Trần Mạnh Hảo: Đám mây đi Tết ông Trời
” Mai sau hãy chôn tôi cùng mây trắng / Để muôn đời tôi vẫn ngẩn ngơ bay” ( Trần Mạnh Hảo)
Khi tôi còn nằm trong nôi, mẹ đã ru hát bằng câu ca dao:
“Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng…”
Lớn lên, biết chạy ra sân, ra ngõ, ngó lên trời ngắm mây bay, tôi đã bị đám mây xanh của mẹ mê hoặc. Những đám mây trắng đi trên trời chậm rãi, đủng đỉnh, huyền bí bay về đâu không biết, cứ trôi dạt vào tâm hồn tôi cả trời cổ tích, khiến trí tưởng tượng tôi bay bổng theo mây chu du khắp các chân trời. Hình như tôi đã yêu mây xanh từ đó?
Có khi, trời rét, nằm trong nhà, nhớ mây bay gió thổi quá, tôi tung chăn chạy ra sân ngó lên trời, thương những đám mây chết cóng bị sương mù hay mưa phùn nuốt sống, tự nhiên buồn vô hạn, vô duyên vô nợ rơm rớm mắt vì thương nhớ mây trời bị mùa đông che khuất.
Có khi đêm xuống, bóng đêm nhấn chìm mây trời vào tăm tối, may mà có trăng, mây lại hiện ra hẹn hò với cậu trai mới lớn như thể cuộc tình vụng trộm phiêu lưu không biết có chân trời…
Đi học, tôi mới biết mây trắng mây xanh đã bay vào văn học trước khi bay vào hồn tôi mấy nghìn năm trước.
Yêu biết bao nhiêu đám mây mở đầu kiệt tác “Chinh phụ ngâm”:
“ Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây…”
Hình như mây đã ngủ triệu năm, vừa bay vừa ngủ, vừa yêu vừa ngủ, may nhờ khói của người bay lên đánh thức mây xanh mây trắng dậy mà tham gia vào cuộc tình của con người với trời xanh muôn thuở ? Ngày xưa, người ta lên núi đốt lửa cho khói lên ngút trời báo cho các vùng khác có chiến tranh, giặc giã nên mới có “mờ mịt thức mây”!
Kìa đám mây trong “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu:
“ Bạch vân thiên tải không du du” của Đường thi xa xưa vẫn bay vào tâm hồn cậu học trò mê thơ văn như bay vào một mối tình vô vọng thanh vân thanh khiết thanh bình?
Nhờ thi ca, những đám mây nghìn xưa vẫn bay theo tôi mãi mãi, giống như cảm giác của Lý Bạch trong bài thơ : “Bạch vân ca tống Lưu thập lục quy sơn” : “Bạch vân xứ xứ trường tùng quân” ( Mây trắng ở nơi nào cũng theo ông mãi mãi)…
Mây trắng của Đường thi vẫn bay theo tôi, vẫn yêu cùng tôi, vẫn sống cùng tôi trong thi ca Việt Nam từ độ ấy Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy địa danh, bút danh của mình là mây trắng: “Bạch vân am”, “Bạch vân ông” đặng lên núi theo đạo mây, tu tâm thành mây trắng :
“Vân tự vô tâm, thủy tự nhàn”
Nguyễn Trãi, một anh hùng dân tộc, một đại thi hào trước Nguyễn Bỉnh Khiếm hình như đã lấy mây xanh mây trắng làm tình nhân muôn thuở khi tự hỏi một câu mà triết học muôn năm vẫn bó tay:
“ Nhân dữ bạch vân thùy hữu tâm” ( Ta và mây trắng ai có tâm đây ) ?
Ức Trai tiên sinh cuối đời chỉ còn mây trắng làm bạn, vì hình như thời đại nhố nhăng ấy đã phản bội ông, đẩy ông vào sơn lâm cùng cốc :
“Láng giềng một áng mây bạc
Khách khứa hai ngàn núi xanh”
Bởi với ông công danh hầu như cũng vô bổ: “Danh thơm một áng mây nổi”
Tôi đã yêu mây trắng cùng với những câu Kiều tuyệt vời của Nguyễn Du viết về mây trắng. Hình như với Nguyễn Du, mây không chỉ là tình nhân mà còn là một người vợ chung thủy của ông. Xin hãy ngắm nàng mây đẹp tuyệt vời trong “Truyện Kiều”:
“Lòng còn gửi áng mây vàng
Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay”
….
“Đêm thâu đằng đẵng nhặt cài then mây”
….
“Đoái thương muôn dặm tử phần
Hồn còn theo ngọn mây Tần xa xa”
…
“Bốn phương mây trắng một màu
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà”
…
Nguyễn Du khi đi xứ, ngoảnh lại quê nhà thương mây trắng ứa nước mắt :
“Vạn lý hương tâm hồi thủ xứ
Bạch vân Nam hạ bất thăng đa”
( Muôn dặm lòng quê ngoảnh nhìn lại /Mây trắng bay về nam khôn xiết kể)
….
“ Cực mục hương quan hà xứ tại
Chinh hồng sổ điểm bạch vân biên” ( Trông hết tầm mắt nhìn quê nhà nơi nao / Chỉ thấy chim hồng mấy chấm nhỏ bên mây trắng)…
Chao ôi, mây trời xưa từng là nỗi niềm thao thức vô tận cha ông, là tình yêu và hi vọng gửi lại bên trời một xót xa, một yêu dấu, một ưu thời mẫn thế với bao dằn vặt kiếp người đang lênh đênh trên trời hay lênh đênh trong hồn tôi ?
Hơn năm mươi năm trước, tôi đã viết bài thơ “Mây” mừng tết như sau :
“Đám mây đi tết ông trời
Để cho dưới đất có người tương tư
Phải lòng mây, gió ngất ngư
Đám mây xanh ngát tưởng như lòng mình
Yêu mây, mây vẫn vô tình
Đám mây đã cưới bình minh làm chồng…”
Tôi bèn gửi bài thơ này đăng báo Hà Nội. Nhà báo viết thư về khuyên tôi không nên xa rời thực tế chiến đấu của đảng mà vẩn vơ với mây bay gió thoảng như thơ thẩn của một tên nhân văn giai phẩm: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió / Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây…”
Lá thư tôi để trong hộc bàn không biết sao lại đến tay bí thư chi đoàn lớp. Thế là tôi bị một trận kiểm thảo tơi bời vì bài thơ “Mây” là tàn dư nhân văn giai phẩm…
Nếu không có mây trắng bay trên trời quê hương, liệu ta còn đất nước chăng hỡi loài mây nhân văn giai phẩm?
Sáng ba mươi tết Bính Thân này, giữa Sài Gòn ngó lên trời thương mây nhớ gió, thấy linh hồn cha ông và cả linh hồn bé nhỏ như chấm chim chim bên trời của tôi đang trôi dạt về xứ Bắc quê hương rét buốt cùng với mây trắng mây xanh; chợt nhớ thương vô hạn những mối tình thi ca với nàng mây tuyệt đẹp đang phiêu du chân trời góc bể.
Chợt ngâm lên hai câu gọi là thơ này :
“ Mai sau hãy chôn tôi cùng mây trắng
Để muôn đời tôi vẫn lửng lơ xanh…”
T.M.H.