Truyện ngắn Nguyễn Viện: Quốc Sư

Nhà văn Nguyễn Viện

1.

Cơn mưa từ chiều đến giữa đêm vẫn chưa chấm dứt. Những cuộc hành hình liên tiếp bằng cách quấn rơm chung quanh kẻ bạo loạn rồi đốt giống như thui chó mấy ngày trước thịt vẫn còn khét. Sư bần thần đi lại trong thư phòng. Bất chợt một tiếng sét lớn sáng loà đánh ngang cây gạo trước cổng chùa. Sư nghe thấy tiếng cây đổ vang dội trong tâm khảm. Điềm báo đến. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, sư ngồi xuống, xếp bằng hai chân. Tịnh.

2.

Dân làng Diên Uẩn, châu Cổ Pháp nằm ở phía đông kinh đô Hoa Lư thầm thì với nhau về một bài sấm được khắc trên phần còn lại của cây gạo cổ thụ mới bị sét đánh đêm qua. Không ai hiểu bài sấm có ý nghĩa gì. Họ đem nghi vấn của mình đến gặp sư.

3.

“Thụ căn diểu diểu, mộc biểu thanh thanh, hoà đao mộc lạc, thập bát tử thành, Đông A nhập địa, mộc dị tái sinh, chấn cung hiện nhật, đoài cung ẩn tinh, lục thất niên gian, thiên hạ thái bình.” [*] Sư nói: Ý tứ của bài sấm này ám chỉ nhà Lê sắp mất, nhà Lý sẽ lên ngôi và thiên hạ thái bình.

Người ta hỏi: Nhà Lý là ai?

Sư chỉ im lặng.

Việc này đến tai Lê Long Đĩnh, vua cho giết sạch bọn trẻ con nhà Lý.

4.

Lý Công Uẩn khi đó đang làm quan Thân vệ trong triều, tuy binh quyền trong tay nhưng cũng sợ tai hoạ. Ông mang giấu sư ở Tiên Sơn vì biết sư là tác giả bài sấm trên cây gạo.

5.

Lê Long Đĩnh chết vì kiệt sức giữa lúc tuổi trai tráng và chỉ làm vua được 4 năm. Con nối dõi quá nhỏ không thể tranh chấp ngôi thiên tử. Sư cho vời quan Chi hậu Đào Cam Mộc đến, nói: “Ông là người hiểu lòng bách tính và cũng biết thời thế. Việc phế lập nằm trong tay ông”.

6.

Họp bàn với các quan, Đào Cam Mộc nói: “Nay (đối với nhà Lê) ức triệu người đã khác lòng, thần dân đều lìa ý, mọi người chán ghét sự hà khắc bạo ngược của tiên đế, không muốn theo về vua nối dòng và đều có ý suy tôn Thân vệ. Nếu không nhân dịp nầy cùng suy tôn Thân vệ làm thiên tử, phút chốc xảy ra tai biến thì liệu chúng ta có giữ được đầu không.” [*] Bá quan len lén nhìn Lý Công Uẩn hiên ngang tì đốc kiếm, im lặng.

7.

Giữa triều, thái hậu phán: Thái tử Sạ còn nhỏ, một ngày nước không thể không có vua, ta thuận theo ý của quần thần, thay mặt tiên đế trao vương quyền lại cho Thân vệ Lý Công Uẩn.

Thái hậu biết cách bảo toàn bản thân và khúc ruột của mình.

8.

Lý Công Uẩn làm vua, phong cho sư chức quốc sư. Phật giáo trở thành quốc giáo. Mọi việc quốc gia đại sự đều thỉnh ý sư.

9.

Một ngàn năm sau.

Sư và thày Quảng Đức bách bộ trong chùa Thiên Mụ.

Sư nói: Cần có một ngọn lửa bùng lên đưa phong trào đấu tranh đến sự quyết thắng.

Thày Quảng Đức hỏi: Thày muốn tôi là một ngọn lửa?

Sư nói: Vâng, cho đạo pháp được hoằng dương.

Thày Quảng Đức lại hỏi: Ở đâu?

Sư nói: Ngay trung tâm Sài Gòn. Mọi việc chúng tôi sẽ chuẩn bị hết.

Thày Quảng Đức: Vì đạo pháp, tôi hy sinh.

Sư và thày cúi chào nhau.

Thày Quảng Đức vào chùa và phủ phục trước tượng Phật.

10.

Giám mục Ngô Đình Thục từ Vĩnh Long được Vatican phong chức Tổng Giám mục và điều về phụ trách tổng giáo phận Huế. Cả Tổng thống Ngô Đình Diệm và Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đều muốn Công giáo phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, ngoài ý nghĩa tông đồ còn để làm chỗ dựa lưng và củng cố thành trì chống Cộng. Phật giáo cũng không muốn mất vai trò truyền thống của mình, họ đã tranh đấu cho sự tồn tại một cách công bằng cũng như khẳng định chỗ đứng trong lòng dân tộc. Cuộc đấu tranh giữa Phật giáo và chính quyền trở thành cuộc đối đầu một mất một còn, đặc biệt ở Huế.

11.

Cả người Mỹ và người Cộng sản miền Bắc đều muốn thu lợi trong cuộc tương tranh giữa những người theo đuổi lý tưởng tự do ở miền Nam.

12.

Khi người Mỹ phát hiện ra chính quyền Sài Gòn của Tổng thống Diệm mất khả năng đoàn kết các lực lượng chống Cộng và có ý muốn lật đổ ông Diệm, cũng là lúc chính quyền ông Diệm nhận thấy ý đồ của người Mỹ muốn giành quyền điều hành cuộc chiến thực hiện chiến lược toàn cầu. Ông Diệm đã chủ động liên lạc với miền Bắc nhằm tìm một giải pháp nội bộ cho người Việt Nam tránh sự can thiệp của Mỹ, nhưng thất bại.

13.

Thày Quảng Đức được đưa đến ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng trên một chiếc xe hơi. Một số phóng viên quốc tế được cho biết trước sự việc cũng đã có mặt. Thày Quảng Đức ngồi thiền dưới đất. Hai người đổ xăng vào người thày, châm lửa đốt.

14.

Sự kiện thày Quảng Đức tự thiêu với sự hỗ trợ của các phóng viên quốc tế đã làm bầu khí chính trị miền Nam trở nên nóng bỏng.

Chính quyền cho tấn công chùa Xá Lợi, bắt tất cả các tăng ni trong đó.

Mỹ đưa sư vào toà đại sứ của họ ẩn trốn. Họ mua cho sư một bàn cờ tướng giải khuây.

15.

Cùng với sự xâm nhập của các chiến binh Cộng sản miền Bắc, Mặt trận Giải phóng Dân tộc Miền Nam gia tăng hoạt động và nhanh chóng chiếm lĩnh được nhiều khu vực rộng lớn khắp nông thôn.

Các tướng lĩnh miền Nam sốt ruột trước tình hình chiến sự và được thúc đẩy bởi phong trào tranh đấu của Phật giáo, họ thoả hiệp với Mỹ làm cuộc cách mạng 1.11.1963. Hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết. Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đã được thu xếp rời Việt Nam trước khi có chính biến. Người em út của họ, ông Ngô Đình Cẩn sau đó cũng bị giết ở Huế.

Người Phật giáo coi việc lật đổ chính quyền Diệm – Nhu là công lao của mình. Và họ đã tận hưởng công lao đó một cách xứng đáng. Các cơ sở và tổ chức của Phật giáo lần lượt ra đời và tạo ra một ảnh hưởng bao trùm đời sống xã hội.

16.

Tin tức về cái chết của anh em ông Diệm được đích thân tướng Minh, chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng báo trực tiếp cho sư qua điện thoại. Sư chỉ nói “thế à” rồi cúp máy.

Trong trai phòng, toàn thể tăng chúng đứng bật dậy khi sư xuất hiện và họ nồng nhiệt vỗ tay chào đón sư. Sư cúi đầu tạ lễ rồi ngồi xuống bàn ăn. Không bàn luận điều gì.

17.

Chỉ ba tháng sau ngày lật đổ ông Diệm, tướng Nguyễn Khánh đã làm cuộc chỉnh lý. Phật giáo bị phản bội. Các cuộc đảo chánh liên tiếp xảy ra để tranh giành quyền lực. Chính quyền quốc gia bị bao vây cùng lúc bởi cả Công giáo, Phật giáo và giới sinh viên học sinh.

Nhưng chỉ có Mỹ và Việt Cộng thu lợi.

18.

Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam.

Chiêu bài hoà bình và dân tộc được Cộng sản phát động đã thành công trong việc đồng nhất nó với phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh và Phật giáo.

19.

Người Mỹ cho rằng, chính họ mới là chủ của thành quả cách mạng. Họ dựng một người Công giáo khác: tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống của nền đệ nhị cộng hoà.

20.

Các cuộc tranh đấu chống Mỹ – Thiệu và đòi chấm dứt chiến tranh càng lúc càng lên cao. Nước Mỹ rung rinh. Hình ảnh của sư tràn ngập báo chí phương Tây. Các chính trị gia và các tướng lĩnh bu quanh sư. Bàn cờ chính trị do sư điều khiển, nhưng chưa bao giờ sư là người toàn thắng. Các cuộc tự thiêu của giới tăng lữ vẫn tiếp tục. Chính quyền Huế và Đà Nẵng tê liệt bởi các cuộc bãi công bãi thị. Bàn thờ Phật được đưa xuống đường cả ngay tại Sài Gòn. Toà đại sứ Mỹ buộc phải điều đình với sư. Họ đón sư bằng trực thăng đưa vào căn cứ Chu Lai.

Ông Đại sứ nói: Chúng tôi muốn ngài chấm dứt mọi cuộc xuống đường bãi công bãi thị.

Sư nói: Có thể được.

Ông Đại sứ hỏi: Ngài muốn thế nào?

Sư rút từ trong tay áo ra một tờ giấy đưa cho ông Đại sứ. Đó là danh sách nội các, kể cả chức tổng thống do sư đề nghị.

Ông Đại sứ xem qua, bảo: Chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất của ngài một cách nghiêm túc.

Trước khi chia tay, ông Đại sứ tặng sư một bộ cờ tướng bằng ngà voi.

Như thói quen thanh bạch của sư, tất cả mọi thứ quà cáp chúng sinh dâng tặng, sư đều tặng lại cho tăng chúng. Bộ cờ tướng, sư tặng cho một tăng sinh trẻ.

21.

Trước chùa Diệu Đế, sư nói với đám đông cuồng nhiệt: Đồng bào hãy nghe tôi. Tôi nói đồng bào đứng thì đồng bào đứng. Tôi bảo đồng bào đi thì đồng bào đi. Nay tình hình đang biến chuyển tốt, cuộc tranh đấu của chúng ta đã gần đến thắng lợi, đồng bào hãy về nhà…

22.

Cơn mưa đổ xuống đám cháy. Cuộc sống trở lại bình thường.

23.

Chính quyền Sài Gòn đem lính nhảy dù ra dẹp loạn, lần lượt từ Đà Lạt, đến Qui Nhơn, Đà Nẵng rồi Huế. Tướng tư lệnh vùng I mất chức. Một số lãnh tụ sinh viên tranh đấu buộc phải nhảy núi chạy theo Mặt trận Giải phóng. Sư bị phản bội một lần nữa. Những cuộc tự thiêu của tăng chúng không làm quân đội chùn tay. Việc sư tuyệt thực cũng không làm cho “cuộc biến động miền Trung” bốc lửa trở lại.

24.

Trong khi người Mỹ thất bát trong cuộc chiến, Việt Cộng tiếp tục thu lợi và họ quyết tâm chiến thắng bằng cuộc tổng nổi dậy Mậu Thân 1968. Người miền Nam không tuyên truyền và giáo dục lòng căm thù sâu sắc như người miền Bắc, nhân dân đã không hưởng ứng cuộc tổng nổi dậy như Việt Cộng mong đợi. Cuộc tổng nổi dậy thất bại ở miền Nam. Nhưng với chiêu bài hoà bình, Cộng sản Bắc Việt đã thắng ngay trong lòng nước Mỹ.

Mỹ bỏ cuộc và bỏ rơi đồng minh. Hiệp ước Paris 1973 chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Mỹ cắt giảm viện trợ cho miền Nam. Đầu tháng 1.1975, Ngũ Giác Đài kèo nài thêm 300 triệu USD chiến phí cho Tổng thống Thiệu, nhưng quốc hội Mỹ không duyệt.

Hết đạn, hết tiền, quân đội Việt Nam Cộng Hoà tan hàng vào tháng 4.1975.

25.

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh uỷ nhiệm, sư đã thành công trong việc đưa tướng Minh vào chức vụ Tổng thống của miền Nam chuẩn bị cho một kết thúc ít đổ máu nhất. Nhưng dường như vai trò lịch sử đó vượt quá tầm vóc của Tổng thống Minh, ông bồn chồn nhấp nhổm giữa chùa Ấn Quang và dinh Độc Lập.

Sư trấn an tướng Minh: Tôi đã liên lạc và lo liệu hết mọi việc, họ sẽ đến với Tổng thống, Tổng thống cứ bình tĩnh chờ…

Tổng thống Minh chờ một cuộc bàn giao, nhưng trưa 30.4.1975, ông đã phải lên đài phát thanh đọc lời đầu hàng do một người lính Cộng sản soạn ngay tại chỗ sau khi tiếp quản chính quyền Sài Gòn.

26.

Sư bị buộc phải rời chùa Ấn Quang, vốn là cứ địa tranh đấu của sư, ra ngoại thành ẩn tu. Những năm cuối đời, sư về chùa ở Gò Vấp biên soạn kinh sách.

27. 

Nhìn xuống hồ nước tĩnh lặng, sư không thấy bóng mình. Nước đục. Cũng như lịch sử của dân tộc này vốn đã là một huyền thoại mù mờ ngay từ khi lập quốc, việc sư đến và đi khỏi một giai đoạn lịch sử khốc liệt tang thương cũng rất mù mờ như huyền thoại của cái lý sự vô thường.

Nguyễn Viện  

_________________________

[*]Theo Trương Hoàng Minh.

 Về tác giả: Nhà văn NGUYỄN VIỆN

Sinh ngày: 1.2.1949 tại Hải Dương. 

Hiện sống và viết tại Sài Gòn.

Chủ trương: Nhà xuất bản CỬA.

Đã nhận 2 giải thưởng của Văn Việt năm 2016 (văn xuôi) và 2019 (thơ). 3 lần giải thưởng của tạp chí Tiền Vệ (Australia).

Từng làm việc tại các báo:

Thanh Niên, Gia Đình và Xã Hội, Thể Thao và Văn Hóa, Đẹp, Saigon City Life… 

Tác phẩm đã xuất bản của NGUYỄN VIỆN:

Trinh nữ (tập truyện). NXB Đồng Nai, 1995. Việt Nam.
Bố mẹ và con và… (tạp bút). NXB Trẻ 1997. Việt Nam.
Hạt cát mang bóng đêm (tiểu thuyết). NXB Trẻ 1998. Việt Nam.
Rồng và Rắn (tiểu thuyết). Tổ hợp xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2002. Hoa Kỳ. NXB Giấy Vụn 2016. Việt Nam.
Thời của những tiên tri giả (tiểu thuyết). NXB Công An Nhân Dân, 2003. Việt Nam.
Chữ dưới chân tường (tiểu thuyết). NXB Văn Mới, 2004. Hoa Kỳ. NXB Giấy Vụn, 2016. Việt Nam.
26 LầnTờbờlờ (tiểu thuyết). CỬA Xuất Bản, 2008. NXB Giấy Vụn, 2016. Việt Nam.
Cơn bấn loạn bằng phẳng/ Cơn bấn loạn dưới đất (tiểu thuyết). CỬA Xuất Bản, 2008. NXB Giấy Vụn, 2016. Việt Nam.
Em có gì bí mật hãy mail cho anh (tiểu thuyết). CỬA Xuất Bản, 2008. Việt Nam. NXB Sống, 2015. Mỹ.
Nín thở & chạy & một hơi (thơ). CỬA Xuất Bản, 2008. Việt Nam.
Đi & Đến/ Đi đến cuối đường (tập truyện). CỬA Xuất Bản, 2009. NXB Giấy Vụn, 2016. Việt Nam.

Ngồi bên lề rất trái (truyện & kịch). NXB CỬA, 2011. NXB Giấy Vụn, 2016. Việt Nam.

Nhảy múa để chết (tiểu thuyết). NXB Tiếng Quê Hương, 2013. Hoa Kỳ. 

– Đĩ thúi (tiểu thuyết). NXB CỬA, 2013. Việt Nam.

Đĩ thúi & phần còn lại ở cõi chết (tiểu thuyết). NXB Chương Văn, 2015. Hoa Kỳ.

– Ma & Người (tiểu thuyết). NXB Tiếng Quê Hương, 2018. Hoa Kỳ.

– Trong hàng rào kẽm gai, tôi thở (thơ). NXB Nhân Ảnh, 2018. Hoa Kỳ.

Thần thánh không biết bơi. (tiểu thuyết). NXB Mở Nguồn, 2019. Hoa Kỳ

– Thảo mai trên dốc gió (tiểu thuyết). NXB Mõm Vuông 2021. Việt Nam. NXB Nhân Ảnh 2024. Canada. 

– Cõi người ở lại (tập truyện). NXB Cửa, 2023. Việt Nam. NXB Nhân Ảnh, 2024. Canada.

– Nu Na Nu Nống – Xứ Mêman (cổ tích mới). NXB Cửa, 2023. NXB Nhân Ảnh, 2024. Canada.

– Ở phía đông âm phủ (truyện kịch). NXB Tiếng Quê Hương, 2024. Hoa Kỳ.