Trùng Dương: Viết ở tuổi 80

Năm tôi lên 60 tuổi, đang còn bận đi làm, chẳng có gì đáng nói, nếu không là những chuyện gọi là “chính trị văn phòng,” office politics, của tờ báo Mỹ thuộc loại trung bình mà tôi có dịp cộng tác trong vòng 13 năm trước khi về hưu sớm ở tuổi 62 “để… sáng tác,” dù vậy trong thời gian ngắn ngủi ấy tờ báo trải qua ba lần đổi chủ báo–tức công ty sở hữu tờ báo, không phải chủ nhiệm như người làm báo Việt thường nghĩ, vì trong một tờ báo Mỹ, chủ nhiệm thường cũng là người được mướn, như chủ bút, phóng viên, vv. Khi bước vào tuổi 70, tôi mắc bận đi du lịch, không nhiều nơi, song là những nơi trên đất Mỹ cũng như vài nước khác tôi vẫn tự nhủ phải tới thăm cho thỏa trí, và để kể cho ai không có cơ hội đi nhưng muốn biết, lai rai trong vài bài du ký đó đây, quá lười để gom lại in sách như vài người bạn đề nghị. Cũng vì lười và ham đi chơi nên tôi cũng đồng thời trì hoãn và cuối cùng bỏ dở không hoàn tất vài dự án tiểu thuyết. Cũng bỏ luôn ý định trở lại với vẽ trong ngôi nhà bên bờ biển một dạo.

Ngày 15 tháng 4–ngày dân tại Mỹ không thể quên vì đó là hạn chót nạp hồ sơ khai thuế, nếu không, mà lại chưa xin gia hạn, sẽ bị phạt–năm nay, 2024, tôi bước vào tuổi 80. [Thực ra, đây chỉ là ngày sinh ghi trong giấy, vì khai sinh làm hồi di cư vào Nam. Ngày giờ sinh thật tôi không có và cũng không biết, chỉ biết ra đời đâu đó vào tháng Tư, theo trí nhớ của bà mẹ đẻ tới cả chục con.] Dù vậy, tôi coi sống tới tuổi này là do “lộc trời,” nên tôi thích khoe. Khoe sớm từ tháng Tư năm ngoái lận, với con cháu. Năm nay lại nhắc, con bảo, “Ủa, mẹ lên 80 từ năm ngoái mà!” Tôi bảo, “Ừa, đó là tuổi ta, vì các cụ mình tính luôn chín tháng nằm trong bụng mẹ là một tuổi, nên trẻ con vừa ra đời là được cho ngay một tuổi!” [Ngẫm nghĩ: thế thì làm sao trách được mấy ông bà dân biểu của các tiểu bang Đỏ ở Mỹ vừa, hay đang, làm luật công nhận ngay cả cái trứng đã thụ tinh, tiếng Anh là embryo, cũng là trẻ con, đấy nhỉ? Luật này không chỉ ảnh hưởng các phụ nữ hiếm muộn hoặc không đẻ được vì lý do nào đó nên cần mướn người đẻ hộ qua kỹ thuật thụ thai trong ống nghiệm với trứng đã thụ tinh của mình, hay những phụ nữ muốn dành thời gian theo đuổi sự nghiệp trước đã nên cất trứng, có khi đã thụ tinh, vào kho đông lạnh để hậu tính; mà còn phá sản nhiều trung tâm giúp thụ thai nhân tạo nữa, mà theo một tài liệu của chính phủ liên bang, vào riêng năm 2021 đã giúp cho ra đời cả thẩy 86,146 trẻ sơ sinh tại Mỹ.]

Bài viết này, tựa nguyên thủy là “Ở tuổi 80 nhìn lại….” Có cái gì bất ổn, khiến tôi sau vài đoạn mở đầu không tài nào viết thêm được, mặc dù không thiếu điều để nói về những gì đã diễn ra trong đời mình và xung quanh trong suốt tám thập niên trời ấy. Từ những năm tháng khói lửa mịt mù của cuộc chiến dành độc lập, mà sách vở lịch sử đặt tên là cuộc chiến tranh Đông Dương Lần thứ Nhất, diễn ra từ khi tôi ra đời, tới ngày tôi ngơ ngác lếch thếch ôm bọc quần áo nhỏ vừa bằng vòng tay ôm của đứa trẻ 10 tuổi theo bố mẹ và các anh chị em di cư vào Nam năm 1954. Tiếp theo là 20 năm lớn lên trong một quốc gia mới toanh có tên gọi là Việt Nam Cộng Hòa với một nền dân chủ còn phôi thai tập tễnh song là lần đầu tiên ta có được trong lịch sử dân Việt nếu không là quân chủ chuyên chế thì là ngoại thuộc, giữa một công cuộc dựng nước hào hứng với sự hỗ trợ tận tình của Hoa Kỳ và thế giới tự do, và sự quyết liệt phá nát các công trình đó của Cộng sản Việt Nam được tài trợ bởi khối Cộng sản quốc tế, để xây dựng một thiên đường mù.

Dù vậy, thế hệ tôi–cái thế hệ mà các thành viên nay đà trên dưới 80 với nhiều người đã qua đời–đã may mắn được thừa hưởng một nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng; đã góp công sức và nhiệt huyết tuổi trẻ gầy dựng một di sản đầy tính nhân bản và phong phú về mọi phương diện, đặc biệt về văn hóa, giáo dục và văn học nghệ thuật. Rồi cuộc đổi đời 1975 đầy tang thương, tù đầy, máu lệ, chết chóc, oan khiên. Với tôi một thân một mình mặt mày xác xơ nước mắt lưng tròng vừa ôm vừa dẫn hai đứa con nhỏ 9 và 2 tuổi chui vào chiếc máy báy quân sự chở hàng của Mỹ vào một trong những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn thất thủ. Tiếp theo là những phấn đấu làm lại từ con số không của cá nhân mình cũng như của hàng trăm ngàn người Việt tị nạn tha hương trên khắp mọi nẻo đường thế giới tự do. Như thể cuộc ly thân chia con huyền thoại của tổ tiên Rồng Tiên hàng ngàn năm trước nay được thực hiện với “50 người con theo cha xuống biển…”

Đó quả là một hành trình dài đầy biến cố của cả thế hệ cũng như riêng cá nhân tôi, xứng đáng để nhìn lại đấy chứ. 

Thế nhưng sau vài đoạn mở đầu, tôi thấy có gì không ổn, không rõ là cái gì. Chỉ biết là “ngòi bút” (đúng ra là những ngón tay trên bàn máy chữ) bỗng khựng lại, tôi thấy mình dối diện với trang Word trống không trên màn hình. Lặp lại những gì đã từng viết trong những thập niên qua ư? Tôi thường muốn bài viết của mình, cũng như việc bỏ thì giờ ra đọc của độc giả, phải kết thúc bằng ít ra, nếu không là một kiến thức hay hiểu biết gì mới hay một niềm thương cảm nào đó, thì cũng phải là một tia sáng ở cuối đường hầm, một chút mặt trời trong nước lạnh. Vả, trong bầu không khí sôi sục bao chuyện thời sự rối bời và môi trường bất an, ai cũng đôi khi cần một làn gió dịu mát tương đối nào đó. Tôi đóng laptop, nghĩ bụng để nghĩ tiếp về chủ đề của bài viết nhân 80 tuổi này. Và tôi mở email trên iPad ra đọc mấy bản tin vừa nhận được trong ngày.

Dừng lại ở bản tin của LIV, tắt của Legal Initiatives for Vietnam, hay Sáng kiến Pháp lý Việt Nam, cơ sở mẹ của tạp chí Luật Khoa, trụ sở đặt tại Đài Loan, một tạp chí điện tử độc lập và nhắm vào người đọc trong nước, song tôi hãnh diện là một độc giả dài hạn, tôi mở ra đọc. Bài báo ngắn, giới thiệu một bài viết của nhà nghiên cứu Ellen Bork, tựa là “Một nhà văn Việt Nam được Hoa Kỳ bảo vệ vẫn còn trong tù,” đăng trên trang Web của Trung tâm Tổng thống George W. Bush, một cơ sở vô vị lợi. Bài này nằm trong loạt bài có chủ đề là “Cuộc đấu tranh cho tự do,” nhằm làm sáng tỏ những thách thức đối với nền dân chủ và hoàn cảnh của các nhà hoạt động nhân quyền trên toàn cầu. Bài viết của Ellen Bork về Phạm Đoan Trang được phát hành vào ngày 30 tháng 10 năm 2023, và như một lời nhắc nhở về cuộc đấu tranh đang diễn ra cho công lý và tự do trên toàn thế giới, và tại Việt Nam.

https://www.bushcenter.org/publications/the-struggle-for-freedom-a-vietnamese-writer-championed-by-the-u-s-remains-in-prison?ref=liv.ngo

Nhà văn mà Ellen Bork đề cập tới, với tôi không xa lạ, đó là Phạm Đoan Trang, một người trẻ sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ Hà Nội. Cô hiện đang ở tù từ năm 2022, với bản án chín năm vì can tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”

Tôi quyết định đổi hướng bài viết ở tuổi 80, và thay vì nhìn lui nghiền ngẫm tám thập niên qua của đời mình, xin được nhìn tới một tương lai cho Việt Nam sẽ phải được xây dựng trên những di sản tốt đẹp của nhân loại mà nhiều người trẻ Việt đang mơ ước và còn tiếp tục theo đuổi–một tương lai tuy chưa thành hình, nhưng không có nghĩa là sẽ không diễn ra, dù không trong vài năm ngắn ngủi còn lại của đời tôi. Trong lịch sử nhân loại chưa có nền văn minh hay chế độ nào tồn tại mãi được.

“Phạm Đoan Trang, một nhà báo và tác giả bị cầm tù, không nằm trong số bốn tù nhân chính trị Việt Nam được phóng thích liên quan đến chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden vào tháng Chín [2023],” nhà nghiên cứu Ellen Bork thuộc Viện Tổng Thống 

Bush viết. “Nhưng cô Trang là một trong số 260 tù nhân chính trị nổi bật nhất của Việt Nam. Bà bị bắt ngày 6 tháng Mười năm 2020 và bị kết án chín năm tù vào năm 2022 sau khi bị kết tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ vì đã viết về môi trường biển [khi vụ cá chết hàng loạt do chất thải của công ty thép Formosa ở Vũng Áng xẩy ra vào năm 2016], nhân quyền, tự do tôn giáo và các cuộc phỏng vấn mà bà đã trả lời Đài Á châu Tự do.”

Chính quyền của Tổng Thống Biden đã đưa Trang vào danh sách 23 tù nhân chính trị được bảo vệ trong chiến dịch truyền thông xã hội của mình, #WithoutJustCause, vào tháng 1/2023. Nhưng Trang không nằm trong số những người được thả cuối năm ngoái.

Dưới tiêu đề phụ “Từ blogger đến nhà hoạt động đến nhà tù,” bà Bork kể: 

Sinh năm 1978, Trang được bố mẹ là giáo viên ở Hà Nội nuôi dưỡng. Theo một hồ sơ trên tờ The Vietnamese, một tạp chí điện tử [song sinh với tạp chí Luật Khoa] bằng tiếng Anh mà Trang đã giúp thành lập, cô đã đắm mình trong internet sau khi phát hiện ra các bài báo về kinh tế được đăng ở đó chính xác hơn những cuốn sách được nhà nước phê duyệt. Trang bắt đầu viết blog của riêng mình vào năm 2006, bằng tài khoản riêng của mình, để thực tập tiếng Anh. Tuy nhiên, ngay sau đó, cô bắt đầu viết về những người nghèo và dễ bị tổn thương, những người ‘đấu tranh để tồn tại, làm vô số công việc [như] đạp xích lô và xe đạp, sửa giày, và chạm khắc đũa.’ Cô bị thu hút bởi các chủ đề được coi là vượt quá giới hạn cho phép của nhà nước, đồng tác giả tiểu sử của một người đàn ông đồng tính Việt Nam, và viết về quan hệ Trung-Việt.

Khi bước vào ngành báo chí, Trang làm việc cho các báo nhà nước, nhưng sau khi đụng độ với cảnh sát, gồm cả lần bị giam giữ chín ngày vì tham gia một cuộc biểu tình chống lại các hoạt động khai thác bauxite gây hại cho môi trường ở Tây Nguyên của Việt Nam, cô bắt đầu viết độc lập. 

Luật sư người Mỹ gốc Việt Trần Quỳnh-Vi gặp Trang vào năm 2014 khi Trang đang được học bổng theo học môn chính trị tại Đại học Nam California. Họ trở thành bạn thân và, cùng với một số bạn đồng chí hướng, thành lập hai tạp chí điện tử The Vietnamese bằng Anh ngữ nhắm vào thế hệ trẻ sinh ra hoặc lớn lên tại hải ngoại, và Luật Khoa bằng tiếng Việt nhằm giúp người Việt tìm hiểu về luật pháp, hiến pháp và các quyền của họ. Họ đồng thời thành lập một tổ chức phi chính phủ đăng ký tại Hoa Kỳ, đó là Sáng kiến Pháp lý cho Việt Nam LIV, do Vi đứng đầu điều hành. 

Trong có vài năm hoạt động, họ đã xuất bản những cuốn sách như “Chính trị Bình dân,” “Cẩm nang nuôi tù,” “Phản kháng phi bạo lực” và “Chính trị của một nhà nước cảnh sát trị” [cuốn này bằng Anh ngữ, tựa là “Politics of A Police State”], do Phạm Đoan Trang soạn và đứng tên tác giả.



Vài tựa sách, do Phạm Đoan Trang viết hoặc soạn chung với các tác giả khác, hiện bầy bán trên Mạng, một số đầu sách có thể tìm thấy trên Amazon.com

Khi Trang trở về Việt Nam vào năm 2015, cô đã bị công an tạm giam trong 15 giờ. Sau khi được thả, cô buộc phải trốn tránh chính quyền bằng cách liên tục di dời trong vài năm. Tuy nhiên, cuối cùng cô đã bị bắt vào ngày 6 tháng 10 năm 2020, và vào năm 2022, cô bị kết án tù chín năm với cáo buộc là “tuyên truyền chống nhà nước.” 

Một trong những cuốn sách Trang đã xuất bản, và là một trong những cuốn khiến cô càng bị nhà nước cộng sản truy lùng, đó là cuốn “Chính trị Bình dân.” (*) Với một văn phong đơn giản dung dị, nội dung cuốn sách dầy trên 500 trang nhằm quảng bá những học thuyết chính trị đa nguyên đa dạng trên thế giới để giúp người dân trong nước thấy là không phải như “[T]riết học chính trị ở Việt Nam hoàn toàn chỉ là chủ nghĩa xã hội, được gọi là khoa học, của Karl Marx, rồi sau này có thêm ông Lenin, Stalin, rồi Mao Trạch Đông vào, nó là một mớ hổ lốn, cộng với chủ nghĩa tôn trọng nhà nước. Nó rất hỗn loạn, và gạt bỏ đi tất cả các triết lý, các chủ nghĩa còn lại,” theo Đoan Trang trong một cuộc trao đổi với đài Á châu Tự do ban Việt ngữ khi sách vừa phát hành vào cuối năm 2017.

Theo đài Á châu Tự Do, “Cô Phạm Đoan Trang cho biết ý tưởng thôi thúc cô viết quyển sách ‘Chính trị Bình dân’ bắt đầu manh nha khi cô tham gia vào các hoạt động dân sự, đấu tranh dân chủ cho Việt Nam, với những câu hỏi như là chính trị là gì? Dân chủ là gì? Tại sao những cuộc bầu cử ở Việt Nam không được coi là những cuộc bầu cử dân chủ? Tiếp theo đó cô nhận thấy rằng tại Việt Nam hầu như không hề có bất cứ tài liệu nào để trả lời những câu hỏi đó.” Do đấy, cô nói “Tôi muốn xóa bỏ đi cái định kiến cho rằng chính trị là cái gì đấy của một nhóm thiểu số, tinh hoa, hay nói theo kiểu Việt Nam là có đảng và nhà nước lo.” 

  

Bìa sau và trước cuốn “Chính trị Bình dân” (Giấy Vụn, 2018).

Phạm Đoan Trang hiện vẫn đang bị cầm tù và đang bị chính quyền Việt Nam từ chối chăm sóc y tế khẩn cấp. Khi tin Trang bị tuyên án, đã có tới 28 tổ chức trong và ngoài nước lên tiếng đòi trả tự do cho Trang. Và dù ở trong tù, Trang cũng đã được tổ chức Ủy ban Bảo vệ Các Ký giả/Committee to Protect Journalists CPJ tuyên dương trao giải International Press Freedom Award vào năm 2022. 

Tác giả Ellen Bork kể là Giám đốc điều hành LIV Trần Quỳnh-Vi cho biết, “[Đoan Trang] nói với chúng tôi rằng mỗi quốc gia cần phải có một thế hệ sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để tương lai trở nên tốt đẹp hơn.” 

Bất chấp những rủi ro, Phạm Đoan Trang đã chọn ở lại Việt Nam thay vì xin tị nạn ở nước ngoài. Nói theo cách riêng của mình, cô từ chối trở thành “một con tốt để chính phủ trao đổi.” Thông qua tính cách, công việc và lý tưởng của mình, Phạm Đoan Trang tiếp tục thể hiện lòng dũng cảm, sự kiên cường và cam kết kiên định đối với tương lai của Việt Nam.

Để biết rõ hơn về thân thế và công trình của Đoan Trang và các bạn cùng thế hệ theo đuổi với sự tiếp tay của nhiều tổ chức quốc tế, mời đọc bài viết sau đây. 

https://damau.org/70048/pham-doan-trang-chn-dung-the-he-viet-2021

Nhân bước vào tuổi 80, tôi muốn dành bài viết này để chia sẻ chuyện Phạm Đoan Trang, một người trẻ sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ cộng sản độc tài chủ trương ngu dân, nhưng cô đã nhìn ra đấy không phải là cái tương lai xứng đáng cho thế hệ cô nói riêng và Việt Nam nói chung. 

Cám ơn Trang và thế hệ cô đã cho tôi, ngoài một niềm thương cảm, còn là một tia sáng cuối đường hầm ở cái tuổi cuối đời này.

Trùng Dương 

2024-04. 

__________________

(*) Sách “Chính trị Bình dân” bản điện tử có thể tải xuống miễn phí tại https://drive.google.com/file/d/1d9JIKEHDdxqfvbsCOeuzH5d-p8-6LDL_/view, hoặc đặt mua sách giấy tại Amazon tại https://www.amazon.com/Chinh-Tri-Binh-Dan-Vietnamese/dp/1548466565