Truyện kỳ ảo của G. de Maupassant: Tên Horla đấy, Liễu Trương chuyển ngữ

Nhà văn Guy de Maupassant (1850- 1893), ảnh chụp bởi Nadar.

Ngày 8 tháng 5.  Hôm nay trời đẹp quá! Suốt buổi sáng tôi nằm trên cỏ, trước ngôi nhà của tôi, dưới cây dương ngô đồng to tướng phủ lên cái nhà, che nó và rợp bóng nó hoàn toàn. Tôi yêu thích miền này, và tôi thích sống ở đây, bởi vì nguồn cội của tôi là nơi này, những nguồn cội sâu xa, tinh tế ràng buộc con người với mảnh đất, nơi tổ tiên đã sinh ra và chết, ràng buộc con người với những gì con người suy nghĩ và ăn uống, với những tục lệ cũng như những thức ăn, với lối nói địa phương, với những ngữ điệu của người nông dân, với mùi của đất, của làng mạc và của cả không khí.

         Tôi yêu thích ngôi nhà nơi tôi đã lớn lên. Từ những cửa sổ, tôi thấy sông Seine chảy qua, ven mảnh vườn của tôi, phía sau con đường, gần như ngay ở nhà tôi, sông Seine lớn và rộng, chảy từ Rouen đến Le Havre, đầy những thuyền bè qua lại.

         Ở phía trái, đằng kia là Rouen, thành phố mênh mông với những mái nhà xanh, dưới những gác chuông nhọn, theo kiến trúc gô tích. Vô số những gác chuông, mảnh khảnh hay to lớn, phía trên có một mũi tên bằng gang của nhà thờ vươn lên, và rất nhiều chuông vang trong không trung xanh của những buổi sáng đẹp trời, làm dội đến tận nơi tôi ở tiếng vo vo êm dịu và xa xôi của chúng, và tiếng nhạc bằng đồng thanh mà làn gió đem lại cho tôi khi mạnh khi yếu, tùy lúc gió lên hay gió lặn.

         Sáng nay thời tiết dễ chịu quá!

         Vào khoảng mười một giờ, một đoàn tàu dài do một chiếc tàu kéo đi, chiếc tàu kéo nhỏ xíu, nó vừa vất vả thở vừa phun ra một màn khói dày đặc, đoàn tàu đi qua trước hàng rào lưới sắt nhà tôi.

         Theo sau hai chiếc thuyền buồm của người Anh có lá cờ đỏ phấp phới trên nền trời, là một chiếc thuyền ba cột buồm tuyệt đẹp của người Brazil, chiếc thuyền trắng tinh, rất mực sạch sẽ và bóng loáng. Không hiểu tại sao tôi chào chiếc thuyền, tôi thích thú vô cùng khi nhìn thấy nó.

Ngày 12 tháng 5.  Từ mấy ngày nay tôi hơi bị sốt; tôi cảm thấy đau trong người, hay đúng hơn tôi cảm thấy buồn.

         Do đâu mà có những ảnh hưởng huyền bí làm biến đổi hạnh phúc của chúng ta thành chán nản, và sự tin tưởng thành tình trạng khốn quẫn? Dường như không khí, cái không khí không thấy được, nó đầy những yy lực khó hiểu mà chúng ta phải chịu đựng sự gần gũi bí ẩn. Tôi thức dậy vui vẻ, với những ý muốn hát lên trong cổ họng. Tại sao? Tôi đi xuống dọc theo dòng sông; và bỗng nhiên sau khi đi dạo đôi chút, tôi trở về sầu não, làm như có một tai họa nào đang chờ tôi ở nhà. Tại sao? Có phải một cơn run lạnh lướt trên da tôi làm lay chuyển thần kinh tôi và khiến tâm hồn tôi trở nên sa sầm? Có phải hình thức những đám mây, hay màu sắc của ngày, của đồ vật đã biến đổi đến thế, và qua cái nhìn của tôi nó làm rối loạn trí óc tôi chăng? Có ai biết chăng? Tất cả những gì vây quanh chúng ta, tất cả những gì chúng ta thấy mà không nhìn, tất cả những gì chúng ta phớt qua mà không biết, tất cả những gì chúng ta chạm phải mà không sờ nắm, tất cả những gì chúng ta gặp phải mà không phân biệt, đều có những tác dụng nhanh chóng, lạ lùng và khó hiểu đối với chúng ta, với những giác quan của chúng ta, do đó có tác dụng với những ý tưởng của chúng ta, ngay cả với tình cảm của chúng ta.

         Sự huyền bí của Cái không thấy được, nó sâu thẳm làm sao! Chúng ta không thể thăm dò sự huyền bí đó với những giác quan thảm thương của chúng ta, với thị giác chúng ta không biết nhận thấy cái quá nhỏ cũng như cái quá lớn, cái quá gần cũng như cái quá xa, cũng không nhận thấy những người ở trên một vì sao, cũng như những người ở trong một giọt nước… với thính giác thì chúng ta lầm lẫn, bởi vì thính giác chuyển những dao động của không khí thành những nốt vang lên; thính giác là bà tiên làm cái phép lạ là biến đổi sự dao động của không khí thành tiếng động, và qua sự biến hóa đó, thính giác làm nảy sinh âm nhạc khiến sự lay động câm nín của thiên nhiên trở thành ngân nga…, với khướu giác thì khướu giác của chúng ta yếu hơn khướu giác của loài chó…, với vị giác, chúng ta chỉ biết phân định chút ít về tính cũ mới của rượu!            

         Ôi! Nếu chúng ta có được những giác quan khác để giúp chúng ta thực hiện những phép lạ, thì biết bao điều chúng ta có thể phát hiện thêm xung quanh chúng ta!

Ngày 16 tháng 5.  Rõ ràng là tôi bị bệnh! Tháng trước tôi mạnh khỏe biết mấy! Tôi đang lên cơn sốt, một cơn sốt ghê gớm, hay đúng hơn một sự bồn chồn nóng sốt của thần kinh khiến tôi đau trong tâm hồn cũng như trong thể xác. Tôi luôn luôn có cái cảm giác kinh khủng về một nguy cơ đe dọa, nỗi lo sợ một tai họa sắp xảy ra hay lo sợ cái chết đến gần, linh cảm đó có thể là một chứng bệnh chưa được biết đến, nó nảy mầm trong máu và trong da thịt.

Ngày 18 tháng 5.  Tôi vừa đi khám bệnh với bác sĩ của tôi, vì tôi không ngủ được. Ông nhận thấy mạch tôi đập nhanh, con ngươi giãn ra, thần kinh dao động, nhưng không có triệu chứng nguy ngập nào. Tôi phải tắm nhiều và uống bromure de potassium.

Ngày 25 tháng 5.  Không có gì thay đổi! Tình trạng của tôi thật là lạ lùng. Hễ gần đến buổi tối là một sự lo lắng khó hiểu xâm chiếm tôi, tưởng chừng như đối với tôi đêm ẩn giấu một đe dọa ghê sợ. Tôi ăn tối nhanh chóng, rồi tôi cố đọc sách; nhưng tôi không hiểu những từ trong sách; hầu như tôi không phân biệt được các chữ. Thế rồi tôi đi qua đi lại trong phòng khách, tôi bị tức thở vì một lo sợ lờ mờ, không gì ngăn nổi, tôi sợ giấc ngủ và sợ cái giường.

Vào khoảng mười giờ đêm, tôi lên phòng. Vừa mới bước vào, tôi vặn hai vòng khóa, và tôi cài then; tôi sợ… sợ cái gì?… Cho đến bây giờ tôi chẳng sợ cái gì cả… tôi mở tủ ra, tôi nhìn dưới giường; tôi lắng nghe… lắng nghe… cái gì?… Có phải là lạ lùng không khi mà một sự khó ở tầm thường, có lẽ một sự rối loạn tuần hoàn, một kích thích thần kinh, một chút sung huyết, một rối loạn rất nhỏ trong hoạt động không hoàn toàn và mong manh đến thế của cái máy sinh động của chúng ta, có thể biến một người đàn ông vui vẻ nhất đời thành một người sầu muộn, và một người can đảm nhất thành một người nhát gan? Rồi tôi nằm xuống, và chờ giấc ngủ như người ta chờ tên đao phủ. Tôi chờ giấc ngủ với sự sợ hãi nó đến, và tim tôi đập, và đôi chân tôi run rẩy; và cả người tôi rùng mình dưới những tấm chăn trải giường ấm áp, cho đến lúc tôi thình lình rơi vào giấc ngủ, như người ta rơi vào một vực thẳm đầy nước tù đọng, để chết đuối trong đó. Cái giấc ngủ nham hiểm, tôi không cảm thấy nó đến như trước kia, nó núp gần tôi, nó rình tôi, nó sắp sửa chụp lấy đầu tôi, khép mắt tôi lại, tiêu diệt tôi.

         Tôi ngủ – lâu – hai hay ba tiếng đồng hồ – rồi một giấc mơ – không – một cơn ác mộng siết lấy tôi. Tôi cảm thấy rõ là tôi đang nằm và đang ngủ… tôi cảm thấy điều đó và tôi biết thế… và tôi cũng cảm thấy có một người đến gần tôi, nhìn tôi, sờ mó tôi, leo lên giường, quỳ trên ngực tôi, chụp cổ tôi và siết nó… siết nó… với tất cả sức mạnh của người đó, để bóp cổ tôi.

         Tôi thì tôi vùng vẫy, tôi bị kìm giữ bởi sự bất lực ghê gớm làm chúng ta tê liệt trong giấc mơ; tôi muốn la lên – tôi không la được – tôi muốn cử động – tôi không cử động được – tôi vừa thở hổn hển vừa ráng sức với những cố gắng thảm hại để quay mình, để hất ra cái con người đang đè bẹp tôi và làm tôi nghẹt thở – tôi không thể làm được!

         Và bỗng nhiên tôi thức dậy, hoảng hốt, mình mẩy đẫm ướt mồ hôi. Tôi thắp một ngọn nến. Chỉ có mình tôi.

         Sau cơn khủng hoảng đó, cơn khủng hoảng tái diễn mỗi đêm, cuối cùng tôi ngủ yên ổn cho đến sáng.

Ngày 2 tháng 6. Tình trạng của tôi lại thêm trầm trọng. Tôi bị gì thế? Thuốc bromure chẳng công hiệu gì; tắm nhiều chẳng có tác dụng. Để làm cho thân thể mệt nhoài, tuy nó đã quá rã rời, ban nãy tôi đi một vòng trong rừng Roumare. Trước tiên tôi tưởng không khí tươi mát, nhẹ nhàng và êm dịu, đầy mùi cỏ lá, sẽ chuyển vào mạch máu tôi một thứ máu mới, vào tim tôi một năng lực mới. Tôi đi vào một đại lộ đi săn, rồi tôi rẽ qua phía làng La Bouille, bằng một con đường hẹp, giữa hai hàng cây sum sê, cao ngất trời, tạo nên giữa bầu trời và tôi, một mái nhà xanh, dày đặc, gần như màu đen.

         Bỗng nhiên tôi rùng mình, không rùng mình vì lạnh, mà rùng mình một cách kỳ lạ vì lo sợ.

         Tôi bước nhanh, lòng lo lắng vì chỉ có mình tôi trong khu rừng này, tôi sợ hãi không lý do, một cách ngớ ngẩn, vì sự hiu quạnh thâm u. Bỗng nhiên tôi có cảm tưởng có người theo dõi tôi, đi sát tôi, rất gần, rất gần, như chạm được vào người tôi.

         Thình lình tôi quay lại. Chỉ có mình tôi. Tôi chỉ thấy sau lưng tôi cái lối đi thẳng tắp, rộng, trống vắng, có cây cao, trống vắng một cách đáng sợ; và phía trước, lối đi cũng trải dài bất tận, cũng như thế, đáng khiếp sợ.

         Tôi nhắm mắt lại. Tại sao? Và tôi bắt đầu xoay mình rất nhanh, như một cái vụ. Tôi suýt ngã; tôi lại mở mắt, cây cối múa, mặt đất trôi nổi; tôi phải ngồi xuống. Và rồi, tôi không còn biết tôi đến đây bằng ngả nào! Ý nghĩ kỳ cục! Kỳ cục! Ý nghĩ kỳ cục! Tôi không còn biết gì nữa. Tôi đi về phía tay phải, và trở lại cái đại lộ đã đưa tôi đến giữa rừng.

Ngày 3 tháng 6.  Đêm qua rất khủng khiếp. Tôi sẽ đi vắng trong vài tuần. Một chuyến đi không xa lắm, tất nhiên, sẽ làm tôi bình phục.

Ngày 2 tháng 7.  Tôi trở về nhà. Tôi đã lành bệnh. Vả chăng tôi vừa có một cuộc đi chơi lý thú. Tôi đi tham quan núi Saint-Michel mà trước kia tôi không hề biết.

         Cảnh đẹp thay khi người ta đến Avranches, như tôi, vào cuối ngày. Thành phố tọa lạc trên một ngọn đồi; người ta đưa tôi đến công viên, ở đầu kia của thành phố. Tôi cất tiếng reo đầy ngạc nhiên. Trước mắt tôi, một cái vịnh mênh mông trải dài hun hút, giữa hai bờ tách xa nhau và lẫn trong sương mù; ở giữa cái vịnh bao la óng vàng, dưới một bầu trời vàng chói, vươn lên, giữa bãi cát, một ngọn núi lạ lùng, màu sẫm và đỉnh nhọn. Mặt trời vừa khuất bóng, và ở chân trời còn sáng rực, hình dáng tảng đá kỳ ảo đó được vẽ lên, nó mang trên chóp một tòa nhà kỳ ảo.

         Ngay lúc bình minh, tôi đi đến nơi đó. Nước biển rút thấp, như chiều hôm qua, và khi từ từ đến gần, tôi thấy sừng sững trước mắt cái tu viện kỳ lạ. Sau nhiều giờ đi bộ, tôi lên đến cái khối đá khổng lồ, nó đội một khu nhà có ngôi nhà thờ lớn nhô cao. Sau khi đã leo lên cái con đường hẹp có dốc đứng, tôi đi vào một tòa nhà đẹp nhất thuộc kiến trúc gô tích, tòa nhà được xây cất cho Thượng Đế dưới trần gian, nó rộng lớn như một thành phố, với vô số phòng có trần thấp, bị đè bẹp dưới những cái vòm, và vô số hành lang trần cao do những cái cột mảnh khảnh chống đỡ. Tôi đi vào cái kỳ công bằng đá hoa cương khổng lồ đó; nó nhẹ như ren thêu, và đầy những tháp, những gác chuông nhỏ, mảnh mai; từ phía dưới, những cầu thang uốn cong vươn lên tới đây, những cầu thang này ném lên nền trời xanh ban ngày, nền trời đen ban đêm, những cái đầu kỳ dị của chúng, xù lên những con quái vật đầu sư tử, những con quỷ, những con thú vật kỳ ảo, những bông hoa quái dị, và những cầu thang đó được nối liền với nhau bằng những vòm cầu được trau chuốt tinh vi.

         Khi lên đến đỉnh, tôi nói với vị tu sĩ cùng đi với tôi: « Thưa cha, cha ở đây thích quá! »

         Ông trả lời: « Thưa ông, ở đây có nhiều gió lắm! » và chúng tôi bắt đầu chuyện trò, vừa nhìn nước biển dâng cao, chạy dài trên cát và phủ bãi cát bằng một áo giáp bằng thép.

         Và vị tu sĩ kể cho tôi nhiều chuyện, tất cả những chuyện xưa của nơi này, những truyền thuyết, luôn luôn những truyền thuyết.

         Một trong những truyền thuyết làm tôi rất kinh ngạc. Người dân trong vùng, những người ở trên núi đá, cho rằng người ta nghe nói chuyện ban đêm ở bãi cát, bởi vì có tiếng hai con dê cái kêu be be, một con với giọng kêu lớn, con kia giọng kêu nhỏ. Những người không tin thì khẳng định rằng đó là những tiếng chim biển, khi thì giống tiếng be be của dê, khi thì giống tiếng than thở của loài người; nhưng những người chài lưới khi họ trở về trễ, họ thề có thấy một người mục đồng già đi lang thang trên cồn cát, giữa hai thủy triều, xung quanh cái thành phố nhỏ bị tách rời như thế khỏi thế giới, một người mục đồng già mà người ta không bao giờ thấy được cái đầu che khuất dưới cái áo khoác, đang dắt một con dê đực có một bộ mặt đàn ông và một con dê cái có một bộ mặt đàn bà, cả hai có tóc bạc dài và nói chuyện không ngừng, cãi nhau trong một thứ tiếng xa lạ, rồi chúng thình lình ngừng la hét để ra sức kêu be be.

         Tôi nói với vị tu sĩ: « Cha có tin chuyện đó không? »

         Ông thì thầm: « Tôi chẳng biết! »

         Tôi nói tiếp: « Nếu trên trái đất này có những sinh vật khác với chúng ta, làm sao chúng ta không biết chúng từ lâu; làm sao cha, cha không thấy chúng? Làm sao tôi, tôi không thấy chúng? »

         Vị tu sĩ trả lời: « Chúng ta có thấy được một phần của trăm nghìn những gì đang hiện hữu không? Ông xem, đây là ngọn gió, một mãnh lực lớn nhất của thiên nhiên, nó lật ngã loài người, phá đổ những tòa nhà, bật rễ cây cối, nhấc biển lên thành những ngọn núi nước, phá hủy những vách đá, ném những con tàu lớn vào đá ngầm, ngọn gió giết người, nó rít lên, nó rên rỉ, nó gào thét, ông có thấy nó không? Và ông có khả năng thấy nó không? Thế mà nó hiện hữu đấy! »              

         Tôi im lặng trước sự suy luận đơn giản kia. Người đàn ông này là một bậc hiền nhân hay có lẽ là một người ngu ngốc. Tôi không thể khẳng định chính xác, tôi im lặng. Những điều ông ta nói ra nhiều lúc tôi đã nghĩ đến.

Ngày 3 tháng 7.  Tôi khó ngủ; chắc là ở đây có một không khí nóng sốt, bởi vì người phu xe của tôi cũng bị cái chứng khó ngủ như tôi. Hôm qua, khi trở về nhà, tôi để ý cái vẻ mặt xanh xao kỳ lạ của anh ta. Tôi hỏi:

« Jean, chú mày bị gì thế?

– Thưa ông, con không còn nghỉ ngơi được nữa, ban đêm của con nó ăn lấn qua ban ngày. Từ lúc ông ra đi, làm như con bị xui. »

         Tuy nhiên những người tôi tớ khác đều khoẻ mạnh, nhưng tôi, tôi rất sợ cơn bệnh tái phát.

Ngày 4 tháng 7.  Rõ ràng là bệnh của tôi tái phát. Những cơn ác mộng lúc trước đã trở lại. Đêm qua, tôi cảm thấy có người ngồi xổm trên người tôi, và cái miệng người đó đặt trên miệng tôi, uống lấy sự sống qua đôi môi tôi. Vâng, hắn ta hút sự sống trong cổ họng tôi, như một con đỉa. Rồi hắn đứng dậy, no nê, và tôi, tôi tỉnh dậy, mình mẩy quá ê ẩm, mệt mỏi, rã rời, đến nỗi tôi không thể cựa quậy. Nếu tình trạng này kéo dài thêm vài ngày nữa thì chắc chắn tôi lại ra đi.

Ngày 5 tháng 7.  Tôi có mất trí chăng? Cái điều đã xảy ra, cái điều mà tôi trông thấy đêm qua, nó quá lạ lùng, đến nỗi đầu óc tôi lạc lõng khi tôi nghĩ đến!

         Đêm qua, tôi khóa cửa lại, như tôi thường làm bây giờ mỗi buổi tối; rồi vì khát nước, tôi uống nửa ly nước, và tình cờ tôi để ý cái bình nước đầy nước đến cái nút bình bằng pha lê.

         Sau đó tôi đi nằm và tôi rơi vào một trong những giấc ngủ khủng khiếp, khoảng hai giờ đồng hồ sau tôi bị lôi dậy bởi một chấn động còn khủng khiếp hơn.

         Các bạn hãy tưởng tượng một người đang ngủ mà bị người ta ám sát, và người đó tỉnh dậy, với một con dao trong phổi, thở rền rền, mình đầy máu me, không còn thở được nữa, người đó sắp chết và không hiểu gì, thế đấy!

         Cuối cùng, khi tôi đã khôi phục lý trí, tôi lại khát nước; tôi thắp lên một cây đèn cầy và tôi bước đến cái bàn có bình nước. Tôi nhấc cái bình lên, vừa nghiêng nó xuống cái ly; không có gì chảy ra. Bình nước trống không! Hoàn toàn trống không! Trước hết tôi không hiểu gì cả, rồi thình lình, tôi cảm thấy một xúc động quá ghê gớm đến nỗi tôi phải ngồi xuống, hay đúng hơn, tôi ngã nhào xuống một cái ghế! Rồi tôi vùng trỗi dậy để nhìn xung quanh tôi! Rồi tôi lại ngồi xuống, cuống cuồng vì kinh ngạc và sợ hãi trước cái bình pha lê trong suốt! Tôi nhìn nó với đôi mắt đăm đăm, tìm cách suy đoán. Tay tôi run lên! Vậy là người ta đã uống nước trong bình! Ai? Tôi? Có thể là tôi chăng? Chỉ có thể là tôi? Thế thì tôi bị bệnh mộng du, tôi sống cái cuộc đời đôi mà tôi không biết, cuộc đời đôi huyền bí làm chúng ta nghi ngờ không biết có phải có hai người trong chúng ta không, hay có một người xa lạ mà chúng ta không thể biết được và không thấy được, khi linh hồn chúng ta bạc nhược, người đó đôi lúc thúc đẩy cái thể xác bị giam cầm của chúng ta, cái thể xác tuân theo, như nó tuân theo chính chúng ta, nó tuân theo người đó còn hơn tuân theo chúng ta.

         Ôi! Ai hiểu được nỗi lo sợ ghê gớm của tôi? Ai hiểu được nỗi xúc động của một người trí óc lành mạnh, tỉnh táo, nhiều lý trí, đang khiếp sợ nhìn một ít nước đã biến mất trong cái bình trong khi người đó ngủ! Và tôi ngồi đấy cho đến sáng, không dám trở lại giường.

Ngày 6 tháng 7.  Tôi trở thành điên. Người ta lại uống hết bình nước của tôi đêm qua; hay đúng hơn, tôi đã uống!

         Nhưng, có phải tôi không? Có phải tôi không? Ai thế? Ai? Ôi, lạy Chúa! Tôi trở nên điên chăng? Ai sẽ cứu tôi?

Ngày 10 tháng 7.  Tôi vừa mới thử nghiệm nhiều cái kỳ dị.

Rõ là tôi điên! Ấy thế mà.

Ngày 6 tháng 7, trước khi đi nằm, tôi đặt trên bàn các thứ rượu, sữa, nước, bánh mì và trái dâu.

Người ta đã uống – tôi đã uống – hết cả nước, và một chút sữa. Người ta không sờ đến rượu, bánh mì, trái dâu.

Ngày 7 tháng 7, tôi thử lại một lần nữa, kết quả vẫn thế.

Ngày 8 tháng 7, tôi bỏ đi nước và sữa. Người ta không sờ đến gì cả.

Cuối cùng ngày 9 tháng 7, tôi chỉ đặt lại trên bàn nước và sữa, tôi cẩn thận quấn hai cái bình với thứ vải trắng mịn, nhẹ, và cột các nút bình. Rồi tôi thoa than chì lên môi tôi, râu, hai bàn tay, và tôi đi ngủ.  

         Giấc ngủ không cưỡng được đã chụp lấy tôi, tiếp theo là sự thức tỉnh ghê sợ. Khi ngủ, tôi không hề cựa quậy; các khăn trải giường không có dấu vết. Tôi xông tới cái bàn. Vải quấn các bình đều y nguyên. Tôi vừa tháo giây vừa hồi hộp lo sợ. Người ta đã uống hết nước! Uống hết sữa! Ôi! Lạy Chúa!

         Chốc nữa đây tôi sẽ đi Paris.

Ngày 12 tháng 7.  Paris. Những ngày vừa qua tôi đã mất trí! Có lẽ tôi là món đồ chơi của óc tưởng tượng bực dọc của tôi, trừ khi thật sự tôi là kẻ mộng du, hoặc tôi bị một trong những ảnh hưởng kia chi phối, những ảnh hưởng được nhận xét nhưng cho đến nay không thể giải thích được, mà người ta gọi là ám thị. Dù sao đi nữa, nỗi hoảng hốt của tôi đã đi đến sự cuồng điên, và hai mươi bốn tiếng đồng hồ ở Paris đủ để tâm hồn tôi vững vàng trở lại.

         Hôm qua, những công việc và những cuộc thăm viếng đưa vào tâm hồn tôi một sinh khí mới, tôi kết thúc buổi tối bằng cách đi xem kịch ở nhà hát Théâtre Français. Người ta trình diễn một vở kịch của Alexandre Dumas con (1); và cái tinh thần nhanh nhẹn, hùng mạnh của vở kịch cuối cùng khiến tôi bình phục. Hẳn là sự cô đơn nguy hiểm cho những đầu óc trăn trở. Chúng ta cần có xung quanh chúng ta những người biết suy nghĩ và nói chuyện. Khi chúng ta ở lâu một mình, chúng ta làm sinh sản ra đầy hồn ma trong sự trống trải.

         Tôi trở về khách sạn rất vui, qua các đại lộ. Khi sát cánh với đám đông, tôi mỉa mai nghĩ đến những cơn hoảng sợ, những giả thiết của mình hôm tuần trước, bởi vì tôi đã tưởng, vâng, tôi đã tưởng có một người vô hình ở dưới mái nhà tôi. Tinh thần chúng ta yếu đuối biết bao, nó hốt hoảng và nó nhớn nhác nhanh chóng, ngay khi một sự kiện nhỏ khó hiểu gây ấn tượng cho chúng ta!

         Thay vì kết luận bằng một câu đơn giản như: « Tôi không hiểu vì tôi không nắm bắt được nguyên nhân » thì chúng ta lập tức tưởng tượng những sự huyền bí ghê sợ và những quyền lực siêu nhiên.

Ngày 14 tháng 7.  Ngày lễ của nền Cộng hòa. Tôi đi dạo qua các đường phố. Pháo và cờ xí làm tôi vui thích như một đứa trẻ. Thế nhưng vui vẻ vào một ngày cố định, theo sắc lệnh của chính phủ thì là quá ngốc. Dân chúng là một bầy ngu xuẩn, khi thì kiên nhẫn một cách ngốc nghếch, khi thì nổi loạn tàn bạo. Người ta nói với dân chúng: « Hãy vui đùa lên.» Dân chúng vui đùa. Người ta nói: « Đi đánh giặc với láng giềng đi.» Dân chúng đi đánh giặc. Người ta nói: « Hãy bỏ phiếu cho Hoàng đế. » Dân chúng bỏ phiếu cho Hoàng đế. Rồi người ta nói: « Hãy bỏ phiếu cho nền Cộng hòa. » Và dân chúng bỏ phiếu cho nền Cộng hòa.

         Những người điều khiển dân chúng cũng ngu ngốc; nhưng thay vì tuân theo con người, họ tuân theo những nguyên tắc, những nguyên tắc này chỉ có thể là ngu đần, khô cằn và sai lầm, do cái điều chúng là những nguyên tắc, nghĩa là những ý tưởng có tiếng là chắc chắn và bất di bất dịch trên đời này, nơi mà người ta không chắc chắn về điều gì cả, bởi vì ánh sáng là ảo tưởng, tiếng động là ảo tưởng.

Ngày 16 tháng 7.  Hôm qua tôi có thấy những điều làm tôi hết sức bối rối.

         Tôi ăn tối ở nhà người chị họ, bà Sablé, chồng của chị điều khiển đoàn kỵ binh thứ 76 ở Limoges. Tôi có mặt ở nhà chị với hai thiếu phụ, một người có chồng làm y sĩ, ông y sĩ Parent, ông này chuyên chữa bệnh thần kinh và chuyên về những hiện tượng phi thường do những cuộc thí nghiệm về thôi miên và ám thị hiện nay gây ra.

Ông y sĩ kể rất lâu về những kết quả lớn lao do những nhà bác học Anh và những y sĩ của trường phái Nancy tìm ra.

         Những sự kiện mà ông trình bày có vẻ lạ lùng quá, đến nỗi tôi tự xưng là kẻ hoàn toàn hoài nghi. Ông khẳng định:

« Chúng ta sắp sửa phát hiện một trong những điều bí ẩn quan trọng nhất của thiên nhiên, tôi muốn nói, một trong những bí ẩn quan trọng nhất trên trái đất này, bởi vì hẳn là thiên nhiên có những điều bí ẩn quan trọng khác trên kia, trong các vì sao. Từ khi con người tư duy, từ khi con người biết nói ra và viết ra tư duy của mình, con người cảm thấy bị động chạm nhẹ bởi một sự huyền bí không thấu hiểu được, đối với những giác quan thô thiển, không hoàn hảo của mình. Và con người cố bổ khuyết sự bất lực của giác quan bằng sức cố gắng của trí thông minh. Khi trí thông minh đó còn trong tình trạng sơ đẳng; sự ám ảnh bởi những hiện tượng vô hình mang những hình thức thường tình đáng khiếp sợ. Từ đó nảy sinh những tín ngưỡng dân gian đối với cái siêu nhiên, những truyền thuyết về những linh hồn lang thang, những nàng tiên, những thần giữ của, những linh hồn hiện về, cả đến truyền thuyết về Thượng đế, bởi vì những quan niệm của chúng ta về người thợ-sáng tạo dù từ tôn giáo nào đi nữa, đều là những cái bịa đặt tầm thường nhất, ngớ ngẩn nhất, khó chấp nhận nhất, phát sinh từ bộ óc sợ hãi của con người. Không gì thật hơn là lời nói của Voltaire: « Thượng đế tạo dựng con người theo hình ảnh của ngài, nhưng con người đã đáp lại Thượng đế giống như thế ».

Nhưng, từ hơn thế kỷ nay, dường như người ta linh cảm có một cái gì mới. Mesmer (2) và vài người khác đã đặt chúng ta vào một con đường bất ngờ, và sự thật chúng ta đã đạt đến những kết quả đáng kinh ngạc, nhất là từ bốn, năm năm nay. »

         Bà chị họ tôi cũng rất hoài nghi, chị mỉm cười. Ông y sĩ Parent nói với chị:

« Thưa bà, bà có muốn tôi thử làm bà ngủ không?

– Vâng, tôi sẵn lòng. »

         Chị ngồi trên một chiếc ghế bành và ông bắt đầu nhìn chị chòng chọc vừa thôi miên chị. Tôi thì bỗng dưng tôi cảm thấy hơi bối rối, tim tôi đập mạnh, cổ họng thắt lại. Tôi thấy đôi mắt của chị sụp xuống, miệng co dúm lại, ngực thở hổn hển.

         Mười phút sau chị ngủ.

« Ông hãy ngồi sau lưng bà đi », ông y sĩ nói.

         Và tôi đến ngồi sau lưng chị. Ông đặt trong tay chị một tấm danh thiếp và nói với chị: « Đây là một tấm gương; bà thấy gì trong đó?

– Tôi thấy cậu em họ tôi, chị trả lời.

– Ông ấy đang làm gì?

– Cậu ấy đang vân vê râu mép.

– Và bây giờ?

– Cậu ấy lôi trong túi ra một tấm hình.

– Hình đó là hình gì?

– Hình của cậu ấy. »

         Đó là sự thật! Và tấm hình do người ta đem đến cho tôi, buổi tối hôm đó, ở khách sạn.

« Ông ấy như thế nào trên bức chân dung?

– Cậu ấy ở trong thế đứng, tay cầm cái mũ. »

         Vậy là bà chị họ thấy trong cái danh thiếp, trong tấm giấy cứng màu trắng, như thấy trong một tấm gương.

         Những người phụ nữ khiếp sợ la lên:

« Thôi! Thôi! Thôi! »

         Nhưng ông y sĩ ra lệnh:

« Ngày mai, bà hãy ngủ dậy lúc tám giờ; rồi bà đến gặp ông em họ của bà ở khách sạn, và bà hãy năn nỉ ông ấy cho bà mượn năm nghìn quan mà ông nhà yêu cầu bà đưa cho ông, ông em họ của bà sẽ đòi bà số tiền đó lần sau, khi ông ấy đi xa. »

         Rồi ông y sĩ làm bà chị tỉnh dậy.

         Khi trở về khách sạn, tôi nghĩ đến cái cảnh thôi miên lạ lùng ấy, và tôi có những mối hoài nghi, không phải về sự thành thực tuyệt đối không nghi ngờ được của người chị họ tôi, mà tôi biết rõ như chị ruột tôi, từ thời thơ ấu, nhưng hoài nghi về sự gian trá có thể có của ông y sĩ. Ông ta có giấu trong tay một cái gương mà ông ta đưa ra cho người thiếu phụ bị ngủ mê, cùng lúc với cái danh thiếp không? Những người chuyên làm trò ảo thuật còn có những trò lạ lùng hơn nhiều.

         Vậy tôi trở về và đi ngủ.

         Thế mà sáng nay, vào khoảng tám giờ rưỡi, người giúp việc gọi tôi dậy và nói với tôi:

« Dạ, bà Sablé yêu cầu được nói chuyện với ông ngay lập tức. »

         Tôi vội vàng mặc áo quần và tiếp bà chị họ.

         Chị ngồi xuống, vẻ rất bối rối, đôi mắt nhìn xuống, và chị nói với tôi mà không giở lên cái khăn thưa che mặt:

« Này cậu em, chị xin cậu em giúp chị một việc lớn.

– Chuyện gì thế chị?

– Chị rất lấy làm khó chịu mà phải nói với em điều này, ấy thế mà chị phải nói. Chị cần, tuyệt đối cần năm nghìn quan.

– Thôi nào, chị mà cần tiền à?

– Phải, chị cần, hay đúng hơn chồng chị cần, anh ấy giao cho chị việc tìm cho ra số tiền đó. »

         Tôi quá sửng sốt, đến nỗi tôi trả lời một cách ấp úng. Tôi tự hỏi bà chị có thật sự chế nhạo tôi cùng với ông y sĩ Parent không, có phải đây chỉ là một trò đùa đã được chuẩn bị trước và được diễn rất hay không.

Nhưng khi chăm chú nhìn bà chị, tất cả ngờ vực của tôi đều tiêu tan. Chị run sợ, vì cái việc đi mượn tiền nó đau xót cho chị, và tôi hiểu sự nghẹn ngào của chị qua tiếng nấc.

         Tôi biết chị rất giàu, tôi nói tiếp:

« Sao? Chồng chị không có sẵn được năm nghìn quan à? Nào, chị hãy suy nghĩ đi. Chị có chắc là anh ấy giao cho chị cái việc đến mượn tiền em không? »

         Chị do dự vài giây tưởng chừng chị hết sức cố gắng để tìm tòi trong trí nhớ, rồi chị trả lời:

« Phải… phải… chị chắc chắn điều đó.

– Anh ấy có viết thư cho chị à?

         Chị lại do dự, suy nghĩ. Tôi đoán được sự dằn vặt của tâm trí chị. Chị không biết. Chị chỉ biết rằng chị phải mượn tôi năm nghìn quan cho chồng chị. Vậy là chị dám nói dối:

« Phải, anh ấy có viết thư cho chị.

– Hồi nào? Hôm qua chị chẳng nói gì với em.

– Chị nhận được thư anh ấy sáng nay.

– Chị có thể cho em xem cái thư không?

– Không… không… không… cái thư nói những chuyện riêng tư… quá riêng tư… chị đã… chị đã đốt nó rồi.

– Thế thì chồng chị bị nợ nần. »

         Chị lại do dự, rồi thì thầm:

« Chị không biết. »

         Thình lình tôi nói:

« Số là em không thể có ngay năm nghìn quan chị ạ! »

         Chị kêu lên một tiếng đau đớn:

« Ôi! Ôi! Chị van em… chị van em…, hãy tìm cho ra số tiền đó… »

         Chị hăng lên, chắp hai tay như cầu khẩn tôi! Tôi nghe chị đổi giọng, chị khóc và nói lắp, chị bị quấy rối, bị chế ngự bởi cái mệnh lệnh không cưỡng lại được mà chị đã nhận chịu.

« Ôi! Ôi! Chị van em… nếu em biết chị khổ như thế nào… chị phải có số tiền đó nội ngày hôm nay. »

         Tôi thương hại bà chị.

« Chị sẽ có số tiền đó chiều nay, em xin thề. »

         Chị reo lên:

« Ồ! Chị cám ơn! Chị cám ơn! Em thực có lòng tốt. »

         Tôi nói tiếp:

« Chị có nhớ cái gì đã xảy ra hôm qua, ở nhà chị không?

– Có.

– Chị có nhớ ông y sĩ Parent đã thôi miên chị không?

– Có.

– Vậy thì ông ấy đã ra lệnh cho chị đến mượn em năm nghìn quan sáng nay, và hiện giờ chị đang tuân theo lời ông ấy. »

         Chị suy nghĩ vài giây và trả lời:

« Chính anh nhà yêu cầu chị mà! »

         Trong một tiếng đồng hồ, tôi cố thuyết phục bà chị, nhưng tôi không tài nào thuyết phục được. Khi chị ra về, tôi chạy đến nhà ông y sĩ. Ông ta sắp sửa ra khỏi nhà; ông ta nghe tôi nói và mỉm cười. Rồi ông nói:

« Bây giờ ông đã tin chưa?

– Vâng, tôi bắt buộc phải tin.

– Chúng ta hãy đến nhà chị họ của ông đi. »

         Bà chị đang thiu thiu ngủ trên một chiếc ghế dài, thân xác mệt mỏi, rã rời. Ông y sĩ bắt mạch, nhìn chị một lúc, bàn tay ông đưa lên đôi mắt mà chị khép lại từ từ dưới cái mãnh lực có từ tính. Khi chị đã ngủ, ông nói:

« Chồng bà không cần năm nghìn quan nữa. Vậy bà hãy quên rằng bà có yêu cầu người em họ của bà cho bà mượn tiền, và nếu ông ấy có đề cập đến chuyện này, thì bà sẽ không hiểu gì cả. »

         Rồi ông y sĩ làm chị tỉnh dậy. Tôi lôi từ trong túi ra cái ví.

« Thưa chị, đây số tiền mà khi sáng chị yêu cầu em cho chị mượn. »

         Chị kinh ngạc quá đến nỗi tôi không dám lặp lại lời tôi vừa nói. Tuy nhiên tôi cố gợi lại trí nhớ của chị, nhưng chị kịch liệt chối, chị tưởng tôi chế nhạo chị, và cuối cùng chị suýt giận tôi.

***

         Thế đấy! Tôi trở về khách sạn, và tôi ăn trưa không được, vì cuộc thí nghiệm làm tôi quá xúc động.

Ngày 19 tháng 7.  Tôi đã kể biến cố đó cho nhiều người nghe, họ chế nhạo tôi. Tôi không còn biết phải nghĩ gì. Hiền nhân nói: Có lẽ?

Ngày 21 tháng 7.  Tôi ăn tối ở Bougival, rồi tôi đi dự cuộc khiêu vũ của những người chèo xuồng. Rõ ràng là tất cả đều tùy thuộc nơi chốn và môi trường. Ở trên hòn đảo Grenouillère này mà tin vào sự siêu nhiên là điên hết chỗ nói… nhưng còn ở trên đỉnh núi Saint-Michel thì sao?… Ở Ấn độ thì sao? Chúng ta chịu đựng ghê gớm ảnh hưởng của những gì vây quanh chúng ta. Tuần sau tôi sẽ trở về nhà.

Ngày 30 tháng 7. Tôi đã trở về nhà hôm qua. Mọi sự đều yên ổn.

Ngày 2 tháng 8.  Không có gì lạ; trời rất đẹp. Ngày giờ của tôi là để nhìn con sông Seine trôi qua.

Ngày 4 tháng 8.  Có những cuộc cãi cọ giữa những người tôi tớ của tôi. Họ cho rằng có người đã làm vỡ ly, ban đêm, trong tủ. Người dọn phòng đổ lỗi cho chị làm bếp, chị làm bếp đổ lỗi cho cái chị trông coi áo quần, khăn vải, chị này lại đổ lỗi cho hai người khác. Ai đã làm vỡ ly? Kẻ nào nói đúng sẽ là người tinh khôn lắm chăng?

Ngày 6 tháng 8.  Lần này, tôi không điên. Tôi đã thấy… tôi đã thấy… tôi đã thấy!… Tôi không còn có thể nghi ngờ… tôi đã thấy!… Tôi vẫn còn ớn lạnh thấu xương… tôi vẫn còn sợ hãi quá sức… tôi đã thấy!…

         Vào lúc hai giờ trưa, trời nắng chang chang, tôi đi dạo giữa bồn hoa hồng… trên lối đi, hai bên có những cây hoa hồng mùa thu bắt đầu nở hoa.

         Khi tôi dừng lại để nhìn một cây hoa hồng có tên khổng lồ của các trận chiến, nó có ba cái hoa tuyệt đẹp, tôi thấy, tôi thấy rõ ràng, sát bên tôi, cái nhánh của một hoa hồng gập lại, tưởng như có một bàn tay vô hình xoắn nó, rồi cái nhánh bị gẫy, tưởng như bàn tay đó đón lấy nó! Rồi cái hoa hồng được nhấc bổng lên, theo đường cong mà một cánh tay có thể vẽ ra bằng cách đưa cái hoa lên miệng, và cái hoa treo lửng lơ trên không trung trong suốt, một mình nó, bất động, một cái đốm đỏ ghê sợ, cách đôi mắt tôi ba bước.

         Tôi cuống cuồng, nhào tới để chụp nó! Nhưng tôi không chụp được gì; cái hoa biến mất. Thế rồi tôi tức giận đối với chính mình, bởi vì không thể nào chấp nhận được một người biết theo lẽ phải và nghiêm túc lại có những ảo giác như thế.

         Nhưng có phải là một ảo giác không? Tôi quay lại để tìm cái nhánh hoa hồng, và tức thì tôi thấy nó trên cây, nó vừa mới bị gẫy, giữa hai cái hoa hồng kia vẫn ở trên cây.

         Thế rồi tôi trở vào nhà, tâm hồn điên đảo, bởi vì tôi chắc chắn, bây giờ tôi chắc chắn như sự luân phiên của ngày và đêm, chắc chắn rằng gần tôi có một kẻ vô hình đã tự nuôi mình bằng sữa và nước, kẻ vô hình có thể chạm đến đồ vật, lấy chúng và dời chỗ chúng, do đó kẻ vô hình có một bản chất cụ thể, mặc dù giác quan của chúng ta không nhận thấy được, và kẻ đó ở dưới mái nhà của tôi, như tôi.

Ngày 7 tháng 8. Tôi ngủ bình yên. Hắn đã uống nước trong bình, nhưng hắn không phá rối giấc ngủ của tôi.

         Tôi tự hỏi tôi có điên không? Ban nãy, trong lúc đi dạo dưới trời nắng chang chang, dọc theo bờ sông, tôi có những nghi ngờ về lý trí của mình, không phải những nghi ngờ lơ mơ mà tôi có cho đến lúc này, mà là những nghi ngờ rõ rệt, tuyệt đối. Tôi đã thấy người điên; tôi biết có những người điên vẫn thông minh, minh mẫn về tất cả mọi việc ở đời, chỉ trừ một điểm. Họ nói về mọi chuyện một cách sáng suốt, khéo léo, sâu sắc, và bỗng nhiên tư duy của họ chạm phải đá ngầm của bệnh điên, bị xé toạc ra từng mảnh, bị phân tán ra và chìm trong cái đại dương ghê sợ, dữ dội, đầy những ngọn sóng vọt lên, đầy sương mù, gió lốc mà người ta gọi là « cơn điên ».

         Hẳn tôi sẽ tưởng mình điên, hoàn toàn điên, nếu tôi không ý thức được, nếu tôi không biết một cách thấu suốt tình trạng của tôi, nếu tôi không dò xét được tình trạng đó bằng cách phân tích nó một cách hoàn toàn sáng suốt. Nói tóm lại, có thể tôi chỉ là một kẻ bị ảo giác ưa lý luận. Một chứng rối loạn chưa ai biết đến, có lẽ nó đã nảy sinh trong óc tôi, một trong những chứng mà ngày nay các nhà sinh lý học cố ghi chép và cho biết rõ ràng; và cái chứng đó đã gây ra trong đầu óc tôi một kẽ nứt sâu theo thứ tự và sự hợp lý của những ý tưởng của tôi. Những hiện tượng tương tự như thế thường xảy ra trong giấc mơ, giấc mơ đưa chúng ta đi qua những cảnh huyền hoặc, khó tin nhất, mà chúng ta không ngạc nhiên bởi vì cái máy kiểm tra, bởi vì cái óc kiểm soát bị ru ngủ; trong khi đó khả năng tưởng tượng thức tỉnh và hoạt động. Có thể nào một trong những nút bấm không thấy được của bàn phím trí não trong tôi bị tê liệt chăng? Có những người sau khi bị tai nạn, thì mất trí nhớ về danh từ riêng, về động từ hay số, hay chỉ mất trí nhớ về ngày tháng. Ngày nay, những định vị của tất cả các mảnh của tư duy đã được chứng minh. Thế thì có gì là đáng ngạc nhiên khi khả năng kiểm soát của tôi về cái tính không hiện thực của những ảo giác nào đó bị đờ đẫn trong tôi lúc này!

         Khi đi dọc bờ sông, tôi nghĩ ngợi về những chuyện đó. Mặt trời tỏa ánh sáng trên sông, khiến mặt đất dễ chịu, làm cái nhìn của tôi tràn ngập yêu thương đối với cuộc đời, đối với đàn chim én mà tính nhanh nhẹn làm vui mắt tôi, đối với lớp cỏ bên bờ sông mà tiếng rì rào là một hạnh phúc cho tai tôi.

         Tuy nhiên, dần dần một sự bất ổn không giải thích được len lỏi vào tâm hồn tôi. Một mãnh lực, dường như một mãnh lực bí ẩn làm tôi đờ đẫn, ngăn chận tôi, không cho tôi đi xa hơn, nó kéo giật tôi lại phía sau. Tôi cảm thấy cần phải trở về nhà, một sự cần thiết đau nhói làm tức thở, khi người ta để ở nhà một bệnh nhân mà người ta thương yêu, mà linh tính báo cho biết là bệnh tình đang trầm trọng.

         Vậy bất đắc dĩ tôi trở về nhà, chắc chắn rằng khi bước vào nhà tôi sẽ nhận được một tin chẳng lành, một cái thư hay một điện tín. Không có gì cả; và tôi còn ngạc nhiên hơn, lo lắng hơn là nếu tôi lại có một ảo giác nào khác.

Ngày 8 tháng 8.  Hôm qua, tôi đã trải qua một buổi tối khủng khiếp. Không còn dấu hiệu gì của hắn, nhưng tôi cảm thấy hắn đang ở gần tôi, đang rình rập tôi, đang nhìn tôi, vào thấu trong tôi, chế ngự tôi, và khi hắn ẩn núp như thế, hắn còn đáng sợ hơn là khi hắn hiển hiện một cách vô hình và đều đặn bằng những hiện tượng siêu nhiên. Tuy nhiên tôi vẫn ngủ.

Ngày 9 tháng 8.  Không có gì cả, nhưng tôi sợ.

Ngày 10 tháng 8.  Không có gì cả, ngày mai cái gì sẽ xảy ra?

Ngày 11 tháng 8.  Vẫn không có gì cả; tôi không thể nào ở trong nhà tôi với nỗi lo sợ và ý nghĩ đó trong tâm hồn; tôi sẽ ra đi.

Ngày 12 tháng 8, 10 giờ đêm.  Cả ngày hôm nay tôi muốn đi khỏi đây; tôi không đi được. Tôi muốn thực hiện cái hành động tự do quá dễ, quá đơn giản đó là ra khỏi nhà, lên xe để đi Rouen, thế mà tôi không làm được. Tại sao?

Ngày 13 tháng 8.  Khi người ta bị một bệnh gì, tất cả những động lực của thân xác dường như bị suy sụp, năng lực tiêu tan, cơ bắp lỏng lẻo, xương cốt trở nên mềm nhũn như da thịt, và da thịt trở nên lỏng như nước. Tôi cảm thấy thế trong tâm hồn tôi một cách lạ lùng và sầu não. Tôi không còn sức lực, can đảm, tự chủ, không còn cả uy quyền để sai khiến ý chí. Tôi không còn ý chí; nhưng một kẻ khác có ý chí dùm tôi; và tôi tuân theo.

Ngày 14 tháng 8.  Chết tôi rồi! Có một kẻ sở hữu linh hồn tôi và điều khiển nó! Một kẻ ra lệnh cho tất cả những hành vi của tôi, những cử chỉ của tôi, những ý nghĩ của tôi. Trong tôi, tôi không còn là gì nữa, tôi chỉ là một khán giả nô lệ và khiếp sợ về tất cả những việc tôi làm. Tôi muốn ra khỏi nhà. Tôi không thể làm được. Hắn không muốn; và tôi ngồi lại trong chiếc ghế bành nơi hắn bắt tôi ngồi, tôi cuống cuồng, run rẩy. Tôi chỉ muốn đứng dậy, muốn nhấc mình lên, để cảm thấy mình tự làm chủ mình. Tôi không làm được! Tôi bị gắn chặt vào cái ghế bành; và cái ghế dính chặt vào mặt đất, không có một sức mạnh nào có thể nhấc tôi và cái ghế lên nổi.

Rồi, bỗng nhiên tôi phải, tôi phải, tôi phải ra tận đầu vườn để hái trái dâu và ăn. Và tôi đi ra vườn. Tôi hái dâu và ăn dâu! Ôi! lạy Chúa! lạy Chúa! lạy Chúa! Có một Thượng đế không? Nếu có một Thượng đế, xin ngài hãy giải thoát tôi, hãy cứu tôi! Cứu giúp tôi! Xin tha tội cho tôi! Xin thương xót tôi! Xin cứu tôi với! Ôi! Biết bao đau đớn! Biết bao dằn vặt! Biết bao khiếp sợ!                                    

Ngày 15 tháng 8.  Chắc là khi bà chị họ tội nghiệp của tôi đến mượn tôi năm nghìn quan, chị cũng đã bị chiếm hữu và chế ngự như thế đấy. Chị phải cam chịu một ý chí xa lạ xâm nhập vào chị, như một linh hồn khác, như một linh hồn ăn bám và thống trị chị. Thế giới có sắp chấm dứt không đấy?

         Nhưng kẻ chỉ huy tôi, cái tên vô hình đó, cái tên mà tôi không nhận ra, cái tên lảng vảng thuộc một giống siêu nhiên, hắn là ai?

         Vậy những kẻ vô hình có thật! Thế mà làm sao từ thuở tạo thiên lập địa chúng không hiển hiện rõ ràng như chúng đã hiển hiện với tôi? Tôi chưa bao giờ đọc được chuyện gì giống như chuyện đã xảy ra trong nhà tôi. Ồ! Nếu tôi có thể xa rời được ngôi nhà tôi, nếu tôi có thể đi khỏi nơi này, trốn thoát và không trở lại. Tôi sẽ được cứu thoát, nhưng tôi không thể làm gì được.

Ngày 16 tháng 8.  Hôm nay tôi thoát ra được khỏi nhà trong hai tiếng đồng hồ, như một người tù tình cờ thấy cửa ngục mở. Tôi cảm thấy thình lình được tự do và hắn ta đã đi xa. Tôi ra lệnh cho người nhà buộc ngựa vào xe nhanh và tôi đến Rouen. Ôi! Vui làm sao khi nói được với một người biết tuân theo ý mình: « Đánh xe đến Rouen đi! »

         Tôi cho ngừng xe trước thư viện, và tôi yêu cầu người ta cho tôi mượn cuốn chuyên luận của tiến sĩ Hermann Herestauss (3) về những cư dân xa lạ của thời cổ đại và thời hiện đại.

         Rồi khi trở lên xe, tôi muốn nói: « Ra nhà ga đi! » nhưng tôi lại la lên, tôi không nói mà tôi la lên, với một giọng quá lớn đến nỗi những người đi đường phải quay lại, tôi la lên: « Trở về nhà đi! » và tôi thả người xuống cái đệm xe, hoảng hốt vì lo sợ. Hắn ta tìm được tôi và bắt tôi trở về nhà.

Ngày 17 tháng 8.  Ôi! Cái đêm lạ lùng biết bao! Cái đêm lạ lùng biết bao! Ấy thế mà tôi tưởng mình nên vui mừng. Tôi đọc cuốn chuyên luận cho đến một giờ sáng! Hermann Herestauss, tiến sĩ về triết học và thần hệ, đã viết về lịch sử và những biểu lộ của tất cả những sinh vật vô hình lảng vảng xung quanh con người hay được con người thấy trong giấc mơ. Ông miêu tả nguồn gốc, lĩnh vực, quyền uy của những sinh vật vô hình đó. Nhưng không một sinh vật nào giống như sinh vật đang ám ảnh tôi. Tưởng chừng như con người, từ khi biết tư duy, đã linh cảm và lo sợ một sinh vật mới, mạnh hơn con người, kẻ kế vị con người ở trần gian này, và khi cảm thấy sinh vật đó gần mình và vì không thể tiên đoán bản chất của vị thầy đó, nên trong cơn sợ hãi, con người đã tạo dựng cả một đám người kỳ ảo bí ẩn, những con ma vu vơ nảy sinh từ sự sợ hãi.

         Vậy khi đã đọc cuốn chuyên luận đến một giờ sáng, tôi đến ngồi gần cửa sổ đang mở, để trán và đầu óc tôi được làn gió êm dịu của bóng đêm làm cho mát mẻ.

         Thời tiết dễ chịu, khí trời ấm áp. Xưa kia tôi yêu biết mấy những đêm như đêm nay!

         Trời không trăng. Ở cuối bầu trời tối đen, các vì sao chiếu lấp lánh, lung linh. Ai ở trong những thế giới đó? Những hình thể nào, những sinh vật nào, thú vật nào, cây cỏ nào ở đấy? Những sinh vật tư duy trong những vũ trụ xa xôi đó, họ biết gì hơn chúng ta? Họ có thể làm gì được hơn chúng ta? Họ thấy gì mà chúng ta không hề biết? Một trong số họ, ngày nọ hay ngày kia, khi vượt qua không gian, sẽ chẳng xuất hiện trên trái đất của chúng ta để xâm chiếm nó sao, như người dân Normand xưa kia vượt qua biển cả để nô lệ hóa những dân tộc yếu hơn?

         Chúng ta quá tật nguyền, quá yếu ớt, quá dốt nát, quá nhỏ bé, chúng ta ở trên cái hạt bùn xoay quanh và bị hòa trong một giọt nước.

         Tôi thiu thiu ngủ vừa mơ màng như thế trong làn gió mát ban đêm. Thế mà khi đã ngủ được khoảng bốn mươi phút, tôi mở mắt ra mà không cử động, không biết nỗi xúc động mơ hồ và kỳ dị nào đã đánh thức tôi. Trước hết tôi không thấy gì cả, rồi thình lình tưởng chừng như một trang của cuốn sách đang mở trên bàn tự nó vừa mới lật qua. Không một hơi gió lẻn vào cửa sổ. Tôi ngạc nhiên và tôi chờ. Khoảng bốn phút sau tôi thấy, tôi thấy, vâng, chính mắt tôi, tôi thấy một trang sách khác nhấc lên và nằm xuống trên trang trước, làm như có một ngón tay lật nó. Chiếc ghế bành của tôi trống, có vẻ trống; nhưng tôi biết hắn đang ở đấy, đang ngồi ở chỗ của tôi, và hắn đang đọc sách. Tôi nhảy vọt tới một cách giận dữ, một cái nhảy vọt của con thú phẫn nộ, sắp sửa phanh thây kẻ thuần hóa nó, tôi vượt qua căn phòng để chụp lấy hắn, để siết chặt hắn, giết hắn!… Nhưng cái ghế bành của tôi, trước khi tôi nhào đến nó, nó lật ngửa, làm như có người chạy trốn trước mặt tôi… cái bàn của tôi lắc lư, cây đèn của tôi rơi xuống và tắt, và cái cửa sổ đóng lại như có một kẻ gian bị bắt quả tang liền chụp hai cánh cửa, xông ra ngoài bóng đêm.

         Vậy hắn đã chạy thoát; hắn hoảng sợ, sợ tôi, hắn ấy mà!

         Thế thì… thế thì… ngày mai… hay sau đó… hay một ngày nào đó, tôi có thể nắm lấy hắn và đè nát hắn trên mặt đất! Có phải đôi khi loài chó cắn và bóp chết chủ của chúng không?

Ngày 18 tháng 8.  Tôi suy nghĩ suốt ngày nay. Ồ! Vâng, tôi sẽ tuân theo hắn, tuân theo những thôi thúc của hắn, thực hiện tất cả những ý muốn của hắn, tôi sẽ tỏ ra khiêm nhường, khuất phục, hèn hạ. Hắn là kẻ mạnh nhất. Nhưng một giờ nào đó sẽ đến…

Ngày 19 tháng 8.  Tôi biết… tôi biết… tôi biết hết! Tôi vừa mới đọc cái này trong Tạp chí của Thế giới Khoa học: « Một cái tin khá lạ lùng đến từ Rio de Janeiro. Một bệnh điên, một bệnh dịch điên, có thể so sánh với những bệnh điên truyền nhiễm đã lan đến các dân tộc Âu châu thời trung cổ. Hiện nay bệnh dịch đó đang hoành hành trong tỉnh Sao-Paulo. Dân chúng cuống cuồng rời bỏ nhà cửa, làng mạc, công việc trồng trọt, họ cho là họ bị đeo đuổi, chiếm hữu, cai trị như lũ người hóa thú bởi những sinh vật vô hình mặc dù có thật, bởi những thứ ma hút máu, chúng tự nuôi dưỡng bằng sự sống của họ, trong khi họ ngủ, thêm nữa chúng uống nước và sữa mà không có vẻ chạm đến một món ăn nào khác.

         “Giáo sư Don Pedro Henriquez, cùng với nhiều y sĩ uyên bác, đi đến tỉnh Sao-Paulo, để nghiên cứu tại chỗ những nguyên nhân và những biểu hiện của chứng điên lạ lùng đó, và để đề nghị với Hoàng đế những biện pháp mà ông cho là thích đáng nhất, ngõ hầu đưa những người dân điên cuồng trở về với lý trí. »

         À! À! Tôi nhớ ra rồi, tôi nhớ chiếc thuyền ba cột buồm của Brazil đi qua dưới cửa sổ nhà tôi, khi nó đi ngược lên sông Seine, ngày 8 tháng 5 vừa qua! Nó đẹp đến thế, trắng đến thế, vui đến thế! Kẻ đứng trên thuyền đến từ xứ đó, nơi chủng tộc của hắn sinh ra! Và hắn thấy tôi! Hắn cũng thấy ngôi nhà màu trắng của tôi; và từ chiếc thuyền hắn nhảy xuống bờ. Ôi! Lạy Chúa!

         Bây giờ tôi biết, tôi đoán được. Thời đại thống trị của con người đã chấm dứt.

         Hắn đã đến. Hắn, kẻ đã làm cho các dân tộc ngây ngô hãi hùng, Hắn, kẻ khiến các giáo sĩ lo lắng trừ tà ma và các tên phù thủy gọi Hắn lên trong đêm u tối mà chưa thấy hiện ra, Hắn đã được linh cảm của những giáo chủ nhất thời của thế giới gán cho những hình dạng quái dị hay duyên dáng của những thần giữ kho tàng, của hồn ma, của thần bản mệnh, của tiên, của yêu tinh. Sau những quan niệm thô thiển của sự sợ hãi nguyên thủy, có những người sáng suốt hơn đã linh cảm về kẻ đó rõ ràng hơn. Mesmer đã tiên đoán, và các vị y sĩ, từ mười năm nay, đã phát hiện, một cách chính xác, bản chất mãnh lực của hắn, trước khi chính hắn dùng mãnh lực này. Họ đã đùa với cái khí giới của vị Chúa tể mới, sự thống trị của một ý chí huyền bí trên linh hồn con người trở nên nô lệ. Họ gọi điều đó là tác dụng của từ tính, thôi miên, ám thị… và gì nữa? Tôi đã thấy họ đùa như những đứa trẻ bất cẩn với cái mãnh lực ghê sợ đó! Tai họa cho chúng ta! Tai họa cho con người! Hắn đã đến… Hắn… hắn tên là gì…hắn…hình như hắn hô to tên hắn cho tôi nghe, và tôi không nghe được…hắn…vâng…hắn la to… Tôi lắng nghe… tôi không thể… hắn lặp lại… cái… tên Horla (4)… Tôi nghe rồi… tên Horla… chính là hắn… tên Horla… hắn đã đến!

         Ôi! Con diều hâu đã ăn thịt con bồ câu; con chó sói đã ăn thịt con cừu; con sư tử đã ngốn con trâu có sừng nhọn; con người đã giết con sư tử với mũi tên, với ngọn giáo, với bột độc; nhưng tên Horla sẽ biến con người thành cái mà con người đã biến con ngựa và con bò: thành một đồ vật của hắn, tôi tớ và thức ăn của hắn, chỉ do mãnh lực ý chí của hắn! Tai họa cho chúng ta!

         Thế nhưng con thú đôi khi phẫn nộ và trở lại giết người thuần hóa nó… tôi cũng thế, tôi muốn… tôi có thể… nhưng phải biết hắn, sờ hắn, thấy hắn! Các nhà bác học nói rằng mắt của con thú khác với mắt của chúng ta, nó không biết phân biệt như mắt chúng ta…Và con mắt tôi không có khả năng nhận ra kẻ mới đến và áp bức tôi. 

Tại sao? À! Giờ đây tôi mới nhớ lại lời của vị tu sĩ ở Mont-Saint-Michel: « Chúng ta có thấy một phần của trăm nghìn phần những gì đang hiện hữu không? Đây này, gió là mãnh lực lớn nhất của thiên nhiên, nó lật ngã loài người, làm sụp đổ những tòa nhà, bứt gốc cây cối, nhấc biển lên thành núi nước, tàn phá những vách đá, và ném những con tàu lớn vào đá ngầm, gió giết người, nó rít lên, nó rên rỉ, nó gào thét, thế ông đã thấy nó chưa, và ông có khả năng thấy nó không? Thế mà nó có thật đấy! »

         Và tôi còn nghĩ rằng mắt tôi quá yếu, quá khiếm khuyết đến nỗi nó chẳng nhận ra những vật thể cứng, nếu chúng trong suốt như kính! Nếu một tấm gương không có tráng thủy ngân chắn ngang đường đi của tôi, con mắt tôi làm tôi đâm đầu vào tấm gương, như con chim khi bay vào một căn phòng đâm đầu vào mặt kính. Vả lại, hằng nghìn thứ phỉnh lừa mắt tôi và làm nó thất lạc. Vậy có gì đáng ngạc nhiên nếu mắt tôi không biết nhận thấy một vật thể mới trong suốt mà ánh sáng xuyên qua?

         Một sinh vật mới! Tại sao vậy? Chắc chắn nó phải đến! Chẳng lẽ chúng ta là những sinh vật cuối cùng sao? Sao chúng ta không nhận ra nó, cũng như không nhận ra những sinh vật khác được tạo dựng trước chúng ta? Bởi vì bản chất của nó hoàn toàn hơn chúng ta, thân xác nó tinh vi hơn và hoàn hảo hơn thân xác chúng ta, một thân xác yếu đuối đến thế, được hình thành vụng về đến thế, bị kềnh càng với những bộ phận luôn luôn mệt mỏi, luôn luôn bị áp lực như những chiếc lò xo quá phức tạp, thân xác chúng ta sống như một thực vật và như một thú vật, bằng cách tự vất vả nuôi dưỡng với không khí, cỏ cây và thịt, một bộ máy thú vật bị giày vò bởi bệnh tật, bởi sự biến dạng và sự thối rữa, một bộ máy ì ạch, không điều hành đúng, ngây ngô và kỳ cục, một bộ máy tồi, một tác phẩm thô thiển và mảnh dẻ, bản phác thảo của một sinh vật có thể trở nên thông minh và tuyệt vời.

         Chúng ta là những sinh vật quá ít trên đời này, từ con hàu đến con người. Tại sao lại không có thêm một sinh vật nữa, một khi thời kỳ phân chia những xuất hiện liên tiếp của các loài khác nhau đã qua đi?

Tại sao không có thêm một sinh vật nữa? Tại sao không có thêm những loại cây cối khác có hoa to tướng, sặc sỡ, và làm thơm ngát cả nhiều vùng? Tại sao không có những nguyên tố khác với lửa, không khí, đất và nước? Đó là bốn nguyên tố, chỉ có bốn, những nguyên tố làm cha nuôi dưỡng các sinh vật! Đáng thương hại làm sao! Tại sao không là bốn mươi, bốn trăm, bốn nghìn nguyên tố! Tất cả đều nghèo nàn, ty tiện, thảm thương làm sao! Tất cả được ban cho một cách dè sẻn, được sáng chế một cách khô khan, được tạo ra một cách nặng nề! Ôi! Con voi, con lợn nước, biết bao kiều diễm! Con lạc đà, biết bao lịch sự!

Nhưng các bạn sẽ nói, con bướm! một cái hoa biết bay! Tôi mơ một con bướm lớn bằng một trăm vũ trụ, với đôi cánh mà tôi không thể miêu tả hình dáng, vẻ đẹp, màu sắc, và sự chuyển động. Nhưng tôi thấy nó… nó bay từ ngôi sao này đến ngôi sao khác, làm cho những ngôi sao tươi mát và thơm tho bằng cái hơi êm ái và nhẹ nhàng khi nó di chuyển! Và những cư dân ở trên cao kia nhìn nó bay qua mê mẩn và vui thích!…

***

         Tôi bị gì thế? Chính hắn, hắn, tên Horla, hắn ám ảnh tôi, khiến tôi nghĩ đến những chuyện điên rồ đó! Hắn ở trong tôi, hắn trở thành linh hồn tôi; tôi sẽ giết hắn!

Ngày 19 tháng 8. Tôi sẽ giết hắn. Tôi có thấy hắn! Tối hôm qua, tôi ngồi vào bàn viết, và tôi vờ viết một cách rất chăm chú. Tôi biết hắn sẽ đến lảng vảng xung quanh tôi, gần sát tôi, gần quá đến nỗi có lẽ tôi có thể sờ hắn được, chụp lấy hắn được chăng? Và rồi sao?…thế là, tôi sẽ có sức mạnh của những kẻ tuyệt vọng; tôi sẽ có đôi bàn tay, đầu gối, ngực, trán, hàm răng để bóp cổ hắn, đè nát hắn, cắn hắn, xé nát hắn.

         Và tôi rình hắn với tất cả những giác quan bị kích thích tột độ của tôi.

         Tôi thắp hai ngọn đèn và tám cây nến trên lò sưởi, làm như trong ánh sáng đó, tôi có thể khám phá ra hắn.

         Trước mặt tôi là cái giường, một cái giường xưa bằng gỗ sồi có bốn cột; bên phải là lò sưởi, bên trái là cửa phòng được cần thận khóa lại, sau khi để cửa mở lâu, để dụ hắn; sau lưng tôi là một cái tủ rất cao có gương, tủ gương này tôi dùng mỗi ngày để cạo râu, mặc quần áo, và tôi có thói quen soi gương, từ đầu đến chân, mỗi lần tôi đi qua trước tủ.

         Vậy tôi vờ viết để đánh lừa hắn, bởi vì hắn cũng rình tôi; và bỗng dưng, tôi cảm thấy, tôi chắc chắn là hắn đang đọc trên vai tôi, chắc chắn hắn ở đấy, hắn đang sướt qua tai tôi.

         Tôi đứng thẳng lên, hai tay dang ra, vừa xoay người quá nhanh đến nỗi tôi suýt ngã. Và rồi sao?… thấy trong gương sáng như ban ngày, thế mà tôi không thấy tôi trong gương! Tấm gương trống không, trong suốt, sâu thẳm, đầy ánh sáng! Hình ảnh của tôi không có trong đó… mặc dù tôi đứng trước gương, chính tôi! Tôi thấy khung kính lớn trong veo từ trên xuống dưới. Và tôi nhìn với cặp mắt hoảng hốt;và tôi không còn dám bước tới, không còn dám cử động, tuy vậy tôi cảm thấy hắn ở đấy, nhưng hắn vẫn thoát khỏi tay tôi, thân hình hắn không thể nhận ra được, hắn đã nuốt chửng cái ánh phản chiếu của tôi.

         Tôi sợ hãi biết bao! Rồi thình lình tôi bắt đầu thấy tôi trong một màn sương, ở tận đáy gương, trong một thứ sương mù như qua một lớp nước; và tôi tưởng như làn nước đó lướt đi từ trái sang phải, chậm rãi, làm cho hình ảnh của tôi rõ nét hơn, từ giây phút này qua giây phút khác. Giống như sự chấm dứt của một việc che khuất. Cái đã che khuất tôi dường như không có đường viền rõ rệt, mà là một thứ ánh sáng mờ đục cứ dần dần sáng ra.

         Cuối cùng tôi có thể nhận ra tôi hoàn toàn, như tôi đã nhận ra tôi mỗi ngày khi tự nhìn mình trong gương.

         Tôi đã thấy hắn! Nỗi hãi hùng vẫn còn trong tôi, còn làm tôi rùng mình.

Ngày 20 tháng 8.  Giết hắn, bằng cách nào đây? Bởi vì tôi không thể nắm bắt hắn. Giết bằng độc dược chăng? Nhưng mà hắn sẽ thấy tôi trộn độc dược vào nước; vả chăng độc dược của chúng ta có tác hại đến thể xác vô hình của hắn không? Không… không… không chút nghi ngờ nào… Thế thì sao?… thế thì sao?…

Ngày 21 tháng 8. Tôi cho kêu một người thợ khóa đến từ Rouen, và tôi đặt ông ta làm trong phòng tôi những cửa chớp bằng sắt, như một số dinh thự ở Paris có ở tầng trệt, vì sợ kẻ trộm. Thêm nữa, ông ta cũng sẽ làm cho tôi một cái cửa lớn cũng bằng sắt. Tôi làm thiên hạ tưởng tôi là kẻ nhát gan, nhưng tôi bất cần!

***

Ngày 10 tháng 9.  Tôi đến Rouen, ở khách sạn Continental. Xong rồi… xong rồi… Nhưng hắn có chết không? Tâm hồn tôi điên đảo vì điều tôi đã thấy.

         Thế là hôm qua, sau khi nguời thợ khóa đã gắn cái cửa chớp và cửa lớn bằng sắt, tôi để tất cả các cửa mở cho đến nửa đêm, mặc dù trời bắt đầu lạnh.

Thình lình, tôi cảm thấy hắn ở đấy, và một niềm vui, một niềm vui điên rồ xâm chiếm tôi. Tôi chậm rãi đứng dậy, và tôi bước đi, về bên phải, về bên trái, đi lâu để hắn không đoán được điều gì; rồi tôi cởi đôi giày cổ cao và mang vào đôi dép một cách hờ hững; rồi tôi đóng cái cửa chớp bằng sắt, và khi thong thả trở lại cái cửa lớn, tôi cũng đóng cửa lại, khóa hai vòng. Thế rồi tôi quay lại cửa sổ, tôi đóng nó với một cái ổ khóa, rồi tôi cho chìa khóa vào túi.

Thình lình, tôi hiểu là hắn cựa quậy xung quanh tôi, tôi hiểu là đến lượt hắn, hắn sợ, và hắn ra lệnh cho tôi phải mở cửa. Tôi suýt chiều theo ý hắn, nhưng tôi không chiều, tôi đứng dựa vào cái cửa, để nó hở, đủ rộng để tôi đi lùi qua cửa;và vì tôi rất cao, cái đầu tôi chạm phải phía trên của cánh cửa. Tôi chắc chắn là hắn không thoát khỏi được, và tôi giam hắn, một mình, một mình. Vui quá! Tôi nắm được hắn đây! Thế rồi tôi chạy xuống nhà, tôi lấy trong phòng khách, ngay dưới phòng ngủ của tôi, hai cây đèn và tôi đổ cả dầu ra tấm thảm, trên bàn ghế, khắp nơi; rồi tôi nhóm lửa, và tôi chạy thoát, sau khi đã đóng chặt cái cửa lớn ra vào, bằng hai vòng khóa.

Tôi đến núp ở cuối vườn, trong lùm cây nguyệt quế. Tôi chờ lâu biết bao! lâu biết bao! Tất cả đều tối om, câm nín, bất động; không một hơi gió, không một vì sao, những núi mây không thấy được, nhưng chúng đè nặng trên tâm hồn tôi, quá nặng, quá nặng.

Tôi nhìn ngôi nhà tôi và tôi chờ đợi. Lâu làm sao! Khi tôi tưởng ngọn lửa tự nó đã tắt, hay hắn đã tắt lửa, Hắn ấy mà, thì một trong những cánh cửa sổ ở tầng dưới bật ra dưới sức mạnh của lửa, và một ngọn lửa, một ngọn lửa lớn, đỏ và vàng, dài, ẻo lả, mơn trớn, leo dọc bức tường trắng và hôn nó đến mái nhà. Một ánh sáng lờ mờ chạy trong cây cối, trong các cành cây, lá cây, và một cơn run, một cơn run sợ cũng chạy qua. Chim chóc thức dậy, một con chó bắt đầu tru; hình như trời rạng sáng! Hai cửa sổ khác nổ ngay lúc ấy, và tôi thấy phần dưới ngôi nhà của tôi chỉ còn là một lò lửa cháy rực ghê sợ. Nhưng có một tiếng la, một tiếng la khủng khiếp, rất chói tai, xé ruột, một tiếng la của phụ nữ trong đêm, và hai cái buồng sát dưới mái nhà mở toang ra. Tôi quên mất những người tôi tớ! Tôi thấy gương mặt hoảng sợ của họ và những cánh tay họ quơ lia lịa.

Thế là tôi cuống cuồng vì khiếp sợ, tôi chạy về phía làng vừa hét lên « Cứu tôi với! Cứu tôi với! Có lửa cháy! Có lửa cháy! » Tôi gặp những người đã thoát ra từ nơi có lửa cháy, và tôi trở lại với họ, để xem!

Ngôi nhà bây giờ chỉ còn là một giàn thiêu kinh khủng và tuyệt đẹp, một giàn thiêu quái dị, chiếu sáng cả trái đất, một giàn thiêu trên đó nhiều người bị đốt cháy, và trên đó hắn cũng bị đốt cháy, Hắn, Hắn, người tù của tôi, Sinh vật mới, người chủ mới, tên Horla đấy!

Bỗng nhiên cả mái nhà sập xuống giữa các bức tường, và một núi lửa phun lên thấu trời. Qua tất cả các cửa sổ mở ra trên lò lửa, tôi thấy cái thùng rực lửa, và tôi nghĩ rằng hắn ở trong đó, trong cái lò lửa, hắn đã chết…

« Chết à? Có lẽ thế?… Còn thân xác hắn? Cái thân xác mà ánh sáng xuyên qua, có phải là nó không thể bị hủy diệt bởi những phương tiện có thể giết thân xác chúng ta không?

« Nếu hắn không chết?… Có lẽ chỉ có thời gian mới tác động đến cái Sinh vật Vô hình và Đáng sợ đó. Tại sao có cái thân xác trong suốt đó, cái thân xác không thể được nhận ra, cái thân xác của Tinh thần, nếu nó cũng phải sợ những bệnh tật, những chấn thương, những tật nguyền, và sự hủy diệt xảy ra sớm?

« Sự hủy diệt xảy ra sớm? Tất cả sự sợ hãi của con người đều do đó! Sau con người là tên Horla. Con người có thể chết hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, do tất cả những tai nạn; sau con người, đó là một con người chỉ chết vào ngày của hắn, giờ của hắn, phút của hắn, bởi vì hắn đã đi đến tận cùng đời sống của hắn!

« Không…, không…, không chút nghi ngờ gì, không chút nghi ngờ gì… hắn không chết… Thế thì… thế thì… tôi, tôi phải tự tử vậy!…. »

Guy de Maupassant

Nguyên tác: Le Horla (1887), Gallimard, 1986.

Bản dịch của Liễu Trương

————–

Chú thích:

(1) Alexandre Dumas con (1824-1895), nhà văn Pháp nổi tiếng với tác phẩm La Dame aux camélias. Sở dĩ ông mang tên Alexandre Dumas con là vì khi sinh ra ông bị xem là đứa con hoang, đến khi lên bảy tuổi ông mới được người cha nhìn nhận và cho đứa con tên của mình.

(2) Franz Mesmer (1734-1815) y sĩ người Đức nổi tiếng. Người lập ra thuyết thôi miên.

(3) Tên Đức do tác giả tưởng tượng.(4) Tên Horla do tác giả đặt ra. Có thể hiểu: Hor là “hors de” có nghĩa là ở ngoài; la là “là“ có nghĩa ở đấy. Kẻ vừa có mặt vừa vắng mặt, vừa ở trong vừa ở ngoài, là kẻ song trùng của nhân vật.