Truyện ngắn Phạm Lưu Vũ: Hoạn Tử.

Nhà văn Phạm Lưu Vũ

Đậu Lang người xứ Đoài có nghề hoạn lợn gia truyền đã ba đời. Một mình đảm nhiệm cả 4 trại Đông, Tây, Nam, Bắc. Tay nghề tinh thông đến nỗi được người đời tôn là Hoạn Tử. Hôm ấy, sau một ngày làm việc cật lực ở trại Đông, hoạn hơn trăm con, cả đực lẫn nái, Hoạn Tử trở về nhà, cơm rượu ngà ngà rồi vào buồng đóng cửa đi ngủ. Đang thiu thiu, chợt thấy một cơn gió thổi tung cánh cửa sổ, tấm màn khẽ lay động, hơi lạnh gai người. Trong bóng đêm, Tử thấy một bóng đen nhờ nhờ, đứng lù lù ngay phía cuối giường, cất tiếng than ảo não, xoáy vào tận tim óc:

 “Trời ơi là trời! Hôm nay mày hoạn phải cha mày rồi.”

 Hoạn Tử giật thót mình, bật ngồi dậy. Bóng đen biến mất, gió lạnh cũng bặt tăm, cánh cửa sổ vẫn khép im ỉm. Té ra là một giấc mơ.

 Hôm sau Hoạn Tử thi triển tài nghệ ở trại Nam, cũng hoạn hơn trăm con, không vấn đề gì lạ. Song tối về, vừa lúc thiu thiu, giấc mơ hôm trước lại diễn ra. Lần này tiếng than nghe ghê hơn, có phần trách móc:

 “Trời ơi! Sao mày lại có thể hoạn nhầm cả cha mày như thế?”

 Hoạn Tử vẫn bán tin bán nghi. Chẳng lẽ có kẻ nào ghen ghét, nguyền rủa mình chăng? Để một đêm nữa xem sao. Hôm sau lại múa dao hoạn bên trại Tây, nhưng trong lòng bất an, tư tưởng phân tán nên chỉ được dăm chục con. Tối về nhà chỉ ăn cơm, không uống rượu. Lên giường nằm mở mắt thao láo hồi lâu, tịnh không thấy gì, bèn nhắm mắt ngủ.

 Đang thiu thiu, cửa sổ lại bật mở. Gió lạnh thổi ào ào, làm tốc cả tấm màn. Bóng đen lại xuất hiện. Lần này nghe tiếng rít lên ghê rợn:

 “Sao mày lại dám hoạn cả cha mày? Sao mày lại dám hoạn cả cha mày?…”

 Hoạn Tử hoảng sợ không còn hồn vía nào nữa, vội vàng vùng dậy, quỳ ngay trên giường, chắp tay lạy như tế sao:

 “Con lạy cha, con lạy cha… Có điều gì xin cha cứ dạy bảo…”

 Lạy một hồi xong cứ nằm phủ phục đấy, không dám ngẩng mặt lên nhìn. Bóng đêm dường như đã lặng lẽ trở lại. Hoạn Tử nghĩ mãi, nghĩ mãi rồi bất ngờ tỉnh ngộ. Cú tỉnh ngộ làm toàn thân lạnh toát, nổi hết cả gai ốc.

 Hoạn Tử nhớ lại cái hôm hoạn ở trại Đông, trước khi vào việc, Tử nghe chủ trại bảo:

 “Lứa này có lẽ phải gây một con đực để làm giống thầy ạ. Tôi xem chuồng cuối có 1 con chân cao, háng rộng, mũi chữ “phẩm”, trán chữ “thủ”, đó là tướng đại quý của lợn đực, gọi là “ngọc  hạch” (lợn dái ngọc) đấy. Lợn “ngọc hạch” mà nhảy, thì lợn cấn cũng chửa, đừng nói lợn sề. Phải hàng vạn con may ra mới có được một con như thế. Thầy nhớ chừa nó ra, đừng hoạn nhé”.

 Hôm ấy hoạn một mạch từ sáng, gần tối tới cái chuồng cuối cùng, Hoạn Tử quả thấy con lợn đực có cái tướng ấy. Nom thấy Tử, nó không những không hoảng sợ chạy trốn như những con khác, trái lại còn quấn ngay lấy chân Tử ra vẻ quý mến lắm. Bấy giờ Tử vừa mệt vừa hoa mắt, vớ con nào hoạn ngay con nấy, quên phắt lời dặn của lão chủ trại. Hay là hoạn nhầm cả con lợn ấy rồi?

 Nghĩ tới đó, Hoạn Tử vùng dậy khỏi giường, chạy ngay ra bàn thờ, đốt đèn soi lên tấm ảnh đã cũ của người cha quá cố. Càng ngắm, Tử càng kinh hoàng, bủn rủn chân tay. Giữa gương mặt, cũng cái lỗ mũi vuông vuông, trên trán, mờ mờ mấy nếp năn hình chữ “Thủ”…

 Số là ông thân sinh ra Hoạn Tử cũng là một tay hoạn cự phách trong nước, được người đời tôn là Hoạn Sư. Hoạn Sư được truyền nghề từ cụ thân sinh (tức là ông nội của Hoạn Tử bây giờ). Ông cụ còn được tôn là Hoạn Tổ. Hoạn Tổ thời trẻ cũng làm nghề hoạn lợn, song tay nghề lúc đầu cũng bình thường như bao người khác, không có gì đặc biệt. Một hôm, hòa thượng chùa Trúc Lâm bỗng dắt một người khách phương Bắc đến nhà và bảo:

 “Người này mắc chứng thụt lưỡi nên cấm khẩu, không nói được. Phải nuốt đủ chín chín tám mốt bộ “nguyên dương ngọc trư” (dái lợn non) thì lưỡi mới mọc ra. Biết anh là người làm nghề thiến lợn, nên tôi dắt anh ta đến đây. Anh cố gắng kiếm cho đủ số giúp anh ta. Cũng là một việc làm công đức, thể nào cũng có quý lộc, anh chớ nên bỏ lỡ…”

 Nguyên tay khách này họ Tập, người đất Thiểm Tây bên Tàu. Một hôm tình cờ tìm được cuốn gia phả truyền lại từ đời ông cố nội là Tập Cẩu Cẩu. Gia phả chép rằng ở vùng ấy, đất phương Nam có chôn kho báu, họ Tập bèn cất công sang tận đây. Lặn lội mấy tháng trời mới tìm được đúng chỗ trên bản đồ. Đợi ban đêm bí mật lẻn tới đào lên, nhìn thấy cửa hầm rồi, họ Tập mừng quá, cảm động thế nào lại đọc sai khẩu quyết. Lập tức căn hầm biến mất, đồng thời trên mồm như có người bịt chặt lấy, không sao mở ra được. Biết gặp phải tai họa, họ Tập hoảng sợ bỏ chạy. Chạy một hồi, tới một chiếc cổng nọ, ngẩng lên thấy đề ba chữ: “Trúc Lâm Tự”, bèn nghĩ hay là vào chùa nương nhờ cửa Phật, may ra…

 Vị sư trụ trì chùa ấy là sư Hoàn. Sư Hoàn nom dáng điệu của Tập Cẩu Tôn thì biết ngay là quỷ ám, song nhất thời chưa biết loại quỷ gì, bèn nhập định quan sát, thấy một cô gái đồng trinh ngồi vắt vẻo trên cổ họ Tập, hai tay vòng qua đầu, đang cố nhét một miếng si vào mồm y. Sư Hoàn biết ngay đây là một loại thần giữ của. Đoán họ Tập chắc vì tham của báu, lại đọc sai khẩu quyết, nên không những không mở được cửa hầm, lại còn bị trừng phạt. Sư Hoàn bèn sai chú tiểu lập đàn chay siêu độ, tụng kinh, trì chú suốt mấy ngày liền, đến tận giờ tý ngày thứ ba, cô gái kia mới chịu rời đi. Cẩu Tôn tuy mở được mồm, song nhìn vào thì lưỡi biến đâu mất, nom như một cái hố đen ngòm, chỉ ú ớ chứ không nói được. Sư Hoàn bảo:

 “Ta vốn định triệu con ma đi, không ngờ nó rút cả lưỡi mang theo. Đến nước này thì ta cũng chịu. Phải dùng đủ tám mốt bộ “ngọc trư” thì lưỡi mới mọc ra được, phải cái sau đó sẽ thốt ra toàn những lời chó lợn, khẩu nghiệp nặng đến tám đời. Làng này có người làm nghề hoạn lợn, có thể kiếm đủ số đó. Nếu anh đồng ý thì ta dẫn đến nhờ vả người ta…”

 Cẩu Tôn nghĩ bụng làm người mà không có lưỡi, thì không những nói không nói được, lại ăn không biết ngon, thân người sống khác gì loài cỏ dại, bèn nhất nhất gật đầu đồng ý, trăm sự nhờ hòa thượng giúp cho. Thế là Sư Hoàn dẫn Cẩu Tôn đến nhà Hoạn Tổ.

 Hoạn Tổ nhận lời nuôi họ Tập trong nhà, hàng ngày đi thiến lợn ở đâu, vớ được bộ dái non nào, đều gói ghém mang về cho y nuốt. Ròng rã nửa năm trời như thế. Nuốt tới đúng bộ dái thứ tám mốt, Tập Cẩu Tôn bỗng bật ra mấy tiếng: “hảo hợi, hảo hợi…”, há miệng ra thì thấy đầy một mồm lưỡi đỏ hoét. Cẩu Tôn mừng lắm, bèn móc trong người ra một cái hộp, đưa cho Hoạn Tổ mà bảo:

 “Trong này có hạt giống của một loài cỏ, gọi là cỏ “thiến thảo”. Rễ của nó có màu đỏ, đốt lên, tro cũng màu đỏ, gọi là “thiến sa”. Thiến sa là thứ bí truyền trong các cung vua bên Tàu ngày trước, chuyên dùng cho việc thiến người làm hoạn quan. Mỗi khi thiến xong, chỉ cần bôi thiến sa lên vết thương, lập tức sau mười hai canh giờ, vết mổ hoàn toàn biến mất, thân thể càng ngày càng cường tráng hơn trước. Nay vì ông có ơn với tôi, nên tôi tặng ông thứ này. Dùng thiến sa vào việc hoạn lợn thì không gì tốt bằng, không những vết hoạn lành ngay, mà con lợn còn tăng cân nhanh hơn trước. Lợn ấy mới gọi là “hảo hợi”…”

 Hoạn Tổ được giống hạt thiến thảo, bèn chọn ngay một miếng đất sau nhà để gieo. Quả nhiên mọc lên một loại cỏ lạ, lá hình lưỡi liềm, hoa hình cán búa, rễ có màu đỏ, đốt lên thì quả thu được thiến sa. Hoạn Tổ bèn đem thiến sa dùng thử, quả nhiên linh nghiệm. Từ đó giữ làm bí quyết gia truyền, chẳng bao lâu nổi tiếng là người hoạn lợn lành tay bậc nhất, được thiên hạ suy tôn là Hoạn Tổ. Hoạn Tổ chết, truyền nghề lại cho con là Hoạn Sư.

 Đến lượt Hoạn Sư lại truyền cho Hoạn Tử là đời thứ ba thì xảy ra chuyện này. Sáng sớm hôm sau, thay vì phải hành nghề ở trại Bắc, Hoạn Tử bỏ ngay đấy, phóng vội về trại Đông. Tìm đến chuồng cuối cùng, quả nhiên nom thấy con lợn có tướng “ngọc hạch” đang nằm ủ rũ ở đó, biết là mình đã hoạn nhầm, bèn lên gặp chủ trại, năn nỉ xin con lợn ấy đem về nhà nuôi.

 Chủ trại thấy con lợn có quý tướng đã bị hoạn nhầm thì tiếc lắm, song hối cũng không kịp nữa rồi, bèn đồng ý. Hoạn Tử đem con lợn về, thả vào chuồng nuôi nấng cẩn thận, tuyệt không hé răng cho vợ con biết nguyên do lấy nửa lời. Từ đó những giấc mơ hôm trước không trở lại nữa.

 Nguyên giống lợn nuôi làm lợn dái thường được trọn kiếp mà ít bị giết làm thực phẩm, bởi thịt chúng có mùi hôi, càng già càng hôi khủng khiếp. Tuy nhiên, kiếp lợn dài lắm cũng chỉ một kỉ (12 năm) là cùng. Riêng loại ngọc hạch có thể sống dài ngang kiếp người. Ấy là làm lợn dái, còn nếu bị hoạn thì lại ngắn bất ngờ, bởi nó lớn nhanh vùn vụt. Chưa đầy 3 tháng từ một chú lợn cấn bé nhỏ, nó đã trở thành con lợn vĩ đại nặng trên hai tạ, đứng không nổi, chỉ nằm như một đống thịt, chật cả căn chuồng. Hoạn Tử vẫn hàng ngày tự tay chăm sóc, chu đáo như đối với bố đẻ.

 Nhưng cũng chẳng được bao lâu. Một đêm nọ, con lợn vì béo quá nên tắc thở mà chết. Vợ Hoạn Tử là Hoạn Nương đang định gọi người tới mổ, không ngờ bị Hoạn Tử ngăn lại, sai xuống chùa mời sư cụ về làm lễ tụng kinh siêu độ cho nó rồi sẽ đem chôn. Hoạn Nương hết sức kinh ngạc. Có ai lại tụng kinh siêu độ cho một con lợn cấn bao giờ? Tưởng chồng mình điên, nhưng Hoạn Tử đã trợn mắt lên, quát bảo phải đi ngay. Hoạn Nương không dám cãi lại, bèn vội vã tới chùa Trúc Lâm…

 Sư trụ trì chùa Trúc Lâm bấy giờ là Sư Vương, vốn là đệ tử của sư Hoàn ngày trước. Đêm ấy nằm mơ, thấy sư phụ về bảo: “con hãy chuẩn bị, ngày mai thay ta làm lễ quy y cho gã Hoạn Sư ngày trước”. Sáng hôm sau, quả nhiên thấy Hoạn Nương đến mời, bèn khăn áo chỉnh tề, thu xếp đồ lề tế khí, cùng chú tiểu tới nhà Hoạn Tử.

 Sư Vương cùng đệ tử bày đàn chay ngay trước cửa chuồng lợn rồi thản nhiên hành lễ, thụ giới quy y cho con lợn theo đúng nghi lễ của nhà Phật, y như đối với một con người mà không thèm hỏi han, thắc mắc lấy nửa câu. Công việc xong xuôi, bấy giờ Hoạn Tử mới rụt rè hỏi:

 “Bạch thầy, chẳng lẽ thầy cũng biết con lợn này kiếp trước chính là… chính là…?”

 Sư Vương vẫn ngồi yên, mình không lay động, miệng khẽ trả lời:

 “Thí chủ. Bần tăng vốn được sư phụ ủy thác cho việc này đã lâu, trước khi ngài viên tịch”.

 Hoạn Tử nghe nói thì càng kinh ngạc. Lại hỏi tiếp:

 “Té ra sư cụ ngày xưa đã biết trước việc này. Chẳng hay chuyện đó thế nào?”

 Sư Vương trả lời:

 “Việc gì cũng có nhân duyên cả. Thân phụ của thí chủ ngày trước cũng đã từng xuống chùa xin quy y Tam Bảo, nhưng sư phụ tôi xem thấy chưa đủ duyên, phải đợi đến kiếp sau, cho nên mới ủy thác cho tôi việc này…”

 Hoạn Tử lại càng kinh ngạc hơn nữa. Té ra Hoạn Sư, bố mình ngày trước cũng đã từng tới chùa xin quy y. Bèn cố gặng hỏi thêm:

 “Bạch thầy, sư phụ thầy có nói lý do tại sao ngày ấy, bố tôi lại xin quy y không ạ?”

 Sư Vương liếc mắt nhìn Hoạn Tử một lát rồi thong thả trả lời:

 “Tại vì ngày đó, thân phụ của thí chủ cũng… hoạn nhầm phải bố mình, tức ông nội của thí chủ…”

 Hoạn Tử nghe đến đây thì kinh hoảng đến đờ người ra, mồm há hốc, mắt trợn ngược, toàn thân run rẩy. Hồi lâu trấn tĩnh lại, mới lắp bắp hỏi:

 “Bạch sư phụ. Vậy chẳng hay ngày nay… con cũng bỏ nghề, xin được quy y Tam Bảo… có được không ạ?”

 Bấy giờ Sư Vương mới lấy giọng từ bi mà bảo:

 “Phật pháp vô biên. Nghiệp đâu còn đó, nếu đủ duyên thì khắc được toại nguyện. Thí chủ  hẵng cứ đợi đấy, không đi đâu mà phải vội vàng…”

 Sư Vương ra về rồi, Hoạn Tử cùng vợ con chôn cất con lợn tử tế ngay trong vườn, lại phá sạch mấy luống cỏ thiến thảo đi, từ đó bỏ hẳn nghề hoạn lợn.

Phạm Lưu Vũ.