Truyện ngắn Phạm Lưu Vũ: Cẩu Dụ Tân Kinh

CẨU DỤ TÂN KINH 

狗 喻 新 經

(Trích ma tăng liệt truyện)

Có thơ rằng:

“Kiếp luân hồi mang thân cẩu báo

Thích đăng đàn thuyết giáo thật hay

Than ôi lời nói gió bay

Sắc thanh hương vị… biết ngay giả cầy”

Thời lâu xa, gần cực nam cõi Nam Thiêm Bộ Châu có người họ Vương, từng xuất gia thọ giới Đại thừa. Nhưng do khẩu nghiệp ba trợn, nên khi chết phải đầu thai làm kiếp chó. Nhẽ ra chỉ vài kiếp là trả xong nghiệp, nhưng vì những dư báo lằng nhằng bất khả tư nghì, nên cứ lặp lại mãi đến bốn mươi mốt kiếp. Kiếp cuối cùng trả hết, song lại trả quá nợ cũ, thành ra kiếp thứ bốn mươi hai phải trở lại làm người để đòi lại những chỗ thừa.

Bốn mươi mốt kiếp làm thân chó, nhưng nhờ công đức bố thí thân mạng cho người ở cõi Nam thiên làm món giả cầy, nên giới thể Đại thừa vẫn không bị xả, họ Vương trở lại làm người liền gặp nhân duyên xuất gia, lấy pháp danh là Thích Chân Tinh.

Thích Chân Tinh lập ra chùa Phật Tinh, ở trong chùa thì chăm chỉ tu tập, ra ngoài đường thì đi đứng đúng oai nghi… Các phật tử xa gần bắt đầu tìm đến, hòm tiền cúng dường của chùa bắt đầu tăng dần, khiến sư hết sức hoan hỉ. Tiền cúng dường tăng tới đâu thì sự tu tập của sư tinh tấn tới đấy. Đến lúc thò được cả tay vào trong bụng, bốc giun sán vứt ra ngoài mà bụng vẫn không hề hấn gì thì sư sung sướng lắm, cho rằng mình đã đắc quả Thánh…

Rồi sư bắt đầu đăng đàn thuyết pháp. Ban đầu còn thưa thớt, về sau càng ngày càng đông phật tử đến nghe, phải mấy lần mở rộng pháp đường, đặt tên cho pháp đường là “Bảo Đàn Mandala”, gọi pháp hội của mình là “Hội thuyết Mandala” và tự xưng là “Thánh giả”. Thánh giả Mandala ngồi trên bảo đàn, hai tay cầm micro đắp đổi cho nhau, tay cầm tay múa rất linh hoạt. 

Tiếng tăm của sư Thích Chân Tinh bắt đầu lan tỏa. Trên thành phố có một anh học trò họ Hoàng, tên Minh Thành là người rất hâm mộ tuệ giác của nhà Phật, nghe tiếng sư bèn lặn lội xuống, cầu nghe cho bằng được. Hôm đó có phật tử đem cúng một thùng socola, món sư rất nghiện. Sư liền bóc ngay một hộp, bỏ vào miệng ăn trước khi lên bảo đàn giảng pháp.

Bài giảng pháp hôm đó của thánh giả Mandala Thích Chân Tinh rất trơn tru, còn thơm mùi của socola khiến các phật tử ngây ngất. Anh học trò Minh Thành ngồi dưới cũng chăm chú lắng nghe, vừa cảm thấy có vị ngọt của mật, vừa phảng phất hương vị của cà phê thì kinh lạ lắm. Bỗng nhìn thấy giữa lông mày của sư có gì đó lấp lánh. Minh Thành dụi mắt nhìn kĩ, rõ ràng có vệt sáng, lại càng lấp lánh mỗi khi sư quay qua quay lại. Sư phóng hào quang từ lông mày – ý nghĩ đó làm anh chàng Minh Thành đột nhiên ngưỡng mộ đến tột đỉnh. Sư là Phật sống chăng?

Hôm đó quay lại thành phố, Minh Thành liền lập đàn thỉnh bề trên về để hỏi. Nguyên bề trên của Minh Thành là Đạo Nguyên Lão Tổ, một bậc Thánh quá khứ đã chứng được Pháp thân Tỳ Lô Giá Na nên không việc gì là không biết, cả quá khứ, hiện tại lẫn vị lai.

Minh Thành đem chuyện phóng quang giữa lông mày của sư Thích Chân Tinh ra hỏi. Đạo Nguyên Lão Tổ liền khiến cho cơ bút viết ra hai câu:

“Quang phóng mi gian vô đạo Phật

Vân sinh túc hạ vị ngôn tiên”

Minh Thành đọc mãi chưa hiểu, bèn hỏi:

– Xin Cụ giảng kĩ cho con hiểu?

Lão Tổ giảng:

“Quang phóng giữa mày không phải Phật

Dưới chân mây trắng chửa là Tiên”

Nghĩa là sư Thích Chân Tinh phóng hào quang giả? Nguyên anh đệ tử Minh Thành không biết, đó là mấy mẩu giấy bạc gói socola sư ăn trước đó, vô tình dính vào lông mày, dưới ánh đèn điện nó lấp lóa như thế, chứ chẳng phải hào quang hào kiếc gì. Minh Thành biết sư là đồ giả Phật bèn không đến nghe pháp nữa. Nhưng các phật tử (đa phần là nữ) thì càng ngày càng nhiều người kéo đến xin quy y với Chân Tinh, bất chấp những bài pháp của “Thánh giả” Chân Tinh càng ngày càng nhảm, chỉ nhắc đi nhắc lại chuyện “cúng dường”, đến nỗi thiên hạ đã đặt cho sư hỗn danh là sư phụ “Thích Cúng Dường”. Đến khi sư kêu gọi: “có tâm đạo thì phải cúng cho chùa cả cái nhà luôn, ra đường mà ở…” thì hỗn danh “Thích Cúng Dường” lại đổi thành “Thích Cúng Nhà”. Vậy mà phật tử vẫn đông nghìn nghịt. Điều này chắc phải có nhân duyên. Khiến Minh Thành lại phải thỉnh bề trên về để hỏi. Đạo Nguyên Lão Tổ bảo:

– Chẳng qua y đòi lại những chỗ thừa trong bốn mươi mốt kiếp cẩu báo trước đây mà thôi.

– Vậy họ đã mắc nợ sư Chân Tinh như thế nào trong bốn mốt kiếp trước, thưa Cụ?

Lão Tổ trả lời:

– Họ đều là những người thích món giả cầy trước đây đấy. Những kiếp trước trót ăn nhiều giả cầy, thì kiếp này phải trả nợ, phải đến để cúng dường, để nghe những bài “pháp” giả cầy của y…

Tiếng tăm của “Thánh giả” Thích Chân Tinh vang dội là thế, song sư vẫn chưa thanh tịnh được khẩu nghiệp, chưa diệt được thói tật đố, thấy ai hơn mình là dè bỉu, chê bai, gọi họ là “thằng ba trợn”, là “tà tư duy”… Đặc biệt, sư sợ nhất nếu có đệ tử nữ phản mình, vì chỗ này có chuyện khó nói, chuyện phòng the trên nam dưới nữ… Buổi “hội pháp Mandala” hôm đó trên bảo đàn, sư nói trước đông đảo đệ tử toàn nữ:

– Sống trên đời phải thề trung thành tuyệt đối với sư phụ. Vi phạm lời thề thì ra đường sẽ bị xe cán chết. Phải biết ơn sư phụ hơn cha mẹ đẻ ra mình. Ai phản bội lại sư phụ, thì kiếp sau phải đầu thai làm… thân con chó.

Bài “pháp hội” này được phát tán trên mạng. Chàng Minh Thành ở thành phố nghe phải mà cười rung cả rốn. Lại lập đàn thỉnh bề trên để hỏi. Đạo Nguyên Lão Tổ bảo:

– Đó gọi là “cẩu lâm tỉnh phệ” (chó sủa trong giếng) đấy. 

Minh Thành lại khẩn khoản:

– Xin Cụ giảng kĩ cho con hiểu?

Lão Tổ giảng:

– Thân ở trong dục vọng hư ảo, thì cũng giống như bóng chó sủa ở trong giếng… 

Minh Thành hỏi tiếp:

– Con chó đã sủa ở trong giếng, sao nó lại đem kiếp chó ra dọa người ta, thưa Cụ?

Lão Tổ trả lời:

– Vì đó là “cẩu pháp”

Minh Thành lại hỏi:

– Cẩu pháp nghĩa là gì? Thưa Cụ?

Lão Tổ giảng:

– Là pháp tu của chó. Kinh nói vào thời mạt thế, các tu sĩ nói xấu nhau, nghi kỵ nhau, ham muốn vật chất mà không thể tự giải thoát, nên thường dùng con chó để ví dụ. Khi các tu sĩ thực hành phương pháp này, nó được gọi là thực hành pháp chó.

Minh Thành nghe xong thì hoát nhiên đại ngộ, chợt nghĩ thêm điều gì, lại hỏi:

– Cẩu pháp như thế thì con hiểu rồi. Nhưng con còn nghe nói đến cẩu giới. Vậy cẩu giới là gì? Thưa Cụ?

Lão Tổ lại giảng:

– Cẩu giới là giới chó, là giới của ngoại đạo. Họ tin rằng chó sau khi chết sẽ được sinh lên trời, vì thế mới chế ra giới chó, tu theo giới chó, ngủ ngoài trời, ăn phân người… 

Giảng xong, Đạo Nguyên Lão Tổ đang định “hóa” thì Minh Thành lại khẩn khoản:

– Xin Cụ giảng cho con nghe nốt điều này nữa. Nhân duyên gì mà họ khiếp sợ ông sư này đến vậy thưa Cụ?

Lão Tổ nói ngay:

– Cái đó thành ngữ gọi là “cẩu trước sư tử bì”

Minh Thành lại hỏi:

– Xin Cụ lại giảng kĩ cho con hiểu?

Lão Tổ giảng:

– Là chó đội lốt sư tử. Các loài thú tuy sợ hãi khi nhìn thấy nó, nhưng khi nghe ra tiếng sủa, thì chúng sẽ biết đó là con chó.

Nói xong Lão Tổ hóa liền. Đệ tử Minh Thành ngồi ngẫm lại những lời dạy của bề trên, càng ngẫm càng thấy sáng ra. Chợt nghe bên tai có một giọng hát cất lên, thì ra chiếc máy để bên ngoài, quên tắt You Tube. Đó là một “ca khúc”, do bọn nhạc sĩ sáng tác và hòa âm để ca ngợi sư phụ “Thích Cúng Dường”:

“Vác theo nồi xương 

Cha đi gieo món ninh cho đời

Sáo măng rền thơm, dân gian hết ăn mì tôm…”

Phạm Lưu Vũ