Truyện ngắn Nguyễn Nam Trung: Hương Tết Mùa Thơ Ấu

Chín giờ tối, cái nóng tháng năm nơi phố biển “nắng như phang, gió như rang” dịu xuống. Má ngồi trên giường, vừa coi chương trình “Món Ngon Mẹ Nấu” trên truyền hình, vừa phe phẩy quạt. Ba nằm võng hút thuốc. Người đầu bếp đang hướng dẫn làm bánh bao.

“Lâu rồi, không ăn bánh bao”, má buông tiếng bâng quơ.

Anh đang ngồi đọc tin mạng gần đó, ngẩng đầu, nói:

“Lát nữa con chạy đi mua về ăn nha má.”

“Ừ, mà mua chỗ khác, đừng mua chỗ người ta bán ngoài đầu đường. Họ nêm ngọt như chè, không ngon.”

“Để con chạy ra phố, mua bánh bao của bà người Tàu, ngon hơn.”

Sau khi chạy mua hai cái bánh bao đem về, một cái cho ba má, một cái cho mình, anh nhắc ghế nhựa ra ngồi ngoài hiên, vừa ăn vừa hóng mát. Chó Bi đủng đỉnh theo sau, ngồi xuống cạnh anh, ngóng mắt nhìn ra con hẻm chập choạng tối sáng. Thảng hoặc, một chiếc xe máy vút ngang. Vệt đèn xẻ bóng tối bủa vây. Tiếng động cơ vỡ vụn đêm vắng. Chiếc bánh bao nhân thịt bằm và một quả trứng cút nêm ngọt vừa phải, có vị bùi bẫm của dầu hàu, dầu mè gợi lên tâm tư anh chút niềm riêng khó tả. Dường như là hoài niệm thời thơ ấu và hoa niên thuở nào, thỉnh thoảng anh được theo cha đi Sài Gòn, lần đầu tiên vô Chợ Lớn ăn bánh bao và mì hoành thánh. Mà hình như, chiếc bánh bao làm tại đây thiêu thiếu chút gì. Lục tìm trong khẩu vị ký ức, anh sực nhớ ra. Đúng rồi, thiếu lạp xưởng. Chỉ một lát mỏng thôi là trọn vẹn hương vị Trung Hoa của chiếc bánh bao mùa thơ ấu. 

Chợt, có vật gì rớt xuống nền gạch, chỗ ngọn đèn hiên rọi sáng. Anh day mặt. Một con dế. Chó Bi quay đầu, giơ chân toan chụp thì anh đã nhanh nhẹn nhoài người, úp tay lên con dế, nhẹ nhàng khép lại. Con vật cựa quậy nhột nhạt trong lòng tay. Anh hé lòng tay, nhìn kỹ. Một con dế lửa trống, cặp cánh hoa văn vân vi. Nhưng, thiếu một cọng râu. Dường như con vật cũng đang chăm bẳm nhìn anh. Ngỡ ngàng giây lát. Anh giữ con dế giữa hai lòng tay bụm, chúm miệng thổi nhẹ. Bất ngờ, con vật phùng cánh, gáy giòn giã. Âm thanh tưng bừng. Niềm vui cùng nỗi xúc động trào dâng lớp lớp. Chỉ giây lát thôi, mà anh có cảm tưởng dường như lâu lắm. Mười hay hai mươi năm? Anh thấy mình vừa ngoảnh đầu, ngoái nhìn thời thơ dại bỏ lại sau lưng.

*

Tối đó, sau khi cùng lũ bạn ra đường lớn giăng hai hàng đèn điện thắp sáng lùng bắt dế trở về, Ty lại thấy má và chị trải chiếu nằm trong phòng khách. Đêm cúp điện, ngọn đèn dầu leo lét góc phòng.  Thuở trước, những tối trời nóng, đôi khi má kêu chị trải chiếu ra sàn nhà lót gạch bông, nằm cho mát trước khi đi ngủ. Nhiều lúc Ty sà xuống nằm cạnh, nghe má kể chuyện thuở còn con gái ở chung với ông bà ngoại. Những mẩu chuyện, bây giờ, Ty không còn nhớ, chỉ riêng mùi dầu xanh má thường thoa lên mũi vẫn còn đọng lại trong khứu giác cậu. Nồng nàn. Không bao giờ phai.

Nhưng tối nay, má và chị trải chiếu nằm đó, lặng lẽ bên nhau, dường như ngóng đợi ai, chuyện gì? Ty không hỏi, lẳng lặng cầm hộp thiếc đựng dế đặt đầu giường, ra nhà sau rửa chân, thắp đèn dầu, rồi chui vô mùng, hân hoan mở nắp hộp. Lũ dế than dế lửa túa ra, con này tới con kia, xoẹt cánh ngang dọc rồi đậu lên vách mùng. Ty ngửa nằm ra ván, hai tay chắp dưới gáy, ngắm nghía thành quả tối nay. Mười chín con. Tám than, mười một lửa. 

Ngoài phòng khách vọng vô tiếng má trách cứ, tiếp theo là tiếng cửa khép. Ba về. Ty nhoài người, thổi tắt đèn, nằm thao thức cùng lũ dế đang bắt đầu tấu vang điệp khúc trống mái.

Ty nghĩ ngợi vu vơ, từng mảnh ký ức vá quàng trí nhớ… Chuyện ba Ty dạo này hay bỏ nhà đi chơi sau bữa cơm tối, khuya lắc khuya lơ mới về. 

Má Ty có hỏi, ba trả lời ngắn gọn: 

“Đi đằng này chơi chút.” 

Đằng này là đằng nào, với ai?, má không hỏi. Bà chỉ nhắc chừng, khi ba về: 

“Ông đi dội nước cho mát rồi thay đồ đi ngủ cho khỏe.”

Má Ty là vậy đó, hiền lành như thóc và nhẫn nhục như đèn dầu thắp khuya. Đời sống má giản dị, nhàm chán như một tuồng hát với đào kép không tô son trét phấn, không áo mão cân đai, chỉ quẩn quanh từ nhà trên xuống nhà dưới, tới lui từ nhà ra chợ. Ty thấy má chưa một lần đặt chân ra phố thị, nói gì tới những chuyến du lịch xa. Cũng chưa lần nào Ty nghe má lớn tiếng với ai, chỉ thỉnh thoảng bà dặn dò Ty đừng ham chơi mà xao lãng chuyện học hành. 

Còn ba? Hằng năm, độ tháng sáu tháng bảy, tới mùa cá cơm, ba lại huy động cả nhà chèo thuyền thúng ra chợ cảng mua cá về ủ chượp làm nước mắm. Sau nhà Ty, ba cho làm hai thùng chượp lớn bằng gỗ bằng lăng, quấn quanh nhiều cuộn dây mây rừng. Mỗi lần mua cá cơm của dân đánh cá đem lên bờ, Ty có nhiệm vụ đứng canh chừng, chờ người tới gánh về nhà. Mỗi bận gánh, chị Ty lẽo đẽo theo sau, ngăn cản người lạ thừa cơ hôi cá. Cá đem về, ba đem rửa sạch, trộn muối hột nhiều lượt, rồi cho vô thùng chượp, ủ ròng rã hằng năm trời. 

Ty nhớ hoài, sau khoảng thời gian ủ chượp, thường vào đầu tháng chạp, để kịp bán trước Tết, Ty đều lẽo đẽo theo ba xuống nhà sau, nôn nao ngó ba thận trọng mở vòi, rút vài giọt mắm nhĩ đặc kẹo nhỏ vô muỗng thiếc, nếm thử. Miệng ông chóp chép, khép mắt, ngậm tăm. Xong, ông đưa qua cho Ty. Ôi, làm sao Ty quên được khắc giây của những lần lưỡi cậu cảm nhận hương vị mắm nhĩ. Mặn, nhưng không gắt. Đậm, nhưng không nặng. Và hậu vị đằm đằm xoắn xuýt trong cuống họng. Ty có cảm tưởng, gói ghém trong hương vị ấy là tấm lòng đại dương bao la, khối tình nhọc nhằn gắn bó giữa ngư dân và biển cả, như thể thiên nhiên đã kết tinh thành những giọt nước mắm đậm đà ân nghĩa.  

“Vậy, được”, ba buông tiếng gọn lỏn. 

Ty thấy ánh mắt ông rực lên mãn nguyện.

“Dạ, ngon”, Ty thêm vô, ngần ngừ như sợ phá vỡ giây lát gần như thiêng liêng ấy.

Rồi, ba lấy thau nhựa lớn, rút cạn đợt mắm nhĩ. Sau nhiều lần lượt sạch, đợt nước mắm nhĩ trở màu cánh gián trong vắt. Ty giúp ba chiết nước mắm vô chai, mỗi chai ba phần tư lít. 

“Hổm rày con thấy ba hay đi chơi đêm…”, Ty nhỏ giọng khơi chuyện, “…bắt má với chị chờ suốt đêm.” 

Ba không nói, bàn tay  rót nước mắm vô quặng nhựa ngập ngừng giây lát.

“Ba đi đâu đi hoài, bỏ má ở nhà một mình, má buồn lắm.”

Ba vẫn im lặng. Tới lúc gần xong, ba thở hắt, cất lời:

“Ba biết… nhưng chuyện dĩ lỡ như vậy rồi… Thôi, con đi rửa tay rồi lên nhà trên học bài!”

Chuyện gì mà dĩ lỡ khó nói tới vậy? Ty thắc mắc, chợt nhớ lại chuỗi cười nhạo báng và những câu nói bóng gió khó hiểu của mấy đứa bạn khi thấy mặt Ty. “Ê, nghe nói mầy sắp có dì ghẻ phải không Ty?” Hoặc: “Ba mầy độ rày chịu ăn diện dữ ha, cứ thấy ổng tới tiệm may của bà Trang. Ai đời đi may đồ kiểu gì, toàn tới ban đêm.”

*

Anh giữ con dế trong lòng tay, đem xuống nhà sau, thả vô bồn đất trồng rau. Bất giác tâm tư anh dâng lên nỗi gì bâng khuâng, như thể vừa chia tay một người thân yêu. Anh đánh răng, rửa mặt, vô phòng tắt đèn, mở quạt máy, nằm dỗ giấc ngủ. 

… Chợt, vọng qua cánh cửa sổ khép kín, từ vuông sân nhà sau vang lên tiếng dế gáy lẻ loi. Khe khẽ, rụt rè. Một lát sau, âm thanh trở nên tự tin, giòn giã. Thâu đêm. Anh cảm thấy như được âm thanh và hương thơm mùa thơ ấu dịu dàng ru ngủ, rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Sáng dậy, tiếng dế lặng tắt lúc nào không rõ. Anh nằm nhớ mông lung, không biết những chuyện khuya qua là thực hay mộng?

*

Đêm nay, cũng như những đêm trước, sau bữa cơm tối ba lại vắng nhà. Tháng chạp. Còn ba tuần nữa là giao thừa. Mùa cá cơm năm nay thất thu. Bù lại, đợt nước mắm lần này có vị ngon khác thường. Có lẽ nhờ mùa nắng gắt và lâu hơn năm trước. Lại cúp điện. Chị Ty đã cùng đám bạn ra bờ kè coi cải lương. Lúc chiều họ rảo xe máy chạy lòng vòng chợ, bắc loa quảng cáo, tối nay diễn tuồng “Bao Công xử án Quách Hòe”. 

Má kêu Ty thắp đèn dầu, đem chiếu ra phòng khách trải dưới đất nằm cho mát, chờ ba về. Tiếng muỗi kêu vo ve. Ty đốt khoanh nhang muỗi, đặt đầu nằm.  

“Má có… có… buồn lắm không má?”, Ty gợi chuyện.

“Buồn chuyện gì, con?”

“Chuyện ba hay bỏ nhà đi chơi đêm.”

Im lặng một lát, rồi má thở dài thành tiếng.

“Ổng đi rồi về, chớ có đi luôn đâu…”, má nói như tự an ủi mình. “Lúc nào má cũng có con và chị con bên cạnh, đỡ buồn nhiều lắm. Ờ, Tết năm nay má sẽ gói bánh tét, khỏi mua. Tụi con ưa ăn dưa hấu, để má mua vài trái về cúng ông bà và ăn tráng miệng ba ngày Tết.”

Nói xong, má thò tay vô túi lấy chai dầu xanh, mở nắp, đưa lên mũi. Vừa lúc, đèn bật sáng. Tiếng máy truyền hình nhà bên cạnh văng vẳng giai điệu ngũ cung. Má day mặt ngó quanh, dáo dác tìm thứ gì không biết. Ty nhói lòng thảng thốt, khi thấy hai mắt má mọng nước đỏ hoe.

“Dầu xanh đợt nầy mắc gì không biết, hít mới chút xíu mà muốn chảy nước mắt…”

Nguyễn Nam Trung 

(10.2023)