Trần Gia Phụng: Vận động ngoại giao cuối cùng trước ngày 30-4-1975

Trong cuộc chiến 1954-1975 giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Bắc Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam, khi tình hình càng ngày càng căng thẳng và bất lợi cho Nam Việt Nam, thì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, một nước cộng sản, mở cuộc vận động ngoại giao nhằm tránh sự sụp đổ của Nam Việt Nam.  Đây là một diễn biến khá bất thường, nên để tìm hiểu việc nầy, xin quay trở lại chủ trương ngoại giao của CHND Trung Hoa từ năm 1954 về vấn đề Đông Dương.

Nguyên sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17, nhà cầm quyền CHND Trung Hoa chẳng những bang giao với nhà cầm quyền cộng sản ở Bắc Việt Nam, mà còn đề nghị bang giao với chế độ tương lai thân tây phương ở Nam Việt Nam.  Tuy nhiên Nam Việt Nam đã từ chối. (Stanley Karnov, Vietnam A History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 204.  Nguyễn Văn Duệ, Nhớ lại những ngày ở cạnh tổng thống Ngô Đình Diệm, California, 2003, tt. 33-34.)  

Sự kiện nầy cho thấy tuy Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng chủ trương mở rộng ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt học thuyết hay chủ nghĩa chính trị, dù cộng sản hay tư bản, miễn sao có lợi cho CHND Trung Hoa. 

Ngày 8-3-1965, ở Nam Việt Nam, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng để giúp quân đội Nam Việt Nam chống quân đội cộng sản từ bắc vào nam.  

Hai tháng sau (5-1965) CHND Trung Hoa bắt đầu gởi quân qua giúp Bắc Việt Nam, nói rằng để giúp Bắc Việt Nam xây dựng hạ tầng cơ sở, đường sá, thiết lộ, cầu cống. Số quân nầy tăng dần lên tối đa trên 310,000 quân.  Quân đội CHND Trung Hoa chẳng những chỉ giúp Bắc Việt Nam, mà còn để bảo vệ mặt nam CHND Trung Hoa.  Lực lượng CHND Trung Hoa đóng rải rác khắp các tỉnh thành ở phía bắc sông Hồng.

Nguồn ảnh: The Blade, Toledo, Ohio: Thứ Ba 16-5-1989.(Trích lại từ DCVOnline.net, ngày 13-8-2012.)
Vị trí đóng quân của quân đội CHND Trung Hoa ở Bắc Việt NamChú thích: PLA = People LiberationArmy = Nhân Dân Giải Phóng Quân.Nguồn: Xiaobing Li, A History of the Modern Chinese Army,The University Press of Kentucky, 2007, tr. 2

Trong nội bộ khối cộng sản quốc tế, sau khi Stalin chết năm 1953, hai bên CHND Trung Hoa và Liên Xô bắt đầu tranh chấp nhau, rồi sau đó vào tháng 3-1969, quân đội hai nước thực sự đánh nhau tại vùng sông Ussuri (Ô Tô Lý), một phụ lưu của sông Amur, ở biên giới phía đông bắc Trung Hoa, nên hai bên càng thêm đố kỵ nhau.  

Bản đồ từ Google (Internet)

Trong khi tranh chấp với CHND Trung Hoa, Liên Xô tăng viện mạnh mẽ cho Bắc Việt Nam vừa để Bắc Việt Nam cầm chân Hoa Kỳ tại Á Châu, vừa để lôi cuốn Bắc Việt Nam về phía Liên Xô trong khối cộng sản quốc tế.  

Điều nầy khiến cho CHND Trung Hoa quan ngại rằng một khi Bắc Việt Nam chiến thắng Nam Việt Nam, làm chủ toàn bộ Việt Nam, thì đảng cộng sản Việt Nam sẽ rảnh tay phía nam, có thể liên kết với Liên Xô chống CHND Trung Hoa.  

Trong trường hợp Bắc Việt Nam thành công ở Việt Nam, CHND Trung Hoa có thể sẽ lâm vào thế hai đầu gặp địch: Liên Xô ở phía bắc, cộng sản Việt Nam ở phía nam.  Vì vậy CHND Trung Hoa ra sức vận động nhằm giữ cho Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam khỏi sụp đổ, để cầm chân Bắc Việt Nam.  Đồng thời CHND Trung Hoa bắt đầu thay đổi thái độ đối với Hoa Kỳ. (George J. Veith, sđd. tt. 555-556.)   

Về phía Hoa Kỳ, vào cuối thập niên 60, học thuyết địa lý chính trị (geopolitics) mới thịnh hành, cho rằng Bắc Việt Nam không nguy hiểm đối với Hoa Kỳ bằng Liên Xô và CHND Trung Hoa, là hai nước cộng sản thủ đắc võ khí nguyên tử, có thể bất ngờ tấn công hủy diệt Hoa Kỳ.  Học thuyết nầy khuyến khích Hoa Kỳ hòa hoãn với Liên Xô và CHND Trung Hoa, đồng thời rút quân ra khỏi Nam Việt Nam để tránh khiêu khích CHND Trung Hoa.

Thêm vào đó, lúc bấy giờ lại diễn ra những cuộc biểu tình phản chiến, chống chiến tranh Việt Nam rầm rộ khắp thế giới và tại nội địa Hoa Kỳ.  Sự kiện nầy ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào đầu tháng 11-1968.  Trong cuộc bầu cử năm nầy, dân chúng Hoa Kỳ chọn Richard Nixon làm tổng thống.  Khi tranh cử, Nixon hứa hẹn với dân chúng sẽ đem lại “hòa bình trong danh dự” cho Hoa Kỳ.  

Như thế, trước đây tuy đối địch nhau, nhưng nay Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa đều có nhu cầu xích lại gần nhau.  Dấu hiệu thân thiện công khai đầu tiên của cả hai bên là: CHND Trung Hoa mời đoàn tuyển thủ bóng bàn Hoa Kỳ sang thi đấu giao hữu tại Bắc Kinh ngày 14-4-1971; và cũng trong ngày nầy, Hoa Kỳ quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận CHND Trung Hoa, mà Hoa Kỳ đã thiết lập từ năm 1949.  

Cũng trong năm 1971, trong một cuộc tiếp tân tại tòa đại sứ Miến Điện ở Paris, đại diện của thủ tướng CHND Trung Hoa gặp gỡ và đàm đạo với tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong, một thành viên trong phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa đang tham dự hội nghị Paris.  Ông Phong đã từng cầm đầu phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc họp tại Paris ngày 18-1-1969 giữa bốn bên Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, để bàn về thủ tục hội nghị Paris sắp bắt đầu.  

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong không công bố nội dung cuộc gặp gỡ với đại diện của CHND Trung Hoa.  Về sau, ông cho biết sơ lược rằng đại diện của CHND Trung Hoa tỏ ý tìm cách liên lạc với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng tổng thống Thiệu không trả lời. (George J. Veith: “China and the Fall of South Vietnam: the Last Great Secret of the Vietnam War”. Internet: 9-2-2022: History and Public Policy Program.)

Vào đầu năm 1972, khi gặp Alexander Haig (lúc đó là Deputy National Security Advisor của tổng thống Hoa Kỳ) đến Bắc Kinh để bàn thảo chương trình thăm viếng CHND Trung Hoa của tổng thống Richard Nixon, thủ tướng CHND Trung Hoa là Châu Ân Lai đã dặn dò Haig rằng: “Do not lose in Vietnam.” (“Đừng để thua ở Việt Nam.”)  Theo Haig, CHND Trung Hoa quan ngại rằng Hoa Kỳ rút lui khỏi Đông Nam Á là điều nguy hiểm cho CHND Trung Hoa. (George J. Veith, sđd. tr. 557.)  

Ngoài ra, cựu phó tổng thống Việt Nam Cộng Hòa là Nguyễn Cao Kỳ (nhiệm kỳ 1967-1971), còn cho biết rằng CHND Trung Hoa đã cử đại diện tiếp xúc với ông tại Sài Gòn vào cuối năm 1972, đề nghị ông Kỳ đảo chánh lật đổ tổng thống Thiệu, rồi tuyên bố Nam Viêt Nam trung lập, không theo Hoa Kỳ, cũng không theo Liên Xô, thì CHND Trung Hoa sẽ ủng hộ ông Kỳ giữ cho Việt Nam Cộng Hòa khỏi sụp đổ. Tuy nhiên ông Kỳ đã từ chối đề nghị nầy. (George J. Veith, sđd. tr. 557.).

Sau trận Hoàng Sa ngày 19-1-1974, khi trả tù binh Việt Nam Cộng Hòa về nước, CHND Trung Hoa đề nghị với Việt Nam Cộng Hòa mở một cuộc họp giữa hai bên.  Việt Nam Cộng Hòa không trả lời.  Vào mùa hè năm đó (1974), CHND Trung Hoa nhờ người nói chuyện lần nữa với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng người nầy lại trình bày với đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn là Graham Martin, và đại sứ Martin cũng im lặng luôn. (George J. Veith, sđd. tr. 557.)  

Tất cả những sự kiện trên đây cho thấy ngay từ trước hiệp định Paris (27-01-1973) và trước khi CHND Trung Hoa rút hết quân ra khỏi Bắc Việt Nam (1973), CHND Trung Hoa muốn duy trì nguyên trạng miền Nam Việt Nam, không để Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.  

Xin đừng quên lúc đó người Việt gốc Hoa chẳng những tập trung khá đông ở Chợ Lớn (Sài Gòn), Biên Hòa, mà còn sống rải rác tại các thành phố dọc duyên hải Nam Việt Nam và các thành phố miền tây nam Việt Nam, qua tận Cambodia, hoạt động thương mại rất nhộn nhịp.  

Bên cạnh những vận động của CHND Trung Hoa, một người Pháp cũng góp sức nhằm duy trì Nam Việt Nam tránh sụp đổ năm 1975 là Paul Vanuxem.  

Paul Vanuxem đã từng tham chiến ở Việt Nam trước năm 1954 khi còn cấp bậc đại tá.  Về Pháp, ông thăng dần lên cấp trung tướng, rồi xuất ngũ vào giữa thập niên 60 và hoạt động trong ngành báo chí.  Tháng 4-1975, Paul Vanuxem đến Nam Việt Nam với tư cách là đặc phái viên của tuần báo Carrefour.  

Sáng ngày 30-4-1975, Paul Vanuxem đến dinh Độc Lập, gặp cựu đại tướng Dương Văn Minh, vừa nhận chức tổng thống chiều ngày 28-4-1975.  Hai bên có thể đã từng quen biết nhau từ thời còn là sĩ quan trong quân đội Liên Hiệp Pháp trước 1954.  Trong lúc Paul Vanuxem và Dương Văn Minh đàm luận, có ba người chứng kiến là Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Võ Diệp và Lý Quý Chung.

Nguyễn Hữu Hạnh nguyên là chuẩn tướng quân lực Việt Nam Cộng Hòa, giải ngũ tháng 4-1974, được tân tổng thống Dương Văn Minh giao chức phó tổng tham mưu trưởng quân đội. Sau ngày 30-4-1975, người ta mới biết Nguyễn Hữu Hạnh là kẻ “nằm vùng”, bí mật hợp tác với cộng sản khi còn tại ngũ.  Trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình PBS (Hoa Kỳ) năm 1981, Nguyễn Hữu Hạnh tiết lộ chi tiết cuộc gặp gỡ trên đây giữa hai cựu tướng Pháp-Việt. (George J. Veith, Drawn Swords in a Distant Land, New York: Encounter Books, 2021, tr. 559.)  (PBS = Public Broadcasting Service – Series Vietnam: A Television History.)

Nguyễn Võ Diệp đã từng giữ chức tổng trưởng bộ thương mại và kinh tế chính phủ Nguyễn Bá Cẩn ngày 14-4-1975, tức chính phủ cuối cùng thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.  

Lý Quý Chung là dân biểu nền Đệ Nhị Cộng Hòa, được cựu đại tướng Dương Văn Minh mời làm tổng trưởng thông tin.  Lý Quý Chung cho biết:  Trong cuộc nói chuyện tại dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, khi Paul Vanuxem đưa ra đề nghị với cựu đại tướng Dương Văn Minh hãy kêu gọi CHND Trung Hoa giúp đỡ để cứu vãn tình hình, thì cựu đại tướng Minh cười lớn và trả lời Vanuxem rằng: “…Tôi xin cảm ơn các ý định tốt đẹp của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã phục vụ như kẻ tay sai của Pháp, rồi kẻ tay sai của Mỹ.  Đủ rồi, tôi không muốn làm tay sai lần nữa…” (“… I thank you for your good intentions, but during my life I have already served as a lackey for the French and then as a lackey for the Americans.  That is enough, I do not want to be a lackey again…” (George J. Veith, sđd. tr. 560.)  [Lý Quý Chung sau năm 1975 là nhà báo Chánh Trinh, chuyên viết về thể thao.]

Chính phủ Pháp không lên tiếng về việc nầy vì nguyên tắc ngoại giao quốc tế là không can thiệp vào nội tình nước khác.  Trong khi đó, theo gia đình Paul Vanuxem, không thể có chuyện chính phủ Pháp giao cho ông việc liên lạc với cựu đại tướng Dương Văn Minh, vì Paul Vanuxem từng bị chính phủ Pháp khiển trách do ông đã liên hệ đến biến động ngày 21-4-1961 về vấn đề Algérie. Hơn nữa, vào năm 1975, chính phủ Pháp có sẵn tòa đại sứ tại Sài Gòn, thì chính phủ Pháp đâu cần đến Vanuxem. (George J. Veith, “China and the Fall of South Vietnam: the Last Great Secret of the Vietnam War”. Internet: 9-2-2022.)  

Ngang đây, một câu hỏi được đặt ra là nếu Paul Vanuxem tự mình đứng ra vận động, thì ông vận động để làm gì? Vận động cho ai?  Thêm nữa, trước khi đề nghị với cựu đại tướng Minh kêu gọi CHND Trung Hoa giúp đỡ, phải chăng Paul Vanuxem đã liên lac trước với các giới chức CHND Trung Hoa nên ông mới biết dự tính của nước nầy, hay Vanuxem chỉ tiên đoán ý định của CHND Trung Hoa?  Vẫn chưa có câu trả lời.  

Lúc đó, Pháp còn nhiều quyền lợi ở Nam Việt Nam, nhứt là việc giao thương và các đồn điền Pháp ở Nam Việt Nam. Việt Nam còn được Pháp sắp vào nhóm “francophonie” (cộng đồng Pháp ngữ).  

Vào năm 1975, sau khi quân đội Bắc Việt Nam chiếm quân khu I ngày 29-3-1975, chiếm quân khu II ngày 18-4-1975, và tiến xuống phía nam, đe dọa Sài Gòn, thì đại sứ Pháp là Jean Marie Mérillon cố gắng thuyết phục đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin áp lực tổng thống Thiệu từ chức. (Chính Đạo, 55 ngày đêm: Cuộc sụp đổ của VNCH, Houston, Nxb. Văn Hóa, 1999, tt. 309-312.) 

Lúc đó tại Sài Gòn lan truyền những tin đồn rằng cộng sản sẵn sàng thương thuyết nếu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra đi, nhưng tin tình báo của Hoa Kỳ từ Tây Ninh ngày 8-4 cho biết Bắc Việt Nam quyết đánh sập Việt Nam Cộng Hòa dầu tổng thống Thiệu từ chức. (Thomas L. Ahern Jr., CIA and the Generals,1998, Center for the Study of Intelligence, tr. 175.)  

Cuối cùng, do tình hình biến chuyển mau lẹ, Graham Martin gởi điện văn tối mật ngày 17-4 về Washington DC, xin chính phủ Hoa Kỳ cho ông thuyết phục tổng thống Thiệu từ chức.  Ông được ngoại trưởng lúc đó là Henry Kissinger đồng ý. (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, Hồ sơ mật dinh Độc Lập, Los Angeles: C&K Promotions, INC. 1987, tt. 554-556.)  

Tối thứ Bảy 19-4-1975, Graham Martin cử Charles Timmes, một nhân viên CIA (Central Intelligence Agency) trong phái bộ DAO (Decentralized Autonomous Organization) đến thuyết phục tổng thống Thiệu từ chức.  

Hôm sau, 20-4-1975, đích thân đại sứ Martin đến gặp tổng thống Thiệu.  Đại sứ Hoa Kỳ nói với tổng thống Thiệu rằng ông không yêu cầu tổng thống từ chức, nhưng chỉ còn một ít thời gian để tránh việc cộng sản tấn công Sài Gòn, nếu tổng thống không từ chức thì các tướng lãnh sẽ có thể yêu cầu điều đó. (Thomas L. Ahern, Jr., sđd. tr. 189.)  

Cuối cùng, tối 21-4-1975, tại phủ tổng thống (dinh Độc Lập), tổng thống Nguyễn Văn Thiệu loan báo quyết định từ chức và theo hiến định, giao quyền cho phó tổng thống Trần Văn Hương.  

Trước khi nhận chức, giáo sư Trần Văn Hương mời cựu đại tướng Dương Văn Minh cộng tác và làm thủ tướng chính phủ, nhưng cựu đại tướng Minh từ chối và nói rằng: “Thầy [chỉ ông Hương] đã hy sinh đến mức này, thôi xin thầy ráng hy sinh một bước nữa mà thầy trao trọn quyền cho tôi.” (Nguyên văn lời trong diễn văn nhận chức của tổng thống Trần Văn Hương.) (Internet).   

Giáo sư Trần Văn Hương cho rằng làm như thế là trái với hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa, nên ông không đồng ý đề nghị của cựu đại tướng Minh.  

Sau khi ông Hương nhận chức ngày 21-4-1975, CHND Trung Hoa cử đại diện đến gặp và đề nghị tiếp viện cho Việt Nam Cộng Hòa, nhưng ông Hương từ chối.  Ông nói với giới thân cận: “Cho Trung Cộng vào, chiến cuộc tiếp diễn trên lãnh thổ ta, ngay cả nếu chiến thắng thì khi nào mới đuổi Trung Cộng ra được…” (Đoàn Kim Định ghi lại trong “Lời tâm sự thay cho lời tựa” thi tập Bó Hoa Cuối Mùa của Trần Văn Hương, tái bản tại Hoa Kỳ, 2023, trang X.)

Tân tổng thống Hương mời gặp một người bạn cũ để tham khảo ý kiến là tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong.  (Đã viết về hoạt động của ông Phong ở trên.).  Khi gặp nhau, tiến sĩ Phong nói với tổng thống Hương rằng nếu ông Hương còn cầm quyền, thì chắc chắn Bắc Việt Nam sẽ không thương thuyết với Nam Việt Nam.  (George J. Veith, “China and the Fall of South Vietnam…” Internet: 9-2-2022.)  

Sau cuộc gặp gỡ nầy, tổng thống Hương quyết định từ chức chiều 28-4-1975 và giao cho quốc hội tùy nghi quyết định người thay thế.  Tuy không được hiến pháp quy định, nhưng do thời cuộc đột biến cấp bách, cuối cùng quốc hội suy cử cựu đại tướng Dương Văn Minh lên thay.  

Lúc đó, Pháp đề nghị thêm rằng cựu đại tướng Minh nên liên lạc với Cộng Hòa Lâm Thời Miền Nam Việt Nam để thành lập một chính phủ liên hiệp do cựu đại tướng Minh đứng đầu để thương thuyết với Bắc Việt Nam, nhưng cựu đại tướng Minh không theo kế sách nầy. (George J. Veith, bài đã dẫn: “China and the Fall of South Vietnam…”).

Vì quá cấp bách, không vận động đủ nhân sự, nên khi nhận chức chiều 28-4-1975, chính phủ của tân tổng thống Dương Văn Minh chỉ gồm bốn thành viên là Dương Văn Minh (tổng thống), Nguyễn Văn Huyền (phó tổng thống), Vũ Văn Mẫu (thủ tướng), Lý Quý Chung (tổng trưởng thông tin).  

Hôm sau bổ sung thêm các ông Hồ Văn Minh (phó thủ tướng), Bùi Tường Huân (tổng trưởng quốc phòng), Nguyễn Võ Diệu (tổng trưởng kinh tế), trung tướng Vĩnh Lộc (tổng tham mưu trưởng quân đội), Nguyễn Hữu Hạnh (phó tổng tham mưu trưởng quân đội), Triệu Quốc Mạnh (giám đốc nha Cảnh sát Đô thành).  (Lý Quý Chung, Hồi ký không tên, Nxb. Trẻ, 2004, ch. 12.)

Điều đáng chú ý là tại Hà Nội, cuộc họp của bộ chính trị đảng Lao Động từ 30-9 đến 8-10-1974 đưa ra kế hoạch quân sự tại miền Nam năm 1975 là tiếp tục lấn đất giành dân, chỉ sử dụng 10% võ khí dự trữ; đến cuối năm 1976, khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ thì sẽ tổng tấn công để chiếm toàn bộ Nam Việt Nam.  (Viện Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác Lênin, Lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 1995, tr. 648.)  Như thế có nghĩa là Bắc Việt Nam chưa dự tính đánh chiếm Nam Việt Nam trong năm 1975, nhưng do hoàn cảnh thuận lợi, Bắc Việt Nam mới thay đổi kế hoạch.

Nguyên vào lúc đó, tại Hoa Kỳ, quốc hội thông qua “tu chính án Jackson – Vanik”, sửa đổi điều 301 của “Đạo luật Thương mại năm 1974”, đưa ra những điều kiện khó khăn, nhằm hạn chế việc giao thương với các nước cộng sản, mà chính yếu là Liên Xô và CHND Trung Hoa, và được tổng thống Gerald Ford ban hành ngày 3-1-1975. (Wikipedia) 

Để trả đũa Hoa Kỳ, Liên Xô gởi đại tướng Viktor Kulikov, thứ trưởng bộ Quốc phòng, đến Hà Nội ngày 22-12-1974, nói là để chào mừng lễ kỷ niệm 30 năm thành lập quân đội Bắc Việt Nam (1944-1974), nhưng thực tế là để nghiên cứu tình hình tại chỗ, tìm cách chống lại Hoa Kỳ.  

Khi Viktor Kulikov về nước, Liên Xô tăng viện gấp bốn lần cho Bắc Việt Nam. (Henry Kissinger, Years of Renewal, New York: Simon & Schuster, 1999, tt. 27-28, 481.  Trần Đông Phong, Việt Nam Cộng Hòa, 10 ngày cuối cùng, Fountain Valley, CA: Nxb. Nam Việt, 2006, tt. 29-30.)   Nhờ số viện trợ lớn lao của Liên Xô, Bắc Việt Nam tung quân tấn công mạnh mẽ ở Nam Việt Nam từ đầu năm 1975.  

Trong khi đó, quốc hội Hoa Kỳ cắt gỉảm tất cả những chi phí quân sự ở Đông Dương từ tháng 01-1973. (Richard Nixon, No more Vietnam, London: W.H.Allen, 1986, tt. 169-170.)  Viện trợ Hoa Kỳ giúp Việt Nam Cộng Hòa xuống đến độ chỉ đủ cung ứng một nửa nhu cầu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. (Cao Văn Viên, Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa (Nguyên bản: The final Collapse, Nguyễn Kỳ Phong dịch, Vietnambibliography, 2003, tr. 83-85.)  Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thiếu phương tiện chiến đấu, nhứt là xăng dầu, đạn dược…, nên cuối cùng đành phải buông súng.   

Tóm lại, trước ngày 30-4-1975, hai nước CHND Trung Hoa và Pháp vì những quyền lợi riêng tư, đã mở những cuộc vận động ngoại giao quốc tế để tránh sự sụp đổ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam.  Tuy nhiên, những cố gắng của hai nước nầy đã quá trễ, nên cuối cùng đều thất bại. 

Hy vọng trong tương lai sẽ còn có nhiều tài liệu khác dần dần được bạch hóa, để có thể làm sáng tỏ hơn nữa lịch sử hiện đại của đất nước chúng ta.

TRẦN GIA PHỤNG 

(Bài đã trình bày tại Viện Việt Học, California, 26-3-2023)