Trương Huy San: Tham nhũng & Quy hoạch báo chí
Khi Võ Văn Thưởng bị tước hết các loại chức vụ, một nguyên tổng biên tập phát hiện, hầu như tất cả những người soạn thảo và triển khai máy móc Quy hoạch báo chí đều đã mất chức hoặc bị bắt. Mở đầu là Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…
Có nhà báo nhìn hiện tượng này như là “nhân quả”; có nhà báo cảm thấy được an ủi khi “kẻ thù của báo chí” bị trừng trị.
Quy hoạch, khi được triển khai máy móc, đã triệt hạ địa vị pháp lý của nhiều tờ báo tử tế, làm giảm giá trị thương hiệu, làm suy yếu khả năng tiếp cận bạn đọc của nhiều trang báo trên nền tảng số.
Quy hoạch báo chí được Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trương và Nguyễn Bắc Son được coi là tác giả. Trưởng Ban Tuyên Giáo lúc ấy là Đinh Thế Huynh. Cho dù trong “Chế độ ta”, báo chí chưa bao giờ là “Quyền lực thứ Tư”, chưa có thời nào, chưa có chính sách nào làm suy yếu “báo chí của Đảng” như Quy hoạch báo chí.
Những người làm Quy hoạch báo chí không phải bị “nghiệp quật”. Phần lớn bọn họ đã là quan tham trước khi bắt tay vào công việc này. Chính bọn họ hiểu rõ, kẻ thù lớn nhất của tham nhũng là báo chí.
Quy hoạch báo chí sai từ nền tảng lý luận.
Thay vì những cơ quan đã nắm giữ quyền lực nhà nước thì không được giữ quyền ngôn luận [hãy đọc lại báo của Công An, Tòa Án về những vụ án oan để thấy báo chí đã kết án những Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… ngay từ khi họ vừa bị bắt], Quy hoạch báo chí lại làm ngược lại, các bộ ngành được ra báo còn các hiệp hội thì chỉ có quyền ra tạp chí.
Lẽ ra bộ, ngành và những cơ quan quyền lực như Công An, Tòa Án, Viện Kiểm Sát, Thanh Tra… thì chỉ có quyền xuất bản những tờ nội san, những tờ tạp chí chuyên ngành [để trao đổi nghiệp vụ…] thì lại đang nắm trong tay các cơ quan báo chí. Tình trạng báo chí “nhũng nhiễu” ở các địa phương, trong các doanh nghiệp không chỉ có các tờ vô danh mà còn có các tờ báo của các cơ quan quyền lực; chính các cơ quan “mũ cao áo dài” này cũng đang dẫn đầu số tờ báo mang nội dung lá cải.
Chỉ cần xem doanh thu quảng cáo của những tờ báo của các bộ sức mạnh như Giao Thông, Công Thương… đủ thấy, doanh nghiệp chọn quảng cáo ở đây vì chất lượng thông tin hay vì quyền lực của cơ quan chủ quản.
Nhà nước có thể sử dụng ngân sách và lập ra các cơ quan báo chí (VTV, VOV…) phục vụ mục đích tuyên truyền và đảm bảo quyền được thông tin cho dân chúng nhưng phải hết sức cân nhắc khi dùng ngân sách để ra báo; ngay cả phần ngân sách phục vụ mục tiêu thông tin tuyên truyền cũng có thể tài trợ – thông qua cơ chế đấu thầu – cho một số cơ quan báo chí.
Thay vì sáp nhập, giải tán các cơ quan báo chí như “Quy hoạch”, chỉ cần cắt ngân sách và không để cơ quan báo chí nào núp bóng các cơ quan quyền lực nhà nước [không còn chủ quản là các bộ, ngành…].
Cho dù “báo chí tư nhân” chưa được chấp nhận nhưng trên thực tế nhiều tờ báo đã vận hành như các doanh nghiệp tư (VnExpress, Kinh Tế Việt Nam, Dân Trí…). Và, phải thừa nhận rằng, chính các tờ báo tư này lại đang làm báo rất chuyên nghiệp và rất ít có sai sót về chính trị [họ cẩn trọng vì cơm áo gạo tiền của họ]. Quy hoạch đã khiến những cơ quan báo chí tử tế này phải mang thêm một gánh nặng khi phải tìm kiếm một cơ quan chủ quản mới.
Cho dù thời nào trong “chế độ ta” báo chí cũng chỉ được coi là “công cụ”. Nhưng, các nhà lãnh đạo ở thế hệ thứ nhất, những người từng sử dụng báo chí trong chế độ cũ cho công cuộc đấu tranh giành chính quyền, không bao giờ sai bảo báo chí như ta đang thấy. Những người đứng đầu những cơ quan báo chí như Quân Đội Nhân Dân, Nhân Dân, VOV, VTV hay Ban Tuyên Giáo, Bộ Thông Tin… trước đây đều từng là những nhà báo hàng đầu hoặc là những người am hiểu sâu báo chí.
Các tổng biên tập thời đó, luôn có nhiều người vừa tài năng vừa rất dũng khí. Khi Phó trưởng ban Tuyên giáo Hồng Vinh vào Nam lớn tiếng với các tổng biên tập, nhà báo Võ Như Lanh đã đứng lên nói thẳng, “Anh đừng vào đây mà dạy dân Sài Gòn làm báo”.
Các nhà lãnh đạo như Trường Chinh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt… vẫn đối xử với ngay cả những nhà báo ở tuổi con cháu mình một cách tôn trọng. Các nhà lãnh đạo ấy không chỉ tôn trọng những con người cụ thể mà tôn trọng một thiết chế của chế độ, tôn trọng sứ mệnh mà nhà báo đang đảm nhận.
Tham nhũng và sự dốt nát luôn coi báo chí như kẻ thù. Những kẻ dốt nát và tham nhũng vừa sợ hãi lại vừa muốn cầm nắm báo chí để tự ru ngủ hoặc tự tô vẽ mình. Không phải tự nhiên mà mấy đời Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông gần đây, đều trở nên lố bịch ngay khi chưa bị hạ bệ. Thay vì cảnh tỉnh, các nhà báo cấp dưới, phần nhiều lọc lõi hơn, cứ tạo điều kiện cho anh “nổ”, cứ “khen cho anh chết”.
Chính Đảng và Nhà nước mới là bên chịu thiệt hại nhiều nhất khi “báo chí của Đảng” suy yếu chứ không phải nhân dân. Một khi báo chí càng thụ động, mạng xã hội sẽ càng đầy rẫy “Fake News”, niềm tin của công chúng vào các định chế công càng giảm sút.