Trần Trung Đạo: Chế độ nô lệ hiện đại (Modern Slavery)

Giới thiệu: Sau 7 giờ tối ngày 25 tháng 12, 1991, chế độ Cộng sản toàn trị (totalitarianism), một hệ thống nhà nước bằng phương tiện bạo lực để kiểm soát tuyệt đối và đặt ra ngoài vòng pháp luật mọi hình thức đối lập, tại Liên Xô chính thức cáo chung. Nhưng cũng từ đó, một chế độ toàn trị công nghệ (techno-totalitarianism) ra đời. Chế độ toàn trị mới mang đầy đủ các đặc tính toàn trị cổ điển cộng với các tiến bộ kỹ thuật sau cách mạng tin học đầu thập niên 1990. Tương tự, chế độ nô lệ cổ điển trên danh nghĩa đã bị hủy bỏ tại Mỹ và các nước Châu Âu sau thế kỷ 18, tuy nhiên, trên nhiều phần của thế giới, chế độ nô lệ không hoàn toàn bị hủy bỏ mà chỉ biến thể không chỉ nô lệ thân xác mà còn nô lệ tư tưởng. 

**

Nhiều thư viện Mỹ còn giữ một lá thư đầy tranh cãi của Willie Lynch đọc bên bờ sông James, tiểu bang Virginia, năm 1712. Lá thư nhằm cố vấn cho các chủ nô da trắng những cách để kiểm soát nô lệ da đen. 

Tranh cãi vì nguồn gốc của lá thư nhiều hơn vì nội dung của nó. Nhiều nhà phân tích và ngôn ngữ học cho đó là lá thư giả nhưng cũng nhiều người cho rằng dù giả hay thật các ý chính của lá thư phản ảnh đúng sự thật lịch sử của chế độ nô lệ tại Mỹ thế kỷ 16. 

Theo lá thư, trên đường đến bờ sông James, Willie Lynch bắt gặp cảnh một người nô lệ bị treo cổ trên cành cây, và ông ta phê bình hình phạt này. Willie Lynch phê bình không phải việc làm thất nhân tâm hay thương xót cho số phận người nô lệ mà vì các chủ nô Mỹ phung phí một phương tiện sản xuất. 

Bản thân Willie Lynch cũng là một chủ nô và trong mắt chủ nô Willie Lynch con người, con bò hay con ngựa cũng chẳng khác chi nhau. Ông viết trong thư: “Tôi ngửi thấy mùi của một nô lệ chết treo trên cây cách đó vài dặm. Bạn đang mất đi hàng hóa có giá trị do bị treo cổ, bạn phải đối phó với các cuộc nổi dậy, nô lệ bỏ trốn, mùa màng của bạn đôi khi bị bỏ lại trên cánh đồng quá lâu để có được lợi tức tối đa, thỉnh thoảng bạn bị hỏa hoạn, gia súc của bạn bị giết. Thưa các bạn, các bạn biết vấn đề của các bạn. Tôi không cần phải giải thích chi tiết. Tôi không ở đây để liệt kê các vấn đề của bạn, tôi ở đây để giới thiệu cho bạn phương pháp giải quyết chúng.”

Nói đến đây, Willie Lynch đề ra ba phương pháp để kiểm soát nô lệ, đó là  SỢ HÃI, TIN TƯỞNG và GANH TỊ.  Theo ông, (1) phải làm cho nô lệ sợ hãi nhưng đồng thời cũng (2) làm cho nô lệ tin tưởng và phụ thuộc vào chủ nô, và ngoài ra, (3) phải làm cho nội bộ của giới nô lệ liên tục thù hận nhau, ganh tị nhau và chia rẽ nhau. 

Mặc dù nguồn gốc của lá thư còn được tranh luận, nội dung của nó được trích dẫn rất nhiều trong các sách vở, phim ảnh và cả diễn văn của các chính khách. 

Lá thư được in trong tuyển tập “Làm Nên một Nô Lệ” (The Making of a Slave) hay trong phim The Great Debaters do tài tử nổi tiếng Denzel Washington đóng.  Nội dung lá thư của Willie Lynch còn lưu trữ tại các thư viện và in thành sách phát hành trên Amazon.

Lá thư cho đến nay vẫn còn phổ biến và được trích dẫn khá nhiều vì ba điều Willie Lynch chỉ dẫn các chủ nô da trắng ba thế kỷ trước vẫn còn đang được các chế độ độc tài áp dụng. 

Các nhà nghiên cứu gọi là chế độ nô lệ thời hiện đại (modern slavery) để thay cho chế độ nô lệ thời Willie Lynch.  

Chế độ nô lệ tồn tại rõ nét về cả nội dung lẫn hình thức tại Bắc Hàn qua cưỡng bách lao động, nô lệ dựa theo lý lịch (Descent–based slavery), nô lệ trẻ em (Child slavery) v.v…

Bắc Hàn không thừa nhận mình là Cộng sản, nhưng thực chất chế độ Bắc Hàn chỉ là Cộng sản biến thể với sự pha trộn thêm cái gọi là “tư tưởng Kim Nhật Thành”. Các đặc tính độc tài toàn trị, tẩy não, khủng bố vẫn là Cộng sản. 

Ủy ban Nhân Quyền Bắc Hàn trưng bày các bằng chứng phim ảnh chụp bằng vệ tinh để chứng minh sự tồn tại của các nhà tù chính trị tại Bắc Hàn. Không chỉ cá nhân người bị bắt mà cả gia đình gồm vợ hay chồng và con cái của người đó cũng bị bắt và giam giữ suốt đời trong các nhà tù với điều kiện vô cùng tệ hại. (The Hidden Gulag Second Edition The Lives and Voices of “Those Who are Sent to the Mountains”, David Hawk, Committee for Human Rights in North Korea)

Tại Bắc Hàn, tội “thù địch chống lại đảng và nhà nước” không phải vì lập đảng, lập tổ chức mà bất cứ một hành động hay cử chỉ nào dù nói chuyện riêng tư với bạn bè, tin đồn, có thái độ nghi ngờ, vẽ một bức tranh không thích hợp với chủ trương nghệ thuật của đảng đều bị kết tội tù chính trị.

Nhiều năm quá đói người dân Bắc Hàn phải ra đồng đào rễ, cắt cỏ và hái lá để ăn trong khi gia đình họ Kim sống như một đế vương.  Mồ hôi nước mắt của nhân dân Bắc Hàn được dùng để chế bom nguyên tử, mua súng đạn và xây tượng đài. Theo một số ước lượng, hiện có 34 ngàn tượng đài của ba đời họ Kim tại Bắc Hàn. Trung bình, một tượng đài dành cho 750 người dân Bắc Hàn. Ủy Ban Tội Ác Chiến Tranh thuộc Luật Sư Đoàn Quốc Tế (IBA) kết tội gia đình họ Kim vào 10 tội ác chống lại nhân loại gồm ám sát, tra tấn, bắt làm nô lệ tình dục, bỏ tù và các tội ác trầm trọng khác. 

Luật sư Thomas Buergenthal, một luật sư nổi tiếng và cũng là người sống sót trại tù Auschwitz đang làm việc tại IBA cho biết “các trại tù ở Bắc Hàn còn khủng khiếp hơn, tệ hại hơn” các trại tù Đức Quốc Xã.

Chế độ nô lệ hiện đại (modern slavery) cũng tồn tại tại Trung Quốc, nơi chế độ toàn trị công nghệ (techno-totalitarianism) đang kiểm soát tuyệt đối các mặt của đời sống xã hội. Chế độ toàn trị công nghệ độc ác hơn chế độ toàn trị cổ điển vì được cộng thêm các kỹ thuật mới ra đời sau cách mạng tin học. 

Không chỉ đối với dân Trung Quốc, với các công ty quốc tế Trung Cộng cũng trả thù một cách thô bạo mọi thái độ và tuyên bố vi phạm các nguyên tắc toàn trị của chế độ. Tháng 10, 2021, hãng H&M’s gởi ra một bản tuyên bố bày tỏ sự “quan tâm đối với những lời tố cáo về tình trạng lao động cưỡng bách tại Khu Tự Trị Tân Cương” và không dùng bông sản xuất từ khu vực của người Duy Ngô Nhĩ. Kết quả, hãng H&M’s bị thiệt hại trầm trọng trên thị trường Trung Quốc. Nhiều tiệm trong đó có tổng hành dinh Trung Quốc của hãng tại Thượng Hải phải đóng cửa.

Tại các nước Cộng sản còn lại, mức độ làm cho người dân sợ hãi qua việc khống chế và tiếm đoạt đời sống tinh thần vẫn không kém gì so với thời của chủ nô Willie Lynch. Mất các quyền tự do căn bản hay bị đóng khung trong các khuôn khổ nhất định nào đó, con người thực chất cũng chỉ là nô lệ. 

Quyền tự do chính trị (political freedom) là quyền công dân một quốc gia được tự do tham gia vào tiến trình chính trị của quốc gia đó dù với tư cách cá nhân, thiểu số hay đa số. Trong ba chỉ dẫn của Willie Lynch, chỉ dẫn làm cho những nô lệ tin tưởng và phụ thuộc vào chủ nô là quan trọng nhất. 

Làm thế nào để giữ lòng tin trong dân chúng để họ thừa nhận tính chính danh của đảng? Câu trả lời là “Thuần hóa lịch sử”. 

“Thuần hóa lịch sử” (Historical domestication) là một khái niệm bắt đầu trong thực vật học. Đó là quá trình thay đổi giống của một loại trái cây. Ba ngàn năm trước có thể chỉ có mỗi một loại cà chua, ngày nay vô số, cà chua bi, cà chua cherry, cà chua tím v.v… Cứ mỗi vài năm lại có một loại cà chua mới. Các nhà thực vật học Ba Tây chỉ cần ba năm để tạo nên một giống cà chua nhiều chất dinh dưỡng hơn bằng phương pháp gọi là CRISPR (Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats). Theo phương pháp này các nhà thực vật học sửa đổi DNA, trong trường hợp này là cà chua, để tạo nên giống cà chua khác.

Trong chính trị học và xã hội học, “thuần hóa lịch sử” là một quá trình biến con người thành nô lệ về mặt nhận thức. 

Tại Việt Nam, đảng Cộng sản “thuần hóa lịch sử” bằng cách cấy vào nhận thức của người dân những quan điểm chủ quan áp đặt của đảng về lịch sử dân tộc. Những khẩu hiệu tuyên truyền như “chống Mỹ cứu nước”, “từ thực dân Pháp tới đến quốc Mỹ”, “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” được lập đi lập lại thành những thành ngữ mang tính mặc định không thay đổi hay đặt vấn đề, không chỉ được dùng trong tuyên ngôn, tuyên cáo, nghị quyết, cương lĩnh mà cả trong câu nói đầu môi, trong truyền khẩu dân gian. 

Quan điểm chủ quan đó như một loại vi khuẩn độc hại ăn sâu và tàn phá não bộ của mỗi người. Theo thời gian, quan điểm về lịch sử không còn của đảng nữa mà trở thành thành trì nhận thức (comfort zone) của chính người bị tẩy não. Một khi thành trì nhận thức bị chạm đến, không cần đảng phải lên tiếng mà người bị tẩy não sẽ lên tiếng binh vực cho đảng. 

Từ thời Lenin, Mao cho tới nay các giới lãnh đạo Cộng sản nghĩ rằng họ không cần phải đổi mới bộ máy cầm quyền mà chỉ cần thay đổi cách nhìn của người dân về bộ máy cầm quyền là đủ. Tại các nước dân trí thấp, phương pháp đó thường có hiệu quả cao.

Các chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” (Killing tigers, swatting flies) của Tập Cận Bình hay “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng chỉ nhằm trang điểm khuôn mặt đảng sáng sủa hơn nhằm thay đổi cách nhìn và qua đó chinh phục lòng tin của dân chúng. Khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, không tính thành phần bị tẩy não hay báo chí của đảng, nhiều nhà văn, nhà thơ, những người tự nhận có khuynh hướng đổi mới, đề cao phản biện xã hội đã thương tiếc ông Trọng thật lòng. Lý do?  Trong đáy lòng họ, tức trong thành trì nhận thức (comfort zone), vẫn còn chất chứa một niềm tin vào đảng Cộng sản.  

Do đó khi nhìn những đổi thay trên thế giới như Syria, Ai Cập hay đang mỗi ngày xuống đường tranh đấu như Venezuela, Iran trong lòng những người Việt quan tâm cảm thấy hồi hộp, nôn nao và chờ đợi. Không đâu. Việt Nam trước mắt vẫn như một hồ Tây yên tĩnh, thỉnh thoảng gợn lên cơn sóng nhỏ khi một làn gió nhẹ thổi qua thoạt trông rất nên thơ nhưng không tạo nên một thay đổi căn bản nào cho cuộc đời những người đang ngồi trên ghế đá bên bờ. 

Việt Nam không phải là Syria, không phải là Tunisia, không phải là Ai Cập, không phải là Libya. Cơn gió lớn của mùa xuân Á Rập thổi bay hàng loạt các cơ chế chính trị độc tài ở vùng này từ năm 2011 nhưng chưa thổi đến Việt Nam. 

Tư tưởng nô lệ hiện đại qua chính sách tẩy não vẫn còn chế ngự trong nhận thức của nhiều người Việt. Thay đổi đất nước phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức của người dân và đó là một nỗ lực lâu dài. Nhưng nhanh hay chậm, xa hay gần thay đổi vẫn sẽ phải xảy ra bởi vì khát vọng tự do của con người dù ở đâu cũng giống nhau. 

Lịch sử nhân loại cho thấy, khi những người bị áp bức đứng lên, số phận của họ và xã hội họ sống sẽ thay đổi. May mắn tại Việt Nam, một số người, dù còn ít, đã can đảm đứng lên chấp nhận tù đày. Chuyến tàu lại tiếp tục lao về phía trước cho một bình minh sẽ đến nay mai. 

Trần Trung Đạo