Trọng Thành: Cuộc chiến biên giới Việt -Trung 1979: Liệu đã từng có cơ hội tránh?

Bìa tuần báo Time, với nhan đề “Phe cộng sản đánh nhau” (số tháng 3/1979)
Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch (phải) và nhà ngoại giao Mỹ William Sullivan tại Hà Nội năm 1989. Ảnh: NLĐ.
Ngày 17/2/1979, lính Trung Quốc tràn sang biên giới nước ta. Ảnh: Thường Thanh.
Người dân tranh đấu để khẳng định quyền tưởng niệm nạn nhân cuộc xâm lăng biên giới năm 1979 của Trung Quốc, đăng năm 2016.

NGÀY 17/2 lại về. 

45 năm đã qua, nhưng nhiều người Việt Nam vẫn nhớ. Nhớ về Màu Tím Hoa Sim, về sự bội phản, về những tổn thất, hy sinh, đã được nhìn nhận hay đang còn bị cố tình vùi trong quên lãng. Tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc xâm lăng, vinh danh những người dân, người lính anh hùng bảo vệ tổ quốc, ghi dấu những kẻ thủ phạm của bao đau thương tang tóc là đòi hỏi của lòng người, mà chẳng thế lực cầm quyền nào có thể ngăn cấm mãi được. 

Từ ít năm trở lại đây, báo chí trong nước đã bắt đầu đăng tải tự do hơn những hồi ức về cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược, các đánh giá khác nhau về diễn biến của chiến tranh, những gì trực tiếp dẫn đến chiến tranh. Song, với độ lùi thời gian, một vấn đề ngày càng được đặt ra nhiều hơn: Đó là cuộc chiến này có tất yếu phải xảy ra không? Do bởi dã tâm thâm hiểm của kẻ xâm lược mà không có cách nào tránh khỏi?  Hay cũng từng có một cơ hội nhỏ nhoi nào đó mà nhà cầm quyền, những người cầm quyền, nếu hiểu và biết cách, nếu biết quý trọng mạng người, nếu biết thương dân, đã có thể tránh, có thể né, đã có thể không để chiến tranh bùng lên?

Liệu đã từng có một cơ hội như vậy hay không? Đã từng có những nỗ lực để làm nên điều như vậy, nhưng bất thành hay không? …. Xin đăng lại một bài viết hồi năm ngoái với tiểu tựa:  “Bài học thất bại của Việt Nam trong cuộc ĐẠI XOAY TRỤC của thế kỷ XX”. 

ĐỂ BÙNG NỔ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI NĂM 1979 với TRUNG QUỐC: GIỚI “KIÊN ĐỊNH CỘNG SẢN” VIỆT NAM CÓ PHẦN TRÁCH NHIỆM GÌ?

(Hay Bài học thất bại của Việt Nam trong cuộc ĐẠI XOAY TRỤC của thế kỷ XX

Cho dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, cuộc xâm lăng của Trung Quốc, mở màn năm 1979, và vẫn còn kéo dài tại một số khu vực biên giới phía bắc trong thập niên 1980, tiếp tục là NỖI ĐAU ÂM THẦM của không ít người Việt. 

NỖI ĐAU khó nói thành lời. NỖI ĐAU đi liền với nhiều câu hỏi. 

Ngày càng có nhiều nhà quan sát nghiêng về suy nghĩ: nếu sớm bình thường hoá quan hệ với Mỹ, Việt Nam đã có cơ hội tránh được cuộc chiến biên giới tàn khốc với Trung Quốc. 

Gần đây cứ mỗi năm đến ngày 17/02 – ngày Trung Quốc mở màn cuộc tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, có thể thấy nổi bật trở lại 2 tâm thế đối nghịch trong công chúng người Việt, trên các mạng xã hội. 

Chống lại tâm thế LÃNG QUÊN, do cố ý hoặc vô tình, là nỗ lực của nhiều người – cố gắng ĐÁNH ĐỘNG SỰ CHÚ Ý của công chúng, của giới trẻ, đến cuộc chiến chống kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, chống chế độ cộng sản Bắc Kinh – kẻ thù nham hiểm, ác độc. Nhiều người LÊN ÁN chính quyền Việt Nam tiếp tục cố tình bưng bít sự thực lịch sử về cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc, bênh vực đảng Cộng sản Trung Quốc. Bởi tuy là thủ phạm, nhưng lại cùng là đồng minh ý thức hệ (chú thích 1). 

***

1/ VIỆT NAM LÀ CHÍNH NGHĨA, NHÂN DÂN VIỆT NAM LÀ NẠN NHÂN

Đối với nhiều người, không có cách hiểu nào khác hơn là chính quyền TRUNG QUỐC đã phản bội VIỆT NAM, dùng Khmer Đỏ tấn công phía Nam, trong lúc chủ động thiết lập quan hệ với Mỹ, để bao vây, cô lập Việt Nam. Theo cách hiểu này, cuộc chiến biên giới phía Bắc là không thể tránh khỏi. Đây là cái giá phải trả cho việc Việt Nam theo đuổi con đường khẳng định độc lập dân tộc, vì các lý tưởng nhân bản của mình. Quân dân Việt Nam đã hy sinh xứng đáng trong cuộc chiến vệ quốc anh hùng. 

Nhìn như vậy, LÊN ÁN chính quyền bưng bít thông tin, và TỐ CÁO kẻ thù Trung Quốc là thái độ hoàn toàn ĐÚNG ĐẮN, CHÍNH ĐÁNG, CẦN THIẾT và ĐẦY ĐỦ. 

Nhưng dù lên án chính quyền bưng bít thông tin hay không, đông đảo những người phản đối chính quyền và những người không phản đối ắt hẳn đều thấm trong tim rất nhiều ca khúc chính thống về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược. 

“Chiến đấu vì độc lập tự do” của Phạm Tuyên với “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man, đã giày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương…”, và “Những đôi mắt mang hình viên đạn” của Trần Tiến với “Đoàn quân vội đi, đi về biên giới, cũng từ biên giới về, bao người mẹ già…”. 

Hay sau này là “Chiều biên giới” của Trần Chung (thơ Lò Ngân Sủn), với “Chiều biên giới em ơi! Có nơi nào xanh hơn. Như chồi xanh cỏ biếc. Như rừng cây của lá. Như tình yêu đôi ta”. 

Và cả ca khúc lời Mỹ, nhạc Mỹ ‘‘Hãy kết đoàn vì Việt Nam đấu tranh” với 

“Bao nhiêu con tim sững sờ chợt nghe quân cướp tiến đánh Việt Nam,

Xích xe tăng quân Trung Quốc phá tan bao nhiêu xóm thôn bình yên.

Hôm nay năm châu tiếp tục bài ca đoàn kết chiến đấu năm xưa,

Cùng Việt Nam đấu tranh vì tự do” (dựa trên giai điệu của ca khúc lịch sử Mỹ thế kỷ 19 “The Battle Hymn of the Republic”).

2/ LÊN ÁN bưng bít thông tin, TỐ CÁO kẻ thù Trung Quốc liệu CÓ ĐỦ? 

Sự QUÊN LÃNG trong một bộ phận đông đảo công chúng về cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc là điều có thực. Việc chính quyền TRÁNH NÉ việc phổ biến thông tin đầy đủ và đa chiều về cuộc chiến này trong xã hội, trước hết là trong giáo dục ở nhà trường, là điều có thực. 

Tuy nhiên, việc LÊN ÁN chính quyền Việt Nam và TỐ CÁO kẻ thù Trung Quốc như trên, dường như hoàn toàn KHÔNG ĐỦ, và CÓ THỂ RẤT PHIẾN DIỆN. Và thậm chí có thể KHIẾN TA NHẮM MẮT trước nhiều SỰ THỰC LỊCH SỬ căn bản. 

Với độ lùi thời gian, ngày càng có nhiều hiểu biết về lịch sử giai đoạn này cho thấy, cuộc chiến biên giới Việt – Trung đã xảy ra trong một hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử chính trị quốc tế, tạm gọi là giai đoạn “XOAY TRỤC” – như một diễn đạt khá thông dụng gần đây. Mức độ “XOAY TRỤC” lớn đến mức cũng có thể gọi là “ĐẠI XOAY TRỤC”. Cụ thể với việc TRUNG QUỐC CỘNG SẢN và HOA KỲ, từ chỗ là THÙ trở thành gần như BẠN. Chuyển biến địa-chính trị được đánh giá là quan trọng bậc nhất của thế kỷ 20. 

Với nhiều người đi theo cách hiểu chính quyền TRUNG QUỐC đã phản bội VIỆT NAM, phối hợp với MỸ cô lập Việt Nam, thì cuộc ĐẠI XOAY TRỤC nói trên có thể được coi là CÚ LỪA THẾ KỶ của các thế lực bá quyền ĐẠI HÁN, hết sức nham hiểm, bước khởi đầu cho sự vươn lên của Trung Quốc trở thành siêu cường. Trung Quốc đã lợi dụng được Mỹ để vọt lên thành công trong mục tiêu hiện đại hoá. 

Tuy nhiên, cách hiểu nói trên chỉ là một trong các cách. 

3/ BA CÁCH NHÌN TRÁI NGƯỢC 

Về quan hệ Việt – Mỹ giai đoạn 1976 đến cuối 1978, có ít nhất ba luồng quan điểm rất khác biệt, thậm chí trái ngược. 

+ Quan điểm thứ nhất, như đã nêu, khẳng định thái độ nham hiểm của Trung Quốc, thao túng quan hệ Việt – Mỹ, lái theo hướng hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc, bất lợi cho Việt Nam. Và thực tế cho thấy là họ đã lái thành công. 

+ Quan điểm thứ hai, khẳng định vai trò hàng đầu của phe cứng rắn với Việt Nam trong chính quyền Mỹ, muốn đi với Trung Quốc, trả đũa cho ‘’thất bại chua cay’’ ở Việt Nam trước 1975, khiến việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam là không thể trong giai đoạn này (Chú thích 2). 

+ Quan điểm thứ ba cho rằng : Việt Nam từng có những cơ hội, việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ hồi 1976, 1977 và đầu 1978 là hoàn toàn có thể, và chính quyền Việt Nam phải chịu trách nhiệm lớn về các cơ hội bị bỏ lỡ. 

Với thời gian, trong giới nghiên cứu và đặc biệt là trong chính giới quan chức Việt Nam, nhận thức về giai đoạn trước cuộc chiến biên giới Việt – Trung (cụ thể là từ 1976 đến cuối 1978) đã có nhiều bước tiến đáng kể. Các nhận thức cho phép xác nhận là đã từng có các cơ hội quan trọng giúp cho Việt Nam tránh được một cuộc xâm lăng của Trung Quốc. Nói một cách cụ thể là các cơ hội giúp cho Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Mỹ, và nhờ bình thường hoá quan hệ với Mỹ mà tránh được một cuộc xâm lăng của Trung Quốc. 

Chúng tôi xin đơn cử một số tác giả có các luận điểm ủng hộ quan điểm thứ ba : 

Cố học giả Mỹ Richar Baum trong loạt bài ‘‘The Fall and Rise of China’’ (2010), đưa ra một số nhận định chung về thế đối đầu gia tăng giữa một bên là liên minh toàn diện Việt Nam với Liên Xô và bên kia là Trung Quốc và Mỹ tìm cách thiết lập quan hệ đầy đủ. Các chính sách cứng rắn của chính quyền Hà Nội với người Việt gốc Hoa (dẫn đến cuộc tháo chạy ồ ạt của hàng trăm ngàn người Việt gốc Hoa khỏi Việt Nam) và các cuộc gây hấn gia tăng của Khmer Đỏ khiến Việt Nam ngày một phụ thuộc vào Liên Xô, và đối địch nhiều hơn với Trung Quốc. Thế đối đầu Việt – Trung gia tăng, Việt Nam ngả hẳn vào lòng Liên Xô buộc Mỹ phải nhanh chóng siết chặt quan hệ với Trung Quốc (chú thích 3). 

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong một bài viết năm 2019 nhận định: “nếu Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1977 thì sẽ không có chuyện Việt Nam ký hiệp ước đồng minh quân sự với Liên Xô và như vậy Trung Quốc sẽ không có cớ để thuyết phục được Mỹ ủng hộ Trung Quốc đánh Việt Nam với tư cách xung kích của “Đế quốc xã hội Liên Xô” trong khu vực. Mà không có sự ủng hộ của Mỹ thì chắc chắn Trung Quốc không đủ tự tin để tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam… Bài học rút ra là một quan hệ ngoại giao, và hơn thế nữa, một quan hệ đồng minh quân sự thiết lập với Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam tránh được, hay chí ít đánh bại các cuộc xâm lược, bất luận trên đất liền hay trên biển, được phát động bởi một Trung Quốc không ngơi tham vọng lãnh thổ.’’ (bài “Trung Quốc đã không thể xâm lược Việt Nam năm 1979 nếu…”) (chú thích 4). 

4/ CÁNH CỬA HÉ MỞ 

Nhà chính trị học lịch sử Vũ Minh Hoàng (đại học Cornell, Mỹ) đã dành hẳn một chương trong luận án tiến sĩ  “The Third Indochina War and the Making of Present-Day Southeast Asia 1975-1995” (Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba và sự hình thành của khối Đông Nam Á hiện nay, 1975 – 1995) (chú thích 5), cho vấn đề “Cơ hội bị bỏ lỡ trong quan hệ Việt – Mỹ, 1975-1979”. Cơ hội bình thường hoá được mở ra rõ rệt khi tổng thống đảng Dân Chủ Jimmy Carter lên cầm quyền. Mỹ rút quyết định phủ quyết chống Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc. 

Theo khảo sát của tiến sĩ Vũ Minh Hoàng, Việt Nam từng tiến rất sát đến cánh cửa bình thường hoá vào thời điểm này. Thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Phan Hiền và đồng nhiệm Mỹ Richard Holbrooke đã có 3 cuộc đàm phán tính đến tháng 12/1977. Vào thời điểm đó Hà Nội lần đầu tiên chấp nhận bình thường hoá quan hệ mà không cần điều kiện tiên quyết. Các đe doạ ngày càng lớn từ Cam Bốt và Trung Quốc dường như đã buộc Hà Nội xuống thang. Phái đoàn Hà Nội lần đầu tiên không còn đòi Mỹ “bồi thường chiến tranh” như trước.

5/ Cuộc ĐẠI XOAY TRỤC hoàn tất, CHẾ ĐỘ NGÀY MỘT KIÊN QUYẾT BẢO VỆ Ý THỨC HỆ 

Tuy nhiên, chỉ trong vòng ít tuần, tình hình thay đổi hẳn. Đầu 1978, can dự của các lực lượng quân sự Cuba được Liên Xô ủng hộ tại châu Phi khiến trong chính quyền Mỹ có nhiều lo ngại là Việt Nam có thể trở thành một Cuba tại châu Á. Tháng 3/1978, Hà Nội quyết định quốc hữu hoá 30.000 doanh nghiệp tư nhân miền Nam. Quyết định chấm dứt kỳ vọng vào một nền kinh tế thị trường dưới chế độ cộng sản Việt Nam. 

Tháng 5/1978, Mỹ quyết định tăng tốc đàm phán bình thường hoá với Trung Quốc. Trong lúc Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục chủ trương hoà giải với Liên Xô qua Hiệp ước về vũ khí chiến lược (SALT) và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, thì cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Brzezinski, gốc Ba Lan, rất thù địch với chế độ cộng sản, quyết định chơi con bài Trung Quốc để chống Liên Xô, và kìm chế Việt Nam. 

Vòng xoáy đối đầu Trung – Việt gia tăng cùng với việc Mỹ – Trung và Việt – Xô siết chặt quan hệ. Cuộc ĐẠI XOAY TRỤC đã gần bước vào giai đoạn hoàn tất. 

Ngày 30/10/1978, cánh cửa bình thường hoá quan hệ với Mỹ hoàn toàn đóng lại: lần đầu tiên Mỹ nêu vấn đề chiến tranh biên giới của Việt Nam với Cam Bốt, khủng hoảng “nạn kiều”, và quan hệ Việt Nam – Liên Xô trong đàm phán với Việt Nam. Ngày 02/11/1978, Việt Nam ký hiệp định Liên minh toàn diện với Liên Xô. Mỹ – Trung ký thoả thuận thiết lập chính thức quan hệ ngoại giao ngày 15/12/1978. 

(Ngày 01/01/1979, Mỹ chính thức từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan (với tên chính thức là Cộng Hoà Trung Hoa). Trung Quốc (tức Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa) thế chỗ của Đài Loan trong quan hệ với Mỹ) (Việc Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan trên thực tế không phải là phản bội Đài Loan, như nhiều người lên án, mà cùng lúc đó Quốc hội Mỹ ra luật bảo vệ Đài Loan. 8 năm trôi qua kể từ khi Mỹ chấp nhận để Trung Quốc thế chân Đài Loan tại Hội đồng Bảo an, sau cuộc bỏ phiếu ở LHQ, cho đến khi Mỹ chuyển sứ quán từ Đài Bắc sang Bắc Kinh, một biến chuyển chủ đạo trong cuộc Đại xoay trục). 

Tháng 12/1978, Khmer Đỏ điều động 19 sư đoàn áp sát biên giới tây nam, Bắc Kinh tăng cường lực lượng ở biên giới phía bắc. Đạn đã lên nòng. Xung đột vũ trang quy mô lớn chỉ còn là vấn đề thời gian. 

Ngày 25/12/1978, quân đội Việt Nam tràn sang Cam Bốt trong chiến dịch tấn công phủ đầu. Ngày 7/1/1979 đẩy Khmer Đỏ khỏi Phnom Penh…. Trung Quốc sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc tấn công biên giới, mà Bắc Kinh gọi là để “dạy cho Việt Nam một bài học’’. 

6/ VIỆT NAM: SỰ MÙ QUÁNG CỦA GIỚI CHÓP BU 

Với thời gian nhìn lại, trong giới chức cao cấp ngoại giao Việt Nam, đã có những nhìn nhận rõ ràng hơn về vấn đề này. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai, một người có vai trò tích cực trong việc thiết lập bang giao với Mỹ, đã nêu bật trách nhiệm số một của giới lãnh đạo chóp bu Việt Nam vào thời điểm đó. 

Lập đường kiên định cộng sản, cuồng tín ý thức hệ, bảo hoàng hơn vua, của giới chóp bu đã đẩy Việt Nam vào vị thế chư hầu của Liên Xô, khiến việc thiết lập quan hệ với Mỹ trở thành bất khả. Hoàn cảnh nói trên khiến Việt Nam dễ dàng trở thành món mồi ngon cho những thế lực ở Bắc Kinh, muốn sử dụng Việt Nam làm con dê tế thần. 

Trong một bài viết năm 2015, thứ trưởng Lê Mai nhớ lại với đầy tiếc nuối: 

“Khi ấy Trưởng đoàn đàm phán Phan Hiền đã báo cáo về vấn đề này với lãnh đạo bộ Ngoại giao. Ông Nguyễn Cơ Thạch lúc này đã là bộ trưởng Ngoại giao (thay ông Nguyễn Duy Trinh- NV) cho rằng đây là thời cơ hết sức thuận lợi để chúng ta thiết lập mối bang giao với Mỹ, đánh dấu sự trở lại của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là phương Tây. Tuy nhiên, tiếc rằng, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã không thuyết phục được lãnh đạo cấp cao của ta”.

Cuối những năm 1977, đầu 1978 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trở nên hết sức căng thẳng. Để cải thiện môi trường quốc tế, đầu năm 1978, tại Tokyo, thông qua Trưởng đoàn đàm phán, Việt Nam đã thông báo với phía Mỹ là Việt Nam sẵn sàng bình thường hóa vô điều kiện với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên lúc này Mỹ quan tâm hơn tới việc đàm phán bình thường hoá với Trung Quốc hơn, vấn đề Việt Nam không còn được ưu tiên nữa. Cuối năm 1978, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cố gắng một lần nữa hối thúc Hoa Kỳ ký kết hiệp định bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, nhưng bất thành’’ (chú thích 6).

7 / VIỆT NAM BỊ KẸT, VÀ LỠ NHỊP – TRUNG QUỐC THUA MỘT TRẬN, THẮNG TOÀN CỤC

Về biến cố cuộc chiến biên giới 1979, nhà văn Phạm Viết Đào, một nhà khảo cứu độc lập về chiến tranh Việt – Trung, đưa ra một tổng kết đáng chú ý. Đó là Trung Quốc thua chiến thuật nhưng thắng về chiến lược: bắt tay với Mỹ, cải cách kinh tế, canh tân quân đội và khống chế Việt Nam nhiều mặt, “nhờ thua Việt Nam mà họ bắt tay được với Mỹ. Nhờ thua Việt Nam mà trong 20 năm họ đưa được nền kinh tế lên hàng thứ hai thế giới” (chú thích 7). 

Cuộc ĐẠI XOAY TRỤC là một tiến trình lâu dài khởi đầu ngay từ cuối những năm 1960, với việc quan hệ Liên Xô – Trung Quốc rạn nứt, Hoa Kỳ tìm cách thiết lập với Trung Quốc. Việc Trung Quốc và Mỹ chính thức lập bang giao tháng 1/1979 có thể coi là dấu mốc khép lại giai đoạn ĐẠI XOAY TRỤC. 

ĐẠI XOAY TRỤC là một biến động dữ dội trong quan hệ quốc tế. Việt Nam chỉ là một nước nhỏ, không tác động hay tham gia được nhiều vào biến chuyển lớn đó, nhưng không nhiều không có nghĩa là không thể. 

Trong cuộc ĐẠI XOAY TRỤC quan trọng bậc nhất của thế kỷ XX, diễn biến lịch sử cho thấy chế độ cộng sản Việt Nam đã bị mắc kẹt. “Bên Thắng Cuộc” đã bỏ lỡ một nhịp trong việc hướng sang một xã hội mở, dân chủ hoá, nền kinh tế thị trường… Di sản kinh tế thị trường, xã hội mở thời chế độ Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam đã hoàn toàn bị xoá bỏ, sau khi chính quyền cộng sản dùng vũ lực thống nhất đất nước. Hệ quả của việc lỡ nhịp này không những là sự tụt hậu kéo dài, mà còn khiến Việt Nam trở thành nạn nhân của thêm một cuộc chiến tranh. 

8/ BÀI HỌC THẤT BẠI trong cuộc ĐẠI XOAY TRỤC giúp gì VIỆT NAM HIỆN NAY?

Cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979 đã trôi qua hơn 40 năm, trở lại tìm hiểu để làm gì? 

Cuộc xâm lăng của Trung Quốc năm 1979, cũng như Hiệp định Paris về lập lại hoà bình cho Việt Nam năm 1973, là hai trong số các biến cố quan trọng bậc nhất của lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Không thể tránh tìm hiểu, nếu muốn nhận thức đúng về những lựa chọn của Việt Nam. 

Trong lịch sử, gần như mọi thứ đều diễn ra theo lô-gic nhân quả. Đây là điều khiến rất nhiều người nhận định: những gì đã diễn ra là CÓ LÝ, là HỢP LÝ, thậm chí là DUY NHẤT ĐÚNG. Theo đó mà có câu: lịch sử do Bên Thắng Cuộc viết ra. 

Tuy nhiên, (nhận thức về) lịch sử không hẳn đã luôn là sự an bài, lô-gic nhân quả không có nghĩa là phần chủ quan cá nhân không có những phần đóng góp riêng, cho dù rất nhỏ, vô cùng nhỏ. 

Diễn biến về các nỗ lực bình thường hoá quan hệ Mỹ – Việt dần dần được phục dựng trở lại cho thấy, đã có lúc, đã từng có NHỮNG CÁNH CỬA HÉ MỞ. 

CƠ HỘI đã bị BỎ LỠ, những CÁNH CỬA rồi đã KHÉP LẠI. BẠO LỰC đã thay cho những cái BẮT TAY. Bom đạn trút xuống những người cầm súng, và nhất là trút xuống những người dân không tấc sắt trong tay. 

LỊCH SỬ không thể LÀM LẠI. Cái đã xảy ra là không thể vãn hồi. Nhưng nhận thức về LỊCH SỬ thì có thể thay đổi, thậm chí cần thay đổi rất nhiều, để con người hiểu rõ hơn, đúng hơn về những diễn biến và những lô-gic lịch sử, về trách nhiệm trong khi lựa chọn một hành động, đặc biệt là trách nhiệm của những người lãnh đạo, những người lãnh đạo cấp cao nhất của một xã hội. 

Nhiều người chú ý nhiều đến khía cạnh QUẢ trong quan hệ nhân – quả. Ngược lại việc chú ý nhiều hơn đến NHÂN trong quan hệ nhân – quả cho phép thấy rõ hơn giá trị của mỗi quyết định cá nhân, cho dù có thể là rất nhỏ xét về toàn cục. 

TRONG CUỘC ĐẠI XOAY TRỤC của thập niên 1970, chính quyền cộng sản Việt Nam đã để lỡ nhịp, khiến Việt Nam lâm vào thế kẹt. Một số ít quan chức cao cấp trong chính quyền Việt Nam, cụ thể là trong giới ngoại giao, đã tỉnh táo nhìn ra lối thoát. Nhưng chỉ riêng họ không thể xoay chuyển tình thế, bởi họ không phải là những người có quyền quyết định. 

LỊCH SỬ không thể LÀM LẠI. Cái đã xảy ra là không thể vãn hồi. Nhưng VIỆC PHƠI BÀY NHỮNG SỰ THỰC về những nỗ lực nắm bắt cơ hội, về những cơ hội bị bỏ lỡ, về khả năng kiến tạo các cơ hội, KHÔNG NHỮNG QUAN TRỌNG để giúp hiểu rõ hơn giai đoạn lịch sử trước khi diễn ra chiến tranh biên giới Việt – Trung, mà còn QUAN TRỌNG CẢ với chính nhận thức về giai đoạn hiện tại. 

Liệu giờ đây trong chính quyền Việt Nam, có những lực lượng nào có nhận thức tỉnh táo, sẵn sàng đặt lên cao nhất vận mạng và quyền lợi của người dân, thay vì lập trường kiên định ý thức hệ, đã từng đẩy Việt Nam chìm sâu trong thế đối đầu với Mỹ? Bài học rút ra từ thất bại trong cuộc Đại Xoay Trục thập niên 1970 có giúp gì cho xã hội Việt Nam hiện nay?

Trọng Thành 

——————

Chú thích:

  1. https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20220218-vi-sao-sach-giao-khoa-vietnam-ne-tranh-cuoc-chien-bien-gioi-voi-tq
  2. https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/truong-dinh-hung-1945-2014
  3. https://thediplomat.com/2019/03/could-vietnam-have-avoided-the-1979-war-with-china/
  4. https://ecommons.cornell.edu/server/api/core/bitstreams/ccd198b2-7421-4a71-b8be-7cf402876e5f/content
  5. https://vtc.vn/binh-thuong-hoa-quan-he-viet—my-hoa-giai-nhung-cai-dau-nong-coi-my-la-ke-thu-chien-luoc-ra-sao-ar213927.html
  6. https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20190217-viet-nam-40-nam-sau-chien-tranh-bien-gioi-duoi-mat-mot-cuu-chien-binh