Thận Nhiên: Truyện cực ngắn (truyện chớp)

Nhà văn, nhà thơ Thận Nhiên

THƯỢNG ĐẾ BẮT ĐẦU MẤT NGỦ

Khi thấy Adam – gã người đầu tiên do mình tạo ra – lạnh lẽo và cô đơn, Thượng đế bèn lấy bớt một đoạn xương sườn của gã nặn ra thành mợ đàn bà Eva làm món quà tặng gã, từ đó loài người sinh sôi và phát triển khắp địa cầu. 

Đến cuối thế kỷ 20, thấy rằng loài người ngày càng trở nên vô ơn và kiêu ngạo, Thượng đế bực mình lắm, Ngài bèn cho người Nhật phát minh ra Karaoke để chúng hành hạ nhau như một sự trừng phạt.

Ngờ đâu, từ đó thiên đường và trần gian trở nên gần như giống nhau. Trên thiên đường, các thánh thần đàn sáo và ca múa và yến tiệc như thế nào thì dưới trần gian bọn hậu duệ của Adam và Eva cũng rượu thịt ê hề không kém, nhưng thay vì chỉ ca múa dịu dàng thì chúng lại hát hò thâu đêm suốt sáng và huyên náo hơn thập phần vì có Karaoke. 

Thượng đế thấy mình đã sai lầm nghiêm trọng, vì trước đây Ngài ngỡ rằng Karaoke là một khí cụ để loài người trừng phạt lẫn nhau, nhưng té ra chỉ một số ít kẻ bất hạnh đau khổ lãnh nhận lấy hình phạt, trong lúc đa số còn lại thì tỏ ra vô cùng khoái trá và sung sướng. Cùng lúc đó, các thiên thần thỉnh thoảng vén mây nhìn xuống trần gian với ánh mắt thèm thuồng và đố kỵ, thậm chí có kẻ thầm trách thân phận thiên thần của mình sao thua kém con người.

Không thể để các thiên thần phải chịu đựng sự dày vò bởi cái mặc cảm thua kém, không hạnh phúc như loài người, Thượng đế bèn ra lệnh cho Tổng lãnh Thiên thần Gabriel xuống Chợ Lớn tịch thu một bộ Karaoke mang lên thiên đường cho các thiên thần sử dụng và phát huy tiềm năng ca hát. Vâng lệnh Thượng đế mà lòng vui như mở hội, Gabriel bay vèo xuống trần gian và hoàn thành trách nhiệm ngay trong hôm đó.    

Từ đêm ấy, văn chương trần gian có thêm một truyện rất ngắn có tựa đề như trên.

***

KẺ HOÀN LƯƠNG 

Sau khi giết ba mạng người để cướp tám cuộn giấy chùi đít còn sót lại ở siêu thị lớn nhất của tiểu bang, hắn bắn gục thêm hai nhân viên công lực, mở đường máu, na túi hàng chạy thoát được về nhà. Hắn bỏ chung tám cuộn này với số giấy tàng trữ được lâu nay trong toilet dưới tầng hầm, tử thủ với một cây shotgun; rồi, hắn quyết định, cho tới khi, hoặc sử dụng hết mảnh giấy cuối cùng, hoặc nghe nhà cầm quyền loan báo dịch cúm tàu đã hoàn toàn chấm dứt, thì lúc đó sẽ ra đầu thú, để làm lại cuộc đời.

***

CÔNG ĐỨC

Bị đồng đảng làm nhục, tệ hơn, chúng còn triệt hạ những thuộc cấp thân cận khiến ông trở thành một kẻ bất lực, một vật thừa trong guồng máy của thể chế. Quá căm phẫn, ông quyết định lấy cái chết để bày tỏ nỗi niềm.

Đêm đã khuya, viết xong bản di chúc và thư tuyệt mệnh, lúc kê súng vào màng tang, thì ông chợt nghĩ lại, “Nhân dân sẽ nghĩ về ta như thế nào nếu ta tự sát? Cái chết của ta chỉ làm bọn phản đảng mừng vui vì không còn phải nhìn thấy một vật làm chúng chướng mắt. Lại nữa, nếu ta chết đi thì vợ con ta có sống nổi với chúng đâu. Chi bằng…” Cất súng vào hộc tủ, ông thủ tiêu lá thư vừa viết. 

Từ sau đêm đó, ông chấp thuận việc được tổ chức điều chuyển, và hăng say công tác. 

Ông chiến đấu ở trận địa mới. Nơi đó không có những mờ sáng ba quân gào thét xung phong, không có những chiều mặt trời lịm tắt trên sườn đồi la liệt xác người, không có những đêm chết lặng trong tiếng gầm rú của phi cơ và đại pháo. Nỗi buồn đau và căm phẫn dần nguôi ngoai. Ông làm quen với việc quên lãng và bị quên lãng. Ông làm quen với việc ruồng rẫy và phụ bạc kẻ khác như đời sống ruồng rẫy và phụ bạc ông. Lịch sử ghi nhận chiến công mới của danh tướng. Ba triệu lẻ một phụ nữ không bị cấn thai và phá thai.

Ông từng ra lệnh giết người, giờ ông ra lệnh để những sinh thể không được làm người. Thì cũng vậy.

***

TRÊN VỈA HÈ NÀY

Nhã viết truyện “Đêm nghe tiếng đại bác “. Đọc truyện, bị ám ảnh những dòng chữ trên trang cuối cùng, Sơn muốn viết về tiếng đại bác và chiến tranh. Sơn gặp Mọn. Đường khuya, gió thông thốc trên những hàng cây, lá rụng đầy. Mọn dừng chổi, vén tay áo lau mồ hôi, Sơn cho Mọn nghe tiếng đại bác vọng về thành phố. Ca khúc ra đời, có tiếng đại bác, có Mọn quét đường. Có máu xương và chiến tranh.

Mười năm sau, đất nước hòa bình. Mọn qua đời vì lao phổi. Con gái của Mọn là Bé Hai nối nghiệp quét đường của mẹ, được bầu làm đại biểu quốc hội. 

Buổi chiều Bé Hai ngồi họp, nghe lãnh đạo phát biểu, là buổi chiều Nhã ở tù vì tội viết truyện tiếng đại bác, là buổi chiều Sơn uống rượu với bạn bè mới. 

Mười năm sau nữa, buổi sáng Nhã ngồi viết ở bên kia trái đất, là buổi tối Sơn dừng lại ở góc phố cũ, gặp người phu quét đường đang dừng chổi, vén tay áo lên lau mồ hôi. Không phải Mọn, không phải Bé Hai, mà là Sương, con gái của Bé Hai, nối nghiệp nhà. 

Mọn hiện diện trong ca khúc đánh dấu một giai đoạn lịch sử. Bé Hai thành biểu tượng của tuổi trẻ, cô lăm le làm lịch sử, nhưng rồi cuộc đời ném cô trở lại vỉa hè khi không còn giá trị biểu tượng tiến bộ của giai cấp, rồi bị quên lãng. 

Đêm đầy tiếng động dù không còn đại bác. Những tòa nhà mới mọc chặn tầm mắt. Những hàng cây bị đốn sạch. Sương dừng chổi vén tay áo lau mồ hôi. Đêm không rụng lá. Thành phố đầy rác.

***

ĐẠI BÁC 

Sau chiến tranh, những bản nhạc phản chiến không còn ai hát, phần vì bị cấm, phần vì chúng không còn phù hợp với tâm thế của thời đại. Nếu phát hiện ra kẻ nào vi phạm điều luật hát nhạc vàng, chính quyền sẽ phạt tù, phạt tiền, rất nặng.

Bà không thể không hát. Không hát, đời bà không còn chút giá trị hay ý nghĩa gì. Hát là sự chứng thực rằng bà vẫn còn thanh quản và vòm họng, và điều quan trọng hơn thế: bà đã không hoài phí tuổi thanh xuân của mình.

Trong ba năm đầu sau chiến tranh, bằng một cái cuốc cá nhân trang bị cho lính và một mũ sắt, bà âm thầm đào cái hầm sâu, như địa đạo, ở ngoại ô, chính xác là ở phía Bắc huyện Củ Chi, nơi chiến trường xưa, giờ không còn đồng đội. Tích trữ lương thực, nước, một ít thuốc men, và nhiều đậu xanh; đậu xanh để bà làm giá. Nước giá luộc có công dụng tốt, làm sạch và phục hồi chức năng của thanh quản. Bà bắt đầu hát. Quay mặt vào vách đất, ban đầu thì thầm nho nhỏ, rồi to dần, càng về sau, bà gào to hết cỡ. Âm thanh không dội lại. Từng âm tiết nhẫn nại xuyên qua lòng đất như mũi khoan nhỏ, dò hướng, tìm về thành phố, về thủ đô, về Sài Gòn, như trong một câu hát, 

“… đại bác đêm đêm dội về thành phố…” [*], chỉ khác, những đầu đạn trong lời hát thay vì bay trong không trung, rồi nổ đì đùng, thì bây giờ, chúng nén, lặng, chìm, sâu, dưới lòng đất, và không có khả năng sát thương.

[*] Ca từ “Đại bác ru đêm”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

***

BỒ TÁT

Sống họ làm lãnh đạo, chết họ làm bồ tát được đúc tượng thờ trong các ngôi chùa khắp nước.

Khi số lượng bồ tát trong chùa ngày càng đông thì họ thành lập ủy ban cách mạng và chi bộ đảng bồ tát do đại bồ tát chủ tịch hồ chí minh điều động dưới sự hỗ trợ của các tiểu bồ tát như bồ tát đại tướng võ nguyên giáp, bồ tát tổng bí thư đỗ mười, bồ tát tổng bí thư lê duẫn, bồ tát chủ tịch lê đức anh, bồ tát thủ tướng phạm văn đồng, bồ tát thủ tướng võ văn kiệt, bồ tát tổng bí thư nguyễn văn linh, bồ tát bộ trưởng lê đức thọ, bồ tát thi sĩ tố hữu, và vô số bồ tát trong diện dự bị khác mà nhân dân không kịp nhớ tên.

Theo truyền thống anh hùng cách mạng, lực lượng chi bộ bồ tát đang tiến hành lật đổ, cưỡng chế, trục xuất các vị có xuất thân phong kiến và hành vi phản động như Thích ca, Di lặc, Quan âm… ra khỏi chùa, chắc chắn chẳng bao lâu nữa họ sẽ thành những bồ–tát–oan, và bắt đầu đời sống lưu vong kể từ đó.

***

CỔ

Ở nước ấy, cổ là bộ phận trên thân thể con người có liên quan mật thiết một cách kỳ dị với phòng tạm giữ của cơ quan công an.

Cổ luôn được đặt kèm theo một động từ đứng trước nó như: treo, gãy, cắt, trẹo, siết, bóp, trặc, bẻ, đứt, vặn… Và khi ra khỏi những căn phòng đó cổ thường biến dạng, không còn giữ được chức năng, và có khi không còn ở vị trí trên đôi vai như trước.

Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ quát. 

Khi một người có cái cổ bình thường được mời vào cơ quan này, rồi trở ra mà cổ vẫn còn bình thường như trước thì đó là một điều bất thường.

Tuy nhiên, có một động từ đặc biệt khác đi kèm với cổ, cũng đứng trước nó, đó là động từ “cưỡi”. “Cưỡi cổ” đứng sau “đè đầu”, nó vừa là đặc quyền vừa là thú vui của những người không có cổ và không có đầu, và không thuộc về khối nhân dân.

***

CUỘC CÁCH MẠNG CUỐI CÙNG

Lãnh đạo đất nước này, trong thời đại này, mà không bị bọn phản động, nhất là bọn công dân mạng, đặt điều đàm tiếu, xuyên tạc là điều bất khả. Có biết bao thanh danh đã bị chúng làm ô uế, thậm chí biến thành trò cười, khi họ qua đời. 

Để đối phó với tình trạng các đồng chí lãnh đạo dồn dập ra đi, hết thế hệ lão thành đến thế hệ đồng tuế, nhanh và nhiều cho tới nỗi không thể tự mình ngồi soạn văn bản phân ưu cho từng người, ông ra lệnh thành lập một ban thư ký gồm ba người, chỉ chuyên trách về phần việc này, để ông dành thì giờ lo những việc trị nước quan trọng hơn. Ban thư ký này được gọi là Ban Phân Ưu.

Yêu cầu đầu tiên của văn bản phân ưu là phải viết tay để bày tỏ sự tôn trọng đặc biệt với người quá cố và với bộ mặt văn hóa của chính thể, chứ không thể đơn giản là những bản đánh máy máy móc vô hồn. Ban Phân Ưu phải chọn ra một người có nét chữ rõ ràng dễ đọc, đẹp nhưng rắn rỏi, để biểu thị cá tính và khí độ lãnh tụ của ông. Sau khi cùng nhau soạn thảo hàng loạt văn bản, thì người này phải nắn nót viết từng văn bản lên mỗi tờ giấy có đóng triện huy hiệu riêng của ông, để ông chỉ việc ký tên sẵn vào dưới mỗi văn bản mà yên tâm không cần phải đọc lại. 

Những văn bản phân ưu thường có một công thức như nhau, chỉ cần thay đổi một số chi tiết như ngày tháng, địa điểm và nhân thân của người quá cố cho phù hợp, những chỗ này để trống để khi cần thì điền vào. 

Văn bản phân ưu là một hỗn hợp những cụm từ, danh từ, tính từ, động từ an toàn được sử dụng thường xuyên đến độ quen thuộc, chúng được sắp xếp thành những câu văn có cùng nội dung, và những câu văn này được thay đổi cấu trúc và vị trí cho khác nhau để người đọc khó nhận ra sự trùng lặp và đơn điệu, nhàm chán.

Văn bản phân ưu luôn mở đầu bằng cụm từ “Vô cùng thương tiếc”, rồi kế đến là khoảng trống để điền vào dành cho  đồng chí…, hay anh Ba…, chị Tám… – kế đến là chức vụ và nhân thân người quá cố – kế đến là công đức của người quá cố – kế đến là lòng tiếc thương của người còn sống đối với người quá cố – kế đến là lời chia buồn cùng gia quyến – kế đến là lời nhắn gởi và hứa hẹn của ông – kẻ ở lại trần gian – và người đi qua thế giới bên kia nếu có một thế giới như vậy – sau cùng là “Thay mặt…”. Có khi ông thay mặt mặt trận, có khi ông thay mặt chính phủ, có khi ông thay mặt đảng… nghĩa là phải thay mặt một tập thể thích hợp nào đó nhưng không bao giờ ông hiện diện với danh xưng cá nhân mình, và dưới đó là chỗ ông ký tên cùng chức danh của ông.

Những cụm từ thường bắt đầu bằng ba chữ “hết lòng với” như: hết lòng với sự nghiệp giải phóng, hết lòng với sự nghiệp xây dựng, hết lòng với sự nghiệp đấu tranh, hết lòng với sự nghiệp phát triển, hết lòng với sự nghiệp thống nhất, hết lòng với sự nghiệp đổi mới, hết lòng với sự nghiệp hội nhập, hết lòng với sự nghiệp giáo dục, hết lòng với sự nghiệp văn hóa, hết lòng với sự nghiệp thi ca… vân vân… Ngoài ra còn các cụm từ khác luôn có tính biểu trưng tố chất và khối lượng như: truyền thống vẻ vang, truyền thống anh hùng, cống hiến to lớn, lãnh đạo xuất sắc, nỗi mất mát sâu sắc vô hạn, nỗi đau thương vô cùng, tổn thất to lớn…

Các tính từ thường có như tận tụy, liêm chính, chí công vô tư, gần gũi, khiêm tốn, bình dị, chân tình, đức độ, thân thiết, chí tình, hi sinh, anh dũng, … và kiên trung, đúng vậy kiên trung, chữ này quan trọng không thể thiếu. 

Các danh từ như đảng, tổ quốc, đất nước, đồng bào, chiến sĩ, anh linh, nhiệm vụ, công tác…

Các động từ như kính cẩn nghiêng mình, nhớ mãi, ghi nhớ, tri ân, tiếc thương, thề, hứa, noi theo, bước theo, phấn đấu, vượt qua, giao phó, hoàn thành, vĩnh biệt…

Mỗi ngày đầu tháng ông ký tên vào một xấp 30 văn bản phân ưu như vậy. Chúng được sử dụng và hết đi rất nhanh, có khi chưa hết tháng ông đã phải ký thêm một số bản mới. 

Hôm nay, ông quyết định làm một hành vi cách mạng cuối cùng, cho chính mình. Ông đuổi hết nhân viên ra khỏi phòng, đóng cửa lại, ngồi xuống bàn, xem lại tất cả sao lưu của mấy trăm bản phân ưu mà ông từng ký từ khi nhận chức, rồi rị mọ ngồi viết lại một văn bản chi chít chữ kín hai tờ giấy, có đủ những từ ngữ mà ông cho rằng chúng có các thành tố quan trọng nhất để biểu thị cuộc đời mình, điền tên ông vào chỗ dành cho người quá cố, rồi ký.

Hài lòng. Ông bỏ văn bản vào phong bì riêng, đóng dấu tối mật. Cân nhắc chừng một phút, ông dứt khoát đóng thêm dấu KHẨN.

Thận Nhiên