Trần Tiến Dũng: Giá trị của cái radio lỗi thời dành cho người dân trong thời chiến tranh hiện đại
Sự kiện Thuỵ Điển chính thức gia nhập khối quân sự Nato sau hàng thập niên giữ thế đứng ngoài các liên minh quân sự, cho thấy hiểm hoạ bị xâm lăng có thật từ nước Nga của Putin.
Nhưng việc đáng quan tâm ở đây là hai quốc gia Bắc Âu văn minh này, từ lâu đã khuyến cáo người dân luôn sẵn sàng nơi trú ẩn và dự trữ nhu yếu phẩm, phương tiện thông tin để tồn tại nếu chiến tranh, nhứt là chiến tranh nguyên tử ập đến.
Điều đáng chú ý ở khuyến cáo từ chính phủ Thuỵ Điển là nên có cái radio không dùng pin để luôn kết nối được thông tin. Giữa thời đại Internet có tốc độ kết nối nhanh và cực nhanh thì tại sao phải cần thiết có cái radio một phương tiện truyền tin, thông tin cổ lỗ có từ các thế kỷ lạc hậu trước?
Có lẽ ai cũng hiểu là các dãy sóng truyền thanh là phương tiện tuy cổ điển nhưng luôn chắc chắn như một dạng pháo đài thông tin của từng cá nhân và gia đình trong mọi tình huống, có khi ngay cả mọi phương tiện văn mình hiện đại bị huỷ diệt, thì sóng truyền thanh vẫn só thể sống sót để cập nhật tin tức, hướng dẫn sự an toàn cho con người.
Sáng nay dạo chợ trời, tôi thấy cái radio nhỏ, chợt nhớ đến cái ra-dô bự, vỏ ngoài bằng gỗ mà ba tôi đã sắm gần hết tháng lương quân nhân VNCH của ông, ông sắm cái ra-dô này không chỉ cho gia đình giải trí qua sóng truyền thanh vào thời chưa có truyền hình, mà cái chính là theo dõi tin tức mà chuẩn bị sự an toàn cho cả nhà trong thời chiến tranh Việt Nam.
Chiến tranh, thời của chiến tranh ở tầm thế chiến 3, rộng khắp từ mặt đất, biển, không gian, các vũ khí chiến tranh hiện đại không chỉ cướp đi sinh mạng con người mà huỷ diệt cả mọi phương tiện sống của con người hiện đại. Vậy mà ngày nay, ngay lúc chiến tranh chưa đến, có người nghĩ chắc rằng sẽ không thể sống nổi nếu một vài giây phút trong đời họ sống mà không có mạng và Wi-Fi.
Tôi có nhiều người bạn trẻ tuổi và ngay cả tôi đây, vẫn không thể hình dung ra được sẽ sống ra sao nếu rơi vào vùng mù đui thông tin khi sự kết nối với thế giới đồng loại không còn nữa.
Được sống ở khu vực các quốc gia mới phất, thụ hưởng được các phương tiện vật chất, hiện đại, người ta có khuynh hướng tin ngây ngô rằng mọi điều đang thụ hưởng sẽ bất tử.
Không cần phải là người theo thuyết tận thế nhưng cận cảnh con người trú dưới hầm, hang động kết nối với con người bằng tín hiệu khăn vẫy, đèn nháy, sóng radio, nhánh cây, cục gạch chỉ đường… là môt thực tế gần mà ai cũng dự đoán được.
Cuộc sống con người ở phía trước không phải là sống để thụ hưởng như thế nào mà sự sống của mình và gia đình tồn vong ra sao!
Trở lại với cái radio mà chính phủ Phần Lan, Thuy Điển khuyên người dân trang bị cho những ngày đen tối chiến tranh. Trong chiến tranh thông thường hay chiến tranh nguyên tử, cái radio phương tiện truyền thanh cổ, lỗi thời đó nếu không thể hướng dẫn được thông tin để tồn vong thì ít ra nó cũng là phương tiện duy nhất đưa con người đến với cộng đồng con người trong giây phút cuối cùng của họ.
Trần Tiến Dũng
SG 4-3-2024