Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Hoa: Người làm nghề thân Cộng
Trong số năm người ngồi quanh chiếc bàn trong nhà hàng Ninh Hòa, tôi là dân tỉnh lẻ North Dakota, ăn nói kém cỏi và ít có quan hệ với sinh hoạt văn nghệ và báo chí ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn nhất. Biết thân nên suốt bữa ăn tối, tôi hầu như ngồi dựa cột mà nghe và thỉnh thoảng nhe răng cười góp. Nghe hai người bạn thân là anh Trực và anh Khanh đùa bỡn chọc ghẹo nhau, Thoại láu lỉnh nhìn tôi rồi vờ khen anh Khanh,
“Anh Khanh là nhà luật sư thông thái và khiêm nhường nhất trong khu Eden này. Mấy mụ sồn sồn không chồng mê chàng như điếu đổ, giành nhau đứng sắp hàng trước văn phòng luật của chàng để van xin tí tình yêu.”
“Hai đức tính thông thái và khiêm nhường không thể nào đi đôi với bọn thầy kiện ăn gian như chớp, nói láo như ranh,” Anh Trực thừa dịp cười hề hề đánh xỉa, “Thoại này, cậu có biết, làm sao biết được khi nào luật sư nói láo?”
“Tôi có phải là loài tương cận với ‘con thầy kiện’ đâu mà biết,” Thoại vờ vĩnh, cố giấu nụ cười.
“Chỉ việc nhìn môi anh ta: Hễ môi mấp máy là chàng ta xạo ke,” anh Trực tung đòn tối hậu.
Anh Khanh cười khà khà chịu lép vế, “Các cậu chơi trò ‘hội đồng’ lấy hai đánh một, không đáng mặt quân tử . . . Falls Church tí nào. Này Thoại, thằng Nguyễn Bách Công là bạn của cậu ở trường Văn Khoa, phải không?”
“Thằng Công học cùng trường cùng lứa với tôi ở Văn khoa,” Thoại giẫy nẩy, “nhưng nói là bạn thì anh chơi tôi quá đáng. Thoại này đường đường một kẻ chống Cộng cùng mình.”
“Có phải Công hồi trước qua Mỹ học năm cuối trung học trong chương trình AFS?” tôi nhận ra cái tên quen, “Nếu vậy thì tôi biết Công đó. Anh ta quen với Quỳnh Châu vợ tôi khá thân.”
Giữa thập niên 1960, tổ chức Liên Văn Hóa AFS (American Field Service) của Hoa Kỳ hàng năm chọn bảo trợ một số học sinh học hết đệ nhị (lớp 11) giỏi Anh văn sang Hoa Kỳ học lớp 12, sống với một gia đình Mỹ, và học hỏi về nếp sống và văn hóa Mỹ để khi về nước quảng bá với đồng bào mình.
Hồi đó, anh bạn người Mỹ nhân viên đoàn Thanh Niên Chí Nguyện Quốc Tế đang học tiếng Việt với tôi biểu tôi thi bài trắc nghiệm khả năng Anh ngữ và đưa mẫu đơn AFS cho tôi. Ngoài chi tiết lý lịch và thành tích học hành, đơn đòi phải kèm theo bài essay (luận văn) do đương sự viết và ba bức thư giới thiệu bằng tiếng Anh. Tôi không nộp đơn vì thấy nếu không học đệ nhất (lớp 12) ban B (Khoa học Toán), sẽ không đủ năng thi vào trường kỹ sư để trở thành kỹ sư điện như hằng mơ ước. Nhiều nam sinh con nhà giàu Sài Gòn xin đi học bổng AFS chỉ cốt được xuất ngoại sang Hoa Kỳ và sau đó tìm cách móc nối trốn sang Gia Nã Đại để khỏi về nước bị động viên. Tương tự như hàng ngàn thanh niên Mỹ trốn sang Gia Nã Đại để tránh né lệnh gọi động viên của chính phủ Hoa Kỳ.
Công sinh năm 1949 ở Hải Dương, cha bị máy bay Pháp giội bom giết chết khi anh còn trong bụng mẹ, và năm 1954 theo mẹ lên “tàu há mồm” di cư vào Nam. Sau một năm làm học sinh trao đổi văn hóa AFS ở Hoa Kỳ, anh về Sài Gòn ghi danh học văn chương Anh tại Đại học Văn Khoa, học cùng thời với Thoại. Tốt nghiệp cử nhân, anh lại được cấp học bổng trở lại Hoa Kỳ học cao học văn chương Mỹ ở Đại học Brandeis ở Waltham, một đại học tư cách Boston chừng mười dặm Anh; cả Waltham lẫn Boston đều thuộc tiểu bang Massachusetts. Rồi anh ở lại định cư ở Boston.
Đến lượt tôi ngạc nhiên,
“Công đó có gì đặc biệt mà ba tay kiệt liệt trong làng văn làng báo Hoa Thịnh Đốn ngồi đây phải théc méc như vậy? Thời anh ta học Văn khoa, tôi gặp một lần trong buổi họp mặt tại trụ sở Thanh Niên Chí Nguyện Quốc Tế ở Sài Gòn.”
“Nó chỉ là đứa tép riu,” anh Trực ngắt lời tôi, “Nhưng mới đây về đầu quân cho Trung tâm William Joiner của Đại học Massachusetts tại Boston – thường gọi là UMass Boston. Đó là dấu hiệu cho thấy đường lối của cái ổ thân Cộng này bước qua ngả rẽ mới.”
Ra đời năm 1980, Trung tâm William Joiner (“TTWJ”) chỉ là cái nón chính trị mới toanh đội lên cho ban Chính trị học cố hữu nằm ở tầng thứ 10 của thư viện Healey trong khuôn viên trường đại học. Phong trào phản chiến hết hơi vì chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, UMass Boston cần một tính danh mới cho hợp với đường lối phản đối chính phủ Hoa Kỳ về hậu quả của chiến tranh đối với cựu chiến binh phục vụ tại Việt nam. Đặc biệt chú trọng đến bệnh tật có thể gây ra do Orange Agent, thứ thuốc khai quang Không quân Hoa Kỳ rải trong rừng già dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh và trên mật khu Việt Cộng để dễ dò tìm hoạt động của chúng. “William Joiner” là tên anh cựu chiến binh người Mỹ da đen nhân viên của trường đại học; anh qua đời khi mới 31 tuổi vì ung thư gan quy kết do Orange Agent.
Năm 1987, trong lúc thế giới phẫn nộ vì sự tàn ác của Việt Cộng khiến cho cả triệu người Việt liều chết vượt biên ra khỏi nước, UMass Boston thản nhiên chuyển sang hướng hỗ trợ Hà nội về mặt văn hóa và cổ võ chính phủ Hoa Kỳ bình thường hóa ngoại giao với Việt Cộng. Công được thuê làm công tác dịch thuật và đóng vai sứ giả liên lạc với Hà nội với chức vụ nhân viên khảo cứu.
* * *
Nguyễn Hải Lượng, một trong những sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa bị Việt Cộng giam cầm lâu nhất ngoài Bắc, được mệnh danh là “người tù kiệt xuất” vì không những bị bắt giam trong hoàn cảnh đặc biệt mà trong suốt thời gian bị tù đày, luôn luôn giữ thái độ hiên ngang, không chịu khuất phục trước kẻ thù. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, sau khi tốt nghiệp sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia ở Đà Lạt, ông về binh chủng Nhảy Dù và được huấn luyện thành biệt kích để nhảy dù xâm nhập miền Bắc. Năm 1966, ở cấp bậc đại úy, ông ra Bắc hoạt động ở vùng biên giới Lào – Việt thuộc tỉnh Quảng Bình và bị bắt sau một thời gian ngắn.
Đệ Nhất Cộng Hòa đổ, những người lính biệt kích tham gia cuộc chiến tranh tối mật trở thành con hoang vô thừa nhận. Họ không có số quân, tên tuổi không ghi trong hồ sơ quân bạ quân đội Việt Nam Cộng Hòa , và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không biết họ hiện hữu. Vì vậy, sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, họ không có tên trong danh sách tù binh để được trao trả. Ngay cả sau năm 1975, họ không được Việt Cộng coi là “sĩ quan Ngụy” đi “học tập cải tạo” dù bị giam chung với những người này trong những trại tù ở thượng du miền Bắc, và gia đình không được phép “thăm gặp” như tù “cải tạo.” Sau 21 năm đằng đẵng trong tù, Lượng được thả vì Việt Cộng hết biết giam giữ để làm gì. Ông lập gia đình sớm; khi ra đi đã có sáu đứa con, đứa thứ bảy còn trong bụng mẹ. Ngày ông về, đứa cháu nội lớn nhất đã 10 tuổi, hơn cha nó một tuổi lúc ông đi.
Năm 1993, Lượng cùng vợ sang Hoa kỳ theo diện H.O., định cư ở Boston, và ở tuổi ngoài lục tuần, ghi danh học UMass Boston. Sáu năm sau, khi ông là sinh viên cao học, TTWJ nhận tài trợ của Quỹ Rockefeller ở New York để thiết lập học bổng nghiên cứu diaspora (cộng đồng lưu tán) người Việt, chú trọng vào đặc tính, lịch sử, văn chương và văn hóa của những thế hệ người Việt tỵ nạn lưu vong tại Hoa kỳ. TTWJ tuyển chọn bốn học giả để cấp học bổng: một nữ giáo sư văn chương Mỹ tại Đại học Tiểu bang Kansas, một nữ tiến sĩ dân tộc học người Mỹ gốc Việt tại Đại học California Berkeley, và hai nhà nghiên cứu người Việt ở Hà Nội. Một người là nhà phê bình văn học, người kia nhà cổ học, và cả hai đều nổi tiếng ở miền Bắc và từng được chính phủ Hà Nội trọng dụng.
Người cựu tù nhân Cộng sản không thể im hơi lặng tiếng khi biết TTWJ chọn học giả Hà Nội để nghiên cứu cộng đồng tỵ nạn Cộng sản. Với phương tiện eo hẹp, ông mạnh dạn đứng lên vận động Cộng đồng Tỵ nạn Việt Nam tại Massachusetts đồng lòng phản đối, yêu cầu TTWJ thay đổi quyết định, và đòi sa thải Công mà ông tin là kẻ chủ chốt. Nhưng nỗ lực của ông không đi đến đâu. Đường lối thân Cộng của UMass Boston xưa nay vẫn thế và sẽ tiếp tục như thế, dễ dầu gì mà lung lay. Không chịu thua, ông hô hào người Việt tỵ nạn khắp thế giới đóng góp để có tiền thuê luật sư kiện trường đại học.
Khi quyên góp đủ 100 ngàn đô la, Lượng (và tám nhân sĩ tiếng tăm) thuê luật sư đệ đơn kiện TTWJ kỳ thị tuổi tác và “nguồn gốc quốc gia” tại tòa Hòa Giải Rộng Quyền quận Suffolk ở Boston, nói nguồn gốc quốc gia của mình là Nam Việt Nam. Tháng Mười Một năm 2002, tòa nhóm sơ khởi hay tiền nghị án (pretrial). Sau khi nghe lập luận pháp lý và phát biểu của nhân chứng hai bên nguyên đơn và bị cáo, quan tòa bác bỏ vụ kiện vì Lượng không có “tư cách kiện,” tiếng Anh nói là không có “standing to sue.” Lý do là trước sau ông không nộp đơn xin học bổng TTWJ vì tin rằng nếu nộp đơn, TTWJ sẽ từ chối. Do một nguyên tắc căn bản của luật pháp xứ này là nếu anh không nộp đơn, anh không bị thiệt hại gì cả thì làm sao tòa xử để đền bù thiệt hại cho anh?
* * *
Đầu năm 2004, tôi theo Quỳnh Châu đi Boston dự một cuộc hội thảo giáo dục tại UMass Boston và gặp lại Công sau lần đầu gần 35 năm trước. Quỳnh Châu quen thân với anh trong thời gian nàng du học tại Hoa Kỳ trước năm 1975. Anh mời chúng tôi đến nhà ăn cơm tối, và mời chúng tôi dự buổi tường trình kết quả nghiên cứu “ngành học diaspora” của những học giả được TTWJ cấp học bổng năm vừa qua. Tất cả là bốn dự án nghiên cứu nhưng có năm diễn giả, vì dự án Orange Agent do hai người đảm nhận. Phía TTWJ gồm có Công và ba giáo sư ban Chính trị học UMass Boston. Khách tham dự gồm có tôi và Quỳnh Châu và vợ nhà văn, nhà sử học, luật gia, và cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa Vũ Nguyên ở Houston thuộc tiểu bang Texas.
Đầu tiên, một người đàn bà từ Hà Nội sang nói về “văn học Việt nam đương đại” mà sau khi Công dịch ra tiếng Anh tôi mới hiểu rõ vì chị nói rất nhanh với giọng Bắc the thé khó nghe. Tiếp theo, một người đàn bà khác từ Sài gòn sang nói về “sân khấu kịch nghệ miền Nam sau năm 1975,” kể tên nghệ sĩ nghe lạ hoắc. Phần thuyết trình của Vũ Nguyên chỉ mất ba phút. Dự án nghiên cứu đòi hỏi ông phải về Sài Gòn vào thư viện Quốc Gia tìm tài liệu tham khảo, nhưng khi ông về đó, Việt Cộng không cho ông vào dùng thư viện. Thế là hết. Cuối cùng, một thanh niên người Mỹ và một người đàn bà trẻ người Việt, cả hai đều ở Hà Nội, thay phiên trình bày slide show về Orange Agent mà họ và Công dịch là “chất độc da cam.” Họ đưa ra nhiều hình ảnh và thống kê về thương tật cá nhân, tử vong, và dị thai quy cho hậu quả của thuốc khai quang đó, nhưng không dẫn chứng nghiên cứu y khoa hay khoa học nào, và kết luận:
“Chúng ta sẽ kiện chính phủ Hoa Kỳ về hành vi giết hại dân Việt Nam bằng ‘chất độc da cam.’ Mỹ phải bồi thường ít nhất là 20 tỉ đô la.”
“Hai người lầm to rồi! Theo nguyên tắc ‘miễn tố do chủ quyền’ (sovereign immunity) bắt nguồn từ luật bất thành văn từ xưa bên Anh và dựa trên phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ nay thành tiền lệ, chính phủ Hoa Kỳ không thể bị kiện,” tôi ngứa miệng chỉnh liền.
Ngày cuối cùng ở Boston, chúng tôi được Công đưa đến nhà anh Sanh ăn cơm trưa; anh là nhà văn, nhà thơ, và cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Trong số khách được mời có cả anh Đường, một kỹ sư điện toán, nhà thơ, và nhà bình luận thường viết bài đả kích Việt Cộng. Với tôi và hai anh bạn chống Cộng này, Công nói chuyện dễ dàng và cởi mở, tuy vẫn bênh Việt Cộng chầm chập. Sau ba ngày bàn luận chính trị, cuối cùng – lần đầu tiên – tôi và anh đồng ý với nhau về một điều. Anh nói,
“Việt Nam Cộng Hòa không thể nào thắng. Cộng sản nó ác quá, bất chấp tình người. Làm sao người lương thiện có thể thắng?”
Trên đường bay về nhà, thấy bộ tôi ủ rũ không vui, Quỳnh Châu nhắc lại câu nói của Công và an ủy,
“Anh Công, cũng như mấy tay giáo sư Trung tâm William Joiner, làm nghề thân Cộng kiếm sống; giống như chồng làm kỹ sư vậy mà. Các vàng ảnh cũng không về ở với Việt Cộng!”
Nguyễn Ngọc Hoa