Trùng Dương: Đài truyền hình ABC dàn xếp vụ kiện phỉ báng ảnh hưởng tới báo chí Mỹ ra sao?
Như nhiều người trong báo giới Mỹ, tôi sửng sốt trước tin hệ thống truyền hình ABC dàn xếp vụ Donald Trump kiện về vụ phỉ báng ngay ngày lẽ ra hai bên sẽ trình bầy tại tòa lý lẽ bên mình (disposition) trước khi vụ kiện bắt đầu. Theo đó, ABC và công ty mẹ là Disney thỏa thuận trả cho ông Trump $15 triệu đóng góp vào quỹ xây thư viện tổng thống trong tương lai và $1 triệu phí tổn luật sư.
Dư luận báo giới sửng sốt khi ABC có nhiều triển vọng thắng vì được che chở bởi Tu Chính Án thứ nhất và án lệ The New York Times v. Sullivan (1964) của Tối cao Pháp viện buộc các nhân vật của quần chúng (public figures) kể cả các viên chức chính quyền phải chứng minh được là bài báo mà họ cho là có nội dung phỉ báng có ác ý thực sự (actual malice) khi tường thuật sai lạc.
Nhiều bình luận sôi nổi xung quanh quyết định dàn xếp của ABC/Disney đã được nêu ra, từ cả hai phía bênh và chống. Chống thì cho rằng đài truyền hình ABC và công ty mẹ Disney đã bị khuất phục chấp nhận thua trước khi ra tòa để có dịp minh chứng về sự vô tình loan tin thất thiệt; còn bên bênh thì hả hê trước sự khuất phục đó, cho rằng các cơ quan truyền thông đã lâu nay hành xử như một thứ kiêu binh, xứng đáng để nhận sự trừng phạt đó.
Trong bài này tôi sẽ trình bầy nội vụ việc ông Trump kiện ABC, nội dung Tu Chính Án thứ nhất và án lệ NYT v. Sullivan, phản ứng của báo giới, lý do tại sao ABC/Disney thỏa thuận dàn xếp, và tương lai của báo chí và truyền thông tại Hoa Kỳ.
Bối cảnh dẫn tới vụ kiện phỉ báng của ông Trump
Vào ngày 10 tháng 3 năm 2024, Dân biểu Cộng hòa Nancy Mace, một người sống sót sau vụ cưỡng hiếp, đã được nhà báo George Stephanopoulos phỏng vấn trên chương trình This Week của ABC. Cuộc phỏng vấn kéo dài mười phút và hơn bảy phút liên quan đến hai vụ E. Jean Carroll kiện ông Trump về tội phỉ báng và xúc phạm tình dục, mà ông Stephanopoulos đã lập đi lập lại nhiều lần là ông Trump “trách nhiệm đã hiếp” đương đơn Carroll.
Đầu đuôi của vụ bà Carroll kiện ông Trump là như thế này: Năm 2019, bà Carroll cáo buộc trong một bài báo trên tạp chí The Cut tại New York rằng ông Trump đã cưỡng hiếp bà vào giữa thập niên 1990 trong một cuộc gặp gỡ tại cửa hàng Bergdorf Goodman ở Manhattan. Ông Trump đã phủ nhận điều này và kể từ đó, gọi bà Carroll là kẻ nói dối. Bà Carroll đã kiện ông ta vào năm 2019 vì tội phỉ báng; và, khi luật mới ở New York cho phép kiện các vụ xách nhiễu tình dục đã đáo hạn, nên vào năm 2022 bà Carroll cũng nạp đơn kiện ông Trump vì tội tấn công tình dục. Vì cả hai là vụ kiện dân sự nên ông Trump không cần có mặt tại tòa. Vụ kiện thứ nhất liên quan đến việc ông Trump đã phỉ báng cho là bà Carroll nói dối, và bà đã được tòa tuyên án ông Trump phải bồi thường cho bà 5 triệu Mỹ kim.
Vụ kiện thứ hai đã được xét xử trước bồi thẩm đoàn liên bang Manhattan vào tháng 4 qua tháng 5 năm 2023 và dẫn đến phán quyết trị giá 88.3 triệu đô la bồi thường cho bà Carroll.
Cáo buộc duy nhất trong đơn kiện phỉ báng của ông Trump là cáo buộc “hiếp dâm” theo đúng nghĩa đen, mà luật pháp New York định nghĩa là khi dương vật xâm nhập vào âm đạo. Bà Carroll đã làm chứng rằng ông Trump đã dùng ngón tay của ông xâm nhập vào âm hộ của mình và đã được tòa nhìn nhận là dù không hãm hiếp như nhiều người hiểu chữ “hiếp dâm” theo nghĩa đen và theo luật của tiểu bang New York, nhưng thẩm phán xét xử vụ kiện viết vào tháng 7 năm 2023 rằng, “Kết luận rằng bà Carroll không chứng minh được rằng mình đã bị ‘cưỡng hiếp’ theo nghĩa của Luật Hình sự New York không có nghĩa là bà ấy đã không chứng minh được rằng ông Trump đã ‘hãm hiếp’ mình như nhiều người thường hiểu từ ‘hiếp dâm’. Thật vậy, như bằng chứng tại phiên tòa được kể lại dưới đây cho thấy rõ, bồi thẩm đoàn nhận thấy rằng ông Trump trên thực tế đã thực sự làm điều đó [hiếp dâm].”
Do đấy, trong cuộc phỏng vấn ngắn ngủi trên ABC, lúc đầu có sự lẫn lộn về hai vụ kiện khi nhà báo Stephanopoulos có lúc cho biết “các thẩm phán ở hai bồi thẩm đoàn đã kết luận [Trump] phải chịu trách nhiệm về tội hiếp dâm.” Tuy nhiên, sau vài phút bối rối ban đầu, mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn. Stephanopoulos đã nói chín lần cả thẩy rằng ông Trump “phải chịu trách nhiệm về tội hiếp dâm”. Nhà báo cũng dùng từ “hiếp dâm” ba lần khác. Bà dân biểu Mace, người được phỏng vấn, đã chỉ ra năm lần rằng điều này xảy ra trong một vụ án dân sự chứ không phải hình sự, và Stephanopoulos cũng đã hai lần lưu ý tính cách dân sự của vụ kiện của bà Carroll. Cuối cùng, sau hơn sáu phút trò chuyện đầy tranh cãi, Stephanopoulos nêu ra một bài báo trên tờ Washington Post về ý kiến của thẩm phán phiên tòa vào tháng 7 năm 2023. Hàng tít hiện ra trên màn ảnh trong tám giây: “Thẩm phán đã sáng tỏ: Đúng thế, Trump bị phát hiện đã cưỡng hiếp E. Jean Carroll.” Stephanopoulos diễn giải lại là thẩm phán cho biết Trump “bị phát hiện đã phạm tội hiếp dâm”.
Trump đã nhanh chóng đưa đơn kiện đài ABC và Stephanopoulos vì tội phỉ báng tại tòa án liên bang ở tiểu bang Florida nơi ông cư trú. Đây là một trong nhiều vụ kiện phỉ báng mà ông đã khởi kiện báo chí trong nhiều năm qua. Biết là thua khi kiện báo chí, nhưng ông Trump vẫn kiện. Trong một bài báo tường thuật cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post, ông Trump cho biết là ông biết là mình khó có thể thắng khi kiện báo chí nhưng ông vẫn làm để nói lên quan điểm của mình. “Tôi đã mất một vài đô la cho chi phí pháp lý và họ đã phải chi nhiều hơn thế,” ông Trump nói. “Tôi đã làm điều đó để khiến cuộc sống của [phóng viên] trở nên khốn khổ, điều mà tôi rất vui.”
Tại sao kiện báo chí ở Mỹ khó thắng
Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ nêu rõ: “Quốc hội sẽ không ban hành luật nào tôn trọng việc thiết lập tôn giáo hoặc cấm tự do tôn giáo; hoặc hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; hoặc quyền hội họp một cách ôn hòa của người dân và kiến nghị Chính phủ giải quyết khiếu nại.” Điều oái oăm là vì Quốc hội “không làm luật” nên đã xẩy ra nhiều giải thích, tranh cãi, vì có luật đâu mà dựa vào.
Riêng về quyền tự do báo—chủ đề của bài này–, các nhà lập quốc Hoa Kỳ tin rằng tự do báo chí là một trong những quyền tự do cơ bản cần thiết cho một xã hội dân chủ. Quyền này đảm bảo rằng mọi người có thể chỉ trích các quan chức nhà nước, vạch trần nạn tham nhũng của chính phủ và phân phối tài liệu về hầu như bất kỳ chủ đề nào, không bị ràng buộc bởi các hình thức kiểm duyệt.
Trong một xã hội toàn trị, những cuộc xét xử bí mật và bỏ tù thường là những công cụ đàn áp chính. Trong khi đó, trong một xã hội dân chủ, báo chí tự do hiện hữu ở hầu hết mọi cộng đồng và mọi tiểu bang để theo dõi chính quyền địa phương, cảnh sát, tòa án và hệ thống tư pháp hình sự. Một nền báo chí không bị chính phủ kiểm soát sẽ có mặt trong các phòng xử án của quốc gia với tư cách là người bảo vệ và giám sát các quyền của người dân trong một nền tư pháp độc lập, được xét xử công bằng và được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật.
Trong số những án lệ liên quan tới quyền tự do báo chí, đáng kể nhất đối với việc loan tin hàng ngày ở Mỹ là quyết định vào năm 1964 trong vụ The New York Times vs. Sullivan. L.B. Sullivan là một viên chức thuộc thành phố Montgomery ở tiểu bang Alabama đã đưa đơn kiện công ty New York Times với cáo buộc phỉ báng vì báo này đã đăng một quảng cáo với nội dung thất thiệt. Tòa sơ thẩm phán với bồi thẩm đoàn rằng quảng cáo này có những tuyên bố có tính cách vu khống nên đã thỏa thuận trả cho ông Sullivan 500.000 Mỹ kim bồi thường thiệt hại. Công ty NYT kháng án lên Tòa Tối cao Pháp viện Mỹ, và tòa này cho rằng một viên chức nhà nước không thể đòi bồi thường thiệt hại cho một hành động phỉ báng mà không chứng minh được là tờ báo có ác ý thực sự (actual malice). Án lệ này cũng nhằm bao che cho báo chí vì lẽ chuyện loan tin thất thiệt là chuyện có thể xẩy ra đối với báo chí, nhất là báo hàng ngày, phải loan tin nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu tin tức của quần chúng.
Quyết định này đã thiết lập một tiêu chuẩn cao, đó là nguyên đơn phải chứng minh là tờ báo biết là tin thất thiệt mà vẫn đăng tải. Do dấy, trong các vụ án liên quan đến các viên chức nhà nước, tòa án sẽ xem xét liệu nhà báo có biết thông tin đó là sai sự thật hoặc tỏ ra bất chấp và coi thường sự thật hay không. [Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây vụ hãng sản xuất máy kiểm phiếu Dominion kiện cơ quan truyền hình Fox News vào mùa xuân năm 2023, qua đó Fox News buộc phải dàn xếp và thỏa thuận trả cho Dominion 787.5 triệu Mỹ kim vì Dominion đã có bằng chứng là Fox News biết là tin thất thiệt mà vẫn loan tải. Một hãng khác, Smartmatic, kiện Fox News trong một vụ tương tự và đòi bồi thường 2.7 tỉ Mỹ kim, cũng đang chờ ra tòa.]
Có thể nói phán quyết NYT v. Sullivan mang lại cho giới báo chí một bao che cần thiết khi đưa tin về các viên chức nhà nước, những người có thể kiện họ tới phá sản hoặc im lặng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều chính trị gia và viên chức nhà nước đã đề nghị nên xét lại và có thể gỡ bỏ án lệ New York Times v. Sullivan. Và đề nghị này xem ra đang nhận được sự đồng cảm từ ít nhất hai thẩm phán bảo thủ của Tòa Tối cao. Đó là Thẩm phán Clarence Thomas và Thẩm phán Neil Gorsuch là hai người đã lưu ý vào năm 2019 rằng quyết định Sullivan cần được xem xét lại.
Gorsuch viết: “Các quy tắc nhằm đảm bảo một cuộc tranh luận sôi nổi về các hành động do các viên chức cao cấp thực hiện trong khi công tác cho công chúng dường như ngày càng khiến ngay cả những người Mỹ bình thường không thể truy đòi tội phỉ báng nghiêm trọng.”
Thẩm phán Clarence Thomas cũng kêu gọi xét lại án lệ Sullivan và tiêu chuẩn “actual malice”, ít nhất là khi nó áp dụng cho các nhân vật công chúng quen tên quen tuổi, một thành phần khác biệt với các viên chức nhà nước. Thomas viết: “Tuyên bố của tòa [TCPV] rằng Tu chính án thứ nhất yêu cầu các nhân vật của công chúng phải chứng minh ác ý thực sự không có nguồn gốc trong văn bản, lịch sử hoặc cấu trúc của Hiến pháp.”
Ông Trump không mong gì hơn là Tối cao Pháp viện, với sáu vị thẩm phán bảo thủ trong đó ba vị do ông đề cử trong nhiệm kỳ đầu, sẽ xét lại và có thể loại bỏ án lệ Sullivan lâu nay bảo vệ báo chí. [Tưởng cũng nên nhắc lại là cũng tòa này đã loại bỏ án lệ đã hiện hành trên nửa thế kỷ Roe v. Wade nhằm bảo vệ quyền sinh sản và sức khỏe của nữ giới vào tháng Sáu năm 2022, và đã đưa nước Mỹ trở lại thời của những thế kỷ trước, với nhiều chuyện thương tâm đã diễn ra khi bác sĩ y tá đành bó tay trước những trường hợp sinh mạng của sản phụ bị đe dọa vì thai hư hay mang thai phức tạp, hoặc bé gái bị hãm hiếp đến mang thai bị buộc phải mang thai tới khi sanh vì không được phép phá thai.]
Dù vụ kiện Disney/ABC được dàn xếp ngoài tòa, ông Trump coi đó là một chiến thắng lớn vì chưa có vụ kiện báo chí đáng kể nào mà ông đã thắng. Thừa thắng xông lên, ông đã liền đó đâm đơn kiện nhà thống kê J. Ann Selzer và tờ Des Moine Register ở tiểu bang Iowa vì đã đưa ra tiên đoán ông sẽ thua ở tiểu bang này trong khi thực tế ông đã thắng.
Tại sao Disney quyết định dàn xếp vụ kiện?
Khi Disney đã đạt được thỏa thuận với ông Trump trong vụ kiện phỉ báng ABC News, điều đó đã dẫn đến những cáo buộc rằng công ty đã nhượng bộ ông ta. Chuyên gia về luật báo chí Richard J. Tofel viết trên tạp chí Columbia Journalism Review cho rằng quyết định nhượng bộ bồi thường và xin lỗi của ABC đã tạo bất ổn trong giới báo chí, và đòi ABC làm sáng tỏ. Chuyên gia Tofel đã đưa ra một số câu hỏi liên quan tới việc liệu ABC đã tìm thấy ở đâu đó trong hồ sơ chứng minh là nhà báo Stephanopoulos quả có “ác ý”, và liệu công ty mẹ Disney có gây áp lực trong việc dàn xếp vụ kiện vì ngay cả khi thắng tại tòa dưới hay kháng cáo ở tòa trên thì vụ kiện cũng kéo dài và sẽ gây tổn thương tới đại công ty mẹ vốn hiện diện hầu như ở khắp nơi với trọng tâm là giải trí cho trẻ em và gia đình.
Cả ABC và Disney cùng không lên tiếng, nhưng có lẽ đã đồng ý cung cấp tin tức cho tờ New York Times tiết lộ các nguyên do dẫn tới quyết định dàn xếp vụ kiện qua bài “Bên trong việc Disney dàn xếp vụ kiện phỉ báng của ông Trump.” Theo đó, các giám đốc điều hành của Disney “quyết định rằng việc chống lại vụ kiện có thể gây tổn hại cho công ty và các biện pháp bảo vệ báo chí.”
“Các giám đốc điều hành của Disney đã đoán trước được sự phản tác dụng [của việc tiếp tục vụ kiện],” bài báo viết. “Nhưng họ cũng xác định rằng họ có một vụ kiện không toàn hảo — và công ty còn có nguy cơ gây tổn hại đến các biện pháp bảo vệ báo chí cho mọi người nếu tiếp tục chống đối, cũng như làm tổn hại đến thương hiệu Disney.”
Theo nguồn tin ẩn danh tiết lộ với phóng viên tờ NYT, sau nhiều cân nhắc giữa các giám đốc điều hành Disney và các cố vấn pháp luật của họ, “[V]iệc dàn xếp đã do cố vấn chung của Disney, Horacio Gutierrez, và giám đốc điều hành Robert A. Iger của Disney chấp thuận.”
Ngoài ra, Disney còn lo ngại rằng bồi thẩm đoàn ở Florida – một tiểu bang nằm trong quỹ đạo của đảng Cộng hòa, nơi ông Trump đã giành được 13 điểm trong cuộc bầu cử vừa qua và là nơi cư trú hiện nay của ông Trump – sẽ đứng về phía tổng thống đắc cử và có khả năng trao cho ông một số tiền lớn vượt quá chi phí 16 triệu đô đã dàn xếp. Đặc biệt khi bên nguyên đơn biết công ty Disney trị giá tối thiểu là 205 tỷ Mỹ kim, có thể sẽ đòi hơn số tiền 16 triệu để dàn xếp.
Tất nhiên, Disney có thể kháng cáo nếu thua ở toà dưới. Tuy các giám đốc điều hành cảm thấy luật pháp đứng về phía họ, nhưng các luật sư của Disney kết luận là quá trình kháng cáo cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng kể. Kiện tụng với một tổng thống đương nhiệm lại đầy hận thù, đã từng tuyên bố báo giới là “kẻ thù của nhân dân”, trong khi Disney vốn tự hào về những bộ phim, chương trình truyền hình và các trò chơi trong công viên giải trí lành mạnh và thân thiện với gia đình nhằm thu hút mọi người thuộc mọi quan điểm chính trị, các giám đốc điều hành cảm thấy tiếp tục vụ kiện xem ra không ổn.
Đối với ABC News, trị giá chiếm có 5% trong đại công ty mẹ Disney, sự thù địch của ông Trump cũng có thể khiến ABC News khó thực hiện công việc truyền thông của mình hơn. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Trump đã tố cáo ABC là “khủng khiếp” vì cho là đài này đã thiên vị ứng cử viên Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc tranh biện duy nhất giữa hai ứng cử viên tổng thống, và đã đe sẽ thu hồi giấy phép phát sóng của đài, một việc thực ra không dễ thực hiện.
Và cuối cùng, theo sự tiết lộ của nguồn tin ẩn danh từ nội bộ của Disney, vụ việc nếu cuối cùng lên tới tòa Tối cao Pháp viện thì có thể trở thành phương tiện để ông Trump và các đồng minh, trong đó có hai vị thẩm phán Gorsuch và Thomas như đã đề cập tới ở trên, có cơ hội đòi tái xét và có thể lật ngược án lệ New York Times v. Sullivan, như họ đã làm với phán quyết Roe v. Wade. Phán quyết Sullivan năm 1964 đó, cũng như một số vụ kiện tiếp theo, đã khiến những nhân vật của công chúng như ông Trump khó thắng được các vụ kiện phỉ báng nếu không chứng minh được “ác ý thực sự” của bị cáo.
Ông Trump hiện đang có các vụ kiện chống lại CBS News và CNN, cho là đã loan tin thất thiệt vì ông ta không thích những tường thuật có tính cách chỉ trích mình, thường gọi đó là “tin giả”. Thậm chí ông ta còn kiện cả Hội đồng Giải thưởng Pulitzer vì đã trao giải Pulitzer cho tờ Washington Post và NY Times vì họ tường thuật về mối quan hệ của ông với nước Nga và vị tổng thống mà ông Trump rất ngưỡng mộ của nước này. Và vụ mới nhất, đó là vụ kiện tờ Des Moines Register và công ty mẹ là Gannett, cùng với cơ quan thăm dò dân ý của bà Ann Selzer ở Iowa, về tội gian lận và chen vào chuyện bầu cử khi đưa ra dự đoán sai là ông ta sẽ thua, song thực tế là ông đã thắng ở tiểu bang này.
Khác với Disney/ABC, Des Moines đã ra thông cáo, rằng: “Chúng tôi thừa nhận rằng cuộc thăm dò trước bầu cử của Selzer/Des Moines Register không phản ánh tỷ lệ cuối cùng về chiến thắng trong Ngày bầu cử của Tổng thống [đắc cử] Trump ở Iowa. Chúng tôi xin giữ nguyên báo cáo của mình về vấn đề này và tin rằng vụ kiện này là vô căn cứ.”
Kết luận
Báo chí mệnh danh là Cơ chế thứ Tư (Fourth Estate) hoạt động như một cơ quan giám sát, đòi chính phủ và các tổ chức quyền lực phải chịu trách nhiệm qua việc vạch trần những hành vi sai trái và thông báo cho công chúng. Cơ chế này góp phần vào một nền dân chủ lành mạnh qua việc cung cấp cho công dân thông tin họ cần để đưa ra quyết định sáng suốt.
Mệnh danh là cơ chế thứ tư–sau lập pháp, hành pháp và tư pháp—báo chí đồng thời có quyền lực và trách nhiệm trong việc định hình dư luận và tác động đến sự thay đổi xã hội. Do đó, báo chí được coi là trụ cột quan trọng của nền dân chủ, bổ sung cho ba quyền lực còn lại bằng cách đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm của giới hữu trách và quyền của người dân được cung cấp đầy đủ thông tin.
Người làm báo nói chung vẫn hãnh diện với vai trò được lịch sử giao phó trong sự bảo bọc của Tu Chính Án thứ nhất và án lệ NYT vs. Sullivan. Vai trò ấy và sự bảo bọc của án lệ này hiện đang bị đe dọa, đặc biệt là đối với báo chí truyền thông dòng chính mà đa số lâu nay đã trở thành một phần của các đại công ty, thường được mệnh danh là “corporate media”.
Việc công ty Disney quyết định dàn xếp vụ kiện phỉ báng của ông Trump cho thấy rõ hơn nhược điểm của báo chí truyền thông nằm trong quỹ đạo của một đại công ty. Theo đó, cứ việc đâm đơn kiện, như ông Trump vẫn làm, được thua không phải là mục tiêu, mà mục tiêu là làm đối thủ mất thời giờ và suy nhược tài chính, có thể phải đi đến thỏa thuận dàn xếp ngoài tòa cho yên.
Hoặc thế, hoặc nếu đối thủ quyết đi tới cùng, lên đến Tối cao Pháp viện với sáu vị thẩm phán bảo thủ, thì đã có hai vị thẩm phán vốn đã sẵn sàng đối phó với cái khiên bao che bao chí lâu nay là án lệ NYT v. Sullivan, và có lẽ hai vị này cũng chỉ chờ có vậy.
Sau ngày 20 tháng Giêng năm tới sau khi nhậm chức, ông Trump sẽ có bốn năm tới để chơi trò kiện báo chí, một trò có thể nói là tiêu khiển của ông trong suốt nhiệm kỳ đầu 2016-2020. Ông Trump ra tranh cử nhiệm kỳ tổng thống năm nay không vì một chính sách hay chương trình gì cho dân chúng Mỹ ngoài những hứa hẹn hão huyền với giai cấp nhân công về việc giảm giá cả lạm phát và trục xuất hàng chục triệu dân nhập cư không giấy tờ chính thực đang đóng góp cho kinh tế nước này—một việc không dễ và tốn kém. Mục đích chính đẩy ông ra tranh cử mà chính ông đã lặp đi lập lại nhiều lần, đó là để có được quyền lực để trả thù những người đã phơi bầy tội lỗi và các vụ nhũng lạm của ông, và để khiến những cáo buộc đó biến đi. Ông đang trên đường thực hiện các toan tính đó.
Riêng với giới truyền thông “kẻ thù của nhân dân” thì ông có vẻ đã nắm được yếu điểm quan trọng của họ để rửa hận.
Tạp chí kỳ cựu và bảo thủ The Atlantic, do tỉ phú Laurene Powell Jobs (góa phụ của Steve Jobs) làm chủ qua công ty của bà là Emerson Collective nắm đa số cổ phần, có phần nhận định sau:
“Điểm quan trọng mà ông Trump đã nhận ra là hầu hết các tài sản truyền thông lớn [dòng chính] đều gắn liền với một số tài sản lớn hơn, như Amazon, Disney, NantWorks (tập đoàn công nghệ thuộc sở hữu của Soon-Shiong), v.v.,” bài báo viết. “Tất cả những lợi ích kinh doanh đó đều được hưởng lợi từ sự hợp tác của chính phủ và có thể bị tổn hại bởi những lựa chọn chính sách không thuận lợi. Ông Trump có thể đe dọa những sở hữu chủ này bởi vì ông ta hầu như không quan tâm đến gì khác ngoài lợi ích riêng của mình. Ông còn có thể khiến đảng Cộng hòa tuân theo hầu hết mọi lập trường mà ông ta áp dụng […] Nổi tiếng là độc ác và tham nhũng, ông ta không đe dọa suông.”
“Còn những tỷ phú không sở hữu tài sản truyền thông [loại đại công ty trên] thì sao?” tác giả bài báo nêu câu hỏi và đề nghị mà chính người viết bài này cũng đã từng nghĩ tới: “Nếu bất kỳ nhà tài trợ giàu có nào vẫn quan tâm đến việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và dân chủ, họ có thể đứng ra thành lập một quỹ phí pháp lý dân sự để giúp các cơ quan báo chí truyền thông ít khả năng [phần lớn là giới báo chí truyền thông độc lập] trong các cuộc kiện tụng của Trump, với tiềm năng mở rộng sang lĩnh vực bào chữa hình sự sau khi ông Trump chính thức tiếp quản Bộ Tư pháp.”
“Tờ Register khó có thể là ấn phẩm nhỏ cuối cùng bị Trump nhắm đến,” tác giả bài báo trên tờ Atlantic viết. “Trong chiến dịch tranh cử, những người ủng hộ đảng Cộng hòa của ông Trump đã giải thích là những lời đe dọa trả thù lặp đi lặp lại của ông Trump tuy vậy không có nghĩa là ông thực sự có ý đó. Hàng loạt vụ kiện ngớ ngẩn mới nhất cho thấy rõ ràng rằng ông Trump quả có ý [trả thù] thật.”
Trùng Dương
[TD2024/12]
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Diễn Đàn Thế Kỷ.