Trần Trung Đạo: Không dễ để chia tay

Người đàn ông, có vẻ là người Ấn Độ, ốm và cao như một đạo sĩ hơn là du khách, chắp hai tay sau lưng, đi ngang nhìn tôi và nói bằng tiếng Anh “Không dễ để chia tay, phải không?” Tôi trả lời vui “Đúng, những gì mình không thích, xa đã không dễ, nói chi là những gì mình yêu quý.” Ông đáp, “À, cũng đúng.” Chúng tôi cùng cười và ông đi tiếp. 

Thì ra ông ta nghe vợ tôi nhắc “đủ rồi, thêm một tấm nữa hoài.” 

Chúng tôi đi nhiều nơi nhưng những cồn cát độc đáo này có nhiều điều đáng nhớ. 

Hôm qua đang đi bộ, vợ tôi chợt dừng lại nhìn một cách trìu mến cành cúc dại mọc cao ngay giữa đường đi. Tôi hiểu ý và chợt nghĩ, cành hoa này thật may mắn. Bao nhiêu người, bao nhiêu đoàn người trong các “tour du lịch” đã đi qua đây nhưng chưa ai giẫm lên hoa. Nhưng rồi lát nữa, chiều nay, ngày mai cho tới cuối mùa du lịch, liệu cành cúc lẻ loi này có còn may mắn nữa hay không. Tôi bảo vợ ngồi cạnh để chụp với hoa một tấm hình kỷ niệm. 

Vợ chồng chúng tôi chỉ ở lại Great Sand Dunes National Park một đêm trong một motel ngoài cổng. Motel có tên là Great Sand Dunes Lodge. Vùng Mosca này chỉ có một motel duy nhất với khoảng 20 phòng, một cây xăng rất cũ, một nhà hàng nhỏ chỉ mở cửa đến 6 giờ 30 chiều. Hầu hết du khách ở đêm tại các thành phố cách Great Sand Dunes National Park khoảng năm chục cây số. Tôi thích chụp cảnh mặt trời mọc và mặt trời lặn nên thường chọn ở những nơi gần với địa điểm du lịch để dễ ra vô.

Hôm qua tôi “check in” vào motel. Người tiếp tôi là một bà cụ khoảng ngoài 70 tuổi. Khi tôi đưa giấy tờ, bà đọc và nhìn tôi “Ông mướn chỗ ở như những người đi cắm trại?” “Dạ không, tôi mướn phòng ngủ”, tôi trả lời bà. “Nhưng khi mướn phòng ông đã chọn loại chỗ ở dành cho những người đi leo núi hay cắm trại. Chắc là ông chọn theo giá cả.” 

Bà dắt tôi ra sân chỉ một ‘trailer’ trên dốc ở cuối sân. “Đó là chỗ ở của ông bà tối nay. Motel hết phòng cho mướn rồi.” “Không được, thưa bà”, tôi đáp. “Tại sao không?” bà hỏi ngược. “Tôi biết đó là lỗi của tôi khi chọn loại phòng nhưng hôm nay là sinh nhật của vợ tôi. Chúng tôi cần một phòng ngủ rộng rãi và tươm tất chứ không phải ‘trailer’. Tôi sẵn sàng trả tiền thêm.” “Ồ, hôm nay là sinh nhật của vợ ông?” “Dạ”. Trong lòng tôi chợt lóe lên một tia hy vọng khi nghe bà “ồ”. 

Bà trở vào văn phòng, vài phút bà gọi tôi vào “Chúng tôi có một phòng dành riêng không cho mướn nhưng tôi sẽ để ông bà ở đó. Ông không phải trả thêm đồng nào cả. “Happy birthday to your wife’”. Bà trao tôi chìa khóa của căn phòng ở cuối dãy nhà gần với ‘trailer’ mà tôi đã mướn. Phòng ngủ rộng như các phòng khác nhìn sang những cồn cát nằm bên kia một thung lũng hoa vàng rất đẹp.

Ảnh: Trần Trung Đạo.

Dọn đồ đạc vào phòng xong tôi trở lại văn phòng motel. Nhìn khuôn mặt hớn hở của tôi bà biết là chúng tôi rất thích phòng trọ. Tôi hỏi tên, bà cho biết tên bà là Susan. Chúng tôi đi ăn trưa và mời bà chọn thức ăn trưa để tôi mang về cho bà nhưng bà từ chối.

Nói chuyện với ông Ấn Độ xong, chúng tôi về phòng dọn dẹp để ra đi. Tôi tới văn phòng mấy lần với hy vọng gặp bà Susan để nói lời cám ơn và tạm biệt nhưng bà không có ở đó. Văn phòng trống trơn. Mọi chi phí đã được tính toán xong từ trước. Những người “check out” chỉ dừng lại và để chìa khóa nơi bàn rồi ra đi. Tôi nấn ná với hy vọng gặp bà Susan lần nữa. Tới sau 10 giờ sáng, tôi phải ra đi. Tôi tìm một chị làm việc trong hotel để nhờ chị chuyển lại cho bà Susan lời cám ơn và chào tạm biệt. 

Để chắc chắn hơn, sáng nay tôi vào trang web của motel, viết một tin nhắn cho bà: “Kính chị Susan. Trước khi rời motel, chúng tôi có ghé văn phòng mấy lần để chào tạm biệt nhưng không gặp chị. 

Chúng tôi rất cám ơn chị. Nhờ sự tử tế và cảm thông của chị, vợ tôi có một sinh nhật thật tuyệt vời. Có thể không hay còn rất lâu chúng tôi mới trở lại nơi này, nhưng sẽ luôn nghĩ tới chị và kính chúc chị tràn đầy sức khỏe.” 

Chúng ta chắc đã gặp nhiều bà Susan như thế trong đời mình nhưng thường quên họ đi. 

Khi nghĩ những người thân thiết chúng ta thường chỉ nghĩ đến những người đã gắn bó với mình một phần đời, những tri kỷ, những người từng sống chết có nhau nhưng thường không để ý đến những người đã đến và đi trong khoảnh khắc. 

Và tôi chợt nhớ một câu đã viết trong bài Tình bạn để tự dặn mình: Dòng đời như sợi tơ dài, những người đã đến và đi nhiều khi không để lại một dấu tích gì to lớn nhưng thiếu họ sợi tơ có thể đã đứt đi một quãng. Họ là những chiếc gút nối lại những hoàn cảnh khó khăn, chiếc cầu bắt qua những chặng thăng trầm và chúng ta nên luôn tri ân họ như cành hoa biết cám ơn những giọt sương mai nhỏ xuống cuộc đời mình.

Trần Trung Đạo

(Trích trong Ra Đi Để Lại Nụ Cười)