Trùng Dương: Kiểm tin bầu cử 2024

Khi tôi bắt đầu viết bài này chỉ còn non hai tuần nữa là đến ngày bầu cử 5 tháng 11, 2024 được coi là một mất một còn giữa dân chủ và độc tài tại Hoa Kỳ. Cho tới nay đã có trên 17 triệu người bỏ phiếu bầu, hoặc qua bưu điện hoặc đích thân tới phòng bỏ phiếu. Ngay cả tiểu bang North Carolina chịu ảnh hưởng nặng nề trong kỳ bão Helene vừa qua với cả chục người mất tích còn chưa tìm thấy, 353 ngàn phiếu bầu đã được ghi nhận (trong tổng số 7.6 triệu cử tri toàn tiểu bang). Hầu như ai cũng nhìn nhận đây là một cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, không chỉ đối với dân Mỹ mà với cả thế giới vì kết quả của nó có thể thay đổi cả cục diện thế giới kể từ sau Thế chiến thứ Hai, và đặc biệt từ khi chấm dứt cuộc Chiến tranh Lạnh hơn ba thập niên qua.

Dân Mỹ vừa hào hứng vừa phập phồng đi bầu sớm. Nhiều người lần đầu tiên nhận ra sự quan trọng của lá phiếu trên tay mình, như một minh chứng của chế độ dân chủ.

Cũng không thua sự ồn ào đó là làn sóng tin đồn, thuyết âm mưu, tin xuyên tạc, việc dựng đứng trắng trợn những chuyện không có mà nhiều quan sát viên nhìn nhận chúng hầu như đã trở thành dưỡng khí của nhiều chính trị gia, một thứ căn cước của họ. Điển hình là vụ tin xuyên tạc về việc dân nhập cư Haiti ăn thịt các thú cưng của dân Springfield mà tôi đã có dịp đề cập tới trong bài “Cơn sốt trên cánh đồng Xuân” ở đây. Và gần đây hơn cả là các tin đồn liên quan tới các cơn bão Helene và Milton tàn phá khốc liệt, như tin thất thiệt của nhóm cực hữu về việc chính phủ liên bang sẽ không tài trợ vùng nào có nhiều nạn nhân đảng Cộng hòa, hoặc khẳng định rằng Washington đã sử dụng công nghệ kiểm soát thời tiết để hướng Helene về phía cử tri đảng Cộng hòa nhằm nghiêng cuộc bầu cử tổng thống về phía ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris.

“Theo các chuyên gia và quan chức địa phương phụ trách đối phó với thảm họa, các tuyên bố về thực tế thiệt hại lan rộng của bão Helene ít hơn so với thực tế về một nền chính trị rạn nứt của Mỹ,” tác giả bản tin của Associated Press nêu trên báo động, “cũng như nỗi sợ hãi và mất lòng tin đang bao phủ một năm bầu cử được đánh dấu bằng những nỗ lực ám sát và căng thẳng toàn cầu ngày càng gia tăng.”

Trong bầu không khí bất ổn đó, cuốn sách tựa đề “Beyond the Big Lie,” với tựa phụ tạm dịch “Đại dịch nói dối chính trị, Tại sao đảng Cộng hòa làm điều đó nhiều hơn và nó có thể đốt cháy nền dân chủ của chúng ta như thế nào,” vừa phát hành của nhà báo Bill Adair, khiến chúng ta phải quan tâm, tự hỏi vì đâu nên nỗi, và làm cách nào để đối phó với sự dối trá lan tràn làm nhiều người hoang mang trong mùa bầu cử quan trọng này.

Bill Adair, tác giả “Beyond the Big Lie”. (Ảnh tác giả cung cấp)

Ông Adair nguyên là sáng lập viên của cơ quan kiểm tin chính trị đầu tiên được thành lập vào năm 2007, PolitiFact. Cơ quan kiểm tin đầu tiên này mau chóng trở thành nơi lý tưởng cho các ký giả, cũng như các nhà quan sát chính trị, vào kiểm điểm mức chính xác của tin tức chính trị. Trong vòng một năm, PolitiFact đã nhận được giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer cho bộ môn tường trình quốc sự.

Hiện nay, với sự lan tràn của tin giả và xuyên tạc nhờ các diễn đàn xã hội, có hàng trăm cơ quan làm việc kiểm tin này, và hầu như mỗi cơ quan truyền thông đều có một bộ phận chuyên kiểm tin, cho thấy tình trạng lạm phát của tin không thật (misinformation) hoặc cố tình xuyên tạc (disinformation).

Trong cộng dồng Việt, một nhóm trẻ cũng thiết lập một bộ phận kiểm tin vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt để phục vụ nhu cầu cần thông tin chính xác của người gốc Việt, tại https://vietfactcheck.org/

PolitiFact đo sự chính xác của các tuyên bố của các chính trị gia dựa vào một cái cân, gọi là Truth-O-Meter (cân đo sự thật), gồm sáu cấp bậc.

Ảnh PolitiFact.com

Khác với nhiều cơ quan kiểm tin chỉ có hai cấp đúng và sai (True/False), bàn cân kiểm tin của PolitiFact chi tiết hơn, gồm có:

1) Đúng – Tuyên bố này chính xác và không có gì thiếu sót đáng kể; 2) Hầu hết đúng – Tuyên bố này chính xác nhưng cần làm cho rõ hơn hoặc bổ sung thêm chi tiết; 3)  Đúng một nửa – Tuyên bố này chính xác một phần nhưng bỏ sót những chi tiết quan trọng hoặc không đặt trong bối cảnh (context) của lời tuyên bố; 4) Gần như sai – Tuyên bố này có chứa một phần sự thật nhưng lại bỏ qua những sự kiện quan trọng có thể mang lại ấn tượng khác; 5) Sai – Tuyên bố này không chính xác; và 6) Cháy quần – Tuyên bố này không chính xác và đưa ra một tuyên bố vô lý, có nghĩa là dựng đứng trắng trợn.

Thông thường, một biên tập viên của PolitiFact xem xét một lời tuyên bố, nghiên cứu và viết bài  kèm theo phán quyết được đề xuất về tuyên bố đó. Các biên tập viên được hướng dẫn bởi một danh sách các việc phải làm trong việc kiểm tin. Sau khi bài viết được chỉnh sửa, một hội đồng gồm ít nhất ba biên tập viên sẽ cứu xét để xác định phán quyết đó trước khi đưa bản tin lên Truth-O-Meter. Mỗi bài kiểm tin đều có tên của người thi hành việc kiểm tin.

Vài thí dụ điểm tin trên bảng Truth-O-Meter:

https://www.politifact.com/article/2011/feb/21/principles-truth-o-meter

Dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn với các chính trị gia, các nhà hoạt động chính trị và chuyên gia về hiện tượng thông tin sai lệch, nhà báo Adair kể lại những lời nói dối và mô tả các kiểu nói dối của cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa xuất hiện trên mọi phương tiện truyền thông, kể cả các diễn đàn xã hội.

Một lần trong một buổi hội thoại, một người trong khán giả hỏi ông phe nào, Cộng hòa hay Dân chủ, nói dối nhiều hơn, ông Adair trả lời bằng… một lời nói dối, đúng ra là tránh trả lời thẳng, là PolitiFact không làm cái việc tổng kết xem mỗi phe nói dối bao nhiều bận. Ông không muốn PolitiFact bị nhìn như nghiêng bên nào nếu nói thật là quả thật PolitiFact có làm thống kê.

Trong lời mở đầu cuốn hồi ký viết sau khi ông đã từ nhiệm khỏi cơ quan kiểm tin, ông thú nhận đã “nói dối về sự nói dối”, và nhìn nhận là PolitiFact có thống kê việc phe nào nói dối nhiều hơn. Theo đó, phe Cộng hòa đã nói dối nhiều hơn nhờ khả năng sử dụng ngôn từ có tính thuyết phục. Ông Adair đưa ra một kinh nghiệm khiến ông, lúc ấy đang là đặc phái viên chính trị ở thủ đô Washington cho tờ Tampa Bay Times, quyết định đứng ra thành lập PolitiFact.

“Một trong những lời nói dối đầu tiên mà tôi gặp phải là ‘thuế tử vong’, một cái tên của thuế bất động sản đã bị chính trị hóa. Vào thời điểm đó thuế này chỉ ảnh hưởng đến gần 2% số người đã chết và chỉ những người thừa kế của những người giàu nhất trong số những người giàu có mới phải trả tiền thuế [trên bất động sản thừa hưởng],” ông Adair kể. “Năm 1997, đảng Cộng hòa muốn thay đổi các quy định để có ít người giàu có bị ảnh hưởng hơn. Để che giấu thực tế đó, họ đã khéo léo gọi nó là thuế tử vong và thốt ra những câu nói cay độc như ‘cái chết không phải là một sự kiện phải chịu thuế’, khiến nó có vẻ như là luật áp dụng cho tất cả mọi người.” Theo ông Adair thì đó là một cách dối trá khéo léo và đầy thuyết phục về chính sách, vốn là một phạm vi chứa đựng những lời dối trá xảo quyệt nhất.”

“Động lực thúc đẩy tôi trở thành người kiểm tin không dính dáng gì tới đảng phái,” ông Adair, hiện là giáo sư về báo chí và chính sách công tại Đại học Duke, viết trong phần giới thiệu: “Giống như một phóng viên điển hình của Washington, tôi quan tâm đến việc bắt các chính trị gia của một trong hai đảng đang phạm tội [nói dối] hơn là ủng hộ bất kỳ ai trong số họ. Nhưng khó có phóng viên trung thực nào bỏ qua được  điều này: Đảng Cộng hòa đi đường tắt để tạo ra một luận điểm (talking point) hay, trong khi Đảng Dân chủ cẩn thận hơn về tính chính xác. […] ”

Tuy vậy, trong nhiều thập niên, theo ông Adair, đảng Dân chủ cũng đã từng bóp méo một mối đe dọa và làm như sắp xẩy ra tới nơi, rằng đảng Cộng hòa sẽ tước đoạt các chương trình An sinh xã hội và Medicare. Trong khi phe Cộng hòa tỏ ra quan tâm về trách nhiệm đối với ngân sách quốc gia bằng cách hạn chế các phúc lợi xã hội này trong những năm tới, nhưng phe Dân chủ phản ứng như thể các quyết định cắt giảm này sẽ diễn ra ngay lập tức và dọa là “Bà nội sẽ mất tiền trợ cấp hàng tháng nếu bà bỏ phiếu cho phe Cộng hòa.”

Tuy nhiên, theo ông Adair, trên tổng thể thì vẫn là phe Cộng hòa đưa ra nhiều thông tin sai sự thật hơn, cả trong Quốc hội và trong các cuộc vận động tranh cử.

Theo tác giả Adair, tuy ông Trump không khởi động tính nói dối, nhưng ông chính là người đã kích động hiện tượng dối trá tới cao độ như hiện nay, khiến không còn mấy ai tin tưởng vào chính quyền, truyền thông, hay như nhiều đảng viên Cộng hòa tin là bầu cử thế nào cũng bị gian lận vì ông Trump đã nói thế. Cho tới nay ông Trump vẫn không nhận là mình thua trong cuộc bầu cử 2020, và đa số các người hỗ trợ ông, kể cả một số thành viên trong Quốc hội, không coi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden là hợp pháp.

Dù vậy, tác giả Adair cho biết đây không phải là cuốn sách về ông Trump, mà là về sự dối trá trong chính trị nói chung.

Trong một cuộc đàm thoại giữa tháng 10 với chương trình Amanpour & Co trên đài PBS, ông Adair cho biết rằng Đảng Cộng hòa đã nói dối nhiều hơn Đảng Dân chủ, với tỷ lệ từ 55% đến 31% trong các cuộc kiểm tin  được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2021.

Tình trạng này sẽ không chấm dứt nếu ông Trump sẽ thất cử và biến khỏi chính trường, mà sẽ còn tiếp tục sau đó. Bởi vì, theo ông Adair, đó là chiến thuật của đảng Cộng hòa mà sự ủng hộ ngày càng thu hẹp, một phần do chỗ dân số người da trắng bảo thủ ngày một co lại, nên phe Cộng hoà đã và đang cố gắng thay đổi cục diện bằng thủ đoạn dối trá nhằm bảo về sự sống còn của đảng.

Mặc dù đúc kết thống kê của PolitiFact cho thấy các chính trị gia đảng Cộng hòa nói dối nhiều hơn nhưng câu hỏi vẫn là tại sao họ phải nói dối? Theo ông Adair, nói dối đã trở thành hệ thống, có nghĩa là ở trong xương tủy, trong đảng Cộng hòa, khiến họ không nhận thấy đó là dối trá nữa. Điển hình là khúc phim về buổi tranh biện giữa hai ứng cử viên phó tống thống Tim Wals và JD Vance vừa rồi: Ai xem cũng phải nhìn nhận ứng cử viên Vance của đảng Cộng hòa nói năng trơn tru xuôi tuột, song những điều ông ta nói không phải sự thật, tới độ báo LA Times đã chạy hàng tít này: “JD Vance đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận VP bằng những lời nói dối. Đây là sự thật, theo lời của ông ta.”

Sử gia quá cố gốc Đức, Hannah Arendt, viết câu trứ danh này: “Người nói dối càng thành công, càng thuyết phục được nhiều người tin theo bao nhiêu, thì có nhiều phần chính hắn ta cuối cùng cũng tin ở chính lời nói dối của mình.” (“Lying in Politics”). Sẽ không lạ, nếu các chính trị gia Cộng hòa cuối cùng thành thực tin vào chính những lời dối trá của họ bởi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần và đã thành nhập tâm.

Vậy thì làm thế nào để đối phó với tình trạng dối trá xuyên tạc đã ngấm tới tận xương tủy này? Tác giả Adair cung cấp một phương cách có phần lý tưởng, đó là “thay đổi các động cơ khuyến khích (incentives) và xây dựng một nền văn hóa chống nói đối với sự hỗ trợ của cả hai đảng.”

Theo đó, “[M]ột lời cam kết nói dối—có thể là một lời thề tương đối đơn giản rằng ứng cử viên hoặc viên chức sẽ không nói dối trong các tài liệu tranh cử cũng như với giới truyền thông—sẽ cần một tổ chức để theo dõi những người ký tên,” ông Adair viết. “Sau đó đến áp lực hàng ngang (peer pressure) và sự quan tâm của cử tri đối với cam kết không nói dối. Các ứng cử viên có thể liệt kê cam kết của họ trong các quảng cáo và bài phát biểu[…]. Họ có thể tạo phản ứng đối với những đối thủ không ký tên vào lời cam kết.” Dư luận quần chúng, giới truyền thông, các cơ quan kiểm tin như PolitiFact, sẽ là “trọng tài của sự thật,” theo dõi và chỉ điểm người nói dối. Hy vọng từ đó nói dối sẽ ít hơn, tác giả Adair kết luận.

Trong khi chờ đợi đề nghị lý tưởng của tác giả “Beyond the Big Lie” được thực hiện và trở thành thực tế, các cơ quan truyền thông thực tế hơn: họ đã bắt đầu chuẩn bị để đối phó với sự xâm nhập của tin giả và xuyên tạc vào ngày bầu cử 5 tháng 11 tới.

“Khi các hãng tin tức sẵn sàng cho đêm bầu cử, họ không chỉ tập trung vào những gì sẽ xảy ra. Họ còn theo dõi những gì không xẩy ra [tức tin giả],” theo hãng thông tấn AP.

“Một số kế hoạch chống lại thông tin sai lệch đang được khai triển trên khắp các phòng tin tức sẽ diễn ra sau một chiến dịch tranh cử cam go vào ngày 5 tháng 11,” bài báo tiếp. “Associated Press và những cơ quan khác sẽ thực hiện các bước đặc biệt để giải thích những gì họ làm. Tờ New York Times giao nhiệm vụ cho các phóng viên rà soát Internet để tìm dấu hiệu đầu tiên của những thuyết âm mưu mới. Một phóng viên NPR sẽ tìm kiếm những xảo thuật do trí tuệ nhân tạo tạo ra. ABC News đã thử ‘tiền-giải’ (pre-bunk) để chuẩn bị cho người xem.”

“Điều tôi lo nhất là tốc độ lan truyền thông tin sai lệch và sự thiếu kiểm soát của một cơ quan truyền thông, bất kỳ cơ quan nào, đối với điều đó,”  Julie Pace, chủ biên AP cho biết. “Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là đảm bảo rằng chúng tôi đưa thông tin dựa trên thực tế nhanh và chính xác nhất có thể, để cố gắng đảm bảo rằng khi thông tin sai lệch lan truyền thì báo cáo dựa trên sự thực cũng được lan truyền nhanh như vậy.”

Đêm ngày 5 tháng 11 sẽ là một đêm dài không chỉ cho giới báo chí mà còn cho cử tri Mỹ và cả giới quan sát quốc tế vậy.

Trùng Dương

[TD2024/10]