Truyện ngắn Tru Sa: Giấy Vô

Tranh Nguyễn Trọng Khôi

Ông là nhà văn. Tôi biết ông 6 năm trước. Tôi quen ông đã 6 năm. Ông tiếng tăm, nhiều sách xuất bản, hay có bài đăng trên báo, tạp chí và được nhiều người nhắc đến với sự cung kính. Sách của ông xuất bản đều đều, mỗi năm một cuốn. Nhiều vở kịch, phim nhựa và truyền hình dài tập được chuyển thể từ truyện ngắn và tiểu thuyết của ông. Thật là một duyên may khi gia đình Nhà Văn đang là hàng xóm của tôi. Không ở sát vách nhưng đối diện nhau. Hai bên đường, tôi ở dãy chẵn còn nhà văn ở dãy lẻ. Hai cổng nhà đối chéo nhau. Nhà Văn sống với vợ, còn tôi độc thân từ phút chào đời. Mỗi sáng, tôi có thể chạy bộ cùng Nhà Văn. Chỉ tình cờ, hoặc do tôi cố tình dậy sớm để phục bằng được lúc Nhà Văn dậy tập thể dục. Chạy bộ xong, chúng tôi cùng ăn sáng rồi tìm một quán café.

Mấy cuốn sách gần đây của Nhà Văn tôi đều mua. Lượng in nghìn cuốn và bán hết veo. Nghiệp chính của ông là viết sách, nghề chính của ông là viết và biên tập cho một tòa soạn máu mặt. Nhà ông lúc nào cũng đông khách. Những bữa rượu lai rai không có tôi. Nhà Văn nhiều lần mời tôi ngồi chung nhưng tôi xin cáo lui. Chẳng phải tôi sỹ diện hay quá cao ngạo, tôi chỉ lo ngại về sự có mặt rỗng tuếch của mình. Nếu một nhà văn, nhà thơ thiếu ghế thì tôi nên vắng mặt. Tiệc nhậu là nơi các nghệ sỹ tụ tập. Họ nói đủ thứ chuyện. Những bình luận liên quan đến một cuốn sách hay, thuộc kinh điển hoặc có tính đột phá và trường phái. Các cuộc đời được sẻ chia trên bàn tiệc. Tôi hoàn toàn câm nín trước sự hiểu biết, lối nói chia ngả và duyên dáng của họ. Từng có bữa nhậu kéo dài từ mười giờ trưa đến mười rưỡi tối vẫn chưa xong. Tôi đoán họ quá hợp cạ, hoặc vì là lớp người nhiều chữ họ có thể trò chuyện mãi không chán. Lần nọ, tôi tạt ngang và nghe thấy tiếng cãi cọ, hầm hè hăm dọa. Cốc, bát vỡ loảng xoảng dưới nền nhà. Chắc lúc đấy các nhà văn đã quá chén, hoặc do tính cao ngạo nên họ sẵn sàng tranh luận đến cùng. nhớ đấy, ông sẽ cho mày vào truyện của ông, đập nát đầu, chết tươi, một người bảo vậy, tao sợ chắc, tao sẽ moi tim, ăn óc mày, mày chết xong tao lại dựng mày dậy, treo cổ mày lên, ai nữa lại nói, rượu chuốc họ say quá rồi, hú vía họ chỉ giết nhau trong văn.

Thu nhập từ những đầu sách vốn chẳng là bao. Mỗi khi có sách được in, tái bản, ông thường đem tặng bạn bè. Tôi thì phải mua, chữ kí mạ thêm lớp vàng danh dự trên cuốn sách. Nhà Văn tổ chức hội thảo sách tại nhà mình. Một tiệc đứng ngoài sân, kéo dài vào phòng khách. Người đến là bạn ông hoặc chỉ là khách nhưng có tiếng tăm, thuộc hàng máu mặt ngoài xã hội. Sẽ không có chỗ cho những kẻ phàm phu, nghèo nàn, khó ăn thua như tôi. Nghệ sỹ luôn nhiều giao hảo và giỏi mánh khóe. Tôi không chuốc rượu được Nhà Văn, chỉ thỉnh thoảng tôi mới làm ông chuếnh choáng một chút. Tôi thì say nhũn. Mấy bữa rượu không tại nhà riêng của ông. Thường thì là một quán nhỏ, tối tăm và ế ẩm đến mức luôn thiếu hơi người. Những lần khác, tôi đãi ông tại nhà. Một gian phòng chật chội với đủ loại bàn ghế, giường tủ nhét chung. Quần áo quẳng bừa bãi, hoặc phơi ngay trên ghi đô màn. Bàn làm việc ngổn ngang giấy tờ, sách phải xếp chồng dưới đất hoặc góc giường vì thiếu chỗ. Điện đóm nhà tôi thường bị cắt do không đóng tiền. Tôi tìm lửa, châm nến để cuộc gặp không gián đoạn. Một ngọn nến lành, đặt trên một cái đĩa cũ không giúp phòng trọ thêm ấm cúng. Đấy như một lễ cầu nguyện trong buồng kín nhưng tuyệt chẳng có ai cầu nguyện. Tiếng của ông đốt sáng thêm ngọn nến, và cũng chỉ ông kéo dài được lửa nến để thứ cỏn con chỉ sáp là sáp kia được ban phước thành ngọn đuốc mạnh, chỉ lối tôi đến đường ngay. Nhà Văn bảo chỗ ở của tôi là một chốn tốt lành. Ông đã cười, và không nhạo gì tôi. Ông chẳng luyến tiếc dĩ vãng, dù vẫn tương tư bằng cách nhìn nhà tôi từ cửa sổ nhà mình. Cũng có thể tôi đã hồ đồ đã vơ lấy ánh nhìn trầm tư của Nhà Văn để ngợi ca, bốc thơm mình thêm quan trọng. “Kể một câu chuyện xem nào?” Nhà Văn nói với tôi. Tôi bỏ lửng vì chẳng nghĩ ra câu chuyện nào, trừ việc tôi đói rách bệ rạc, phải cật lực kiếm từng đồng bón cho cái bao tử háu đói.

Cười. Mỗi lúc chào hỏi hoặc trò chuyện ông luôn cười. Vẻ mặt ông tươi tỉnh, giọng không to nhưng ấm. Lâu lâu, tôi lại thấy Nhà Văn trên tivi. Chương trình dưới lăng kính nhà văn, ông là khách mời thường xuyên. Chủ đề thường xoay quanh các mâu thuẫn trong cuộc sống, từ nhà ra phố và từ phố lội vào nhà. Ông nói tốt, hóm hỉnh và biết gây tiếng cười vừa phải. Tiếng cười của Nhà Văn cùng người dẫn chương trình luôn tương tác với nhau, không ai cười to hơn ai và không ai cười sau ai. Tôi không chắc ông đang gượng gạo, hoặc vì lý do kịch bản nên lèo lái cảm xúc mình bài bản như diễn viên có nghề. Có khi tôi quá khắt khe, hay còn chưa phân biệt được giữa phim ảnh và đời thường? Mỗi lần kết thúc chương trình, Nhà Văn lại giơ tay vẫy chào. Cái bàn tay không vẫy, mà giơ thẳng xòe phủ ống kính. Không thấy mặt ông, chỉ nhìn thấy tay ông. Một bàn tay thô ráp với những đường chỉ tay mờ mờ, đứt quãng.

Cuốn sách trước của Nhà Văn tôi vẫn giữ. Sách được viết trong sáu tháng. Thêm sáu năm trôi nổi và chìm lặng trong bạt ngàn những cuốn sách. Sách cũ rích, nhàu, có mùi ẩm vì bảo quản không tốt. Giấy Vô, sách của ông, giọt ký ức không lưu chuyển một quãng đời Nhà Văn. Mọi cuốn sách thường ghi thể loại ngoài bìa, riêng cuốn này thì bỏ trống dòng đấy. Cũng chia đoạn, cũng chương hồi, cũng nhiều nhân vật nhưng không có vai chính hoàn toàn. Một tiểu thuyết hoặc bán tiểu thuyết. 500 trang sách, con số vừa vặn cả cho những con mọt lẫn kẻ cà kê một cuốn sách cả năm trời mới xong. Đây là cuốn sách ông không muốn nhắc đến. Ông còn từ chối kí lên sách. “Qua rồi.” Ông nói. Trong cuốn đấy, tôi nhớ nhất một chương viết về nhóm người tìm kiếm Phượng Hoàng. Một gã tướng cướp, một chàng sinh viên với một nhà sư thế quái nào lại đi cùng một con thuyền. Đủ thứ chuyện xảy ra, thế rồi tất cả chết hết. Những cái chết nối đổ, bài bản như chiến dịch diệt chủng.

*

Đốt một điếu thuốc, tôi chống tay lên trán.     

Tôi có gia đình và độc thân từ trong trứng. Cha mẹ, anh chú, cậu dì tôi còn sống và khỏe hơn tôi. Lâu lâu tôi vẫn về thăm gia đình. Một chuyến tàu khuya, rồi thì tôi trở về khu nhà chật như nấm mồ. Người nhà luôn toan tính các phần đất được chia khi có khách mua. Mấy thế hệ sống bám đất và thanh trừng nhau. Quây quần là trò trí trá. Người trong khu nhà hằm hè nhau từ việc xỏ nhầm dép, đi nhầm giày, cầm nhầm chìa khóa. Một ông bác đã ra đi vào một ngày tháng năm. Ông chú tôi ra đi cũng vào một ngày tháng năm. Ông bác vào quan tài. Ông chú tôi cắt tóc và bắt đầu đời tha hương. Cũng trong tháng năm, tôi ra đời. Ngay lúc nặn thành tôi, Chúa đày tôi thế chỗ một bào thai đã chết. Người đã ruồng bỏ tôi. Tôi thoát ly khỏi gia đình nhưng vẫn bám họ mỗi khi khó khăn về tiền. Tôi không cần món hồi môn quá hậu hĩnh. Sum họp gia đình là thứ xa xỉ. Một con toán nhiều cách giải nhưng cách nào cũng sai vì lạc đề và vì đề toán hỏng ngay từ trong đầu. Ngoài những cuộc ăn vào ngày giỗ, họ giao tiếp bằng mặt nạ. Cú lừa trắng trợn khi sống với nhau, ai nấy đều hằn học, giết nhau nghìn lần trong tưởng tượng. Anh em là những tên hèn, tôi cũng hèn. Cha tôi thường mách các bác, chú tôi cầm dao đâm chết nhau nếu không ai nhẫn được ai. Thằng chết, thằng đi tù, tao nhẹ nợ…Lời chọc vào óc tôi thơ ấu và khắc sắc vào tôi đến giờ phút này. Gia đình tôi là một đấu trường, các phe nhóm mạt sát nhau, giành ngôi Gia Đình Văn Hóa. Đấy là chuyện trong nhà. Ra ngoài, bọn họ ngoan như mèo thiến. Những viên chức ăn lương Nhà Nước, luôn ngoan ngoãn vẫy đuôi theo ngón tay lãnh đạo. Ổn định là mỹ từ ngu xuẩn và ngu xuẩn hơn nữa là miếng thịt rán biên chế. Thế hệ trước, phụ huynh tôi từng bất chấp để được một sổ hưu bố thí. Ông chú tôi bảo rằng đói khát giết con người thành chó săn. Các anh tôi ghét sách, coi đấy như táo bón. Người anh còn đọc thì chỉ chịu sách trinh thám, kinh dị nửa mùa. Được Kết Nạp, anh nâng tầm mình bằng cách đọc Tam Quốc Chí, Binh Pháp Tôn Tử, Đông Chu Liệt Quốc, Triết học Marx là sách gối đầu giường của anh, một Vệ Binh thời kinh tế, anh cả trong mọi anh cả. Các anh tôi sành ăn, sành nơi chén đàn bà giá phải chăng. Chuyện xã tắc viển vông trong thời bình. Thông tin từ báo chí Chính Thống luôn đáng tin. Những gì là cặn, bê bối, mang tính phá hoại xuất xưởng từ những tổ chức đi ngược đường lối hòa bình. Sự thật ở đấy. Sự thật chiếu ra pháp trường. Đấy là chuyện người ta…Họ nói thế đấy. Phận con sâu cái kiến…Tiếng họ, tôi lặp lại. Rõ là họ đã nhận mình bé nhỏ trong xác côn trùng nhưng sao đột ngột vươn thành beo, hùm khi ai đấy trong gia đình xúc xiểm, hoặc chạm đến phần hương hỏa mà họ vẫn luôn toan tính phải được hơn. Trong lòng họ X. trồi ra một thế hệ Y. Thằng chết, thằng đi tù, tao nhẹ nợ…Tiếng chặt thẳng băng khi không ai còn chịu ai. Không có cuộc chém giết nào, họ lại rủa nhau, ngày này qua năm khác, tôi ớn lạnh, thấy buồn nôn nhưng không thể nôn, móc họng sâu đến mấy, mắt trợn trắng chỉ khạc ra nước bọt. Buồn nôn. Mắc mửa. Nhìn đâu cũng thấy dòi bọ đục khoét thịt da. Mấy đêm liền, tôi mơ thấy mình cưới một phụ nữ không đầu, đẻ ra cái đầu trẻ con, miệng đầy răng, răng sắc như cá hổ. 

Tôi chạy trốn khỏi gia đình, tưởng thế là xong.

Nhưng tôi cần tiền. Từ bé tôi được dạy rằng Tiền là trò chơi thuốc độc và không gì trên đời chính nghĩa bằng tiền. Ai cho tôi tiền thì đấy là quân tử. Xòe tay, hứng lấy những đồng bạc để thoát kiếp mạt rệp dầu chăng nhục nhã. Tôi không ngại nếu người nhà nhổ bọt tôi trước khi buộc phải chia nhỏ hơn số tiền chia nhau bán hương hỏa tổ tiên. Đời tôi đã quá nhiều phỉ nhổ. Mặt mũi tôi đã tan tành bởi đủ dấu gót giày. Một món tiền vừa đủ, tôi sẽ thuê một nơi để chết. Tôi từng nghĩ mình đã xong, đời đã nghẻo. Nhưng chưa… 

Quáng. Tên trong Mọi Cái Tên.

Giấy Vô cứu tôi. Từ sau đấy, đời tôi gắn với nó, Giấy Vô. Tôi sống để đọc, và để cố hiểu, giải mã những chứa đựng trong sách. Tim tôi bị moi sống trong khu nhà chật, đời tôi thành cám lợn bởi những gian dối, bắt đầu từ việc hát và cúi đầu trước di ảnh người chết. Tôi đánh hơi thấy hồn mình đâu đó trong các chương sách. Dường như xác thịt và linh hồn tôi được chia lẻ trong từng đoạn văn, dưới ánh nến lập lòe trong căn buồng mất điện, tôi đọc lại Giấy Vô, nghiến ngấu như đang chui xuống quan tài, lùng xương chính mình.    

*

Ông có hai đời vợ và chưa có con. Một lần, ông kể với tôi về người vợ trước. Đấy là cuộc hôn nhân túng quẫn của Nhà Văn. Thực ra, mọi nhà văn đều đói rách, trừ những văn nhân lấy bút làm súng bắn vào đầu nhân dân để nhặt tiền. Miếng ăn là một ác mộng dai dẳng. Đói khát tàn phá liêm sỉ và vì lẽ đó, ai cũng lấy hoàn cảnh đẩy đưa làm bình phong nhằm bào chữa cho tâm hồn hôi thối của mình. Thời gian chưa nổi danh, ngày ngày ông ăn sách. No sách thì viết thể thao giảm béo. Những bài viết cộng tác, truyện dài kỳ, rồi hàng chồng bản thảo gửi mất tăm. Đấy là giai đoạn nghiệp dư của nhà văn. Một cuộc mày mò không phương hướng trước khi tìm thấy mảnh đất đắc địa để xây nhà. Đói ăn, phải vật lộn viết thâu đêm, ông gầy ngẳng như con ruồi. Bệnh tật chồng nhau, đắp thành thứ thịt da xám xịt. Sự co bóp của đời sống bẻ gập mọi ngọn bút. Ông giữ bút thẳng, ông sống nương vợ. Đấy là chuyện điên rồ nhất, theo ông, là tiếng cười méo xệch mỗi khi nhớ lại. Đọc, rồi phung phí tiền vào những cuốn sách cũ nát nơi vỉa hè. Tiểu thuyết, triết học, trường ca thơ, nghiên cứu phê bình, lịch sử, tôn giáo…Đủ cả. Không ít cuốn sách ông mua nhiều lần, những sách dịch. Mỗi bản dịch lại ông đều đọc, và đối chiếu lẫn nhau bằng cách đọc song song nhiều cuốn một lúc. Những đoạn dịch lại ông khoái chí đến mức đọc to lên, chỗ nào dịch hỏng, trượt khỏi nguyên tác thì ông gạch chân bằng bút chì, không quên chép lại vào sổ tay, chuẩn bị cho một cuộc tranh cãi sôi nổi trên mặt báo. Số sách trước của ông chất kín nhà. Hết chỗ để sách, ông bán đồ đạc trong nhà. Có lúc ông còn nhét sách dưới gối, trải dưới giường, cất trong thùng gạo, tủ quần áo, xếp lên bàn thờ gia tiên…Mỗi một người theo đạo đều thờ phụng một vị thần. Ông lấy sách làm tôn giáo. Văn Hóa đọc giết đi đói nghèo. Món ngon ních đầy bụng thải thành chất bẩn, còn chữ nghĩa ních đầy bụng sẽ chắp lông vũ vàng Lời ông viết trong sách, tôi dẫn lại. Vai vợ ông gánh mỏi nhừ, rồi gãy gục. Bà ấy treo cổ trên xà nhà. Sau một đêm mái đầu Nhà Văn cháy xém như bị hơ lửa. Ông đã vặt trụi tóc mình. Từ đấy, tóc ông luôn có màu cháy xém. Dù cạo trọc thì khi tóc mọc lại, chỉ vẫn những sợi vàng xém. Tóc khét lẹt, yếu ớt, xổ dài rồi đứt gãy từng mẩu.

“Có lẽ nàng không chết, chỉ ra đi và cắp theo cuộc sống của tôi.” Nhà Văn nói với tôi trong lúc say. Ông kể rằng ngày nào cũng nhìn thấy vợ lơ lửng trước mặt. Người vợ treo cổ trên bàn viết của ông. Cái bàn không đổ nhào, giấy bút còn được xếp ngăn nắp. Thứ lăn lóc là một cái ghế gỗ, nơi lưu lại dấu giày người vợ lúc bước lên, dẫm mạnh rồi kiễng mũi chân, tròng cổ vào sợi thừng, liệng một cú đạp cuối cùng. Xác bà ấy xoay lưng. Lần cuối Nhà Văn ở bên vợ cũng là lúc bà ấy quay lưng khi ông nói về mấy bản thảo. Ông mơ mãi về vợ mình. Người vợ thành ma trong tư thế treo cổ xoay lưng. Lúc bà ấy tìm gặp ông hoặc ông tìm gặp bà ấy bằng sự suy tưởng, bà vẫn quay lưng với ông, tấm lưng sừng sững, nhám mờ như mảnh ván quan tài. Nhiều lúc, ông đã chạy đến trước người vợ nhưng vẫn chỉ nhìn thấy cái lưng cùng mái tóc mệnh phụ búi cao. Có phải bà ấy đã chết trong thế xoay mình nên dẫu hiện về cũng chỉ xoay lưng? Cái thế người vợ treo mình lơ lửng trên bàn viết giáng xuống đời ông như một định mệnh.

Ông không viết được gì kể sau ngày vợ chết. Đến điếu văn khóc vợ cũng phải nhờ người viết hộ. Cuối cùng, ông bẻ bút và tay nải ra đi bằng một chuyến tàu xa. Phải rất lâu sau ông mới viết lại, và nổi danh. Mái tóc ông giờ đen trở lại. Người vợ sau của Nhà Văn rất đẹp, giỏi bếp núc và chiều chồng hết mức. Đấy là sự tái sinh của Nhà Văn ư? Người đời vẫn nói cái gì qua rồi thì thôi, cái gì bỏ được thì bỏ. Tôi thì luôn nghĩ rằng quá khứ như cái xác nhập quan nhưng chưa nhập mộ. Một đoạn trong Giấy Vô ghi rằng: Người trẻ chạy trốn quá khứ, để sống, còn kẻ già ăn bám vào quá khứ, cũng để sống. Cuối cùng thì chẳng ai sống, chẳng ai chết. Tất cả cùng lưu vong phía sương mù…

*

Với Pascal, Con Người vừa là thánh vừa là thú. Với tôi Con Người, lắm khi phải trần ra mới thành thánh, nhưng ai sẽ thành thánh hay đều thú hóa…- Trích Giấy Vô, một dòng rách ra từ một trang như vô vàn các trang bị rách khỏi gáy.

*

Nhà Văn thường thức khuya. Lúc tôi hạ đèn để ngủ phòng ông vẫn sáng. Sau những cơn giật thót mình khi ngủ, tôi bật tỉnh và vẫn nhìn thấy ánh đèn phòng ông. Đêm tắt, ngày lên, vẫn thấy đèn sáng. Chuyện này kéo dài cả tuần, cả tháng và thành từng năm. Không phải đèn ngủ, đấy là đèn bàn, loại bóng có công suất trên 40W. Ông chẳng đãng trí đến mức ngày nào cũng quên tắt đèn. Trong Giấy Vô, có những trường đoạn về đêm. Thức đêm, chứng nhà văn. Bóng tối là môi trường cần thiết để rặn đẻ những đau đáu trong đầu. Giấy Vô bị Nhà Văn chối bỏ. Đứa con bị ruồng rẫy vì phát tích ra chất độc, bằng chứng của tâm hồn nhiều thương tật. Thời gian viết Giấy Vô những sáu năm. Ông tự in, tự tiêu thụ. Chẳng mấy người mua, và còn vứt béng đi vì quá tối nghĩa. Tôi đoán ông đã vứt bỏ cuộc sống đời thường để dồn sức viết. Ngọn đèn thắp sáng cả đêm. Vợ ông khi ấy đang bệnh nặng. Sau cùng, trận ốm đã giết mất đứa con đang thành hình trong bụng vợ. Ngày nhận tin báo tử về đứa con chết yểu cũng là lúc bản thảo cáo thành. À, nếu thế thì có lí do để Nhà Văn vứt bỏ quyền tác giả chứ. Hai đứa con cùng sinh một ngày nhưng một đứa đi vào cõi chết thì đứa còn lại cả đời chẳng có sinh nhật. Cha đẻ nó sẽ không cho phép một cái bánh gatô nhiều tầng cúng trên bàn thờ. Ngày một người vui, người còn lại buồn thì ngày đấy cần xé khỏi lịch.   

Trang thứ… Chương này được chắp nối, nhắc lại ở nhiều chương sau vẫn về đêm. Một anh chàng sống nhiều năm ở khu ổ chuột, bị ngược đãi, mạ lị, luôn phải ăn thức ăn thừa trong thùng rác. Đàn bà tìm đến anh cốt thỏa thú dục. Đám chuột cống giẫm đạp, ỉa đái và giao phối ngay trên người anh. Mùi thịt ôi thu hút loài bọ hung. Bầy bọ chẳng thể lăn anh đi dù là lực sỹ trong thế giới côn trùng. Sau, anh đã bào rách đêm trong khu ổ chuột bằng một ngọn lửa thật lớn. Khu dân cư cháy hết. Người và chuột chạy toán loạn rồi ngã gục trong lửa. Bọ hung bị thiêu cháy trong lúc cố xòe cánh bay. Anh chàng đi trên những mái nhà bốc cháy. 

Tôi thấy dơi treo mình thấy tôi treo mình…Dòng ông viết như dấu phẩy lửng lơ nhiều bất trắc. Tôi đã hỏi ông về câu này. Một cái lặng im. Tôi nói “Ông đã viết.” Ngần ngừ chốc lát, ông gật với tôi. Chúng tôi lảng sang chuyện câu cá. Những chập cười thật xôm khi ông nói từng câu được rửa trong bình nước vối. Tôi chưa quên Nhà Văn đã từng đốt nhà mình. Ngôi nhà cũ, với biết bao sách, bản thảo cùng sợi dây thừng lơ lửng trên bàn viết, nơi vợ ông dùng cái chết thay một cú chí mạng nhằm trừng phạt người chồng vô tích sự thích hủy đời trong giấy bút. Giấy Vô thành tro hết. Ông đốt cháy nhà mình rồi đi trên mái nhà ngụt lửa. Không biết ông có mặc sẵn đồ bảo hộ của thợ cứu hỏa không, hay khi lửa cháy cao ông đã ở trên mái nhà. Đi hết mái nhà mình, rồi nhảy phốc sang mái nhà bên cạnh, leo qua đường ống hoặc bám ban công, trèo lên nóc nhà lân cận trong lúc biển lửa đang sôi sục, đổ trào phía sau như nham thạch.

Nhà ông xây bốn tầng. Tôi thuê nhà để ở. Những công việc tạm bợ, thời vụ và thay đổi liên tục. Tôi thường xuyên phải cắt bữa, vay mượn khắp nơi để sống cầm cự. Gia đình giảm tiền gửi cho tôi sau khi biết tôi bỏ ngành. Chuyện tình của tôi chẳng đến đâu. Tình yêu biến thể nhanh như nước kết băng tan chảy hóa khí. Các cô nàng lần lượt vứt tôi khỏi đời. Lí do không bởi cái nhà quá tồi tàn, rách nát hoặc tôi đã không thủy chung, sớm cạn lửa đam mê. Tiền nong không đáng bàn vì ngay cả khi tôi vất hưởng, lăn lóc hết việc này đến việc kia nhưng không bao giờ ngồi không và dù tôi bạc đãi mình nhưng chưa bao giờ rẻ rúng người tình bằng cơm cá gỗ. Giấy Vô là lí do. Mọi cô gái đều dị ứng khi tôi quá sa đà vào cuốn sách này. Tôi đã đưa cho tình yêu đời mình đọc, nhằm san sẻ mối ưu tư. Các nàng ngáp dài, rồi thì cứ nhìn chằm chằm trang giấy dù chẳng bỏ vào đầu chữ nào. Lúc tôi đọc sách ra miệng, các nàng nàng vờ chăm chú nhưng cũng chỉ một lúc rồi thì tất cả sẽ la toáng, hỏi xin tôi Panadol. Tôi đánh mất phần lớn thời gian để nghĩ ngợi. Những đêm thức trắng làm tôi suy sụp và yếu đi. Chương sách về một kẻ kết hôn với cái bóng mình đã làm tôi trằn trọc suốt. Con người không chỉ có một cái bóng, trừ người chết nhưng một xác chết thì làm gì có bóng…Trích. Ông đã không giải nghĩa giúp tôi. Mọi thắc mắc, trở trăn vẫn của riêng tôi. Rất lâu rồi, ông đã giật Giấy Vô khỏi tay tôi và hỏi lí do có nó. Đấy là buổi gặp mặt đầu tiên giữa tôi với ngài. Cuốn sách này có bày bán và tôi đã mua. Chính xác hơn, tôi đã nhặt được từ một gánh đồng nát. Đáng ra tôi được cho không vì nhiều lần biếu không bà đồng nát các lon bia, vỏ rượu cùng hàng chồng giấy nháp. Tôi bỏ tiền mua sách với giá gốc như một trao đổi sòng phẳng giữa một người chơi sách với một người có sách quý. Nhà Văn chẳng kí tên, và còn nói đã vứt bỏ nó. Rõ ràng, ông đã không trữ lại, dù một cuốn. Những đầu sách ông viết, chẳng điên khùng như Giấy Vô. Cuốn sách này, là sự chấm dứt giai đoạn khốn cùng nhất của Nhà Văn. Với ông, nó chẳng quan trọng gì. Ông lãng quên nó để giã từ gánh nặng một chặng đời. Tôi vẫn thường làm phiền ông bằng cách hỏi về một phân đoạn bất kì trong sách. Câu hỏi khẩn thiết vang mọi nơi dù là nhà tôi, một quán xá vắng vẻ, lúc chạy bộ, ngồi ghế đá công viên, khi tình cờ cùng chờ xe bus hay tại nhà ông, bất kể ngồi riêng với ông hay dùng bữa cùng vợ chồng ông. Mọi tươi vui của Nhà Văn sẽ lơ đi nếu tôi hỏi mãi một câu hỏi. Những buổi hòa nhạc, chuyến du lịch dài ngày của vợ chồng ông luôn gián đoạn vì câu hỏi này. Lúc tôi mở các chương sách, chỉ trỏ các câu văn quá tù mù, hoặc một tình tiết rối rắm như vò tơ, ông cũng ngó đọc. Mắt ông đảo nhanh, chậm lại rồi khựng chốc lát. Nhà tôi chật, lại nhiều đồ đạc, vào độ hè nắng nung nhừ mái tôn và hấp hơi cả tầng nhà. Quạt trần quá cũ, cái quạt con cóc thì quá yếu để làm mát dù chỉ một người. Lúc tiếp Nhà Văn, tôi phải mở hết các cửa nhưng rồi lại đóng hết các cửa vì quá nắng. Có lẽ do nể tôi, cũng bởi để làm vừa lòng một độc giả quá khứ, một hàng xóm nhiệt thành thái quá nên nhà văn mới nán ở nhà tôi lâu hơn một tiếng. Mồ hôi ông vã ướt nhẹp. Loại nước hoa Pháp ngấm mồ hôi thành ra xú uế. Các múi thịt trên mặt, ở cổ và cằm ông ướt nhẫy. Nhà Văn vẫn cười với tôi. Tàn cuộc, ông trở về nhà dùng bữa với vợ. Một mâm cơm chiều, rồi sau đó hai vợ chồng cùng ra ngoài thưởng lãm một buổi tối. Đêm, Nhà Văn thắp đèn viết.

*

Tôi tự hỏi mình không biết bao nhiêu lần về việc sa ngã vào Giấy Vô. Trong nhà tôi không có sách. Những tập tài liệu về soạn thảo văn bản, giáo trình word, báo giấy, tạp chí về công nghệ, phim ảnh, những trang người mẫu ảnh được cắt rồi đóng quyển thì chẳng thể gọi là sách. Giá sách chỉ bày các thứ lỉnh kỉnh, từ cái dao cạo râu cho đến mẩu thuốc lá hút dở. Nhà ông thì quá nhiều sách. Tôi chưa một lần được ông hoan nghênh sâu hơn cái phòng khách tầng một. Mỗi nhà văn luôn phải có một gác Tàng Kinh. Hẳn là ông có đến vài tủ đầy ắp sách, chưa kể đến rương hòm. Nhà Văn từng nói trên truyền hình rằng Sách là lương thực ăn mãi vẫn đói. Tôi quan sát Nhà Văn, hoặc chẳng quan sát ai cả. Tất cả cuộc gặp với ông, tôi đã không bày tỏ lòng ngưỡng mộ hoặc nịnh hót nhằm kết thân để tranh thủ tình cảm từ cuốn sách tặng cho đến một bài viết ca ngợi đăng trên trang nhất một tờ báo chính thống. Câu hỏi thường trực của tôi vẫn về Giấy Vô. Nhóm ba người kiếm tìm Phượng Hoàng đã bị ông giết không vấy máu. Nhà sư chối bỏ chức thượng tọa, đốt chùa sau tiếng Phượng hót xuyên tiếng mõ kinh, chàng sinh viên tìm Phượng Hoàng vì di huấn tổ tiên, tướng cướp rong ruổi năm châu với tham vọng uống máu hóa Thần. Tôi đã không đọc thấy một con Phượng Hoàng nào đủ lông, đủ mỏ. Ba người tụ lại thành bạn đường tranh luận không biết mệt về Phượng Hoàng trong mắt. Kẻ viết tưởng tượng và chia nhỏ thứ tưởng tượng cho các nhân vật để cháy vật vã khổ sở. Những dòng viết cuốn tôi vào. Tôi bỏ ăn, bỏ uống vì đọc. Lắm lúc, tôi phải kéo mình thế thân các nhân vật, từ cử chỉ, tiếng nói lẫn sinh hoạt đời thường. Lúc ông viết nhà sư nằm mơ thấy Phượng Hoàng, sáng dậy đũng quần nhầy ướt, tôi đã không biết phải ghét bỏ nhà sư hay Nhà Văn. Những miêu tả về tướng cướp chén óc khỉ khi con vật vẫn sống, nhổ trụi lông chim thiên đường và ngắm nhìn chim nhảy múa đến chết trong vũng máu, bầy người thọc ống thép hút máu lợn rừng không làm tôi vứt sách đi. Giấy Vô nhấn chìm tôi thê thảm. Con thuyền vỡ vụn trên mặt cát sau khi đã lướt biển chán chê. Xác thủy thủ chìm vào cát, và cát lấp loáng như dát vàng, các mảnh thuyền vỡ bị bầy kền kền tha bay đi. Tôi ngập ngụa trong những hàng chữ nổi trên giấy. Tôi có thành một loại kền kền rúc ăn các con chữ được tạo tác bằng bệnh điên. Nhà sư từ bỏ sợi thừng cứu mạng để chết dưới đầm lầy trong tiếng cười reo hả hê. Tướng cướp sau khi đập vỡ tấm gương trong tầng tháp, lăn ra chết. Cuộc sống cuối cùng còn lại nơi chàng sinh viên. Nơi tòa tháp cao, chàng sinh viên nhìn thấy Phượng Hoàng. Mọi cái chết trải dọc đường đi, tiếp lửa cho đôi mắt lờ đờ, kém tinh tường nhất vận mệnh. Đeo chuỗi hạt tràng nhà sư vứt lại, cầm thanh kiếm gãy đôi, cùng đôi mắt được chữa sáng, chàng sinh viên tiến đến. Chín trăm chín mươi chín bậc cầu thang đã vắt kiệt sức chàng, chỉ còn lại hơi thở ngắn, tàn tạ mà chàng ta cố nắm lấy để trút xuống Phượng Hoàng bằng một cái nhìn vạm vỡ nghìn cân. Lửa ngụt lên…Tro bay trên lửa…Dòng chữ kết liễu đời chàng sinh viên. Tôi đã cố lần sang những chương khác, mong một lần được thấy chàng. Con người này đã hoàn toàn bị xóa sổ. Tôi không thể hiểu được cách giết người này của Nhà Văn, ông điên hoặc ông đang bỡn cợt trong độc ác, dù với người đọc–Tôi hay các nhân vật tưởng tượng, được quyền sống. Tôi đã hỏi Nhà Văn về phần truyện này. Tiếng hỏi vẫn là tiếng hỏi. Còn ông, đã nói với tôi về những thứ khác hơn, bao gồm cả giá cả chứng khoán, dầu thô tăng giảm cùng việc thờ phụng lãnh chúa ở các vùng đất xa xăm.

Giấy Vô, cuốn sách tai ương. Nhà Văn đã quên, tôi thì nhớ. Tôi có là con chuột bới xương để thỏa thú gặm nhấm, bất chấp mình đã trắng trợn lăng nhục ông. Bí mật là điều quý giá. Trao bí mật cho người tin cậy để cả hai cùng cất giữ là điều tốt lành. Một sự nâng giá để khối đen thùi lùi, đè nặng trong ngực sáng thành minh châu. Nhưng nếu bí mật được cạy mở bởi người mình tin và vung vít hết người này đến người kia? Đấy là cách chia chác sự khốn nạn để mua vui vài trống canh. Phản bội. Phải thế là phản bội, hay chỉ là sự bất tín đột ngột một cách vô tư như trẻ con mách lẻo người lớn. Giấy Vô, bí mật đời Nhà Văn. Đấy là điều tôi nghĩ. Và tôi còn nghĩ thêm rằng cuốn sách này là khối độc lớn nhất, khó chạy chữa nhất, đã vỡ tung hủy đi nửa cuộc đời Nhà Văn. Đến bây giờ, ông đứng, đã phục sinh trong cuộc đời mới. Ánh sáng chọn ông hoặc ông đã tìm thấy lửa và thoát kiếp Tối Đen.

   “Kể một câu chuyện đi.” – Nhà Văn nói với tôi.

   “Làm ơn cho tôi biết, vì sao ông viết Giấy Vô?”

   “Kể tôi nghe chuyện của cậu.”

   “Giấy Vô.”

   “Đừng nhắc nữa. Đã xong rồi, bây giờ tôi đã có bao nhiêu sách.”

   “Nói với tôi, Giấy Vô?”

   “Giấy gì? Cái gì Vô, cậu điên mất rồi.”

*

Nhà Văn tiếp tục ra sách. Tôi mua, đọc và gấp ngay lại. Việc đọc của tôi gián đoạn bằng một ngày quăng quật vào mưu sinh, hoặc nối tiếp khi tôi lấy cuốn sách lỗi thời nhất của Nhà Văn, đọc nghiến ngấu như chết đói. Tôi ở đối diện nhà ông, dãy chẵn và dãy lẻ. Sau khi vần chán tôi, người tình bỏ tôi mà đi. Tôi thua cuộc cả trên giường lẫn ngoài chiến trường. Quân phục tôi đã cởi bỏ, tôi rách nát như manh áo ăn mày. Cái nhà thổ tả bốc mùi ẩm mốc của gỗ mọt, xú uế của thùng rác và bụi bặm. Lũ trộm viếng nhà tôi rồi bỏ đi ngay. Đừng cho tôi đã tưởng tượng, tôi còn từng nằm nghe tiếng chân trộm đi trên sàn nhà. Cánh cửa được mở rắc, đẩy khẽ khàng như tiếng gió. Tôi rành tiếng bọn trộm, dù tôi yếu đi nhưng với loại trộm nhãi thì thừa sức vặn cổ. Cuối cùng, tôi nằm im, lắng nghe tiếng trộm lục lọi nhà mình và bỏ về với bàn tay trắng. Tôi cầu tên trộm khuôn đi cái ghế gãy, đống văn bản chất đống nhà cùng mớ áo quần rách tung, hôi mùi chuột chết. Như vậy, nhà tôi sẽ thoáng khí hơn. Cái ví tôi có khi bị lục tung ra, và bị vứt bỏ. Tôi sẵn lòng thắp nến để tên trộm lục hết các ngăn kéo, gầm giường, gỡ từng viên gạch ra. Nếu hắn tìm ra của cải gì, có khi tôi còn nhảy cẫng vì mừng. Cậy họng tôi chỉ có đờm giãi, mấy chiếc răng hôi rình nhưng không chịu hóa vàng để cứu đói tôi bằng một cuộc ngã giá nanh nọc kiểu chợ người. Kiếm được bao nhiêu, tôi ăn sạch, hoặc trả nợ ngày. May rằng cái nhà mốc meo này tôi đã mua được, không thì tôi đã bị tống ra đường và chết dí ở một xó không người. Nào ai ngờ thứ trị giá nhất trong nhà này luôn được tôi giấu dưới gối. Tuyệt nhiên không có một tấm thẻ ATM đầy ắp tiền, vé trúng số, các hóa đơn đòi nợ sẽ được thanh toán trong nay mai…Dưới gối là cuốn Giấy Vô. Sách gối dưới giường của tôi, thứ rệu mục tâm hồn và làm tôi nhưng nhức, bải hoải không yên cho đến giờ phút này. Các đầu sách sau của Nhà Văn tôi biếng đọc. Đúng hơn, tôi ngán ngẩm thứ văn trong sạch, hoàn mỹ, thắp lửa hồng, nung chảy giá băng trong lồng ngực. Giấy Vô nhiều đường quăn, gấp và nát theo ngày tháng. Chương cuối cùng của sách đã xong nhưng nếu rà soát tổng thể thì đấy như phụ lục. Câu hỏi nối câu hỏi tràn cung mây. Dở dang, chưa có sự chấm dứt thật sự. Quá nhiều manh mối đánh đố cuộc kiếm tìm mãi thất bại. Tôi từng ngờ vực về việc in sai số trang, Nhà Văn vì viết nhọc đã quên béng một số tình tiết và nhân vật bị bỏ xó, cô độc trong lãng quên. Sách này như cuộn len rối bùng nhùng, cuốn tâm trí tôi vào thành một sợi trong vô vàn các sợi dài ngẵng nhưng chẳng đầu chẳng cuối. Ôi, các ô trống mê hoặc tôi như hương hoa nắp ấm. Đọc như say thuốc, tôi mải mê tìm kiếm, quên béng rằng mình muốn quên đi mọi chuyện.

Nhà Văn đòi hỏi ở tôi một câu chuyện, còn tôi vẫn chỉ luôn có một câu chuyện duy nhất: Sách một thời của Nhà Văn, Giấy Vô.

Tôi đọc được sự điên cuồng trong sách. Kẻ viết văn điên loạn, kẻ viết văn loạn trí. Nhà văn tầm là những kẻ bất phục tòng lễ giáo, sẵn sàng xé tung mọi quy củ, nhảy qua đầu các tiền bối, xô đổ cả tượng thánh lẫn bia thần cây ma, thay vì phụng Chúa, kẻ viết đứng trước Chúa, đối đầu với Chúa vì cơn điên lý tưởng. Khi nhà văn chịu đi đường thẳng, tuân thủ mọi huấn thị trên biển báo, băng rôn, văn chương chỉ là trò bôi vẽ luộm thuộm. Người bình thường không thể thành nhà văn. Người điên không thể thành nhà văn. Chỉ kẻ cuồng loạn, điên trí tuệ mới xứng vai nhà văn. Văn chương còn gì nếu ngại húc đầu vào mặt người khiến ai nấy đều xây xẩm, chảy máu mũi. Bằng lối kiến trúc hủy tạo, họ vần vò người đọc phải khổ sở, nhiều khi phá nát một mái ấm, tiêu diệt bờ cõi yêu thương để một người vốn ngây ngô, giàu tình thương trở nên quái đản, tuyệt vọng với đời, buồn nôn con người nhưng vẫn tin chờ một phép tẩy.

Ngày mưa, Nhà Văn gõ cửa phòng tôi trong bộ dạng lạnh cóng. Ông ướt nhẹp, nước mưa vò nhàu ông thành miếng giẻ, miệng ông sặc sụa mùi rượu. Hôm đấy ông đã không về nhà. Vợ ông có nhà và luôn đợi một cú điện của ông để mở cửa, pha nước gừng giúp ông giải cảm. Một mâm cơm chờ sẵn ông. Bàn ăn sẽ có hoa, có nến nếu ông muốn. Khi mưa vẫn rồ dại ngoài kia, ông chọn nhà tôi làm mái hiên. Nhà Văn dường như đã quá chén. Mưa lạnh giải rượu và thay vì mất trí vì men say, ông loạn óc vì bệnh cảm lạnh. Chính lúc đấy, ông đòi xem Giấy Vô. Nhà Văn làu bàu, lật mãi, lật mãi sách. Tôi chẳng hé lời, còn ông lâu lâu lại ho khan, trút xuống một tiếng hắt hơi. Cuốn sách cũ nát, thêm nhàu nát. Một trang rách ra trong lúc lật giở. Quỷ mới biết ông tìm gì trong đấy. Sách ông viết kia mà, chẳng lý gì không không nhớ những hàng chữ được nuôi trong đầu mình. Mùi gỗ cũ khiến ông hắt hơi. Cửa nẻo đã được khóa, mưa đã không thể chạm vào ông. Dư âm của mưa lạnh hẵng còn, hoặc do rượu đã hoành hành, khiến dạ dày ông quặn thắt lại. Mặt mũi ông trắng bệch, đôi mắt lờ đờ điên dại. Tiếng răng va vào nhau do ông lạnh hay vì một ý nghĩ tăm tối không thể dốc ra, đành nghiến răng. Cuối cùng, tôi đành đốt nến. Tôi nhỏ nến, dựng đứng cây nến trên bát sứ và đẩy ngọn đuốc tí teo gần trước mặt ông. Nhà Văn im lặng đọc cuốn sách từng dìm đắm đời mình. Tôi im lặng quan sát nhà văn, những suy nghĩ bủa vây tôi dày hơn trận mưa, dày hơn bóng tối và kéo dốc thăm thẳm.

   “Kể…”- Nhà Văn nói.

   “Tôi chẳng biết kể gì.”

   “Cứ kể cái gì đó về cậu cho tôi nghe…”

   “Tôi không biết phải kể gì, ngược lại, tôi muốn nghe lời vàng ngọc từ ông.”

Sau đó, tôi sục sạo trong bếp, đun nước sôi pha ít trà cám xin được ở quán vỉa hè.

“Đèn nhà ông sáng mỗi khuya. Nhiều khi rạng sáng, trở về nhà khi mệt lử tôi vẫn thấy đèn phòng ông sáng. Những trang sách tốt nhất được ra đời thế này ư? Viết trong bóng tối để làm sáng cuộc đời.” Tôi nói vậy, chột nghĩ người viết đã thỏa hiệp với bóng tối mong vấy lên giấy những tăm tối của số phận. Biết bao đêm dài mới dệt thành một cuốn sách. Lạ thay, sách của ông chỉ giở thấy mặt trời, những cánh hoa thơm mùi mực nở tóe, vàng ruộm cả sau hoàng hôn. Ngọn núi lừng lững trước mặt tôi. Tôi chối việc leo núi để nhấm nháp những dư thừa của hầm mộ. Giấy Vô đời ông hay sự thiếu sót của đời tôi. Nhà Văn đã quên ác mộng này, còn tôi thì trơ trẽn ôm chặt, biến thứ sách cũ này thành tấm ván cứu mình khỏi chết đuối. 

“Không đâu, viết ngàn trang giấy vẫn trắng và đục, màu của vỏ cây sâu ruỗng.” Cơn say, Nhà Văn nói bằng tiếng rượu “Ngòi bút nhiễm mật ngọt.” Trong Giấy Vô không có câu này. “Tôi đã trở thành ai đó hay ai đó đang thay thế tôi?” Rồi ông ôm đầu, chạy ra cửa giữa cơn mưa tầm tã tối đen đất trời, tôi lấy bút ghi dòng nói say của ông vào phần giấy trắng cuối sách. 

Ngày hôm sau, trời nắng. Một trận nắng to kéo dài từ sáng sớm đến chiều muộn. Cả ngày hôm đấy tôi không ra khỏi nhà. Ông cũng không đi đâu, hoặc khi tôi rời mắt khỏi cổng nhà ông thì ông ra ngoài. Tôi nằm ngủ, mắt tôi trợn trừng còn đầu óc vật vờ đẩu đâu. Những ngày sau, tôi ít gặp ông, phần vì tôi lăn lộn mưu sinh, còn cửa nẻo nhà ông vẫn im ỉm. 

Mỗi khuya, tôi nhìn đèn phòng ông để dỗ mình ngủ sớm. Ánh đèn thắp từng sưởi ấm tinh thần tôi quên đi những ngang tàn đã vò mình tả tơi bỗng nhiên trở nên nhợt nhạt. Ánh đèn ngắn đi, nhỏ dần, mờ tỏ theo thời gian rồi không thấy bật nữa. Tôi cứ đợi mãi ánh đèn từ cửa phòng, ngày cũng như đêm, nhưng cửa phòng ông đã sập vào bóng tối. Một khuya nọ, trong lúc châm thuốc, tôi sơ ý làm lửa liếm bỏng ngón tay. Điếu thuốc cháy rực rơi xuống, chấm xuống Giấy Vô, gặm một lỗ thủng khét lẹt, mùi giấy cháy khen khét như nung cốt. Tôi không dập lửa, cứ vậy nhìn những tàn lửa vỡ vụn trong màn khói kéo nghi ngút.

Tru Sa.