Trần Tiến Dũng: Về Trúc Lâm Yên Tử
Nước chảy xuôi ngàn năm phương Nam
Mây có tiết ngược về phương Bắc
Yên Tử tánh không
TTD
—
Chiêm bái Phật ở Trúc Lâm Yên Tử
Phố Thợ Nhuộm, lúc người Hà Nội chuẩn bị một ngày mới, trên vỉa hè vài hàng chè sáng vẫn còn đàn ông y phục chỉnh tề ngồi uống chè nóng, hút thuốc lào. Nhìn họ, những lữ khách từ miền Nam chúng tôi như bắt gặp đúng chất người thị dân 36 phố phường, ý nghĩ thoáng qua là: Giữa “cơn bão” các thức uống buổi sáng du nhập tạp nham, thì sự sống sót của văn hóa uống chè cốc, chè xu xứng đáng được công nhận tôn vinh là văn hóa phi vật thể.
Phía núi cánh cung Đông Triều
Đi về phía hướng Đông Hà Nội, dù ngồi ngắm cảnh từ xe, cũng dễ cảm nhận sự phát triển nhanh hạ tầng, khu công nghiệp không chỉ của các thương hiệu toàn cầu Nhật, Hàn… đang tận dụng nhân công giá thấp, mà cũng thấy đời sống sinh hoạt của phần lớn người dân trở nên nề nếp, tươm tất hơn xưa. Hẳn nhiên nhìn nhận sự phát triển đó chỉ có từ điểm nhìn của người miền Nam, nhất là miền Tây Nam bộ, nơi mà sau gần nửa thế kỷ, điều mà đại đa số cư dân miền Nam có được vẫn chỉ là đủ ăn với hạ tầng sinh sống hầu như chỉ khá chút chút. Nói vậy cho bớt nỗi buồn miền Nam mình đã bị khai thác như một thứ chiến lợi phẩm sau 1975.
Trên đường đi về phía dãy núi Đông Triều – Quảng Ninh, xe dừng nghỉ ở một điểm vừa là cửa hàng đặc sản địa phương vừa là siêu thị tạp phẩm nhỏ. Những tiểu chủ người Bắc ngày nay biết kinh doanh đúng kiểu thị trường tư bản hơn ngày xưa. Trong vài chục phút, du khách được nghe quảng cáo không thiếu thứ hàng hóa gì, từ đồ gỗ thủ công khai thác từ rừng nguyên sinh, đến hàng chục thứ bánh đậu xanh và hàng trăm mặt hàng chế biến đạt đủ loại tiêu chuẩn “quốc tế”. Có lẽ đây là phong cách bày-khoe chưa từ bỏ được có từ thời cửa hàng mậu dịch tem phiếu XHCN.
Nhìn bề ngoài, rừng cấm trên dãy Đông Triều còn có vẻ nguyên sinh, không khí mùa hè Quảng Ninh mát dịu hẳn, và đó là sự cám ơn đầu tiên của du khách từ nơi xa đến với xứ cực Bắc mùa hè nóng ẩm.
Kìa, Yên Tử! Từ chân núi, hẳn hầu hết du khách ngày nay đều có chung câu hỏi: Vì sao mà hàng trăm năm trước, lúc vị vua thứ ba của triều đại nhà Trần chói lọi sử sách đã chọn sống và tu nơi hoang vu, rừng thiêng nước độc này?
Hầu hết đỉnh cao của dãy cánh cung Đông Triều đều dựng đứng. Ngọn Yên Tử uy linh dường như càng định thế gây khó cho người phàm lai vãng. Huyền nhiệm thay Dân Tộc và Chánh Pháp đã hội chân mạng đế vương và đại căn chân tu!
Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm. Ông là đích trưởng tử của Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu Trần Thị Thiều. Năm 1274, ở tuổi 16, Trần Khâm được vua cha sắc phong làm Hoàng thái tử. Trần Thánh Tông cũng lập trưởng nữ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (tức Khâm Từ Hoàng hậu sau này) làm Thái tử phi.
Tuy ở ngôi thái tử và có hôn nhân hạnh phúc, Trần Khâm có chí hướng xuất gia theo Phật. Ông đã nhiều lần xin nhường ngôi Thái tử cho em là Tá Thiên vương Trần Đức Việp nhưng không được vua cha chấp thuận. Có lần, Trần Khâm nhân đêm khuya vượt thành đi vào núi Yên Tử ẩn tu, đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời sáng. Ông đã thấm mệt nên vào nghỉ trong tháp. Sau Trần Thánh Tông và hoàng hậu biết tin, sai quan quân đi tìm và thỉnh cầu ông về kinh đô; Trần Khâm bèn miễn cưỡng nhận ngôi thái tử.
Nơi ngài Trần Khâm – người khai sáng Thiền phái Trúc Lâm – đã leo núi và thấm mệt trong lần định trốn đi tu đầu tiên, có lẽ chỉ lưng chừng núi, chính là nơi có chùa Phù Vân, xây dựng từ thời nhà Lý. Sau này khi vua Lê Thánh Tông đến viếng Trúc Lâm Yên Tử, chắc lên đến đây cũng thấy mệt, ngồi nghỉ ngơi và thấy chùa cảnh đẹp, nên ngài đổi tên là chùa Hoa Yên.
Ngày nay, người hành hương Việt, có khách ngoại quốc, dù leo núi bằng chân hay đi cáp treo lên Yên Tử Thiêng hẳn đều có cảm giác rất mệt không khác các ngài hiền nhân xưa. Và trước cảnh đẹp tuyệt thế của núi Yên Tử, chùa Hoa Yên, họ sẽ vừa thở dốc vừa thì thầm niệm lời tri ơn hướng về núi thiêng, cảm tạ các vị tiền nhân thường dân dầy công mở núi lẫn các vị đại nhân tu hành hiển thánh đắc đạo.
Có lẽ trong các thánh tích tôn giáo của thế giới, nơi mọi tín đồ đều nguyện được đến ít nhất một lần trong đời thì Trúc Lâm Yên Tử là một trong những nơi cô tịch, thanh tịnh nhất. Toàn cảnh kiến trúc tôn giáo dù nguyên thủy từ lúc khai sáng Thiền phái hoặc do các triều đại sau tôn tạo cũng đều hài hòa với cảnh quang tinh khiết, minh bạch tâm đạo công đức đại chúng cần lao, giáo hóa nhận thức chánh pháp thanh tịnh.
Từ chùa Hoa Yên, leo dốc núi về phía Đông, qua hàng cây tùng cổ thụ rễ bám vào núi đá, du khách bắt gặp một ngôi chùa nhỏ chênh vênh trên vách núi. Đó là chùa Một Mái. Chùa xưa vốn là động Thanh Long, tương truyền Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông lập am Ly Trần (thoát cõi trần) để làm nơi đọc sách, soạn kinh. Sau khi đức Điều Ngự viên tịch, am xưa được dựng thành ngôi chùa Bồ Đà, một nửa mái chùa là vòm động, một nửa mái chùa phô ngoài trời nên chùa có tên là Bán Thiên.
Sau khi chiêm bái tượng cổ Trúc Lâm Tam Tổ, trong động núi đá chùa, người đàn ông trung niên giọng Bắc mà chúng tôi mới quen, nói: “Đấy, nói thì họ cho là phỉ báng chứ ngày nay người tu họ thích xây chùa hoành tráng, tượng thật to, ấy thế mà họ lại tưởng thay được đạo hạnh của người tu.”
Ngay trong thời kỳ ngài làm vua, Trần Nhân Tông vẫn sống thanh tịnh trên tinh thần Phật giáo, ông từng ăn chay khổ hạnh đến mức thân hình gầy guộc, khiến Thượng hoàng phải ngăn lại. Sách Thánh Đăng Ngữ Lục kể: “Thánh Tông khóc, bảo: Ta nay già rồi, trông cậy một mình con, nếu con làm như thế thì sự nghiệp của Tổ tông sẽ ra sao? Ngài Trần Nhân Tông nghe vua cha nói vậy cũng rơi nước mắt.”
Năm 1294, Thượng hoàng xuất gia tu Phật. Tháng 10 (Âm lịch) năm 1299, Nhân Tông rời đến Yên Tử (Quảng Ninh), lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu Đà. Ông còn có đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu đà, hay Trúc Lâm Đại sĩ, và Giác hoàng Điều ngự. Ngài đã hợp nhất các tông phái tu Thiền Tông ở Đại Việt vào dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, còn gọi là Thiền phái Trúc Lâm.
Du lịch tâm linh ngày nay đang thịnh hành, và trở thành “sản phẩm” trong một thị trường kinh doanh tôn giáo rất “hot” để các tập đoàn tư bản Đỏ sân trước sân sau của hệ thống cai trị hái ra tiền từ niềm tin tín ngưỡng của đại chúng. Dù đại chúng có bị xúc phạm trước các loại hình kinh doanh tâm linh, thần thánh có bị phỉ báng vì thói trục lợi thì dường như hàng triệu người Việt thuần hậu, chất phát, khi đứng trước núi thiêng Yên Tử, cũng thành tâm chiêm bái thánh tích, cho dẫu họ đủ sức hay không đủ khỏe để từ chân núi lên cao hơn 1,000m so với mặt nước biển.
Từng người trong đoàn của chúng tôi, dù với tín ngưỡng khác nhau, nhưng ai cũng tự tìm thấy động lực và năng lượng để đến tận nơi chiêm bái các hương tích của vị danh nhân dân tộc đời nhà Trần, bậc chân tu. Từ đỉnh cao của dãy cánh cung Đông Triều quanh năm mây trời, hoa cỏ tươi xanh, vạn vật an bình, nếu con người hiện đại cần chiêm nghiệm hay cần một điểm tựa tinh thần thì có khi cùng đọc thêm thi phẩm truyền đời của ngài Điều Ngự, viết từ Yên Tử:
CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền.
Có báu trong nhà thôi tìm kiếm, Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.
(Bản dịch của thiền sư Lê Mạnh Thát)
Trần Tiến Dũng