Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Hoa: Đem tro chị về
Đươc tin nhà văn, nhà báo Nguyễn Quí Đức vừa qua đời ở Hà Nội hôm Thứ Tư, 22 Tháng Mười Một, DĐTK xin giới thiệu một truyện ngắn của tác giả Nguyễn Ngọc Hoa, trong đó nhân vật Quý chính là Nguyễn Quí Đức.
Ông Nguyễn Quí Đức là nhà sản xuất và nhà văn đài phát thanh từ năm 1979, làm việc cho British Broadcasting Corporation ở London và KALW-FM ở San Francisco và là bình luận viên cho National Public Radio. Ông là người dẫn chương trình Pacific Time, chương trình quốc gia của Đài phát thanh công cộng KQED-FM về các vấn đề châu Á và người Mỹ gốc Á, từ năm 2000 đến năm 2006. Các bài tiểu luận của ông đã được đăng trên The Asian Wall Street Journal Weekly, The New York Times Magazine, The San Francisco Examiner, The San Jose Mercury News và các tờ báo khác. Các tiểu luận, thơ và truyện ngắn khác đã xuất hiện trên City Lights Review, Salamander, Zyzzyva, Manoa Journal, Vân, Văn Học và Hợp Lưu, cũng như trong một số tuyển tập như Under Western Eyes, Watermark, và Veterans of War.
Tổ chức Overseas Press Club từng trao giải thưởng “Citation of Excellence” cho ông vì những bài tường thuật về Việt Nam cho NPR năm 1989. Phim tài liệu của ông về giới trẻ Trung Quốc, Đêm Thượng Hải (Shanghai Nights), là một phần của loạt phim PBS Frontline/World đã được trao Giải thưởng Edward R. Murrow về Phim tài liệu truyền hình xuất sắc năm 2004 từ Câu lạc bộ Báo chí Hải ngoại của Mỹ. Ngoài ra ông còn nhận được nhiều giải thưởng khác.
Nguyễn Quí Đức là tác giả cuốn Where the Ashes: The Odyssey of a Vietnamese Family, trong khi đó, Cha ông từng xuất bản một cuốn hồi ký về lao tù Cộng sản có tên “Ánh sáng và bóng tối”, với bút danh Hoàng Liên, NXB Văn nghệ, 1990.
***
Hai năm sau ngày được chấp thuận thành ngoại kiều thường trú, tôi và Quỳnh Châu gửi đơn xin nhập tịch tới sở Di trú và Nhập tịch (INS) và trong khi chờ đợi INS xét đơn, ra thư viện mượn sách chỉ dẫn và sửa soạn “thi quốc tịch.” Ba tháng sau, INS gửi thư báo tin sẽ gửi nhân viên kiểm tra đến Bismarck phỏng vấn. Vào ngày giờ hẹn, vợ chồng tôi cùng hai công dân Hoa kỳ làm người giới thiệu đến gặp nhân viên INS. Ông ta phỏng vấn riêng rẽ từng người và đến lượt tôi, điều tra kỹ về lý lịch và nghề nghiệp, nhưng trong phần sát hạch về hiến pháp Hoa kỳ chỉ hỏi đúng hai câu: “Phó tổng thống Hoa kỳ hiện tại tên gì?” và “Dân biểu Hạ viện đơn vị North Dakota là ai?” Cuối cùng, trong phần ký tên tại chỗ, ông đọc và biểu tôi viết, “The grass is green” (Đám cỏ thì xanh), có lẽ để tôi chứng tỏ khả năng nói, đọc, và viết tiếng Anh.
Một sáng đầu mùa xuân, vợ chồng tôi đến tòa án liên bang tuyên thệ, nhận chứng chỉ nhập tịch, và nghe ông thẩm phán đọc diễn văn chào mừng công dân mới. Ngoài mấy người tỵ nạn Đông dương quen biết và một số người Ấn Độ, Thái Lan, và Phi Luật Tân, danh sách tuyên thệ có thêm một cặp vợ chồng người Việt ở Minot, một thành phố nhỏ hơn và cách xa Bismarck chừng 100 dặm Anh về phía bắc. Tôi nhận ra người chồng là thằng Khuôn học cùng lớp với tôi từ đệ thất (lớp 6) đến đệ tứ (lớp 9) trường Hàm Nghi Huế, nó cũng nhận ra tôi. Hai mươi năm rồi không gặp nhau, nhưng hai thằng phải đợi buổi lễ chấm dứt mới nhảy cẫng lên nhào tới chỉ mặt nhau cười ha hả và hát:
Ta là học sinh Hàm Nghi tươi như hoa . . .
Đó là câu đầu tiên của “Hành khúc Học sinh Hàm Nghi” của Văn Giảng mà mỗi sáng thứ Hai chúng tôi nghiêm trang đứng hát dưới sân cờ. Văn Giảng là thầy Ngô văn Giảng dạy nhạc hiền từ đôn hậu và dáng người hơi quá khổ so với chiếc xe gắn máy Zündapp của Đức mỗi sáng thầy cỡi đến trường. Tôi mời vợ chồng thằng Khuôn đi ăn trưa; hai thằng miên man kể lại chuyện năm 1975 di tản và tấp lên North Dakota, để mặc Quỳnh Châu và vợ nó tâm sự với nhau. Nhắc lại thời học trò, bạn tôi giải thích tại sao sau bốn năm Hàm Nghi, hai thằng không gặp nhau:
“Đậu Trung học Đệ nhất cấp, tau băng (nhảy lớp) đệ tam (lớp 10), qua trường Bán Công học đệ nhị (lớp 11), và thi đậu Tú tài I mới vô trường Quốc Học học đệ nhất (lớp 12). Đậu Tú tài II, tau thi đậu vô Đại học Sư phạm Huế, học ba năm ra trường, và năm 1967 được bổ về dạy sử địa tại trường nữ trung học Đà Nẵng mới thành lập.”
“Mày giỏi thiệt! Học xong ra trường trước tao đến ba năm, và lại được về trường nữ trung học – tha hồ làm le với bọn học trò con gái ngây thơ . . . vô số tội,” tôi cười khì.
“Trường mới mở thiếu giáo sư nên tau mới được về đó. Tau được bà hiệu trưởng Diệu Lễ tận tình hướng dẫn vượt qua khó khăn của năm dạy học đầu tiên mà học trò tuổi xuýt xoát với ông thầy,” nó gượng cười và kể về vị hiệu trưởng khả kính.
Bà Diệu Lễ người Huế thuộc dòng họ Nguyễn Khoa danh giá của đất thần kinh và là phu nhân của ông Mãi đại biểu chính phủ Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) tại Vùng I, văn phòng đặt tại Đà Nẵng. Giữ chức vụ hành chánh cao nhất Vùng I, ông có quyền hành ngang hàng với tướng tư lệnh vùng bên phía quân sự. Trước khi về Đà Nẵng, bà Mãi (bà thường được gọi như thế) là hiệu trưởng trường Bùi thị Xuân Đà Lạt, và ông là phó thị trưởng hành chánh Đà Lạt rồi đi du học Hoa kỳ một thời gian. Người Quảng Trị, ông thuộc dòng họ quan Phụ chính Đại thần Nguyễn văn Tường (1824 – 1886) đời nhà Nguyễn. Ông bà sống trong ngôi biệt thự trên đường Hoàng Hoa Thám và có bốn người con: Viễn con trai đầu đã đi du học ở tiểu bang Ohio bên Hoa kỳ từ ngày ông bà còn ở Đà Lạt, hai cô con gái kế Diệu Minh và Diệu Hạnh, và Quý con trai út. Diệu Minh tâm thần suy nhược cần được chăm sóc thường trực, và Diệu Hạnh học rất giỏi.
Cuối năm âm lịch trước Tết Mậu Thân (1968), ông bà Mãi đưa con về Huế ăn tết với gia đình nội ngoại và ở trong nhà vãng lai của chính phủ là một biệt thự đồ sộ trên đường Lê Lợi chạy dọc theo hữu ngạn sông Hương. Đêm trừ tịch, trong tiếng pháo và tiếng súng đón giao thừa, Việt Cộng đột nhập vào thành phố, mở cuộc tấn công, chiếm giữ nhà vãng lai, và bắt giữ ông Mãi giam riêng trên lầu. Bà và các con bị lùa xuống dưới tầng hầm. Cậu bé Quý chín tuổi khép nép đứng nhìn bộ tịch lúng ta lúng túng của toán lính Việt Cộng trên rừng mới về mà không dám cười.
Thí dụ, một tên Việt Cộng cầm lon bia loay hoay lắc qua lắc lại cả buổi mà không biết làm sao mở ra, cuối cùng tìm thấy cái khoen kim loại dùng để mở, và đánh liều kéo ra khiến bọt bia xịt lên tung tóe. Hắn ta hết hồn liệng lon bia ra xa, nằm rạp xuống đất, và hô to, “Lựu đạn! Lựu đạn!” Có lần Quý nghe tên chỉ huy chỉ thị cho đồng bọn: “Các đồng chí cần tích cực cảnh giác, ta đã nhận thấy đít phụ nữ Ngụy có lằn. Ta chưa nắm vững tình hình, nhưng ‘có khả năng’ chúng nó mang ‘đài’ để dọ thám cho gián điệp Mỹ.”
Cái “đài” mà tên Việt Cộng sợ bóng sợ gió thực ra là chiếc quần lót đàn bà mặc bó sát khiến bên ngoài thấy dấu hằn của đường viền. Khi rút lui, toán Việt Cộng bắt ông Mãi đi theo. Ban đầu, ông bị điệu tới mật khu trong rừng núi tỉnh Thừa Thiên. Sau đó bị áp giải theo đường mòn Hồ Chí Minh ra Bắc và hứng chịu các cuộc tập kích kinh hoàng của oanh tạc cơ B-52 của Hoa Kỳ. Khi di chuyển, ông Mãi và các bạn tù đi bộ chân đất, tay bị trói đưa ra đằng trước, và một sợi dây thừng buộc chung người này với người kia. Họ đi theo hàng dọc, một người trượt chân té thì cả toán tù té theo. Đêm nằm ngủ không bị trói thì chân bị cùm.
Ra Bắc, ban đầu ông Mãi bị giam ở trại Thanh Liệt tỉnh Hà Đông và sau đó bị biệt giam trong xà lim các trại Phú Sơn tỉnh Thái Nguyên, Phú Thủy tỉnh Hoàng Liên Sơn, Hà Tây tỉnh Nam Hà, và Vĩnh Phú tỉnh Thanh Hóa. Ở đâu cũng giống nhau – đói khát lạnh lẽo cơ cực và lúc nào cũng bị cai tù đe dọa. Sống biệt giam trong xà lim, ông cô đơn khát khao nhìn thấy ánh sáng và người hay sinh vật bên ngoài. Trong năm cuối cùng, ông được giam chung với những người tù khác và lại chịu các khổ sở khác như lao động vất vả, ăng-ten báo cáo, và cai tù dằn vặt xỉ vả.
* * *
Sau Tết Mậu Thân, bà Mãi đưa con trở về Đà Nẵng, dọn sang căn nhà nhỏ hơn trên đường Lê Lợi, và cố nén đau đớn để lo cho gia đình. Sau khi đậu Tú tài II với thứ hạng cao, Diệu Hạnh đi du học Hoa kỳ và ở Ohio với Viễn.
Trường nữ trung học Đà Nẵng xây trên một nghĩa trang cũ của người Pháp, trưởng thành nhờ nghị lực và cố gắng của bà Mãi, và sau này đổi tên thành Hồng Đức. Mùa xuân Ất Mão (1975) trường tổ chức “tuần lễ sinh hoạt Hồng Đức” tưng bừng với hội chợ, triển lãm, và sinh hoạt văn nghệ, báo chí, và thể thao, từ húy nhật vua Lê Thánh Tông (bút hiệu Hồng Đức) đến ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Nhưng chỉ một tuần sau, đồng bào di tản từ Quảng Trị và Thừa Thiên ùa về, và trường biến thành trại tỵ nạn. Bà đứng đầu ủy ban cứu trợ, phụ trách phân phối thực phẩm và thuốc men cho đồng bào chiến nạn. Bà không muốn và không thể rời bỏ nhiệm sở nên xoay xở gửi Diệu Minh và Quý vào Sài gòn bằng máy bay và căn dặn Quý phải chăm lo cho chị. Diệu Minh ở nhà một người chị bà, và Quý ở nhà một người em trai bà nhưng hàng ngày đạp xe đến giặt giũ cho Diệu Minh. Cuối tháng Tư, Quý đi theo gia đình cậu di tản, Diệu Minh ở lại Sài gòn với dì.
Ngày 29 tháng Ba, Đà Nẵng thất thủ, Việt Cộng vào “tiếp quản” trường, và bà Mãi vẫn còn chân “giáo viên” dạy Pháp văn. Sau ngày 30 tháng Tư, bà vào Sài gòn đón Diệu Minh về và khi trở lại, bị Việt Cộng đuổi việc bằng cách ra lệnh cho bà “làm đơn xin nghỉ.” Bà không còn lý do để ở lại Đà Nẵng và mất hơn nửa năm mới xin được giấy phép di chuyển vào Sài gòn với lý do chữa bệnh cho Diệu Minh. Bà xoay xở làm đủ thứ nghề như nấu bún bò Huế bán dạo ngoài đường, mở tiệm cho thuê bàn đánh bóng bàn, và làm việc trong hãng phấn. Cốt để có nghề nghiệp và không bị Việt Cộng cưỡng ép “đi kinh tế mới” mà khổ sở đói khát cùng cực chờ đợi.
Mười một năm sau ngày ông Mãi bị bắt đi, bà nhận được tin ông. Lúc này, ông bị xếp vào một thứ công nhân chùa của nhà nước, được báo đã ra khỏi tù, nhưng bị chỉ định sống ở trại tù Vĩnh Phú tỉnh Thanh Hóa, gọi là “tù được tha mà không được thả.” Tình cờ ông tìm được địa chỉ bà cô vợ đang làm chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam ở Hà nội và viết thư nhờ liên lạc với gia đình. Theo Cộng sản từ thập niên 1930, bà ta vốn thù ghét ông nên không thèm mở thư. Nhưng thay vì liệng bỏ, bà gửi sang Pháp cho một người bà con họ Nguyễn Khoa, và thư được chuyển về Sài gòn cho bà Mãi. Bà cậy cục đút lót nửa năm trời mới xin được giấy phép đi thăm ông. Gặp lại nhau lần đầu, ông bà hầu như không nhận ra nhau.
Bà Mãi đi thăm ông trở về, Diệu Minh trở bệnh nặng, đưa vào nhà thương thì bác sĩ bó tay vì không có thuốc men hay dụng cụ chữa trị, và qua đời. Xác cô được hỏa thiêu, và tĩn cốt được giữ thờ trong chùa. Một năm sau, cai tù gọi ông Mãi lên và cho biết ông được phóng thích:
Đáng lẽ ra anh không được thả. Người như anh không bao giờ cải tạo được.
Ông Mãi vào Sài gòn với bà. Lúc này, Hoa kỳ bắt đầu chương trình Ra đi Có Trật tự (ODP) cho phép người Việt nam tỵ nạn nhập cảnh Hoa Kỳ. Vì là viên chức Việt Nam Cộng Hòa cao cấp nhất bị bắt với thời gian bị giam tù dài lâu, ông được ưu tiên cứu xét. Tuy vậy, ông bà phải mất bốn năm để đi qua hàng chục cửa ải đòi tiền hối lộ mới có giấy tờ xuất cảnh sang Hoa kỳ đoàn tụ với con.
* * *
Cuối tháng Tư năm 1975, Quý theo gia đình cậu lên máy bay quân sự ra đảo Phú Quốc. Vài ngày sau, chàng thanh niên 17 tuổi và hơn 16,700 đồng bào di tản khác chen chúc trên chiến hạm USS Pioneer Contender của Đệ thất Hạm đội Hoa kỳ. Chiến hạm đưa họ đến trại tạm cư Orote Point trên đảo Guam. Rồi Quý và gia đình cậu được đưa sang trại tỵ nạn Đồn Chaffee ở Arkansas bằng máy bay. Sau khi được Viễn đồng ý bảo trợ, Quý chia tay cậu mợ bay về Ohio ở với anh và chị Diệu Hạnh. Viễn đã tốt nghiệp về ngành sinh vật học, đi làm và lập gia đình với một người Mỹ, và có đứa con trai ba tuổi. Diệu Hạnh là sinh viên dược khoa.
Quý di chuyển về California học ngành báo chí tại California State University ở San Diego. Sau đó, Quý lên San Jose làm cán sự xã hội giúp đỡ người tỵ nạn Đông dương, sản xuất một chương trình truyền thanh, và cuối cùng dọn về San Francisco. Tiếp theo là một năm làm việc trong phái đoàn Hoa kỳ giúp đỡ người Việt tại trại tỵ nạn Galang ở Nam Dương trước khi trở về San Francisco thuê nhà sửa soạn đón ông bà Mãi từ Sài gòn sang,
Ở tuổi 26, sau chín năm sống riêng một mình, tôi lại có cha mẹ.
Gần gũi cha mẹ một thời gian, Quý sang Luân Đôn làm việc cho đài BBC, nhưng sáu tháng sau trở lại San Francisco làm việc cho KALW-FM là một đài public radio hội viên của National Public Radio (NPR). NPR là công ty truyền thông tư nhân, bất vụ lợi, và được cả chính phủ lẫn công chúng tài trợ; hầu hết các đài public radio lại do những đại học công lập của tiểu bang làm chủ. Năm 1989, Quý trở về Việt nam thực hiện một phóng sự cho NPR để “khám phá lại đất nước và tìm hiểu cuộc sống đương thời.” Đồng thời thực hiện ước nguyện đối với Diệu Minh, người chị vắn số: Đem tro chị về với cha mẹ anh em.
Điều đó Quý đã làm. Lần đầu tiên trong một thời gian rất dài, gia đình bà Mãi lại có nhau.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 6 tháng Tư, 2022