Trương Nhân Tuấn: Nguyên nhân Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ 30-4-1975

Bài 1: Yếu tố Phật giáo Trí Quang.

Nhóm Phật giáo do Thích Trí Quang cầm đầu là tác nhân chính đưa đến cuộc đảo chánh 1-11-1963 và hai anh em ông Diệm bị giết. Biến cố lịch sử này gây xáo trộn chính trị và xã hội miền Nam trong nhiều năm. Người Mỹ đổ bộ vô miền Nam trong lúc các tướng lãnh còn đang tranh giành quyền lực ở Sài gòn. 

Người Mỹ đổ quân vào Việt Nam Cộng Hòa, không thông qua bất kỳ một hiệp ước nào. Cũng không có một sự đồng thuận của quốc dân (thông qua một cuộc trưng cầu dân ý). Việc “tự tiện” này của Mỹ giúp cho Cộng sản Việt Nam có được tính “chính danh” trong cuộc “chống Mỹ cứu nước” và “giải phóng miền Nam”. Từ đó đưa đến sự cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày 30-4-1975.

***

Phe Phật giáo của nhóm Hòa thượng Trí Quang cho rằng chế độ ông Diệm đáng bị lật đổ vì đó là “chế độ độc tài gia đình trị”. Điều này cần phải nói lại, vì đây là một vấn đề chính trị. 

Ông Diệm có độc tài hay không?

Về độc tài, nếu so sánh ông Diệm với ông Hồ, hay những lãnh đạo Châu Á cùng thời như Marcos, Tưởng Giới Thạch, Sukarno, Mao Trạch Đông… thì rõ ràng là so sánh ly nước với biển cả. 

Ông Diệm, vào thời điểm chủ nghĩa Mao Ít bành trướng mạnh mẽ ở Châu Á, ông có thể hành động như lãnh tụ Sukarno của Indonesia. Năm 1965 Sukarno đàn áp rồi tiêu diệt gần 1 triệu đảng viên cộng sản Indonesia. Ông Diệm đã không làm như vậy. 

Ông Diệm cũng không thể so sánh với Ông Mao và ông Hồ. Hai ông này được “Sách đen cộng sản” nhắc tới. Ông Mao với “bước tiến nhảy vọt” làm chết từ 30 tới 40 triệu người. Ông Hồ thì (sơ sơ) 4 triệu. 

Ngay cả với Tưởng Giới Thạch cũng làm hại đâu khoảng 28 ngàn người Đài loan nhân vụ 28 tháng 2. 

Biến cố “Phật giáo” năm 1963 do Hòa thượng Trí Quang lãnh đạo, có xảy ra vụ “thảm sát đài phát thanh 8 tháng 5 làm chết 7 trẻ em. Vụ này có nhiều gút mắc, sẽ nói lại bên dưới. 

Ngay cả bây giờ, nếu so sánh ông Diệm với ông Trọng, hay ông Mahathir của Mã lai hay đám quân phiệt Thái lan và Miến điện… thì ông Diệm vẫn “ít độc tài” hơn. Đất nước thời đó trong tình trạng chiến tranh (chiến tranh tự vệ ý thức hệ) mà trí thức, chính trị gia, tôn giáo… được hưởng đủ các quyền tự do cá nhân, còn hơn cả Mã lai hay Indonesia bây giờ. 

Việt Nam ngày nay người dân có được hưởng những quyền tự do như dưới thời ông Diệm hay không? Không có gì cả! 

Đó là chưa nói tới phẩm chất về giáo dục, về đạo đức, thuần phong mỹ tục được bảo vệ… của nền cộng hòa ở miền Nam. Con người sinh ra ở đây là con người có “tâm”, có đạo đức. Người có học thì là có “thực học”. Học đường thầy ra thầy, trò ra trò. Xã hội tôn ti trật tự, luật pháp được tôn trọng. 

Trật tự của xã hội này đã bị phá vỡ từ năm 1975. Các giá trị về con người, về nền pháp trị (trọng luật)… ở đây không bao lâu cũng bị tẩy xóa, rồi nhồi nhét vào những giá trị mới. Những giá trị này có bản sắc thế nào hẵn nhiên mọi người điều biết, không cần giải thích thêm.

Về vấn đề “gia đình trị”.

Thực tế cho thấy ông Diệm phong cho bào đệ Ngô Đình Nhu chức cố vấn. 

Nếu bây giờ ta so sánh gia đình tổng thống Diệm với gia đình tổng thống John F. Kennedy hay gia đình tổng thống Donald Trump… các tổng thống này đều phong cho người nhà của mình chức vụ “cố vấn”. 

Trong một xã hội dân chủ pháp trị, người ta chỉ dị nghị, hay phản đối, khi tổng thống làm những điều trái luật. 

Việc phong cho bào đệ làm cố vấn là không hề vi phạm luật dưới thời Đệ nhứt cộng hòa. Ngay cả việc bà Nhu, một phụ nữ Tây học vừa có nhan sắc vừa thông minh sắc sảo, ưa làm các việc xã hội… Do đó bà thường bị (hay được) truyền thông nước ngoài nhắm tới. Điều này không khác với cuộc đời và sự sinh hoạt của các mệnh phụ phu nhân Melania Trump, Jaqueline Kennedy, Brigitte Macron… 

Với bấy nhiêu “bằng chứng” không ai có thể kết luận nói chế độ đó là một chế độ “gia đình trị”.

Nếu ta so sánh, 56 năm sau, giữa chế độ gọi là “gia đình trị” của ông Ngô Đình Diệm với chế độ độc tài công an trị bây giờ. 

Bây giờ một người làm quan cả họ cũng làm quan. Đồng chí cha kê ghế cho đồng chí con. Điều này xảy ra hầu hết nơi cán bộ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam  hiện nay. Đồng chí chồng kê ghế cho đồng chí vợ. Đồng chí anh bảo lãnh cho đồng chí em. Chuyện của “đồng chí” Triệu Tài Vinh bí thư tỉnh Hà Giang cả họ 8 người đều làm quan trong một tỉnh là một thí dụ.

Vấn đề vi phạm hiệp định Genève nhằm xây dựng quốc gia miền Nam độc tôn Thiên chúa giáo.

Bây giờ tài liệu đã bạch hóa ra hết rồi mà vẫn còn nhiều “Phật tử” sử dụng những tài liệu tuyên truyền của cộng sản từ thời chiến tranh lạnh. 

Có tác giả nhắc đến Hiệp định Genève 1954, cho rằng ông Diệm đã không tuân theo nội dung hiệp ước này về khoản “thống nhứt đất nước”. Ông Diệm có mục đích tách miền Nam ra khỏi đất nước Việt Nam, xây dựng vùng lãnh thổ này thành một nước riêng biệt, một quốc gia độc tôn Thiên Chúa giáo… (Phong trào Phật giáo miền Trung, từ chấn hưng đến dân thân – Chu sơn, VietStudies). 

Vấn đề Hiệp định Genève 1954 

Không hề có vụ vi phạm “hiệp định Genève 1954” đơn giản vì cả hai Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ đều từ khước ký vào hiệp định. 

Và ngay khi ông Diệm từ chối vụ tổng tuyển cử, ông Hồ vịn vào lý do này để đánh miền Nam. Thì cuộc chiến tranh xảy ra sẽ phải là cuộc “nội chiến” mang tên “chiến tranh thống nhứt đất nước”.

Sự thật đã phơi bày từ hơn bốn thập niên mà sử gia Việt Nam vẫn không thay đổi cái nhìn của họ. Thứ nhứt, về bản chất cuộc chiến. Thứ hai, về cá nhân các lãnh đạo miền Nam. 

Thời ông Diệm, Mỹ chưa đổ vô Việt Nam, thì làm gì có “chiến tranh giải phóng” với các chiêu bài “chống Mỹ cứu nước”, “đánh cho Mỹ cút ngụy nhào”? Mỹ có mặt ở Việt Nam là “thay” Pháp, mỗi quân Pháp với một quân Mỹ, đúng theo nội dung Hiệp định Genève là không đổ thêm quân. Trong khi MTDTGPMN thì đã lập từ tháng 7 năm 1960.

Cuộc chiến như vậy không phải là “chiến tranh giải phóng” và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không phải là “chính quyền tay sai”. 

Lịch sử đã bạch hóa: Anh em ông Diệm chết vì không cho Mỹ đổ quân vô Việt Nam. 

Tài liệu khác cho thấy trận Ấp Bắc, ông Nhu có mục đích “gài” Mỹ để thua trận này, hy vọng Mỹ (thấy khó khăn) sẽ không đổ quân. Ông Nhu cũng từng nói (trong tài liệu bạch hóa đó) là quân Cộng sản Việt Nam dầu gì cũng là “người Việt”. Tức là ông Nhu có ý định thương lượng với ông Hồ để tìm phương cách “thống nhứt đất nước”. Vấn đề là Mỹ không thể không can thiệp vào Việt Nam (vì lo ngại cả Châu Á sẽ theo Cộng sản , thuyết Domino sẽ nói ở dưới). Trận Ấp Bắc là cho chính quyền Mỹ thấy rằng nếu không đổ thêm quân, Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hòa không thể thắng Việt Cộng.

Đến đây ta có thể phác họa sơ khai về vai trò của Hòa thượng Trí Quang. Việc gây hỗn loạn xã hội bằng cách sử dụng Phật giáo khiêu khích nhà cầm quyền, qua những việc “thiêu” và “tự thiêu” các tu sĩ Phật giáo, cùng với sự phóng đại của báo chí. Chính quyền ông Diệm bị dư luận quốc tế lên án vì đàn áp tôn giáo, nhứt là ở Mỹ và Pháp. Việc này làm quần chúng Mỹ phẫn nộ và chính quyền Mỹ có cớ can thiệp, lật đổ ông Diệm để đổ quân vào Việt Nam.

Người ta đồn đãi Hòa thượng Trí Quang là nhân viên CIA của Mỹ vì vậy là có căn cứ.

Việc xây dựng quốc gia Việt Nam Cộng Hòa độc lập. 

Nếu ta có tham khảo tập tài liệu “Why Vietnam”, còn gọi là tập bạch thư của Mỹ công bố thập niên 60 giải thích vì sao Mỹ can thiệp vô Việt Nam, ta thấy rằng các chính quyền của Mỹ có ý định ủng hộ một quốc gia Việt Nam Cộng Hòa độc lập với miền Bắc. Các đời tổng thống Mỹ nhiều lần hứa hẹn giúp cho ông Diệm, cũng như với ông Thiệu sau này, xây dựng một “quốc gia Việt Nam độc lập và phú cường”. 

Việc này thất bại. Vì đa số giới tinh hoa chính trị Việt Nam thời đó đều là người gốc Bắc di cư. Bằng chứng là sau này Hiệp định Paris 1973, Mỹ tái khẳng định Việt Nam  là một quốc gia duy nhứt, thống nhứt ba miền Bắc Trung Nam theo đúng như nội dung của Hiệp định Genève. 

Ông Diệm (hay ông Thiệu) có nhiều cơ hội để tuyên bố Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập. Ngay cả Liên Xô, đế quốc cộng sản đỡ đầu cho miền Bắc, đã từng đề nghị hai miền trở thành các quốc gia độc lập.

Và từ việc không thuyết phục được các lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố độc lập, Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến Việt Nam.

Các liên minh như Lliên phòng Đông Nam Á – SEATO” cũng như các đạo quân của Nam Hàn, Phi, Thái lan… không thể ở lại Việt Nam để can thiệp vào cuộc chiến như dự định của Mỹ. Nguyên tắc của LHQ về “quyền tự vệ chính đáng” và quyền “tự vệ đa phương” chỉ áp dụng cho các quốc gia. Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ là một quốc gia, vì vậy các lực lượng quân sự này lần lượt rút về. Hiệp định Paris 1973 ký kết thì Mỹ cũng không còn lý do ở lại Việt Nam. Vì vậy ông Nguyễn Tiến Hưng mới viết cuốn “Khi đồng minh tháo chạy”.

Quốc gia độc tôn Thiên chúa giáo.

Ý kiến cho rằng ông Diệm muốn tách miền Nam ra để lập một quốc gia là một ý kiến chủ quan, rất sai. Cho rằng quốc gia đó là quốc gia “độc tôn thiên chúa giao” lại càng sai hơn. 

Đến nay vẫn còn có những bài viết của các tu sĩ đó cho rằng người theo đạo Thiên chúa lấy tổ quốc là Vatican để phục vụ. Hoặc cho rằng đạo Thiên chúa giáo là “ngoại lai”, là “thông đồng với giặc” vì du nhập từ Tây phương. 

Những tu sĩ theo Hòa thượng Trí Quang rõ ràng đã kế thừa tinh thần của “bình tây sát tả”, phong trào tiêu diệt người theo Thiên chúa giáo, thời Pháp mới vào Việt Nam. Những nhận định này vừa sai vừa nguy hiểm. Bởi vì ngoài đạo thờ ông bà, mọi tôn giáo ở Việt Nam đều du nhập từ nước ngoài. 

Theo tôi, theo đạo nào, Thiên chúa hay Phật, tất cả đều là “dân tộc” Việt Nam hết cả. 

Tất cả các quốc gia mà dân chúng đa số theo đạo Thiên chúa giáo, chắc cũng khoảng phân nửa dân số địa cầu, ta không thấy quốc gia nào phụ thuộc chính trị vào Vatican. Đơn giản vì đó không phải là mục đích của Vatican và các quốc gia đó đều tách “thần quyền” ra khỏi “thế quyền”. Người theo đạo Thiên chúa hay theo đạo Hồi, đạo Phật ở các quốc gia này đều được đối xử bình đẳng về quyền và trách nhiệm. Tôn giáo hoàn toàn đứng ngoài bộ máy quyền lực của nhà nước. 

Nguồn gốc của chiến tranh:

Ông Cao Huy Thuần, một “đệ tử ruột” của thầy Trí Quang có bài viết đăng trên VietStudies, BBC đăng lại tựa đề “một trang sử”. Trong đó ông có ý kiến rằng “Thừa kế Diệm tức là tiếp tục chiến tranh và dựa trên chiến tranh để nắm quyền. 

Ông Thuần có thể xem là “đại diện” của phe theo thầy Trí Quang?

Quan điểm xem ông Diệm như là “nguồn gốc của chiến tranh” là một quan điểm hồ đồ, đổi trắng thành đen.

Thực ra, theo tôi, thì ngay cả thay ông Diệm là Đức Phật thì chiến tranh cũng xảy ra. 

Bởi vì đảng Cộng sản Việt Nam đã chuẩn bị chiến tranh từ tháng 7 năm 1960, qua việc thành lập Mặt Trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam. Tổ chức này đã được thành lập theo nội dung nghị quyết Đại hội đảng lần thứ ba, trực thuộc Trung ương cục miền nam của đảng. 

Trong cuộc chiến này ông Diệm, và cả chế độ Việt Nam Cộng Hòa, là nạn nhân, đứng trong vai trò tự vệ. Phe Cộng sản miền Bắc là chủ mưu mở màn cho chiến tranh, bằng những cánh tay nối dài, như các phong trào “hòa bình”, phong trào phản chiến, phong trào Phật giáo và MTGPMN. 

Quân Mỹ đổ vô miền Nam không hề “cướp nước” và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không hề là chính quyền tay sai. Nếu viết như các giáo hữu Phật giáo thì quân Mỹ ở Nhật, Nam hàn, Đài Loan, Tây Đức… trước kia không lẽ cũng là “quân cướp nước” và các chính quyền ở đó đều là “chính quyền tay sai”?

Tác giả khác, tên Chu Sơn, bài viết cũng đăng trên VietStudies, nhân dịp Hòa thượng Trí Quang viên tịch. Tác giả viết : “Sau gần một trăm năm kháng chiến với rất nhiều đau thương, mất mát, hy sinh, vào giai đoạn cuối, nhân dân Việt Nam với sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản đã giành lại độc lập, chủ quyền trên một nửa đất nước: miền Bắc. Một nửa còn lại: miền Nam, nằm trong vòng kim cô của đế quốc Hoa Kỳ.”

Thiệt tình, chiến sĩ văn hóa “nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong”. 

Nếu nói miền Nam “nằm trong vòng kim cô của đế quốc Hoa kỳ” thì Nhật, Nam Hàn, Đài loan và Tây Đức… đều nằm “trong vòng kim cô của đế quốc Hoa Kỳ”. Những quốc gia này đã trở thành giàu mạnh thuộc hàng “đại cường” về kinh tế trên thế giới. Các quốc gia này được như ngày hôm nay là “nhờ” ở cái “niền kim cô” của Mỹ. 

Trong khi miền Bắc, đến nay cái niền kim cô “chủ nghĩa cộng sản” còn chưa gỡ ra. Cuộc chiến “đánh Mỹ cứu nước” thực tế là “đánh Mỹ cho Liên Xô, cho Trung Quốc”. Miền Bắc vì vậy có tới 3 cái niền kim cô có thực. 

Còn về nhận định “độc lập chủ quyền trên một nửa đất nước”, cũng nên xét lại. 

Nhà nước VNDCCH của ông Hồ thời đó mọi thứ đều làm theo chỉ thị của “quốc tế vô sản”, mà thực tế tùy theo lúc “quốc tế vô sản” là Liên Xô  hay là Trung Quốc . Trận Điện Biên Phủ từ cây súng cho tới viên đạn, tất cả đều đến từ Trung Quốc. Việt Nam  chỉ có máu xương và lòng thù hận. Nếu Mao Trạch Đông không thắng được Tưởng giới Thạnh 1949 thì sẽ không bao giờ có “chiến thắng Điện Biên phủ”. Vì vậy nói chiến thắng này là “đỉnh cao tự hào của dân tộc” là quá lố. Ngay Hiến pháp hiện thời, lời mở đầu cũng đã ghi nhận công ơn của “bạn bè thế giới”. Bạn bè này là ai, nếu không phải là Liên Xô và Trung Quốc? Đến nay Việt Nam  vẫn chưa chế tạo được các thứ vũ khí đã dùng cho chiến trường Điện Biên Phủ. Dĩ nhiên không có sự hy sinh nào cao quí hơn máu xương, nhưng nếu không có vũ khí thì với tầm vong vạc nhọn Việt Nam vẫn không làm được cái gì. 

Các quốc gia Việt Nam, Đại Hàn, Đức, và Trung Hoa đều là những “quốc gia bị phân chia”, có hoàn cảnh lịch sử khá tương đồng và sự hiện diện của quân Mỹ ở các quốc gia này đều có chung mục đích là chống cộng sản xâm lược. 

Mỹ có mặt ở Nam Hàn ban đầu là do Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ. Mỹ có mặt ở Nhật là do Hiệp ước hỗ tương từ 1951. Mỹ có mặt ở Đức do thỏa thuận “phân chia vùng ảnh hưởng” của các đại cường chiến thắng Thế chiến thứ II. 

Thuyết Domino của Mỹ ra đời sau 4 biến cố liên tục ở Châu Á, có liên quan đến cộng sản, đặc biệt là Trung Quốc và Liên Xô. 

Năm 1949 Quốc Dân đảng thua, Tưởng Giới Thạch phải di tản ra Đài Loan. Năm 1950 Bắc Hàn xâm lược Nam Hàn, với sự trợ giúp của “chí nguyên quân” Trung Quốc. Năm 1954 nhờ sự giúp đỡ của Mao Trạch Đông, khí giới lẫn cán bộ cố vấn. Nhờ đó ông Hồ thắng Pháp qua trận Điện Biên Phủ. 

Song song với việc giúp đỡ Việt Nam, Mao Trạch Đông cũng đã cho tổ chức các lực lượng vũ trang cách mạng ở các quốc gia như Phi, Thái Lan, Indonesia v.v… 

Vì lo ngại thừa dịp chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời lo sợ Trung Quốc lợi dụng địa bàn Việt Nam để trả thù cho chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc sẽ tiếp tục yểm trợ cho VNDCCH của ông Hồ để nhuộm đỏ miền Nam, việc này xảy ra thì toàn khu vực Châu Á sẽ nhuộm đỏ, vì vậy Mỹ viện trợ cho Pháp để chống Việt Minh. Rốt cục Pháp thua và Mỹ muốn vào Việt Nam thế chỗ của Pháp.

Chướng ngại vật để Mỹ đổ quân vô Việt Nam, thứ nhứt là nội dung Hiệp định Genève, theo đó các bên không được đổ thêm quân. Thứ hai là ông Ngô Đình Diệm.

Về Hiệp định Genève, Mỹ là bên không ký. Chỉ còn lại Ngô Đình Diệm. 

Ông Trí Quang đã đắc lực giúp cho người Mỹ dẹp bỏ ông Diệm. 

Mỹ đổ quân vào Việt Nam như nhà không chủ, trong lúc các tướng lãnh còn đang tranh giành quyền lực ở Sài gòn.

Vì vậy người ta có lý khi cho rằng thầy Trí Quang là gián điệp CIA của Mỹ. Điều này khó có thể kiểm chứng vì cơ quan CIA (trung ương tình báo cục) của Mỹ không có thói quen tiết lộ lai lịch của người cộng tác. 

Vấn đề là, khi Mỹ đổ quân vào rồi, MTDTGPMN mới có cớ dựng cờ “đánh Mỹ cứu nước” và hoạt động công khai. Quân miền Bắc cũng đồng thời bước qua vĩ tuyến 17 tiến vào miền Nam. 

Nhiều người khác cũng cho rằng thầy Trí Quang là đảng viên, là “cán bộ xách động và tuyên truyền” của đảng Cộng sản Việt Nam gài vào miền Nam để quấy rối. 

Ý kiến này cũng thuyết phục.

Ta cũng không dễ lấy bằng chứng từ đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng từ những trang tự truyện của thầy ta đã thấy có sự quan hệ giữa thầy và đảng Cộng sản. Lúc thầy Trí Quang đọc “Bản tường trình sự cần thiết thành lập Mặt trận Việt minh của Trường Chinh, nội dung nói rõ quan điểm “giải phóng dân tộc”, ta thấy giống y cái cảnh Nguyễn Tất Thành đọc bản “luận cương về các vấn đề dân tộc” của Lê nin. Nguyễn Tất Thành trở thành “đồng chí” Linov với nhiệm vụ “xách động và tuyên truyền – Agiprop”. Thì ta có thể suy luận tương tự Hòa thượng Trí Quang được đưa vào Nam để làm nhiệm vụ tương tự.

Và đây cũng là lý do giải thích vì sao thầy Trí Quang im lặng sau 1975. “Mission accompli”, nhiệm vụ đã hoàn tất thì vọng động nữa làm chi?

Ông Nguyễn Hữu Liêm có đề nghị (trên facebook) nhà nước Cộng sản Việt Nam  phong thầy Trí Quang là “anh hùng dân tộc”. Rõ ràng cái nào cũng có cái lý của cái đó. 

Một chuyện tuy bên lề nhưng cũng nên kể để minh họa cho vai trò “cán bộ chiến lược” của Hòa thượng Trí Quang. 

Khi ông Dương Văn Minh lên làm tổng thống thì giới chính trị miền Nam lúc đó nói chơi với nhau là ông Trí Quang mới làm tổng thống. Ông Trí Quang có thực lực là quần chúng Phật giáo trong khi ông Minh không có gì cả. Vì tin tưởng Hòa thượng Trí Quang, nghĩ rằng ông này có “giải pháp” cho Miền Nam. Đến ngày cuối người ta đồn ông Minh than rằng “thầy làm chết tôi rồi”! Ông Minh hy vọng với việc “bàn giao quyền lực” trên cương vị tổng thống thì chắc sẽ có một vai trò trong nhà nước mới. Vấn đề là Sài gòn sụp đổ, ông Minh không có “quyền lực” nào nữa, dầu là tượng trưng để mà giao. 

Bài viết ông Thuần cũng có nhiều chi tiết cần xét lại. Chỉ đưa ra hai thí dụ. Thứ nhứt, về “ngọn lửa Quảng Đức là ngọn lửa từ bi” và nguyên nhân cái chết của 7 em bé trong “biến cố” đài phát thanh 8-5-1963. 

Điểm 1, tài liệu, hình ảnh bây giờ đã được “giải mật”, đã công bố, Hòa thượng Thích Quảng Đức không hề “tự” thiêu, tức tự châm lửa đốt mình. Người ta cầm can xăng đổ lên người ông rồi đốt. Gọi đó là “lửa từ bi” hay “lửa sát nhân” đều đúng, chỉ khác góc nhìn. 

Thứ hai, vụ 7 em bé, ông Thuần nói là bị lính ông Diệm “bắn chết”. Thầy Trí Quang viết “đống xương thịt máu huyết bị hất vào một góc tường, xương thịt máu huyết của những kẻ thân yêu mới cười nói với mình trước đó không quá 10 phút”. 

Đạn nào mà bắn “dữ” vậy?

Chuyện này phải nhắc lại Biến cố “đài phát thanh 8-5-1963”, nguyên nhân đưa tới “phong trào Phật giáo miền Trung”.

Nguyên nhân là đài phát thanh Huế không đồng ý cho phát bài thuyết pháp của thầy Trí Quang, vì lý do chưa kiểm duyệt. Nghi vấn là tại sao lại có “quần chúng” với đông đảo con nít tụ họp trước đài phát thanh để đón nghe bài thuyết pháp này? Con nít tới đó nghe làm chi?

Khi đài không phát (vì chưa kiểm duyệt) thì “quần chúng” nổi dậy “làm cách mạng”. Vụ này làm cho 7 trẻ em bị chết. Phe “cách mạng” nói là do quân ông Diệm quăng lựu đạn. Ông Thuần thì nói bị đạn bắn. Nhưng theo nhiều tài liệu ghi lại, 7 nạn nhân không thể tử thương do “lựu đạn”, hay do bất kỳ một thứ vũ khí nào của Việt Nam Cộng Hòa có thời đó. Theo giảo nghiệm của bác sĩ người Đức thì thân xác 7 nạn nhân không thấy có miểng lựu đạn, hay đầu đạn. Kết luận của bác sĩ là các em chết vì một “sức ép cực mạnh khiến thân xác không vẹn toàn”. Vũ khí nào “sát thương” như vậy nếu không phải là C4, thường được điệp viên Mỹ sử dụng trong các điệp vụ?

Nói thầy Trí Quang là CIA vì vậy rất thuyết phục. 

Kết luận: 

Dưới mắt nhiều người dân Việt Nam thì từ 1963 đến nay là “một trang sử” đầy máu và nước mắt lẫn nhục nhằn. Trang sử viết dở dang, không ai biết sự thống khổ còn kéo dài bao giờ mới chấm dứt. Một trang sử hàng chục triệu người dân chết bị bỏ quên. Có người chết trước cổng chùa. có người chết trên đường di tản. Có người chết trong bụng cá, chết ngộp giữa đại dương. Có người chết nhục nhã vì hải tặc. Và đến bây giờ vẫn có người còn tiếp tục chết. Chết vật vã đau thương trong thùng đông lạnh. Chết trên đường băng qua biên giới các xứ Đông Âu đầy tuyết giá… 

Vì đâu chết?

Người “làm nên lịch sử” đến chết cũng không nói được nửa lời. Nói là tranh đấu cho “công lý”, cho “đạo pháp và dân tộc”. Nhưng rốt cục lại góp tay lật đổ ông Diệm mở đường cho Mỹ vào. Đồng thời mở đường cho MTDTGPMN chính thức tuyên bố hoạt động ở miền Nam. Từ đó đưa tới Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.

***

Bài 2: Yếu tố tinh thần đấu tranh.

Trong một cuộc chiến tranh, ở đâu cũng vậy, nếu một bên không nỗ lực hy sinh để bảo vệ đất nước, dân và quân không ý thức được ở đâu là quyền và lợi ích của họ trong công cuộc bảo vệ đất nước, chắc chắn bên đó sẽ thua trong cuộc chiến. 

Một chuyên gia quân sự Tây phương, lúc bàn luận chiến sự Ukraine trên TV vài tuần trước có nói câu đại khái như sau: “người ta không sợ một đoàn quân sư tử do con cừu chỉ huy mà người ta chỉ sợ một đàn cừu do con sư tử lãnh đạo”. 

Ta có thể hiểu rằng chuyên gia ám chỉ đạo quân hỗn hợp dân-quân Ukraine là một “đàn cừu” được con sư tử Zelensky chỉ huy. 

Trên chiến trường thực tế cho thấy dân và quân Ukraine cực kỳ lợi hại. Đúng trên quan điểm “cừu, sư tử” của chuyên gia quân sự. Nhìn lại hai đạo quân thân Mỹ ở Kaboul và Sài gòn. Các chiến binh của hai đạo quân này có nỗ lực chiến đấu hết mình để bảo vệ đất nước của họ hay không? Hai đạo quân này do cừu hay do sư tử chỉ huy?

Theo tôi yếu tố dũng mãnh của cấp chỉ huy chưa đủ để thắng trận. 

***

Sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Afghanistan thân Mỹ ở Kaboul, 30 tháng Tám 2021, nhiều người đã so sánh với trường hợp sụp đổ Việt Nam Cộng Hòa 30 tháng Tư 1975. Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam, cũng như ở Afghanistan, bằng một “hiệp ước hòa bình”. Sự so sánh đầy ác ý nhưng không phải là không có lý do. 

Tại Afghanistan, ngày mà Mỹ chính thức rút quân cũng là ngày quân đội Afghanistan tan hàng và chính phủ thân Mỹ ở Kaboul sụp đổ. 

Tháng Hai 2020 chính phủ Donald Trump thỏa thuận với Taliban về thời khóa biểu và các điều kiện để quân Mỹ rút lui. Người kế nhiệm Joe Biden ra quyết định “Chiến dịch di tản 17 ngày”, thời hạn chót 31 tháng Tám 2021. 

Người lính Mỹ cuối cùng vào đến phi trường Kaboul thì quân Taliban cũng đã đuổi theo tới cửa cổng phi trường. 

Người ta đặt vấn đề, với biết bao nhiêu vũ khí cùng quân trang quân dụng của Mỹ để lại, quân đội Afghanistan hầu như không giao chiến với quân Taliban một trận nào. Thấy lính Mỹ rút lui họ bỏ súng chạy theo. Rốt cục Mỹ phải thương lượng với phe Taliban để cuộc thoái binh diễn ra không tiếng súng. 

***

Chiến tranh Việt Nam, với Hiệp định Paris 27 tháng Giêng 1973, Mỹ thỏa thuận với Cộng sản Việt Nam để được “kết thúc chiến tranh” và đem lại “hòa bình trong danh dự” cho nước Mỹ. Trong vòng 60 ngày quân Mỹ phải rút khỏi Việt Nam.  

Người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam ngày 29 tháng Ba 1973. Từ đó chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc “nội chiến”. 

Tương tự quân Afghanistan, Mỹ cũng để lại cho Việt Nam Cộng Hòa nhiều vũ khí tối tân cùng quân trang quân dụng. 

Trong thời gian hơn hai năm nội chiến, quân đội Việt Nam Cộng Hòa một mình phải đối phó trước một đạo quân thiện chiến (gồm Việt Cộng tức quân MTGPMN và bộ đội miền Bắc) mà đại cường Mỹ đứng đầu thế giới (cùng với đồng minh) đánh không lại. Nên biết người Mỹ đổ 50 vạn quân, trang bị vũ khí tối tân, được hỏa lực không quân, thiết giáp, pháo binh yểm trợ… Với chiến phí lên đến cả ngàn tỉ đô la. Trong suốt 8 năm ở Việt Nam quân Mỹ đã không đánh bại đạo quân Cộng sản Việt Nam và MTGPMN. 

Quân Việt Nam Cộng Hòa còn chống quân Cộng sản Việt Nam và MTGPMN trong hoàn cảnh thế giới gặp khó khăn và phương tiện quốc nội eo hẹp. Năm 1973 Trung Đông đã có cuộc khủng hoảng lớn về dầu hỏa. Giá dầu thế giới tăng vọt lên (đến 10 lần). Quân xa, phi cơ, tàu bè, chiến xa… của Mỹ để lại đa số không sử dụng được. Do thiếu xăng dầu, hoặc do hư hỏng mà thiếu phụ tùng thay thế. Hoạt động của không quân, hải quân gần như tê liệt. Các đơn vị thiết giáp, pháo binh… cũng hạn chế chiến đấu vì thiếu đạn dược và nhiên liệu. 

Quân Mỹ bỏ cuộc nhưng quân đội Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục cuộc chiến tranh do chính người Mỹ đã gây ra (và để lại). Nhiều đơn vị Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu cho tới khi súng hết đạn. Nhiều tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa tự sát. Quân Việt Nam Cộng Hòa tháo lui, và thất bại, vì những mệnh lệnh bất cập (như di tản chiến thuật Tây nguyên) đến từ Dinh Độc lập. Cuối cùng, cũng từ Dinh Độc lập, Tổng thống Dương Văn Minh đọc lệnh yêu cầu quân lính “buông súng” đầu hàng. Sài Gòn sụp đổ ngày 30 tháng Tư năm 1975. 

***

Quân đội Afghanistan thân Mỹ đông đảo, trên 300 ngàn quân được vũ trang tận răng. Quân Taliban hay quân chính phủ Kaboul thân Mỹ cũng đều là dân Afghanistan. Phải có lý do tâm lý nào đó mà một bên sẵn sàng ôm bom để chết, trong khi bên kia lại không muốn cầm súng bảo vệ quê hương của họ.

Tương tự, quân Việt Nam Cộng Hòa cũng như bộ đội miền Bắc. Tất cả “máu đỏ da vàng”, giống nhau “một lá gan”. Không thể phê phán bên này can đảm bên kia hèn nhát.

***

Cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine bắt đầu từ ngày 24 tháng Hai 2022 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Tinh thần chiến đấu của dân và quân Ukraine, dưới sự chỉ huy của tổng thống Zelensky, chứng minh được hiện tượng “châu đấu đá nghiêng xe”. Quân đội Nga với một lực lượng áp đảo so với quân Ukraine, hỏa lực cũng như nhân sự. Các nhà quan sát quốc tế đánh giá tương quan lực lượng hai bên với tỉ số 10/1. Không ngoại lệ tất cả đều tiên đoán Kiev sẽ sụp đổ trong vài ngày.

Thực tế trên chiến trường chứng minh tất cả đều đoán sai. Tinh thần chiến đấu của dân và quân Ukraine thể hiện như là con gà mẹ dũng mãnh, liều chết quyết chiến đấu chống lại con diều hâu hung tợn để bảo vệ đàn con. Các nhà quan sát quốc tế đồng thuận ở một điều là yếu tố Zelensky đóng vai trò cốt lõi.

Dân và quân Ukraine, nếu không có một Zelensky cực kỳ thông minh, biết vận dụng mọi cơ hội để được sự ủng hộ của quốc tế. Lúc sứ quán Mỹ đề nghị di tản Zelensky và gia đình. Ông này trả lời sứ quán Mỹ rằng: “Chúng tôi cần vũ khí chớ không cần một chuyến taxi”. 

Zelensky đã thành công trong việc kích động tinh thần “quốc gia dân tộc” trong toàn thể dân chúng Ukraine cũng như xiển dương một “quốc gia Ukraine độc lập có chủ quyền” trước trường quốc tế. 

Ukraine là một “quốc gia” mới được khai sinh, năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã. Trong khi dân Nga và dân Ukraine có cùng một nguồn gốc, cùng một “nation”. 

Không có Zelensky chắc gì dân và quân Ukraine đã có được tinh thần “quốc gia dân tộc” mãnh liệt như hôm nay?

Không có một Zelensky chưa chắc quốc tế đã ủng hộ và viện trợ vũ khí cần thiết để cho Ukraine tự vệ như đã thấy. 

Cuộc biểu quyết ở LHQ tháng Ba 2022 ta thấy đại đa số các quốc gia lên án Nga “xâm lược” Ukraine. Dư luận quốc tế, ngay cả Tổng thống Biden, lên án Putin phạm tội ác diệt chủng (crime génocide). Dư luận quốc tế, thông qua ý kiến một cựu thẩm phán Tòa Hình sự quốc tế, cũng lên án quân Nga phạm tội ác chiến tranh (crime de guerre).

Trở lại câu nói của chuyên gia quân sự dẫn trên. So sánh ba quân đội. Đâu là cừu, đâu là sư tử?

Ý kiến của chuyên gia nhấn mạnh ở tinh thần chiến đấu của cấp chỉ huy. 

Mỹ vào Việt Nam cũng như vào Afghanistan. Mạnh vì gạo bạo vì tiền, người Mỹ trực tiếp hay gián tiếp, chỉ huy tất cả. Cấp chỉ huy Mỹ có phải là những con sư tử dũng mãnh hay không? Chuyện này hãy để sử gia Mỹ thẩm định. 

Rõ ràng quân đội thân Mỹ ở Kaboul, những ngày cuối Mỹ rút quân, đã tan đàn rã nghé. Họ không có tinh thần chiến đấu.

Còn quân Việt Nam Cộng Hòa? 

Quân Việt Nam Cộng Hòa thừa dũng cảm nhưng theo tôi, yếu tố dũng cảm của đạo quân không đủ để một bên dành chiến thắng. 

Vấn đề đặt ra, Việt Nam Cộng Hòa và Afghanistan có sụp đổ hay không, nếu giàn lãnh lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa (và Afghanistan) có một nhân sự bản lĩnh như Tổng thống Zelensky?

***

Trường hợp Việt Nam, ý kiến cá nhân tôi, từ khi hiệp định Genève 1954, số phận của Việt Nam Cộng Hòa đã là “chiến trường”, sinh ra nếu không chiến thắng ắt là hủy diệt. Người Mỹ lật đổ ông Diệm 1963, sau đó đổ quân vào trực tiếp mở đầu cuộc chiến tranh. Sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa đã bắt đầu tính ngày.

Hiệp định Ganève 1954, các đại cường cam kết dân tộc (nation) Việt Nam là một khối duy nhứt không thể phân chia. Lãnh thổ Việt Nam ba miền Bắc, Trung, Nam thuộc về một quốc gia Việt Nam duy nhứt. Vĩ tuyến 17 chỉ là “lằn ranh quân sự tạm thời”.

Việt Nam Cộng Hòa cùng số phận với Đài loan – Lục địa và Nam Hàn – Bắc Hàn, là những quốc gia bị phân chia (Etats divisés – States Divided). Khi mà một bên có thể vịn lý do thống nhứt (hay giải phóng) đất nước để gây chiến tranh thì bên kia (như Việt Nam Cộng Hòa) trước sau cũng sẽ trở thành bãi chiến trường.

Miền Nam và Mỹ “đồng sàng dị mộng” về nội dung Hiệp định Genève 1954. Mỹ không nhìn nhận nội dung Hiệp định vì đã bỏ qua “quyền tự quyết của nhân dân miền Nam”. Tức là Mỹ hàm ý miền Nam đã là một “quốc gia độc lập có chủ quyền”. Phía Quốc gia Việt Nam, Bảo Đại làm quốc trưởng, lại không nhìn nhận Hiệp ước vì điều khoản “chia đôi đất nước”. Tức là Bảo Đại muốn một Quốc gia Việt Nam bao gồm cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Năm 1965 vịn vào “biến cố vịnh Bắc Việt”, Mỹ đổ quân vào Việt Nam. Mỹ còn “đồng sàng dị mộng” với tất cả các đồng minh cật ruột. 

Trong lúc Tổng thống Johnson tuyên bố “chúng ta sẽ không thất trận. Chúng ta sẽ không thối chí”. Thì quan điểm của thủ tướng Wilson nước Anh (tháng Hai 1965) : “chỉ có sự tôn trọng toàn diện các điều ước của hiệp định Genève mới đưa tới sự đình chỉ cuộc chiến tranh, do đó chấm dứt cuộc xâm lăng miền Nam do Cộng sản miền Bắc chủ trương”. Tổng thống De Gaulle nước Pháp (tháng Bẩy 1964) biểu lộ lập trường về một hội nghị mới, tương tự Hội nghị Genève với những thành phần tham dự trước kia để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử cho Việt Nam … Tức De Gaulle cũng nói về việc tôn trọng Hiệp định Genève 1954… 

Phía Cộng sản  miền Bắc, qua tuyên bố của Phạm Văn Đồng 8 tháng Tư 1965, lập trường tương đồng với Anh và Pháp: tôn trọng Hiệp định Genève 1954.

Riêng Việt Nam Cộng Hòa, thủ tướng Phan Huy Quát ngày 1 tháng Hai 1965 có tuyên bố: “cuộc chiến đấu của Việt Nam Cộng Hòa rõ ràng là một trường hợp tự vệ chính đáng, chỉ có mục đích đập tan quân cộng sản xâm lăng…”.

Lập trường của Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ, trước việc Mỹ đổ quân vào Việt Nam, đã không được sự ủng hộ của đồng minh và dư luận quốc tế. 

Vậy thì, làm cách nào Zelensky, giả sử có tư cách lãnh đạo tối cao Việt Nam Cộng Hòa, có thể vận động LHQ để lên án miền Bắc “xâm lược” miền Nam? 

Vụ thảm sát Tết Mậu thân 1968 ở Huế, các vụ pháo kích bừa bãi vào chợ búa, trường học, các vụ ám sát, đặt mìn… làm cách nào để LHQ lên án Cộng sản Việt Nam vi phạm “tội ác chiến tranh” ? 

Điều quan trọng hơn hết, làm cách nào để thuyết phục quốc tế viện trợ vũ khí cho Việt Nam Cộng Hòa“tự vệ”, sau khi Mỹ rút?

Không có cách nào hết. Hiệp định Paris 1973 đã trói tay tất cả. Bởi vì theo Hiệp định này Mỹ nhìn nhận nội dung Hiệp định Genève 1954, nhìn nhận “Nước – Nation” Việt Nam bất khả phân chia và lãnh thổ Việt Nam  thống nhứt ba miền.

Luật quốc tế định nghĩa “xâm lược-agression”, quốc gia này đem quân xâm chiếm lãnh thổ quốc gia kia. Nam và Bắc Việt Nam cùng một “nation – dân tộc”, cùng một lãnh thổ Bắc, Trung, Nam, bất khả phân chia. Hiển nhiên không có vấn đề “xâm lược”. 

Luật quốc tế cũng ngăn cản việc một quốc gia can thiệp vào nội bộ của một quốc gia khác. Mọi sự viện trợ của một quốc gia nào đó cho Việt Nam Cộng Hòa, sau khi Mỹ rút, đều vi phạm luật quốc tế.

Từ khi đất nước chia đôi, các thế hệ lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ xác định được “tinh thần quốc gia dân tộc” là gì, có ý nghĩa thiêng liêng ra sao. 

Họ không xác định được vì Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa ghi rõ lãnh thổ Việt Nam  từ “Nam quan tới mũi Cà mau”. Quốc gia Việt Nam bao gồm luôn miền Bắc.

Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu đơn thuần vì lý do “chống cộng sản xâm lược” chớ không nhằm “bảo vệ chủ quyền quốc gia”, “bảo vệ dân tộc Việt Nam Cộng Hòa” hay “bảo vệ lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa” như trường hợp Ukraine với Zelensky. 

Từ sau 1954 các lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ qua nhiều cơ hội phòng ngừa chiến tranh, qua cách nương theo lập trường của Mỹ, qua việc tuyên bố miền Nam là quốc gia độc lập (từ vĩ tuyến 17). Năm 1955 ông Diệm trưng cầu dân ý lật đổ Bảo Đại nhưng ông Diệm không trưng cầu dân ý về một “Nam Việt dân quốc”. Ông Diệm bị giết năm 1963, trong lúc đang vận động thống nhứt đất nước với miền Bắc. Sau này, ông Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu… cũng đều bỏ qua cơ hội phòng ngừa chiến tranh bằng cách tuyên bố quốc gia độc lập. Đài Loan hiện nay cũng muốn tuyên bố Đài Loan độc lập, mục đích để tránh việc lục địa “thống nhứt đất nước”.

Việc này để lại hệ quả sâu xa. Ngoài việc dành cho phía Cộng sản miền Bắc quyền gây chiến tranh để “thống nhứt đất nước” (và giải phóng dân tộc), còn có vấn đề khích động tinh thần “quốc gia dân tộc” trong khối dân chúng miền Nam cũng như quân đội Việt Nam Cộng Hòa. 

Rốt cục Việt Nam Cộng Hòa tồn tại hay không tùy thuộc vào ý chí dân miền Nam có sẵn sàng hy sinh để bảo vệ “lối sống” khác biệt của mình hay không. Rõ ràng người dân và quân lính miền Nam đã không ý thức được ở đâu là quyền và lợi ích của họ trong công cuộc bảo vệ miền Nam độc lập, không cộng sản. 

Số phận Việt Nam Cộng Hòa đã định trước. Bất kể cấp chỉ huy can đảm tới mức nào và quân đội dũng mãnh ra sao. Bất kể khi Việt Nam Cộng Hòa (từ 1973) có một Zelensky lãnh đạo hay không. Bắn hết đạn quân Việt Nam Cộng Hòa ắt phải thua. 

Nguyên nhân do giàn lãnh đạo chính trị Việt Nam Cộng Hòa tất cả đều thiếu tầm nhìn. 

***

Trường hợp Afghanistan. Đây chỉ là một “quốc gia tình cờ”, một loại “quốc gia trái độn – etat tampon”, không phải là một thứ “Etat-Nation” (Dân quốc, quốc gia thành hình trên một khối dân tộc có cùng ngôn ngữ, nguồn gốc, văn hóa và lịch sử. Thí dụ như Việt Nam). Afghanistan được thành hình do ý chí của Anh và Nga. 

Lãnh thổ Afghanistan được “vẽ trên bản đồ”, trong văn phòng, bất chấp thực tế khu vực này bao gồm nhiều bộ tộc có tiếng nói, nguồn gốc, tập quán khác biệt nhau, thậm chí thù nghịch với nhau. Gộp họ lại tổ chức thành một quốc gia đã khó. Vấn đề dân chủ hóa lại càng khó. 

Vì vậy các bộ tộc ở Afghanistan không có chung một tinh thần “Quốc gia Qân tộc – Etat Nation” mà chỉ có niềm tin vào bộ tộc và tôn giáo. Họ sẵn sàng chống đối lẫn nhau, xâu xé lẫn nhau và sẵn sàng bán rẻ “đất nước” để phục vụ cho lợi ích bộ tộc, nếu có cơ hội. Còn các lực lượng khủng bố như Taliban, Al-Qaeda… sẵn sàng “ôm bom” tự sát để bảo vệ nềm tin. 

Không có ý thức nào về “quốc gia dân tộc” thì việc cầm súng chỉ là “đánh mướn”. Còn trả tiền thì họ đánh. Hết tiền thì họ buông súng.

Zelensky liệu có thể thống nhứt ý chí các bộ tộc ở Afghanistan hay không? Có hòa giải được niềm tin tôn giáo và lợi ích quốc gia hay không? Rõ ràng là chuyện cực kỳ khó. 

***

Trở lại câu nói của chuyên gia quân sự đã dẫn trên. Chuyên gia quân sự này ví Tổng thống Zelensky như một con sư tử. Đúng ra phải nói Zelensky là một con sư tử mạnh mẽ với trí thông minh của một con chó sói đầy kinh nghiệm.

Còn quân đội Kaboul tương tự một đàn cừu mà người chỉ huy là con sư tử Mỹ. Con sư tử từ bỏ ngôi vị đầu đàn, hiển nhiên cả đàn cừu không còn can đảm để chiến đấu.

Còn quân đội Việt Nam Cộng Hòa, chiến đấu chống lại một đạo quân mà 50 vạn quân Mỹ không đánh lại. Họ chiến đấu trong điều kiện eo hẹp, bị đồng minh bỏ rơi và quốc tế không quan tâm. Họ chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Họ buông súng vì tổng thống ra lịnh họ buông súng. Họ xứng đáng là đàn sư tử. Điều đáng tiếc đạo quân sư tử này được lãnh đạo bởi những lớp lãnh đạo “cừu”, nếu không có tầm nhìn thì là phản phúc.

***

Bài 3: Việt Nam Cộng Hòa thua vì để mất chính nghĩa.

Phe Việt Minh của ông Hồ đứng về phe chiến thắng. Còn phe Quốc gia ở đâu trước sự kiện Đồng Minh thắng Nhật năm 1945?

Về sự kiện vua Bảo Đại “thoái vị”, giao ấn kiếm biểu tượng quyền uy của Hoàng đế Đại Nam cho đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu. Sử gia Việt Nam thuộc phe Quốc gia biện hộ rằng Bảo Đại thoái vị là do các báo cáo sai lạc của Khâm sai Phan Kế Toại (Khâm sai: commissaire impérial, là chức quan do vua phong để làm một phận sự nào đó). Sự kiện này kiểm chứng (từ các tài liệu và nhân chứng lịch sử) là đúng.

Nhưng có hai sự kiện khác quan trọng hơn mà không thấy sử gia nào nói tới. 

Một là đó là lực lượng Việt Minh do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo là “đồng minh của phe Đồng Minh chống Nhật”. Tức phe ông Hồ đứng về bên thắng cuộc Thế chiến thứ II. 

Việt Minh do có hợp tác với đội OSS của Mỹ (OSS là tiền thân của CIA, thuộc Cơ quan Tình báo Chiến lược của Mỹ) từ khi Mỹ tuyên bố chiến tranh với Nhật. Đội quân này (có huấn luyện bộ đội Việt Minh) cùng hoạt động trên vùng biên giới Việt-Trung, mục đích yểm trợ các lực lượng chống Nhật ở vùng Hoa Nam.

Thời cơ đưa đẩy lực lượng Việt Minh của ông Hồ đứng về “phe chiến thắng” trong Thế chiến Thứ hai. 

Qua tài liệu phỏng vấn GS Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990), sáng lập đảng Tân Đại Việt, do GS Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Chính trị học, Trường Đại học George Mason, thực hiện tại Houston, Hoa kỳ năm 1987. Tài liệu này được GS Hùng viết lại và công bố trên trang web cá nhân ngày 24 tháng 6 năm 2022. Nguyên văn dẫn lại như sau:

“Vấn đề quan trọng nhứt là vấn đề Phan Kế Toại. Bởi vì con Phan Kế Toại là phe Cộng Sản. Hai người, tên là Phan Kế Ninh – một người tên Phan Kế Ninh, một người Phan Kế An hay gì tôi không nhớ rõ lắm. Nhưng mà hai người con Phan Kế Toại là cán bộ Cộng Sản, thành ra nó làm cho ông Phan Kế Toại nghĩ là Cộng Sản rất mạnh. Bởi vì nó đã mang những truyền đơn của Việt Minh nó bỏ trong phòng ngủ của ông Phan Kế Toại – là Khâm sai. Mà trong tất cả mấy gian phòng đều bỏ hết. Thành ra ông ông Phan Kế Toại yên trí là Việt Minh trong lúc đó, ông lên văn phòng của ông, ông nói là đến phòng của ông mà nó còn vào được thì nó phải mạnh ghê lắm. Vì thế cho nên ông Phan Kế Toại đã thiên về vấn đề đi theo Cộng Sản từ lúc đó. Và chính cái báo cáo của ông làm cho Bảo Đại phải phải bị lay chuyển mà chấp nhận thoái vị.”

Cũng theo GS Huy (tài liệu đã dẫn):

“Báo cáo thiên vị Việt Minh của ông khiến Bảo Đại từ chức, tạo cho Việt Minh tư cách hợp pháp chính trị. Tính cách hợp pháp này và tư cách là “đồng minh của Đồng Minh” làm các đảng phái Quốc Gia bị lép vế trước và sau ngày 19/8. Tư cách này không còn nữa sau khi Pháp trở lại miền Nam.”

Tức là theo GS Huy, nguyên nhân thoái vị của Bảo Đại gồm hai lý do: 1/ Báo cáo của Phan Kế Toạt thổi phồng lực lượng Việt Minh đông đảo hơn phe Quốc gia và 2/ Việt Minh là “đồng minh của Đồng minh”. Tức Việt Minh đứng về “phe chiến thắng”.

So sánh với các nhân chứng là lãnh tụ các đảng chính trị như Việt Nam Quốc dân đảng và đảng Đại Việt (qua các bản phỏng vấn của GS Nguyễn Mạnh Hùng công bố trên cùng trang web) ta thấy nội dung các điều trên không có sai biệt.

Bản báo cáo của Khâm sai Phan Kế Toại (do con cái đã theo Việt Minh) không đánh giá đúng lực lượng của Việt Minh. Theo GS Huy, cùng thời kỳ lực lượng của Đại Việt mạnh hơn Việt Minh.

Dữ kiện từ bài phỏng vấn của GS Huy của GS Nguyễn Mạnh Hùng:

“Trường Lục quân Yên Bái do Trương Tử Anh lập với huấn luyện viên người Nhật. Trước ngày khởi nghĩa, ông Anh ra lệnh kéo quân từ Yên Bái về Hà Nội và hẹn với Trần Kim Thành của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội kéo quân từ Móng Cái về. Đến Hưng Yên thì bị vỡ đê, cả hai cánh quân đều không về được Hà Nội. Tới nơi thì Việt Minh đã cướp chính quyền”.

Yếu tố “đê vỡ nên không về được tới Hà Nội” so sánh lại thấy có mâu thuẫn với các nhân chứng khác. Dầu vậy đây là sự kiện không quan trọng làm thay đổi thời cuộc.

Hai là, theo tôi, khiến các lực lượng quân sự của phe Quốc gia không về Hà nội để “lấp khoảng trống quyền lực” sau khi Nhật dầu hàng Đồng minh. Đó là tất cả các phe phái quốc gia đều ủng hộ Nhật.

Sự kiện “vỡ đê” có thể chỉ là cái cớ. GS Huy cũng nhìn nhận rằng lực lượng của phe Quốc gia không dám chiếm quyền lực là vì lo ngại bị Đồng minh “xử” chung với Nhật.

Tức là phe quốc gia đã chọn đứng về bên thua cuộc. 

Nước Ý giờ thứ 25, mặt trận Châu Âu Đức-Ý đã thua Đồng minh (từ tháng 6-1945) rồi. Nhưng đến tháng 8, thấy Nhật sắp thua, Ý bèn “tuyên bố chiến tranh” với Nhật. Mục đích chỉ để “đứng về phe thắng trận”. Nước Nga cũng vậy. Vấn đề là phe Quốc gia không ai thấy (biết) sự việc này để chọn phe. 

Phe quốc gia mất “chính nghĩa” từ thời điểm này. 

Về tuyên ngôn độc lập 12 tháng Ba 1945 của Bảo Đại.

Sau khi “đảo chánh” Pháp thì Nhật trả độc lập “Đế quốc Việt Nam” cho Bảo Đại. Ngày 12 tháng Ba 1945 Bảo Đại trao “tuyên ngôn độc lập” cho đại diện Nhật là Đại sứ Yokoyama. Nội dung Tuyên ngôn có đoạn:

“Chiếu tình hình thế giới nói chung và tình hình Á châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ và đất nước thu hồ độc lập chủ quyền quốc gia” (Con Rồng Việt Nam, page 162).

Câu hỏi đặt ra là Tuyên ngôn này có “giá trị pháp lý” hay không?

Theo tôi, một bên có thể đơn phương hủy bỏ kết ước, vì một lý do nào đó, như vì “hiệp ước bất bình đẳng”.

Trường hợp Việt Nam phức tạp vì hai đế quốc Pháp và Trung Hoa (nhà Thanh), hai đế quốc “bảo hộ” Việt Nam, có ký Hiệp ước Thiên tân 1885. Nội dung hiệp ước nhà Thanh đồng ý “nhượng” Việt Nam lại cho Pháp.

Mặt khác, theo các nguyên tắc “debellatio” trong chiến tranh. Bên chiến thắng có quyền quyết định mọi tài sản, kể cả lãnh thổ và dân chúng của phe chiến bại.

Sau khi Nhật ký văn kiện đầu hàng ngày 2 tháng 9 năm 1945. Nhật phải tuyên bố từ bỏ tất cả các vùng lãnh thổ do Nhật chiếm đóng trước kia. Ngay cả lãnh thổ nước Nhật cũng phải giao cho Mỹ quản lý. Riêng các chính phủ do Nhật lập nên ở các vùng lãnh thổ (như Bảo đại ở Việt Nam) thì không được nhìn nhận.

Tức là “Đế quốc Việt Nam” của Bảo Đại là một thực thể chính trị không có tính chính danh và không được quốc gia nào nhìn nhận.

Điều này khiến cho “danh nghĩa pháp lý “của phe Việt Minh khi nhận chiếu thoái vị của Bảo Đại bị khuyết tật.

Ông Hồ không thể nhận chủ quyền Đế quốc Việt Nam do Bảo đại trao cho. Nguyên tắc luật học “người ta không thể cho cái mà người ta không có”.

Về “giải pháp Bảo Đại”.

Một dấu ngoặc nói về thủ tục “thoái vị”. Bảo Đại có thể “thoái vị” và “nhường ngôi” cho một vị hoàng thân quốc thích nào đó của nhà Nguyễn. Nhưng về nguyên tắc thì Bảo Đại không thể đơn phương tự lấy quyết định giao ấn kiếm, biểu tượng quyền lực nhà Nguyễn, giao cho một người hay một tổ chức không thuộc hoàng gia. Nhứt là khi hành vi này kết liễu triều đại nhà Nguyễn. (Tức là Bảo Đại tự kết liễu nền phong kiến chứ không do Cộng sản Việt Nam đánh đổ như họ đã tuyên truyền).

Tháng 4 năm 1949 Bảo Đại lại nhận lời Pháp, đứng ra lãnh đạo “Quốc Gia Việt Nam – Etat du Viet Nam”.

Bảo Đại trở thành người thiếu lương thiện. Đã giao quyền lực “Đế quốc Việt Nam” (túc giao chủ quyền Việt Nam) tháng 8 năm 1945 cho ông Hồ rồi. Lý do gì lại ra lãnh đạo “Quốc gia Việt Nam” tháng 4 năm 1949 để cạnh tranh với ông Hồ?

Bảo Đại tự biện : “Bởi vì từ 1946 đến 1949, đó là sự trống rỗng chính trị toàn diện. Nếu tôi chưa xuất hiện, con người vốn sợ sự trống rỗng, thì nước Việt Nam sẽ đi về đâu?” (dẫn từ Con Rồng Việt Nam, page 354).

Bảo Đại làm như Việt Nam hết người. Đây là sự lựa chọn của người Pháp. Còn gọi là “giải pháp Bảo Đại”. Đơn giản vì Bảo Đại dễ bảo, thiếu kiến thức chính trị và nhứt là “ham chơi” hơn việc “trị quốc”.

Thực tế thì cũng có những giải pháp khác, như giải pháp Bảo Long (với hoàng hậu Nam Phương đóng vai nhiếp chính) hay giải pháp Vĩnh San (vua Duy Tân).

Quốc gia Việt Nam có một. Quyền lực chủ tể (chủ quyền) của Việt Nam cũng chỉ có một.

Nếu so sánh được, chủ quyền quốc gia Việt Nam như “sổ đỏ”, tờ chứng nhận chủ quyền của triều đại nhà Nguyễn trên ngôi nhà Việt Nam. Bảo Đại đã tự tiện giao “sổ đỏ” này cho Việt Minh rồi (ngày 30 tháng Tám 1945). Sau đó Bảo Đại nhận lại “sổ đỏ” chứng nhận sở hữu ngôi nhà Việt Nam khác, lần này do Pháp cấp.

Đã giao cho ông Hồ “Đế quốc Việt Nam” rồi, thì “Quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại sau này là quốc gia Việt Nam nào?

Hai cuốn “sổ đỏ” phải có một là “giả, ngụy”. Sổ giả là sổ nào?

Vì vậy phía Cộng sản Việt Nam mới có cớ gọi “quốc gia Việt Nam ” của Bảo Đại là “ngụy”. Các nhà nước Việt Nam Cộng Hòa kế thừa Quốc gia Việt Nam sau này vì vậy cũng đều là “ngụy”.

Phe Quốc gia đã có thể những làm điều gì để “giải Ngụy”?

Không ai phủ nhận cá nhân cụ Trần Trọng Kim cũng như thành quả của chính phủ Trần Trọng Kim sau 6 tháng làm việc. Nhưng càng củng cố tính chính đáng của chính phủ Trần Trọng Kim và Đế quốc Việt Nam của Bảo Đại thì phe quốc gia càng sa lầy vào vũng bùn “ngụy” do Cộng sản gài ra.

Vấn đề là “giải Ngụy” bằng cách nào? 

Đến nay, 49 năm lưu vong, vẫn chưa thấy sử gia, nhân sĩ quốc gia nào giải được. 

(Tác giả Trương Nhân Tuấn đặc biệt gởi lời trân trọng cám ơn đến GS Nguyễn Mạnh Hùng vì các tài liệu đã công bố. Cũng xin cáo lỗi cùng GS Hùng vụ tự tiện dẫn các tài liệu mà không xin phép trước).

***

Bài 4: Về bộ phim “The Vietnam War” (*)

Đâu là “chính nghĩa” của Cộng sản Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam?

Cứ mỗi lần có cuốn phim, hay quyển sách nào đó nói về chiến tranh Việt Nam được trình làng, thì cứ y như vậy, người Việt, bất kể là sử gia, chính trị gia, nhà nghiên cứu… lại bàn tán sôi nổi chung quanh. Kẻ phản đối, người ủng hộ. Đến nay đã có hàng chục tập phim lịch sử (của các quốc gia như Pháp, Mỹ…) đã trình chiếu, hàng trăm cuốn sách, cùng với hàng ngàn bài báo (với hàng tấn tài liệu được bạch hóa) đã công bố hay xuất bản. Vấn đề là không thấy (hay ít thấy) cuốn phim hay cuốn sách nào làm hài lòng tất cả các phía. 

Bộ phim “The Vietnam War” cũng vậy. Nhiều tiếng nói phê bình trong và ngoài nước đã cất lên, hầu hết để biểu lộ sự không đồng tình. Đa số ý kiến phát biểu đều tỏ vẻ thất vọng (thậm chí cay đắng). Thật vậy, nếu có xem những tập phim đã từng xuất bản, hay có đọc những tập tài liệu của các tác giả viết về chiến tranh Việt Nam, ta thấy rằng bộ phim “The Vietnam War” thành hình trên những sự kiện lịch sử được chọn lựa trước. Rất nhiều những sự kiện lịch sử quan trọng khác thì bị bỏ sót, hay đơn giản hóa. Bộ phim khó có thể trở thành một bộ phim “lịch sử”, như tham vọng của các nhà đạo diễn. Trong chừng mực nó (có thể trở thành) một bộ phim chủ về tuyên truyền, “định hướng dư luận”. Nói theo ý của một nhà báo lão thành hải ngoại, mục đích ra đời bộ phim là nhằm chuẩn bị dư luận, một thủ tục “dọn sân” cho “đồng minh nhảy vào”. 

Thời gian làm phim kéo dài tới 10 năm là quá dài. Tất cả hình ảnh trong phim, kể cả ý kiến phần lớn những nhân chứng, khán giả nào có quan tâm đến thời cuộc, nếu không đã từng xem qua (déjà vu), bằng không là đọc qua, ở một phim, hay một cuốn sách nào đó đã xuất bản trước đó. Theo dõi từ đầu đến cuối ta không thấy một dữ kiện nào mới. 

Về phía đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam, thay vì giữ thái độ im lặng hay “mạnh mẽ phản đối” như thói quen, đã có “phát biểu đáp từ”. Báo chí ghi nhận lời phát biểu của phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng như sau: 

“Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là cuộc kháng chiến mang tính chính nghĩa, đã phát huy được sự đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc, được bạn bè và nhân dân trên toàn thế giới hết lòng ủng hộ…. Những bước phát triển tích cực trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ vừa qua là kết quả của những nỗ lực to lớn của hai nước và chủ trương của Việt Nam về việc gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.”

Thật là “nhịp nhàng” ăn khớp. Bộ phim một mặt nhằm chứng minh thiện chí của Mỹ “vượt qua khác biệt”, “gác lại quá khứ”… mặt khác, (mặc nhiên) nhìn nhận tính “chính nghĩa” của cuộc chiến thuộc về phe Cộng sản Việt Nam. Việc này củng cố ý kiến cho rằng phía Hoa Kỳ cho xuất bản bộ phim này là để chuẩn bị tâm lý nhân dân hai nước Việt Mỹ không bị chới với “khi đồng minh nhảy vào”.

Nhưng vấn đề đâu có đơn giản như vậy. Đâu là “chính nghĩa” của Cộng sản Việt Nam  trong “cuộc kháng chiến chống Mỹ”? 

Về cuộc chiến, người Mỹ gọi là “chiến tranh Việt Nam”. Tên gọi trung dung, như thói quen đặt tên các cuộc chiến như “chiến tranh Triều Tiên”, “chiến tranh vùng Vịnh”, “chiến tranh Iraq”, “chiến tranh Koweit”… Người Mỹ đổ quân vào Việt Nam , cũng tương tự đã đổ quân vào Tây Đức, Nhật, Nam Hàn, hay ở các cuộc chiến khác, với những “lý lẽ pháp lý” khác nhau. Mục đích để biện minh sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến phù hợp với tinh thần “jus ad bellum – quyền can dự vào chiến tranh”, theo định nghĩa các công ước quốc tế (về chiến tranh). Điều này sẽ trở lại phần dưới.

Mở đầu bộ phim, như để chứng minh “chính nghĩa” thuộc về phe Cộng sản Bắc Việt, các đạo diễn đã “tuyển chọn” những tài liệu “thuận lợi” nhằm giới thiệu nhân vật Hồ Chí Minh, ca ngợi tài năng và đức độ của ông này. Trong khi nhiều tài liệu (quan trọng) khác, mô tả ông Hồ như là một kẻ “thời cơ chủ nghĩa”, thì các đạo diễn bỏ qua. 

Lá thư gởi Tổng thống Pháp ngày 9-11-1911 xin vào học ở trường Hành chánh thuộc địa của Pháp là một thí dụ. Lá thư này cho thấy mục đích của ông Hồ lúc “xuống tàu ở bến Nhà Rồng” không phải là “tìm đường cứu nưóc” như đã tuyên truyền, mà sự thật là tìm lối thoát cho bản thân, bằng cách xin được làm tay sai cho Pháp để cai trị dân bản xứ. Nhiều tài liệu khác (cũng bị bỏ qua) chứng minh ông Hồ chỉ mà một cán bộ “xách động và tuyên truyền – agiprop” của cộng sản quốc tế do Liên Xô lãnh đạo. Tài liệu khác của Trung Quốc công bố cho thấy ông Hồ là một sĩ quan (thiếu tá) trong đạo hồng quân của Mao Trạch Đông.

Một người “đa diện”, “quốc tế” như vậy thì không thế là “nhà ái quốc” rồi!

Tập đầu “Déjà vu” có nghĩa là “đã xem qua, đã thấy rồi”. Tựa đề như vậy nhưng các đạo diễn lại không thấy chiến thắng Điện Biên Phủ là do công lao của Trung Quốc. Vũ khí, đạn dược, quân lính, cố vấn… đều đến từ Trung Quốc. Hiệp định Genève, nói là Pháp đàm phán với phe ông Hồ, mà thực ra là Pháp đàm phán với Châu Ân Lai. Chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 17 là ý kiến của họ Châu chớ đâu phải ý kiến của ông Hồ. 

Tài liệu từ nhiều phía (có can dự) viết về chiến thắng Điện Biên Phủ, như Trung Quốc, nhưng các đạo diễn chỉ chọn tài liệu từ phía Cộng sản Việt Nam. 

Còn về phía Việt Nam Cộng Hòa, không ai chịu so sánh ông Diệm, ông Thiệu thời đó với những lãnh tụ đồng thời ở các nước Châu Á. Ông Thiệu, ông Diệm làm gì độc tài hay tham nhũng bằng Marcos của Phi, bằng Sukarno của Indonesia, hay với cán bộ Cộng sản Việt Nam bây giờ?

Nếu mấy ông tướng tá Việt Nam Cộng Hòa tham nhũng, tiền bạc đầy túi như cán bộ Cộng sản Việt Nam bây giờ, tại sao sau khi tan hàng 1975 ra nước ngoài ông nào cũng phải đi làm cu li, làm việc “thúi móng tay” để có nhà ở, cơm ăn hết vậy?

Trong một đất nước bị chiến tranh, trí thức “phản chiến” chỉ chú mắt vào các hành vi “bảo vệ an ninh nội địa” để lên án phía Việt Nam Cộng Hòa là “độc tài”, vi phạm nhân quyền. Các nước như Thái Lan, Miến Điện, Singapour, Mã Lai, Indonesia… ngay thời điểm bây giờ, nếu so sánh với Việt Nam Cộng Hòa ngày trước, thì chế độ Việt Nam Cộng Hòa thời đó vẫn “tự do” và “dân chủ” gấp nhiều lần hơn. 

Dân chúng miền Nam ngày xưa muốn biểu tình là biểu tình, nhà báo muốn chửi Thọ chiếu (chửi tổng thống Thiệu là Thiệu chó) là chửi. Chẳng có ai bắt bớ, đánh đập, bỏ tù… Việt Nam Cộng Hòa ngày đó làm gì có các điều 79, 88, 258… như Việt Nam bây giờ?

Không một ai thử đặt vấn đề về tình trạng dân chủ, nhân quyền ở miền Bắc thời đó. Ngay cả bây giờ cũng không thấy ai đặt vấn đề về chế độ độc tài công an trị hiện tại ở Việt Nam. 

Trong chiến tranh, các đạo diễn đề cao tinh thần chiến đấu của bộ độ miền Bắc đồng thời mạt sát quân Việt Nam Cộng Hòalà “hèn nhát”. 

Rõ ràng đây là một “thành kiến”. Với một thành kiến như vậy thì còn gì là tính “khoa học, khách quan” để có thể xếp bộ phim này là bộ phim “lịch sử”? 

Bởi vì nếu so sánh “tinh thần chiến đấu” của quân đội Việt Nam Cộng Hòa với các quân đội các nước mà Mỹ từng sánh vai chiến đấu như quân đội Nam Hàn (trong cuộc chiến 1951-1953), quân đội Afghanistan (sau khi đánh Taliban), quân đội của Iraq (sau khi lật đổ Sadam Hussein)… thì rõ ràng quân Việt Nam Cộng Hòa vượt trội cả cái đầu. 

Chiến tranh Triều Tiên, lúc đầu quân Nam Hàn đã bị quân Bắc cộng đánh tơi bời, rượt chạy “sút quần”, cho tới Pusan (kiểu mũi Cà Mau của Việt Nam). Nếu không có Mỹ và LHQ đổ quân kịp thời “cứu giá” thì Nam Hàn coi như “đứt bóng”. 

Trong khi tinh thần quân Mỹ ở các cuộc chiến “chống khủng bố” ở Iraq hay Afghanistan, kể cả quân đội của hai nước này, cũng không hơn gì lính Việt Nam Cộng Hòa hồi đó (nếu không nói là thua xa).

Đánh với một bọn du kính Hồi giáo được trang bị AK47, không có Tàu, Nga ủng hộ sau lưng mà đánh hoài không thắng. Ở Iraq và Afghanistan, Mỹ cũng theo sách vở ở Việt Nam “đồng minh tháo chạy”, bỏ lại biết bao nhiêu vũ khí, quân trang, quân dụng để chạy lấy người. Mỹ vừa rút thì các quốc gia này tức thời bị sụp đổ. Quân IS vào tới đâu lính ở đây bỏ súng chạy tới đó. Bọn “Nhà nước Hồi giáo” (tức IS) hôm nay, họ “đánh Mỹ” bằng vũ khí của Mỹ bỏ lại. Quân đội Iraq và Afghanistan do Mỹ đào tạo dựng lên, sụp đổ trong một thời gian ngắn kỹ lục.

Nhìn các quốc gia Iraq, Afghanistan đang bị “gải thể”, các thành phố cổ kính bị tan nát bởi chiến tranh, hàng chục triệu nạn nhân chiến tranh… ta mới thấy sự bất lực của “sức mạnh Mỹ” cũng như sự vô trách nhiệm của giới lãnh đạo Mỹ. 

Quân Việt Cộng hồi đó có khác chi với quân IS bây giờ? Họ đánh bằng lòng thù hận, dám “thí mạng cùi”. 

Vấn đề là người Mỹ không chỉ bỏ chạy, mà lại còn “trói tay” Việt Nam Cộng Hòa bằng cách không viện trợ quân sự. Kết luận rằng quân Cộng sản Việt Nam vào tới đâu thì lính Việt Nam Cộng Hòa bỏ chạy tới đó là một sự phỉ nhổ vào lịch sử. Cuộc chiến tăng cường độ thì Liên Xô và Trung Quốc càng tăng nhịp điệu viện trợ. Quân Việt Nam Cộng Hòa bắn hết đạn thì phải tháo chạy thôi. 

Vấn đề là người Mỹ “tháo chạy” giao dân tộc Việt Nam lại cho “đảng cộng sản Việt Nam”. Bây giờ nhìn lại, cả dân tộc Việt Nam đang chịu nạn “nội xâm”. Chúng ăn của dân không từ một thứ gì. 

Giải phóng “ách kềm kẹp của Mỹ Ngụy” rốt cục cả nước lọt vào gông cùm của cộng sản phi nhân.

“Chính nghĩa” nào trong cuộc chiến, cho phía Cộng sản Việt Nam, nếu không phải là Mỹ đã trịnh trọng dâng cho họ vòng nguyệt quế?

Các đạo diễn lựa chọn các hình ảnh chiến tranh, biểu hiện đủ các mặt tội ác. Nhưng họ chỉ lựa chọn các mặt thấy được gây ra do lính Mỹ, lính Việt Nam Cộng Hòa, trình chiếu cho khán giả. 

Bộ mặt tội ác phía bên kia, nào là đào mô đắp đường, giật mìn xe đò, pháo kích vào chợ búa trưòng học, đặt chất nổ ở nhà hàng, ném lựu đạn vào đám đông, ám sát v.v… thì không nói tới. 

Những “tội ác” do lính Mỹ gây ra, không phải viết ra là để biện hộ, nhưng nguyên nhân là do du kích Việt Cộng trà trộn trong dân, núp trong dân bắn lén vào lính Mỹ. Hầu hết các đợt càn quét, các cuộc “thảm sát” (Mỹ Lai, Bến Tre…) đều xảy ra đúng như vậy. 

Nhìn lại cuộc chiến mà bọn khủng bố IS đang (thua) ở Iraq, Syrie… ta thấy quân IS không khác một mảy may nào với Việt Cộng. Nhân chứng cuộc chiến là nhà văn Nguyên Ngọc có thố lộ là quân Việt Cộng trà trộn vào trong dân, sử dụng dân chúng như là tấm bia đỡ đạn.

Về “chính nghĩa”, nếu phía Cộng sản miền Bắc có “chính nghĩa”, tại sao không có người miền Nam chạy đi xin “tị nạn” ở miền Bắc? 

Người ta chỉ thấy ngược lại, các chiến binh miền Bắc xin “hồi chánh” ở lại miền Nam.

Cũng vậy, mỗi lần quân Cộng sản ra chiến dịch tấn công, là mỗi lần dân chúng chạy về phía “quốc gia”, không ai chạy về “vùng giải phóng”. 

Sau khi chiếm được miền Nam, hàng triệu người dân miền Nam thà chết trong bụng cá chớ không chịu ở lại với cộng sản. Cho đến bây giờ, 99% người dân Việt Nam, kể cả cán bộ đảng viên Cộng sản , mong muốn của họ là bỏ nước Việt Nam qua Mỹ, Úc, Canada hay các xứ Châu Âu để sống. 

Nếu “có chính nghĩa” thì tại sao dân chỉ muốn bỏ nước ra đi? 

Về “chiến tranh”, trên quan điểm quốc tế, một số học giả gọi chiến tranh Việt Nam là một cuộc “chiến tranh Ý thức hệ”, mang tính “quốc tế”. Phía miền Bắc được khối cộng sản yểm trợ, phía miền Nam được khối tư bản, do Hoa Kỳ đại diện chống lưng. Chiến tranh Việt Nam là thí điểm nóng của “chiến tranh lạnh”.

Vậy “chính nghĩa” đứng ở phía nào, trong khi khối cộng sản thế giới đã sụp đổ? 

Cuộc chiến Việt Nam còn được các sử gia quốc tế gọi dưới tên khác là “chiến tranh ủy nhiệm”. 

Trong chiến tranh, miền Bắc được phe XHCN giúp từ “a đến z”, thực phẩm, thuốc men, cây súng, viên đạn, xe tăng, đại pháo, hỏa tiễn… cho đến nhân sự (như chuyên gia kỹ thuật), phần lớn từ Liên Xô, Trung Quốc. 

Miền Nam thì súng đạn, tiền bạc của Hoa Kỳ. Cả hai phía Việt Nam chỉ cung cấp xương và máu cho cuộc chiến. 

Mục đích chiến tranh (ủy nhiệm), lãnh đạo Cộng sản Việt Nam có nói : “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc”. 

Rõ ràng đây là lý lẽ của một tập đoàn “đánh thuê”. 

“Chính nghĩa” nào cho bọn “đánh thuê”?

Sau 1975, Việt Nam trở mặt với Trung Quốc, quay đầu về Moscou, trở thành tên xung kích sừng sỏ của Liên Xô, chống lại Trung Quốc.

Theo quan điểm của Trung Quốc, Việt Nam trở thành “Cuba của phương Đông”.

Chính nghĩa nào cho một tập đoàn làm “tay sai”, theo phe này chống lại phe kia?

Phía miền Bắc gọi đó là cuộc “chiến tranh giải phóng”, “đánh Mỹ cứu nước”. Phía miền Nam thì gọi đó là cuộc chiến “bảo vệ tự do”. Mà chiến tranh, theo Machiavel, chiến tranh là một “phương tiện” để chinh phục và chiếm hữu quyền lực.

Nếu các đạo diễn nhìn nhận cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” là có “chính nghĩa”. Điều này thừa nhận quân Mỹ là đạo quân “xâm lược”. 

Nếu vậy thì quân Mỹ hiện diện ở Nhật, Nam Hàn, ở Tây Đức trước kia, hay ở các nước “đồng minh” trên khắp thế giới… cũng là “đạo quân xâm lược”. 

Không biết dư luận Mỹ, các lãnh đạo nước Mỹ, có “gánh vác” nổi vụ này hay không? 

Hơn 40 năm sau, Cộng sản Việt Nam nhân danh có công “giải phóng miền Nam thống nhứt đất nước” để giành độc quyền cai trị đất nước. 

Về “thống nhứt đất nước”, có hàng chục thí dụ “thống nhứt đất nước” không tốn một giọt máu, không cần phải “đốt cháy Trường sơn, tát cạn Biển Đông”.

Đổ máu trên 4 triệu người, đất nưóc tan hoang, dân tình ly tán. Cuộc chiến vì vậy là “phi nghĩa”.

Còn về mục tiêu “giải phóng miền nam”, lịch sử đã bạch hóa mà các đạo diễn không thấy, có người dân nào ở miền Nam mong đợi được “giải phóng”? Như trên đã nói, các cuộc bỏ phiếu bằng chân, quân Việt Cộng vào tới đâu dân chạy trốn tới đó. Sau 75 dân Việt Nam có câu ví von “Nếu cây cột đèn có chân nó cũng vượt biên”. Rõ ràng đây là “chân lý”. Mặt thật của cuộc chiến là cuộc “xâm lăng” được bọc dưới mỹ từ giải phóng. 

Chính nghĩa nào cho cuộc chiến “xâm lăng”?

Về phía Mỹ, lý do nào họ can dự vào Việt Nam? 

Các cuộc chiến cận đại như chiến tranh Koweit, chiến tranh Iraq, người Mỹ chỉ “tham gia” cuộc chiến sau khi đã được LHQ “bật đèn xanh”. Trong cuộc chiến Koweit, Iraq đã “xâm lược” Koweit, vi phạm nguyên tắc nền tảng của LHQ. Mỹ và nhiều nước khác, theo tinh thần một nghị quyết của LHQ, đổ quân vào Koweit để “tống cổ” quân Iraq ra khỏi nước này. Đây rõ ràng là một cuộc chiến “giải phóng”. 

Cuộc chiến Iraq, Mỹ đưa ra những bằng chứng cho thấy nước này đang “chế tạo” vũ khí hạt nhân. Như vậy Iraq vi phạm hiệp ước “không phổ biến vũ khí nguyên tử” mà họ đã ký.

Nhưng chiến tranh, nói theo triết gia Alembert “nghệ thuật chiến tranh nhằm tiêu diệt con người đồng thời cũng là nghệ thuật chính trị nhằm lường gạt con người”. 

Bây giờ ta mới biết rằng cuộc chiến Iraq, Mỹ đã “dựng” lên những bằng chứng giả để có cớ đánh Saddam Hussein. 

Còn quan điểm Mác xít, qua các lý thuyết của Lenin và Mao Trạch Đông, tất cả các cuộc chiến tranh cách mạng là chiến tranh “có chính nghĩa” (chính đáng). Chiến tranh “phản động” là chiến tranh không chính đáng. 

Vấn đề là trước khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam không có một kết ước nào với lãnh đạo Việt Nam (như kết ước đồng minh). 

Chỉ khi quân Mỹ vào Đà Nẵng, trước chuyện đã rồi, chính quyền Sài Gòn chỉ đưa ra một thông báo, giảm thiểu mọi thủ tục, nhìn nhận sự hiện diện của Mỹ ở miền Nam. 

Trước đó, thời ông Diệm, các đời tổng thống Mỹ đã hứa hẹn “giúp miền Nam xây dựng một quốc gia độc lập, có chủ quyền”. Người Mỹ gọi “quốc gia” đó là “South Vietnam”, nhằm chống lại sự xâm lăng của một quốc gia (độc lập có chủ quyền) khác ở miền Bắc, là quốc gia North Vietnam.

Vận động “xây dựng South Việt Nam” thành một “quốc gia độc lập có chủ quyền” của Mỹ là cần thiết, trên phương diện công pháp quốc tế. Vì chỉ khi Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập, có chủ quyền thì Mỹ (và các nước có quan hệ khác) mới có quyền can thiệp (bằng chiến tranh), với lý do “quốc gia South Vietnam” bị một quốc gia khác là “North Việt Nam” xâm lược. 

Sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam “chính đáng – jus ad bellum” vì dựa trên “quyền tự vệ chính đáng đa phương” của LHQ. Vì vậy theo chân Mỹ, các quốc gia “đồng minh” của Mỹ như Úc, Canada, Tân Tây Lan, Thái, Nam Hàn, Phi… cũng đổ quân vào Việt Nam.

Nhưng khi có sự hiện diện của quân đội Mỹ và các nước đồng minh, cuộc “nội chiến Bắc Nam”, miền Bắc muốn “thôn tính” miền Nam, trở thành cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”. 

Rốt cục cuộc vận động của Mỹ (xây dựng Việt Nam Cộng Hòa thành một quốc gia độc lập có chủ quyền) đã thất bại. Mỹ phải ký hiệp định Paris 1973 nội dung công nhận hiệu lực của Hiệp định Genève 1954, tức là nhìn nhận Việt Nam là một “quốc gia duy nhứt, thống nhứt ba miền, lãnh thổ bất khả phân”. 

Tức là trên phương diện “pháp lý” Mỹ đã thua, thứ nhứt vì không thuyết phục được lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa (nhứt là ông Diệm) tuyên bố Việt Nam Cộng Hòa “quốc gia độc lập có chủ quyền”. Bởi vì lãnh đạo miền Nam hầu hết xuất thân từ miền Bắc. Thứ hai, thua Cộng sản Việt Nam và các lực lượng trí thức thiên tả ở Paris về tuyên truyền, vận động dư luận quốc tế. 

Mục tiêu “giải phóng miền Nam” được “quốc tế” ủng hộ. Rốt cục các đồng minh của Mỹ phải “tháo lui” vì thấy cuộc chiến không còn chính đáng. 

Nguyên nhân Mỹ thua là vì Mỹ vào miền Nam mà không hỏi ý kiến dân Miền Nam (thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, thí dụ vậy). Vì nếu có một “kết ước” hợp pháp giữa dân miền Nam và Mỹ, thì cuộc chiến đã quay theo chiều hướng khác. 

Chiến tranh Việt Nam lý ra giống y chang chiến tranh Triều Tiên. Vấn đề là ngưòi Mỹ “bao thầu” mọi thứ, trong khi Pháp thì chống Mỹ (vì bị Mỹ đã hất chân), ủng hộ MTGPMN. Khi quân Việt Nam vào gần tới Sài gòn, Dương Văn Minh lên làm tổng thống. Sự việc đã rồi, Mỹ đã nhìn nhận MTGPMN, gián tiếp nhìn nhận Mỹ đã “xâm lược” miền Nam. Không có kết ước nào gắn bó Việt Nam Cộng Hòa với Mỹ. LHQ “bó tay”, không làm được việc gì.

Việt Nam Cộng Hòa là phía “có chính nghĩa”, vì lãnh đạo thiếu viễn kiến, đành phải chết tức tưởi.  

Cuối cùng lịch sử luôn được viết bởi phe chiến thắng.

(*) The Vietnam War (TV series), phim tài liệu truyền hình dài 10 tập của Mỹ về Chiến tranh Việt Nam do Geoffrey C. Ward viết kịch bản, Ken Burns và Lynn Novick đạo diễn. Tập đầu tiên được công chiếu trên PBS vào ngày 17 tháng 9 năm 2017.

***

Bài 5: Vấn đề tham nhũng. Phê bình sự lý giải của điệp viên Frank Snepp về lý do “vì sao Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa”.

Tôi có theo dõi các bài phỏng vấn điệp viên Frank Snepp do BBC thực hiện. Bài cuối cùng nói về nguyên nhân “vì sao Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa”. 

Theo Frank Snepp: “Kissinger và Nixon cùng nghĩ ra chiến lược bỏ rơi Việt Nam mà trên thực tế họ đã thực hiện. Năm 1969, Kissinger và Nixon đến nhậm chức tại Nhà Trắng. Họ là một cặp đôi, trong đó Nixon là tổng thống. Họ hứa đưa Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, đó là lời hứa với người dân Hoa Kỳ khi tranh cử”. 

Tôi chia sẻ nhận xét này của Frank Snepp. Nixon đắc cử tổng thống Mỹ tháng 9 năm 1968, nhậm chức tháng giêng 1969, nhờ các hứa hẹn sẽ “kết thúc chiến tranh Việt Nam” và đem lại “hòa bình trong danh dự” cho nước Mỹ. 

Sau cuộc “tổng tiến công và nổi dậy” trong Tết Mậu thân 1968, quần chúng Mỹ đa số chống chiến tranh Việt Nam cũng như dư luận thế giới không thuận lợi cho sự can thiệp của quân đội Mỹ vào nội tình Việt Nam. 

Học thuyết Nixon ra đời năm 1969, với “quân sư” là Henry Kissinger. Mục tiêu học thuyết là “hòa Trung chống Xô”, sau khi nhận thấy có sự rạn nứt nghiêm trọng trong khối cộng sản giữa Trung Quốc và Liên Xô (do những xung đột trên vùng biên giới).

Tuy nhiên tôi không chia sẻ với Frank Snepp về ý kiến Nixon “cống hiến Việt Nam  cho Bắc Kinh để Trung Quốc  cởi mở hơn và làm bạn với Hoa kỳ”.

Thực tế chỉ ra rằng nếu Nixon muốn có “một khoảng thời gian hợp lý” để rút khỏi Việt Nam thì Mao chỉ muốn một “khoảng cách hợp lý” giữa hai vùng ảnh hưởng Mỹ-Trung. 

Mâu thuẫn Trung-Xô khiến Bắc Kinh dễ dãi trong cách tiếp cận với Mỹ. Trong khi Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khai sinh chính sách “đi dây” giữa hai “đồng chí anh em Liên Xô và Trung Quốc ”. 

Từ 1965 đến 1969 viện trợ quân sự của Liên Xô cho miền Bắc từ 4 đến 5 tỉ đô la, trong khi viện trợ của Trung Quốc  chỉ còn 20% con số viện trợ của Liên Xô. Liên Xô  giúp cho Bắc Việt nhiều thứ vũ khí tối tân hơn vũ khí của Mỹ viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa. Miền Bắc tách dần khỏi quĩ đạo Trung Quốc, trở thành vệ tinh của Liên Xô, trong khi đó Lào và Kampuchia trung lập. Trung Quốc tưởng chừng không còn điểm nắm tại Đông Dương. 

Từ sau Hiệp định Genève 1954, Bắc Kinh không hề muốn Bắc Việt Nam thành công trong sự nghiệp “giải phóng miền Nam” mà chỉ muốn một Việt Nam bị phân chia, miền Bắc phục tùng Trung Quốc. Trung Quốc chỉ muốn Việt Nam (và Triều tiên) không bao giờ thống nhứt. Một Việt Nam (và Triều tiên) chia rẽ và chiến tranh luôn có lợi cho Bắc Kinh.

Sau biến cố Mậu thân Hội nghị Paris được mở (tháng 5-1968). Trung Quốc lo ngại Washington và Moscou thỏa thuận một “giải pháp Việt Nam mà Trung Quốc đứng ngoài. Trung Quốc tìm mọi cách phá hoại Hội nghị bằng cách thúc đẩy Cộng sản Bắc Việt gia tăng cường độ chiến tranh.

Trần Nghị, bộ trưởng bộ ngoại giao Trung Quốc gặp đại diện Việt Nam tháng 10-1968 đe dọa chấm dứt ngoại giao nếu Việt Nam “chấp nhận 4 bên đàm phán”. Trung Quốc cho rằng như thế là giúp Johnson thắng cử, làm kéo dài sự “đô hộ của dân miền Nam dưới gót giầy đế quốc Mỹ !”(’sic!). 

Năm 1969 Trung Quốc đặt vấn đề với Cộng sản Việt Nam: Thế Việt Nam muốn đánh hay hòa để Trung Quốc  tính việc viện trợ? Viện trợ của Trung Quốc năm 1969 sụt 20% so với năm 1968.

Tức là do lo ngại đàm phán của ba nước Việt-Xô-Mỹ có thể gây bất lợi, Trung Quốc  thúc đẩy Hà Nội lên thang chiến tranh. Trung Quốc cho rằng Việt Nam dùng viện trợ của Trung Quốc đánh Mỹ để nhằm mục tiêu đàm phán với Mỹ thì viện trợ của Trung Quốc  không có ý nghĩa.

Hiển nhiên quyết tâm của Trung Quốc khiến Nixon không thể thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”. 

Washington cũng nắm được ý đồ của Trung Quốc. Mỹ nhận thấy không thể thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” nếu không có sự đồng thuận của Trung Quốc. Vì thế con đường “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nixon bắt buộc phải đi qua Bắc Kinh. 

Qua các cuộc đi đêm và ngoại giao “bóng bàn” với Washington, Bắc Kinh thiết lập lại cầu nối với Mỹ. Từ đó ta thấy Bắc Kinh làm áp lực hiệu quả lên Hà nội để Mỹ rút quân khỏi Việt Nam bình an. Đổi lại, Mỹ nhìn nhận Bắc Kinh là đại diện chính thức của Trung Quốc tại LHQ, thay vì nhà nước Quốc Dân đảng ở Đài Bắc, đồng thời hứa giúp Trung Quốc phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Mỹ không thể “cống hiến” Việt Nam cho Trung Quốc, nói như Frank Snepp. Việt Nam có vào lọt vòng ảnh hưởng của Trung Quốc hay không còn tùy thuộc vào sức mạnh và ý chí đảng Cộng sản Việt Nam cũng như tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và Liên Xô  đối với Bắc Việt Nam. Không phải chỉ có duy nhứt Trung Quốc là “đỡ đầu” cho Bắc Việt Nam .

Thực tế cho thấy Học thuyết Nixon đã “ứng nghiệm”. Cộng sản lục địa thay chỗ Quốc dân đảng ở LHQ và Mỹ rút quân một cách “an toàn” ra khỏi Việt Nam.

Thực tế cũng cho thấy sau 1973, “khi đồng minh tháo chạy” khỏi miền Nam Việt Nam, đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh và ngả vào Liên Xô. Sau 1975 Việt Nam trở thành “tên xung kích vô sản sừng sỏ” vùng Đông Nam Á của đế quốc cộng sản Liên Xô.

Và thực tế cho thấy cam kết của Nixon về chiến tranh Việt Nam không đem lại cho Mỹ “danh dự”, cũng như cho Châu Á một nền “hòa bình”, đúng như tựa đề quyển sách “No peace, No honor” của Larry Berman. 

Tức là sự lý giải của Frank Snepp về việc Mỹ “nhượng” Việt Nam cho Trung Quốc là hoàn toàn không có căn cứ. Chỉ có Nixon và Kissinger “bán đứng” Việt Nam Cộng Hòa cho Cộng sản Bắc Việt mà thôi.

Điều mâu thuẫn trong sự lý giải của Frank Snepp về nguyên nhân sự sụp đổ nhanh chóng của Việt Nam Cộng Hòa.

Frank Snepp nói rằng : “Tôi nghĩ những người bạn Việt Nam thân yêu của tôi không đúng khi đổ lỗi sự sụp đổ nhanh chóng của Việt Nam Cộng Hòa cho Hoa Kỳ… Việc thất trận của Việt Nam Cộng Hòa đến từ những lý do gần nhà hơn.”

Những lý do “gần nhà”, theo ông Frank Snepp: “thứ nhất, viện trợ không thể đến kịp thời để cứu miền Nam Việt Nam. Thứ hai, hệ thống hậu cần của Việt Nam Cộng Hòa đã bị tham nhũng lũng đoạn, khó có thể tiếp thu và triển khai thêm vật liệu một cách hiệu quả. Và, cuối cùng, các cấp tư lệnh Nam Việt Nam vì lo xa không muốn để vũ khí thặng dư gần tiền tuyến, phòng khi Cộng sản tràn vào, mà cất chúng ở xa. Vì vậy, khi cộng sản tấn công vào Quân khu 1, họ cạn kiệt đạn dược và không có một kho dự trữ đủ gần để có thể đến lấy, trước khi bị Cộng sản tiến chiếm.

Mâu thuẫn của Frank Snepp là ông đã nhìn nhận “viện trợ (Mỹ cho Việt Nam Cộng Hòa) không thể đến kịp thời” và ông cũng biết rõ ý định của Nixon và Kissinger là “bỏ Việt Nam”. 

Viện trợ đến trễ, cũng như bịnh nhân nghẹt thở mà oxygen đến trễ. Thì có khác gì cúp viện trợ đâu?

Khi đã quyết định “bỏ Việt Nam” và cúp viện trợ thì mọi lý lẽ nhằm qui trách nhiệm sụp đổ Việt Nam Cộng Hòa do nội bộ Việt Nam Cộng Hòa đều chỉ là ngụy biện. Quốc hội Mỹ thời đó có câu “không bỏ thêm một xu cho chiến tranh Việt Nam”.

Mỹ bỏ Đài Loan nhưng dầu sao xứ này có luật Taiwan Relations Act bảo vệ. Còn Mỹ bỏ Việt Nam Cộng Hòa đơn thuần như bỏ một cái áo rách. 

Thời điểm trước “chiến dịch mùa xuân 1975”, bắt đầu tháng 12 năm 1974, số đạn dược, súng ống, xăng dầu, xe cộ… của Việt Nam Cộng Hòa còn lại là bao nhiêu? Đủ để quân Việt Nam Cộng Hòa “cầm cự” bao lâu?

Lúc Trung Quốc đánh Hoàng Sa (tháng giêng năm 1974), phi cơ Việt Nam Cộng Hòa đã không có xăng để bay ra bỏ bom. Khi Mỹ “tháo chạy” năm 1973 xe cộ bỏ lại hàng hà sa số. Hầu hết đều “bỏ xó”, không sử dụng được vì không có xăng dầu và phụ tùng thay thế. 

Tại các tiền đồn, từ cuối năm 1974, pháo binh của Việt Nam Cộng Hòa đã không đủ đạn để bắn giải vây hay yểm trợ cho các đơn vị hành quân. 

Frank Snepp cũng nói rằng: “Công bằng mà nói, Nixon không có lựa chọn nào khác vì Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đã không đánh bại được Bắc Việt” 

Cho rằng ngay cả lính Mỹ và lính Việt Nam Cộng Hòa hợp lại cũng “không đánh bại” Cộng sản Việt Nam mà điều này chưa chắc. Đánh “kiểu Mỹ”, từ Việt Nam qua Irak cho tới Afghanistan… Mỹ đều thua. 

Thực tế cho thấy, hoàn toàn khác với lý giải của Frank Snepp, quân Việt Nam Cộng Hòa không thua, họ chỉ “buông súng” khi đã hết đạn (và khi có lịnh từ Dương Văn Minh). Bộ đội miền Bắc hay lính cộng hòa miền Nam đều là người Việt. Họ đều có “lá gan” như nhau. Mỹ “tháo chạy” năm 1973. Quân Việt Nam Cộng Hòa một mình chống chỏi lại đạo quân mà Frank Snepp thú nhận Mỹ “không đánh lại”, cho tới tháng Tư năm 1975. 

Còn lý do Frank Snepp cho rằng Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vì lý do hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa “tham nhũng”. 

Đa số lãnh đạo thượng tầng của Việt Nam Cộng Hòa đều chạy thoát và tị nạn bên Mỹ. Ông Frank Snepp có thể chỉ ra ai là người qua Mỹ sống bằng tiền tham những?

Mỹ thua và bỏ chạy vì nhiều lý do mà lý do chính là Mỹ đánh giặc kiểu “nhà giàu”. Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vì bị Mỹ ép “đánh giặc theo kiểu nhà giàu”. 

Mỹ rút Afghanistan, quân Mỹ còn ở Kaboul mà quân chính phủ thân Mỹ đã “buông súng” và Taliban đã chiếm toàn bộ lãnh thổ. Mỹ thoát thân ra khỏi Kaboul dưới họng súng “bảo vệ” của quân Taliban mà Mỹ thề thốt phải tiêu diệt.

Mỹ sẽ tiếp tục thua nếu vẫn tiếp tục đánh giặc kiểu quăng tiền ra cửa sổ.

Vì sao Mỹ thua ở chiến tranh Việt Nam?

Theo tôi, Mỹ thua, kéo theo Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, có hai lý do chính và một lý do phụ. 

Lý do thứ nhứt, Mỹ thua vì không thể xây dựng được quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (Nation and State Building). 

Sau 1954 Mỹ thay thế Pháp vào miền Nam với danh nghĩa giúp Việt Nam Cộng Hòa “Xây dựng Quốc gia – State Building”. 

Ý định xây dựng một quốc gia tên gọi South Viet Nam của Mỹ, có thể gọi là Nam Việt Cộng hòa quốc, hay Nam Việt Dân quốc, với ranh giới, lãnh thổ và dân chúng xác định từ vĩ tuyến 17, là một “quốc gia thất bại”, ngay từ trong ý định. 

Hiệp định Genève 1954 là một hiệp ước giữa Pháp và Việt minh nhưng Hội nghị Genève 1954 là một Hội nghị quốc tế (tương tự Hội nghị San Francisco 1951), có giá trị pháp lý “ràng buộc”. Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị được các đại cường bảo kê. Điều khoản quan trọng là: Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhứ ba miền Bắc, Trung, Nam và toàn vẹn lãnh thổ. Vĩ tuyến 17 chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời. Trong mọi trường hợp không thể diễn giải nó như là ranh giới chính trị”. 

Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa không nhìn nhận mọi văn bản của Hội nghị Genève. Vấn đề là Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa “đồng sàng dị mộng”.

Mỹ quan niệm Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, với lãnh thổ, dân chúng và ranh giới được xác định từ vĩ tuyến 17. 

Nhưng quan điểm của Việt Nam Cộng Hòa, khi phản đối Hiệp định Genève 1954, là chống phân chia lãnh thổ, tức đối nghịch với lập trường của Mỹ.

Nỗ lực của Mỹ “xây dựng quốc gia Nam Viet nam” có thể kiểm nhận qua tập tài liệu “Why Vietnam?” của The White House, Washington, D.C., 20 août 1965. Hồ sơ này có thể coi là tập “sách trắng” của Mỹ nhằm giải thích lý do, trước dư luận quốc tế và nhân dân Mỹ, vì sao người Mỹ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. 

Từ năm 1960, qua những bức thư Tổng thống Eisenhower gởi ông Diệm, ta thấy người Mỹ đã có quan niệm miền Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Quốc gia đó tên gọi “South Vietnam”. Tổng thống Eisenhower cảnh báo ông Diệm bằng thư riêng ngày 26 tháng 10 năm 1960: “cộng sản miền Bắc đã và đang sử dụng vũ lực để khuynh đảo chính trị và phá hoại nền tự do của quốc gia South Vietnam”. 

Sang đến đời tổng thống Kennedy, cũng theo tài liệu “Why Vietnam?”, dẫn lá thư ngày 14 tháng 12 năm 1961 của TT Kennedy đã gởi cho ông Diệm, nội dung cảnh báo: “các cuộc tấn công bằng vũ lực hay các cuộc khủng bố chống lại nhân dân và chính quyền trên đất nước của quí ngài trong thời gian qua được sự ủng hộ và lãnh đạo của ngoại bang là cộng sản Hà Nội”. 

Cũng trong tập tài liệu đã dẫn, tháng tư năm 1965, TT Johnson còn đi xa hơn trong lập luận Việt Nam Cộng Hòa là một “quốc gia độc lập có chủ quyền”: “Miền bắc Việt Nam đã tấn công một quốc gia độc lập có chủ quyền là miền Nam Việt Nam”. 

Nhiều lần tập tài liệu trích dẫn ý kiến lãnh đạo Mỹ, theo đó Mỹ đổ bộ vào Việt Nam  “không có một tham vọng nào về lãnh thổ” mà chỉ bảo vệ “quyền” của nhân dân miền Nam Việt Nam. “Quyền” này thể hiện qua sự “lựa chọn tương lai của dân tộc Việt Nam bằng lá phiếu và các cuộc bầu cử tự do”. 

Tài liệu cũng dẫn những cam kết của các lãnh đạo Mỹ: “Đến khi nào mà Mỹ còn có thể ngăn cản, thì không có một thế lực nào có thể khuất phục dân tộc Nam Việt Nam bằng vũ lực hay bằng khủng bố”. 

Người Mỹ cố gắng xây dựng “quốc gia Nam Việt nam”, sao cho sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, ở các điều “quyền được can dự vào chiến tranh”, điều 51 về “quyền tự vệ chính đáng”, và giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. 

Nhưng Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa “đồng sàng dị mộng”. Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa đến ngày cuối cùng vẫn khẳng định lãnh thổ Việt Nam từ Nam quan đến Cà mau. 

Mỹ ký Hiệp định Paris 1973, khẳng định Mỹ nhìn nhận hiệu lực của Hội nghị Genève 1954. Tức là Mỹ nhìn nhận “quốc gia Việt Nam độc lập, thống nhứt ba miền lãnh thổ bất khả phân chia” và “vĩ tuyến 17 chỉ là ranh giới tạm thời sử dụng cho quân sự. Trong mọi trường hợp không thể diễn giải như là đường ranh giới chính trị”. 

Chiến tranh Việt Nam từ đó trở thành một cuộc “nội chiến”. 

Từ khi Mỹ can dự vào chiến tranh Việt Nam, dư luận thế giới dựa vào nội dung Hội nghị Genève 1954 lên án Mỹ “xâm lược”. Mọi nỗ lực của Mỹ xây dựng “quốc gia” tên gọi “Nam Việt Dân quốc” hay “Nam Việt cộng hòa quốc” đều thất bại.

Không thuyết phục được các lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố “quốc gia độc lập”, từ ông Diệm đến ông Thiệu. Điều này dẫn đến việc Mỹ thua về pháp lý. Thất bại về quân sự và chính trị chỉ còn là thời gian. 

Quân đội Mỹ không còn lý do chính đáng nào để ở lại Việt Nam.

Thất bại trong việc “xây dựng quốc gia” Việt Nam Cộng Hòa. Mỹ không còn ở Việt Nam, ngọn cờ “mặt trận giải phóng” mất đi hiệu lực cũng như lời hô hào “chống Mỹ cứu nước” không còn thuyết phục. 

Nhưng miền Bắc vẫn còn có lý do “thống nhứt đất nước” để chiếm miền Nam. Mỹ rút những chiến tranh Việt Nam vẫn còn lý do tiếp diễn.

Thứ hai, Mỹ không tạo được lý do hợp pháp (và thuyết phục) – jus ad bellum – để can dự vào chiến tranh Việt Nam.

Điều này trực tiếp đến từ việc thất bại xây dựng quốc gia “South Viet Nam – Nam Việt cộng hòa quốc”.

Jus ad Bellum. Chiến tranh Irak Mỹ lấy lý do Saddam Hussein “làm bom nguyên tử” để can thiệp. Chiến tranh Afghanistan Mỹ can dự vì biến cố 11 tháng 9. Chiến tranh Triều tiên, Mỹ dẫn đầu quân đội đồng minh “cứu giá” Nam hàn qua một Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ.

Chiến tranh Việt Nam, quân Mỹ hàng trăm ngàn người đổ bộ vô bãi biển Đà nẵng năm 1965 mà không thông qua bất kỳ một kết ước nào với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Chuyện xảy ra giữa lúc các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa đang tranh giành quyền lực ở Sài gòn. Người Mỹ mượn tay “lính đánh mướn” giết ông Diệm 1963. Từ thời điểm ông Diệm chết cho đến năm 1965 Việt Nam Cộng Hòa như rắn không đầu. 

Cũng không có cuộc trưng cầu dân ý nào, cho dầu “lấy lệ”, để “hợp thức hóa” sự hiện diện quân Mỹ ở miền Nam. 

Sự hiện diện “không lý do chính đáng” của quân Mỹ ở miền Việt Nam khiến quân Mỹ trở thành một thứ “quân xâm lược”, không chỉ dưới mắt của phe cộng sản mà cả ở phe đồng minh của Mỹ. 

Sự hiện diện của Mỹ đã tạo cho VNDCCH có lý do chính đáng thành lập Mặt trận giải phóng miền Nam. 

MTGPMN có lý do chính đáng để “đánh Mỹ xâm lược”. 

Tại sao Bắc Hàn không thành lập mặt trận “đánh Mỹ cứu nước” giải phóng Nam hàn? Tại sao dân Nhật không nổi dậy lập mặt trận “chống quân Mỹ xâm lược”? 

Đơn giản là tại vì sự hiện diện của quân Mỹ ở các nơi đây là “chính đáng”, được bảo kê bằng những hiệp ước ký kết giữa hai chính phủ hợp pháp và có giá trị “quốc tế”.

Rốt cục “đồng minh tháo chạy” năm 1973. Mỹ vô Việt Nam không theo nguyên tắc pháp lý nào thì khi Mỹ rời khỏi Việt Nam cũng không có gì ràng buộc. 

Chiến tranh Việt Nam, từ cuộc chiến “quốc tế”, nước này xâm lược nước kia, trở thành một cuộc “nội chiến”. 

Và khi Mỹ nhìn nhận chiến tranh Việt Nam là cuộc “nội chiến”, sau khi Mỹ rút, các bên Việt Nam có quyền đòi Mỹ “bồi thường chiến tranh”, vì những tàn phá vật chất cũng như sinh mạng do bom đạn của Mỹ gây ra trên đất nước Việt Nam.

Sai lầm từ đầu là người Mỹ luôn coi Việt Nam Cộng Hòa là một “quốc gia độc lập có chủ quyền”, với lãnh thổ, dân chúng và đường ranh giới được xác định là vĩ tuyến 17. 

Mỹ không nhìn nhận Hiệp định Genève 1954 và không công nhận VNDCCH. Mỹ thiết lập bang giao với Việt Nam từ năm 1950.

Chiến tranh Việt Nam dưới mắt người Mỹ là “chiến tranh quốc tế”, xảy ra giữa hai quốc gia Việt Nam Cộng Hòa và VNDCCH. Quốc gia VNDCCH “xâm lược” Việt Nam Cộng Hòa.

Nhưng Mỹ đổ quân vô Nam Việt Nam, một “quốc gia độc lập có chủ quyền”, như vô nhà không chủ. Mỹ “ngồi xổm” lên Hiến chương LHQ, một thứ “luật quốc tế” do Mỹ và đồng minh soạn thảo ra. 

Rốt cục Mỹ phải nhìn nhận hiệu lực Hiệp định Genève 1954. Tức là Mỹ đã thua. Chiến tranh Việt Nam không phải là chiến tranh quốc tế, nước này xâm lăng nước kia. Quyền “tự vệ đa phương” theo Hiến chương LHQ không được xác lập. 

“Jus ad Bellum – quyền được can dự vào chiến tranh” của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam không thể chứng minh. 

Mỹ bỏ chạy và không có một lý do (hợp lệ) nào để trở lại Việt Nam nữa. Ngay cả khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Bởi vì chuyện Việt Nam Cộng Hòa trụ được theo thời gian hay sụp đổ tức thời là chuyện “nội bộ” của Việt Nam. 

Thứ ba, do yếu tố nội tại Việt Nam Cộng Hòa.

Các lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa, từ ông Diệm đến ông Thiệu, đều không có ý thức rằng khi “tư cách pháp nhân quốc gia” của “Repuplic of South Viet Nam” hay Việt Nam cộng hòa chưa được xác lập, Việt Nam Cộng Hòa không thể ngang hàng ký kết với Mỹ các hiệp ước an ninh hỗ tương, đã đành. Việt Nam Cộng Hòa cũng không thể gia nhập bất cứ một “liên minh quân sự” nào cả.

Liên minh SEATO, nói là “Liên phòng Đông Nam Á”. Việt Nam Cộng Hòa thuộc Đông Nam Á, mà chiến tranh Việt Nam nguyên nhân thành lập SEATO. Nhưng Việt Nam Cộng Hòa không được gia nhập liên minh này. 

Tư cách gia nhập các liên minh quân sự là “pháp nhân quốc gia” mà tư cách pháp nhân này Việt Nam Cộng Hòa còn khiếm khuyết.

Hiến chương LHQ cho phép một “quốc gia không phải là thành viên LHQ” trở thành thành viên của Tòa Công lý quốc tế hay gia nhập vào các tổ chức quốc tế thuộc LHQ.

Suốt cuộc chiến 54-75 Việt Nam Cộng Hòa không hề được Hiến chương LHQ bảo vệ. 

Việt Nam Cộng Hòa cũng không thể trở thành “thành viên” của Tòa Công lý quốc tế. Vụ Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa mà Việt Nam Cộng Hòa bó tay, không thể kiện cáo đi đâu được. Đơn giản vì tư cách pháp nhân “quốc gia” của Việt Nam Cộng Hòa chưa được xác định.

Mỹ đổ quân vào miền Nam, dưới cái nhìn của nhiều người Việt là chống làn sóng đỏ cộng sản bằng cách biến miền Nam thành một “thành trì” bảo vệ “tự do”. 

Quốc gia không có thì “chính nghĩa quốc gia” không có. 

Cuộc chiến Bắc Nam chưa bao giờ quân dân miền Nam được giáo dục để “bảo vệ lãnh thổ quốc gia” hay để “bảo vệ quốc gia chống cộng sản xâm lăng”. Khẩu hiệu “Tổ quốc – Danh dự – Trách nhiệm” hay và đẹp biết bao nhiêu. Vấn đề là Việt Nam Cộng Hòa không xác định được “tổ quốc” của Việt Nam Cộng Hòa là gì? Nếu Tổ quốc Việt Nam Cộng Hòa bao gồm luôn miền Bắc thì mọi hô hào, mọi vận động chống Việt Cộng đều hoài công. Người ta chỉ nghe các khẩu hiệu hết sức là vô nghĩa như “chống cộng”, “bảo vệ tự do” hoặc các biểu ngữ “bêu xấu cộng sản”. 

Không ăn thua! chế nhạo rằng “bảy thằng Việt cộng đu nhánh đu đủ không gảy”… là không ăn thua. 

Khi người nông dân tiếp tế cho Việt Cộng thì trước sau gì Việt Nam Cộng Hòa cũng thua. Việt Cộng là “giặc”, tiếp tế cho Việt Cộng là “giặc”. Rốt cục toàn bộ nông dân Việt Nam trở thành kẻ thù. Sai lầm! Bom đạn nào có thể tiêu diệt hết nông dân Việt Nam?

Mà không chỉ người nông dân. Mọi tầng lớp trong xã hội như sinh viên học sinh, nhà báo, nhà tu, chính trị gia v.v… đều có người ủng hộ Việt Cộng và chống Việt Nam Cộng Hòa.

Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa luôn khẳng định lãnh thổ Việt Nam “từ Nam quan đến mũi Cà mau” thì tổ quốc Việt Nam Cộng Hòa cũng là tổ quốc chung cho mọi người Việt Nam, bao gồm miền Bắc. Việt Nam Cộng Hòa không phải, hay chưa phải là một “quốc gia độc lập có chủ quyền”. 

Đã đành Việt Nam Cộng Hòa là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế trực thuộc LHQ. Vấn đề là Việt Nam Cộng Hòa “kế thừa” vị thế thành viên này từ Quốc Gia Việt nam (hành lập năm 1949), với lãnh thổ từ Nam quan đến Cà mau. Tức đại diện luôn cho miền Bắc.

Điều mà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa không chịu nhìn thấy là khi còn quan niệm lãnh thổ từ Nam quan đến Cà mau thì miền Bắc có quyền trương ngọn cờ “thống nhứt đất nước”. Mỹ rút chỉ giải quyết được vấn đề “chống Mỹ cứu nước” (mà không giải quyết được chủ trương “thống nhứt đất nước” của miền Bắc). Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ chỉ là sớm hay muộn. 

Lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa đa số xuất thân miền Bắc vĩ tuyến 17. Không ai muốn Việt Nam Cộng Hòa độc lập. Những người này không thấy Đông và Tây Đức, hai quốc gia độc lập, đã thống nhứt ra sao.

Tình hình “tự trói tay chân” như vậy mà đến 30 tháng Tư năm 1975 Việt Nam Cộng Hòa mới sụp đổ. Quân Việt Nam Cộng Hòa phải là quân thiện chiến hàng đầu thế giới.

Trương Nhân Tuấn 

+ Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả.