Truyện ngắn Phạm Lưu Vũ: Chiếc khoen đồng

Nhà văn Phạm Lưu Vũ.

Họ Phan tên Tất Đắc, người làng Kinh, thuộc đất Nam Xương, gia cảnh nghèo túng, tài sản chỉ gồm mấy sào ruộng và một con trâu. Vợ chồng, con cái sống trên mảnh đất của cha ông không biết đã bao nhiêu đời, mái nhà lợp rạ, vì kèo, đòn tay bằng tre, gỗ sơ sài, song lại được gác trên dấu tích còn lại của những bức tường cổ dày mấy tấc đã lở lói, rêu phong, dựng trên một cái nền cao ráo và kiên cố. Một hôm có vị khách lạ đã đứng tuổi, mặc một bộ nâu sồng tìm đến, dạo quanh nhà ngắm nghía cái kiến trúc quái gở, kim cổ vô duyên ấy một hồi lâu, hỏi họ tên Tất Đắc rồi tự giới thiệu mình là chuyên gia sưu tầm cổ vật. Bảo với Tất Đắc:

“Tôi đã bỏ công tìm tòi, nghiên cứu khá nhiều về lai lịch nhân sự ở vùng này, phát hiện có một dòng họ Phan ở đây, vốn có gốc từ họ Mạc, lưu lạc từ miền Trung ra. Chẳng hay anh đã biết đến điều đó chưa?”.

Tất Đắc cũng nhớ láng máng, liền trả lời:

“Thì tôi cũng chỉ biết lờ mờ. Họ Phan làng tôi vốn nhỏ nhất làng, chỉ chưa đầy chục nhà, mà tôi đây chính là trưởng họ. Nghe các cụ truyền lại cũng có gốc từ họ Mạc…”

Ông khách nghe nói mừng rỡ:

“Lúc vừa hỏi thăm tới đây, tôi cũng đã nghi nghi. Cái nền nhà này có vẻ rất cổ, dấu tích còn lại cũng đủ thấy lối kiến trúc hình chữ Công (工). Ngày xưa chỉ những hạng có tước lộc, vai vế… mới xây nhà kiểu đó. Anh là trưởng họ, chắc do cụ Tổ để lại?”

Tất Đắc không giấu vẻ ngán ngẩm, trả lời:

“Tôi cũng chả biết cụ Tổ tôi xưa có tước lộc, vai vế gì, mà chỉ thấy con cháu đời nay nghèo rớt. Mảnh đất này đúng là do các cụ để lại, không biết đến tôi là đời thứ mấy…”

Ông khách thấy đã đến lúc đi thẳng vào vấn đề, bèn nói:

“Tôi từng lục gia phả của Mạc tộc ở viện lưu trữ quốc gia. Cuối đời nhà Mạc, có hoàng tử thứ 17 của vua Tuyên tông nhận lệnh đi dẹp loạn ở Nghệ An, cùng đi có một vị trong họ được phong tước quận công. Công việc dẹp loạn không thành, quan quân tan vỡ cả, hoàng tử nhà Mạc phải lẩn trốn, sống lẫn với dân, cải sang họ Thái, thành ra Tổ của họ Thái ở trong ấy. Riêng vị quận công kia tìm đường trở ra Bắc, đến vùng này thì dừng lại, đổi sang họ Phan, có lẽ là vị Tổ của họ Phan làng này chăng? nếu chiếu theo gia phả mà tính đến anh, thì là đời thứ 14…”

Tất Đắc nghe nói trong lòng bắt đầu cảm thấy tò mò, muốn biết thêm về vị quận công mơ hồ là ông Tổ của mình ấy. Liền hỏi:

“Thì cũng là một ông quận công thất trận, phải đổi họ mà trốn tránh… Vậy có gì đặc biệt mà ông phải lặn lội về tận đây để tìm hiểu làm gì”

Ông khách bắt đầu thấy có hứng, bèn kể:

“Nguyên nhà Mạc thời ấy phong nhiều quận công. Lại đặt ra lệ, mỗi khi đúc ấn quận công phải làm lễ tế quỷ thần, do đích thân vua Mạc chứng kiến, vị quận công phải viết một định ước truyền thừa vào tờ giấy điều, đọc to lên ba lần rồi bỏ vào lò đốt. Khi đồng chảy ra, phải tự cắt ngón tay, rỏ máu vào nồi nấu đồng trước khi rót ra khuôn. Lại đếm số giọt máu rỏ xuống. Ai không rỏ được giọt nào thì bị bãi quận công ngay lập tức. Lạ cái là vị nào cắt sâu mấy cũng chỉ rỏ được một giọt, hai giọt, ba giọt… cao nhất là năm giọt. Duy có vị quận công này rỏ được tới 15 giọt. Đời bấy giờ căn cứ vào số giọt máu ấy mà gọi kèm theo tước của các vị quận công, là nhất điểm, nhị điểm, tam điểm… quận công. Vị này là “thập ngũ điểm quận công”. Vì cớ ấy, cho nên tôi mới phải lặn lội tìm tới đây…”

Tất Đắc càng nghe càng thấy hấp dẫn tò mò, xen lẫn cảm động thấu tim gan, mạch máu trong người bắt đầu chảy rần rật, noãn khí chiêu cảm với tổ tiên bắt đầu phát tác, linh cảm thấy điều kinh dị tiếp theo sẽ thốt ra từ miệng ông khách lạ. Quả nhiên ông ta cứ như thể vừa đọc được ý nghĩ của Tất Đắc, liền kể tiếp, giọng trầm ngâm:

“Nhà Mạc chỉ trụ ở kinh thành Thăng Long được năm đời thì bị diệt. Vua Mục tông, tức là Mạc Mậu Hợp bị treo sống ba ngày trước khi bị chém. Lạ một điều là các vị quận công thời ấy, người nào cũng chỉ truyền được số đời theo đúng số giọt máu rỏ xuống khi đúc ấn thì tuyệt tự, thế có phải là điều kinh dị hay không?…”

Tất Đắc nghe đến đây thì rùng mình lặng người, buột mồm cất lời, nghe như tiếng than:

“Vậy nếu tôi quả là đời thứ 14, thì chỉ còn được một đời nữa thôi sao?…”

Ông khách nghe nói cũng giật mình, hỏi ngay:

“Anh đã có con trai rồi chứ?”

Tất Đắc trả lời không chút ngập ngừng:

“Tôi sinh được hai thằng, lớn sáu tuổi, bé ba tuổi…”

Ông khách gật gù, chậm rãi nói như người giảng đạo, giọng ôn tồn như an ủi, mà lời xem ra không phải an ủi:

“Gia phả chẳng qua cũng chỉ là danh tự, ghi chép các đời người, tức là chép những truyền thừa, từ đời này sang đời khác của danh tự thế gian. Truyền thừa của thế gian gọi là “tộc tướng”, trỏ cái tướng bề ngoài, hằng đời hằng pha tạp, cũng y như các loại bản sắc thế gian, ví dụ phong tục, văn hóa… vậy. Đó không phải truyền thừa của nguyên khí. Truyền thừa của nguyên khí trỏ cái bản chất ở bên trong, gọi là “tộc tính”. Tộc tính không bao giờ pha tạp, cũng không biến đổi, dẫu đến hàng trăm đời, ngàn đời… Tôi tìm về đây, cũng là để muốn biết cái nguyên khí của vị “thập ngũ điểm quận công” kia, nó sẽ truyền thừa như thế nào mà thôi.”

Tất Đắc nhất thời chưa hiểu hết câu nói của ông khách. Còn đang cố cắt nghĩa trong đầu thì ông ta đã ngoắt sang việc khác, trỏ tay xuống nền nhà mà hỏi:

“Nếu đây đúng là nền nhà của ngài, thì biết đâu chiếc ấn quận công ấy vẫn còn được chôn giấu ở đâu đó? Anh ở đây có bắt gặp vật gì lạ hay không?”

Câu hỏi của ông khách khiến Tất Đắc giật nảy mình, có cảm giác chân tay rụng rời, mồm há hốc ra mà không biết trả lời như thế nào, chỉ lắc đầu, lẩm bẩm:

“Không thấy gì, không thấy gì… thưa ông”.

Ông khách nom vẻ bối rối của Tất Đắc thì mười phần đã hiểu ra chín rưỡi, song cũng không hỏi gì thêm, chỉ an ủi mấy câu, nghe ra còn lửng lơ, khó hiểu hơn nữa, rằng kiếp người là vô thường, thì vật cũng vô thường. Nay nó là cái này, mai nó sẽ biến thành cái khác, thì việc ấy cũng chẳng có chi lạ, có điều quý vật tất sẽ tầm quý nhân cho mà xem. Rồi từ biệt ra về.

Phan Tất Đắc sở dĩ giật mình rụng rời, là vì cách đó mấy năm, trong lúc đào chỗ nền nhà phía Tây để làm chuồng lợn, bất ngờ gặp một chiếc hộp gỗ đã mủn, rụng ra những mảnh sơn ta màu đỏ, vẫn còn cứng, sắc như mảnh kính. Mở ra bên trong có một cục đá đen, sù sì như một con cóc to vật, cầm lên thấy nặng chịch. Ngờ bên trong có vàng bạc gì chăng? bèn hí hửng lấy vải bọc lại, ôm lên phố huyện, vào cửa hàng kim hoàn nhờ xem hộ. Ông chủ hiệu kim hoàn nhấc thử, rồi lấy chiếc dũa ra, dũa dũa mấy cái, lộ ra một màu đỏ quạch như gạch cua, bèn lắc đầu đưa trả mà bảo:

“Với trọng lượng này thì bên trong không có vàng, cũng chả có bạc. Chỉ là một cục đồng lâu năm chôn dưới đất, đã mọc rỉ mà biến dạng ra đấy thôi.”

Tất Đắc thất vọng, lủi thủi ôm cục đồng rỉ ra về, định dùng làm vật để nén cà, đến đầu phố huyện thì bất ngờ gặp một anh bạn cũ sinh sống ở phố huyện, mấy đời làm nghề đúc đồng. Anh bạn đon đả mời vào nhà chơi, đãi bạn bữa cơm trưa. Nom thấy cái bọc vải, liền giằng lấy, giở ra xem thì cũng biết ngay là cục đồng. Nhân đấy bèn bảo:

“Tiện có cái nồi vừa rót hết đồng vào khuôn, lò vẫn còn nóng, hay là cậu định đúc thành cái gì thì tớ đúc giúp cho, coi như một vật kỉ niệm?”

Nghe bạn nói, Tất Đắc nghĩ ngay tới cái mũi con trâu nhà mình, lúc nào cũng dãi dớt chảy rề rề, làm cái khoen xỏ thừng bằng gỗ chỉ được một thời gian là mục, liền buột mồm bảo bạn đúc cho một cái khoen bằng đồng, dùng để giữ dây thừng luồn qua mũi con trâu, gọi là khoen trâu, khoen bò gì cũng được. Anh bạn ngẫm nghĩ một lát rồi bật cười mà gật đầu, liền bắt tay vào việc.

Chiều hôm ấy, họ Phan trở về nhà với chiếc khoen đồng vừa đúc mới tinh, nằm gọn trong lòng bàn tay, nom như một đồng xu to đại, có một lỗ tròn ở giữa để xỏ thừng, anh bạn cũ quả là quý hóa, với tay nghề của một nghệ nhân gia truyền, cũng kịp khắc lên đó mấy chữ: “Phan thị chi ngưu” (潘 氏之牛), rồi giảng cho họ Phan nghe, nghĩa là “con trâu của nhà họ Phan”, nếu nó để ở mũi con trâu, còn để chỗ khác thì nó là “mảnh sao Ngưu của nhà họ Phan”. Anh bạn ấy thì ra cũng là người hay chữ.

Nay run rủi thế nào lại gặp ông khách lạ này, mới biết cái cục đồng rỉ sét ấy là chiếc ấn quận công, của vị “thập ngũ điểm quận công”, tức là ông Tổ của mình. Điều đó làm họ Phan tiếc rẻ đến rụng rời. Ông khách đi rồi, họ Phan lập tức xuống chuồng trâu, tháo chiếc khoen đồng từ mũi con trâu ra, đem xuống ao đánh rửa sạch sẽ. Ánh đồng loáng lên dưới ánh mặt trời làm họ Phan lóa mắt, rùng mình thêm mấy cái nữa. Xong xuôi, họ Phan đặt chiếc khoen vào một cái đĩa sạch, kính cẩn để lên giữa bàn thờ, thắp hương cúi đầu lẩm nhẩm, khấn mấy câu tạ lỗi với tổ tiên. Vừa khấn xong, trong óc bỗng chợt hiểu ra câu nói cuối cùng của ông khách. Thì chính là đây chứ đâu, trước nó là chiếc ấn quận công, giờ nó biến thành chiếc khoen đồng… Ông ta đã nói ý như thế, thì hẳn là đã biết trước việc này. Nếu vậy chắc ông ta còn biết cả những điều xa hơn thế nữa, giờ muốn hỏi ông ta, rằng quý vật sẽ tầm quý nhân như thế nào thì ông ta đã đi mất rồi. Nghĩ đến đây, họ Phan ước gì ông ta quay trở lại. Thì nhất định sẽ kể ra hết, không giấu chuyện chiếc khoen đồng này nữa…

Nhưng chiếc khoen đồng cũng không có duyên “ngự” ở trên cái bàn thờ ấy được bao lâu.

Vợ chồng nhà họ Phan sinh được hai cậu con trai. Thằng anh năm ấy lên sáu tuổi, gọi là cu Dần, thằng em ba tuổi, gọi là cu Sàng. Một hôm vợ chồng đi làm vắng, cu Dần và cu Sàng chơi đánh đáo ở ngoài sân. Đang đánh, đồng xu văng vào trong nhà, cu Dần sai cu Sàng vào tìm. Cu Sàng vào trong nhà, bất ngờ ngửa mặt lên, nó phát hiện một đốm sáng le lói lấp lánh trên nóc nhà, bèn đưa mắt tìm kiếm, thấy có luồng ánh sáng từ một lỗ thủng trên mái nhà rọi xuống, có muôn vàn hạt bụi đang nhảy nhót tưng bừng trong đó. Luồng sáng chiếu thẳng vào chính giữa bàn thờ, rồi hắt ngược lên nóc nhà, chếch sang phía đối diện. Cu Sàng tò mò bắc ghế trèo lên xem, thấy luồng sáng chiếu đúng vào chiếc khoen đồng bóng loáng, nên ánh sáng mới hắt ngược lại như vậy. Thích chí quá, cậu bèn cầm chiếc khoen đồng xuống, hớn hở đem ra khoe với cu Dần, nằng nặc đòi anh dùng nó để chơi đáo, đánh càng nặng tay càng thích.

Cu Dần biết cha quý chiếc khoen đồng này lắm, cứ vài ngày lại đem ra ao đánh rửa, nên lúc đầu cũng không dám nghịch bậy, khuyên cu Sàng đem để lại chỗ cũ. Song cu Sàng cứ một mực, phụng phịu không chịu. Chiều em, cu Dần cũng tặc lưỡi cho qua, định bụng cứ cho nó chơi một lúc sẽ chán, khi ấy đem đặt lại trên bàn thờ cũng chưa muộn…

Không ngờ cu Sàng chơi càng lúc càng hăng, cái sân lại nằm sát ngay bờ ao. Một cú ném mạnh, chiếc khoen đồng bật lên, lăn lộc cộc mấy cái rồi rơi tõm xuống ao bèo. Cu Dần lúc ấy đang mải theo dõi một con chim sẻ vừa công mồi bay vào tổ, ở trong một cái bộng do chính cu Dần treo lên cây. Nghe tiếng cu Sàng kêu thất thanh, vội quay đầu nhìn lại, thì chiếc khoen đã nằm đâu đó dưới đáy ao, không còn lại tí dấu vết nào trên mặt nước.

Cu Dần hoảng sợ đến bủn rủn cả người. Mất chiếc khoen đồng quý như thế thì cha nó sẽ nổi trận lôi đình, một trận đòn chắc sẽ rất khủng khiếp, không biết nó có chịu nổi hay không? Nó sợ hãi, luống cuống không biết sẽ phải nói với cha như thế nào. Thế là rình lúc cu Sàng thấm mệt vào nhà ngủ, cu Dần vơ vội mớ quần áo, cuộn lại nhét vào trong người rồi trốn nhà ra đi…

Chiều hôm ấy phát hiện vắng cu Dần, vợ chồng họ Phan lôi cu Sàng ra tra hỏi. Cu Sàng ba tuổi chỉ biết hoảng sợ, vừa khóc vừa trỏ tay xuống ao. Tưởng cu Dần bị chết đuối dưới ao, vợ chồng Tất Đắc rụng rời réo gọi cả làng, kéo nhau đến đứng chật bờ ao. Hàng chục người thay nhau lao xuống mò, quần nát cả chiếc ao mà vẫn không thấy tăm hơi. Một đêm kéo dài, thức trắng trong nỗi tuyệt vọng, sáng hôm sau thì họ Phan phát hiện mất chiếc khoen đồng trên bàn thờ. Bấy giờ mới lờ mờ đoán ra sự việc. Chắc cu Dần đã nghịch dại, làm rơi chiếc khoen đồng xuống ao, nên đã sợ đòn đến nỗi, phải bỏ nhà trốn đi. Giờ dẫu có biết chỗ nó làm rơi xuống, thì cũng không thể tìm lại được nữa rồi… Bấy giờ đang thời chiến tranh, thanh niên trong làng chỉ còn lác đác, đi lại khó khăn nên chỉ còn biết cầu trời khấn Phật. Thế là đã mất con, lại mất cả chiếc khoen đồng.

Cu Dần chạy một mạch sang đường quốc lộ, trèo trộm lên thùng một chiếc xe tải trùm bạt khi nó đang đỗ bên cạnh đường. Chiếc xe đưa cậu tít lên mạn ngược, ngay trong đêm hôm đó…

Cu Dần sáu tuổi, bắt đầu một hành trình lưu lạc, đầu đường xó chợ suốt hơn hai mươi năm. Người viết sẽ không kể về giai đoạn này, bởi vì nếu kể lể thì sẽ thành tiểu thuyết, chả liên quan gì đến chiếc khoen đồng. Nhưng cu Dần vẫn biết đường tìm về nhà.

Nhờ một nhân duyên đặc biệt nào đó, trong lúc nằm trơ trọi giữa rừng, vừa ngửa mặt nhìn lên, bỗng bắt gặp một con chim vừa bay về tổ, làm anh cu Dần chợt nhớ tới chuyện chiếc khoen đồng ngày trước, nhớ lại tiếng kêu thất thanh của cu Sàng. Kí ức sống dậy thật là mãnh liệt. Anh cu Dần quyết định tìm đường về nhà, để gặp lại bố mẹ, để gặp cu Sàng, xem nó đã lớn như thế nào, để tát cạn cái ao ấy, tìm lại bằng được cho bố chiếc khoen đồng…

Nhưng…

Cu Sàng chỉ còn để lại di ảnh trên chiếc bàn thờ, phía trên là tấm bằng “Tổ Quốc ghi công”. Vợ chồng họ Phan đã già, gặp lại con trai lớn, tưởng đã mất tích thì vui mừng không bút nào tả xiết. Họ hàng, làng nước kéo đến chật nhà, tên khai sinh chưa dùng đến bao giờ, nên mọi người không ai còn nhớ, cứ gọi là anh cu Dần, hàn huyên đủ thứ chuyện trên đời, song không câu chuyện nào nhắc tới chiếc khoen đồng.

Cả ý định tát cạn cái ao, để tìm lại chiếc khoen đồng cho cha của anh cu Dần cũng không thể thực hiện được nữa rồi. Người ta đã đào một con kênh thủy lợi, cắt ngang qua ao, khiến nó đã trở thành một đoạn của con kênh. Cả cái ao cũng không còn dấu vết.

Ông Phan Tất Đắc từ khi nhận được giấy báo tử của cu Sàng bị hy sinh ngoài chiến trường, thì đã tin chắc nhà mình tuyệt tự, ở đúng đời thứ mười lăm, của ông Tổ “thập ngũ điểm quận công”. Nay thấy anh cu Dần trở về thì lại khởi lên hy vọng, rằng lời nói của ông khách năm xưa chắc gì đã đúng. Thế là chỉ sau mấy hôm vui mừng sum họp, vợ chồng họ Phan lập tức bàn đến chuyện cưới vợ cho anh cu Dần, để có đứa nỗi dõi tông đường…

Nhưng nhân cha tính không bằng… giời con tính. Anh cu Dần không hề có ý định lấy vợ, trong lòng anh lúc nào cũng nghĩ tới chiếc khoen đồng, không biết nó đang nằm ở dưới đáy khúc kênh nào. Ý nghĩ ấy cứ hằn sâu mãi, tới mức anh nảy ra ý định đi tu, như thể chỉ có nương nhờ vào cửa Phật, thì mới có hy vọng tìm thấy chiếc khoen đồng. Không hiểu sao anh rất tin vào điều đó. Vì thế con gái trong làng đầy ra đấy, mà một anh chàng chưa đầy ba mươi tuổi cứ dửng dưng như không. Khuyên bảo, ép buộc mãi không được, họ Phan lại đâm ra tuyệt vọng, làm cho tuổi già xộc đến nhanh gấp đôi. Gần chục năm sau, vợ chồng Phan Tất Đắc nối tiếp nhau lìa đời.

Lo mồ yên mả đẹp cho cha mẹ xong rồi, anh cu Dần mời một người trong họ đến, ngỏ ý muốn tặng lại cả nhà cửa vườn tược, rồi xuất gia đi tu.

Lần này anh cu Dần cũng nhằm hướng Tây, vượt qua quốc lộ rồi đi thẳng về phía núi, bước đi quả quyết, cứ y như có người dẫn lối vậy. Chiều tối thì gặp một ngôi chùa cổ bé nhỏ, nằm ở dưới chân núi, tên chữ là Tam Thiên tự ( 三天 寺), tên Nôm là chùa Hống, tức là chùa của làng Hống ở gần đó.

Sư cụ chùa Hống tên gọi sư Hoàn, tuổi đã già lắm, chắc phải hơn họ Phan, cha anh cu Dần đến chục tuổi. Quanh năm mặc bộ nâu sồng, sư Hoàn chỉ tu độc một mình, không có chú tiểu. Thấy anh ngỏ ý muốn xuất gia thì sư tỏ ra rất hoan hỉ. Từ đó một thầy, một đệ tử chăm chỉ tụng kinh, gõ mõ, thỉnh thoảng đón khách thập phương và dân làng tới lễ Phật và làm Phật sự rất chu đáo.

Anh cu Dần tìm tới cửa Phật, vẫn mang theo hình ảnh chiếc khoen đồng ở trong tâm trí, nhưng sau vài năm tu tập, chú tâm vào Phật Pháp, hành thiền… thì hình ảnh ấy dường như đã biến mất. Nhưng kì lạ thay, bất ngờ một hôm, sư Hoàn gọi anh đến bên giường, chính sư Hoàn lại là người nhắc lại hình ảnh chiếc khoen đồng. Sư cầm tay anh mà bảo:

“Chú em của con thế nào cũng tìm thấy chiếc khoen đồng ngày trước đấy…”

Sư Dần nghe sự phụ nói thì giật nảy người. Hình ảnh chiếc khoen đồng ngày trước trong kí ức xa xăm lập tức trở lại rõ mồn một. Nghe sư phụ nói cứ như người mê sảng. Chú em mình là liệt sĩ đã lâu, giờ chỉ còn là cát bụi, làm sao lại tìm thấy chiếc khoen đồng? Chưa kịp đem ý nghĩ ấy ra thắc mắc, thì sư Hoàn đã nói tiếp:

“Kiếp người là vô thường, thì vật cũng vô thường. Nay nó là cái này, mai nó sẽ biến thành cái khác, thì việc ấy cũng chẳng có chi lạ…”

Nói xong câu ấy, sư Hoàn nhắm mắt lại rồi viên tịch, nhẹ nhàng như đi vào một giấc ngủ thật sâu, mãi mãi…

Sư Dần thay sư Hoàn trông nom ngôi chùa, coi lời dặn cuối cùng của sư Hoàn như một mật ngữ, một “công án” để hành thiền suốt từ đó cho đến khi viên tịch, vào năm sư Dần sáu mươi tuổi. Có một điều không ai biết, rằng trước lúc viên tịch, sư Dần chợt ngộ ra lời dặn của sư Hoàn. Nghĩa là muốn tìm được chiếc khoen đồng, thì phải tìm lại chú em, cu Sàng của ông. Tìm cu Sàng ở đâu? Có phải ở cõi bên kia? Hay ở ngay trong cõi này? Thì phải bằng cách nào để tìm thấy? Và câu chuyện cu Sàng sẽ tìm được chiếc khoen đồng như thế nào?…

Mấy năm sau.

Cách làng Kinh về phía Đông khoảng vài cây số, thuộc hạ lưu con kênh đào, có nhà một lão nông dân tên Duyên. Nhà lão Duyên nuôi bò cái, một hôm nó đẻ một con bê rất đẹp, có bộ lông vàng óng. Lão Duyên không muốn bán con bê, muốn nuôi để gây giống. Được ba năm thì nó đã trở thành một anh chàng bò dái lực lưỡng, nom hùng hổ trước lũ bò cái, nhưng lành như đất, đôi mắt lúc nào cũng đen láy, không khi nào xuất hiện tia máu vằn đỏ. Lão Duyên đích thân chăn dắt nó. Một hôm đang chăn giữa cánh đồng, bất ngờ ở đâu xuất hiện một con chó nhỏ có bộ lông vàng mượt, y như bộ lông con bò, hai mắt nó cũng đen láy. Con chó chạy tới trước mặt con bò, nó nhìn thẳng mặt con bò rồi rạp người, cong đuôi sủa lên mấy tiếng, vừa sủa vừa vẫy đuôi ra vẻ mừng rỡ lắm. Lão Duyên thấy lạ, song cũng mặc kệ, không biết con chó ấy của nhà ai.

Con chó cứ quấn quýt con bò cho tới tận chiều tối. Lúc dắt con bò về nhà thì con chó cũng chạy theo. Lão Duyên xuỵt đuổi nó ra để khép cổng, song nó cứ sấn sổ lao vào bên trong, vừa rối rít vẫy đuôi, vừa sủa đến điếc tai, tỏ ý kiên quyết không chịu rời con bò. Lão Duyên quá kinh ngạc, song cũng đành bất lực, phải cho nó vào trong nhà, xúc cho nó một bát cơm, rồi định bụng cứ cho nó ở đó, khi nào trong xóm có ai kêu mất chó, thì sẽ bảo họ tới đem về.

Suốt mấy hôm cả xóm không có ai kêu mất chó. Tức nó là chó hoang, vô chủ – lão Duyên nghĩ thế – Song nó đã quấn quýt với con bò thì mình cũng nuôi nó, cho nó làm bạn với con bò, thì cũng tốt chứ sao. Từ đó lão Duyên trở thành chủ của con chó, gọi nó là con Vàng.

Con Vàng không những chỉ làm bạn với con bò, mà nó còn biết chăn bò. Lão Duyên đã chứng kiến mấy lần nó chặn trước đầu con bò, vừa sủa vừa ngăn không cho con bò liếm lúa. Trên đường về nhà, nó còn biết lùa bò theo đúng đường, khiến con bò không thể đi lạc… thì lão Duyên mừng lắm, từ đó cũng quý nó, không khác gì con bò. Những hôm mắc việc khác, lão cứ để mặc con bò cho nó chăn.

Một hôm trên đường lùa bò về nhà, thay vì đi lối chiếc cầu để vượt qua con kênh như mọi lần, bỗng dưng con Vàng lại lùa con bò sang hướng khác. Nó nhất định bắt con bò phải lội qua dòng kênh mà sang phía bên kia. Khi con bò đã ào xuống dòng kênh rồi, con Vàng từ trên bờ cũng phóng vút xuống theo, nó bơi ngay trước mũi con bò để dẫn đường. Bấy giờ vào mùa nước cạn, con bò bơi ra giữa kênh vẫn còn đạp chân xuống tới bùn. Đến khi leo lên bờ phía bên kia, thì con bò bỗng bước những bước tập tễnh. Móng một bên chân trước của nó hình như đã đạp phải vật gì…

Về tới nhà, thấy con bò bị tập tễnh, lão Duyên vội vàng chạy tới xem xét, thì ra kẹp giữa hai móng guốc một bên chân trước của nó, quả có một vật cứng tròn dẹt, dính đầy bùn. Lão mang ra chỗ bể nước rửa sạch bùn đất, thì hiện lên một chiếc khoen làm bằng đồng, có khắc mấy chữ Nho, không biết là những chữ gì. Con Vàng cũng quấn quýt theo tay lão, nó vẫy đuôi rối rít, ra vẻ mừng rỡ lắm. Lão Duyên giơ chiếc khoen đồng lên cao, xoay qua xoay lại để ngắm nghía, màu đồng loáng lên dưới ánh hoàng hôn…

Từ đó lão Duyên dùng ngay chiếc khoen đồng ấy, lắp vào mũi con bò, thay cho chiếc khoen bằng gỗ vẫn dùng lâu nay. Con Vàng càng tỏ ra quấn quýt con bò hơn trước, suốt ngày không rời nhau lúc nào, trừ ban đêm, con bò nằm dưới chuồng, con Vàng ngủ trên nhà, ngay cạnh phòng ông chủ.

Nhưng sự quấn quýt ấy cũng chẳng kéo dài được bao lâu.

Một đêm con bò bị bọn trộm mò vào chuồng dắt đi. Xác nó được phát hiện ở giữa cánh đồng Mả Quan vào lúc sáng sớm. Chỉ còn lại cái đầu, bốn cái chân, bộ lòng và một ít thịt gân còn sót lại. Đám ruộng xung quanh bị quần nát, trộn lẫn máu bò thành một màu tím sẫm, nom loang lổ và kinh hãi. Chưa kịp thức dậy, nghe có tiếng người gọi, lão Duyên vội vàng vùng dậy lao ra cổng, con Vàng cũng cong đuôi phi nước đại, vừa phi vừa sủa vang những tiếng gâu hết sức giận dữ.

Đã có một đám dân làng bâu xung quanh, miệng bàn tán, tay chỉ trỏ. Mùi gây của thịt, tanh của máu và hôi của da bò tỏa ra nồng nặc, loáng thoáng đã có bóng bộ đồng phục của nhà chức trách. Lão Duyên nhìn chết sững, miệng há ra, không thốt nổi lời nào. Một người vỗ vai ông, an ủi:

“Bọn này chắc dân chuyên nghiệp. Nó xẻo gọn bốn quả mông, vai và toàn bộ thăn mang đi, mà không thừa một nhát dao nào. Thôi của đi thay người ông ạ”.

Thay là thay thế nào?… lão Duyên nghĩ thầm trong bụng, chưa kịp cất tiếng thì lại một người khác tới vỗ vai, lần này là nhà chức trách:

“Xin chia buồn với ông. Đề nghị ông tường trình sự việc…”

Chán cái giọng quan quyền đó, lão Duyên chỉ tay vào chỗ còn lại của con bò trả lời:

“Đây là tất cả sự việc, có gì mà phải tường trình?…”

Nhà chức trách giải thích:

“Vụ việc xảy ra, chúng tôi cần biết mọi chuyện diễn ra ở nhà ông từ tối qua, ông đi ngủ lúc mấy giờ, ban đêm có cảm thấy động tĩnh gì không… thì mới điều tra được ông ạ”.

“Đêm nào chả như đêm nào…” – lão Duyên trả lời – “Chả có gì đặc biệt cả. Đừng có hỏi tôi đi ngủ trước hay con bò ngủ trước nhé, tôi không trả lời được đâu”.

Nhà chức trách kiên nhẫn:

“Nguyên tắc phải thế ông ạ. Chúng tôi phụ trách an ninh ở địa bàn, nên phải nắm kĩ mọi việc, thì mới tìm ra thủ phạm. Đề nghị ông hợp tác…”

Phụ trách an ninh… Lão Duyên nghĩ mỉa mai trong bụng. Họ tìm được bọn trộm, bắt bọn trộm đền tiền con bò cho mình, mình phải “tạ” lại họ nửa con, cái lệ xưa nay nó thế, rồi họ “phạt” bọn trộm kia nửa con, nếu không sẽ không để chúng yên. Thế là chính họ mới vớ cả con bò… Nghĩ tới đó, bỗng ánh mắt ông dừng lại chỗ con Vàng, nó đang cong đuôi đánh hơi quanh cái mũi của con bò. Cái khoen đồng vẫn xỏ thừng ở mũi bò biến mất đâu rồi? Hình như con Vàng cũng nhận ra điều ấy… Ông quay người, trỏ tay vào chỗ còn lại của con bò, nói với nhà chức trách:

“Chiều nay tôi sẽ lên ủy ban khai báo tường tận, được chưa? Còn giờ các ông làm ơn để yên cho tôi giải quyết chỗ này đã…”

Mấy người làng giúp lão Duyên thu dọn, mang hết phần còn lại của con bò về nhà. Ông bảo mọi người chia nhau, ai thích lấy gì cứ lấy, phần ông chỉ giữ lại ít thịt vụn. Con bò nhanh chóng được giải tán gọn ghẽ. Dân làng cũng không nỡ lấy không, ai cũng tùy bụng trả ông một số tiền. Không thấy con Vàng đâu, lão Duyên tìm quanh quẩn, tới chỗ chuồng bò thì thấy nó đang sục sạo đánh hơi ở đó. Y như nó đang “khám nghiệm hiện trường” vậy, lão Duyên chợt nghĩ như thế. Bỗng con Vàng dùng hai chân trước cuống quýt bới bới đám rơm ở bên cạnh chuồng rồi dí mũi vào đó, vừa vẫy đuôi rối rít, vừa sủa liên tục. Nó tìm thấy cái gì? Lão Duyên bước tới, cầm nắm rơm lên xem, có vương mấy giọt máu, hình như là máu người, không phải máu bò…

Bữa trưa hôm đó, lão Duyên quẳng cho con Vàng mấy miếng bạc nhạc. Nó chỉ hít hít mấy cái rồi buồn bã bỏ ra chỗ khác. Nó không ăn thịt con bò? Lão Duyên nghĩ mà cảm động, ông nhớ lại trước đây, con Vàng rất quấn quýt con bò, mỗi khi con bò về chuồng, con Vàng luôn quanh quẩn bên nó. Có hôm ông chưa kịp rút rơm cho bò ăn, ra tới đống rơm, đã thấy con Vàng đang dùng mõm rút rơm chạy vào mang cho con bò, nó chạy đi chạy lại nom hết sức buồn cười. Hàng ngày, con Vàng luôn canh bữa cho con bò. Nó dùng chân cào rơm đẩy vào mõm bò, con bò chỉ cần nằm nguyên một chỗ, thè lưỡi ra cuốn rơm vào miệng…

Chiều hôm ấy lão Duyên lên ủy ban khai báo mãi gần tối mới về. Bữa tối, con Vàng chỉ ăn qua loa mấy miếng cơm nhạt. Trời tối hẳn thì nó lại mất tích, cả nhà lão đổ đi tìm, gọi mãi không được, đành phải đi ngủ…

Con Vàng đi đâu? Nó lại phóng ra “hiện trường” lúc ban sáng, đánh hơi khắp một vòng xung quanh. Phát hiện ra điều gì đó, con Vàng ngồi ngẩng cao đầu trông về bốn phía. Nghĩ một lúc rồi nó đứng dậy, vừa dí sát mũi xuống cỏ hít hít, vừa cong đuôi chạy về một hướng… Chạy mãi, chạy mãi, tới xóm dưới, cách làng chừng hơn một cây số thì nó dừng lại trước cổng một ngôi nhà. Lại chạy đi chạy lại quanh chiếc cổng đánh hơi một hồi nữa. Con Vàng ngồi lại nhìn vào bên trong. Căn nhà có ánh sáng đèn, có tiếng người cười nói…

Con Vàng tìm cách đột nhập vào trong nhà. Nó leo lên cánh cổng làm bằng sắt rồi nhảy vào bên trong. Rón rén bò đến căn phòng có tiếng người. Bám hai chân trước lên bậu cửa sổ, con Vàng nhìn vào bên trong. Một bọn người đang ngồi đánh chén, nói tiếng người nó chỉ hiểu vài tiếng, không đủ để biết họ nói gì, chỉ có mùi thịt bò vẫn còn nồng nặc… Bỗng một tia sáng vừa loáng lên, đảo một nửa vòng xung quanh căn phòng. Thì ra người ngồi đối diện cửa sổ vừa móc trong túi ra một vật, chính là chiếc khoen đồng. Gã xoay đi xoay lại ngắm nghía, xoay đến đâu ánh đồng lấp loáng đến đấy, rồi gã nói câu gì đó với cả bọn. Con Vàng vẫn chả hiểu gì. Nó tụt xuống khỏi bậu cửa sổ, rón rén đi lại phía cánh cửa ra vào vẫn mở một bên, nhân lúc bọn người kia mải đánh chén, nó lẻn vào rồi nhanh chóng bò xuống gầm bàn, ép mình nín thở…

Nằm trong gầm bàn, con Vàng thận trọng xoay người một vòng, nó ngửi một lượt những bàn chân của bọn người ăn tiệc, phát hiện có một bàn chân bị thương, như thể bị móng bò dẫm phải, vẫn còn mùi máu, đúng mùi máu để lại ở chuồng bò. Chính là người vừa cầm chiếc khoen đồng…

Con Vàng về tới nhà thì đã quá nửa đêm, bộ lông ướt sũng sương đêm. Sáng ra nhìn thấy nó, lão Duyên mừng lắm, song lại sợ nó chạy lung tung, bèn lấy xích khóa lại. Con Vàng vùng vằng tỏ ra không vừa ý, nó vừa giằng xích, vừa tru lên những tiếng rít thảm thiết trong cổ họng. Lão Duyên bỏ đấy đi chợ, song ra tới đầu làng vẫn vọng tiếng tru của nó, thấu tận tim gan. Nghĩ thế nào làm lão không nỡ, bèn quay trở lại, tháo xích cho con Vàng. Con Vàng mừng rỡ vẫy đuôi rối rít, rồi nó chạy lon ton theo lão sang chợ.

Sang tới chợ thì con Vàng lại rời lão ra, nó chạy khắp chợ như tìm kiếm ai đó. Rồi nó quay trở lại chỗ lão, cắn vào gấu quần lão mà lôi, như thể nó muốn lão đi theo nó để chứng kiến một việc gì. Lão Duyên đành phải đi theo, vòng vèo một lúc, bỗng nó bỏ lão ra, sủa lên mấy tiếng chói óc rồi lao vút vào một người đàn ông, khiến người này bị bất ngờ ngã lăn quay, từ trong túi áo văng ra một vật, làm loáng lên một vệt sáng vàng choé dưới ánh mặt trời, chính là chiếc khoen đồng. Lão Duyên nhìn thấy thì lập tức hiểu ra tất cả. Gã đàn ông chưa kịp ngồi lên thì lão đã xông tới, nhặt chiếc khoen đồng lên cầm trong tay rồi túm chặt lấy cổ áo của gã, miệng rít qua kẽ răng:

“Thì ra là chúng mày…”

Gã đàn ông mặt tái mét, chắp hai tay lại, run rẩy nói thều thào:

“Em lạy bác, em lạy bác. Bác tha cho em, đừng báo với chính quyền. Em sẽ bảo tụi nó gom tiền, đền con bò cho bác…”

Lão Duyên được bồi thường con bò. Mọi chuyện chỉ có ông và con Vàng biết, bọn trộm bình an vô sự, song phải cam đoan lương thiện, bỏ thói trộm bò. Lão Duyên cảm phục và yêu quý con Vàng của mình lắm. Đối với nó đó là phần thưởng rồi. Sau vụ ấy, cứ tưởng con Vàng thích làm bạn với bò, lão lại mua con bò khác thả vào chuồng cho nó khuây khỏa, nhưng con bò mới này thì nó lại rất thờ ơ, chả bạn bè gì. Mấy năm sau con Vàng già rồi chết. Lão Duyên đem chôn nó ở góc vườn, cùng với chiếc khoen đồng.

Năm sau lão Duyên cưới vợ cho người con trai út tên Thiện. Cô dâu về nhà chồng, một đêm nằm mơ, thấy có đàn ong hộ vệ một con ong chúa đỏ rực như một quả cầu lửa bay vào trong buồng, khí lạnh thổi gai người. Tỉnh dậy thì không thấy gì, chỉ thấy trong lòng cảm động không thể tả. Sáng hôm sau ra vườn, phát hiện quả có một tổ ong đất rất to, đúng chỗ lão Duyên chôn con Vàng, bèn gọi chồng ra, trỏ tổ ong và kể lại giấc mơ. Anh cu Thiện vào nhà lấy xẻng, đào tổ ong lên thì chỉ còn cái tổ bỏ không, tuyệt không còn con ong nào. Năm ấy vợ Thiện sinh cậu con trai đầu lòng kháu khỉnh, da đỏ như tôm luộc, lúc sinh ra thì thoảng có hương thơm, trời lặng gió mà mặt nước ao xao động, vợ chồng Thiện mừng lắm, bèn đem giấc mơ ra khoe với một người có chữ trong xóm. Người ấy nghe xong bảo nên đặt tên thằng bé là Kì Phong. Mấy hôm sau nhân có người bà con ở trong Hống ra chơi, lại đem chuyện hương thơm và nước ao xao động ra kể lại, người ấy bảo:

“Thế là chuông chùa Hống ngân đấy”.

Vợ chồng Thiện ngạc nhiên hỏi lại, người ấy bảo:

“Chùa Hống từ khi sư Dần viên tịch, thì không có tục sư nào bén mảng đến tu ở đó nữa. Ngôi chùa càng ngày càng cổ kính hơn, vườn chùa rợp bóng cổ thụ, không người quét dọn mà vẫn sạch bong, lá cây rụng xuống tự chui vào đất. Thật là một chốn hảo sơn bảo sát của bậc chân tu. Tiếng chuông thỉnh thoảng vẫn tự ngân lên, như thể báo hiệu một điềm lành, chỉ những người thường xuyên tới chùa chăm sóc hương đèn, lễ Phật thì mới nghe thấy mà thôi. Nghe thấy thì cũng nhìn thấy, tiếng chuông ngân làm rung cả mặt nước. Nhìn thấy thì cũng ngửi thấy, tiếng chuông ngân còn thoang thoảng mùi hương…”.

Vợ chồng Thiện nghe nói càng lấy làm quái lạ, không nhớ ra mình đã từng tới ngôi chùa cổ ấy thắp hương lễ Phật lần nào hay chưa, mà tiếng chuông vẫn vọng tới tận đây? Năm Kì Phong lên ba tuổi, vợ Thiện lại sinh một bé trai nữa, đặt tên là Như Thủy. Hai anh em chơi đùa quấn quýt, Kì Phong ít nói, Như Thủy thì bi bô suốt ngày. Mấy năm sau, vào một đêm mùa hạ, chú bé Kì Phong nằm ngủ quên ở ngoài hè, mơ thấy một con chó vàng từ ngoài vườn chạy về, cắn vào gấu quần Kì Phong lôi đi. Ra tới góc vườn có một cái hố nhỏ, đúng chỗ cái tổ ong đất ngày trước, Kì Phong thấy dưới đáy hố có vật gì le lói, dưới ánh trăng nom lấp lánh như một mảnh sao. Mang lên thì ra chiếc khoen đồng. Kì Phong cảm thấy trong lòng bừng bừng cảm động, noãn khí chiêu cảm lại trỗi dậy. Chú bé bèn bỏ ngay chiếc khoen đồng vào túi áo, đem vào nhà lấy vải bọc lại rồi giấu biệt đi, tuyệt không hề hé răng cho ai biết.

Hai thằng bé theo nhau lớn lên, gần tới tuổi trưởng thành thì vợ chồng nhà Thiện bắt đầu tính chuyện phải cất ngôi nhà mới để cưới vợ cho chúng.

Không ngờ việc cất nhà của vợ chồng anh cu Thiện, té ra không bình thường như những nhà khác trong làng.

Năm ấy, ngôi nhà vừa cất xong thì gặp bão, giật đổ tan tành. Năm sau cũng y như vậy. Quyết tâm cất đến lần thứ ba thì gặp một trận lốc xoáy kinh hoàng, bao nhiêu dui, mè, đòn tay… bị quăng xuống ao hết, cột kèo… đổ lổng chổng. Đến lúc đó thì vợ chồng anh cu Thiện nghĩ mà rợn người, chắc có chướng duyên gì ghê gớm lắm đây, không phải trùng hợp, bèn nghĩ đến chuyện tìm thầy phong thủy nhờ xem hộ.

Gặp lúc thầy bà ở thời này không hiếm, vùng quê nào cũng có thầy, nhiều thầy, càng lúc càng nhiều thầy, đại khái gồm ba loại:

1- Mang nghiệp làm thầy từ đời trước gọi là “câu sinh tử”;

2- Đời này tự dưng đốc chứng ra làm thầy gọi là “phân biệt tử”;

3- Không xác định lúc nào là nghiệp, lúc nào là chứng gọi là “bất định tử”.

Hạng “câu sinh tử” xem thì nghiệm đúng ngay trong đời này, hạng “phân biệt tử” xem thì đời sau mới nghiệm. Riêng hạng “bất định tử” xem, thì còn phải tùy theo duyên, may ra thì trúng.

Vùng này có ông thầy tên Vượng, thuộc loại “bất định tử” như thế, việc gì cũng phán được nên gọi là bát nháo chi khươn, kiến thức trùm lên mọi nhà nên gọi là bách gia chư… bất tử, xem trúng thì tốt mà không trúng cũng lành nên gọi là vô duyên chi… bất hại. Đại khái thầy phán chuyện gì cũng năm ăn, năm thua, trúng được 50%, cộng thêm niềm tin của người đến xem nữa thành ra quá bán, nên dân trong vùng bất kể nhà ai có việc, cũng đều trông vào thầy Vượng cả.

Vợ chồng nhà Thiện sắm sửa đồ lễ, định hôm ấy sẽ đến nhà thầy Vượng để nhờ xem, mà không hề biết, rằng trước đó, có một nhà khác đã tới, cũng nhờ thầy Vượng xem cho một việc tương tự.

Đó là một nhà ở làng Kinh, chính là nhà trong họ Phan, đã được anh cu Dần tặng lại mảnh vườn ngày trước. Nguyên nhà này tự dưng vớ được mảnh vườn, thì ban đầu cũng hí hửng lắm, nhưng mãi sau mới biết rằng không thể dùng được vào việc gì. Quanh vườn trừ những cây nhãn già cỗi còn lại, đem cây mới đến trồng không cây nào sống nổi. Trồng rau thì chỉ sau một đêm, sâu bọ phá sạch, tan nát đến tận gốc. Cất chuồng nuôi lợn trên cái nền nhà cũ thì lợn chết cả đàn, y như ma làm ra vậy. Nhà ấy vừa hoảng vừa chán, muốn bán quách đi cho rồi. Rao bán thì cũng có mấy người tới hỏi mua, song cứ thỏa thuận hôm trước, thì hôm sau lại đánh tháo, thành ra chả có cuộc nào thành, cuối cùng thành một mảnh vườn hoang, chồn cáo đến đào hang, chim chóc đến làm tổ, cả khu vườn cây dại phủ kín, dây leo um tùm…

Đến đời này tự dưng muốn cất nhà để cho con trai ra ở riêng, cũng y như vợ chồng anh cu Thiện bên làng kia. Và đây mới là chỗ trùng hợp khó tin, cũng ba lần cất nhà thì ba lần bão giật sập, trùng hợp đến phát sợ, phải đem lễ đến nhà thầy Vượng. Thầy Vượng loay hoay bấm đốt, tính toán một lát thì gieo được quẻ Trung Phu, lại biến ra quẻ Hoán, bèn hỏi:

“Mảnh đất này anh giữ hộ cho người ta có phải không?”

Nhà kia hơi ngạc nhiên, trả lời:

“Không phải giữ hộ, bố tôi ngày trước được bác trưởng họ tặng cho đấy chứ?”

Thầy Vượng bảo:

“Tuy được tặng, nhưng không có phước giữ nó thì chẳng qua cũng chỉ là giữ hộ, không ở đất ấy được đâu. Phải lấy lòng thành thực mà trông nom, thì tất sẽ gặp lành”.

Nhà kia lại hỏi:

“Không ở, không trồng trọt, không bán được thì tôi phải làm gì bây giờ?”

Thầy Vượng căng mắt nhòm vào quẻ Hoán, trong bụng chợt nảy ra một ý nghĩ, liền liều mạng phán bừa:

“Phải đổi cho người khác, gặp người có duyên thì mới làm nhà được, khi đó cả hai bên sẽ đều được toại nguyện…”

Đấy là câu chuyện của nhà họ Phan kia ở làng Kinh. Tới khi vợ chồng anh cu Thiện đem việc cất nhà của mình sang nhờ thầy xem, thấy giống hệt việc của nhà họ Phan kia ở làng Kinh hôm trước, thầy Vượng giật nảy mình lấy làm quái lạ, bụng nghĩ: “Việc trùng hợp hiếm có như thế này, biết đâu lại có nhân duyên nó xui nên như vậy…”, bèn nảy ngay ra ý định phán liều phát nữa xem sao, bèn hỏi tuổi tác qua loa, giả vờ đánh tay bấm độn một lát rồi phán:

“Tuổi mạng Thủy, mà mảnh đất trông về cung Cấn thì không cất nhà được, phải đổi cho nhà nào có đất trông về cung Tốn thì mới hợp. Đổi đất thì cất được nhà, đổi họ thì vạn thọ vô cương. Tôi biết có một miếng đất như thế ở làng Kinh, họ cũng đang muốn đổi. Thử sang đó hỏi xem sao…”

Vợ chồng anh cu Thiện nghe lời, rẽ vào làng Kinh hỏi thăm, tìm đến đúng nhà họ Phan kia. Quả nhiên cuộc đổi đất diễn ra hết sức tốt đẹp. Ông thầy Vượng quả là người gieo quẻ mát tay, phán hay lợi khẩu.

Đổi được mảnh vườn ấy, vợ chồng anh cu Thiện thuê người tới phát hoang, dọn dẹp sạch sẽ, quang đãng, lại thuê thợ tới cất một ngôi nhà mới, đúng trên những móng tường cũ, kiến trúc hình chữ Công (工),vững chãi và khang trang, phòng thờ lớn ở chính giữa gian phía sau, từ hành lang nối đi thẳng vào. Trang trí xong bàn thờ, vợ chồng Thiện dắt hai con Kì Phong và Như Thủy sang làm lễ nhập trạch. Trong lúc mọi người ra nhà ngoài hết, một mình Kì Phong ở lại, nó rút trong bụng ra một chiếc túi vải, lấy ra từ đó chiếc khoen đồng sáng lấp loáng, kính cẩn đặt lên giữa bàn thờ. Trên mặt chiếc khoen đồng có khắc bốn chữ: “Phan thị chi ngưu”. Thế là mảnh sao Ngưu của nhà họ Phan đã trở về, đúng chỗ của nó…

Sáng hôm sau anh cu Thiện vào phòng thờ thắp nến, giật mình phát hiện thấy ánh lửa của ngọn nến lập lòe trên chiếc khoen đồng. Cầm lên xem thấy có hai chữ Phan thị, nhớ lại câu nói của ông thầy Vượng về chuyện đổi họ, lại giật mình thêm cái nữa…

Mấy năm sau, chú em là Như Thủy lấy vợ, ông bố Thiện bèn làm một cái lễ to, xin đổi thành họ Phan rồi cho vợ chồng Như Thủy sang đó ở. Kì Phong thì biệt tích, nghe đồn là đi tu. Như Thủy sinh con trai, con gái đủ cả. Họ Phan chẳng bao lâu trở thành một họ lớn trong làng.

Phạm Lưu Vũ.