Trần Doãn Nho: Ví von

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường (Nguyễn Du)
AI generated

Ví von, nói một cách đơn giản, là so sánh sự kiện này với sự kiện khác, vật này với vật khác, ý niệm này với ý niệm khác. Trong đời sống hàng ngày ví von được sử dụng rất nhiều để mô tả các sự kiện, các hiện tượng sinh hoạt hay trao đổi ý kiến và tâm tình giữa các cá nhân. Đó là một trong những hình thức diễn đạt ngôn ngữ giúp cho câu nói hay câu văn trở nên phong phú về mặt ý nghĩa, tăng thêm độ sâu sắc, thâm trầm của tình cảm và tư tưởng. Thông thường người ta ví von bằng cách sử dụng chữ “như”: đứng sững như tượng đá, la như quạ quạ bẻ bắp, gặp lại nhau vui như nắng hạn gặp mưa rào, đẹp như tiên, xấu như quỷ, hiền như Bụt, nắng như đổ lửa, mưa như cầm chỉnh đổ, lạnh như tiền…

Trong rất nhiều trường hợp, chữ “như” không có mặt trong câu nói, nhưng vẫn có tính ví von vì thực ra, chữ “như” hoặc bị lượt bỏ đi, hoặc nằm tiềm ẩn. Chẳng hạn: mưa nặng hạt (giọt mưa nặng như hạt của trái cây rơi), mưa bụi (giọt mưa nhỏ li ti như hạt bụi), mưa bay (giọt mưa rơi nhẹ nhàng như đang bay), nắng trong (nắng trong như nước trong), ngồi rục cùi thúi cuống (ngồi một chỗ quá lâu như trái cây để chín lâu ngày cùi và cuống đều hư), lòng ngay dạ thẳng (lòng dạ thẳng thắn như khúc cây ngay thẳng, không quanh co, khúc khủyu) … 

Văn chương – nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ -, là nơi mà hình thức ví von được khai triển, tận dụng và thậm chí lạm dụng, đến mức tối đa, bằng nhiều hình ảnh linh động, đa dạng và biến ảo không lường. Tuyệt chiêu nằm ở chỗ: nói ví von nhưng không thấy đó là ví von. Mô tả nỗi lòng của Thúy Kiều trước cảnh chia cách với Thúc Sinh, Nguyễn Du viết:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường (Nguyễn Du)

Đọc lên, nghe mặn mà, thấm thía cảnh chia ly. Hay! Hay ở đâu? Ở chỗ ví von. Mới đọc qua, ta chẳng thấy có gì ví von cả. Thực ra, có đến ba ví von. Một, ví mặt trăng với trái cây (xẻ làm đôi), hai, ví nó với cái khuôn in bánh (in gối chiếc) và ba, ví với cây đèn (soi dặm trường). “Xẻ”, “in” và “soi” là những động tác cụ thể kết hợp với các hình ảnh cụ thể khác là “vầng trăng”, “gối” và “dặm trường” (đường dài) tạo nên một cách diễn đạt hoàn toàn trừu tượng: tâm tình của đôi lứa bị chia cách. 

Để hiểu thêm tính cách đa dạng của ví von, tôi trích dẫn một số đoạn văn của nhiều tác giả khác nhau. 

Mô tả những con đường hẻm chằng chịt ở thành phố Sài Gòn, nhà văn Trần Thị NgH ví chúng với một dòng sông:

Như lạch nhỏ chảy ra sông, như sông chảy ra biển, hẻm của Sài Gòn chi chít chảy ra đường cái rồi chìm vào các đại lộ mang tên những anh hùng, liệt sĩ, văn nhân. (…) Dòng sông ồn ào vui nhộn đầm ấm cứ thế đều đặn chảy len qua những con hẻm nhỏ, thỉnh thoảng bỗng dềnh lên bởi cuộc rượt đuổi nghiêng ngửa giữa dân phòng và một tay trộm vặt, giữa công an và một kẻ giật dọc, hay giữa bà hỏa và những xô nước chuyền nhau từ dưới đất lên mái nhà, từ mái nhà qua mái nhà. Hẻm sẽ trở thành lòng chảo ngùn ngụt lửa khói nuốt trộng những căn nhà san sát chết chùm với nhau, bởi xe vòi rồng vô phương can thiệp.

Nghe thật lạ tai, nhưng lại vô cùng chính xác. Nếu đọc kỹ, ngoài con hẻm (như con sông) “chảy ra”, “chi chít chảy”, “chảy len”, “dềnh lên” (trồi lên, xuất hiện ra), ta sẽ thấy nhà văn còn sử dụng nhiều cách ví von cho những sự vật khác: ví lửa và khói của nhà cháy như “lòng chảo” và tàn phá các ngôi nhà như cái miệng “nuốt trộng”.

Nhà văn Tô Hoài ví con đò ngang đưa người qua sông như có lỗ tai:

Hai ông con qua đò ngang. Chiếc đò ngang xưa kia, ừ con đò ngang ngày ấy. Có lẽ như từ bao giờ vẫn thế. Bên này ới bên kia, con đò tai nghễnh ngãng, chểnh mảng, ẽo ợt, lững lờ sang. (Tô Hoài)

Lỗ tai đò bị lãng, nghe không rõ tiếng gọi đò của khách, nên “nghễnh ngãng”, “chểnh mảng”, “ẽo ợt”

Nhà văn Túy Hồng ví von bóng đêm với nhiều sự vật khác nhau:

Đêm đen láng. Đêm là một khoảng vô vi bao la dễ chịu. Giờ này nếu có một đoàn mèo mun dẫn nhau đi cũng không ai thấy. Đêm gắn muôn vàn khóe nhìn đăm đăm thật sát và phóng lớn đến vô tận. Đêm trời huyền, đêm có mái tóc dài, có màu lông ngựa ô, có mắt hạt nhãn và đêm là của riêng cho từng tâm hồn. Chùm lá tối tăm lay động trong thung lũng mực bao la căm lặng. Đêm đi vào trong sở hữu của từng tâm hồn khi ngày dứt ánh sáng không còn gì đáng thấy. (…) Đêm thơm như trầm mịn như tơ tằm và êm đềm như sóng lúa. Đêm hồng rực rỡ, đêm khỏa thân cho nỗi vui giòn tan và dí dỏm vỡ vụn ra thành từng mảnh ân tình. Đêm khơi mào tâm sự. 

Ví bóng đêm rất đen với tấm vải sa-tanh đen (đêm đen láng), với đoàn mèo đen (mèo mun dẫn nhau đi), với mái tóc đen, với lông ngựa ô, với thung lũng sâu. Không những thế, bà còn ví von cái yên tĩnh, lặng lẽ và êm đềm của ban đêm với mùi trầm, với tơ tằm, với những buổi hội hè vui vẻ.

Đỗ Khiêm có một hình ảnh rất bất ngờ trong một câu rất ngắn:

Tôi nheo mắt lại, ngả người vào trưa rất nắng.

Ví buổi trưa như cái ghế ngồi (ngả người vào trưa); sử dụng danh từ (nắng) như tính từ (rất nắng). Mấy câu sau đây, cũng của Đỗ Khiêm, cho ta một hình ảnh khác bất ngờ không kém:

Từ nhà ở phía sau, buổi trưa nào cũng vẳng tiếng dương cầm lác đác của bài Hạ Trắng. Chắc hẳn đó là một thiếu nữ, chơi đàn như hài nhi tập trở mình, còn cô bụ bẫm ra sao thì tôi không được thấy. 

Ví tiếng tập đánh đàn piano như “hài nhi tập trở mình”, rõ ràng là nhà văn muốn mô tả cái vụng về của người mới tập chơi dương cầm. 

Vũ Thị Huyền Trang ví những chiếc lá rơi như nỗi hờn giận của con người: tức tưởi rơi.

Cây mai trước nhà vừa trổ nụ vừa rực vàng thay áo, chiều nào lá cũng tức tưởi rơi. 

Phạm Thị Hoài còn đưa ra những ví von còn cụ thể và tượng hình hơn:

Người ta tranh giành, chửi rủa, bới móc, mạt sát nhau để trở nên sạch sẽ. Người ta dọn mình cho lễ tẩy rửa bằng cách xả văng mạng những ô uế chất chứa trong lòng lên đầu kẻ khác, cảm giác phi thẩm mỹ ở các quá trình dị hóa, nghi lễ trở thành một trào lưu, đám tín đồ thành tâm chỉ còn là 1 biển sóng Z có khả năng muốt chửng hết thảy, nhấn chìm hết thảy. 

Mới đọc qua, chắc chẳng mấy ai tưởng tượng rằng nhà văn đang mô tả cảnh tranh giành tắm rửa, giặt giũ ở giếng nước công cộng. Nhà văn ví thứ ngôn ngữ hàng tôm hàng cá được tuôn ra như một cách phóng uế đồ cặn bã trong cơ thể.

Lối ví von của Cung Tích Biền còn lạ hơn nữa:  

một thoáng nắng làm anh nhớ mồ mả cha ông (…) Một vệt mây đen trên đỉnh núi, rất vân cẩu lại rất phù du, trong mây đã lắm hoàng hôn.

Một “thoáng nắng”: ví chút nắng vừa chiếu qua (thềm) hay chiếu qua (cửa sổ) như một cái gì vừa tạt ngang. Ngoài ra, nhà văn còn biến danh từ (vân cẩu, hoàng hôn) thành tính từ (rất vân cẩu, rất hoàng hôn)

Cuối cùng, mời thưởng thức một đoạn văn ngắn của Mai Thảo, trích từ “Chuyến tàu trên sông Hồng”, một bút ký nổi tiếng đã góp phần tạo nên tên tuổi của nhà văn này:

Hình dung thấy con tàu đó trên con sông đó. Con sông Hồng Hà. Như dòng máu đỏ tươi chảy băng băng khắp vùng trí nhớ bâng khuâng. Con sông như một đời sống vĩ đại. Bên này bãi lở. Bên kia bãi bồi. Tiếng sóng giữa dòng trùng trùng ca hát. Tiếng sóng đập cái tiếng đập mênh mông đầu ghềnh nơi tả ngạn bị hủy xóa mải miết, nước xôn xao róc rách đẩy lùi mãi những bãi dâu và những nương khoai vào những chân tre cù. Nơi tả ngạn, ngọn sóng hiền lành lăn tăn êm ả trên những bãi ngầm nổi hình mùa lũ này qua mùa lũ khác. 

Mai Thảo ví con sông Hồng với “dòng máu đỏ tươi”; ví ký ức con người như một “vùng” (đất); ví tiếng sóng như giọng hát; ví tiếng nước chảy róc rách như lòng người “xôn xao”; ví ngọn sóng lăn tăn êm ả như tính tình “hiền lành” của một ai đó. Văn Mai Thảo nói chung, hơn bất cứ văn của nhà văn nào khác, chứa đầy những ví von đủ cách, đủ kiểu nối tiếp nhau khiến cho chúng vừa uyển chuyển mềm mại lại vừa bóng bẩy, màu mè, gây cảm giác thích thú nơi người đọc.

Có thế nói văn chương, ở một khía cạnh nào đó, là nghệ thuật ví von. Nghệ thuật đó giúp nhà văn vừa phản ảnh được hiện thực, đồng thời làm cho hiện thực trở nên đẹp đẽ hơn, phong phú hơn và nhiều ý nghĩa hơn.

Trần Doãn Nho