Truyện ngắn Đoàn Việt Hùng: Nguyệt tận
1.
Người ta nói tôi chết từ lâu lắm rồi, đâu mới khoảng 2, 3 tháng tuổi. Xác tôi đặt trên mo chuối dưới gốc mận. Mươi, hai mươi ngày sau tôi vẫn nằm chỗ đó. Mắt vẫn mở nhưng thỉnh thoảng bị cái gì đó che lại, không thấy gì cả, chỉ nghe những tiếng lào xào chung quanh như cánh đập của đàn ruồi khổng lồ. Mười, hai mươi năm sau tôi vẫn cố định ở vị trí ban đầu. Chỉ có sự thay đổi chút ít, đó là lớp dày cọng rêu và những cây dương xỉ mỏng manh ôm ấp tôi như người mẹ âu yếm con.
Tôi sống và lớn lên bằng tình thương vời vợi không gì thay thế cùng những cơn mê và những giấc mơ. Chỗ gốc mận già là căn phòng khoảng ba chục mét vuông. Ba bên là những giá sách cao hai tầm vói, chất đầy, lèn khít to nhỏ dày mỏng. Những quyển sách đó là những hình nhân sống động vào mỗi buổi tối. Những đêm trăng sáng, tôi thấy nàng Kiều tha thướt bước ra từ bụi dú dẻ ngào ngạt hương thơm, nhưng vẻ mặt thì đờ đẫn buồn đến hiu hắt. Có đêm tôi lại thấy nàng Emily Brontë thơ thẩn trên đồi Wuthering Heights. Thân thể nàng được bao quanh bằng màu vàng của trăng và trắng phai của sương và tuyết mỏng. Nhiều khi nàng khựng lại, người co rúm vì Chí Phèo với chai rượu vơi kẹp nách bước loạng choạng bên kia đường, một tay cầm cây mã tấu, tay kia cây búa tạ. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy hai nàng mở nụ cười với gã Zorba, nhưng cả hai không giống nhau, mỗi nụ cười là những bí mật riêng của hai nàng mà chính người bị nhìn cũng không tài nào hiểu thấu. Vả lại hai chàng đâu có nhiều thời gian để nhìn bất cứ ai, biểu cảm bất cứ điều gì ngoài những giọt rượu cay trong cổ họng Zorba và vũ khí ở hai tay Chí Phèo? Nhiều đêm tôi nghe tiếng gươm đao loảng xoảng, những tiếng la hét, những tiếng gào rú kinh hoàng. Những hình nhân bằng rơm vác những tảng đá khổng lồ lảo đảo bên thành Vạn lý; xa xa là máu các chiến binh dưới lưỡi gươm oan khốc của Chu Nguyên Chương và cuộc tắm máu của triều đại Chinazi. Chúng diễu qua như hình nhân trong chiếc đèn kéo quân.
Đêm nay tôi không còn thấy hai người phụ nữ điệu đàng ấy mà là một quầng trắng đồng tâm với những vòng đỏ máu và đen. Nó trôi bập bềnh như chiếc dĩa bay. Trên đó có người đàn ông không định dạng được là già hay trẻ, bởi ông ta cụt đầu và một cánh tay trái đứt lìa. Duy nhất còn lại trên người là chiếc áo the, quần lụa trắng và đôi giày Nam Định. Mỗi khi gió thổi ở hướng nào thì cánh tay phải ông giơ lên theo hướng đó, thều thào “tao là cha mày mà… tao đẻ ra mày…”. Mỗi lần ông nói câu đó, tôi nhìn thấy máu từ chỗ chỉ còn lại chiếc cổ bầy nhầy phun trào, trộn vào ánh trăng thành một dải xanh lè kéo dài đến tận phía bờ tường đá ong. Nhìn dải xanh mỏng tang và sền sệt kia, thỉnh thoảng tôi nổi da gà và tất cả những cây dương xỉ, rêu đều nhảy dựng chồm chồm.
Những tiếng lào khào run rẩy ấy nhỏ dần cho đến khi, có lẽ là kiệt sức, ông cụt đầu nằm vật ra bất động, chỉ còn một đống nhão nhoét, tanh tanh. Tôi phân vân tự hỏi có phải nó đang ngập ngừng bên bờ phân hủy, mà dấu hiệu là màu trắng chiếc quần và màu đen áo the liên tục phồng lên, xẹp xuống? Tôi cố ngóc đầu xem cái gì động đậy đến lạ. Những con dòi chăng?
Có ai đó dúi đầu tôi xuống rồi vừa che mắt vừa lật mặt tôi qua hướng khác. Tiếng rì rào khe khẽ tựa như tiếng gió đập cành tre.
Ông con đó. Ông nội con đó.
Tôi có ông nội sao? Mà người là ai?
Là một trong những bà nội của con.
Tôi cố nhổm lên, nhưng bàn tay nhẹ nhàng giữ vai tôi lại. Bàn tay rất ấm và thơm mùi chanh sả trộn với mùi ngải cứu và húng quế.
Nhưng tại sao ông lại nằm đó, thưa bà?
Ông bị giết, con ơi! Chính xác là ông con bị chặt đầu bằng chiếc rựa cùn.
Chiếc rựa cùn? Con không hiểu. Tại sao chiếc rựa cùn có thể làm được việc ấy?
Ừ, chiếc rựa không chặt mà một lực khủng khiếp tác động lên nó con ạ. Nó là, chiếc rựa ấy bị sai phái điều khiển bởi những ký tự ngoằn ngèo nằm vắt ngang trên những tờ giấy hoen ố tựa như bầy rắn. Chúng ăn vào tim vào óc tay chân thân thể con người như loại vi khuẩn độc và gây ảo giác nặng cho những con người đó. Chúng nói chúng không chặt, không giết mà chính là những ký tự kia, ấn mạnh lên rựa, câu liêm, dao cùn và súng đạn đâm ngã nạn nhân.
Con không hiểu những điều bà vừa nói. Điều con muốn biết là tại sao ông con phải ra nông nỗi thảm thương đến vậy?
Đơn giản là ông đã khạc nhổ vào mớ ký tự hổ lốn đó.
Đâu có gì là ghê gớm, hả bà. Con vẫn khạc nhổ đờm dãi mỗi khi thời tiết thay đổi kia mà?
Chúng ta khạc nhổ mỗi khi thay đổi tiết trời là quy luật tự nhiên do tác động qua lại giữa con người và thiên nhiên. Nhưng khạc nhổ vào ký tự là điều phạm húy. Những ký tự đó đối với họ nằm trong quy phạm không thay đổi, hoán cải. Nó là một khoảng không gian rỗng mà vô cùng thiêng liêng không một ai được phép báng bổ, xúc phạm. Và để bảo vệ cho cái thiêng liêng ấy, những con vật đi bằng hai chân và có bộ óc của loài bốn chân xây dựng thêm học thuyết chinazisme bằng trăm triệu sinh mạng ở những nơi nào mà các tờ giấy có các ký tự ngoằn ngoèo ấy tấp vào. Ông con là một trong hàng trăm triệu nạn nhân đó.
Tự dưng ông dính vào chuyện không hay ho chút nào.
Con quá nhỏ để có thể hiểu nguyên tắc bất di bất dịch của ông là thuận theo đạo đức làm người và quyền tự do của mỗi cá nhân cho nên ông bị liệt vào những kẻ réactionnaires và phải bị tiêu diệt.
Con không hiểu tại sao lại tiêu diệt những réactionnaires của ông? Bà có thể nói rõ hơn kẻ gây sự?
Kẻ gây sự. Ồ, con đúng là thiên thần bổn thiện diện mục. Phải nói kẻ giết người mới đúng. Kẻ ấy chính là một bộ phận trong cơ thể ông. Chính xác là một giọt máu của ông. Giọt máu kia ngày mỗi lớn có khuôn mặt người và bộ óc của loài bốn chân. Bà không chứng kiến thảm cảnh nhưng kẻ sống sót kể lại, rằng một đêm mưa gió bão bùng, bọn có óc bốn chân chia nhau đi lùng sục khắp các làng nằm dọc hai bờ sông Cái, bắt kỳ hết những người kích bác, bè bỉu hay chống đối ra mặt những ký tự thiu thúi bất kể già trẻ gái trai. Gần hai trăm người bị trói thúc ké dẫn lên bìa rừng Ba Lù. Chúng bắt quỳ hàng ngang dài dậm dặc và ra tay bằng rựa, dao. Chúng vung lên. Roạt roạt. Máu phụt cao thành vòi chạm vào tầng mây. Máu ngập tới mắt cá chân…
Kể đến đây, bà ôm tôi nức nở. Tôi nghe má mình ướt, môi mằn mặn như những hôm nằm ngửa hứng sương muối. Một cảm giác ấm áp mà vô cùng lạnh lẽo thấm tận tim gan. Bà hổn hển kể tiếp:
Người chỉ huy và ra lệnh giết tất cả là giọt máu của ông, dây nhợ với con cũng bằng giọt máu oan gia.
Cuối cùng thì ông con chết.
Không, bị giết chết.
Thưa bà, còn ba, mẹ con?
Đừng nhắc tới người gọi là ba. Đó không phải là con người. Bà không muốn nghe bất cứ điều gì về con người đó. Còn mẹ con ư? Mẹ con bay lên trời rồi và để con ở lại với bà.
Ước chi con cùng bay với mẹ lên trời cao thênh thang, bà nhỉ?
2.
Tôi ngủ li bì suốt nhiều ngày, không ăn cả không khí và dợm dậy uống sương, cho tới lúc tôi nghe có vật gì đó nổ banh ra rất gần đâu đó. Rồi có một bóng đen đè phủ lên người tôi trong tư thế che chở. Những tiếng nổ liên tục dội tới lúc mỗi gần rồi đột ngột dừng hẳn. Tôi mở mắt ra, bóng đen kia nhổm lên, ve vuốt từ đầu tới chân tôi, nắn nắn phần ống chân khiến tôi cảm thấy nhột nhạt. Tôi chưa kịp lên tiếng thì có tiếng nói phát ra, rất quen:
Bà đây, nội con đây.
Những tiếng nổ chát chúa. Con nghe tiếng nổ.
Bàn tay lạnh ngắt, run run bụm miệng tôi lại.
Nằm yên. Đánh nhau. Đánh nhau lớn lắm.
Sao lại đánh nhau mà ai đánh với ai?
Bà không trả lời, vụt đâu đó rồi quay lại, bế xốc tôi lên đặt nhẹ trong chiếc thúng. Tôi mở mắt, nhìn thấy bà cắm cổ chạy, có lúc chiếc thúng muốn rơi, đòn gánh cong xuống. Bà chạy qua các truông tre, qua các kiệt hẻm… Cả đoàn người gồng gánh nhập vào nhau chạy dọc theo mé sông. Tôi nghe tiếng nồi đồng khua loảng xoảng, tiếng chó tru thê thảm và tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt. Gió thổi tạt ngược khiến lớp rong rêu và những cây dương xỉ mong manh như muốn khô tóp lại. Tôi ngọ ngoạy trong chiếc thúng còn dính nhiều hột lúa lép, chích qua lớp rêu khiến tôi xót ngứa. Tôi muốn chuồi xuống nhảy tót ra ngoài, nhưng bà chạy nhanh quá, chiếc thúng lắc lư đung đưa khiến tôi không thể tìm cách giữ thăng bằng để đứng lên.
Thôi, mặc bà. Tôi ngủ thiếp trong chiếc thúng.
Trong giấc mơ tôi thấy bà dẫn tôi lội ruộng. Hai bà cháu bì bõm cắm mặt móc từng con cua ẩn mình trong hang sâu dọc theo những bờ ruộng trong cơn mưa bấc dầm dề lạnh căm. Bà hái những cọng rau má xanh mướt ven bờ. Tôi mang chiếc rổ tre le te chạy theo bà. Sau đó, be bờ tát những vũng đọng mót từng con cá nhỏ trong mương nông giang đang mùa đóng nước… Những mảng bùn lem luốc và những ngọn gió đồng hiu hiu khiến tôi thích thú. Tôm tép rất nhiều, bắt chưa xong bà lại hối hả đặt tôi vào đầu thúng, đầu kia là những cua cá tôm tép rau má cải trời nhảy nhót nhịp theo bước chân tất tả của bà, theo đoàn người ngược về phía núi, bỏ lại ngôi làng cháy ngùn ngụt trong biển lửa bom xăng. Chạy băng qua những cánh đồng trơ trọc nám úa. Những con trâu sổng chuồng rống lên, những con chó ốm trơ xương ngửa mặt tru từng hơi dài rồi găm đầu xuống khe nứt…
Tất cả những hình ảnh kia dồn dập đập vào mắt tôi và lưu giữ lại như một ký ức vàng ảm đạm. Tôi bấu tay vào hai tai gióng, lắc lư theo nhịp quảy của bà đong đưa qua lại. Tôi lại ngủ thiếp trong những động tác lắc lư trên đôi chân già nua. Cả đoàn người chạy tới được chân núi, rồi quay ngược về đồng, nằm chúi vào lòng mương hẹp, tránh những quả đạn nổ đùng đùng trên đầu. Đoàn người dài ngoằng tức khắc biến mất trên những mảnh ruộng nứt nẻ, những khúc tay chân lìa ra bay lả tả trên không, nhưng không giống với cánh bay của những con diều giấy mà lũ trẻ thả bay lên trời xanh những buổi chiều ngoài đồng còn trơ cuốn rạ tôi từng nhìn thấy khi ngọn gió bê nguyên cả mo chuối đặt ngoài bờ mương khô nước.
Cảnh chạy tới chạy lui khủng khiếp đó trườn tới trườn lui hoài hoài như trong phim.
Tôi lịm đi cùng lúc những tiếng nổ tan dần theo gió đưa.
Những bóng người mất hút. Chỉ còn lại vòng trắng bay là là hư thực.
3.
Tại sao mẹ lại để nó đi?
Mày nói đi. Mày muốn nó thành người tử tế hay thành kẻ giết người?
Mẹ không hiểu gì cả. Mẹ bị kẻ phản bội ru ngủ bằng những thứ cặn bã bẩn thỉu đó rồi. Mẹ hành xử cách này, mọi người đều như mẹ thì đất nước này sẽ mất, sẽ thành nô lệ cả thôi.
Đó là chuyện thiên hạ, tao không biết. Nhưng mày phải hiểu rằng nó là đứa duy nhất còn sót, mang dòng máu họ Trần. Mày mở mắt nhìn cho rõ bức hoành phi kia, những tấm liễng kia cùng chục cột gỗ lim chống đỡ căn nhà của ông bà mày gầy dựng. Mày đọc đi và nói cho tao hay mày thấy những gì trong đó, mày có hiểu những chữ tổ tiên khắc cẩn lên đó không?
Tôi không cần biết những thứ bẩn thỉu lạc hậu rơm rác đó. Điều tôi cần là mẹ đưa nó về. Tôi không muốn nó đi làm tay sai cho lũ ăn cướp dơ bẩn.
Mày nói nó là con mày mà mày có biết mặt mũi ẵm bồng nó chưa hay chỉ mới thấy cái bụng lum lúp của vợ mày trước khi mày biến mất khỏi cái làng sanh ra mày? Bao nhiêu mẫu ruộng cầm cố cho mày học Collège AS để cuối cùng ôm mớ chữ nghĩa nhiễm độc ghê tởm dẫn đám người đầu trộm đuôi cướp về phá nát làng này, tổng này… Thứ chữ nghĩa dao búa đó đã giết chết ông chánh tổng là ông nội mày, giết cả ông trợ giáo là cha mày và chồng tao… mày có biết không? Còn con vợ mày đó cùng với bao nhiêu người khác bị chết thảm trên mô đất ngoài đường cái quan kia. Ai đặt những trái mìn trái đạn dưới mô đất đó? Những người đàn bà buôn thúng bán bưng kia có tội tình chi hả mày?
Suốt ngày quanh quẩn bên ông táo mẹ đâu hiểu. Lịch sử đã giao cho họ, những người mẹ lên án đó, sứ mệnh thiêng liêng nhất mà những kẻ hèn kém, ngu muội không bao giờ hiểu ra!
Ừ, thì tao ngu tao hèn… nhưng tao không phải là kẻ khát máu như lũ mọi rợ chúng mày! Sứ mệnh thiêng liêng của chúng mày là đi giết người vô tội? Lũ khát máu quỷ dữ hiện hình chúng mày!
Mẹ lại hiểu sai.
Sai hay đúng thì rồi cái mày kêu lịch sự lịch sử gì đó sẽ chỉ rõ ai đúng ai sai!
Nói mãi, mẹ chẳng hiểu gì cả!
Đó là phần lý của tao của những người ruột thịt máu mủ đồng bào xóm giềng của tao, giờ mày hãy đi khuất mắt tao, đừng bao giờ vác mặt về nữa, nghe chưa?
Tôi sẽ đi nếu bà đưa thằng Kiệt về.
Mày còn biết tên nó là Kiệt nữa đấy? Mà đưa về để làm gì, còn như tao nhất định không cho về thì sao?
Mẹ nghe cho rõ đây: Tôi sẽ đưa nó lên xứ sở Đại Đồng. Nó sẽ được học những tư tưởng tiến bộ nhất của nhân loại để giải phóng những áp bức bất công, giải thoát cho ông bà cô bác, đồng bào nó không bị đày đọa, sống trong cảnh tù ngục nữa. Rồi đây tất cả sẽ thấy ánh sáng của tự do, sẽ sống ấm no hạnh phúc, mọi bất công trên đời này, trên mảnh đất nghèo nàn cơ cực này sẽ bị xóa bỏ vĩnh viễn.
Hay đấy. Vậy ai cứa cổ bà Neng, kẻ nào bắn hàng trăm người dân vô tội trên Lù Ba?
Bọn chúng là những tên tay sai của địch.
Hay đấy. Bọn đó là bác, là chú, là anh em cùng cha khác mẹ với mày đấy thằng trời đánh ạ.
Công lý luôn công bằng với mọi người mẹ à!
Công lý là máu là chết chóc hả con?
Phải biết hy sinh cái riêng bé nhỏ cho sự nghiệp lớn.
Ờ, tao hiểu ra rồi, cái lớn của mày là những chuyến xe lam của bà con về làng cắt lúa bị mìn đắp mô nổ tung. Con vợ mày cũng trong phần số hẩm hiu đó. Cả chục người là đàn bà con nít trở thành đống bầy nhầy, không nhận ra ai là ai. Hàng chục hàng trăm hàng triệu người chết tức tưởi không biết vì sao chết đều là kẻ địch của chúng mày đó…
Có tiếng súng lẻ loi ở bìa làng. Người đàn ông đứng bật dậy vụt ra sân.
Người đàn bà vặn thấp ngọn đèn, co gối ngồi xuống bộ phản gõ ngó ra khe hở tấm phên. Trời tối đen như mực. Chỉ có tiếng côn trùng rỉ rích nỉ non.
3.
Tháng Tư, hoa mận nở trắng cành. Ngó xiên lên, những cánh hoa mỏng như sợi chỉ nhuộm sắc lá bên dưới von lại màu mạ lợt. Đàn ong mật và ong bầu kéo tới chao lượn trên cánh nhụy trắng muốt. Những đôi cánh đập liên hồi phát ra âm thanh cao thấp dày mỏng như các nghệ sĩ áo dài khăn đóng trong dàn nhạc hát bộ, cúng đình. Chúng hoan ca vừa nhắm mắt tận hưởng những tinh thể sền sệt ngọt ngào qua ngõ ống vòi cong cong.
Tôi không bay được như đàn ong kia, nhưng bù lại, những cánh hoa rơi xuống phủ lên khắp thân thể tôi màu trắng như tuyết, thơm ngọt ngào. Tôi cũng không hát được, may nhờ những cây dương xỉ thay lớp áo cọ vào nhau, xô đẩy như sợi lạt cứa lên ống tre già, vui tai.
Tôi miên man với bầy ong với hoa với lá và chút nắng trở mùa ngai ngái mùi rơm khô, mùi khói đồng bay tạt theo gió nồm từ biển thổi vào.
Tôi chìm theo ánh trăng non chốc lát rồi tan vào đêm tối cùng với tiếng côn trùng nỉ non như lời kinh cầu.
Những chấm nhỏ li ti xuất hiện trên bầu trời cao nhưng không đủ sáng để có thể nhìn thấy mọi vật chung quanh.
Và rồi, từ phía cổng chỗ giáp với bờ tường đá ong, một bóng người mò mẫm về phía ngôi nhà. Hai chân chỉ còn từ đầu gối, chấp chới giữ thăng bằng, giang rộng đôi cánh tay như bay. Cái bóng đó lượn trên khu nhà chỉ còn trơ lại nền vôi loang lở và lớp tro dày. Bóng người chao tới chao lui nhiều bận rồi quay ngược ra cổng, là là dọc theo hàng rào, cuối cùng tới gần chỗ giếng nước sát gốc mận.
Tới lúc này tôi mới nhìn thấy rõ ràng hơn, về cái bóng người ấy. Hình như đó là một hình nhân ghép lại từ những cọng rơm hay những mảnh giẻ thì phải, giống như những con bù nhìn cắm ngoài ruộng đuổi chim? Ống chân không dính liền với gối. Hai cánh tay thẳng đuột. Khuôn mặt choắt ra, phẳng phiu giống cái bàn chà đất. Thân người đậu lên thành giếng, một tay bấu vào cần vọt bị sụp thõng xuống; tay kia choài ngang.
Lúc cất giọng, tôi mới hay đó là một người đàn ông. Ông hỏi:
Nhà đâu cả, sao sập cháy hết vậy?
Tôi không biết – Tôi trả lời.
Mày là ai?
Là tôi.
Cha mẹ mày đâu?
Tôi không có cha mẹ.
Trời đất sinh ra mày chắc?
Không biết ai sinh ra.
Tại sao mày ở đây, trong vườn nhà tao?
Tôi không biết ông là ai. Nhưng tôi ở đây vì tôi sống với bà tôi. Bà tôi nuôi tôi.
Bà mày đâu?
Bà tôi bị bắn ba tháng trước, trên ngực có găm bản cáo trạng đại ý bà có tội với nhân dân, là người làng nói vậy.
Đó là công lý và chân lý.
Tôi không biết.
Mày kêu sống với bà già ấy, sao hỏi cái gì mày cũng không biết – Bóng người thở dài.
Vì lúc đó tôi bận đánh nhau với quân địch.
Ở đâu? Chỗ mày đánh nhau đấy?
Mặt trận Liên Sơn.
Đánh đấm làm sao?
Địch quân đông như kiến, toàn lũ con nít cả. Chúng cứ xông thẳng lên đồi cao, chỗ đại đội tôi đóng quân. Lớp này chết lớp khác bò lên điên cuồng như lũ thiêu thân.
Rồi sao nữa?
Chúng dùng bộc phá, súng phóng lựu, B40… san phẳng căn cứ. Những người lính cuối cùng của tôi bắn những viên đạn cuối cùng và tất cả đều tan xác trước khi có tiếp viện.
Mày chỉ huy?
Ừ, Đại đội trưởng.
Tao là Trung đoàn trưởng.
Nghe ông xưng cấp bậc khiến tôi không nhịn được cười, đến nỗi rêu và dương xỉ trên người tôi như muốn nổ tung ra.
Mày cười gì thế?
Tôi cười vì buồn cười, vậy thôi!
Mục đích cuối cùng giải thích rõ ràng cho phương tiện. Bởi thế chúng tao mới chiến thắng chúng mày.
Tới đây thì tôi bật khóc nức nở, khóc vì nỗi hận, vì nỗi nhục nhã của những ý thức, đạo đức làm người, của sự lương thiện… Nước mắt dầm dề thành cái ao sâu hoắm.
4.
Cây mận, nơi tôi che mưa chở nắng như mái nhà tự dưng khô héo dần. Lá rụng lả tả. Cành nhánh co rúm, rữa mục.
Lớp rêu dày xanh mượt chuyển màu, khô dòn.
Những cây dương xỉ chịu đựng lâu hơn, nhưng cuối cùng chỉ còn lại những sợi gân trắng li ti, tan bay đâu đó mỗi khi gió thổi ngang.
Thân thể tôi teo tóp rồi bị hất tung vơ vất ngoài lề đường bụi bặm.
Chỗ đó không phải chỉ một mình tôi mà có hàng trăm, hàng ngàn người như vậy. Tất cả đều không lành lặn: cụt đầu, mất tay chân, lồng ngực banh nát, hốc mắt như hố bom… Tôi là một trong số ít lành lặn. Chúng tôi nhập vào nhau, lang thang hết đầu đường đến cuối bãi, hứng những cơn mưa dầm dề, gió lạnh cắt da chí những ngày nắng cháy.
Lúc thất thểu, lúc rầm rập theo nhịp quân hành.
Lần cuối cùng, dưới ánh trăng hiu hắt, tất cả đứng trước nghĩa trang cũ của mình, gập chào nơi ở bị đào xới hất tung, bụm chặt tiếng nấc. Và rồi cùng vịn nhau cùng bước lang thang trên đám mây trắng dập dềnh tan tác, vô định.
Đoàn Việt Hùng