cộng sản rút đi rồi, để lại một Huế ngổn ngang, tang thương, rách nát. Thành quách tan hoang, người người ngơ ngác. Người gặp người mà vẫn tưởng như đang còn ở trong giấc mơ. Dắt díu nhau từ chỗ tạm trú về nhà cũ, biết là còn sống, biết là mình may mắn, nhưng cõi lòng ai cũng vỡ nát, vụn vằn, đờ đẫn. Những câu hỏi ném vào nhau, thổn thức: Ai còn? Ai mất? Chồng đâu? Con đâu? Chị đâu? Em đâu? Bạn đâu? Thầy đâu? Học trò đâu? Chao ôi, Huế đã làm gì nên tội mà ra nông nổi này! Hơn nửa thế kỷ rồi! Bây giờ Huế đã khác, tất nhiên. Vết tích cuộc chiến năm xưa cũng như cái chết tức tưởi của hàng ngàn người tưởng như đã biến mất sau lớp bụi thời gian và nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà cầm quyền cộng sản nhằm xóa nhòa nó. 

Nhìn lại thời kỳ đó, trong bài báo “Revisiting Vietnam 50 Years After the Tet Offensive” (Nhìn lại Việt Nam 50 năm sau Cuộc Tổng Tấn Công Tết) đăng trên tạp chí “Smithsonian” (Washington  DC, Hoa Kỳ) vào năm 2018 [2], Nguyễn Quý Đức – nhà báo Mỹ gốc Việt, biên tập viên cho các đài phát thanh KALW-FMNational Public Radio – cho rằng ở Việt Nam hiện nay, biến cố 1968 được mô tả như một chiến công anh hùng. Vài năm một lần, bộ máy tuyên truyền nhà nước vẫn cứ tiếp tục tăng tốc ca ngợi nó. “Nhưng về cuộc tàn sát hàng ngàn người dân Huế thì sao? Không một lời,” theo anh. Huế bây giờ rất nhiều khách du lịch. Họ viếng thăm lăng tẩm, hoàng thành, đền đài miếu mạo. “Hướng dẫn viên du lịch nói với họ về quá khứ, nhưng họ làm như không biết những lỗ đạn chọc thủng những bức tường thành bên trong Hoàng Thành và ở khắp nơi. Không có du khách nào được dẫn đi xem những khu mộ tàn sát tập thể y như họ được dẫn đi thăm những ‘cánh đồng chết’ nổi tiếng của Khmer Đỏ ở Cam Bốt.” Đã 50 năm rồi, trong khi Mậu Thân không thể thoát khỏi ký ức của anh và của người dân Huế, thì cuộc thảm sát vẫn bị nhà nước Cộng Sản che giấu, mà anh gọi là một “sự im lặng toàn quốc về biến cố 1968” (The national silence about 1968) và tự hỏi chẳng biết bao giờ sự im lặng đó mới được giở bỏ. Mấy năm trước đây, theo Nguyễn Quý Đức, một nhóm phóng viên truyền hình Pháp-Đức đến nhà anh ở Hà Nội [3] để phỏng vấn về tình hình hậu chiến ở Việt Nam, đi kèm có một phụ nữ là viên chức của bộ ngoại giao Việt Nam. Khi câu chuyện đề cập đến những vấn đề liên quan đến vụ Tổng Tấn Công Tết, thì viên chức đó ngắt lời, cấm bàn về hay nhắc đến đề tài này, nếu không, bà ta sẽ không cho phép cuộc phỏng vấn được tiếp tục. Anh tức giận, nhưng cố gắng thương lượng với bà. Cuối cùng, anh cũng trao đổi được đôi điều với nhóm truyền hình. Nhưng cuộc phỏng vấn ấy không hề được chiếu ở Việt Nam. Họ muốn cả đất nước đều im lặng về cuộc thảm sát mậu Thân ở Huế. Nguyễn Quý Đức không im lặng. Anh lên tiếng bằng cách viết. Thay vì viết để “vinh danh một phiên bản lịch sử do những người còn sống, những người chiến thắng viết,” như bà nhân viên bộ ngoại giao muốn, anh viết là để “vinh danh những người đã chết và tưởng niệm họ,” như lời khuyên của một bạn văn quen, nhà văn Bảo Ninh, tác giả của “Nỗi buồn chiến tranh”. Đó là lý do khiến bài viết trên ra đời.

Nguyễn Quý Đức – đột ngột qua đời tại Hà Nội hôm 22/11/2023 vừa qua – là con của ông Nguyễn Văn Đãi, một công chức cao cấp của VNCH làm việc tại Đà Nẳng. Tết năm 1968, gia đình anh ra Huế ăn Tết. Lúc đó, anh mới chỉ là cậu bé 9 tuổi. Cậu bé Đức chứng kiến cảnh bộ đội vào Nhà Khách Chính Phủ, nơi gia đình được phép ở tạm, bắt cha cậu. “Tôi leo lên giường và cố nhìn ra ngoài. Đám lính bộ đội đã bắt những người đàn ông sắp thành hàng và trói khuỷu tay họ sau lưng. Một lúc sau, họ dẫn giải những người đàn ông đi. Tôi nhìn thấy cha tôi trong đó.” Sau khi Cộng quân rút lui, gia đình Đức trở lại Đà Nẵng, sống trong một cơn khủng khoảng nặng nề: không cách gì tìm ra tông tích của người cha và cũng không biết ông sống chết ra sao. Khi nghe tin Huế khai quật những mồ chôn tập thể, mẹ Đức về Huế mong tìm xác chồng, nhưng bà quá “khiếp hãi khi nhìn thấy những thây ma thối rữa và đầy thương tật,” nên không trở lại nữa. Thế là, “Trong khi những gia đình khác đã chôn cất người thân của họ, lập bàn thờ và đã phần nào khép lại nỗi buồn, thì gia đình tôi vẫn sống trong nỗi đau thầm không giấu giếm này (open secret).” Mãi đến 5 năm sau khi hiệp định Paris được ký kết và hai bên trao trả tù binh, gia đình anh mới biết tin là người cha còn sống nhưng bị đày ải ở một trại tù tại vùng biên giới Trung Quốc. Ông được thả về năm 1980 và được cho phép xuất cảnh qua Hoa Kỳ, nơi Đức đã được mấy người chú giúp đến định cư vào tháng 4/1975. Gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, hai cha con nói chuyện với nhau về quá khứ, nhưng “không bao giờ nói về năm 1968” vì điều đó quá nặng nề. Ông đọc sách, xem phim và cho in một tập thơ với bút hiệu Hoàng Liên – gồm những bài thơ ông đã sáng tác trong thời gian bị giam cầm –, với một lời đề tựa ngắn gọn: “Tôi đau khổ, vậy tôi hiện hữu” (I suffer, therefore I am). Dù đau đớn, nhưng gia đình anh có lẽ là gia đình may mắn và “có hậu” nhất trong số hàng ngàn gia đình ở Huế có thân nhân bị quân cộng sản bắt đi năm 1968.

Trong một email trao đổi với tôi ngày 26/1/2018 về bài viết này, Nguyễn Quý Đức viết:

Em ước gì trong những người bộ đội đã tham gia vào vụ giết chóc đó đủ can đảm để nói lên câu chuyện này, bày tỏ một cảm xúc nào đó.  Em chưa hề đọc được một bài nào như vậy nói đến một chút ăn năn, hối hận. Hoặc ít nhất nhìn nhận sự thật.

  Đôi khi em cũng bị dằn xé giữa những vết thương cũ, nhu cầu nói lên câu chuyện ngày xưa, và cái ước mong cho có một thế hệ trong sáng, không bị cái quá khứ đè nặng trong tâm tưởng. Nhưng em nghĩ sụ trong trắng đó phải bắt nguồn từ một lương tâm đã biết nhìn nhận sự cuồng điên, cái ác của quá khứ, để sau đó hướng đến cái thiện trong tương lai, như ở nước Đức, hay phần nào ở Nhật.

Em ít về Huế vì nhiều khi không dám đương đầu với ký ức, uất ức và u ám ở đó.Chính em cũng biết mình đã cúi mặt làm ngơ.”

  Hàng năm, cứ đến Tết, trong lúc bộ máy tuyên truyền nhà nước vẫn – nói như Nguyễn Quý Đức – “tiếp tục tăng tốc ca ngợi chiến công,” thì có hàng ngàn gia đình vẫn âm thầm cúng kiến và đau xót nhớ đến cái chết thảm của cha, của anh, của con, của em mình. Không bao giờ nguôi. Không gì làm nguôi. Không ai làm nguôi. Di luỵ Mậu Thân mãi mãi còn đó. Là oan trái Huế. Cũng là oan trái Việt Nam. Oan trái cần được giải oan. Đó là lẽ Đất Trời. Ngày nào oan chưa được giải thì mọi chính sách, mọi thủ đoạn tuyên truyền, mọi chạy tội, mọi đổ lỗi, dù trên bình diện cá nhân hay nhà nước, đều chỉ là nước đổ lá môn, nếu không muốn nói là oan trái càng thêm oan trái.

*

Bốn năm sau, chưa tàn nhang khói trên những nấm mồ uất ức, Huế lại nhận chịu thêm những tháng ngày xao xác, căng thẳng, hoảng loạn. Suốt tháng 4/1972, tin chiến sự nóng sốt, dồn dập bay đến hàng ngày: bộ đội cộng sản vượt sông Bến Hải, căn cứ Carrol thất thủ, trung tá Phạm Văn Đính đầu hàng, xe tăng T54 của bộ đội cộng sản miền Bắc xuất hiện trên quốc lộ 1; phi công Trần Thế Vinh tử nạn ở Đông Hà; phòng tuyến Tây Nam Huế bị dồn dập tấn công…Đồng bào từ Đông Hà, Quảng Trị gồng gánh chạy vào tỵ nạn. Huế bận bịu trong thấp thỏm, âu lo và đợi chờ. Rồi cái gì đến, phải đến: cuối tháng 4, thị xã Quảng Trị rơi vào tay Cộng quân. Quân đội VNCH lùi vào lập phòng tuyến Mỹ Chánh.

Huế thảng thốt, bàng hoàng! 

Kinh nghiệm Mậu Thân khiến Huế chẳng hề đắn đo: cộng sản đến là đi. Đang tất bật đón tiếp đồng bào tỵ nạn Quảng Trị, Huế quay sang tất bật với chính mình. Nhà nào nhà nấy vội vội vội vàng vàng thu vén đồ đạc, giấy tờ, tài sản. Ngoài đường, xe cộ dập dìu, chen chúc, xe nào xe nấy đồ đạc chất đầy, trực chỉ phương Nam. Đi đâu? Không cần biết, miễn là rời Huế. Làm sao đi? Thì cứ đi cái đã, đến đâu hay đấy. Gia đình giàu có thuê nguyên xe tải, chở đủ thứ vật dụng kồng kềnh: giường, tủ, bàn ghế, áo quần…Gia đình bình thường đèo nhau trên hai, ba chiếc Honda, chỉ mang theo những đồ dùng thật cần thiết móc, cột quanh xe. Và rất nhiều gia đình nghèo, vợ chồng con cái ông già bà già dắt díu nhau ra đi chỉ bằng phương tiện có sẵn của chính mình: đôi chân. Ra đi, bỏ lại Huế đang trong nắng hè rực rỡ.  

Bỏ Huế! 

Chỉ hai chữ thôi mà âm vang của nó đeo đẳng mãi theo người trên từng đoạn đường vất vả xuôi Nam. Riêng tôi, còn độc thân, đưa gia đình vào Đà Nẵng xong, tôi quay trở lại. Tháng Năm, như một phép lạ, Huế đột nhiên trống rỗng như chưa từng, hoang vắng trong lẫn hoang vắng ngoài. Theo ước tính của chính quyền địa phương, khoảng 70 đến 75% dân Huế đã ra đi, số còn lại tản về tạm trú đâu đó ở các vùng quê. “Bám trụ” Huế hầu hết là những quân nhân, cảnh sát và những công chức có trách nhiệm chính điều hành các công sở. 

Chỉ còn một giòng sông vô tư trôi và một khu nội thành lặng lẽ. 

thành phố bồng bế nhau

vứt cả rực rỡ hè mới chớm

rùng rùng bỏ chạy

đi đâu?

không biết đi đâu

miễn là xuôi Nam

để lại một cõi lặng

không gian rỗng

sàn diễn trống trơn

những con chó mất chủ chạy rất tự do

và vô vọng

hàng phượng lạc loài

chấp chới bay

gió nắng rong chơi

vòng vèo quanh nội thành ấm ức[4]

Suốt cả tháng, ngày nào tôi cũng chạy quanh Huế, “thưởng thức” một thành phố không người, lạ lùng như trong truyện cổ. Trong lúc bom đạn ngập trời ở Quảng Trị và An Lộc, thì Huế yên ắng. Yên ắng mà căng thẳng, chờ đợi hung tin không biết sẽ đến khi nào. Tuy thế, nhờ trống rỗng, nên chính quyền Huế dễ điều phối chuyện an ninh. Tất cả các nỗ lực đều tập trung vào việc phòng thủ. Về mặt dân sự, một tổ chức đặc biệt ra đời: Sư Đoàn Thuận Hóa, được thành lập bằng sự phối hợp giữa tất cả các nhân sĩ, các viên chức dân cử, các cán bộ dân chính trực thuộc các cơ quan thành phố, các tổ chức nhân dân tự vệ và sinh viên học sinh. Tổ chức này, phối hợp với quân đội và cảnh sát, phụ trách tuần tra, gìn giữ an ninh trật tự, và cứu trợ những người vô gia cư hay những gia đình còn ở lại, do không có điều kiện để rời thành phố xuôi Nam lánh nạn.

Là một sĩ quan biệt phái về dạy học, tôi làm cố vấn cho một tổ chức sinh viên học sinh vừa mới thành lập: Lực Lượng Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Quốc Gia Trị-Thiên. Gồm khoảng từ 60 đến 70 bạn trẻ, lực lượng này là tổ chức hăng hái nhất và năng động nhất của Sư Đoàn Thuận Hóa. Các bạn bắt tay làm bất cứ chuyện gì cần: giữ gìn an ninh khu vực mình ở, tham gia quyên góp và cứu trợ cho những người thiếu đói, tổ chức sinh hoạt và các dịch vụ linh tinh (cắt tóc, dọn dẹp…) tại một số trại tạm cư, thăm viếng và ủy lạo các đơn vị quân đội đang đóng quân phòng thủ quanh thành phố, giúp đỡ những người lính bị lạc đơn vị, vân vân. Các bạn còn được huấn luyện quân sự cấp tốc và được cấp phát súng. 

Để có nơi điều hành, các bạn quyết định xin chính quyền thành phố cho sử dụng trụ sở Tổng Hội Sinh Viên Đại Học Huế tọa lạc tại đường Trương Định làm nơi sinh hoạt. Chính quyền bảo là họ không có quyền. Vì trụ sở này là một cơ sở trực thuộc viện Đại Học Huế, nên được hưởng quyền bất khả xâm phạm của quy chế tự trị đại học. Tuy nhiên, với tư cách là sinh viên Đại Học Huế, các bạn trong lực lượng biểu quyết “chiếm” trụ sở này làm nơi điều hành mọi sinh hoạt. Không ngờ, hành vi chiếm dụng này giúp họ phát hiện một sự kiện đầy ý nghĩa: nhà kho của trụ sở sinh viên này là nơi cất giữ vô số báo chí, tài liệu của cộng sản đưa từ trên rừng về. Hóa ra, người cộng sản lợi dụng quyền tự trị đại học để tiến hành những hoạt động chống lại cái chế độ đã nuôi dưỡng họ: biến trụ sở phục vụ quyền lợi sinh viên thành một “căn cứ” hoạt động nội thành của cộng sản. Thay vì giao cho cảnh sát, lực lượng quyết định thiêu hủy toàn bộ số tài liệu này. Trong một buổi chiều hè đầy nắng, cùng với các bạn trẻ reo vui, đứng nhìn ngọn lửa đốt cháy một đống lớn các tài liệu tuyên truyền của cộng sản kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ ngay khoảng sân nằm phía trước, tôi bồi hồi nghĩ đến một đất nước hết chiến tranh, được vui sống trong một chế độ dân chủ mà thế hệ chúng tôi đã xuống trường tranh đấu bao nhiêu năm! 

Có điều, nỗi mừng vui lúc đó được trả bằng một cái giá rất đắt ba năm sau, 1975, khi quân cộng sản đánh chiếm toàn bộ miền Nam. Ngoài tôi ra, một số lớn các bạn trong Lực Lượng này, dù không phải là lính, công chức hay cán bộ VNCH, đã bị bắt đi tù cải tạo dài hạn. Có bạn nằm trong tù đến 5 năm.

*

Ba năm sau, 1975, chưa hoàn hồn, Huế lại chạy. Lần này, ra đi, trong thâm tâm, ai cũng đau đớn nghĩ rằng: Huế sẽ mất vào tay cộng sản. Thành thử, chạy là chạy…luôn, không bao giờ trở lại. Là bỏ Huế! Chao ôi, hai chữ “bỏ Huế” nghe như nhát dao đâm ngay giữa trái tim. Nhưng làm sao được. Đành thôi, Huế ơi. Trong tâm trạng đó, vừa đưa được một phần gia đình vào Đà Nẵng vào ngày 22 tháng 3, tôi vội chạy Honda quay trở ra để được nhìn Huế lần cuối. Nhưng không kịp nữa rồi! Đến đèo Phước Tượng, quốc lộ I bị cắt, đành phải theo đoàn người, trở ngược vào. Huế mất. Gia đình tôi bị chia hai. Vài ngày sau, Đà Nẵng lại nghe tin bị …bỏ. Thành phố chật ních người hoảng loạn. Kẻ xuôi, người ngược, hớt hơ hớt hãi. Người tìm cách chạy vào phi trường, người thì lên đường tiếp tục xuôi Nam, người lại chạy ra biển. Theo dòng người, tôi ra biển, dẫn gia đình “chạy” từ bến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đến cảng Cam Ranh; rồi từ Cam Ranh đến đảo Phú Quốc; từ Phú Quốc ngược về Vũng Tàu; từ Vũng Tàu về Sài Gòn ngày 26/4/1975, chứng kiến những ngày hấp hối của thủ đô nước Việt Nam Cộng Hòa.

Cộng sản tiến công, cả miền Nam chạy. Bất cứ chỗ nào nghe quân đội cộng sản sắp tiến vào là chạy. Từ cao nguyên chạy về đồng bằng, từ bắc chạy vào nam, từ các nơi chạy về Sài Gòn, từ đất liền chạy ra biển, trốn ra nước ngoài. Hễ còn chạy được là chạy. Đi bộ, đi xe, đi thuyền, đi tàu, đi máy bay, đi, đi, đi, đi đâu, miễn là thoát khỏi cộng sản. Chạy trở thành một bi kịch lịch sử gắn liền với biến cố 1975: khước từ sự cưỡng bức. 

Khúc hát quen thuộc ngày nào tự nó mang ý nghĩa chua chát: Từ bắc vô nam…chia lìa nắm tay![5]

5. Nhiễu nhương

Cộng sản vào, miền Nam lộn ngược. Huế đánh mất mình.

Một trong những đặc tính cộng sản: kiêu ngạo. Đôi khi là thứ kiêu ngạo mang tính cách thần thoại trong các truyện tiên, thánh dành cho trẻ con. Chẳng hạn:

Nghiêng đồng đổ nước ra sông

Vắt đất ra nước thay trời làm mưa [6]

Xin đọc vài trích đoạn từ một bài ký khá dài, Những chặng đường Y khoa của tôi, của một bác sĩ viết văn, chị Nguyễn Thị Kim Thoa – vợ của người bạn “đối nghịch” của tôi, nhà thơ Chu Sơn, một cán bộ cộng sản nằm vùng, phụ trách trí vận – ghi lại một số nét chấm phá về cuộc sống của sinh viên trường Y khoa Huế sau tháng 4/1975. 

Khoảng 50% giáo sư, và khoảng 90% sinh viên trường Y quay trở lại với tâm trạng “hàng thần lơ láo”. Bộ khung cán bộ giảng dạy từ miền Bắc vào cùng với Ủy ban quân quản tách thầy trò chúng tôi làm hai nhóm lao động buổi sáng và học chính trị buổi chiều. Đạo đức xã hội chủ nghĩa được đúc kết thành vè “Lao động là vinh quang – Ngồi không ở nể xóm làng cười chê”. Theo đó, người Cộng sản cho rằng chỉ có làm việc bằng cơ bắp dưới chỉ trỏ của cán bộ đảng viên mới là lao động đúng nghĩa. (…) Chúng tôi còn tham gia đào kênh thủy lợi nam sông Hương. Đây là công trình thủy lợi trọng điểm của Thừa Thiên – Huế nhằm kéo nước từ sông Hương băng qua núi đồi làng mạc phía tây nam thành phố để tưới cho 5000 mẫu ruộng thuộc khu vực huyện Hương Thủy. Nhưng, nước không thể chảy ngược, nên nước không thể về tới ruộng đồng theo ý chí của đảng Cộng sản, mặc dù hàng trăm ngàn công sức lao động đã bỏ ra, hàng ngàn ngôi mộ và hàng trăm ngôi nhà phải di dời. Kênh thủy lợi biến thành đường đi và hang ổ của chuột.” [7] 

Kiêu ngạo cộng sản, không chỉ là một thái độ, mà là một căn bệnh. Nó xuất phát từ niềm tin vào tính “thần thánh” của chủ nghĩa cộng sản. Những nghị quyết của đảng và nhà nước trở thành một thứ cẩm nang, khi cần, đám “tín đồ” cử mở ra, theo đó mà làm hay giải thích tất cả mọi chuyện, một cách hữu lý. Không cần quan tâm chuyện đúng – sai, thắng lợi – thất bại. Vương Trí Nhàn, nhà nghiên cứu văn học miền Bắc, có lần nhận xét: “Ta từng lấy ma nạt người, lấy những cái không ai biết ở đâu, để giải thích những cái ai cũng biết, làm cho người ta không biết đằng nào mà lần. (…) Cái hệ tư tưởng của chúng ta hiện nay nó sắc bén đến nỗi nó đúng với mọi trường hợp trong thực tiễn, và khi nó vận dụng vào một thực tiễn như ở nước ta, thì nó vừa là vũ khí của kẻ đúng, lại là vũ khí của kẻ sai … Tôi đã thấy rất nhiều trường hợp những người thuộc các loại kinh này lầu lầu, nhưng làm sai, và họ lại hoàn toàn biện hộ được cho chỗ sai của họ.”[8] 

Chí lý!

Một đặc điểm cộng sản khác: căm thù.

Khi chưa nắm được chính quyền thì gây “căm thù giai cấp” để chiêu dụ người nghèo, gây “căm thù đế quốc” để chiêu dụ người yêu nước và gây “ảo tưởng chân lý” (công bằng, bình đẳng, giải phóng) để chiêu dụ trí thức. Miếng mồi này ấy thế mà hữu hiệu: biết bao người rơi vào bẫy. Căm thù, từ lý thuyết, dần dà trở thành tình cảm: nó biến nhiều người thành cuồng tín. 

Một đặc điểm cộng sản khác nữa: đập phá.

Khi nắm được chính quyền rồi là cộng sản bắt đầu đập phá tất tần tật, không trừ một thứ gì, nghèo không tha giàu không bỏ sót, “địch thiệt” cũng đánh mà “địch giả” (là ta) cùng đánh. Đánh truyền thống, đánh quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, đánh những giá trị đặc thù của xã hội cũ đến các sinh hoạt vô cùng bình thường và tự nhiên trong cuộc sống. Thái Bá Tân hình tượng hóa đặc điểm này một cách khá cụ thể:

Giao cộng sản quản lý
Sa mạc Sahara,
Thì năm năm sau đó,
Hay thậm chí chỉ ba,
Sa mạc sẽ hết cát.
Vì sao, vì anh này
Lãng phí và thất thoát
Là vô địch xưa nay. [9].

Để củng cố sức mạnh của mình, người cộng sản cần kẻ thù. Không có thì tạo ra. Vì thế, bạn có thể trở thành kẻ thù của đảng và nhà nước bất cứ lúc nào. Chỉ cần dàn dựng một kịch bản. Kịch bản lớn: cải cách ruộng đất, bài trừ văn hóa đồi trụy, học tập cải tạo; kịch bản nhỏ: trốn thuế, lợi dụng tự do dân chủ; kịch bản nhỏ hơn nữa nhắm vào từng cá nhân: vụ Cát Thanh Long, Đinh La Thăng. Vân vân và vân vân. Có thể nói, chế độ cộng sản là một chuỗi vô cùng tận của những kịch bản. Nhiều quá, tính không xuể. Sai ư? Thì sửa. Đúng ra, chẳng sửa gì, chỉ là dàn dựng một kịch bản khác. Cần nước mắt, có ngay nước mắt: khóc trước quần chúng. Cần “bệnh lạ”, có ngay “bệnh lạ”: trường hợp một số quan cức cao cấp bị bệnh và qua đời một cách mờ ám trong thời gian qua. 

Không đâu xa, ngay tại Huế, trường hợp Nguyễn Thúc Tuân:

Kịch bản 1: “Ngày 11/12/1980, tại hội trường Ba Đình, trong phiên họp toàn thể của Quốc hội, các đại biểu được nghe báo cáo về một vụ án gián điệp gây rúng động cả nước, mà tội phạm là một đại biểu Quốc hội, một đảng viên, cán bộ cách mạng lâu năm, Trưởng ty Thể dục Thể thao tỉnh Bình Trị Thiên. Người đó tên là Nguyễn Thúc Tuân, “can tội gián điệp, đã bị tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên kết án 18 năm tù. Vì vậy, đương nhiên Nguyễn Thúc Tuân mất tư cách đại biểu Quốc hội.” 

Kịch bản 2: Sáu năm sau, “ngày 16/11/1986, ông Tuân được ra khỏi trại cải tạo. Đến ngày 29/11/2001, Chánh án TAND [Tòa Án Nhân Dân] Thừa Thiên-Huế ra quyết định (số 02/QĐ/XA) “xóa án” cho ông Nguyễn Thúc Tuân.”[10]

Một trong những công trình đập phá lớn nhất và gây ảnh hưởng lâu dài nhất đưa đất nước đến chỗ kiệt quệ: triệt tiêu guồng máy thương nghiệp năng động và phong phú của miền Nam. Tôi còn nhớ câu khẩu hiệu được kẻ trên nhiều bức tường hay giăng ngang đầu ngõ ở các khu phố:

Con bò có một cục u

Ai mà buôn bán thì cũng ngu như (con) bò

Cấm buôn bán, công an và thuế vụ trở thành một đội ngũ kiêu binh, tự tung tự tác, chuyên lùng sục, bắt bớ và tịch thu bất cứ vật dụng hay sản phẩm gì mang ra trao đổi trên thị trường. Thay thế cho buôn bán là một chế độ bao cấp toàn diện mà hậu quả là đẩy lùi đất nước về cả trăm năm trước. 

Một trích đoạn khác,  cũng của Nguyễn Thị Kim Thoa:

Cải tạo xong thì đến lượt đổi tiền. Đổi tiền hai lượt cách nhau mấy tháng. Không riêng gì tư sản, tất cả nhân dân Miền Nam đều bị lột sạch, bất kể giàu nghèo. 1000 đồng tiền Ngụy đổi lấy 01 đồng tiền cách mạng. Qua hai lần đổi tiền như thế từ tháng 6. 1975 gia đình tôi có 6 nhân khẩu cầm hơi hàng ngày với ba khẩu phần được mua hàng tháng tổng cộng 12kg gạo, 36kg khoai sắn mốc hay bột mì, bo bo, 1,5 kg thịt heo. (…) Còn có nhiều gia đình bi đát gấp mười gấp trăm lần anh chị chúng tôi: Cha anh đi học tâp cải tạo chẳng biết bao giờ về, anh vượt biên bị bắt, nhà cửa bị cướp, mẹ mất việc, con không được vào đại học phải lê la đói khát đầu đường xó chợ hoặc phải đi kinh tế mới. Tình cảnh chung của nhân dân Huế và nhân dân miền Nam là như thế. Không có gia đình nào là không bị cải tạo. Không Ngụy quân thì Ngụy quyền, không tư sản, trí thức thì cũng là dân Ngụy đều bị cải tạo, có nghĩa là đều bị ăn cướp.”[11]

Một công trình đập phá khác còn tàn khốc hơn nữa: tiêu diệt nền Văn Học Miền Nam[12]. Tịch thu, đốt sách đồng thời truy bức và đưa những nhà văn, nhà thơ và nhà nghiên cứu miền Nam vào tù rõ ràng là chính quyền cộng sản lập lại chính sách “phần thư khanh nho” của Tần Thủy Hoàng thuở nào. Thời gian này, tôi đã ở trong trại tù, không có dịp chứng kiến tận mắt. Mời đọc lại một mẩu tin trên nhật báo “Sài Gòn giải phóng” ngày 25/5/1975:

Ngày 23-5-1975, trên nhiều đường phố Sài Gòn, “khí thế ra quân” của chiến dịch vô cùng sôi nổi: “Đoàn thanh niên nam nữ đi qua các đường phố và hô to nhiều khẩu hiệu đả đảo văn hoá ngoại lai đồi truỵ mất gốc phản động. Đi đầu là xe phóng thanh với một biểu ngữ dài có ghi: ‘Đội thanh niên sinh viên học sinh xung kích bài trừ văn hoá dâm ô phản động’. Theo sau là sinh viên, học sinh sắp hàng bảy, hàng tám xuất phát từ trụ sở của lực lượng thanh niên tự vệ Thành phố, số 4 Duy Tân. Đoàn diễn hành kéo dài có đến hàng cây số đường, tất cả mọi người đều có một tấm biểu ngữ trên tay (…) Ngay sau cuộc tuần hành trên đường phố của hàng chục ngàn thanh niên vệ binh, “đồng bào và các tiệm sách đã đem nộp cho đội Quận 7 một số lượng sách báo đồi trụy phản động, tất cả là mười ba xe ba gác. Ngoài ra các hàng sách bày bán trên hai lề đường Lê Lợi, Công Lý cũng tự nguyện dọn sạch và đem nộp. Trên đường Hai Bà Trưng cũng có ba nhà sách tự động đem nộp trên hai mươi cuốn. Đặc biệt, cùng ngày này, 22-5-1975, nhà sách Phúc Bài, 186 Nguyễn Thiện Thuật, Sài Gòn 3 đã tự nguyện đem nộp cho Hội Bài trừ Văn hoá đồi truỵ phản động bốn ngàn cuốn sách các loại”.[13]
Trích đoạn từ tập Hồi Ký của Nguyễn Hiến Lê sau đây cho thấy hình ảnh tiêu biểu của chiến dịch đập phá quy mô đó diễn ra trên toàn miền Nam: 

Một trong những công việc đầu tiên của chính quyền là hủy tất cả các ấn phẩm (sách, báo) của bộ Văn hóa ngụy, kể cả các bản dịch tác phẩm của Lê Quí Đôn, thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Du; tự điển Pháp, Hoa, Anh cũng bị đốt. Năm 1976 một ông thứ trưởng Văn hóa ở Bắc vào thấy vậy, tỏ ý tiếc. Nhưng ông thứ trưởng đó có biết rõ đường lối của chính quyền không, vì năm 1978, chính quyền Bắc chẳng những tán thành công việc hủy sách đó mà còn cho là nó chưa được triệt để, ra lệnh hủy hết các sách ở trong Nam, trừ những sách về khoa học tự nhiên, về kĩ thuật, các tự điển thôi; như vậy chẳng những tiểu thuyết, sử, địa lí, luật, kinh tế, mà cả những thơ văn của cha ông mình viết bằng chữ Hán, sau dịch ra tiếng Việt, cả những bộ Kiều, Chinh phụ ngâm… in ở trong Nam đều phải hủy hết ráo. 

Năm 1975, sở Thông tin văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đã bắt các nhà xuất bản hễ sách nào còn giữ trong kho thì phải nạp hai hay ba bản để kiểm duyệt: sau mấy tháng làm việc, họ lập xong một danh sách mấy chục tác giả phản động hay đồi trụy và mấy trăm tác phẩm bị cấm, còn những cuốn khác được phép lưu hành. 

Nhưng đó chỉ là những sách còn ở nhà xuất bản, những sách tuyệt bản còn ở nhà tư nhân thì nhiều lắm, làm sao kiểm duyệt được? Cho nên sở Thông tin văn hóa ra chỉ thị cho mỗi quận phái thanh niên đi xét sách phản động, đồi trụy trong mỗi nhà để đem về đốt. Bọn thanh niên đó đa số không biết ngoại ngữ, sách Việt cũng ít đọc, mà bảo họ kiểm duyệt như vậy thì tất nhiên phải làm bậy. Họ vào mỗi nhà, thấy sách Pháp, Anh là lượm, bất kì loại gì; sách Việt thì cứ tiểu thuyết là thu hết, chẳng kể nội dung ra sao. Lần đó sách ở Sài gòn bị đốt kha khá. Nghe nói các loại đồi trụy và kiếm hiệp chất đầy phòng một ông chủ thông tin quận, và mấy năm sau ông ấy kêu người lại bán với giá cao. Lần thứ nhì năm 1978 mới làm xôn xao dư luận. Cứ theo đúng chỉ thị “ba hủy”, chỉ được giữ những sách khoa học tự nhiên, còn bao nhiêu phải hủy hết, vì nếu không phải là loại phản động (một hủy), thì cũng là đồi trụy (hai hủy), không phải phản động, đồi trụy thì cũng là lạc hậu (ba hủy), và mỗi nhà chỉ còn giữ được vài cuốn, nhiều lắm là vài mươi cuốn tự điển, toán, vật lí…”[14] 

Huế, ngoài tai ách chung đó, còn chịu đựng một tai ách riêng: sáp nhập tỉnh. 

Vừa chiếm xong Huế, cộng sản cho sáp nhập ngay hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình vào Thừa Thiên-Huế thành Bình-Trị-Thiên.[15] Người Huế mỉa mai: Quảng Bình “trị” Thừa Thiên. Huế trở thành thành phố bị “trị”. Chữ nghĩa vận vào hiện thực. Do sáp nhập, nhiều cán bộ từ Quảng Bình được chuyển vào “chi viện” cho Huế, nắm giữ những vai trò quan trọng. Là thành phần được tin cậy và được đào luyện lâu năm trong lò cộng sản, họ là những ông chủ mới, quyền uy và hống hách, trở thành nỗi sợ hãi thường xuyên của người Huế, vì gia đình nào cũng có dính dáng đến “ngụy”, kể cả gia đình của những nhà trí thức, sinh viên học sinh thân cộng trong phong trào đô thị. Lập luận của họ rất đơn giản: đã sống với “ngụy” là có nhiễm máu “ngụy”. Thế là, họ tìm mọi cách thủ lợi cho bản thân và gia đình, hoặc bằng chiếm đoạt hoặc bằng nhũng lạm. Hiện tượng này gây bất mãn, không những chỉ trong người dân bình thường mà ngay trong hàng ngũ cán bộ. Đây là lý do chính đưa đến một phong trào đòi tách tỉnh về sau, mà một trong những người khá lớn tiếng là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Phải đến năm 1989, người Quảng Bình mới khăn gói ra đi. Khi vào, vô sản. Khi đi, hữu sản. Trắng đen lộ rõ: lý tưởng cộng sản, rốt cuộc, không khác gì chuyện được, thua trong lịch sử, chỉ tóm gọn vào hai chữ: quyền và lợi.

Đã bị tước đi cái quyền mua bán đổi chác trong một xã hội bình thường, lại còn bị người trên rừng trở về và người ngoài Bắc tràn vô lấn chiếm và ức hiếp, người Huế cảm thấy mất đất đứng ngay trên thành phố của mình. Tức nước vỡ bờ, trong khoảng thời gian từ cuối năm 1977 đến đầu năm 1978, dân Huế đã tiến hành nhiều hoạt động chống đối chính quyền cộng sản qua một loạt sự kiện lớn, nhỏ tại nhiều nơi:[16] treo cờ VNCH tại Ty Thông Tin Thừa Thiên-Huế, trong chợ Đông Ba, tại Nhà Hát Lớn, phá đài liệt sĩ trước Phú Văn Lâu,[17] phá Đài Phát Thanh Đông Hà, ném lựu đạn vào buổi biểu diễn văn nghệ bộ đội ở Phú Vang…Quy cho những hoạt động trên là phản động dưới sự tổ chức của  “Mặt Trận Phục Quốc Trị-Thiên” do ông Phạm Lự cầm đầu và “Mặt Trận Thống Nhất Dân Quân Phục Quốc” do các nhà giáo Nguyễn Nhuận, Trần Ngọc Quờn và Tống Châu Khang chủ xướng, chính quyền cộng sản ra tay đàn áp, bắt giữ hàng ngàn người và đưa ra xét xử công khai trong một phiên tòa  – về sau, được gọi là “Vụ Mậu Ngọ” (1978) – diễn ra tại giảng đường Karate, trường Đại Học Sư Phạm Huế. Tất cả những người dính líu đều bị lãnh những bản án nặng nề. Tám (8) người thuộc thành phần lãnh đạo như Phạm Lự, Phan Ngọc Lương, Nguyễn Nhuận, Tống Châu Khang, Mai Thị Cặn…bị kết án tử hình; chín (9) người bị chung thân và hàng chục người khác bị tù từ 3 năm đến 20 năm; có người (anh Đinh Hữu Sanh) lãnh án 26 năm. Ngoài ra, hàng trăm người khác tiếp tục bị truy đuổi khắp nơi từ Huế vào Sài Gòn, đến tận các tỉnh miền Tây xa xôi như Rạch Giá, Cà Mâu.  Án tử hình được thi hành một thời gian ngắn sau phiên tòa. Theo nguồn tin từ dân chúng địa phương, bốn người bị xử bắn tại khu vực Chín Hầm và ba người bị xử bắn ở Quảng Trị và một nơi khác. Riêng bà Mai Thị Cặn, người mang chất nổ định phá nổ phòng  “Trưng Bày Tội Ác Chiến Tranh Mỹ-Ngụy”, thì cắn lưỡi tự tử trong nhà giam. Đây là vụ dấy loạn lớn nhất, quy mô nhất và có số người bị tử hình nhiều nhất trên toàn miền Nam, sau biến cố 4/1975. 

Trong số những người bị tử hình, tôi quen thân với Phan Ngọc Lương. Anh sinh năm 1940 tại Hương Trà, theo học trường Võ Bị Sĩ Quan Đà Lạt khoá 17. Năm 1968, anh là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3,Trung Đoàn 3, chỉ huy trận đánh giải tỏa khu Thành Nội Huế từ tuyến đường cửa An Hòa năm Mậu Thân. Năm sau, 1969, trong trận đụng độ lớn ở Thanh Quýt, Quảng Nam giữa tiểu đoàn tăng viện của anh và bộ đội cộng sản, anh bị thương nặng, được trực trăng chở đi cấp cứu tại Hạm Đội 7. Anh được cứu sống nhưng chịu một mất mát lớn: cụt một chân ngang tận háng, phải thường xuyên đeo chân giả, đi, đứng hay ngồi đều rất khó khăn; bàn tay trái bị teo rút, gần như không sử dụng được. Trong trận nầy, nhờ cứu được một cố vấn Mỹ thoát chết, anh được Quốc Hội Hoa Kỳ trao tặng huy chương “Ngôi Sao Bạc”. Tuy là một sĩ quan tác chiến, nhưng anh thích giao du với giới trí thức văn nghệ sĩ ở Huế, kể cả những thành phần tả khuynh như các nhà giáo Võ Văn Đông, Văn Hữu Tứ và đặc biệt, chơi khá thân với Trịnh Công Sơn. Sau trận giải tỏa Huế thành công, tiểu đoàn anh được lưu lại ở thành phố trong một thời gian để giữ gìn an ninh trật tự. Vào một ngày tháng 4/1968, anh tổ chức một buổi văn nghệ dành cho lính trong phòng hội của trường Mỹ Thuật Huế tọa lạc trong Đại Nội, nơi Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn trú đóng, với sự góp mặt của một số giáo chức, bằng hữu và văn nghệ sĩ địa phương, trong đó có Trịnh Công Sơn và tôi (Trần Doãn Nho). Tối hôm đó, Trịnh Công Sơn hát một số bài tình ca và một đoạn trong ca khúc vừa mới sáng tác của anh đề cập đến vụ thảm sát Mậu Thân, mà sau này được hoàn chỉnh thành “Bài ca dành cho những xác người”. Riêng tôi, tôi góp phần với ca khúc “Lòng mẹ Việt Nam” của Lê Thương. 

Sau 4/1975, do thương tật và đã giải ngũ, anh được miễn đi tù cải tạo, chỉ “học tập” tại địa phương. Tuy nhiên, anh không chịu ngồi yên mà tích cực tham gia các phong trào chống đối với tư cách “cố vấn”, do đó, bị xếp vào thành phần lãnh đạo và bị kết án tử hình. Theo lời kể của một số tù nhân trong lao Thừa Phủ, thì ngày ra pháp trường, khi đi ngang qua sân nhà lao, anh nói thật lớn cho mọi người cùng nghe, “Các anh em nhớ, hôm nay là ngày giỗ của Phan Ngọc Lương.” Gia đình không hề được thông báo về ngày xử bắn. Chỉ khi được mời đến nhà lao để nhận lại “tư trang” và “di chúc”, thì thân nhân mới hay anh đã đền nợ nước.  Người thân trong gia đình anh cho biết, “di chúc” của anh ngắn gọn, chữ viết rõ ràng, dặn dò vợ con một số việc riêng. Cuối thư, anh xin lỗi gia đình, đồng thời tỏ ý “không buồn phiền và trách móc ai.”  

Huế được hưởng một nền hòa bình trong tan tác và tan nát!

Bế tắc, Huế bung ra khắp nơi: đi buôn. Do tình trạng kiểm soát hàng hóa nghiêm ngặt trên mọi tuyến đường, tất cả hình thức buôn bán đều bị quy cho là buôn lậu. Để thoát khỏi mạng lưới công an và thuế vụ, con buôn phải chuyển hàng qua từng chặng. Huế là chặng trung chuyển, nên hàng từ Lào về, từ Hà Nội vào hay từ Sài Gòn ra đều dừng lại ở Huế trước khi đi tiếp. Không lâu sau tháng tư 1975, dân Huế (đúng ra, phải nói là phụ nữ Huế) vượt vĩ tuyến 17 ra miền Bắc, mua bán tem phiếu, thuốc tây, đồng hồ, vàng, xe đạp…, đồng thời móc ngoặc với đủ thứ cơ quan nhà nước từ tỉnh, huyện đến trung ương,  để chuyển hàng hóa từ quốc doanh ra thị trường chợ đen.  Bản thân tôi, trong những ngày xuôi Nam ngược Bắc kiếm sống, tôi đã gặp người Huế ở nhiều nơi khác nhau: chợ Ba Đồn (Quảng Bình), chợ Vinh (Nghệ An), chợ Rồng (Nam Định), chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Sắt (Hải Phòng) ở phía Bắc cho đến vùng Long Khánh, các chợ đầu mối ở Sài Gòn hay các chợ Bạc Liêu, Năm Căn, nơi tận cùng đất nước ở phía Nam. Người Huế buôn đủ loại hàng, từ những hàng tạp hóa lỉnh kỉnh hay hàng đại “xịn” như trầm, vàng cho đến những mặt hàng kồng kềnh như máy kéo, máy nổ, kể cả những thứ hàng đặc biệt như áo lính NATO và có khi cả xác lính Mỹ. Không những thế, còn kiêm luôn cả những “dịch vụ” không tên khác: chạy cò, bán vé chợ đen, nhảy tàu, gom hàng, chuyển hàng…Bằng những hoạt động tự phát này, vô hình trung, dân Huế “tập” cho người miền Bắc thói quen buôn bán kiểu thị trường. Đồng thời, qua phong cách, qua trình độ văn hóa, họ góp phần giúp cho dân bên kia vĩ tuyến có được hình ảnh thực sự về tính cách và hoàn cảnh của đồng bào họ ở trong Nam, xóa tan đi những thành kiến mà nhà nước cộng sản gán cho người dân sống dưới chế độ VNCH trước đó.

Đi buôn (lậu), ngoài việc kiếm sống, còn là một nỗ lực của dân Huế nói riêng và dân miền Nam nói chung trong cuộc chiến chống lại cơ chế bao cấp của nhà nước cộng sản. Cùng tắc biến, biến tắc thông. Nhờ thế, dù phải trải qua vô vàn khó khăn, hàng hóa được lưu thông, giúp giải quyết một phần nào đời sống của rất nhiều người trong hoàn cảnh ngặt nghèo cùa đất nước dưới chế độ toàn trị.

(còn nữa)
Trần Doãn Nho

*Trần Doãn Nho: Nỗi Huế (P.1)

https://diendantheky.wpengine.com/tran-doan-nho-noi-hue-p-1/


————–

[1] Bộ đội cộng sản bắt đầu tấn công Huế vào khuya mồng Một (29/1) rạng sáng mồng Hai (30/1), kéo dài cho đến gần cuối tháng Giêng năm Mậu Thân (2/1968), tất cả là 26 ngày.

[2] Nguyễn Quý Đức, “Revisiting Vietnam 50 Years After the Tet Offensive” (Nhìn lại Việt Nam 50 năm sau Cuộc Tổng Tấn Công Tết), tạp chí Smithsonian (Washington DC) số tháng 1&2/2018. Xem:
[3] Nguyễn Quý Đức mở hai tiệm ăn bán thức ăn Nhật tại Hà Nội.

[4] “Nỗi Huế”, thơ Trần Doãn Nho
[5] Tạm nhái câu hát của Trịnh Công Sơn trong bài “Nối vòng tay lớn”.

[6] Tinh thần, ý chí chống hạn không biết mệt mỏi của người dân lao động: không để lúa thiếu nước nghẹn đòng, toàn xã xuống đồng vắt đất ra nước, thay trời làm mưa, đưa nước đến từng chân ruộng, từng gốc lúa.

https://chunom.net/Tu-dien/Y-nghia-cua-tu-vat-dat-ra-nuoc-thay-troi-lam-mua-69053.html

[7] Nguyễn Thị Kim Thoa, Những chặng đường Y khoa của tôi

Những chặng đường Y Khoa của tôi — Diễn Đàn Forum (diendan.org)

[8] Vương Trí Nhàn, Nhật ký chiến tranh (1972-1975)

[9] Thái Bá Tân, Những câu nói nổi tiếng về Cộng Sản. Xem trang Đào Viên

[10] Trang mạng Tiền Phong, Vụ án gián điệp’ 35 năm trước: Cụ già 101 tuổi kêu oan

[11] Nguyễn Thị Kim Thoa, Những chặng đường Y khoa của tôi

[12] Nguyễn Hiến Lê, Hồi ký,  tập III

[13] Saigon Giải phóng (nhật báo) ngày 25-5-1975. Xem:

[14] Nguyễn Hiến Lê, Hồi ký, Phần IV, chương XXX, tr. 492, 493

[15] Nhiều tỉnh khác cũng bị sáp nhập: Phú-Khánh (Phú Yên-Khánh Hòa), Nghĩa-Bình (Quảng Ngãi, Bình Định)…

[16] Theo tài liệu của Ty Công An Bình Trị Thiên và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Bình Trị Thiên, thì nhà cầm quyền cộng sản “đã điều tra, triệt phá thành công nhiều tổ chức phản cách mạng như tổ chức “Mặt trời dân tộc cách mạng Đảng”, “Mặt trận phục quốc Trị Thiên”; ngăn  chặn hơn 149 vụ với 1168 người, bắt 7 nhóm với 79 tên chuyên móc nối, tổ chức người trốn đi nước ngoài để lấy tiền, vàng…” Xem:

[17] Trích đoạn: “Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, ngay trên sân đình Nghinh Lương, trước Phu Văn Lâu, một đài liệt sĩ cao chừng 3,5m được bộ đội nhanh chóng dựng lên bằng vật liệu tạm (tôn với gỗ), sơn đỏ, kẻ chữ bằng sơn vàng: “Tổ quốc ghi công”. Tác giả thiết kế công trình kia là trung tá Hồng Khang, trưởng phòng Doanh trại quân khu IV bấy giờ. Năm 1977, đài liệt sĩ kia bất ngờ bị một bàn tay nào đấy giật mìn phá vỡ tung. Hầu tránh dư luận bất lợi, ngay trong đêm, lực lượng quân đội và công an được điều đến Nghinh Lương đình để dọn dẹp hiện trường, đồng thời nhanh chóng dựng lại đài liệt sĩ y như cũ trước bình minh.” (Phanxipăng)