Truyện ngắn Phạm Lưu Vũ: Đạo dụ tân kinh
盜 喻 新 經
(Trích ma tăng liệt truyện)
Có câu rằng: “Số thầy thì để cho ruồi nó bâu”
Mười bốn kiếp về trước, nhà họ Vũ ở Tràng Kênh hiếm muộn, sắp về già mới đẻ được thằng con trai kháu khỉnh nên mừng lắm, đặt tên là Thích Trúc. Trúc nhi lớn lên, thông minh lanh lợi, chỉ phải tội có tính hay ăn trộm. Trong làng nhà ai sắp có đám, Trúc nhi liền mò đến gạ gẫm mua gà, mua vịt… rồi ăn trộm ở chỗ khác mang đến bán. Lạ cái là những nhà mất trộm, không ai dám than thở, thành ra việc trộm cắp của thằng mất dạy cứ thế diễn ra đến mấy năm. Tới khi mấy nhà bị mất trộm thì thào với nhau, bấy giờ mới biết tên trộm đều để lại một mảnh giấy để đe dọa. Đại ý: “Vong nó đã đòi thì phải cúng cho nó, vậy muốn mất gà hay mất mạng?”. Biết bị lừa, bèn rủ nhau rình, kết quả túm được thằng Trúc nhà họ Vũ.
Dân làng ngã ngửa người, té ra bấy lâu nay, cả làng toàn ăn đồ ăn cắp. Ông bố họ Vũ xấu hổ lắm, liền nọc Trúc nhi ra, vụt cho một trận phọt cả máu đít. Trúc nhi đau quá lăn lộn, làm mấy giọt máu chảy ngược vào lỗ đít, đọng lại ở đấy, làm thành mấy búi trĩ.
Tràng Kênh có ông lang họ Hà, tên Thống, nho, y, lý, số giỏi cả. Họ Vũ mang lễ đến, cầu chữa bệnh trĩ cho Trúc nhi. Lang Thống ghét cái đức ăn trộm của nó nên từ chối. Họ Vũ thất vọng ra về. Người nhà bèn thắc mắc:
– Nghề làm thầy thuốc là cứu nhân độ thế, hễ là con bệnh thì cứ phải chữa. Sao ông lại để ý đến đức của nó?
Lang Thống trả lời:
– Anh chỉ biết một mà chưa biết hai. Đây là máu nó hại nó, tức là đức của nó đã gây nên mấy cái búi trĩ ấy đấy.
Về phần Trúc nhi, mấy búi trĩ càng ngày càng to, nguy cơ mất mạng, chết non là rất cao, khiến họ Vũ lại một lần nữa phải mang lễ trọng đến cầu khẩn lang Thống. Lần này lang Thống bất đắc dĩ phải nhận lời.
Đêm hôm đó Trúc nhi nằm mơ, thấy mấy búi trĩ ở cổng đít bàn nhau:
– Ngày mai lang Thống sẽ đến đây chữa cho thằng mất dạy này, thì chúng ta tất phải rời đi. Vậy mối oan gia này, biết bao giờ mới báo xong?
Một búi trĩ hiến kế:
– Chúng ta hãy tìm chỗ khác mà ẩn núp cho kĩ, lang Thống sẽ không làm gì được.
Một búi khác bảo:
– Không được, không được. Lang Thống giỏi lắm, xem mạch là biết tất cả, thì trốn vào đâu bây giờ?
Một búi khác lại bảo:
– Không lo. Có một chỗ lang Thống không bao giờ ngờ tới…
Hôm sau lang Thống đến xem mạch kê đơn, cắt cho mấy thang thuốc. Quả nhiên Trúc nhi hết bệnh trĩ. Nhà họ Vũ mừng lắm, đem chục lạng bạc đến tạ.
Ai dè một thời gian sau, trên mặt Trúc nhi lại nảy ra mấy khối u, bắt đầu từ hai bên quai hàm, dàn hàng chữ Nhất, rồi cứ từ từ lan lên phía trên. Nhà họ Vũ lại phải đến thỉnh, lang Thống cẩn thận hỏi kĩ số khối u ở trên mặt, bên phải và bên trái… rồi gieo quẻ, được ngay quẻ Phục, động cả hai hào, hào bốn và hào sáu, liền nhăn nhó, lắc đầu bảo:
– Bệnh ở hạ bộ, hay ở trong người… tôi xem mạch đều biết rõ cả. Nhưng nay nó mọc ở trên mặt, thì xem mạch cũng không biết nó là bệnh gì nên tôi chịu.
Họ Vũ về rồi, anh người nhà lại thắc mắc:
– Mọc ở đâu thì cũng do máu sinh ra cả. Sao ông lại bảo xem mạch không phát hiện ra?
Lang Thống gỉảng:
– Anh chỉ biết hai, mà chưa biết ba, bốn… Ta gieo được quẻ Phục, thì đây là phục nhẫn. Phục nhẫn là đuổi ra cổng trước, thì nó đã phục sẵn ở cổng sau. Huống chi đây là ngoại lậu, là bệnh phục ở bên ngoài. Bệnh ở bên trong là nội lậu, có thể dùng trí mà diệt được, diệt ngay trong một kiếp. Bệnh ở bên ngoài là ngoại lậu, phải diệt trong nhiều kiếp, may ra mới hết được.
Những khối u mọc đầy mặt Trúc nhi, lên đến đỉnh đầu lại vòng xuống gáy, tóc rụng hết cả, đầu trọc lông lốc, nom rất kinh tởm. Họ Vũ không còn cách nào khác, phải đem con xuống chùa làng, năn nỉ sư cụ cho nương nhờ của Phật may ra…
Sư cụ từ bi nhận lời, đặt cho pháp danh là Minh Hiếu, suốt ngày bắt phải tụng kinh, gõ mõ. Các khối u trên mặt dần dần lặn hết, mặt mỏng hẳn đi nhưng dấu vết vẫn còn. Một hôm lang Thống xuống chùa, nom thấy Minh Hiếu thì kinh ngạc lắm, bèn hỏi sư cụ:
– Sao Cụ biết đó là bệnh gì mà chữa được giỏi thế?
Sư trả lời:
– Thì vẫn là cái bệnh trĩ mà ông đã chữa đấy.
Lang Thống kinh hãi:
– Té ra ngày trước tôi chưa chữa khỏi. Nhưng sao lại có thứ bệnh trĩ ở trên mặt? Chỗ này chưa thấy sách nào nói tới. Xin sư phụ chỉ cho biết.
Sư thong thả trả lời:
– Đây là nghiệp bệnh, không phải tâm bệnh. Nghề y các ông thường chỉ chữa được chứng bệnh, giỏi lắm thì cũng chỉ chữa được tâm bệnh. Còn nghiệp bệnh thì không thầy nào có thể chữa được.
Lang Thống hỏi:
– Nghiệp bệnh của thằng cu này là gì, thưa sư phụ?
Sư cụ giảng:
– Phàm những con vật nuôi, ai nuôi người nấy hưởng là thọ, trả qua lại… nên hầu như không gây thêm nghiệp gì. Song ăn cắp, ăn trộm của người ta thì tạo nghiệp nặng. Đây là những oán khí của những con gà, con vịt mà nó ăn trộm bao nhiêu năm, kết lại thành những búi trĩ. Ông dùng thuốc đuổi chúng khỏi lỗ đít, thì chúng lại chạy lên mặt, lên đầu chứ sao?
Lang Thống nghe ra. Hỏi tiếp:
– Vậy bây giờ nó khỏi hẳn rồi chứ?
Sư lắc đầu bảo:
– Chưa đâu. Phải mười bốn kiếp nữa, nếu nó biết thành tâm mà sửa thì may ra, nếu vẫn tiếp tục dối trá, trộm cắp thì muôn kiếp cũng không thể hết được.
Lang Thống rùng mình. Lại hỏi:
– Tại sao sư phụ lại biết là mười bốn kiếp?
Sư giảng:
– Là bốn cách và sáu cách làm tổn hại của cải của người khác, gộp lại thành mười bốn loại nghiệp. Thế nào là bốn cách? Bốn cách tương ứng với tứ đại là mặt lì như địa đại, thân luồn như thủy đại, tính nóng như hỏa đại và giọng trơn như phong đại. Thế nào là sáu cách? Sáu cách tương ứng với sáu căn là mắt đảo như mắt cú, tai thính như tai dơi, mũi nhạy như mũi cẩu, lưỡi độc như nọc rắn, thân nhớt như thân lươn và ý gian như đạo tặc. Mười bốn loại nghiệp là…
Lang Thống nghe đến đây thì giật mình nghĩ bụng, quẻ Phục mình gieo, cũng động hào bốn và hào sáu, trùng khớp với hai con số mà sư cụ vừa nói. Té ra là bốn cách và sáu cách, động cả tứ đại và lục căn thì kinh Dịch quả nhiên ghê thật, không thể xem thường. Bèn giơ tay ra hiệu cho sư cụ ngừng lại và nói:
– Tôi hiểu rồi, hiểu rồi, xin cụ không phải nói nữa. Một kẻ sinh ra làm kinh động cả tứ đại và lục căn, thì sẽ gây hại cho chúng sinh không biết đâu mà kể. Tôi biết mười bốn loại nghiệp ấy rồi. Toàn thị là dối trá, vô sỉ và trơ trẽn… lại ngoan cố nên mới kéo dài đến mười bốn kiếp, làm hại cả trẻ con, người lớn… Nhưng chẳng lẽ sư cụ không độ được cho y hay sao?
Sư cụ lắc đầu:
– Tôi chỉ tạo duyên cửa Phật cho nó mà thôi. Còn độ thì tôi chưa đủ đức.
Sư cụ chùa ấy trước khi viên tịch, có đệ tử ghé tai hỏi:
– Minh Hiếu sau mười bốn kiếp nữa, có trả hết nghiệp ăn trộm được không, thưa sư phụ?
Sư cụ lắc đầu. Đệ tử hỏi tiếp:
– Vậy khi đó hắn sẽ hành loại nghiệp gì?
Sư cụ cố gắng trả lời:
– Nghiệp Ma.
Nói xong, sư cụ viên tịch.
Về phía cụ lang Thống, trước khi chết cũng dặn con cháu:
– Các đời sau, con cháu hãy truyền cho nhau, thấy ông sư nào bị bệnh trĩ ở trên mặt, thì cấm không được chữa, vì đó chính là thằng Minh Hiếu đấy.
Con cháu hỏi thêm:
– Ngoài bệnh trĩ mặt ra, còn bệnh gì nữa?
Cụ lang trả lời:
– Bệnh hà thống phong, ở khớp ngón chân phải, của bàn chân trái…
Về sau, đời nào con cháu cụ lang Thống ở Tràng Kênh cũng gặp một ông sư bị trĩ mặt đến xin chữa, nhận ra là kiếp sau của chú tiểu Minh Hiếu ngày trước, các đời lang họ Hà đều từ chối. Đến đời thứ mười bốn, hậu sinh họ Hà để ý mãi, không thấy ông sư nào bị trĩ mặt đến chữa bệnh. Một hôm ra bãi biển, thấy có dấu chân lạ trên cát, bèn vẫy một người ở gần đấy tới hỏi:
– Ông có biết ai vừa đi qua đây không?
Người ấy trả lời:
– À, đấy là sư phụ chùa Ba Vành đấy. Sư phụ vừa dẫn một đoàn đệ tử thiền hành qua đây.
Hậu sinh họ Hà trỏ một dấu chân, bảo:
– Đây là dấu chân của lão sư phụ ấy.
Người kia ngắm nghía một lát, rồi ngạc nhiên hỏi:
– Quả đúng vậy. Làm sao mà anh biết?
Hậu sinh họ Hà trỏ xuống chỗ lõm ở gốc ngón chân cái, của dấu bàn chân bên trái trả lời:
– Vì sư phụ ấy bị bệnh hà thống phong.
Phạm Lưu Vũ