Trùng Dương: Cây đèn kéo quân

Nhân Ngày của Cha (Father’s Day) CN 16/6/2024.

Không đứa nào trong lũ anh chị em sáu đứa tụi tôi tin vào tai mình khi cha tôi nói ông sẽ làm cho chúng tôi chiếc đèn kéo quân cho Tết Trung thu năm ấy.

Chúng tôi đã quá quen với hình ảnh một người cha bận rộn, nghiêm khắc, lầm lì, ít nói cười, trừ vào dịp Tết Nguyên đán mà mọi người tin là nếu không tươi cười vui vẻ vào ngày đầu năm thì sẽ “dông” cả năm, làm ăn khá khó, và đó là lúc duy nhất cha con chúng tôi có dịp trò chuyện cởi mở với nhau chút đỉnh. Bởi đó khi nghe cha tôi nói sẽ giúp chúng tôi làm một chiếc đèn kéo quân tôi vừa ngạc nhiên vừa sung sướng — sung sướng vì thái độ cởi mở khác thường của cha tôi và ngạc nhiên vì biết cha tôi cũng biết làm đèn mà lại làm tới cái đèn kéo quân lận, một cái đèn khó làm và ngoài tiệm bán rất mắc, và chưa có Trung Thu nào mà anh em chúng tôi dám mơ tưởng mình sẽ được sở hữu một cái. Để thỏa mãn nỗi thèm khát đó chúng tôi thường la cà những nơi bán bánh nướng, bánh dẻo, đèn trung thu đủ kiểu, cũng như những con giống đủ màu sắc để ngắm những cái đèn kéo quân mà chúng tôi cho là rất tài tình vì không thể hiểu được do đâu mà những hình người và thú lại có thể nối nối đuôi nhau chạy quanh ngọn đèn được như vậy. Sáu, hơn tôi 2 tuổi, nói chắc phải có máy ở bên trong, nhưng tôi đã để ý nhiều lần xem máy nằm ở đâu bên trong đèn mà không thấy.

Thế nên phát giác về việc cha tôi biết làm đèn kéo quân có lẽ là một ngạc nhiên lẫn niềm hạnh phúc lớn lao nhất với tôi.

“Trước hết, thằng Sáu đi kiếm tre nứa, giấy bóng trắng mờ, chỉ và giây thép…” cha tôi phân công.

“Thế còn cái máy thì sao, hả cậu?” tôi hỏi, nhớ đến lời Sáu.

“Máy gì?”

“Cái máy để làm cho hình nhân quay đó mà. Anh Sáu nói phải có máy mới chạy được.”

“Tao nói bao giờ? Tao chỉ đoán thôi chứ bộ,” Sáu cãi.

“Đâu cần máy,” cha tôi nói.

“Vậy làm sao hình nhân quay?” tôi thắc mắc.

Cha tôi không phải là loại người nói mà là loại người làm. Có lẽ chính ông cũng chẳng biết giải thích ra sao cho chúng tôi hiểu cái ngón làm đèn kéo quân mà ông đã học được có lẽ từ thời niên thiếu ở quê nhà ngoài Bắc.

“Từ từ rồi tụi bay sẽ thấy. Hình nhân sẽ quay như con đồng, cái đó mới tài tình. Giờ lo đi kiếm tre, giây và các thứ vật liệu này khác… Đứa nào chạy vào hỏi mợ mày xem mớ tre chẻ lạt gói bánh chưng cho Tết rồi để đâu, đem ra đây. Còn thằng Sáu lo chạy đi mua giấy bóng trắng mờ…”

“Tại sao không phải là loại giấy bóng kính đỏ, hả cậu?” tôi rụt rè hỏi, chỉ sợ cha tôi bực mình.

“Con này ngu quá. Dùng giấy bóng kính thì làm sao hình nhân in bóng lên đấy được,” cha tôi nói. “Với lại tao chưa thấy có cái đèn kéo quân nào làm bằng giấy bóng kính hết. Hồi xưa người ta dùng giấy bản.”

Tám ôm mớ tre dùng để chẻ lạt gói bánh chưng năm rồi còn dư ra cho cha tôi. Cha tôi bắt đầu chẻ tre ra thành từng cây que dài độ tám chục phân, rộng và dầy độ nửa phân. Ông dùng chỉ cột những thanh tre lại thành bốn hình vuông, xong cột những hình vuông này lại thành một khối vuông vức.

Trong khi chờ Sáu mang giấy bóng về, ông với cái điếu bát, vê những sợi thuốc lào thành một viên nhỏ bỏ vào nõ, xong kê đầu se điếu vào một cái lỗ nhỏ nằm bên nõ, đầu kia ông ngậm nơi miệng. Dùng một cây đóm châm lửa từ chiếc đèn Hoa kỳ luôn cháy ngọn li ti và đốt viên thuốc lào nằm gọn trong nõ, rồi cứ thế ông rít từng hơi dài trong khi ngọn lửa nhẩy bập bùng như đùa nghịch trên nõ và nước trong nõ réo lên sùng sục. Xong ông thở ra một cuộn khói dài như khói của cái đầu tầu xe lửa. Tôi thường thích ngắm cha, và cả mẹ tôi nữa, hút thuốc lào, mặc dù thỉnh thoảng mẹ tôi say thuốc lào làm tôi sợ muốn khóc. Xong màn thuốc lào, cha tôi đứng dậy đi rót một ly nước trà tươi Blao và súc miệng sùng sục xong nuốt chửng. Cùng vừa vặn Sáu mang giấy bóng về tới. Cha tôi trở lại chỗ làm đèn với đám khán giả nôn nóng gồm sáu anh chị em tôi.

“Tại sao cái đèn lại có hình khối vuông hả cậu?” tôi lại rụt rè lên tiếng hỏi. “Con tưởng phải hình ống mới đúng chớ…”

“Tại khối vuông dễ làm,” cha tôi đáp gọn lỏn trong khi cắt giấy bóng trắng mờ ra làm bốn miếng hình vuông. Rồi như chợt nhận ra đứa nào vừa lên tiếng hỏi câu vừa rồi, ông nói, “Ơ, sao cái Bảy còn ngồi đây? Sao không lo vẽ hình để là hình nhân đi? Mày vẽ được gì thì vẽ đi chứ còn chờ gì nữa?”

“Tại con không nghe cậu bảo gì cả. Con sẽ đi lấy giấy bút vẽ liền,” tôi đáp với hai cánh mũi phồng to vì mối hãnh diện được cha tôi giao phó cho một công việc quan trọng bậc nhì trong việc làm đèn. Phải, không quan trọng sao được bởi vì cái đèn đâu còn có thể gọi là đèn kéo quân nếu thiếu những hình nhân. Và cha tôi giao cho tôi công việc tạo cho cây đèn một sự sống động vì ông biết chỉ có tôi là ham vẽ và có hoa tay vẽ (tôi thường tẩn mẩn tìm trên mười đầu ngón tay xem cái gọi là “hoa tay” ấy ở đâu mà chả thấy đâu cả).

Tôi ham vẽ ngay từ khi biết cầm bút viết và thường phóng tác những chuyện đã đọc được hoặc những phim đã xem. Độc giả của những truyện bằng tranh của tôi là đám bạn học cùng lớp. Vì ít khi có giấy trắng dư để vẽ, tôi xoay ra cho các bạn tôi “mướn” truyện bằng cách, thay vì trả tiền để được đọc truyện của tôi, chúng phải nạp giấy trắng xé từ vở của chúng ra. Có vài đứa bạn bỏ tiền ra để mua đứt một cuốn truyện bằng tranh nào đó của tôi, và tôi dùng tiền bán truyện đó để mua giấy vẽ truyện nữa. Tôi mê vẽ truyện nên chẳng hề quan tâm đến việc bán đứt một tập truyện, miễn là tôi có tiền mua giấy vẽ và viết nữa. Cha tôi không bao giờ nói ra niềm hãnh diện của ông về tài năng của tôi, hoặc có lẽ ông cũng chả buồn lưu ý tới cho đến khi có một hai người bạn của ông đến chơi thấy tôi ngồi vẽ, đã xem và khuyên ông nên cho tôi theo học vẽ. Tôi được cha tôi cho tiền theo học đâu được một hai khóa vẽ, nhưng khi tôi thi xong cái Tú tài II và thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ Thuật Gia Định, thì ông lại chính là người ngăn cản không cho tôi theo học để trở thành họa sĩ vốn là giấc mộng đầu đời của tôi. Với ông, họa sĩ là một nghề chết đói, và nhất là không thích hợp với đàn bà con gái. Sự ngăn cảnh ấy, trên một khía cạnh nào đó, không hẳn là một điều dở. Sau khi ôm mối bất đắc chí lang thang qua các phân khoa Văn, Luật rồi Kiến trúc, mỗi nơi học đâu được hai năm, tôi ra trường theo chiều ngang–“sortie laterale” là danh từ của các sinh viên Kiến trúc hồi đó dành cho những sinh viên bỏ ngang việc học–bằng nghề viết văn và làm báo, là ngành đã giúp tôi mở rộng kiến thức và tầm nhìn hơn.

Tôi tiếc rẻ vì không được theo dõi tiếp cuộc làm đèn. Tôi đi kiếm bút chì và bìa, ngồi vào bàn và bắt đầu suy nghĩ xem nên vẽ gì. Tôi suy nghĩ lung lắm. Ít lâu nay tôi có khuynh nhướng say mê sáng tác truyện đường rừng, song nếu đưa các nhân vật đường rừng của tôi vào đèn kéo quân xem ra không ổn vì các em tôi còn nhỏ, không thưởng thức nổi và tôi sẽ phải mất công giải thích, mất hay. Cuối cùng, tôi đi đến quyết định vẽ lại các nhân vật cổ tích thần thoại như cô bé Lọ Lem, công chúa ngủ trong rừng, nàng Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn, dựa vào hình hoạt họa của Walt Disney. Và thế là tôi phóng bút vẽ. Chẳng bao lâu tôi đã vẽ đầy mấy trang bìa. Tôi cắt những hình cao không đến một tấc đó và đem đến chỗ cha tôi đang làm đèn.

Lúc này cha tôi đã hoàn tất phần dán giấy xung quanh cái khung đèn, và ông đang làm đến phần chính của đèn, đó là cái trụ đèn. Ông khoanh tròn hai khúc giây kẽm thành hai vòng tròn đường kính khoảng hai chục phân, xong ông đặt hai vòng tròn đó cách nhau khoảng độ 15 phân và khéo léo cột chúng xung quanh một trục bằng kẽm cao bằng chiều cao của khung đèn. Trục này có thể được gỡ ra khỏi đèn khi cần.

Trước khi trao cho tôi phần vụ dán các hình nhân xung quanh hai vòng tròn bằng giây kẽm, cha tôi trắc nghiệm công trình của ông bằng cách đốt một cây nến và đặt nơi dĩa đèn được cột nơi hai cây tre bắt chéo nhau nơi đáy đèn. Hơi nóng từ cây nến bốc lên làm không khí trong đèn chuyển động, từ từ hai vòng tròn bằng giây kẽm chuyển động quanh trục. Cha tôi có vẻ hài lòng.

“Rồi đó. Giờ chỉ còn việc dán hình nhân lên hai vòng tròn,” nói rồi, cha tôi thổi tắt nến, gỡ trục ra khỏi đèn và giao cho Sáu, dặn: “Thằng Sáu cầm trục thẳng đứng cho em mày dán hình nhân lên. Đừng dán nhiều quá, trục nặng quay không nổi.”

Trong khi cha tôi tự thưởng thêm cho mình thêm một điếu thuốc lào và một ly nước trà tươi nữa, chúng tôi loay hoay chọn lựa xem nhân vật thần thoại nào sẽ được đưa vào đèn, nhân vật nào sẽ bị loại. Xong, tôi làm cái công tác dán các hình nhân đã được chọn lựa lên hai vòng tròn với tất cả sự cẩn trọng.

Cuối cùng, cây đèn hoàn tất, không giống bất cứ cây đèn kéo quân nào khác, nhưng độc đáo vì là công trình của cha con chúng tôi. Cây nến được thắp lên, hai vòng tròn dán đầy hình nhân từ từ chuyển động quanh trục đèn, không nhanh, nhưng vừa đủ để người xem nhận diện từng nhân vật hoạt họa của Walt Disney hoặc nhân vật thần thoại của Christian Hans Andersen khi ánh sáng từ cây nến hắt bóng các hình nhân lên bốn mặt phủ giấy bóng trắng mờ của cây đèn. Này đây cô bé Lọ lem đuổi theo cỗ xe, bỏ lại chiếc giầy bằng thủy tinh mà vị Hoàng tử đang cúi xuống lượm; này đây cỗ xe đuổi theo vị Hoàng tử cưỡi ngựa tiến về phía chiếc giường nơi công chúa Bình Minh đang ngủ giấc ngủ trăm năm; này đây cô công chúa Thủy Cung nửa người nửa cá ngồi hát trên mỏm đá, mái tóc dài lượn cuộn với sóng biển, mặt nàng hướng về phía con tàu có vị hoàng tử cô phải lòng, vv… được dựng lên sống động. Lũ anh chị em chúng tôi ngồi ngắm đến quên cả ăn.

Đúng ngày Tết Trung thu, cây đèn được treo trên lầu, ngay trên bàn học đối diện với hai khung cửa sổ lớn chiếm nguyên chiều ngang khoảng ba thước của ngôi nhà gỗ ọp ẹp đầy mối, rệp và chuột. Từ dưới con hẻm rộng khoảng hai thước trước nhà ngó lên, người ta có thể thấy cây đèn kéo quân của cha con chúng tôi. Giá cái đèn có hình ống thì thật toàn hảo – nhưng tôi tự nhủ khi ngắm cây đèn, thôi vậy cũng tốt chán, cũng đẹp chán. Từ đầu hẻm đến cuối hẻm, đã có bọn trẻ nhà ai có được cái diễm phúc như tụi tôi, là được cha chúng cất công ngồi chẻ tre, cắt giấy, khoanh giây kẽm làm cho cây đèn kéo quân đấy, mà hòng. Mà dẫu cho có làm được đi nữa thì chúng cũng đâu có người vẽ cho những hình nhân để mà dán lên bên trong và tạo cho cây đèn sự sống động để xứng đáng với tên gọi là đèn kéo quân.

Tết Trung thu năm đó, chúng tôi có một cỗ trông trăng cũng như mọi năm, cũng na, chuối, ổi, bánh nướng bánh dẻo, vài con giống nhiều mầu, v.v… Nhưng cái phần độc đáo hơn cả, đáng ghi nhớ hơn cả, là cây đèn kéo quân chẳng giống ai của anh em chúng tôi. Chúng tôi ngả cỗ sớm, để còn kịp dự buổi rước đèn với bày trẻ trong xóm. Rất tiếc chúng tôi đã không thể đem theo cây đèn kéo quân vì loại đèn này để trưng chứ không phải để rước. Trước khi rời khỏi con hẻm nhà tôi, tôi còn ngoái nhìn cây đèn kéo quân treo trên lầu và hài lòng khi thấy các nhân vật thần thoại của tôi vẫn tiếp tục đuổi nhau. Khỏi nói tụi nhỏ hàng xóm đã tỏ sự ngưỡng mộ như thế nào trước công trình độc đáo đó. Lẽ ra phải tắt nến của cây đèn kéo quân đi nhưng chúng tôi tiếc rẻ: chúng tôi muốn tiếp tục khoe với mọi người đi ngang qua con hẻm về cái công trình chung của cha con chúng tôi.

Sau khi rước đèn chán chê, chúng tôi trở về nhà. Một cảnh nhộn nhịp khác thường đang diễn ra trong nhà tôi. Mẹ tôi và chị người làm chạy lên chạy xuống cầu thang như gà mắc đẻ, tay bê từng thau nước đầy lên lầu rồi thau không khi trở xuống. Chúng tôi ngơ ngác không hiểu có chuyện gì đang xảy ra.

“Đứa nào để đèn cháy trên lầu?” Mẹ tôi rít lên khi vừa thấy mặt tụi tôi.

“Đâu có ai để đèn. Tụi con tắt hết rồi mà. Mợ dặn phải tắt hết đèn mỗi khi xuống nhà cho khỏi tốn điện và tụi con đã làm như lời mợ dặn…” tôi đáp, và thêm: “Chỉ chừa có mỗi cây đèn kéo quân…”

“Chỉ chừa có mỗi cây đèn kéo quân!” Mẹ tôi trợn ngược đôi mắt làm tôi phát hoảng, nhớ đến những lần bà say thuốc lào. “Con cái nhà ai ăn gì mà ngu quá thế không biết!?! Không có chị Tý ở nhà và tao không về kịp để tiếp tay thì tối nay cả xóm có nước mà ra đường ngủ, không có đến cái khố mà thay chứ đừng nói chuyện! Đèn với chả đóm! Cái thằng bố mày, đúng là thứ đầu têu, chả được cái tích sự gì!”

“Cái đèn kéo quân!” Tôi la lên, rồi ba chân bốn cẳng chạy lên lầu.

Cái đèn chỉ còn là cái khung méo mó, xô lệch và đen ngòm. Giấy dán xung quanh và các hình nhân thảy đều đã cháy ra tro. Chị Tý đang gom tất cả vụn cháy và khung đèn vào một cái thùng dầu bằng thiếc được dùng làm thùng rác. Chưa hết, cái va-li con em tôi và tôi chung nhau đựng quần áo đặt trên sàn gác ngay dưới cái đèn cũng bị cháy xem mất một góc. Chính mùi vải cháy đã khiến chị Tý lúc đó đang ở dưới nhà ngửi thấy và chạy lên lầu xem xét và phát giác ra vụ cháy đèn suýt nữa thì trở thành một vụ hỏa hoạn. Tôi chưa kịp tiếc cây đèn, và có lẽ là không bao giờ dám tiếc. Hai chữ cháy nhà làm tôi lạnh cả người, trốn ngực đánh thình thịch như trống trận. Tôi còn chưa quên lần chết cháy hụt hồi lên sáu tuổi khi chơi trò nấu bếp bằng xăng với Sáu.

***

Đó là cây đèn kéo quân đầu tiên và cuối cùng trong đời tôi. Đó cũng là kỷ niệm duy nhất về sự gần gũi giữa cha con chúng tôi. Tôi không còn nhớ rõ phản ứng của cha tôi ra sao khi nghe kể về vụ hỏa hoạn hụt do cây đèn kéo quân của cha con chúng tôi gây ra. Tôi chỉ nhớ một điều là những năm tháng sau đó, cha tôi lại trở về với con người lầm lì ít nói cười và, theo thông tục, chỉ cởi mở vào mỗi ngày đầu năm vì truyền thống sợ “dông.”

Tuy vậy, cha tôi vẫn tiếp tục dông hết tháng này qua tháng khác, hết năm này qua năm khác. Từ sau khi bán tống bán táng tài sản để di cư vào Nam, thay vì nhận tiền Đông Dương thì cha tôi lại bằng lòng để người mua trả bằng vàng để rồi khi cần tiền đem vàng bán mới hay là vàng giả, từ đó gia đình tôi rơi vào cảnh nghèo túng. Việc làm ăn liên tiếp thất bại đã đẩy ông tới chỗ cờ bạc ngày một đậm, hy vọng một cách hoài công một dịp hên chả bao giờ đến.

Ngày của Cha năm nay, nhân lúc soạn lại giấy tờ tài liệu tích lũy của nửa thế kỷ lập cư tại quê hương thứ hai, tình cờ thấy bản thảo “Cây đèn kéo quân”. Đọc lại, tôi không khỏi ngậm ngùi hồi tưởng lại một thời thơ ấu và rồi trưởng thành nhiều biến động. Thế nhưng giữa những biến động với hai lần bị bật rễ khỏi nơi chốn thân quen, có một ngọn đèn với những bóng hình cổ tích đuổi bắt nhau trong vô tận. Quay quanh ngọn đèn cổ tích ấy, tôi có cảm tưởng nhìn thấy đâu đó nụ cười mãn nguyện của cha tôi.

Trùng Dương [1980, 2024]