Truyện ngắn Phạm Lưu Vũ: Tiêu Dao Thiền Sư
Nhiều người biết thầy của Tuệ Trung Thượng Sĩ, một bậc chân tu đắc đạo thời nhà Trần là Tiêu Dao thiền sư. Nhưng ít ai biết Tiêu Dao là người như thế nào, ngay cả đương thời, cũng ít người biết được lai lịch của vị thiền sư này.
Bấy giờ, An Sinh vương Trần Liễu rất kì vọng vào 2 người con là Quốc Tung (tức Tuệ Trung Thượng Sĩ), và Quốc Tuấn (tức Trần Hưng Đạo). Nhất là Quốc Tung, ngay từ nhỏ đã tỏ ra là một chú bé tuyệt đỉnh thông minh mẫn tuệ, chí khí khác thường. Ý đồ tranh bá đoạt ngôi của Trần Liễu đặc biệt hy vọng vào người con trai trưởng này. Không ngờ Quốc Tung lớn lên chỉ say mê cầu đạo, không màng gì đến danh lợi, làm Trần Liễu chỉ còn biết thở dài mà không biết phải làm thế nào. Đến khi nghe tin Quốc Tung bái Tiêu Dao thiền sư làm thầy thì Trần Liễu lại càng thất vọng lắm, vương thường than thở với mọi người rằng:
“Quốc Tung sinh trong nhà ta, tức là cành vàng lá ngọc. Nay y ham cầu đạo thì ta không cấm. Nhưng thiên hạ thiếu gì những bậc đạo cao đức trọng, lại đi bái 1 kẻ tu hành tầm thường, bại chủ ấy làm thầy? chẳng uổng phí mất 1 đời tuấn kiệt hay sao?”
Sở dĩ An Sinh vương than thở như vậy là có lý do. Nguyên bấy giờ, các nhà giầu có trong vùng thường đua nhau nuôi người tu hành trong nhà để cầu công đức, hy vọng càng ngày càng giầu có mãi lên. Phú hộ họ Cao cũng nằm trong số nhà giầu đó, một hôm bắt gặp Tiêu Dao đang vẩn vơ khất thực ngoài chợ, bèn đón về nhà, cất 1 chiếc am nhỏ trong vườn, hàng ngày cúng dường cơm chay, hy vọng vận nhà sẽ càng ngày càng phát. Không ngờ từ ngày đón Tiêu Dao về, công việc sinh kế của nhà họ Cao càng lúc càng lụn bại, của cải lần lượt ra đi, được 3 năm thì hoàn toàn khánh kiệt, phải bán cả gia sản lẫn khu vườn ấy. Tiêu Dao thiền sư từ đó bị mang tiếng là một người tu hành bại chủ, không ai dám rước về nuôi nữa…
Thế mà Quốc Tung lại đi bái Tiêu Dao thiền sư làm thầy, bấy giờ đang tu ở chùa Cổ Lễ. Một hôm về thăm nhà, Trần Liễu đem việc đó ra khuyên bảo. Không ngờ Quốc Tung trả lời:
“Thiên hạ ngày nay, cái gọi là đức cao vọng trọng, đều rặt những hạng đạo đức giả, chuyên nịnh hót người có quyền thế, lừa dối lê dân để cầu bổng lộc, danh lợi… Nay có được một người như sư phụ con bây giờ, thực là ngàn năm một thuở vậy. Phụ thân chỉ biết câu chuyện của phú hộ họ Cao, mà không biết câu chuyện của phú hộ họ Đỗ hay sao?”
An Sinh vương hỏi:
“Chuyện phú hộ họ Đỗ là như thế nào?”
Quốc Tung bèn kể cho cha nghe câu chuyện về phú hộ họ Đỗ. Đại khái như sau:
“Phú hộ họ Đỗ là người đã mua lại khu vườn của phú hộ họ Cao trước kia. Họ Đỗ lấy vợ đã lâu không có con, về ở đó, 3 năm đẻ liền 3 đứa con trai, mặt mũi cũng sáng sủa, chỉ có điều toàn thân, da dẻ đứa nào cũng loang lổ, chỗ thì đỏ lựng như gạch nung, chỗ thì trắng ởn như bạch tạng, suốt ngày ngứa ngáy khó chịu, nom tựa như người bị bỏng nặng vậy. Họ Đỗ rất lấy làm quái dị mà không hiểu nguyên do ra sao.
Một hôm, có vị hòa thượng đi khất thực qua, họ Đỗ liền mời vào trong nhà, đem bệnh của 3 đứa con ra kể, hy vọng vị hòa thượng có cách gì chữa được chăng. Vị hòa thượng xem xét kĩ từng đứa, bất chợt nhìn ra khu vườn rồi hỏi:
“Khu vườn này trước kia, từng có người tu hành ở đây có phải không?”
Họ Đỗ cũng biết chuyện của họ Cao ngày trước, bèn trả lời:
“Quả có chuyện đó. Chính vì việc nuôi sư ấy mà chủ trước là họ Cao đến nỗi khánh tận, phải bán khu vườn này lại cho tôi…”
Vị sư lại hỏi:
“Thí chủ mỗi khi làm vườn, thường dùng cách chất rơm, đốt lửa để diệt cỏ có phải không?”
Phú hộ họ Đỗ kinh ngạc, không hiểu sao vị hòa thượng lại biết đến việc ấy. Quả là mỗi khi vào vụ, họ Đỗ thường sai gia nhân đem rơm phủ kín vườn rồi phóng hỏa cho đỡ mất công dọn cỏ… Họ Đỗ còn chưa kịp trả lời: “đúng thế”, thì vị hòa thượng đã kéo ra 1 góc riêng mà bảo nhỏ rằng:
“Người ấy (trỏ người tu hành ngày trước, tức Tiêu Dao thiền sư) là 1 bậc thánh tăng. Đạo hạnh của Ngài đã cảm thấu tới cả những loài giun dế sống trong vườn. Thế mà thí lại chủ phóng hỏa, tức là đã hại đến sinh mạng chúng. Ba đứa trẻ này chính là những chúng sinh đó, vì cái duyên nghiệp ấy mà đầu thai làm con của thí chủ để báo…”
Họ Đỗ nghe nói thì hoảng sợ rụng rời. Lại hỏi:
“Thế liệu chúng có báo oán, có trở thành oan nghiệt hay không?”
Hòa thượng nói:
“Cũng còn tùy duyên. Nếu kiếp này mà chúng gặp được đạo, thì có thể tu thành chánh quả, chuyển họa thành phúc, công đức vô lượng. Bằng không thì chưa biết sẽ thế nào.”
Họ Đỗ nghe nói thì càng hoảng sợ, lông tóc dựng ngược hết cả lên. Lập tức quỳ xuống lạy như tế sao, cầu xin vị hòa thượng bày cho cách để giải cái “nghiệp” này. Hòa thượng bảo:
“Vị thánh tăng ấy đã cảm hóa được chúng, thì tức là chúng đã nhận vị ấy làm sư phụ. Nay nếu thí chủ tìm được vị thánh tăng đó, mà cho chúng theo làm đồ đệ của Ngài, thì đó chính là cách chuyển họa thành phúc đấy…”
Họ Đỗ nghe nói mừng rỡ, bèn bái tạ rồi nhất nhất làm theo lời vị hòa thượng.
Câu chuyện của họ Đỗ được kể tới đây, Quốc Tung bảo với cha:
“Ba người có bộ da loang lổ ấy, hiện nay chính là 3 vị sư huynh của con…”
Trần Liễu nghe xong câu chuyện, mới hoàn toàn tin rằng Tiêu Dao thiền sư là một bậc chân sư đắc đạo, bất giác sinh lòng kính phục, đổi giận làm mừng, yên tâm để Quốc Tung theo Ngài cầu đạo.
Quốc Tung vốn là người có căn duyên tu hành từ nhiều kiếp trước, nay theo học Tiêu Dao thiền sư, chẳng bao lâu thì đắc đạo, xưng là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Trí tuệ và đạo hạnh của Ngài chấn động cả tam giới. Đương thời, vua Trần Thánh tông phải coi Ngài là sư huynh, còn Phật hoàng Trần Nhân tông là Trúc Lâm Đại sĩ thì tôn Ngài làm sư phụ. Mỗi khi nhắc đến thầy mình là Tiêu Dao thiền sư, Ngài thường nói với mọi người xung quanh rằng:
“Ta dẫu là thầy của bậc đế vương, song cũng không thể so sánh với sư phụ ta, là thầy của loài giun dế được.”
Tuệ Trung Thượng sĩ là một bậc Thánh đạo, Ngài không chỉ để lại cho hậu thế nhiều áng văn thơ tuyệt đỉnh, mà còn để lại rất nhiều huyền thoại được ghi trong sử sách. Duy có chuyện này chưa thấy chép ở đâu.
Phạm Lưu Vũ