Truyện ngắn Ngô Nguyên Dũng: Trở về

Tranh Đinh Trường Chinh.

Mười lăm phút trước khi hạ cánh, trời bất chợt đổ mưa. Chàng nhìn ra khung kính. Bên ngoài tối sầm. Ánh đèn chuôi cánh lóe sáng, run bật theo gió. Mưa hắt lòe nhòe mặt kính. Phi cơ chao nghiêng, rùng mình răng rắc. Độ cao giảm dần. Chàng nhìn khung hình trước mặt, phi cơ đang lượn vòng. Một, rồi hai lần… Dò dẫm như cánh chim bay lạc, tìm đường về tổ giữa mưa giông. Phải mất gần nửa tiếng, sau lần lượn vòng thứ tư, phi cơ mới dè dặt xẻ lớp mây mù bên dưới. Động cơ rú tiếng mệt mỏi sau tám giờ bay. Trong lòng phi cơ, chỉ nghe tiếng cựa mình lao xao của hành lý theo từng cơn vật vã của thời tiết. Phi đạo thẳng tắp hai hàng đèn đỏ càng lúc càng rõ trên màn hình. Phi cơ rùng mình chạm đất. Tiếng bánh thắng nghiến, lăn chậm vào phi cảng.

Phi cơ hạ cánh trễ gần bốn mươi lăm phút. Sau mùa đại dịch, nơi làm thủ tục nhập cảnh chỉ thấy vài chục hành khách đứng chờ. Với khẩu trang che mũi miệng, chỉ trật xuống cho nhân viên phi trường nhận diện khi tới lượt. Chỉ sau ba mươi phút, chàng kéo va-ly bước ra ngoài. Vòng tay nhiệt đới siết lấy chàng, rực rỡ những cảm xúc thanh xuân, gần như sỗ sàng. Mưa vẫn thì thầm. Khi to khi nhỏ. 

Lần này, chỉ có Phiên ra phi trường đón chàng. Hai người bắt tay nhau, trao đổi vài câu xã giao thông thường. Trông anh không khác gì với một Phiên trong những bức ảnh đã gửi chàng trước đó. Mái tóc Phiên cắt ngắn, bồng bềnh. Tia nhìn anh biết bộc lộ cảm xúc. Miệng cười thiện cảm. Nhưng anh hơi ốm, thân thể như treo trong chiếc áo thun sọc xanh trắng và chiếc quần jeans ống bó. 

“Anh đưa đây, em kéo cho!”, Phiên giằng lấy chiếc va-ly trong tay chàng.

Hai người lúp xúp băng qua đường, tới bến tắc-xi.

Những ngả đường mưa đêm thưa vắng. Chàng hỏi thăm người tài xế dăm ba chuyện đời thường. Người tài xế than phiền vu vơ về luật lệ giao thông, thủ tục hành chánh và những tệ đoan xã hội. 

“Mấy đoạn đường nầy, họ cứ đào lên, rồi lấp lại. Cho có việc. Còn tuyến xe điện Sài Gòn – Suối Tiên, chỉ ba mươi cây số mà xây cả chục năm vẫn chưa xong. Lúc thì nói không có tiền trả lương nhân viên, lúc thì đổ lỗi cho thời tiết làm hư hao chỗ nầy chỗ nọ. Thuế với lại vật giá mỗi năm mỗi tăng. Mà hở miệng ra, toàn khoe khoang những tăng trưởng vượt bực, đạt chỉ tiêu… Sao không thấy người bán vé số và ăn xin đầy đường? Nhiều người là thương phế binh của chế độ cũ…”

Bấy giờ, cái mệt sau hơn mười lăm giờ bay mới bật tiếng trên thân thể chàng. Nhưng những háo hức, những dự định trong lần trở về nầy đã lấn át tất cả mệt mỏi. Sau khi nhận phòng, tắm gội qua loa và thay quần áo, mưa cũng vừa tạnh. 

“Anh đói bụng không?”, Phiên hỏi.

“Không đói lắm, nhưng anh vẫn muốn rảo bộ ra chợ, xem sao”, chàng đáp.

Khách sạn chàng và Phiên mướn, nằm trong con hẻm rộng, xôn xao hàng quán, rạo rực âm thanh, khách sạn bình dân san sát, nhộn nhịp du khách đủ màu da. Một ngôi chợ cách đó không xa. Đêm xuống, nhiều xe bán thức ăn thắp đèn tới khuya. Chàng ngồi xuống cạnh xe cháo hải sản, cười khẽ:

“Ăn cháo nha Phiên!”

Hai tô cháo tôm mực cá được bưng ra, thơm thoảng hành ngò, trộn lẫn gia vị ký ức tô cháo cá chợ Cũ thuở ấy.

“Quán cháo người Trung Hoa ở chợ Cũ, chỗ ba thỉnh thoảng lại dẫn cả gia đình tới ăn. Một tô cháo trắng nấu nhừ rắc tiêu và mớ hành lá xắt nhuyễn. Kèm theo hai dĩa con. Một đựng vài khoanh cá lóc sống trắng tươi thái lát mỏng tang, sâm sấp nước gia vị gia truyền vàng ửng, trong vắt. Một đựng gừng và đu đủ xanh xắt sợi ngâm nước cam thảo. Trút tất cả vô tô cháo nóng hôi hổi. Khuấy nhẹ. Những lát cá trở màu trắng đục. Vừa thổi vừa ăn. Vị mặn ngọt vừa vặn. Khẩu cái tê tê. Mồ hôi rịn đê mê chân tóc,…”

“Ngon không anh?”, Phiên hỏi.

“Ngon”, chàng trả lời, trí nhớ không ngớt nhớ tới tô cháo cá chợ Cũ xa xưa.

Chàng đảo mắt quanh quất. Vừa lúc có hai thực khách tới kéo ghế ngồi xuống bàn kế bên. Một người đàn ông da trắng đã lớn tuổi, ốm quắt queo và một phụ nữ Việt mặc váy hoa ngắn cũn cỡn, áo thun trắng sát nách, tóc dài ngang lưng nhuộm vàng hoe, mặt trang điểm đậm. Không dưng chàng nghĩ tới Hằng. 

Không phải chàng trở về lần này cốt để tìm Hằng sao?

“Anh và Phiên ở chơi nơi đây ba ngày, sau đó sẽ đi Phan Rang như dự tính”, chàng nói khẽ.

“Em mua vé rồi anh. Xe giường nằm, có máy lạnh và phòng vệ sinh, sẽ khởi hành lúc chín giờ tối, tới Phan Rang khoảng hai giờ sáng. Bây giờ đã có đường cao tốc, xe chạy một mạch không nghỉ”, Phiên giải thích.

“Mình về”, chàng đứng lên.  

Khi đi ngang bàn hai người khách vừa tới ngồi, chợt người đàn bà ngước lên nhìn chàng. Đăm đăm. Cặp mắt tô chì đen sắc sảo tia nhìn đông phương. Đêm Sài Gòn không lạnh, mà sao sống lưng chàng tê buốt một đường như dao cứa.

*

Quán nhạc hát với nhau nằm cuối một con hẻm cụt. Bảng hiệu “Âm Xưa” đèn màu uốn lượn. Chàng và Phiên đẩy cửa bước vào. Không gian mát lạnh, se se hương khuynh diệp. Tiếng dương cầm réo rắt. Trên bục, trước màn hình rọi lớn khung cảnh những con đường quạnh quẽ và những mái nhà lợp ngói âm dương đen trắng, một vị khách nữ mặc áo dài đỏ rượu chát, quần đen đang cất giọng luyến láy. “Bỏ mặc căn nhà bỏ mặc tôi. Bỏ mặc nơi đây bỏ mặc người…” (1) 

Quán nhạc đêm thứ sáu đông khách. Chỉ còn một bàn trống khuất phía sau cho chàng và Phiên. Chàng gọi một ly cam vắt đá lạnh không đường. Cho Phiên một chai Bia Saigon. Chàng ngó quanh. Những mặt người lắng tai chăm chú. Vài người chụm đầu nhau, thì thầm. Màn hình đồi cảnh. Những mặt đường phố khuya đẫm mưa, nhòa nhạt ánh đèn đường. 

“Bỏ mặc mưa về bỏ chiều phai. Bỏ mặc hư vô bỏ ngậm ngùi. Bỏ đêm chưa qua ngày chưa tới. Bỏ mặc tay buồn không bàn tay” (1)

Chàng nhớ, đã có lần Hằng hát ca khúc này, thâu vào máy, ghép ảnh thành một đoản phim nhạc, gửi chàng. Khuôn mặt người phụ nữ đã qua thời thanh xuân, kết bạn cùng chàng qua mạng xã hội, vẫn còn những nét gợi cảm ưa nhìn. Giọng Hằng mềm như nắng sáng. Những ngón tay nắng len qua rèm sáo, kẻ rãnh lên chăn nệm, lên phiến ngực chàng ngái ngủ, trần trụi cảm xúc. 

“Bỏ mặc vui buồn bỏ mặc ai. Bỏ mặc chăn không bỏ mặc người. Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé. Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi.” (1)

“Anh thích lên hát không?”, Phiên khẽ hỏi.

“Anh cũng chưa biết…”, chàng ngần ngừ. “Anh thích hát, nhưng chưa bao giờ đứng hát kiểu nầy.”

“Anh thử một lần xem sao! Em hát trước, rồi anh lên hát cho vui nha!”, Phiên giục giã. 

Chàng gật đầu: 

“Đúng rồi, đời người ai cũng có lần bắt đầu.”

Chàng nghe giọng hát mình ngổn ngang tâm sự. Ca khúc ra đời trong thời chiến. Giờ đây chiến tranh qua rồi, vậy mà chẳng hiểu sao, vẫn khiến chàng xúc động. Phải chăng trong sâu thẳm lòng chàng vẫn nguyên vẹn đó những “mây nước bơ vơ”, những “cây lá xác xơ”? Và, làm sao chàng tìm lại được những khoảnh khắc “sum vầy”, những giây phút “thắm niềm say”? Còn “mái tranh chờ” cũng như bóng hình “người xưa”, bây giờ nơi đâu? Tất cả chỉ là hình ảnh ẩn dụ cho những mất mát trong đời sống. Của chàng. Của Phiên. Của mọi người. 

Và của một người bỗng dưng bặt tin nhau.

Nhiều người thân của chàng đã qua đời. Ngôi nhà thuở nhỏ giờ đã đổi chủ. Nhiều nẻo đường cũ đã thay tên. Những hàng cổ thụ một thời che nắng mưa đã bị đốn ngã, không để lại dấu vết. Ngôi đình cũ, quán cháo cá, tiệm mì hoành thánh, hiệu phở chen chúc thực khách mỗi sáng chủ nhật, … Tất cả đã trở thành quá khứ… Thay vào đó là những công trình kiến trúc màu mè, phồn hoa vàng mã điểm trang lên khuôn mặt thành phố đĩ thỏa chào đón chàng mỗi lần trở về:

“Về đây nhìn mây nước bơ vơ. Về đây nhìn cây lá xác xơ. Về đây mong tìm bóng chiều mơ, mong tìm mái tranh chờ, mong tìm thấy người xưa…” (2)

Chàng hát, không phải bằng chất giọng chính mình, mà của hồn ma bóng quế nào nhập hồn, chắt chiu âm điệu.

“Về đây đâu còn phút sum vầy. Đâu còn thắm niềm say. Lạnh lùng ngắm trời mây.” (2)

Trở lại chỗ ngồi, phải mất vài phút, chàng mới thật sự trở về hiện tại. Mười ngón hai bàn tay chàng duỗi trên mặt bàn còn ngây ngất xúc cảm.

“Bài hát nầy em nghe lần đầu. Anh hát như xuất thần!”, Phiên nói. 

Chàng nhoẻn cười thay lời cảm ơn. Chàng muốn kể cho Phiên nghe những nỗi niềm giấu kín, nhưng chẳng thốt ra lời. 

Khuya đó, trong phòng ngủ khách sạn hai mươi ba độ C, chàng nằm thao thức, lắng nghe tiếng đêm bên ngoài âm ỉ những hoài nghi. Cho tới sáng.

*

Ánh mắt bà cụ ngồi đối diện chàng chùng xuống, giọng ngập ngừng:

“Con Hằng… nó… khi không… nó… bỏ nhà… vô Sài Gòn… gần năm nay rồi.”

“Hằng có nói vô đó làm gì không bác?”

“Nó nói… nói… làm việc cho công ty… gì đó… không biết.”

“Bác có địa chỉ của Hằng ở Sài Gòn không bác?”

Bà cụ im lặng giây lát, như để lục lọi trí nhớ, rồi thở dài:

“Nó… nó… có nói cho ai biết đâu…”, bà cụ lắc đầu dứt khoát. Lại thở dài. “Từ đó tới giờ nó chỉ gọi điện về hỏi thăm mỗi một lần… nói mướn phòng ở chung với con bạn… Ờ, ờ… trước Tết nó có gởi tiền về… Mà… mà… cậu là gì của con Hằng, sao không biết gì hết vậy?”

“Dạ, con là bạn của Hằng, ở nước ngoài về. Hằng có cho con địa chỉ nhà nơi đây, nhưng không nói gì tới chuyện đi Sài Gòn làm việc. Nhân tiện có anh bạn, quê cũng ở đây…”, chàng ngưng ngang.

Hai mắt bà cụ mở lớn, ngó chàng không chớp, chừng như chờ đợi.   

“…Chỉ vậy thôi, thưa bác”

“Cái con đó. Nó vậy đó. Có trời hiểu…”

Chàng kiếu từ bà cụ, ra về. Ngoái nhìn lại lần sau cùng ngôi nhà có cây hoàng yến hoa vàng rực rỡ ngoài hiên, trần treo hai chậu trầu bà rũ cành xanh mướt và một chậu hải đường đơm lá tím ngắt… 

Những ngày còn lại ở Phan Rang, chàng cố tìm quên bằng những chuyến đi ngoạn cảnh cùng Phiên. Biển và nắng. Núi đá và cồn cát. Tháp Chàm đăm đăm những vòm mắt Chăm-pa trông xuống vùng đất đai bị cưỡng chiếm. 

Trở lại đây lần này, chàng thấy nhiều người bán vé số dạo và di ăn xin nhiều hơn mấy lần trước. Đa số là đàn bà gốc Chăm, tay bồng tay dắt, nheo nhóc.

“Họ là những người bị mất nhà, bị chiếm đất, phải bỏ rừng bỏ rẫy, xuống thành phố tìm kế sinh nhai”, giọng Phiên không cảm xúc.

*

Tuần lễ sau cùng, Phiên theo chàng trở lại Sài Gòn, chờ ngày ra phi trường tiễn chàng về lại đất tha hương. Vẫn khách sạn bình dân trong con hẻm rộng. Vẫn phòng số hai trăm lẻ năm, có ban-công nhìn qua ngôi chùa nhỏ, đủng đỉnh hồi chuông gióng mỗi năm giờ chiều. Vẫn những tiếng rao hàng “bánh mì nóng giòn”, “bánh chưng, bánh giò”, “khoai mì hấp lá dứa đây”, … phát ra từ chiếc máy ghi âm già nua, vang vọng từ đầu tới cuối hẻm. Vẫn tiếng nhạc rập rình của quán rượu đầu hẻm cất lên, vừa lúc tiếng đọc kinh ê a hòa tiếng mõ từ ngôi chủa đối diện lịm tắt, bắt đầu một đêm trác táng… 

Những đêm này, chàng và Phiên thường tới quán rượu quen, uống vài chai bia, nhìn ngắm kẻ qua người lại trước khi về khách sạn ngủ. Tối nay, mấy nữ nhân viên của quán xoa bóp cạnh đó đang lao xao bày biện chiếc bàn trống phủ khăn màu huyết dụ. Thấy có bia, nước ngọt, nĩa và muỗng con, khăn giấy lau miệng, bánh kem gắn nến. Lát sau, có thêm hai ông Tây già nhập bọn. Bầy con gái rộn ràng: “Hi, John! Hi, Phil!”, “Hallo, sugar daddy!”, … Một ông rút ra trong túi phong bì đỏ, đặt lên lòng dĩa đặt ở đầu bàn. 

Xong xuôi, như một tuồng hát đã diễn đi diễn lại thành thạo, hai cô quay lưng khúc khích trở qua quán xoa bóp, lát sau nắm tay dẫn qua một cô mặc váy ngắn, áo hở ngực quai dây, được bịt mắt bằng dải khăn xanh, môi son tủm tỉm, chân dọ dẫm theo tiếng vỗ tay nhịp nhàng. Một cô bật quẹt, châm nến. 

Một cô xướng lên cho tất cả hòa giọng:

Happy birthday to you! Happy birthday to you! Happy birthday, happy birthday, happy birthday to Hằng…

Chàng xoay qua, vừa lúc dải khăn bịt mắt cô gái được tháo ra. Cô cúi mặt, chúm môi thổi nến. Tiếng vỗ tay, cười nói ồn ào. Cô nhanh tay nhón lấy phong bì, nhét vô nịt ngực, giơ tay chúm chím gửi cái hôn gió tới hai ông Tây già.

Thank you very much, darling!

Chàng xô ghế đứng dậy, quày quả bước vô nhà vệ sinh. Hai tay chàng vịn chặt mép bồn rửa mặt ố vàng, ngó không chớp mặt người đối diện trong gương. Như của một ai khác. Chàng mở vòi, khỏa nước rửa mặt. Hai tròng mắt chàng đỏ hoe trâng tráo.

Chàng biết, khuya nay cũng như nhiều khuya khác ở Sài Gòn, chàng lại thao thức. Thâu đêm.

Ngô Nguyên Dũng 

(04.2024)

————

(1) “Em Đi Bỏ Lại Con Đường”, Trịnh Công Sơn.

(2) “Trở Về”, Châu Kỳ.