Trần Trung Đạo: Ba người vợ của Nelson Mandela

Nelson Mandela (18/7/1918 – 5/12/2013). Hình chụp năm 2008.

Nhân ngày giỗ của Tổng thống Nelson Mandela, 5 tháng 12, đọc lại những câu chuyện chung quanh cuộc tình của ông và ba người vợ.

Người vợ đầu là bà Evelyn Ntoko Mase, một y tá sản khoa. Bà là một tín hữu Tin Lành ngoan đạo. Ngoài công việc bà dành nhiều thời gian để thờ phượng Chúa trong Hội Thánh Nhân Chứng Jehovah (Jehovah’s Witnesses). Họ cưới nhau năm 1944 và có ba người con. 

Bà Evelyn Ntoko Mase tránh né những vấn đề chính trị trong khi Mandela lại là một đảng viên trung kiên và nhiệt thành của Nghị Hội Toàn Quốc Nam Phi (African National Congress, ANC).

Mandela cùng với ANC theo đuổi lý tưởng giải thể chế độ Phân Biệt Chủng Tộc (Apartheid), một cơ chế chính trị dựa trên sự phân biệt chủng tộc tồn tại tại Nam Phi và Namibia từ 1948 đến những năm đầu của thập niên 1990.

Nelson Mandela và người vợ đầu tiên của ông, Evelyn, vào năm 1944.

Mandela cùng với ANC theo đuổi lý tưởng giải thể chế độ Phân Biệt Chủng Tộc (Apartheid), một cơ chế chính trị dựa trên sự phân biệt chủng tộc tồn tại tại Nam Phi và Namibia từ 1948 đến những năm đầu của thập niên 1990. 

Những khác biệt về lý tưởng sống, rạn nứt trong gia đình dẫn tới việc bà Evelyn Ntoko Mase nộp đơn xin ly dị chồng năm 1956. Trong hồ sơ ly dị, bà tố cáo Mandela trăng gió với phụ nữ và bạo hành, một tố cáo Mandela luôn chối cãi. 

Nelson Mandela can tội bạo hành gia đình không có bằng chứng và ông luôn khẳng định là không, nhưng ngoại tình có thể đã có. Mandela là một người rất lãng mạn và đa cảm. Trước khi cưới vợ, Mandela đã yêu nhiều người.

Khi thủ tục ly dị người vợ thứ nhất chưa xong, một lần trên đường từ tòa về qua một ngã tư, Nelson Mandela chợt lưu ý một cô gái đang đứng chờ xe bus. Nét đẹp của nàng cuốn hút Mandela nhưng ông ta biết khó có dịp gặp lại. 

Nhưng như người ta thường nói “duyên tiền định”, một hôm, khi đang ngồi làm việc trong văn phòng luật sư vừa mới lo tái trang bị, Mandela gặp lại cô lần nữa. Cô gái tên là Nomzamo Winifred Madikizela, thường được gọi tắt là Winnie. 

Từ đó, họ gặp nhau bất cứ khi nào có thể. Họ ăn trưa với nhau và cùng nhau đi dạo trên cánh đồng cỏ xanh giống như những cánh đồng cỏ bên bờ sông Mbashe ở quê hương Transkei của ông. Mandela chia sẻ với Winnie những khó khăn và hy vọng. Thời gian đó Mandela không phải là một luật sư có uy thế mà là một tội phạm chống lại chế độ sắp sửa phải ra tòa.

Như Mandela thuật trong hồi ký “Tôi không hứa hẹn với nàng vàng bạc hay kim cương, tôi sẽ không bao giờ có khả năng tặng nàng những món quà như thế”. Winnie hiểu và chấp nhận mọi khó khăn. 

Vì Mandela vẫn còn trong thời gian bị truy tố, lễ cưới phải được tòa án chấp nhận. Đám cưới của Mandela và Winnie được tổ chức vào ngày 14 tháng Sáu năm 1958 tại một nhà thờ nhỏ. Họ không có tiền và thời gian để đưa nhau đi hưởng tuần trăng mật. Đám cưới xong, Nelson Mandela lại tiếp tục ra hầu tòa.

Sáng 29 tháng Ba năm 1961, sau hơn bốn năm dài từ khi bị bắt và hỏi cung, chánh án Rumpff, một thẩm phán có lương tâm công lý, tuyên bố các bị can vô tội và được thả tức khắc.

Thay vì về nhà với vợ con, Mandela quyết định lui vào hoạt động bí mật. 

Sau khi công khai phát động cuộc đấu tranh võ trang chống chế độ Phân Biệt Chủng Tộc Nam Phi, tháng 10 năm 1961, Nelson Mandela di chuyển vào nông trại Liliesleaf ở Rivonia, vùng ngoại ô phía bắc Johannesburg. Bà Winnie và hai con còn nhỏ đến thăm Mandela vào vài cuối tuần. 

Nelson Mandela bị bắt lần nữa vào ngày 5 tháng 8, 1962. Trong phiên tòa ngày 12 tháng 6, 1964, ông bị kết án chung thân. Câu nói nổi tiếng của ông đáp lại viên chánh án: “Tôi chuẩn bị chết trong niềm tin vững chắc rằng cái chết của tôi sẽ là niềm khát vọng cho lý tưởng mà tôi đang dâng hiến cuộc đời mình.”

Trong suốt 27 năm Nelson Mandela bị tù, bà Winnie Mandela trở thành khuôn mặt đại diện cho chồng và can đảm tiếp tục cuộc đấu tranh chống chế độ Phân Biệt Chủng Tộc Nam Phi. Bà bị bắt nhiều lần, bị tra tấn và căn nhà bà sống thường trực bị canh phòng cẩn mật nhưng bà không sợ hãi hay dừng bước. 

Tuy nhiên, thời gian dài xa cách cũng đã gây ra những rạn nứt về tình cảm của bà đối với chồng. 

Bà Winnie gặp Nelson Mandela khi chỉ mới 23 tuổi và Mandela đã gần 40 tuổi. Họ yêu nhau và cưới nhau trong vội vàng. Ba năm sau, Mandela rút vào hoạt động bí mật cho đến ngày bị bắt và vào tù. Bà Winnie Mandela viết trong hồi ký “Tôi có rất ít thời gian để yêu chồng.”

Khi còn ở trong tù, Nelson Mandela đã biết vợ mình đang ngoại tình với Dali Mpofu, một luật sư nhỏ hơn bà 27 tuổi. 

Khi biết vợ ngoại tình, Mandela dĩ nhiên đau xót nhưng cảm thông và tha thứ. Dù thông cảm, tình yêu nam nữ trong lòng nhau đã phai dần từ đó. 

Với bà Winnie cũng thế. Tình cảm riêng tư với chồng trong người phụ nữ này đã bị xói mòn và cạn kiệt theo năm tháng đợi chờ. 

Một biến cố khác là việc vợ ông, bà Winnie Mandela, bị đưa ra tòa về tội bắt cóc và đánh đập bốn thanh niên tại nhà bà vào năm 1988. Một thiếu niên 14 tuổi chết và ba thanh niên còn lại tố cáo nhóm cận vệ của bà Winnie Madikizela Mandela đã khủng bố cả thành phố Soweto. 

Vì thế, sau khi Mandela ra tù, hai vợ chồng khám phá ra họ còn cách nhau xa hơn khi Mandela còn ở trong tù. 

Năm 1990, Mandela không còn là lực sĩ quyền Anh đầy sinh lực, một luật sư phát biểu hùng hồn và một thanh niên lãng mạn mà là một cụ già 72 tuổi, ốm yếu, bịnh hoạn sau 27 năm trong vòng lao lý. 

Ngay cả trong sinh hoạt hàng ngày hai người cũng khác. Họ sống như mặt trời và mặt trăng. Mandela theo thói quen vẫn ăn ngủ đúng giờ giấc của nhà tù từng quy định trong khi bà Winnie, trẻ hơn chồng 17 tuổi, thức khuya và dậy trễ. 

Trong phòng ngủ của hai vợ chồng, tấm thiệp Giáng Sinh cuối cùng Nelson Mandela gởi bà Winnie vào tháng Chạp 1989 với hàng chữ “Darling, I love you” được treo trịnh trọng nhưng thật mỉa mai với thực tế lạnh lùng chăn gối giữa hai người. 

Họ vẫn cầm tay nhau trong những lần xuất hiện trước công chúng nhưng ngôn ngữ tình yêu chất chứa trong những lá thư và ánh mắt dịu dàng, trìu mến khi nhìn nhau chỉ còn trong ký ức xa xôi. 

Họ chính thức ly dị vào năm 1996 sau một thời gian ly thân. Dù ly dị, bà Winnie vẫn giữ họ Mandela. Bà Winnie Madikizela-Mandela là dân biểu của Quốc Hội Nam Phi và là Thứ trưởng Bộ Văn Hóa trong nhiệm kỳ của Tổng thống Nelson Mandela.

Chuyện tình lãng mạn, đầy tinh thần cách mạng nhưng cũng nhiều sóng gió chấm dứt bằng ly dị giữa Tổng thống Nelson Mandela và bà Winnie Madikizela-Mandela, người vợ thứ hai, được ghi lại trong nhiều tác phẩm và dựng trong phim ảnh trong đó có hồi ký của Tổng thống Mandela, Long Walk To Freedom.

Mặc dù ngoại tình và sai trái vì áp dụng các biện pháp cực đoan trong cuộc đấu tranh, suốt 38 năm làm vợ Nelson Mandela, bà Winnie Madikizela-Mandela là người đã giữ ngọn lửa chống chế độ Phân Biệt Chủng Tộc Nam Phi không tàn lụi. Bà là hình ảnh của Nelson Mandela bên ngoài song sắt.

Tháng Tư, 2016, Tổng thống Nam Phi Jacob G. Zuma trao tặng bà huân chương cao quý nhất của Cộng Hòa Nam Phi Order of Luthuli. 

Khi Nelson Mandela lâm trọng bịnh, bà Winnie có mặt gần như mỗi ngày bên cạnh người chồng cũ. Bốn ngày trước khi qua đời Mandela từ chối ăn uống. Bà Graça Machel, người vợ thứ ba của Nelson Mandela đã phải yêu cầu bà Winnie đút cho Mandela ăn. Như bà Winnie kể lại chỉ có bà đút cháo Mandela mới chịu ăn.

Sắc tướng phôi phai theo thời gian nhưng tình yêu trong trái tim họ vẫn tràn đầy hơi ấm như những ngày cặp vợ chồng nghèo dắt nhau đi dạo trên những cánh đồng xanh. 

Bà Graça Machel, vợ thứ ba của Nelson Mandela là một mẫu người hiếm có và đặc biệt. Hiếm có vì bà dành suốt đời để bảo vệ quyền thiếu nhi của Phi Châu. Nhờ những nỗ lực này bà được chính Nữ Hoàng Anh trao tặng huân chương cao quý Order of the British Empire. Bà Graça Machel là người phụ nữ duy nhất trên thế giới là đệ nhất phu nhân của hai tổng thống. Chồng trước của bà là cố tổng thống Mozambique Samora Machel (1975–1986).

Mandela và Graça Machel đến thăm Trường Kinh tế London vào năm 2000
Graça Machel, hình chụp năm 2010.

Nelson Mandela gặp bà Graça Machel lần đầu tại Mozambique sau khi ông được tự do. Họ gặp nhau lần nữa tại Cape Town năm 1992. Tình cảm đã bén rễ trong tâm hồn họ. Sau khi hoàn tất thủ tục ly dị với bà Winnie, Tổng thống Mandela và bà Graça Machel gặp nhau thường xuyên và công khai. Công chúng thường thấy họ nắm tay nhau và ngay cả hôn nhau. Họ cưới nhau nhân dịp sinh nhật 80 tuổi của Tổng thống  Mandela. Năm đó bà Graça Machel 52 tuổi. 

Trả lời CNN, bà Graça Machel nói về sự khác biệt tuổi tác khá xa: “Chúng tôi gặp nhau trong đời vào thời điểm cả hai đều đã ổn định cuộc sống. Chúng tôi đã trưởng thành và biết giá trị của một người bạn đồng hành, một người bạn đời. Vì thế, chúng tôi đã tận hưởng mối quan hệ này một cách thực sự đặc biệt. Chúng tôi chấp nhận nhau với tất cả những gì chúng tôi đang có. Và chúng tôi tận hưởng mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng. Vì thế, thật tuyệt vời khi có anh Nelson là chồng.”

Bà Graça Machel sinh ngày 17 tháng 10, 1945 và hiện còn sống tại Nam Phi.

Tổng thống Nelson Mandela qua đời ngày 5 tháng 12, 2013.

Bà Winnie Madikizela-Mandela qua đời ngày 2 tháng 4, 2018. 

Trong ba người vợ, Tổng thống Nelson Mandela dành cho bà Winnie Madikizela-Mandela nhiều tình cảm, thời gian và mơ ước nhất. 

Tình yêu giữa Tổng thống Mandela và Winnie Madikizela-Mandela không chỉ là tình yêu trai gái mà còn là tình yêu giữa hai người cùng lý tưởng. Lý tưởng giữ họ lại và lý tưởng giúp họ vượt qua những thất tình lục dục luôn là một phần trong đời sống con người. Tình yêu không trở về với họ vì chẳng bao giờ thật sự mất đi mà chỉ tạm thời lắng xuống trong đời sống đầy những chuyện thị phi, ganh ghét hơn thua.

Đời người, như những chiếc lá thu trôi theo dòng thác, ai cũng có lúc gặp phải những hoàn cảnh mình không mong muốn hay chờ đợi và rất dễ bị cuốn hút vào những cám dỗ thường tình. Nhưng cảm thông, bao dung và tha thứ cho nhau là liều thuốc thần tiên giúp nuôi sống tình yêu khi mọi thứ khác đang dần dần phôi phai hết.

Trần Trung Đạo